Độc đáo liệu pháp rừng

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Độc đáo liệu pháp rừng

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Độc đáo liệu pháp rừng



    Một trang báo bằng tiếng Pháp về lợi ích của cây rừng


    Qing Li, nhà nghiên cứu sinh học Nhật Bản, ghi nhận nhiều lợi ích của liệu pháp rừng (sylvothérapie). Đây là đề tài của nhiều công trình sức khỏe cộng đồng được ngành y tế Nhật Bản đặc biệt quan tâm từ nhiều năm qua.

    Được khoa học chứng minh, từ năm 1927, tắm rừng được xem là liệu pháp khoa học rất hiệu quả trong điều trị bệnh lao, hen suyễn. Trước đây, liệu pháp tắm rừng được đánh giá ngang hàng với liệu pháp ngâm tắm (balnéothérapie) trong các chương trình chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, một thời gian sau, liệu pháp rừng, còn gọi là liệu pháp tắm rừng, dần dần bị mất ưu thế trước liệu pháp biển (thalassothérapie), hay một số liệu pháp sử dụng các kỹ thuật nhân tạo như liệu pháp ánh sáng (luminothérapie), hay liệu pháp phun khí (brumisateur) sử dụng các loại khí dung (aérosol). Thế mà đã 13 năm qua, Qing Li, nhà sinh vật học Nhật Bản, Giáo sư Trường Đại học Y khoa Nippon ở Tokyo (Nippon Medical School), và là nhà sáng lập Hiệp hội Y khoa Lâm nghiệp (Society of Forest Medecine) đã chứng minh tác động có lợi độc đáo của cây cối và rừng đối với sự chuyển hóa của cơ thể về cả hai mặt tâm lý và thể chất. Các nghiên cứu này đã giúp Giáo sư Qing Li trở thành nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về liệu pháp rừng và thu hút sự quan tâm đặc biệt trong giới khoa học gia. Sau khi chinh phục Á châu, Hoa Kỳ, liệu pháp rừng bắt đầu lan tỏa đến Âu châu.



    Vào rừng để học hỏi “liệu pháp rừng”


    Tất cả bắt đầu vào năm 1982, khi chính phù Nhật Bản phát động một chương trình nghiên cứu đầy tham vọng về những lợi ích của việc đi bộ trong rừng, một tập tục đã được thực hiện trên quần đảo Nhật Bản từ thời xa xưa. Từ năm 2002 đến năm 2012, chính phủ Nhật Bản đã đầu tư không dưới 4 triệu đô la cho sứ mệnh y tế cộng đồng quốc gia có tên tiếng Nhật là Shinrin-yoku được chính Qing Li dịch ra là “Tắm rừng” (Douche de forêt)!



    Một nhóm các nhà nghiên cứu trong rừng


    Ngâm mình dưới tán cây rừng.

    Hướng dẫn nhiều nhóm thị dân tình nguyện đi dạo tại những khu rừng hay khu vực có nhiều cây cối, Qinh Li đã thu thập nhiều dữ liệu được nghiên cứu một cách bài bản trong phòng thí nghiệm. Kết quả ghi nhận nhiều tác động có lợi của các chuyến đi dạo dưới tán cây rừng đối với những người tham dự thể hiện qua các số liệu phân tích máu và nước tiểu trước và sau cuộc đi dạo. Từ đó, ông đã rút ra được nhiều kết luận đáng kinh ngạc: giảm chỉ số stress, giảm hội chứng trầm cảm, cường độ giận dữ và lo lắng giảm rõ rệt, nâng cao hệ miễn dịch, lượng tế bào tự nhiên chống các bệnh như ung thư tăng cao. Đối với những người bị bệnh tim mạch, liêu pháp rừng giúp điều hòa nhịp tim, ổn định chứng huyết áp cao đạt hiệu quả tốt không thua kém gì dùng thuốc tim hay thuốc huyết áp. Nơi những người bị tiểu đường: giảm tỷ lệ đường trong máu và ngăn ngừa béo phì. ‘Ngâm mình trong rừng’ hay ‘tắm rừng’ là liệu pháp tuyệt vời trong điều trị các bệnh về hô hấp, viêm khớp (arthrose), hiếu động thái quá (hyperactivité), chứng mất ngủ, đồng thời cũng giúp hạ thấp rất hiệu quả việc sản xuất adrenaline và tỷ lệ cortisol, một hormon gây stress do cơ thể chúng ta bài tiết…

