Chuyện người ta

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Chuyện người ta

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           



    Chuyện người ta




    Từ đường chính rẽ xuống con hẻm dốc dài lởm chởm đá, chui dưới những tàn cây xanh mướt vươn ra mềm mại, len giữa những gian bán gạo, khô, mắm, muối và lẻ tẻ vài cái quán lá bán cóc, ổi, đậu phọng nấu là ra tới bến đò Vàm Xáng. Khách qua lại lèo tèo, không gian tĩnh lặng, chỉ có sóng đánh oàm oạp vào những dề lục bình tụ lại che kín một khúc sông, lác đác trên cái mảng xanh ngăn ngắt nhô lên vài bông hoa tím buồn xao xác. Tôi đến bến đò vào giữa trưa. Anh lái đò ngồi vắt vẻo cạnh xe nước mía. Mấy người đàn bà chẻ củi, tắm con ở bờ sông tò mò nhìn người lạ. Tôi đúng là một người lạ. Nhìn cách phục sức, điệu bộ, cử chỉ là biết ngay không phải người địa phương. Đò sang bờ. Tôi gọi một chiếc xe ôm, nhờ chở về một địa chỉ ghi trên tấm giấy. “Nhà này là nhà ai vậy anh?”-anh xe ôm hỏi. Tôi đáp: ”Nhà cô Thu.” Anh xe ôm nói: “A, cô Thu ở Hiệp Xương thì tôi biết. Ở nhà quê mà. Ai cũng biết ai, có số nhà là không nhớ.” Tôi hỏi: “Từ đây tới đó bao xa?” “Cũng phải 6,7 cây số.” Gió thổi phần phật, cái áo anh xe ôm căng lên như cánh dù. Anh hỏi: “Anh là gì của cô Thu?” Tôi đáp: “Chẳng là gì cả.” Nói xong câu đó tôi thấy mình có chút gì điên khùng. Tại sao tôi đi tìm cô ấy, chính tôi cũng băn khoăn. Chuyện của người ta, mắc mớ gì tới tôi, mà sao tôi không yên lòng, mà sao tôi không thấy mình thanh thản, mà đã năm năm rồi…

    Cái sự quen biết với cô Thu bắt đầu từ anh Sang. Anh là người cùng quê Long Xuyên với tôi. Tôi với anh không phải là bạn thân, nhưng vào những dịp lễ, Tết vẫn qua lại để giữ liên lạc trong một tình cảm nào đó rất chừng mực và mơ hồ. Anh ngoài bốn mươi, có một đời sống vững chãi, vợ con đề huề. Trước ngày tôi về Việt Nam năm năm trước đây anh có đến gặp và nhờ tôi cầm về cho má anh một số tiền. Anh nói: “Má tôi ở chỗ chùa Cao Đài, gần cầu Quay, cách nhà anh không bao xa. Anh chịu khó cầm tiền này về giùm tôi, sẵn thăm giùm má tôi cho bả vui. Tôi đăng đăng đê đê công chuyện không về được.” Tôi nói: “Không sao đâu, tiền bạc, đồ đạc hay thư từ gì tôi cũng đem về được hết, anh cứ đưa đây.” Anh Sang lấy ra một gói giấy bao kỹ: “Số tiền này nhờ anh đưa cho anh Hai tôi, ở chung nhà. Má tôi già cả lẫn lộn không giữ tiền. Còn phần này anh đưa cho cô giúp việc tên là Thu, nói là tôi cho riêng cô ấy. Nhưng anh nhớ nếu có đưa cho cổ thì ráng giữ kín đừng cho anh chị tôi biết, nhất là chị dâu tôi. Tánh chỉ so đo, khe khắt với cô Thu từng chút một làm tôi bực lắm. Cô này chăm sóc má tôi tận tình, thấy cũng tội…” Tôi hỏi: “Anh định chừng nào về?” Sang đáp: “Về sao được mà về, còn đủ thứ chuyện…” “Chuyện gì?” –tôi hỏi. Sang không trả lời, lấy trong túi một vật gì, định đưa ra rồi lại nhét vào. Tôi đùa: “Còn cái gì nữa không? Mà anh đừng có đưa nhẫn hột xoàn đó nha, tôi không nhận đâu.” Sang bỗng như rất gượng: “Không, không… tôi không có nhẫn hột xoàn gì hết. Tôi có bức thư… chưa viết xong. Thôi để gần ngày anh đi tôi đem qua luôn.” Một tuần lễ sau tôi lên đường. Ngồi trên máy bay tôi mới chợt nhớ là Sang không có đưa bức thư gì cho tôi cả, không biết là anh quên hay còn chưa viết xong.

