Việt Luận phỏng vấn Ls Lưu Tường Quang về vấn đề song tịch ở Úc

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Việt Luận phỏng vấn Ls Lưu Tường Quang về vấn đề song tịch ở Úc

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Việt Luận phỏng vấn Ls Lưu Tường Quang
    về vấn đề song tịch ở Úc


    Năm chính trị gia Úc bị mất ghế vì vi phạm luật quốc tịch (từ trái sang phải):
    Larissa Waters, Scott Ludlam, Barnaby Joyce, Malcolm Roberts and Fiona Nash. Composite: Getty Images/AAP


    Từ Phó Thủ Tướng đến Chủ Tịch Thượng Viện – Phán Quyết của Toà Án Tối Cao

    Việt Luận: Thưa ông, vào hôm thứ Sáu tuần rồi, 27/10, Tối Cao Pháp Viện Úc ra pháp quyết là Dân Biểu Barnaby Joyce (cũng đang Phó Thủ Tướng) và bốn thượng nghị sĩ khác bao gồm Larissa Waters, Scott Ludlam, Malcolm Roberts và Fiona Nash, không đủ tiêu chuẩn tiếp tục làm dân biểu/thượng nghị sĩ trong quốc hội Úc vì vi phạm luật quốc tịch, ông có thể giải thích cho độc giả hiểu rõ hơn về sự vi phạm này?

    Ls Lưu Tường Quang: Chính phủ liên đảng Tự Do/Quốc Gia Úc Châu đã choáng váng trước phán quyết của Toà Án Tối Cao ngày 27.10.2017, theo đó Phó Thủ tướng kiêm Bộ Trưởng Barnaby Joyce đã không có tư cách ứng cử dân biểu hồi giữa năm 2016 vì lý do song tịch. Trong phút chốc, Ông Barnaby Joyce trở thành một công dân thường và phải tranh cử lại tại đơn vị New England (NSW) trong cuộc bầu cử bổ túc ngày 02.12.2017.

    Trong khi thời vận chính phủ chưa có chuyển biến gì thuận lợi thì vào ngày Thứ Ba 31.10.2017, Chủ tịch Thượng Viện liên bang, Nghị sĩ Stephen Parry (Đảng Tự Do, Tasmania) tiết lộ một tin chấn động mà Thủ Tướng Malcolm Turnbull phải thất vọng, rằng ông có thể cũng có hai quốc tịch. Tuy Ông Parry đã chào đời tại Tasmania, nhưng người cha của ông đã từng là di dân sinh đẻ tại Vương Quốc Anh. Ngày 02.11.2017, Ông Parry đã phải từ nhiệm và rời khỏi Quốc Hội, sau khi quốc tịch Anh của ông được Bộ Nội Vụ tại London xác nhận.

    Liên bang Úc Châu /The Commonwealth of Australia không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới không cho phép người có hai quốc tịch làm dân biểu hoặc nghị sĩ tại quốc hội ở Canberra . Ngay cả tại Việt Nam ngày nay – một quốc gia đơn thuần với một quốc hội độc viện – người có hai quốc tịch cũng không được làm đại biểu. Thí dụ cụ thể là trường hợp Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường bị tước tư cách đại biểu quốc hội hồi tháng 7 năm 2016 với lý do “phạm luật”, khi bà bị phát hiện là có quốc tịch Malta.

    Nước Úc vừa trải qua một cuộc khủng hoảng nghị trường khi một dân biểu và 6 nghị sĩ phải trình diện trước Tòa Án Tối Cao liên bang – nhóm họp với tư cách Tòa Xét Xử Tranh Tụng Bầu Cử – để biện minh về tư cách ứng cử viên của họ trong cuộc bầu cử ngày 02.07.2016. Trong đơn ứng cử, họ đã xác quyết là họ chỉ có quốc tịch Úc, nhưng trong vài tháng gần đây, họ bị phát hiện là có quốc tịch nước ngoài.

    Điều 44(1) của Hiến Pháp Liên Bang Úc năm 1901, qui định rằng bất cứ ai tuyên thệ trung thành với một ngoại bang, hoặc là thần dân hay công dân, hay có đặc quyền của một thần dân hoặc công dân, của một nước ngoài sẽ không thể được lựa chọn hoặc phục vụ với tư cách nghị sĩ hoặc dân biểu Hạ Viện [Nguyên văn – Section 44: Any person who (1) is under any acknowledgement of allegiance, obedience, or adherence to a foreign power, or is a subject or a citizen or entitled to the rights or privileges of a subject or citizen of a foreign power shall be incapable of being chosen or of sitting as a senator or a member of the House of Representatives.]

