Trang 1/1

Đất lành nhưng... đậu ở đâu?

Đã gửi: Thứ tư 16/05/18 07:18
bởi Bạch Vân
  •           

    Đất lành nhưng... đậu ở đâu?





    Nước Úc đang đối diện với 3 vấn đề chính. Đó là vấn đề nhà ở, vấn đề di trú và vấn đề công ăn việc làm.

    Về vấn đề nhà ở, ai cũng biết rằng giá nhà tại các thành phố lớn của nước Úc như Sydney, Melbourne thuộc vào loại cao nhất thế giới, và những người trẻ tuổi hiện nay rất chật vật để có thể mua được căn nhà làm nơi an cư lạc nghiệp.

    Một trong những nguyên nhân khiến giá nhà tại các thành phố lớn của Úc lên quá cao như thế một phần là do người nước ngoài, nhất là giới nhà giàu Trung Quốc bỏ tiền đầu tư vào thị trường bất động sản tại Úc.

    Do nhu cầu mua bất động sản đầu tư của người Trung Quốc quá cao, và họ có nhiều tiền, cho nên giá bất động sản tại những thành phố lớn tăng cao đến mức độ chóng mặt.

    Một phần khác là do những người Úc cũng bỏ tiền mua các bất động sản đầu tư là vì chính phủ Úc trong thời gian qua đã có những chính sách ưu đãi về thuế cho những người Úc có bất động sản đầu tư.

    Nói tóm lại người đầu tư ngoại quốc và người đầu tư trong nước đã là hai nguyên do chính khiến cho giá bất động sản tại Úc cao ngất trời và làm cho những người trẻ hôm nay càng lúc càng gặp khó khăn trong việc mua nhà để ở.

    Những người Úc đang có bất động sản đầu tư tại Úc cũng ủng hộ việc người nước ngoài mua bất động sản đầu tư tại Úc cao hơn là những người không có bất động sản đầu tư. Theo thống kê có đến 29% những người Úc có bất động sản đầu tư đồng ý để người nước ngoài mua bất động sản đầu tư, trong khi chỉ có 17% những người Úc không có bất động sản đầu tư đồng ý để người nước ngoài mua bất động sản đầu tư tại Úc.

    Nhưng giá nhà tại Úc tăng cao cũng khiến cho người Úc mắc nợ ngân hàng nhiều hơn. Trong số tất cả những quốc gia phát triển thì người Úc mắc nợ nhiều nhất, vì các ngân hàng của Úc đã phải vay nợ rất nhiều từ nước ngoài để cho những người Úc mua nhà vay lại.

    Tại Sydney vấn đề nợ tiền mua nhà qúa nhiều, giá nhà quá cao và tiền thuê nhà cũng quá cao khiến tạo ra những lo ngại về những hậu quả chưa lường trước được nếu thị trường bất động sản tại Úc sụp đổ như đã từng xảy ra tại Hoa Kỳ.

    Những người Úc có bất động sản đầu tư cho rằng sở dĩ họ có lời nhiều trong đầu tư bất động sản là do người Trung Quốc đổ xô sang mua bất động sản làm cho những bất động sản của họ tăng gía cao và nhanh. Chính thế người đã có bất động sản đầu tư tại Úc tỏ ra sẳn sàng ủng hộ người nước ngoài mua bất động sản tại Úc. Trong khi đó chỉ có một số ít người Úc chưa có bất động sản đầu tư tỏ vẻ đồng ý với việc cho người nước ngoài mua bất động sản đầu tư tại Úc.

    Sự khác biệt về suy nghĩ giữa hai nhóm người Úc, một bên đã có nhà đầu tư, một bên chưa có nhà đầu tư đang dẫn đến những xung đột trong việc quyết định các chính sách đầu tư dành cho người nước ngoài tại Úc và có thể tạo ra những vấn đề xã hội. Trong khi đó chính phủ liên bang hầu như đã làm tất cả mọi cái để duy trì giá nhà cao như hiện tại để tất cả những người đã có nhà cảm thấy yên tâm trong khi tạo ra rất nhiều khó khăn cho những người đang tìm cách mua căn nhà đầu tiên.

