Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ: Người da đen và giấc mơ bình đẳng!

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ: Người da đen và giấc mơ bình đẳng!

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ:
    Người da đen và giấc mơ bình đẳng!






    Chuyện vừa mới xảy ra tại Charlottesville, Tiểu bang Virginia và những lời tuyên bố gây tranh cãi và chia rẽ của Tổng thống Donald Trump đã cho thấy kỳ thị chủng tộc vẫn là sợi chỉ xuyên suốt trong những cuộc bạo động thường xuyên xảy ra trong xã hội Mỹ, mà phần lớn nạn nhân vẫn là người da đen. Bên cạnh những thành phần kỳ thị chủng tộc ra mặt trong xã hội Mỹ, cảnh sát cũng góp phần làm cho số phận của người da đen càng thêm bi đát hơn.

    Kể từ ngày 1 tháng Giêng năm 2016, đã có ít nhất 123 người Mỹ gốc Phi Châu bị cảnh sát giết chết. Vậy mà cho tới nay chưa có một cảnh sát nào bắn chết một người Mỹ da đen bị giam tù. Người Mỹ da đen hiện chỉ chiếm khoảng 6 phần trăm dân số Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, nhưng có đến 40 phần trăm thường dân không có vũ trang bị cảnh sát giết chết trong năm 2015 là người da đen. Khác với các vùng ngoại ô yên tĩnh của giai cấp trung lưu da trắng, các “cộng đồng da màu” thường xuyên đối mặt với các lực lượng an ninh. Kể từ thập niên 1970 đến nay, các cộng động da màu luôn ý thức rằng họ bị theo dõi và trừng phạt bởi các lực lượng an ninh.

    Đây chính là lý do mà từ 2 năm nay, một thế hệ mới những người Mỹ đa đen đã xuất hiện tại Hoa Kỳ. Được qui tụ dưới khẩu hiệu “Black Lives Matter” (mạng sống của người da đen quan trọng), họ chiến đấu chống lại các hành vị bạo động của cảnh sát, tình trạng bất công về kinh tế và thái độ kẻ cả đối với họ. Với nhiều hình thức tranh đấu khác nhau, phong trào “Black Lifes Matter” đang đeo đuổi lịch sử lâu dài của cuộc tranh đấu cho sự bình đẳng chủng tộc tại Hoa Kỳ.

    Tiền thân của phong trào “Black Lives Matter” là phong trào “Black Panthers” (Báo Đen) được thành lập năm 1966. Phong trào này cũng đã đề ra mục tiêu là chống lại sự tàn bạo của cảnh sát. Tại Thành phố Oakland, Tiểu bang California là nơi mà việc mang súng được xem là hợp pháp, những thành viên của phong trào “Black Panthers” đi tuần tiễu trên các ngã đường để theo dõi các chiếc xe của cảnh sát. Nơi nào cảnh sát xuất hiện và chuẩn bị ra tay, các thành viên của phong trào liền tức tốc chạy đến. Đứng cách khoảng 10 thước, tức khoảng cách mà luật pháp tiểu bang cho phép, họ quan sát rất kỹ hiện trường. Dĩ nhiên, cảnh sát luôn tỏ ra khó chịu, nhưng đồng thời bị buộc phải cân nhắc hành động của họ.

    Mùa hè năm 2016, sau khi đã xảy ra nhiều vụ bắn chết người da đen mà cảnh sát là tác nhân, con cháu của cố mục sư Martin Luther King lại càng nhận ra sự cần thiết phải theo dõi hành động của cảnh sát.

    Tại Baton Rouge, Tiểu bang Louisana, các thành viên của một tổ chức của người da đen có tên là “Stop the Killing, Inc.” (Hãy ngưng giết chóc) đã đi tuần tiễu trên các đường phố. Họ đã quay phim được cuộc cãi vã giữa hai cảnh sát viên da trắng và người thanh niên tên là Alton Sterling. Cuộc cãi vã đã kết thúc với cảnh người thanh niên đã bị “hành quyết” bằng một viên đạn xuyên qua lồng ngực. Một lần nữa, băng hình do phong trào “Stop the Killing, Inc” thu được đã cho thấy tội ác của cảnh sát da trắng. Khí giới mà những người tranh đấu của phong trào này trưng ra chính là chiếc điện thoại cầm tay. Phương tiện điện tử này đã giúp trực tiếp thu hình được cảnh những người thanh niên da đen không vũ trang bị giết chết. Nhưng dĩ nhiên, cắt đặt một người tranh đấu cho nhân quyền để theo dõi mỗi một cảnh sát viên trong những khu phố bình dân hoặc ngay cả đặt những chiếc máy thu hình di động để theo dõi cũng không phải là một biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Cuộc tranh đấu của phong trào “Black Panthers” đã không tỏ ra thực sự có tác dụng.