    Bảy chính trị gia ‘The Citizenship Seven’ bị coi là vi phạm Điều 44(1) gồm Dân Biểu Barnaby Joyce, Lãnh tụ Đảng Quốc Gia, Phó Thủ Tướng kiêm Bộ trưởng Nông Nghiệp và Thủy Lợi, Nghị sĩ Fiona Nash, Phó Lãnh tụ Đảng Quốc Gia, Bộ Trưởng Phát Triển Nông Thôn, Nghị sĩ Matt Cavanan, Đảng Quốc Gia, Nghị sĩ Malcolm Roberts, Đảng One Nation, Nghị sĩ Scott Ludlam và Nghị sĩ Larissa Waters, Đảng Xanh, và Nghị sĩ Nick Xenophon, lãnh tụ Nick Xenophon Team (Nam Úc).

    Bà Chánh Án và sáu Thẩm Phán Tối Cao đã đồng thanh ký tên vào một phán quyết chung, theo đó họ giải thích Điều 44(1) theo nghĩa hẹp và nghĩa đen (black letter of the law), tiếp nối án lệ của chính Tối Cao Pháp Viện trong Vụ Sykes v Cleary (1992). Phán Quyết nầy đặt nặng nguyên tắc pháp qui – the rule of law – để duy trì sự ổn định tư pháp.

    Yếu tố duy nhất là quốc tịch nước ngoài. Theo Tòa Án Tối Cao, bất cứ ứng cử viên nào có hai quốc tịch đều vi phạm Điều 44(1), bất kể là họ biết hay không biết là họ có quốc tịch nước ngoài (ignorance is not a defence) và bất kể họ là công dân Úc tự nhiên (a natural Australian) sinh đẻ và trưởng thành tại Úc, theo lập luận trạng sư chính phủ để bênh vực cho Ông Barnaby Joyce.

    Ứng cử viên có trách nhiệm phải điều tra lý lịch của chính mình và trong trường hợp có quốc tịch nước ngoài thì phải có những bước thích đáng (reasonable steps) để từ bỏ quốc tịch ấy trước khi tranh cử vào Quốc Hội liên bang.

    Những bước thích đáng nầy là thủ tục qui định bởi luật lệ của ngoại bang. Đây là nguyên tắc đã được chấp nhận trong án lệ Sykes v Cleary mà Tòa Án Tối Cao duy trì. Thí dụ: Một công dân Úc hãy còn mang quốc tịch Việt Nam, trước khi tranh cử dân biểu liên bang, phải nộp đơn xin từ bỏ quốc tịch Việt Nam đúng theo những qui định của Luật Quốc Tịch Việt Nam. Nhưng nếu việc xin từ bỏ quốc tịch Việt Nam không được chấp thuận, thì công dân Úc này đã có những bước thích đáng và do đó không còn bị vướng mắc bởi Điều 44(1). Đây là nguyên tắc quan trọng để một ngoại bang không thể xen vào tiến trình dân chủ tại Úc.

    Trong Phán Quyết ngày 27.10.2017, Toà Án Tối Cao Úc đã xác nhận hai nghị sĩ không vi phạm Điều 44(1): Đó là Nghị sĩ Matt Cavanan và Nghị sĩ Nick Xenophon. Ông Cavanan, sinh đẻ tại Úc nhưng có quyền nộp đơn theo qui định của Luật Italy để trở thành công dân Italy theo huyết thống (Italian citizen by decent), nhưng ông đã không làm như vậy và do đó ông chưa trở thành công dân Italy. Ông Xenophon sinh đẻ tại Úc và đã từ bỏ quốc tịch Hi Lạp (Greek citizen by decent), nhưng ông không biết là người cha gốc Hi Lạp sinh đẻ tại Cyprus vốn là một thuộc địa của Vương Quốc Anh và do đó ông được coi là công dân Anh hải ngoại (British overseas citizen). Công dân Anh hải ngoại không có quyền lợi và bổn phận như một công dân Anh thực thụ (full British subject/citizen) nên Tòa Án Tối Cao không coi Ông Xenophon bị vướng mắc bởi Điều 44(1), Ông Barnaby Joyce và 4 chính trị gia còn lại đều vi phạm Điều 44(1) vì lý do song tịch

    Hậu Quả Chính Trị và Pháp Lý

    Việt Luận: Mất Phó Thủ Tướng Barnaby Joyce, Chính phủ của Thủ Tướng Malcolm Turbull mất một ghế đa số trong Quốc Hội, như vậy, theo ông, những gì sẽ xảy ra trên chính trường liên bang Úc trong những ngày tới?

