Công trình xây dựng Viện dưỡng lão AVACS Nursing Home đã hoàn tất

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Công trình xây dựng Viện dưỡng lão AVACS Nursing Home đã hoàn tất

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Công trình xây dựng Viện dưỡng lão AVACS Nursing Home đã hoàn tất





    Đối với người Việt ở Úc, có nhiều hoàn cảnh người già không thể ở chung với con hoặc không có con ở Úc hoặc con không có đủ sức để chăm sóc, hoặc vì nhiều lý do khác. Trong những trường hợp như thế, một khi người già không thể tự lo cho mình thì bắt buộc phải vào viện dưỡng lão. Trước đây ở NSW nói riêng, những bác cao niên Việt Nam phải vào những viện dưỡng lão của Úc, sống chung với người Úc, ăn thức ăn Úc, nhân viên phục vụ phần lớn chỉ nói tiếng Anh và chỉ có những chương trình giải trí bằng tiếng Anh… Cuộc sống của người già Việt Nam ở những nơi như thế cô đơn lắm vì khác biệt văn hóa, ngôn ngữ, tập quán, thức ăn… nhưng họ không có một chọn lựa khác.

    Rất may mắn là trong những năm gần đây, một số người Việt có lòng đã tập hợp lại để nghĩ đến việc xây cất những viện dưỡng lão dành riêng người Việt Nam. Những viện dưỡng lão này sẽ phục vụ thức ăn Việt, nói tiếng Việt, nhân viên là người Việt, phương tiện giải trí bằng tiếng Việt… nói chung những viện dưỡng lão này mặc dầu nằm ở Úc nhưng rất giống trên quê hương Việt Nam…




    Cho đến hôm nay Melbourne đã có 2 viện dưỡng lão dành cho người Việt. Riêng Sydney vừa mới hoàn tất một cái ở vùng Smithfield – số 783-785 Horsley Drive, gần Fairfield và Cabramatta, là nơi tập trung đông đảo người Việt. Tên chính thức của viện dưỡng lão này là AVACS Nursing Home.

    Tôi đến thăm viện dưỡng lão này vào hôm thứ Sáu 25 tháng 5 vừa qua. Khi đến nơi, đứng từ bên ngoài nhìn vào, cảm nhận đầu tiên thì đây là một tòa nhà được xây cất theo lối hiện đại, nằm trên một lô đất rộng hơn 2000 mét vuông, gồm có 3 tầng. Tầng dưới là chỗ đậu xe, tầng thứ nhất và thứhai là phòng ngủ, bếp, phòng ăn, phòng giặt, phòng tập thể dục, phòng cắt tóc, phòng làm việc của nhân viên v.v…

    Từ cửa chánh bước vào là văn phòng tiếp khách, chung quanh là những phòng làm việc của nhân viên quản trị. Tất cả được thiết kế trong một không gian rộng rãi, khang trang lịch sự. Tại đây tôi được gặp những người đang điều hành cơ sở này như cô Kiều (phu nhân của bác sĩ Tăng Văn Minh), bà Robyn Ryall, hiện đang làm việc toàn thời với chức vụ giám đốc điều hành, và hai nhân viên điều hành khác.

    Cô Kiều là một trong những người thành lập viện dưỡng lão (founder) cho biết là hiện tại cô chỉ đến trung tâm một lần trong tuần để phụ giúp việc điều hành, những ngày khác mặc dầu không đến nhưng luôn bận rộn với những công việc liên quan đến trung tâm, cô làm việc này hoàn toàn thiện nguyện không lương.

    Sau đó cô Kiều giới thiệu tôi với cô Kim, thư ký của trung tâm, một phụ nữ trẻ vui tính hướng dẫn tôi đi thăm viếng cơ sở. Cô giải thích mọi thắc mắc của tôi với những gì cô biết một cách hết sức nhiệt tình. Vì đến lúc 12 giờ trưa – là giờ ăn trưa, cho nên tôi được gặp tất cả các bác trong phòng ăn, có cơ hội tâm tình và hiểu rõ hơn đời sống của họ. Tại đây tôi được gặp nhạc sĩ Xuân Tiên cùng hiền thê, là 2 trong số 15 người đang sống tại đây. Nhạc sĩ Xuân Tiên là một nhạc sĩ lớn của Miền Nam Việt Nam trước 1975 với những bản nhạc nổi tiếng được nhiều người yêu thích như “Khúc hát ân tình”, “Về dưới mái nhà”, “Chờ một kiếp mai”,… ngoài ra ông còn có chơi rất nhiều nhạc cụ khác nhau.Mặc dầu nay đã 97 tuổi nhưng nhạc sĩ Xuân Tiên vẫn còn rất minh mẫn. Tôi hy vọng sẽ có dịp trở lại để viết một bài về cuộc đời của bác.