    Nhà má Sang nằm trong đường nhỏ, phía trước bán sách báo, văn phòng phẩm và trăm thứ linh tinh như đường cát, xà bông, tim đèn. Tôi còn ngơ ngác nhìn vào bảng số nhà tróc sơn han rỉ thì anh chị Hai của Sang đã chạy ra vồn vã: “A, chú, chú là Chính, bạn chú Ba phải không? Chú Ba có điện thoại về nói là chú sẽ tới. Vô chơi chú.” Anh Hai kéo ghế cho tôi ngồi, còn chị Hai quay xuống bếp gọi người giúp việc: “Thu ơi, kêu giùm cà phê đá.” Tôi hỏi: “Bà cụ khỏe không chị?” Chị thở hắt ra: “Cũng tạm, nhưng quên dữ lắm.” Anh Hai đứng lên bật quạt máy: “Đi đường chắc mệt dữ ha.” Tôi gật đầu chào cô Thu. Cô khoảng 24, 25 , mặc đồ bộ, tóc kẹp ngang như đa số các cô gái ở vùng quê. Cô lóng cóng đặt mâm cà phê xuống bàn rồi khẽ ngước lên chào lại. Tiếng chị Hai nói gấp: “Coi chừng đổ kìa Thu, cái muỗng vướng vô tay áo mày kìa.” Cô bối rối liếc tôi thật nhanh rồi lùi về phía sau, sơ ý vấp vào cái xe đạp để dựa tường, khiến cô vừa nhăn mặt vừa cà nhắc cái chân đau hấp tấp lủi vào trong. Tôi ngồi nói chuyện, thỉnh thoảng cứ bắt gặp đôi mắt của cô ấy thấp thoáng ở đâu đó khi thì sau cánh cửa, khi thì sau tấm màn lom lom nhìn mình. Anh Hai biểu Thu đưa má Sang ra ngồi chơi. Bà không nhìn tôi, cũng không nhìn ai, chỉ đưa mắt đờ đẫn nhìn người qua kẻ lại trước cửa nhà. Người chị dâu của Sang vuốt tay bà cười ngặt ngoẹo: “Má ơi, bạn chú Ba về chơi ghé thăm má nè. Má nhìn đâu vậy má?” Cô Thu, bấy giờ tôi mới nghe cô nói: “ Bà chờ cậu Ba. Chừng nào cậu Ba về vậy cậu?” Tôi đáp: “Nghe ảnh nói công việc nhiều lắm, không biết chừng nào về.” Thu cúi xuống đưa tay day day lên lưng ghế đầy bụi vẽ một đường không ra hình thù gì. Bà cụ mấp máy môi như muốn nói. Chị Hai nói: “Bà lẫn lắm rồi chú ơi, nói chuyện gì cũng không ra chuyện gì. Thôi chú ở lại ăn cơm với gia đình tôi nhé, để tôi kêu con Thu đi chợ.” Thu xách giỏ bước ra cửa mà trông dáng bộ tần ngần không muốn đi, giống như đang thấp thỏm điều gì. Cái đầu cô gật gật theo từng lời dặn dò của chị Hai nhưng hai mắt cứ nấn níu về phía tôi không chút ngại ngùng, cái cử chỉ không phải của một người lạ đối với một người lạ, miệng hơi hé để lộ những cái răng cửa bị sún đen ngòm. Chị Hai dặn với theo: “Ráng kiếm cá lóc với rau ngỗ nha Thu. Chú Chính về đây mà không ăn cá lóc hấp rau ngỗ thì tiếc lắm.” Tôi ngẫm nghĩ: “Hình như cô này không bình thường.”

    Thế là tôi ở lại ăn cơm với gia đình anh Hai của Sang, thật ra là để lựa một lúc thuận tiện mà đưa số tiền cho Thu theo lời Sang dặn. Cô Thu không ăn, chỉ đứng một bên đút cho bà cụ. Câu chuyện cứ lòng vòng hết vợ của Sang rồi tới từng đứa con, rồi tới gia đình tôi mà bụng tôi thì nhấp nhổm, bao tiền trong túi thì cựa quậy vì tôi không biết làm sao tìm được lúc nào chỉ có riêng một mình Thu. Cơm xong Thu bưng chén đi rửa, anh chị Hai chạy ra chạy vô bán hàng. Cứ vừa vắng anh Hai là chị Hai vào, hoặc ngược lại, khiến tôi mấy lần rút cái bao giấy ra rồi lại nhét trở vào. Hết chuyện nói tôi đành giả vờ hỏi chị Hai:

    -Cô Thu vô làm lâu chưa vậy chị?

