Đóa hồng tan tác và chính khách ngã ngựa!

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Đóa hồng tan tác và chính khách ngã ngựa!

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Đóa hồng tan tác và chính khách ngã ngựa!





    Cái vòng danh lợi cong cong,
    Kẻ hòng ra khỏi người mong bước vào!


    Câu ca dao nghĩa rất thâm thúy, sâu sắc nhất ở chữ “hòng”, chữ “hòng” có ý nghĩa phủ định như trong thành ngữ “đừng hòng”. “Đừng hòng” có nghĩa là đừng mong, đừng hy vọng. Đã vào vòng danh lợi thì đừng mong thoát khỏi một cách an toàn. Cứ nhìn biến cố chính trị trên thế giới gần đây thì thấy rõ.

    Bên Đại Hàn bà cựu tổng thống, bà Park Geun-hye, vào tù về tội tham nhũng. Gần hơn nữa là cựu thủ tướng Najib Razak của Mã lai. Ông này thất cử trong cuộc tuyển cử mới đây ở Mã lai và đang ở tình trạng bị cấm ra khỏi nước về tội tham nhũng.

    Giậu đổ bìm leo, chính khách này còn bị tố dính líu tới một vụ án mạng mà nạn nhân là một mỹ nhân Mông Cổ. Mỹ nhân này có tên là Altantuya Shaariibuu.Người đẹp bị giết và thân xác bị gài bom cho nổ tan thành. Nàng biến mất trên cõi đời. Bị thủ tiêu. Thực là “cát bụi lại trở về cát bụi.” Nguyên nhân: Altantuya Shaariibuu là bồ nhí của bạn thân của Najib Razak. Cái chết của khách hồng nhan liên quan đến một vụ tham nhũng nhiều triệu Mỹ kim xảy ra dưới triều Najib Razak. Cái tội của giai nhân là đòi phần ăn chia trong một món tiền hoa hồng lên tới 114 triệu Euro.

    Cũng có thuyết cho rằng Altantuya cũng từng là “người tình bé nhỏ” của cựu thủ tướng Najib khi còn là phó thủ tướng, nên khi ông này có khả năng trở thành thủ tướng thì vội vàng ra tay xóa vết ăn vụng của mình và Altantuya phải biến mất!

    Vụ án “nát một đời hoa” khiến ta không thể không biết về chính khách mới ngã ngựa Najib Razak.

    Najib Razak sinh ngày 23 tháng 7, năm 1953 tại Kuala Lipis, Pahang, là thủ tướng thứ sáu của Malaysia. Ông là con trai của Abdul Razak vị Thủ tướng đời thứ hai của Malaysia. Khi thân phụ qua đời, 1976, Najib ra tranh cử nghị viện ở đơn vị cũ của cha và trở thành một dân biểu trẻ tuổi của nghị viện. Tuổi trẻ tài cao, thế lực lớn nên uy tín của Najib mỗi lúc một thăng cao. Ông từ giữ chức bộ trưởng quốc phòng (hai lần và lần gần nhất trong thời gian 2000-2008), bộ trưởng giáo dục và được coi là ngôi sáo sáng trên chính trường Mã lai.

    Ngày 26 tháng 3 năm 2009, ông đã chính thức được tuyên bố là Chủ tịch đảng UMNO (The United Malays National Organisation) thay cho ông Abdullah bin Ahmad Badawi Theo truyền thống, lãnh đạoTổ chức Dân tộc Mã lai thống nhất đảng đứng đầu liên minh Mặt trận quốc gia (Barisan Nasional hay BN) ông trở thành Thủ tướng Malaysia.

    Trong một bài phát biểu ngày 1 tháng 4 năm 2009, ông khẳng định sẽ công bố chi tiết về phương hướng phát triển cho Malaysia dưới chính quyền của ông trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và bất ổn chính trị hiện tại vào ngày 3 tháng 4. Trọng tâm đường lối chính sách của vị thủ tướng tương lai sẽ là một chương trình đoàn kết quốc gia đa sắc tộc. “Tôi cho rằng kế hoạch đột phá này sẽ bảo đảm sự công bằng hơn trong các hoạt động phân chia và hỗ trợ của chính phủ đối với mọi cộng đồng (sắc tộc)”, ông nhấn mạnh.

    Ngày 2 tháng 4 năm 2009, Quốc vương Mã lai đã chính thức chấp nhận đơn xin từ chức của Thủ tướng Abdullah bin Ahmad Badawi dọn đường cho Najib Razak (trước đó ông là Phó Thủ tướng) lên nắm quyền lãnh đạo chính phủ. Quốc vương đã chấp thuận tổ chức buổi lễ tuyên thệ nhậm chức cho thủ tướng mới vào 2 giờ chiều ngày 3 tháng 4 năm 2009.