    Mặc dầu là thư ký của trung tâm, nhưng cô Kim lại rất thân tình với các bác tại đây. Tôi nhận thấy không phải chỉ có cô Kim mà tất cả nhân viên mà tôi gặp trong phòng ăn, từ bếp chánh cho đến các phụ bếp (đảm trách luôn việc dọn đồ ăn lên bàn), cho đến các y tá… mọi người đều nói chuyện, đối xử rất thân thiện và tử tế với các bác cao niên.

    AVACS Nursing Home hiện tại có 4 ý tá và một ngày trong tuần có bác sĩ đến khám bệnh.

    Về phần ẩm thực, trong nhà bếp hiện có một bếp chánh và hai bếp phụ. Anh Minh là bếp chánh – một người trung niên niềm nở thân thiện, cho biết trước khi làm tại trung tâm này, anh từng làm chef cook cho Uniting Manly và Uniting Bankstown Hostel (cả hai đều là viện dưỡng lão dành cho người Úc). Tôi hỏi anh về sự khác biệt khi nấu ăn cho người Úc và người Việt, anh Minh cho biết là nấu ăn cho người Úc dễ hơn và họ ít “complaint” hơn. Một khó khăn khi nấu ăn trong viện dưỡng lão của người Việt so với Úc là thực đơn của người Úc rất đơn giản, trong lúc đó nấu ăn cho người Việt phải dung hòa thức ăn của ba miền Nam-Trung-Bắc.





    Anh Minh cho biết thêm là mặc dầu làm việc trong viện dưỡng lão của người Việt cực hơn so với Úc nhưng anh chọn nơi đây vì anh thích phục vụ cho đồng hương.

    Tôi cũng có cơ hội trò chuyện với chị Ý Như, một phụ nữ trung niên, đang sống ở Bankstown, mỗi ngày chị xuống đây 2 lần, trưa và chiều để đút ăn cho mẹ vì mẹ không thể tự ăn và chỉ có chị đút bà cụ mới chịu ăn. Theo chị, bà cụ có một tâm sự rất buồn là chồng bà, tức cha chị, vượt biên mất tích vào năm 1981.

    Tiêu chuẩn của tất cả các viện dưỡng lão ở Úc là ăn đến 6 lần trong ngày, 2 lần chánh (trưa và chiều) và 4 lần phụ. Theo anh Minh cho biết vì người già không ăn được nhiều cho nên ăn nhiều lần trong ngày. Tuy nhiên, khi nhìn thức ăn trong buổi trưa, tôi nhận thấy nó hơi nhiều đối với một người già, bao gồm một phần cơm, một đùi gà rôti, một đĩa sà lách, một chén canh, một đĩa nhỏ trái cây trán miệng, một ly nước… trà, cà phê uống thoải mái.

    Trong số 15 người đang sống trong AVACS Nursing Home, hầu hết trước đây đã từng sống trong những viện dưỡng lão của Úc. Trong lúc tâm tình với các bác và các thân nhân đang có mặt trong phòng ăn, tất cả mọi người cho tôi biết là bây giờ được sống trong viện dưỡng lão của người Việt, họ cảm thấy hạnh phúc, thoải mái hơn nhiều. Họ rất hài lòng với các nấu của anh Minh và cách đối xử của tất cả các nhân viên.

    AVACS Nursing Home chứa được 68 người già, mỗi người một phòng, 34 phòng ở tầng một và 34 phòng ở tầng hai. Tất cả các phòng đều giống nhau, mỗi phòng có tủ âm, phòng tắm toilet riêng, giống như khách sạn 4 sao. TV mọi người coi chung, nếu muốn có TV riêng trong phòng phải trả hình như là $3/tuần.









    Sau phần hướng dẫn của cô Kim, tôi gặp vợ chồng bác sĩ Tăng Văn Minh, Bác sĩ Minh đang là Chủ Tịch AVACS, để tìm hiểu thêm về sự hình thành của trung tâm này.

    Bác sĩ Minh cho biết là sau khi tìm hiểu kỹ, Ban Điều Hành (Board Directors) của AVACS đã quyết định chọn công ty Stephen Edwards Constructions, lý do vì đây là công ty xây dựng lớn có uy tín của Úc và đáp ứng đòi hỏi của chính phủ là công ty xây dựng phải có “Federal License”. Sau khi hoàn tất, Ban Điều Hành rất hài lòng là họ đã chọn đúng công ty.

