Chính quyền lung lay vì Điều 44(i) của Hiến Pháp Úc

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Chính quyền lung lay vì Điều 44(i) của Hiến Pháp Úc

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           



    Chính quyền lung lay vì Điều 44(i) của Hiến Pháp Úc








    Vào tháng trước, Tối Cao Pháp Viện Úc đã chính thức đón nhận vụ kiện liên quan tới các dân biểu nghị sĩ bị cho là vi phạm Điều 44(i) của Hiến Pháp Úc vì mang song tịch. Luật sư của nhà nước yêu cầu Tòa tiến hành xử gấp vì tầm quan trọng của vấn đề. Đảng Đối Lập Lao Động đã yêu cầu chính quyền không đưa ra những dự luật quan trọng trong lúc này cho tới khi nào Tòa có phán xét rõ ràng về tính hợp pháp của các dân biểu và nghị sĩ mà trong đó quan trọng nhất là của Barnaby Joyce Phó Thủ Tướng và Lãnh Tụ Đảng Quốc Gia. Nếu ông Joyce bị coi là vi phạm Điều 44(i) thì chính quyền có thể lung lay. Liên Đảng Quốc Gia Tự Do chỉ có 76/150 ghế. Mất đi một ghế của ông Joyce thì có nguy cơ chính quyền sẽ sụp đổ theo. Tòa đã ấn định một phiên xử kéo dài trong 3 ngày từ 10-12 tháng 10 sắp tới đây.

    Điều 44 của hiến pháp Úc liệt kê 5 trường hợp loại trừ hoặc miễn nhiệm dân biểu và nghị sĩ liên bang. Thứ nhất là trường hợp song tịch hoặc khi dân biểu hoặc nghị sĩ trung thành với một quốc gia khác. Thứ hai là khi họ bị cáo buộc có liên can tới phản quốc hoặc phạm tội hình sự liên bang hoặc tiểu bang mà tội trạng mang hình phạt trên một năm tù. Thứ ba là khi họ bị phá sản. Thứ tư là những công chức nhà nước. Muốn ra tranh cử thì phải từ nhiệm trước. Sau cùng là khi họ làm chủ doanh nghiệp hoặc cổ phần trong các công ty nhỏ có dưới 25 cổ đông có hợp đồng làm ăn với nhà nước. Vi phạm một trong 5 điều này thì họ không có tư cách ứng cử hợp pháp hoặc nếu đã đắc cử thì bị bãi nhiệm. Cũng nên nói rõ là điều 44 này chỉ áp dung cho quốc hội liên bang. Các tiểu bang và lãnh thổ ban hành luật riêng về tư cách ứng cử và trong trường hợp nào thì sẽ bị bãi nhiệm.

    Trường hợp song tịch nằm trong điều 44(i). Thật ra, điều 44(i) có 3 vế tương tự nhưng khác biệt với nhau. Vế thứ nhất là khi dân biểu hoặc nghị sĩ bày tỏ lòng trung thành với một thế lực ngoại bang. Một trong những vụ kiện đầu tiên liên quan tới điều khoản này là Crittenden v Anderson vào năm 1950. Crittenden lập luận rằng dân biểu Anderson kghông có tư cách ứng cử vì ông là thành viên của Giáo Hội Công Giáo La Mã và do đó phải tuyệt đối trung thành với Giáo Hội là một thế lực ngoại bang. Thẩm phán Fullagar không chấp nhận lập luận này vì theo đó, hàng triệu người Công Giáo sẽ bị tước tư cách ứng cử. Cần phân biệt giữa niềm tin tôn giáo với lòng trung thành đối với một tổ chức, thế lực hoặc quốc gia khác. Người có niềm tin tôn giáo không đồng nghĩa với lòng trung thành với một thế lực ngoại bang.