    Ngày 9 tháng 5 năm 2018, Najib Razak đã thất bại trước cựu Thủ tướng, tiến sĩ Mahathir Mohhamed trong cuộc tổng tuyển cử toàn quốc tại Malaysia, chấm dứt một thời gian dài cầm quyền của Liên minh Mặt trận Dân tộc (BN).

    Kể từ ngày 12 tháng 5 năm 2018, Razak bị cấm không được ra khỏi nước vì các cáo buộc tội tham nhũng liên quan đến một quỹ đầu tư. Cảnh sát đã khám nhà Najib và tịch thu được khoảng 30 triệu USD và 300 túi hàng hiệu.

    Hồng nhan bạc mệnh

    Nghi án biển thủ công quỹ như nói trên quả là quan trọng, nhưng một hồ sơ khác mà cựu thủ tướng Najib Razak sẽ phải đối mặt trong thời gian tới đây còn kinh khủng hơn nữa. Đó là vụ ám sát cô Altantuya Shaariibuu, một người mẫu và thông dịch viên Mông Cổ 28 tuổi.

    Altantuya Shaariibuu sinh năm 1978, được nuôi nấng ở Nga, sau trở về Mông cổ, học hành và hy vọng trở nên một nhà giáo. Nhưng tham vọng cao và nhờ nhan sắc và thông minh nên sang Pháp học nghề người mẫu. Cô thành danh trên sân khấu người mẫu ở Hong Kong trong những năm đầu của tân thiên niên kỷ.
    Cô gái này từng là một mỹ nhân trên diễn trường quảng cáo ở Hong Kong, lại có học và nói rành nhiều ngoại ngữ trong đó có tiếng Hoa, tiếng Nga, Pháp và Anh ngữ, ngoài ra còn giỏi giao tế nên được chính khách đa tình chọn, vừa làm bồ nhí vửa làm thông ngôn. Trong số chính khách này có Abdul Razak Baginda, bạn nối khố và cố vấn của Najib. Dư luận cho rằng nạn nhân có tham dự vào việc Mã lai (khi ấy Najib là bộ trưởng quốc phòng) trong vụ mua hai tiềm thủy đĩnh Scorpene của Pháp. Hậu quả là không muốn chi hoa hồng cho Altantuya nên ai đó có quyền lực đã cho nổ tan xác nạn nhân. Hoặc do nạn nhân biết quá nhiều nên phải vĩnh viễn câm miệng?

    Hồng nhan đa truân nên Altantuya đa hai lần lập gia đình và có hai con nhỏ, nhưng thuyền tình chưa ngừng bến nào. Lại giao thiệp thân mật với giới chính khách quyền lực ở Mã lai như thủ tướng Najib và bạn bè của ông nên tham vọng của mỹ nhân càng cao. Không ngờ “tham thì thâm.”

    Vào ngày19 tháng 10, 2006, người thân của Altantuya Shaariibuu báo với cảnh sát Mã lai là cô mất tích.
    Cảnh sát Mã lai tìm thấy một đám cỏ cháy, ở gần Subang Dam ở Puncak Alam, Shah Alam trên có những mẩu xươnng vụn và qua thử nghiệm DNA có thể xác nhận là tàn dư của nạn nhân dưới tác dụng mãnh liệt của chất nổ C-4

    Sau cuộc điều tra, cảnh sát xác nhận nạn nhân đã bị ai đó thủ tiêu và nghi can bị truy tố ra tòa.
    Hồ sơ đã được khép lại sau khi 2 kẻ bị quy là thủ phạm, 2 sĩ quan cảnh sát, Azilah Hadri và Sirul Azhar Umar, thuộc đơn vị bảo vệ bộ trưởng đã bị tuyên án tử hình vào tháng Một 2015. Tuy nhiên hai người luôn khẳng định họ vô tội và bị hy sinh để bảo vệ người khác.

    Tin mới nhất cho biết, Cảnh sát Malaysia ngày 21/6 cho biết họ đang mở một cuộc điều tra mới về vụ sát hại người mẫu Mông Cổ Altantuya Shaariibuu, 28 tuổi, bởi hai vệ sĩ Azilah Hadri và Sirul Azhar Umar của cựu thủ tướng Najib Razak năm 2006. Giờ đây, gần một thập niên sau vụ án mạng, Thủ tướng mới Malaysia, Mahathir Mohamad muốn điều tra tận gốc liệu có ai đó đã ra lệnh giết Shaariibuu và vì sao.

    Cuộc điều tra mới cho biết thêm, hai vệ sĩ bắt cóc Shaariibuu ở ngoại ô Kuala Lumpur, ép cô ta vào xe và đưa cô đến một khu rừng. Một trong hai vệ sĩ khống chế Shaariibuu, người còn lại bắn một phát đạn xuyên qua đầu cô và bắn thêm phát nữa khi thấy cánh tay cô vẫn cựa quậy. Họ cởi quần áo cô và cho nổ tung thi thể bằng chất nổ C-4 cấp quân sự. Bố Shaariibuu sau này cho biết hiện trường vụ án giống như vùng chiến sự.