    -Cũng mấy năm rồi. Hồi chú Ba về lần chót là cách đây đâu ba năm. Lúc đó có con Thu rồi. Mà nó xin nghỉ hoài à.

    -Sao vậy chị?

    -Tại nó có con nhỏ, ở trong nhà quê.

    -Được mấy đứa vậy chị?

    -Mới có đứa đầu, được hai tuổi rồi mà hay bịnh lắm. Thằng chồng nó trong nhà quê chắc không biết nuôi nên thằng nhỏ èo uột lớn không nổi.

    Tôi bất giác đưa mắt nhìn cô Thu đang rửa chén trên sàn nước và bắt gặp tia nhìn trộm của cô xéo về phía chị Hai trông dữ tợn đến lộ liễu, làm như câu nói của chị đã vô tình dẫm lên vết thương đâu đó trong lòng cô mà không hay. Hàm răng sún làm cho nét mặt cô vừa hung hăng vừa bất lực một cách tội nghiệp, như con cua bị gãy càng, chỉ còn ngo ngoe những cái que yếu ớt vô dụng. Bị bắt gặp, Thu cúi gầm xuống, hai tay vục vào thau nước nhầy nhụa mỡ và bọt xà bông. Câu chuyện thưa dần, cuối cùng nghĩ ra một kế tôi đứng dậy cáo từ và làm như vô tình hỏi chị Hai:

    -Ở đây có chỗ nào bán bắp nướng không chị?

    -Có. Cũng gần đây. Để tôi kêu con Thu đi mua về cho chú ăn.

    -Thôi khỏi. –tôi nói vội. Chị để em đi với cô Thu ra đó rồi em về luôn. Còn phải đi thăm nhiều chỗ nữa.

    Thu đứng bật dậy. Tôi linh cảm hình như cô cũng chờ giây phút ấy như tôi. Từ phút đầu tiên gặp cô cho tới bây giờ sự khác thường ở cô làm tôi chú ý và hơn nữa tôi như luôn luôn bị đôi mắt và hàm răng sún của cô theo dõi từng chút một, bám theo từng động tác, từng cử chỉ nhỏ nhặt nhất của mình. Cô xỏ tay vào cái áo ngoài, với lấy nón, nhìn tôi như thúc giục. Tôi chào từ giã anh chị Hai, xoa đầu mấy đứa cháu rồi bước vội theo cô. Thu đi xăm xăm, băng qua mấy con hẻm chằng chịt mà tôi chẳng biết đâu là đâu, sau rốt trổ ra một đường lớn có nhiều xe cộ và hàng quán tấp nập mới dừng lại, đưa một tay đè lên ngực như để dằn hơi thở gấp. Bỗng dưng tôi thấy mình hồi hộp, có cảm tưởng như Thu đã biết tỏng trong bụng tôi nghĩ gì, rằng chuyện đi mua bắp nướng chỉ là cái cớ. Quả tôi đoán không sai. Thu nói: “Bữa nay sao không thấy ai bán bắp nướng cả.” Tôi lấy ra cái gói giấy:

    -Anh Sang gởi cho cô.

    Bàn tay trái của Thu vẫn còn đè lên ngực:

    -Ảnh có nhắn gì em không?

    Tôi hơi lạ vì ít phút trước đó, lúc ở nhà Thu gọi Sang là cậu mà bây giờ gọi là anh. Tôi thong thả trả lời:

    -Ảnh chỉ nói cô chăm sóc bà cụ cực khổ quá nên có chút quà tặng thêm cho cô.

    -Ảnh không viết thư gì cho em sao?

    Hàm răng sún của cô như toang hoác ra thêm và đanh lại.

    -Không, tôi không thấy thư gì cả.

    -Ảnh có nói chừng nào ảnh về không?- Giọng Thu bắt đầu run.

    -Không. Sang nói là bận lắm không về được. Hồi nãy tôi có nói rồi mà.