    Ls Lưu Tường Quang: Chính phủ Malcolm Turnbull chỉ có đa số 1 ghế tại Hạ Viện gồm 150 dân biểu. Tất nhiên đa số này đã mất sau ngày 27.10.2017 khi Ông Barnaby Joyce không còn là dân biểu, ít nhất là cho đến ngày 02.12.2017. Bề ngoài, Ông Malcolm Turnbull vẫn lạc quan tuyên bố rằng chính phủ vẫn ổn định, có lẽ một phần dựa vào cam kết của một dân biểu độc lập, Bà Cathy McGowan. Bà McGowan cam kết ủng hộ chinh phủ khi có biểu quyết tín nhiệm (confidence) và dự luật tài chánh (supply). Trong thể chế đại nghị Westminster Anh Quốc, chính phủ phải từ chức khi bị mất tín nhiệm tại Hạ Viện hoặc tại Quốc Hội (độc viện) để tổ chúc bầu cử, hoặc bị thay thế bởi đảng hay liên đảng đối lập.

    Tuy nhiên, thực tế chính trị không đơn giản như vậy. Trong những vấn đề khác, Dân biểu Cathy McGowan có thể bỏ phiếu ủng hộ Lao Động tương tự như các dân biểu độc lập và các đảng nhỏ khác, như Adam Bandt (Đảng Xanh), Rebekha Sharkie (Nick Xenophon Team), Bob Katter, Andrew Wilkie. Sau ngày bầu cử 02.07.2016, chính phủ Malcolm Turnbull hầu như lúc nào cũng phải thương lượng với Đảng Lao Động, Đảng Xanh, các đảng nhỏ và những dân biểu, nghị sĩ độc lập,

    Từ thế yếu, chính phủ liên đảng nay lại yếu hơn, mà viễn ảnh lại không có gì sáng sủa.

    Khi một nghị sĩ không còn thi hành nhiệm vụ, vì bất cứ lý do gì, ứng cử viên kế tiếp trong liên danh, hoặc ứng cử viên được nghị sĩ từ nhiệm lựa chọn sẽ được Quốc Hội tiểu bang bầu để thay thế tại Thượng Viện (Điều 15 Hiến Pháp liên bang).

    Nhưng khi một dân biểu không còn thi hành nhiệm vụ, một cuộc bầu cử bổ túc / byelection phải được tổ chức tại đơn vị của dân biểu ấy. Trường hợp Ông Barnaby Joyce có vẻ là trong “cái rủi có cái may”. Theo các cuộc thăm dò cử tri tại đơn vị New England (NSW) Ông Barnaby Joyce có lẽ sẽ chiến thắng để tái lập đa số 1 ghế cho chính phủ. Chính phủ thường bị mất phiếu trong các cuộc bầu cử bổ túc.

    Nhưng không có gì bảo đảm là đa số mong manh này sẽ tồn tại. Có thể trong hàng ngũ dân biểu và nghị sĩ hiện nay – đặc biệt là về phía chính phủ – hãy còn nhiều người bị vướng mắc Điều 44(1) vì lý do song tịch, hoặc bị vướng mắc bởi Điều 44(2) về các giới hạn quan hệ lợi nhuận khác. Bốn ngày sau Phán Quyết của Toà Án Tối Cao, Chủ tịch Thượng Viện, Nghị sĩ Đảng Tự Do Stephen Parry mới tiết lộ rằng ông có thể có quốc tịch Anh và sau đó đã phải từ chức khi song tịch được xác nhận. Đây là một bất ngờ ngay cả đối với Thủ tướng Malcolm Turnbull.