    Tác động tích cực của ‘tắm rừng’được ghi nhận từ phút thứ 30 của cuộc đi dạo và đạt mức cực đại vào ngày thứ 2, đặc biệt là nó có thể duy trì ở mức này trong 30 ngày tiếp theo. Nói cách khác, chỉ cần tắm rừng một lần mỗi tháng là có thể duy trì tác động tích cực cũng trong chừng ấy thời gian. Tuy nhiên, cần lưu ý rắng đi dạo trong thành phố hay trong công viên thưa thớt cây sẽ không tạo được tác động tích cực tương tự. Điều cần thiết là cây cối trong khu vực đi dạo phải đạt mật độ dày đặc theo yêu cầu.




    Công dụng chữa bệnh.

    Được thực hiện một cách nghiêm túc, các nghiên cứu của Giáo sư Qinh Li đã dẫn đến sự hình thành 60 trung tâm trị liệu tại những vùng chọn lọc có mật độ cây, chất lượng rừng và vẻ đẹp cảnh quan đúng yêu cầu như thung lũng, suối, núi, thác nước… Dưới sự dẫn dắt của hướng dẫn viên được đào tạo đặc biệt, những người tham gia có thể được trị liệu thời gian ngắn từ 1 đến 2 ngày hay dài hạn nhiều ngày tại một trong số 60 trung tâm trị liệu này tùy theo bệnh trạng. Theo nhà trị liêu thiên nhiên liệu pháp (naturopathe), Laurence Monce, tốt nghiện khoa liệu pháp rừng tại Trường Đại học Turin, Ý, hiện nay Nhật Bản có 2 dạng liệu pháp rừng: một là trị liệu nhẹ nhàng mà cụ thể là đi bộ chậm để điều hòa nhịp tim, hai là phương pháp điều trị tích cực với độ dài và cường độ đi bộ nhanh, mạnh mẽ hơn.

    Một tin vui: Giáo sư Qimg Li vừa thực hiện một quyển sách tổng kết mà nhiều người mong đợi. Đây là 1 trong 3 quyển sách hot nhất trong cuộc triển lãm sách vừa qua tại Francfort. Phải qua cuộc cạnh tranh quyết liệt với 4 đối thủ, nhà xuất bản First mới dành được quyền xuất bản quyển sách này. Marie-Anne Jost, Giám Đốc First, không thể để vuột khỏi tầm tay một thương vụ quan trọng như thế. Marie-Anne Jost cho biết:”Các nghiên cứu của chuyên gia Qing Li đã gây được tiếng vang trong hầu hết thị dân bị căng thẳng vì thiếu tiếp cận với thiên nhiên”. Cuốn sách của Qing Li dự kiến sẽ ra mắt độc giả Châu Âu vào mùa xuân 2018.


    Nạp đầy phytoncide!

    Rừng rất dồi dào phytoncide là những vi phân tử dễ bay hơi từ các loại tinh dầu được cây tiết ra. Những vi phân tử này tác động tích cực đến sự tinh khiết của không khí và đóng vai trò kháng sinh. Hít thở các phytoncide có tác dụng làm cho cơ thể tràn đầy sinh khí và cực kỳ khỏe khoắn.

    Các ion âm quí báu.

    Ion âm là những hạt nhỏ tích điện hoạt động như bộ lọc chống ô nhiễm. Ngâm mình trong rừng cây, gần thác nước, cơ thể sẽ nạp đầy ion âm mang lại sức sống và giúp cơ thể thư giãn.

    Tắm lá cây.

    Laurence Monce, nhà thiên nhiên liệu pháp (naturopathe), khuyên chúng ta nên tắm lá cây thay vì phơi nắng. Trải một tấm chăn ra, rải đầy lá cây lên, nằm lên, rồi gấp chăn bao quanh người tựa như một cái ống quấn tóc. Cơ thể sẽ ra mồ hôi, và đây là một trong những cách giải độc tốt nhất. Sau đó nghỉ ngơi dưới bóng râm…

    Cũng nhân dịp này, phóng viên báo Le Point đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư Qing Li về liệu pháp tắm rừng dưới đây.