    Mặt Thu đỏ bừng, mắt mở lớn như muốn ứa ra sự thất vọng cũng như căm phẫn không kềm chế được khiến càng lúc tôi càng khẳng định được rằng giữa cô và Sang không phải là một quan hệ chủ tớ thông thường. Thu mân mê cái gói giấy rồi không thèm cám ơn hay chào tôi, cô quay ngoắt đi, chạy vụt qua đường và vô ý đâm sầm vào một cái xe đạp đang chở bốn cái lu trờ tới. Anh chở lu chới với, nhưng không kịp nữa, cả xe và người ngã sóng xoài, hai cái lu bể nát, những mảnh vỡ nằm chổng chơ trên đường nhựa. Anh ta chồm dậy kêu chói lói: “Ê, ê, đứng lại. Giữ con nhỏ đó lại giùm tui bà con ơi.” Người ta bu tới, xe cộ dồn cục. Mặt Thu tái ngắt, đờ ra như người mất hồn trong khi anh chở lu sấn sổ: “Chị kia, hai cái lu bể rồi chị tính sao?” Tôi bước tới đỡ lời: ”Hai cái lu bao nhiêu tiền tôi đền cho. Để chị này chỉ đi đi.” Tôi vẹt đám đông đang nhớn nháo, cầm bàn tay lạnh ngắt của Thu dắt vào trong lề: “Không sao đâu, cô về đi, để mọi chuyện tôi lo.” Thu đứng yên không nhúc nhích trong khi anh chở lu vừa lầu bầu vừa lấy cây chổi mượn được của ai đó quét sồn sột những mảnh vỡ gom vào lề đường. Tôi đưa tiền cho anh ta, dợm bước đi thì thấy vạt áo của mình bị Thu níu lại. Hai môi cô lập bập: “Anh… em cám ơn anh. Em không biết lấy gì đền ơn. Anh vô đây uống ly nước rồi hãy đi.”

    Thu ngồi xuống ghế. Khuôn mặt bừng bừng nộ khí và hoảng loạn của cô trước đó ít phút đã được thay bằng cái vẻ tiều tụy, bơ phờ. Tôi nhận ra một điều rằng Thu không phải là một cô gái xấu xí, ngược lại là khác nhưng tất cả các nét đẹp đã bị hàm răng trống trơ một cách tàn nhẫn kia che khuất cả, người đối diện chỉ cảm nhận được sự nghèo túng và tồi tàn ở con người cô. Tôi bỗng đâm ra nghi ngờ chính mình, tự hỏi cái quan hệ bí mật nào đó giữa cô và Sang không biết có thật không hay chỉ do đầu óc tưởng tượng quá đáng của tôi mà thôi. Thu lặng thinh, gần như bất động, làm như sự căng thẳng trong lòng cô từ khi mới gặp tôi cho đến sự việc sau cùng xảy ra làm cô không còn đủ sức để mở miệng nói một câu nào. Tôi dịu giọng:

    -Cô uống nước đi rồi về nhà. Mọi chuyện xong rồi.

    Thu thở hướt lên, thẫn thờ. Tôi nói đùa:

    -Cô bình tĩnh lại chưa? Cái anh chở lu đi mất rồi, có ai làm khó dễ nữa đâu mà cô thất thần thất sắc vậy?

    Thu lắp bắp

    -Không, không… không phải chuyện đó…

    -Vậy chớ chuyện gì? -tôi hỏi.

    -Em… em có cái thơ muốn gởi cho anh Ba.

    -Tưởng chuyện gì. -tôi bật cười. Cô cứ viết đi rồi đưa cho tôi.

    Thu lấy ra một phong bì dán kín, vuốt thật thẳng một cách nâng niu, cẩn thận:

    -Em viết sẵn rồi.

    Tôi nhìn địa chỉ thấy cô ghi là huyện Phú Tân, xã Hiêp Xương nên hỏi bâng quơ:

    -Nhà cô ở Hiệp Xương à?

    -Dạ. Má em ở trong đó với thằng nhỏ, em đi làm ngoài này thỉnh thoảng về thăm.

    -Chồng cô làm gì?