    Đảng Xanh và một vài dân biểu nghị sĩ Đảng Tự Do và Đảng Lao Động, trong tư cách cá nhân, đã để nghị một cuộc tổng kiểm tra độc lập (independent audit) tất cả dân biểu và nghị sĩ để xác định vấn đề song tịch. Thế nhưng hai thế lực chính là Liên Đảng và Đảng Lao Động đều từ chối. Lãnh tụ đối lập Bill Shorten tin tưởng vào tiến trình kiểm soát ứng cử viên của Đảng Lao Động, trong khi chính phủ đặt lòng tin vào danh dự của dân biểu và nghị sĩ trong việc “thành thật khai báo”.

    Nếu có thêm một vài dân biểu thuộc Liên đảng Tự Do / Quốc Gia bị vướng mắc bởi Điều 44 (1) hoặc Điều 44(2), chính phủ Malcolm Turnbull sẽ lâm nguy.

    Trên căn bản dài hạn, hầu như ai cũng nghĩ rằng Điều 44(1) đã rất lỗi thời trong xã hội văn hóa đa nguyên Úc Châu ngày nay. Khoảng 51% cư dân Úc có 1 hoặc cả 2 cha mẹ sinh đẻ ở nước ngoài nên nhân số công dân Úc có thêm một quốc tịch theo huyết thống (citizenship by decent) có thể rất đông. Thế nhưng, Điều 44(1) chỉ có thể thay đổi bằng một cuộc trưng cầu dân ý đòi hỏi đa số các tiểu bang chấp thuận và đa số dân chúng Úc trên toàn quốc chấp thuận, gọi là đa số kép – double majority. Theo Ủy Hội Bầu Cử Úc Châu AEC, cho đến nay chỉ có 8 trong tổng số 44 cuộc trưng cầu dân ý là được thành công. Thủ tướng Malcolm Turnbull chỉ đồng ý đưa vấn đề này cho một Ủy Ban Quốc Hội cứu xét.

    Cuộc khủng hoảng song tịch còn gây khó khăn trong quan hệ nội bộ giữa Đảng Tự Do và Đảng Quốc Gia. Liên minh cầm quyền đang bị căng thẳng vì:

    (a) Khi Thủ tướng Malcolm Turnbull vắng mặt, quyền Thủ tướng lại do Phó lãnh tụ Đảng Tự Do, nữ Ngoại trưởng Julie Bishop đảm nhiệm, thay vì do Nghị sĩ Scullion, Bộ trưởng Thổ Dân Sự Vụ và là Lãnh tụ của Đảng Quốc Gia tại Thượng Viện (chức vụ trước của Bà Fiona Nash); và

    (b) Bà Fiona Nash không còn là nghị sĩ và trên nguyên tắc, ứng cử viên kế tiếp trên liên danh của liên đảng tại NSW sẽ được Quốc hội NSW bầu chọn để thay thế. Nhưng ứng cử viên kế tiếp này lại là Bà Hollie Hughes thuộc Đảng Tự Do. Điều này có nghĩa là Đảng Tự Do sẽ có thêm một nghị sĩ và Đảng Quốc Gia mất đi một nghị sĩ. Cán cân quyền lực trong liên minh sẽ thay đổi mà hậu quả là số Bộ trưởng thuộc Đảng Quốc Gia trong chính phủ Malcolm Turnbull có thể bị giảm!

    Ngoài ra, tranh tụng có thể xảy ra bởi những ai mà quyền lợi bị ảnh hưởng bởi các quyết định của Ông Barnaby Joyce và Bà Fiona Nash. Trong thời gian làm Bộ trưởng, cả hai đã có 118 quyết định mà hiệu lực nay bị nghi ngờ.

    Người Gốc Việt và Vấn Đề Song Tịch và Đa Tịch

    Việt Luận: Đối với thế hệ thứ nhất và thứ hai của người Việt tị nạn tại Úc, nếu muốn trở thành chính trị gia, họ có cần phải làm đơn xin từ bỏ quốc tịch Việt Nam hay không?

    Ls Lưu Tường Quang: Trong tiến trình định cư của cộng đồng người gốc Việt, chúng ta mong mỏi có thể hội nhập chính trị thành công hơn là tình trạng hiện nay. Dẫu là thuộc thế hệ đầu tiên hay các thế hệ kế tiếp, một ứng cử viên gốc Việt muốn bước chân vào chính trường liên bang Úc đều phải cẩn thận xét lại lý lịch quốc tịch của mình để tránh tình trạng bị vướng mắc bởi Điều 44(1).