    Vấn đề thứ hai là vấn đề di trú. Vấn đề di trú luôn là một vấn đề lớn của nước Úc vì chính sách di trú ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của Úc và ảnh hưởng đến nhu cầu đoàn tụ gia đình của rất nhiều gia đình Úc.

    Một trong những vấn đề khác của di trú là dân số Úc càng lúc càng già lão vì tỷ lệ sinh nở ít, mà người Úc càng lúc càng sống lâu. Chính số lượng người di dân trẻ tuổi từ nước ngoài vào định cư Úc hàng năm làm cho dân số Úc trẻ lại, cung cấp lực lượng lao động cho thị trường nhân dụng Úc.

    Tuổi trung bình của người Úc là 37 tuổi. Nếu trên 50% dân số trên 37 tuổi thì như thế là dân Úc nói chung là già. Bắc Úc là nơi có dân số trẻ nhất nước, vì tuổi trung bình của người dân nơi đây là 32 tuổi và Tasmania là nơi dân số già nhất, tuổi bình quân người dân Tasmania là 42 tuổi.

    Bên cạnh số trẻ con sinh ra và số người chết đi, con số người di dân đến Úc góp phần quan trọng vào việc thay đổi hiện trạng già trẻ của dân số của nước Úc. Nói chung đại đa số di dân là trẻ tuổi, đặc biệt nếu thành phần di dân là du học sinh ở lại định cư, hay những người định cư theo diện tay nghề. Và thành phần này làm cho dân số Úc trở nên trẻ hơn.

    Chính thành phần di dân mới đến Úc làm cho dân số tiểu bang Tasmania chậm già lại. Chứ nếu không có di dân thì Tasmania chỉ toàn là người già lão. Nhưng con số di dân trẻ đến sống tại Tasmania rồi bỏ tiểu bang này ra đi cũng rất nhiều, cho nên kết cuộc lại dân số của tiểu bang Tasmania nói chung là già nhiều hơn trẻ.

    Từ đây có thể thấy rằng trên bình diện của cả nước, việc thu nhận nhiều du học sinh ở lại định cư và nhận người có tay nghề chuyên môn cao vào định cư có thể làm cho dân số Úc trẻ ra nhưng không làm thay đổi được hiện trạng dân số của một tiểu bang, hay một khu vực nào đó. Ví dụ tiểu bang Tasmania nói trên. Người trẻ đến sống ở tiểu bang này cũng nhiều nhưng rồi họ bỏ sang tiểu bang khác hết. Cuối cùng chỉ có những người già ở lại.

    Do đó chính phủ Úc cần phải có những chính sách hiệu quả hơn để thay đổi hiện trạng dân số của các khu vực dân số đã quá già. Cần phải có những chính sách thu hút phù hợp với điều kiện của từng khu vực, từng tiểu bang. Cần phải áp dụng những chính sách phát triển khu vực như tại các vùng Newfoundland và Labrador ở Canada.

    Vấn đề thứ ba là vấn đề công ăn việc làm. Theo thống kê thì trong năm 2018 này có thêm 400000 công ăn việc làm tại Úc và trong số đó có 300 ngàn người làm việc full time. Tuy nhiên nền kinh tế Úc đã và đang tạo thêm công ăn việc làm rất chậm.

    Hơn nữa con số công ăn việc làm mới được tạo ra không hẳn làm thay đổi hiện trạng thất nghiệp tại Úc. Ví dụ mức thất nghiệp trước năm 2018 tại Úc bình quân là 5.8%. Sau khi có thêm 400000 công việc mới thì tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 5.6% tức không giảm đi bao nhiêu cả.

    Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới từ 2004 đến 2013 tỷ lệ thất nghiệp tại Úc chỉ giảm trong vòng vài tháng. Còn hiện tại mức độ thất nghiệp cao vẫn kéo dài một cách đáng ngại.