    Thu ngập ngừng ngó tôi, trong mắt thoáng vẻ vừa sợ hãi vừa xấu hổ:

    -Anh Chính, anh Ba dặn em giấu mọi người nhưng anh đã làm ơn cho em, không lẽ em giấu luôn anh. Em nào có chồng trong quê. Anh Ba về đây chơi, có con với em, ảnh biểu em đừng cho ai biết rồi lâu lâu ảnh về thăm, hoặc gởi tiền về cho em nuôi thằng nhỏ, không có bỏ em đâu. Từ hồi sanh nó tới giờ ảnh chỉ nhờ người ta đem tiền về một lần, bây giờ ảnh nhờ anh nữa là lần thứ hai. Hay tin anh về em sốt ruột lắm. Em đoán là thế nào ảnh cũng gởi tiền cho thằng nhỏ. Cái người đem tiền về lần trước cũng biểu em ra gốc cây để đưa. Em chờ anh Ba từng ngày từng tháng mà không lần nào ảnh viết cho em một chữ.

    Điều bí mật được nói ra bỗng trở thành quá giản dị. Tôi nhìn cô gái nhà quê đang thu mình lại ở câu nói sau cùng ấy. Cô không khóc, chỉ bặm môi rất lâu mà tôi thấy như có một dòng nước mắt nào chảy trong lòng làm mềm ruột gan mình. Trước mặt tôi Thu như đang nhỏ lại, nhỏ lại rất nhiều giữa những khốn khó đang vây bủa cô, còn ở bên kia, Sang đang phình ra, phình ra trong sự thỏa thuê, sung túc. Cả hai chúng tôi yên lặng một hồi. Trước nỗi khổ của người khác sự có mặt của mình đâm ra thừa thãi một cách bất đắc dĩ. Tôi đứng lên từ biệt:

    -Thôi Thu yên tâm về đi. Khi nào có dịp trở qua đây tôi ghé thăm Thu.

    Mấy tuần sau tôi trở về Mỹ và gặp lại Sang. Anh đến để lấy thư từ cũng như các thứ mà anh chị Hai nhờ cầm qua. Tôi thuật lại là đã trao lại đầy đủ số tiền một cách bí mật như anh dặn, còn cái chuyện riêng tư kia thì tôi tuyệt nhiên không nhắc đến.

    Sang cũng không hỏi gì về cô Thu, chỉ cám ơn tôi rồi ra về. Bộ mặt phẳng phiu của anh không để lộ một dấu vết gì của sự xúc động. Câu chuyện ấy vẫn được ém nhẹm trong tầng tầng lớp lớp không khí giữa hai bờ đại dương cách xa hàng vạn dặm, hay đúng hơn, là trong lòng một người bạn kín đáo như tôi, để giữ an toàn cho hạnh phúc của gia đình anh. Mấy năm sau tôi thấy Sang đi du lịch nhiều nơi nhưng không về Việt Nam. Cho tới ngày má anh mất anh cũng không về. Tôi đã hiểu lý do nên không thắc mắc. Sang mua nhà mới, sắm xe hơi cho con trai, tổ chức tiệc ra trường linh đình cho con gái. Anh hể hả: “Tôi bây giờ như ông già, chỉ muốn nghỉ ngơi.” Chỉ có tôi là bứt rứt, chỉ có tôi là còn nhớ đến. Mà tôi cũng khó chịu với chính mình. Chuyện của người ta, mắc mớ gì đến tôi, tại sao tôi phải bận lòng. Sự nghèo túng của cô gái, sự chờ đợi vô vọng của cô ta, tất cả gom lại thành một tảng đá đè lên ngực tôi, nhất là khi tôi đến dự những bữa cơm ở gia đình Sang, nơi mà sự thừa mứa và mãn nguyện làm tảng đá ấy nặng thêm, gai góc và sắc cạnh, khi đâm bên phải, khi đâm bên trái, có khi trì xuống làm tôi khó thở. Năm năm sau có dịp về thăm nhà tôi gọi điện thoại cho Sang hỏi có muốn gởi gì không. Sang nói: “Má tôi mất rồi. Tôi gởi tiền cho anh chị Hai qua dịch vụ cũng được. Khỏi mất công anh.” Tôi lại hỏi: “Anh có muốn gởi tiền cho cô Thu không?” Tiếng Sang đáp rất bình tĩnh: “Thôi khỏi anh à.”

    Khi tôi đến nhà anh chị Hai thì mới hay Thu đã nghỉ việc, sau khi bà cụ qua đời. Chị Hai nói: “Bà cụ mất rồi, cũng không còn nhiều việc cho nó làm. Không mướn nó cũng đỡ tốn kém.” Tôi hỏi: “Cô Thu giờ ở đâu?” Chị Hai đáp: “Chắc nó ở trong quê làm ruộng. Lâu rồi tôi cũng không biết tin tức gì.”