    Thế hệ mới của những người Mỹ da đen tranh đấu cho công lý và sự bình đẳng chủng tộc đều nhận ra giới hạn của những hệ thống xã hội họ có trong tay cũng như sự bất cân xứng giữa những khí giới họ đang có và khí giới của một nước Mỹ da trắng quyết tâm không muốn thấy và cũng chẳng muốn nghe. Chính vì vậy mà những người tranh đấu cho công lý và bình đẳng của người da đen thấy chỉ còn một cách là xuống đường, biểu tình và hô lớn cho mọi người nghe thấy: Người da đen có quyền được sống, sự sống của họ cũng quan trọng . Đó là ý nghĩa của khẩu hiệu: Black Lifes Matter!

    Không phải do ngẫu nhiên mà chính tại Thành phố Oakland, chiếc nôi khai sinh của phong trào “Black Panthers”, nhà tranh đấu nổi tiếng của phong trào là bà Alicia Garza đã lớn lên. Bà chính là mẹ đẻ của phong trào. Oakland là nơi tập trung của một trong những cộng đồng da đen nổi tiếng nhất của Tiểu bang California. Năm 2011, cộng đồng này đã mở ra một cuộc tranh đấu quyết liệt lấy tên là “Occupy Oakland” (chiếm lấy Oakland). Với cuộc tranh đấu này, cộng đồng da đen tại Thành phố Oakland đã phối hợp được hai chủ trương: đòi hỏi công bình xã hội và công bình chủng tộc!

    Thành phố Oakland cũng đã một thời nổi tiếng vì một quyết định lạ lùng của Tổng thống Ronald Reagan. Chính tại thành phố này mà thập niên 1980, Tổng thống Reagan đã cho tổ chức việc buôn bán ma túy với Nicaragua. Để chống lại chính quyền cộng sản Sandinista tại Nicaragua, thừa lệnh của Tổng thống Reagan, Cơ quan Tình báo CIA đã quyết định tài trợ cho tổ chức kháng chiến quân Contras bằng cách cho phép họ được làm giàu bằng việc buôn bán ma túy và phân phối tại Hoa Kỳ. Chính quyền Sandinista tại Nicaragua đã không sụp đổ, nhưng Oakland đã trở thành một trong những nạn nhân chính của hoạt động thương mại bất chính này. Với cuộc chiến chống ma túy, Chính phủ Mỹ đã dán lên người da đen nhãn hiệu “tội phạm bẩm sinh” và các nhà tù Mỹ không còn chỗ để chứa các tội phạm da đen! Ngày nay, California đã trở thành “mẫu mực” vì con số các nhà tù, việc phân chia không gian theo chủng tộc và chế độ giam giữ nghiêm khắc mà nạn nhân không ai khác hơn là các cộng đồng thiểu số.

    Phong trào “Black Lives Matter” chỉ thực sự được khai sinh với cái chết của một thanh niên da đen tại Tiểu bang Florida. Vào một buổi tối tháng Hai năm 2012, một thiếu niên da đen 17 tuổi tên là Trayvon Martin đã đi thăm một người bà con trong một khu giàu có thuộc Thành phố Sanford, Tiểu bang Florida. Một nhân viên an ninh tuần tiễu trong khu vực tên là George Zimmerman đã rút súng bắn người thiếu niên da đen. Bị đưa ra tòa xét xử, nhưng Zimmerman đã được tha bổng. Cũng như hàng triệu người khác, bà Garza đã phẫn nộ. Trên trang mạng xã hội, bà đã đưa ra một thông điệp bày tỏ tình liên đới: “Sự sống của người da đen chúng tôi cũng quan trọng”. Từ nhiều tiểu bang khác, nhiều người đã biểu đồng tình và phong trào “Black Lives Matter” đã ra đời. Với khẩu hiệu này, phong trào “Black Lives Matter” đã gióng lên một tiếng kêu thảm thiết về quyền sống của người da đen. Đó cũng là một lời hiệu triệu ngày càng qui tụ được nhiều người đứng lên tranh đấu cho công lý và bình đẳng chủng tộc.

    Với cái chết của một thanh niên da đen khác tên là Michael Brown tại Ferguson, Tiểu bang Missouri vào năm 2014, phong trào “Black Lifes Matter” lại càng nở rộ hơn bao giờ hết. Michael Brown, 18 tuổi, đã bị Darren Wilson, một cảnh sát viên da trắng, bắn hạ sau khi vào cướp một tiệm tạp hóa. Michael và một người bạn đã cãi vã và giằng co với viên cảnh sát để cho người này không kịp nổ súng. Sau đó cả hai đã bỏ chạy. Viên cảnh sát đã rượt theo. Trong suốt cuộc đụng độ, viên cảnh sát đã nhả đạn tất cả 12 lần và viên đạn cuối cùng đã hạ sát Michael. Cái chết của người thanh niên da đen đã gây câm phẫn trong cộng đồng da đen tại Ferguson. Ra tòa, cảnh sát viên Wilson được trắng án. Bộ tư pháp tuyên bố Wilson chỉ sự dụng khí giới để tự vệ.