    Vụ cô Altantuya Shaariibuu bị thủ tiêu đã gây chấn động không những trong dư luận Malaysia, mà cả tại Mông Cổ. Phe đối lập Malaysia trong nhiều năm qua kêu gọi phải điều tra đến nơi đến chốn sự vụ, vì hai sĩ quan cảnh sát trên không thể đột nhiên hành động, mà rõ ràng đã “thừa lệnh” người nào đó. Chính quyền thủ tướng Razak luôn làm ngơ trước các yêu cầu mở điều tra.

    Vụ này tuy nhiên đã được nêu bật trở lại hôm 19/05 vừa qua với sự kiện chính tổng thống Mông Cổ Battulga Khaltmaa đã yêu cầu tân chính quyền Malaysia mang lại công lý và mở lại hồ sơ vụ ám sát đó.
    Trong thông điệp chúc mừng ông Mahathir, tổng thống Mông Cổ nói rõ: “Với tư cách tổng thống Mông Cổ, tôi đặc biệt quan tâm đến tội ác nghiêm trọng, là vào ngày 16 tháng 10 năm 2006, một công dân Mông Cổ, mẹ của 2 đứa con, bà Shaariibu Altantuya, đã bị ám sát tại Malaysia.”

    Riêng ông Sirul Azhar Umar, một trong hai sĩ quan bị tuyên án tử hình nhưng đã bỏ trốn sang Úc trong lúc được tự do chờ kết quả kháng án, thì đã cho biết trên trang thông tin Malaysiakini là ông sẽ giúp mở lại hồ sơ khi nào mà ông được hoàn toàn tự do, ông “sẵn sàng giúp tân chính phủ bằng cách nói rõ những gì thật sự xẩy ra nếu được chính phủ bảo đảm là sẽ hoàn toàn ân xá cho ông”.

    Trả lời nhà báo, về việc xóa bản án tử hình cho Sirul Azhar Umar, tân thủ thủ tướng Mahathir cho là không thể cùng một lúc làm mọi việc… Ông Anwar Ibrahim, cựu thủ lãnh đối lập Malaysia thì chủ trương xem xét lại vụ việc

    Để hiểu rõ hơn cốt lõi câu chuyện, phải đi ngược lên đến năm 2002, khi Malaysia thương lượng mua ba tàu ngầm Scorpène của Pháp, đúng hơn là của tập đoàn Pháp DCNS.

    Năm đó, ông Najib Razak còn là phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Quốc Phòng Malaysia, trong lúc Altantuya là thông dịch viên và cũng là bạn gái của một nhân vật thân tín của ông Najib, doanh nhân, cố vấn về quốc phòng Abdul Razak Baginda. Altantuya cũng là tình nhân của ông Najib Razak, và đã tham gia các cuộc thương mua tàu ngầm.

    Hợp đồng tàu ngầm lên đến 1,1 tỷ đô la, với tiền hoa hồng là 114 triệu Euro được tập đoàn Pháp rót cho một công ty bình phong của Abdul Razak Baginda. Thế nhưng hợp đồng này sau đó đã bị ngành Tư Pháp của Pháp ngăn chặn vì những tai tiếng tham nhũng.

    Chính vụ tiền hoa hồng này đã gây nên cái chết của Altantuya, vì cô đã đòi phần hoa hồng của mình, 500.000 đô la được hứa hẹn nếu vụ mua bán thành công?

    Ông Najib Razak trước công luận luôn phủ nhận, khẳng định không hề quen biết Altantuya, và cũng không hề có hoa hồng hay tham nhũng trong vụ mua tàu ngầm đó.

    Có điều là cuộc điều tra về cái chết của cô Altantuya, cũng như phiên tòa xét xử các nghi phạm đã bị nhiều quan sát viên đánh giá là không đáng tin cậy. Điều đó đã làm dấy lên mối nghi ngờ là chính quyền Malaysia đã cố bưng bít sự việc để bao che cho ông Najib.

    Trong một bài điều tra từ năm 2009 về vụ này, nhà báo Arnaud Dubus của RFI đã cho rằng “vụ ám sát cô Altantuya là một lưỡi gươm treo lơ lửng trên đầu ông Najib Razak”. Phải chăng lưỡi gươm đó sắp rơi xuống?

    Cái chết của Altantuya Shaariibuu quá thương tâm. Màn bí mật khó mà vén lên vì liên quan tới tình trạng chính trường u ám của một quốc gia thần quyền còn ngự trị!

    Chu Nguyễn


    Nguồn:http://vietluan.com.au

              
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”