    Cuối cùng tôi đã tìm về đây, về địa chỉ của một người xa lạ mà tôi chỉ gặp không quá vài tiếng đồng hồ năm năm trước. Nhà má Thu lợp nửa tôn nửa tranh, nhìn xa trông ọp ẹp như cái nón lá rách. Phía trước phơi đầy nhang trên những khung tre, bên hông có ba lu nước màu nâu thẫm, mốc meo. Một bà cụ leo nheo mắt lưng như gập lại bước ra:

    -Chú tìm ai?

    -Dạ đây có phải nhà cô Thu không bác? -tôi hòi.

    -Phải. Chú tìm nó làm gì?

    -Cháu là bạn anh Sang.

    -À…

    Bà cụ rót nước mời tôi uống. Bà nói:

    -Thằng đó bặt tăm từ lâu rồi. Chú tới đây có việc gì?

    Tôi không biết trả lời sao với bà cụ. Chuyện giữa Thu và Sang dính dáng gì tới tôi, bây giờ có lẽ cô ấy cũng không nhớ mặt mũi tôi ra sao. Việc tôi đến đây có liên quan gì đến hai người hay chỉ mang một ý nghĩa nào đó cho chính tôi. Sau cùng tôi nói:

    -Lúc trước cháu có gặp Thu ở nhà má Sang. Cháu có hứa khi nào có dịp về đây thì ghé thăm cô ấy.

    -Con Thu đi lấy chồng rồi.

    -Lấy chồng ở đâu vậy bác?

    -Ở Vĩnh Trạch.

    -Còn con của cổ với anh Sang?

    -Nó để lại nhà cho tôi nuôi.

    -Thằng bé đâu rồi bác?

    -Nó đi chăn vịt ngoài đồng sau nhà.

    Tôi ngồi thừ ra. Buổi trưa như dừng lại trong căn nhà hiu quạnh chỉ có cái bóng còng xuống của bà cụ ra vô đem những cây nhang đã phơi khô vào. Tôi bước ra ngoài. Phía sau là ruộng rẫy, thấp thoáng có cái bóng lúp xúp của thằng bé đang lùa đàn vịt dưới mương. Mấy dây bầu, dây bí leo quanh quẩn. Và gió. Gió lùa sàn sạt. Gió như không bao giờ dứt, tạt vào lòng tôi tê tái. Bà cụ nói chuyện một lát rồi trở lại ngồi gập lưng se nhang ở một góc nhà. Tay bà cầm bột nhang được quết dẻo như đất sét se vào một thanh tre đã được nhuộm đỏ một đầu, xong lại lăn qua một lớp bột thơm tương tự như mạt cưa. Tôi hỏi:

    -Một ngày bác làm được bao nhiêu nhang?

    -Cũng không chừng, bữa nhiều, bữa ít. Lúc này tôi đau lưng, ngồi không nổi.

    Chợt nhớ ra một điều tôi hỏi:

    -Thằng bé tên gì vậy bác?

    -Nó tên Giàu.

    Tôi để lại cho bà cụ một món tiền rồi ra đi. Chiều bắt đầu mát. Tôi đi bộ trên con đường đất ngược về phía bến đò, thong dong như người đã làm xong một việc gì đó. Mấy quán hàng rong, xe nước mía vắng ngắt. Trong lúc chờ đò chạy tôi nhác thấy một người đàn bà còn trẻ bưng một nồi ốc luộc đến bán. Thỉnh thoảng chị mở vung, xới những con ốc từ dưới lên cho đều, mùi xả, mùi gừng tỏa ra thơm ngan ngát. Tôi mỉm cười với chị qua làn khói rung rinh xao xuyến bốc lên từ nồi ốc, trong lòng thốt nhiên có ý nghĩ rằng ở một nơi nào đó chắc Thu cũng đang làm những việc tương tự như thế này. Anh lái đò đến thu tiền vé. Tôi nhìn lần cuối về rặng tre thấp thoáng của xã Hiệp Xương cong cong như hình cái vòm trong màu chiều đỏ bựng. Máy đuôi tôm chạy lạch xạch, những dề lục bình trôi chấp chới. Sóng vẫn đập vào bờ day dứt. Đò tách bến.


    Cao thanh phương Nghi


    Nguồn:http://damau.org



              
Trả lời

Quay về “của người”