    Viện dưỡng lão này bắt đầu đi vào hoạt động vào ngày 1 tháng 5 vừa qua. Cho đến ngày 25 tháng 5, chỉ mới có 15 người già sống tại đây. Khi hỏi lý do tại sao chỉ 15 người trong lúc đó sức chứa của viện dưỡng lão này là 68 người, bác sĩ Minh cho biết là theo yêu cầu của chính phủ, một viện dưỡng lão mới hình thành phải nhận vô từ từ để tránh tình trạng “out of control”. Hiện tại mỗi tuần đều có người mới vô sống, và bác sĩ Minh cho biết có thể đến tháng 9 này thì AVACS Nursing Home sẽ đầy người.

    Về nguyên tắc để nhận một người vô viện dưỡng lão, bác sĩ Minh cho biết là AVACS Nursing Home phải theo nguyên tắc giống như mọi viện dưỡng lão khác. Trước hết người già muốn vô đây phải nộp đơn cho ACAT (Aged Care Assessment Team), một khi hội đủ điều kiện, ACAT sẽ chuyển hồ sơ cho AVACS Nursing Home, và ban điều hành của AVACS sẽ quyết định nhận như thế nào. Thí dụ như ACAT gởi đến AVACS 50 hồ sơ, trong lúc AVACS chỉ có 20 chỗ trống, thì AVACS có quyền chọn 20 trong số 50 hồ sơ đó. Dĩ nhiên là AVACS sẽ ưu tiên chọn 20 hồ sơ của người Việt. Hơn thế nữa vì đây là viện dưỡng lão “của người Việt”, nấu thức ăn Việt, nghe nhạc Việt, nhân viên nói tiếng Việt cho nên người ngoại quốc sẽ không chọn nơi đây để sống.

    Khi được hỏi về nguồn tin cho rằng những người muốn vô AVACS sống phải đóng $30,000, bác sĩ Minh cho biết điều đó hoàn toàn không đúng sự thật.

    Sự thật là như thế này: trong số 68 người muốn vô AVACS Nursing Home, 50 người không phải đóng một đồng nào cả (chỉ qua cứu xét của ACAT và AVACS), 18 phòng còn lại sẽ ưu tiên cho 18 người tự nguyện đóng $30,000/người để phụ giúp thêm trong việc xây dựng trụ sở. Cho đến hôm nay đã có đủ 18 người đóng số tiền $30,000 này. Trong số 15 người mà tôi được gặp tại AVACS Nursing Home chỉ có vợ chồng nhạc sĩ Xuân Tiên đóng số tiền này mà thôi. 16 người còn lại mặc dầu đã đóng góp $30,000 nhưng chưa ai vô đây cả. Có thể những người này chỉ muốn đóng góp mà không vô đây sống.

    Tôi cũng được cho biết thêm là những người già được sống trong AVACS Nursing Home, nếu không có tài sản trị giá hơn quy định của chính phủ, đang nhận tiền già, thì họ chỉ trả 85% tiền trợ cấp. Số tiền này chỉ đủ một phần chi phí của một người già sống trong viện dưỡng lão, phần còn lại chính phủ đài thọ. Chi phí cho một người già trong viện dưỡng lão vào khoảng $900/tuần.

    Để xây dựng viện dưỡng lão này, bác sĩ Minh cho biết chi phí tổng cộng vào khoảng $18.5 triệu. Trong đó chính phủ cho mượn $12 triệu (với tiền lời rất thấp, phải trả trong 20 năm), chính phủ trợ cấp (cho luôn) $3 triệu, AVACS gây quỹ từ trước đến nay trên dưới được $1 triệu. Còn lại $2.5 triệu, Bs Minh, Bs Vinh, Bs Hào, Bs Vinh (trẻ), nha sĩ Hương cho mượn không lấy lời.

    Sỡ dĩ phí tổn lớn như thế là vì theo bác sĩ Minh cho biết, AVACS xây dựng và tân trang theo tiêu chuẩn cao nhất của Úc, cho nên được chính phủ xếp AVACS Nursing Home vào Grade A, theo tiêu chuẩn của viện dưỡng lão gồm có Grade A, B và C.

    Tổng cộng số nhân viên làm việc cho VACS hiện này là 50 người. Khi đủ 68 người vô sống, sẽ cần đến 100 nhân viên.

    Nói về lợi ích của người già sống trong AVACS Nursing Home, cô Kiều cho biết là người già sống ở đây được những lợi ích như: được ăn thức ăn Việt Nam, nói tiếng Việt, được nhân viên chiều chuộng, có bạn đồng hương tâm tình chia sẻ, cảm thấy giống như một không khí gia đình.