    So sánh với các nước phát triển khác, tỷ lệ thất nghiệp tại Úc rất cao. Ví dụ tại Nhật, chỉ có 2.5%, tại Đức 3.5%, tại Hoa Kỳ 4.2% và tại Anh 4.1%, tại New Zealand 4.5%. Vì thế khi đưa ra con số việc làm tăng, thật khó hiểu cho người dân Úc vì sao công ăn việc làm có thêm mà tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao.

    Thêm vào đó tỷ lệ người làm việc bán thời tại Úc cao hơn hẳn các nước giàu có khác. Tức là những người đang làm bán thời muốn tìm việc làm toàn thời mà tìm không ra. Tỷ lệ những người như thế này lên đến 8.7%.

    Một trong những lý do khiến xảy ra tình trạng nói trên là càng ngày càng có ít người Úc chịu về hưu sớm như trước đây. Trong năm 1997 tỷ lệ người có việc làm trong độ tuổi 50-54 là 70%. Sang năm 2017 tỷ lệ này tăng lên 78.7%. Trong năm 2007 tỷ lệ người làm việc trong độ tuổi 70-74 là coi như không có. Nhưng qua năm 2017 tỷ lệ này là 12.4%. Những con số này cho thấy người về hưu ít lại và người đã quá tuổi lao động quay lại làm việc có khuynh hướng tăng lên.

    Thời gian gần đây con số di dân mới đến Úc chiếm đến 64.5% tức tương đương 850 ngàn công việc mới được tạo ra trong 5 năm gần đây. Trong lĩnh vực việc làm toàn thời, di dân mới đến Úc cũng chiếm đến 72.4% những công việc làm mới được tạo ra trong nền kinh tế Úc.

    Như thế hai phần ba những công việc mới tạo ra tại Úc trong năm năm qua là vào tay những người mới di dân đến Úc, còn 1 phần 3 công việc còn lại dành cho những người sinh ra và lớn lên tại Úc.

    Nói tóm lại trong tổng số công ăn việc làm tạo ra trong năm năm gần đây là 850 ngàn thì có đến 550 ngàn công ăn việc làm là tuyển dụng từ di dân mới đến. Chi có 300 ngàn công ăn việc làm là dành cho những người kiếm việc làm tại Úc. Có nghĩa là chỉ có 60 ngàn công việc mỗi năm cho những người Úc không phải là di dân mới đến.

    Nhưng con số việc làm toàn thời thực sự thấp. Chỉ có 375 ngàn việc làm toàn thời được tạo ra trong vòng năm năm vừa qua. Trong số này 3 phần 4 thuộc về di dân mới đến.

    Trong chính sách nhân dụng tại Úc, có những cái không bình thường ví dụ như công ăn việc làm tại Úc xem ra tạo ra cho người di dân chứ không phải tạo ra cho những người Úc bản xứ. Chính phủ đã để cho các công ty quá tự do trong việc tuyển dụng những công nhân nước ngoài mà không chú trọng đến việc khuyến khích tuyển dụng công nhân tại Úc, những người trẻ sinh ra và lớn lên tại Úc.

    Đây chính là hậu quả của việc quá nhấn mạnh vào chính sách tuyển dụng công nhân nước ngoài qua chương trình visa 457. Ví dụ công ty NBN của Úc ký hợp đồng với các công ty Ấn Độ và cho phép các công ty Ấn Độ tuyển dụng nhân công từ Ấn Độ vào Úc và cho họ việc làm toàn thời trong khi người Úc chẳng được các công ty này tuyển dụng.

    Đây không phải là lỗi của những người di dân mà là lỗi của chính phủ đã không chú trọng đào tạo công nhân sinh ra tại Úc. Chính phủ Úc đã cắt giảm tài trợ cho các chương trình huấn nghệ tại Úc.

    Đó là lý do chính vì sao công ăn việc làm mới được tạo ra mà tỷ lệ thất nghiệp tại Úc vẫn cao. Công văn việc làm tạo ra cho người di dân, còn người Úc bản xứ vẫn cứ tiếp tục thất nghiệp.

    Đây chính là những vấn nạn nan giải của nước Úc cần có những chính sách đúng để thay đổi.


    Ls Lê Đức Minh


    Nguồn:http://vietluan.com.au