    Vụ kiện kế tiếp là Nile v Wood (1988). Thượng Nghị Sĩ Elaine Nile kiện rằng ông Robert Wood không có tư cách ứng viên trong cuộc tranh cử vào Thượng Viện Liên Bang vì ông Wood là thành viên của Đảng Giái Giới Vũ khí Hạt nhân (Nuclear Disarmament Party) và trong quá khứ ông đã có hành động trái phép liên quan tới lực lượng hải quân đồng minh của Úc. Tòa không chấp nhận lập luận này và phán rằng để vi phạm vế thứ nhất của Điều 44(i), nguyên đơn phải chứng minh 3 yếu tố. Thứ nhất phải cho biết rõ thế lực ngoại bang đó là ai. Thứ hai, bị đơn đã thể hiện hoặc bày tỏ lòng trung thành với thế lực ngoại bang đó và thứ ba là bị đơn chưa từ bỏ hoặc rút lại thái độ trung thành với thế lực ngoại bang đó.

    Trong thời buổi này, tuyên bố trung thành hoặc gây quỹ tiếp tế cho các tổ chức khủng bố gây phương hại cho nước Úc có nhiều nguy cơ vi phạm vế thứ nhất. Chấp nhận giấy thông hành của một quốc gia khác có thể cũng vậy. Thế còn nhận tiền tặng của thế lực ngoại bang thì sao? Chẳng hạn như trường hợp của TNS Sam Dastyari nhận tài trợ từ nhà tỷ phú Trung Quốc để bày tỏ lập trường ủng hộ Bắc Kinh về tình trạng an ninh tại Biển Đông có vi phạm vế thứ nhất hay không? Hy vọng là Tối Cao Pháp Viện sẽ soi sáng thêm về khía cạnh này trong phán quyết sắp tới.

    Vế thứ hai là khi dân biểu hoặc nghị sĩ là thần dân hoặc công dân của một nước khác. Vế này được cứu xét trong vụ kiện Sykes v Cleary vào năm 1992. Ứng cử viên Ian Sykes phản đối kết quả bầu cử bổ túc tại đơn vị Wills sau khi cựu Thủ Tướng Bob Hawkse từ giã chính trường. Chiến thắng của ứng cử viên độc lập Philip Cleary được cho là bất hợp lệ vì ông là một thầy giáo trung học trường công lập và là nhân viên của nhà nước tiểu bang Victoria. Tòa phán rằng dù ông đã xin phép nghỉ không lương để ra tranh cử nhưng vẫn là một công chức nhà nước và do đó vi phạm Điều 41(iv) của Hiến Pháp.

    Sykes cũng thách thức tư cách ứng viên của Bill Kardamitsis (đại diện cho Đảng Lao Động) và John Delacretaz (Đảng Tự Do). Kardamitsis sinh ra tại Hy Lạp vào năm 1952 và di dân tới Úc từ 1969. Ông trở thành công dân vào năm 1975 và khi tuyên thệ nhập tịch đã tuyên bố từ bỏ lòng trung thành với mọi quốc gia khác mà chỉ trung thành với Nữ Hoàng Úc mà thôi. Ông trưởng thành và lập gia đình tại Úc, tham gia chính trường và thắng cử nghị viên Hội Đồng Thành Phố Coburg. John Delacratez sinh năm 1923 tại Thụy Sĩ và trở thành công dân Úc vào năm 1960. Khi đại diện cho Đảng Tự Do ra tranh cử vào năm 1992 thì ông đã sống tại Úc hơn 40 năm. Tuy nhiên dưới luật Hy Lạp và Thụy Sĩ thì cà hai ông Kardamitsis và Delacratez đều chưa bị mất quốc tịch cho tới khi nào làm đơn xin từ bỏ quốc tịch và đơn được chấp thuận.

    Tối Cao Pháp Viện xác nhận là việc một công dân Úc có còn mang quốc tịch nước khác hay không là do luật của quốc gia đó ấn định. Tòa cũng phán rằng khi Hiến Pháp Úc ra đời và có hiệu lực từ ngày 1 tháng Giêng năm 1901 thì đa số người Úc sinh đẻ từ nước ngoài và chọn Úc làm quê hương thứ hai. Do đó, chỉ cần ứng viên làm những gì họ có thể làm được để từ bỏ quốc tịch cũ thì họ sẽ không vi phạm Điều 44(i). Trong trường hợp này, cả hai ông Kardamitsis và Delacratez đều chưa có hành động gì xin từ bỏ quốc tịch cũ và vì vậy không có tư cách ứng viên. Việc tuyên thệ trung thành với Nữ Hoàng Úc trong Lễ Nhập Quốc tịch Úc không đủ mà phải có hành động cụ thể xin từ bỏ quốc tịch cũ.