    Mặc dầu chỉ ngồi chia sẻ với các bác, các thân nhân trong phòng ăn khoảng 1 giờ, người viết cũng có nhận xét tương tự. Đa số người Việt sống trong viện dưỡng lão Úc, vì lạc lõng cô đơn nên dễ bị những chứng bệnh như “dementia, alzheimer”. Họ sống không phải để an hưởng tuổi già mà sống để chờ chết. Trong viện dưỡng lão của người Việt, người già đỡ cô đơn hơn rất nhiều, đây là niềm an ủi lớn nhất đối với tuổi già.

    Trong lúc ngồi tâm tình, bác sĩ Minh cho biết là ông nảy ra ý xây dựng một viện dưỡng lão dành cho người Việt sau khi vào một viện dưỡng lão của Úc để thăm một bệnh nhân. Ông này không được chăm sóc kỹ lưỡng nên bị té nhiều lần. Có thể vì không nói được tiếng Anh, không ăn được thức ăn Úc, cho nên không lâu sau đó ông đã đời vì quá cô đơn.

    Khi được hỏi về những khó khăn trong việc xây dựng cơ sở này từ lúc bắt đầu cho đến nay, bác sĩ Minh cho biết những người thành lập và ban điều hành AVACS, đã trải qua nhiều khó khăn như:

    Phải có một số tiền khá lớn để thuyết phục được chính phủ là mình có đủ khả năng tài chánh
    Phải chứng minh cho chính phủ thấy là mình có đủ khả năng để xây dựng và điều hành một viện dưỡng lão thành công
    Nhưng vợ chồng bác sĩ Minh cho biết cái khó khăn lớn hơn đối với họ là phải đối đầu những tiếng thị phi, tin đồn thất thiệt, sự gây tỵ… của một số người trong cộng đồng người Việt ở NSW. Vài người trong ban điều hành đã từng bị “stress” nặng vì những áp lực này.

    Khi được hỏi là ban điều hành trong tương lai có ý định xây thêm một viện dưỡng lão dành riêng cho người Việt Nam hay không, bác sĩ Minh cho biết là sau khi bắt đầu điều hình AVACS Nursing Home họ mới thấy là nhu cầu về viện dưỡng lão cho người cao niên Việt Nam cao hơn họ nghĩ. Thế hệ tị nạn Việt Nam bắt đầu bước vào tuổi 60, 70, 80. Nhiều người con số này không có chọn lựa nào khác hơn là phải vào viện dưỡng lão. Con số 68 phòng trong AVACS Nursing Home quá ít so với nhu cầu của Việt Nam, vì vậy có thể một khi cơ sở này hoạt động hữu hiệu, ban điều hành AVACS có thể sẽ nghĩ đến một cơ sở thứ hai.

    Trước khi ra về, bác sĩ Minh và cô Kiều có những lời sau đây muốn gởi đến độc giả của Việt Luận và đồng hương ở NSW: Sau hơn 40 năm định cư cộng đồng người Việt ở NSW nói riêng và ở Úc nói chung đã lớn mạnh và thành công trong kinh doanh và học vấn nghề nghiệp…, thế nhưng về lãnh vực chăm sóc cho người cao niên Việt Nam, có lẽ chúng ta chưa có một quan tâm đúng mức.

    Việc xây dựng thành công một viện dưỡng lão dành riêng cho người cao niên Việt Nam như AVACS Nursing Home chứng tỏ cho thấy sự trưởng thành và tinh thần đoàn kết trong cộng đồng chúng ta. Đây không phải chỉ là đóng góp cho riêng người Việt mà cũng là một sự đóng góp đối với nước Úc. Chính phủ Úc nhìn vào thành quả này sẽ thấy sự trưởng thành của cộng đồng chúng ta.

    Cuối cùng bác sĩ Minh và cô Kiều thay mặt cho Ban Điều Hành AVACS muốn nhờ trang báo này gởi lời cám ơn chân tình đến tất cả quý đồng hương đã đóng góp về phương diện vật chất và tinh thần để viện dưỡng lão AVACS Nursing Home được hoàn thành tốt đẹp như hôm nay. Đây không phải là thành quả của riêng một cá nhân, một hội đoàn, một nhóm người, mà là thành quả chung của cộng đồng người Việt ở NSW.

    Lễ khánh thành chính thức AVACS Nursing Home sẽ được tổ chức tại ngay trụ sở số 783-785 Horsley Drive, Smithfield, lúc 11 giờ sáng Chủ Nhật 10/6/2018. Ban Điều Hợp AVACS trân trọng mời đồng hương đến tham dự.

    Phạm Hoài Nam



    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Người Việt hải ngoại”