    Tuy rằng trong 42 năm qua, đại đa số người Việt định cư tại Úc đều đến từ Việt Nam mà tỉ lệ nhập quốc tịch Úc rất cao. Trong bối cảnh này, tất nhiên vấn đề được đặt ra là chúng ta còn mang quốc tịch Việt Nam hay không khi trở thành công dân Úc. Nhưng quốc tịch Việt Nam có thể không phải là quốc tịch nước ngoài duy nhất.

    Một số người Việt định cư tại Mỹ, tại Anh hoặc tại Canada hay New Zealand vân vân …và đã có quốc tịch của quốc gia định cư nầy, rồi sau đó tái định cư tại Úc (second migration) và trở thành công dân Úc. Trong trường hợp này, họ có quốc tịch Úc nhưng không mất quốc tịch Mỹ, Anh, Canada, New Zealand và Việt Nam. Theo luật lệ của từng nước, họ có thể truyền các quốc tịch này cho thế hệ con cái theo huyết thống (citizenship by decent). Đây không chỉ là vấn đề song tịch mà còn là vấn đề đa tịch.

    Nguyên tắc chung là thủ đắc quốc tịch tùy theo luật của quốc gia định cư và giữ hay mất quốc tịch nguyên thủy là do luật tại đất nước cội nguồn qui định.

    Tại Úc, di dân trở thành công dân Úc theo đơn xin khi thỏa mãn các qui định của Luật Quốc Tịch Úc, nhưng thủ đắc quốc tịch Úc không làm mất một hoặc nhiều quốc tịch đã có. Những ai sinh đẻ tại Úc mà có cha hoặc mẹ là công dân Úc hoặc thường trú nhân hợp pháp tại Úc, sẽ có quốc tịch Úc (citizenship by birth) và có thể có thêm quốc tịch nước ngoài (citizenship by decent), nếu cha hoặc mẹ còn giữ quốc tịch nước ngoài.

    Trong trường hợp Việt Nam, Luật Quốc Tịch 2008 (số 24/2008/QH12 có hiệu lực ngày 01.07.2009 và được sửa đổi bởi Luật Quốc Tịch 2014) qui định như sau:

    Điều 13. Người có quốc tịch Việt Nam
    • 1)Người có quốc tịch Việt Nam bao gồm người đang có quốc tịch Việt Nam cho đến ngày Luật này có hiệu lực và người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này.

      2)Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.
    Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của Luật này thì đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp Hộ chiếu Việt Nam”.

    “Người Việt Nam định cư” ở nước ngoài và “người gốc Việt Nam” được định nghĩa như sau, bởi Điều 3(3) và 3(4):

    Điều 3 – Giải thích từ ngữ

    (3). Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

    (4). Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.


    Một điểm quan trọng cần lưu ý là luật Quốc Tịch thường được thay đổi. Tại nước Anh cũng như tại Italy, thủ đắc quốc tịch theo huyết thống (Citizenship by decent) trước kia chỉ áp dụng trên căn bản phụ hệ (paternal line), nhưng sau này vì lý đó bình đẳng phái tính, bao gồm cả mẫu hệ (maternal line). Tại Việt Nam, Điều 13 cũ của Luật Quốc Tịch 2008 qui định người Việt Nam ở nước ngoài phải đăng ký trong vòng 5 năm để giữ quốc tịch, nếu không có thể mất quốc tịch. Tuy nhiên trong gần 5 năm sau ngày 01.07.2009, chỉ có 6 000 người làm thủ tục đăng ký trên tổng số trên 4 triệu người Việt ở nước ngoài. Vì vậy, Điều 13 đã được sửa đổi hồi năm 2014 và điều kiện đăng ký được bãi bỏ.

    Một câu hỏi ngược lại là trong thời kỳ hậu-cộng sản mà cộng đồng người gốc Việt ở nước ngoài mong đợi, Luật Quốc Tịch Việt Nam sẽ phải được thay đổi như thế nào để tập thể đông đảo hậu duệ gốc Việt mang nhiều quốc tịch khác nhau trên thế giới, có thể trở về Việt Nam và hội nhập chính trị trong tiến trình xây dựng một nước Việt tiến bộ và tự do dân chủ?

    Sydney, 02.11.2017


    Nguồn: http://vietluan.com.au



              
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”