    Vấn đề không rõ ràng là thần dân hoặc công dân Anh Quốc có vi phạm Điều 44(i) nếu không làm đơn xin từ bỏ quốc tịch Anh hay không? Trong vụ kiện Sue v Hill (1999), Heather Hill đại diện cho Đảng One Nation thắng ghế thượng viện. Bà Hill sinh ra ở Anh vào năm 1960 và di dân tới Úc với cha mẹ vào năm 1971. Bà trở thành công dân Úc vào năm 1998 nhưng chỉ chính thức từ bỏ quốc tịch Anh một tháng sau khi thắng cử. Tối Cao Pháp Viện phán rằng Anh là một quốc gia khác dưới Điều 44(i). Do đó, chiến thắng của bà Hill không có giá trị vì lúc tranh cử bà đã vi phạm Điều 44(i).
    Nhưng có lẽ phức tạp nhất là vế thứ ba với quy định là bất cứ người nào được hưởng quyền lợi công dân của một nước khác thì không được ứng cử hoặc tiếp tục làm dân biểu hoặc nghị sĩ Quốc Hội Liên Bang. Quyền lợi công dân thông thường bao gồm quyền được cấp giấy thông hành, quyền lãnh tiền trợ cấp an sinh xã hội, quyền ứng cử và bầu cử và xin bảo lãnh hoặc di dân. Không biết là vế thứ ba đòi hỏi chỉ một hoặc tất cả các quyền công dân này. Khi Do Thái ban tặng cho Thủ Tướng Bob Hawke tước hiệu “công dân danh dự” vào thập niên 80, có người lập luận rằng điều này có nghĩa là Bob Hawke vi phạm vế thứ 3 của Điều 44(i) và phải từ chức. Nếu vế này áp dụng trong trường hợp ứng cử viên có giấy thông hành ngoại quốc thì hàng triệu người Úc sẽ không có quyền ứng cử. Trong trường hợp những công dân Úc sinh đẻ ở châu Âu và tiếp tục nhận tiền hưu thì cũng bị vướng vào vế thứ 3 ngay cả sau khi họ đã tuyên bố tử bỏ quốc tịch cũ.

    Trong các vụ được đưa lên Tối Cao Pháp Viện cứu xét vào tháng 10 sắp tới, trường hợp của hai TNS Đảng Xanh là Scott Ludlam sinh ra ở Tân Tây Lan và Larissa Walters sinh ở Canada tương đối rõ ràng. Cả hai đều mang sọng tịch. Trường hợp của Phó Thủ Tướng Barnaby Joyce và Fiona Nash thì phức tạp hơn. Barnaby Joyce sinh ra tại Tamworth. Mẹ ông cũng sinh ra tại Úc nhưng bố của ông sinh ra tại Tân Tây Lan và sang Úc với tư cách là một thần dân Anh quốc vào năm 1947. Khái niệm công dân Úc và Tân Tây Lan ra đời vào năm 1948. Ông Joyce thừa hưởng quốc tịch Tân Tây Lan bằng quan hệ huyết thống. Luật của Tân Tây Lan nói rằng người nào có cha hoặc mẹ sinh đẻ tại Tân Tây Lan thì cũng là công dân Tân Tây Lan. Fiona Nash cũng trong trường hợp tương tự. Mẹ bà sinh tại Úc nhưng bố sinh ra ở Tô Cách Lan. Bà ra đời tại Úc vào năm 1965. Bố mẹ ly dị khi bà lên 8. Bà ở với mẹ và ít khi gặp bố. Trong suốt thời niên thiếu, bố mẹ đều nói rằng bà chỉ là người Úc và không có quốc tịch Tô Cách Lan.

    Do đó, cho tới khi nào Tối Cáo Pháp Viện ban hành phán quyết rõ rằng, những người Úc gốc Việt gồm có những người sinh đẻ tại Úc muốn tham gia chính trường liên bang thì tốt nhất là nên làm đơn xin từ bỏ quốc tịch Việt Nam.


    LS Nguyễn Văn Thân

    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”