    Le Point: Các nghiên cứu của ông được bắt đầu từ khi nào?

    Giáo sư Qing Li: Năm 1982, Sở Lâm nghiệp Nhật Bản (Forest Agency of Japan) đã phát động phong trào ‘Shinrin-yoku”, tức “Tắm rừng”. Ngày nay, hiệu quả của hoạt động này đã được công nhận, đặc biệt là trong lĩnh vực thư giãn và quản lí căng thẳng. Tuy nhiên, tác động tích cực của liệu pháp ‘tắm rừng’ chưa được khoa học chứng minh. Để có những bằng chứng khoa học cụ thể, năm 2004, Bộ Nông Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản đã thực hiện một nghiên cứu trên diện rộng về đề tài này.


    Gs Qing Li bên dòng nước


    Le Point: Thưa Ông tham gia nghiên cứu trên với tư cách gì?

    Giáo sư Qing Li: Tôi là Bác sĩ tại Trường Đại học Y khoa Tokyo, Nhật Bản. Chuyên ngành của tôi là y học môi trường, đặc biệt là miễn dịch học (immunologie) liên quan đến môi trường. Tôi nghiên cứu các ảnh hưởng của hóa chất, stress và lối sống đối với hệ miễn dịch từ năm 1988, và tôi quan tâm đến tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe. Là người phụ trách dự án, từ năm 2004, tôi dành phần lớn thời gian của mình cho nghiên cứu ảnh hưởng của rừng đối với con người.

    Le Point: Vậy nghiên cứu “Tắm rừng” của ông đã ghi nhận được những kết quả khoa học nào?

    Giáo sư Qing Li: Nơi những người tham gia “tắm rừng”, lượng tế bào có khả năng ngăn cản sự phân bào, còn gọi là tế bào chống ung thư tự nhiên (natural killer), cũng như các protein nội bào kháng ung thư (protéine intracellulaire anticancer) perforin, granulysin và granzyme A/B, tăng lên đáng kể. Vì vậy ‘tắm rừng’ có tác dụng phòng ngừa ung thư. Ngoài ra ‘tắm rừng’ còn làm giảm huyết áp và các hormon gây stress như adrénalin, noradrénalin và cortisol. Cuối cùng, ‘tắm rừng’ giúp điều hòa nhịp tim, và có tác dụng phòng ngừa lo âu và trầm cảm.

    Le Point: Theo ông, ở Nhật Bản, những khu rừng nào mang lại hiệu quả tốt nhất cho những người tắm rừng?

    Giáo sư Qing Li: Đó là những khu rừng có nhiều cây bách (cyprès) và cây thông tuyết (cèdres ) của Nhật Bản. Các công viên rừng Akasawa và Liyama ở Nagano, cũng như khu rừng Okutama ở Tokyo… là những tuyến đường tắm rừng tốt nhất trên quần đảo Nhật Bản.

    Le Point: Ông có lời khuyên nào để thị dân tham gia tắm rừng đạt hiệu quả tốt nhất?

    Giáo sư Qing Li: Tôi đề nghị chương trình tắm rừng 3 ngày 2 đêm ngay tại các trung tâm trị liệu. Bầu không khí tĩnh lặng, phong cảnh đẹp, thời tiết ôn hòa, mùi hương rừng đặc biệt, sự tươi mát và không khí trong lành, tất cả đều có ích cho các giác quan và giúp cho cuộc trải nghiệm đạt hiệu quả cao nhất.

    Le Point: Ông có một quyền sách chuẩn bị phát hành…?

    Giáo sư Qing Li: Thật ra, nhiều nghiên cứu của tôi đã được công bố vào năm 2012 tại Hoa Kỳ trong quyền sách tựa đề Y học lâm nghiệp (Forest Medicine) được dịch ra tiếng Hoa và tiếng Hàn. Tuy nhiên, tôi cũng đang chuẩn bị một quyến sách khác sẽ được phát hành trong năm 2018.

    Le Point: Xin chân thành cám ơn Giáo sư.

    Theo Le Point

    Đào Duy Hòa

    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”