    Phản ứng trước một cuộc xét xử bị cho là bất công, tiếng nói của phong trào “Black Lifes Matter” lại càng lớn mạnh. Chỉ trong một năm, phong trào này đã thiết lập được 23 cơ sở hoạt động trên toàn quốc và trở thành một hiệp hội qui tụ được nhiều nhóm tranh đấu khác như Black Youth Project 100, Dreams Defenders, Millions Hoodies hay Hands Up United…Các nhóm này bắt tay nhau để tổ chức những cuộc biểu tình ôn hòa, nhưng cương quyết trong việc đòi hỏi công lý và bình đẳng cho người da đen. Sự kiện cảnh sát đàn áp nhưng lại được một đại bồi thẩm đoàn tha bổng lại càng khiến cho các nhóm này cương quyết hơn và đồng thời cũng gây được sự chú ý của giới truyền thông. Chính vì vậy mà cuối cùng Chính phủ Mỹ và các chính quyền địa phương đã phải chấp nhận mở các cuộc điều tra về những cách hành xử của cảnh sát vốn trước đây đã được bao che như một thứ “sơ xuất” không đáng lên án.

    Hành động bộc phát và không có tổ chức trung ương, phong trào Black Lifes Matter chủ trương sát cánh với những nhóm bị đẩy ra bên lề xã hội như các cô gái điếm, giới đồng tính, các tù nhân, những người di dân lậu…nói chung, tất cả những người bị áp bức và khinh rẻ.

    Mùa thu năm 2014, Black Lives Matter đã đánh động được dư luận quần chúng khi đi thẳng vào các trung tâm thương mại lớn để gây ý thức về việc phải tăng lương tối thiểu cho công nhân. Các thành viên cũng đi vào các đại học xá để tố cáo chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc đã len lỏi vào các chương trình học cũng như những kẻ đang nắm quyền trong các đại học.

    Mùa hè năm 2015, các thành viên trẻ của phong trào, phần lớn là phụ nữ, cũng đã thành công trong việc lên tiếng trong các cuộc vận động của các ứng cử viên. Họ đã đặc biệt chất vấn các ứng cử viên của Đảng Dân Chủ về việc dấn thân của họ trong cuộc tranh đấu cho công lý và bình đẳng của người da đen. Ứng cử viên Dân Chủ Bernie Sanders đã đưa vào chương trình tranh cử của ông những đòi hỏi của phong trào Black Lifes Matter. Ông hứa sẽ xét lại những hình phạt đối những hành vi phạm pháp không bao động như sử dụng ma túy hay phạm luật giao thông chẳng hạn, bởi vì những hình phạt này chỉ làm cho các nhà tù bị ứ đọng và phần lớn phạm nhân chỉ toàn là các nhóm thiểu số. Ngoài ra vì không đủ tiền mướn luật sư và không chịu đóng tiền phạt, các gia đình da đen lại phải ra hầu tòa và lại phải trả tiền nhiều hơn. Chỉ riêng các vi phạm luật giao thông, người Mỹ da đen đã đóng góp đến 21 phần trăm ngân sách của Thành phố Ferguson.

    Được nhiều người ủng hộ, nhưng Black Lives Matter cũng gặp nhiều chỉ trích và chống đối. Các nghiệp đoàn cảnh sát Mỹ là những tổ chức đầu tiên lên tiếng gọi Black Lifes Matter là một phong trào “kỳ thị chủng tộc” và “chống cảnh sát”. Một số báo lại cho rằng thật là thiển cận và ngu xuẩn khi bảo rằng chỉ có “sự sống của người da đen mới quan trọng”. Một số khác tố cáo các thành viên của phong trào bênh vực cho các “băng đảng chuyên bán ma túy” và “giết trẻ em da đen”. Và tột cùng của những lời tố cáo là Black Lifes Matter là phong trào gieo rắc sự chia rẽ trong xã hội Mỹ.

    Barack Obama là người da đen đầu tiên được bầu làm tổng thống Mỹ và đã cầm quyền được 2 nhiệm kỳ. Đây là thành tích vẻ vang của cá nhân một người da đen. Nhưng số phận của người da đen vẫn không sáng sủa hơn bao nhiêu. Người da đen vẫn tiếp tục tranh đấu cho công lý và sự bình đẳng chủng tộc. Giấc mơ của cố Mục sư Martin Luther King được nhìn thấy con cái của những người nô lệ da đen được ngồi đồng bàn với trẻ con da trắng vẫn là một giấc mơ chưa tròn.

    (http://www.monde-diplomatique.fr/mav/149/LAURENT/56379)

    Đoàn Thi


    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”