Việt Luận phỏng vấn Ls Lưu Tường Quang về văn hóa vận của chính quyền CSVN đối với Cộng động người Việt tại Úc

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5416
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Việt Luận phỏng vấn Ls Lưu Tường Quang về văn hóa vận của chính quyền CSVN đối với Cộng động người Việt tại Úc

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           



    Việt Luận phỏng vấn Ls Lưu Tường Quang
    về văn hóa vận của chính quyền CSVN
    đối với Cộng động người Việt tại Úc





    Việt Luận: Thưa ông, vào giữa tháng 3 vừa qua Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc đến Úc Châu để tham dự Hội nghị ASEAN, bên cạnh đó ông Phúc cũng tham dự lễ Khai trương Văn Phòng Thường Trú Đài Tiếng Nói Việt Nam tại Sydney vào sáng thứ Bảy 17.03.2018, ông đánh giá thế nào về sự kiện này?

    Ls Lưu Tường Quang: Đây là chuyến thăm viếng Nước Úc đầu tiên của Ông Nguyễn Xuân Phúc với tư cách Thủ tướng chính quyền cộng sản Việt Nam, cùng một phái đoàn đông đảo gồm nhiều bộ trưởng (kể cả Phó Thủ Tướng kiêm ngoại trưởng Phạm Bình Minh) cũng như các doanh nhân và với hai mục đích.

    Thứ nhất từ ngày 14 đến 16.03.2018 tại Canberra là phần công du song phương để ký kết với Thủ tướng Malcolm Turnbull văn kiện chính thức nâng cao quan hệ giữa hai nước lên mức chiến lược – strategic partnership. Điều này đã được loan báo trước đây khi Ông Malcolm Turnbull có mặt tại Đà Nẵng để tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Hợp Tác Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC Leaders’ Summit) hồi tháng 11 năm 2017. Đây cũng là dịp để gọi là “kỷ niệm” 45 năm bang giao giữa Canberra và Hà Nội (1973-2018). Và thứ hai là sau Canberra, Ông Nguyễn Xuân Phúc và phái đoàn đã đến Sydney để tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Asean-Australia lần đầu tiên được tổ chức tại Úc và do Úc đóng vai chủ nhà.

    Trong cả hai khoảng thời gian tại thủ đô liên bang và tại thành phố lớn nhất Úc Châu, Ông Nguyễn Xuân Phúc đã có chương trình “kiều vận” rất năng động. Tôi cũng nói thêm rằng đây cũng là phương thức mà Ông Nguyễn Xuân Phúc và phái đoàn đã theo đuổi tại New Zealand trước khi họ đến Úc Châu.

    Chương trình kiều vận nầy gồm những cuộc tiếp xúc cá nhân với những người gốc Việt được gọi là “đại diện” cộng đồng người Việt tại Úc và vài đoàn thế mới được thành lập, chẳng hạn như Câu Lạc Bộ những người trí thức gốc Việt được chính thức ra mắt tại Đại Sứ Quán Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Canberra, sau một năm được hình thành và Câu Lạc Bộ các Nhà Khoa Học người Việt Nam tại Queensland. Tại Sydney, Ông Nguyễn Xuân Phúc còn chủ toạ Lễ khánh thành Văn Phòng Đại diện Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV). Cũng tại Sydney từ nhiều năm nay, Thông Tấn Xã Việt Nam cũng đã có văn phòng đại diện sinh hoạt bên cạnh Tổng Lãnh Sự Quán cộng sản Việt Nam. Cả hai đều là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà Nước cộng sản Việt Nam mà người trưởng nhiệm thường là đảng viên cấp Ủy Viên Trung Ương. Cả hai cơ quan này đã có một số văn phòng đại diện tại chục nước, kể cả tại Pháp và tại Mỹ.

    Tất nhiên, đây là diễn tiến quan trọng đối với cộng đồng gốc Việt tại Úc, quan trọng không kém và còn có thể hơn nữa, việc Đài Truyền Hình Việt Nam VTV4 phát chương trình trên Đài Truyền Hình Văn hóa Đa nguyên Úc Châu SBSTV hồi cuối năm 2003. Mưu toan VTV4 đã bị dập tắt nhanh chóng trước sự phản đổi dữ dội và hữu hiệu của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu.

    Có lẽ về mặt kiều vận, chính quyền Hà Nội quan tâm trước đến cộng đồng người Việt tại Mỹ vì sức mạnh nhân số và sức mạnh kinh tế, nhưng nay họ có vẻ chú ý đến cộng đồng người Việt tại Úc nhiều hơn trước đây theo kế hoạch đã được tăng cường từ năm 2016, nhằm phân tán tập thể người gốc Việt đã định cư và hội nhập thành công”.

    Việt Luận: Khánh thành một đài phát thanh tại thành phố tập trung người tị nạn Cộng Sản đông nhất tại Úc, có phải nằm trong kế hoạch văn hóa vận của Nghị Quyết 36?

    Ls Lưu Tường Quang: Đối tượng không phải chỉ là cộng đồng người Việt tại Sydney (NSW) mà là tập thể người Việt trên toàn quốc Úc Châu với một nhân số khoảng 300 ngàn người theo dữ kiện thống kê dân số Census Australia 2016. Chính Ông Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến điểm nầy trong một dịp tiếp kiến phái đoàn gọi là “đại diện” cộng đồng người Việt.

    Ông Nguyễn Xuân Phúc đã bạo miệng như sau: “Trong buổi tiệc trọng thể của Thủ tướng Úc, tôi công bố ta có 300 000 người Việt ở Australia với những nhà khoa học tinh hoa nhất. Tuy nhiên việc sử dụng tài năng của người Việt còn mỏng, chưa đóng góp nhiều cho khoa học cụ thể. Cái chung thì tốt, cái cụ thể chưa tốt.Các nhà khoa học Việt Nam ở Australia kết nối tương trợ nhau, kết nối hiệu quả với nhà khoa học trong nước. CLB trí thức mới thành lập năm ngoái nhưng hoạt động mạnh…Việc ra mắt CLB trí thức Úc, tập hợp trí tuệ là cách làm rất mới mẻ”, (hết trích dẫn. Nguồn: VietnamNet ngày 17.03.2018)

    Ông Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu những lời lẽ vô liêm sỉ (“tôi công bố ta có 300 000 người Việt ở Australia”) vì 300 000 người Việt ấy đã định cư thành công tại Úc không phải vì có sự trợ giúp hoặc khuyến khích của chính quyền Hà Nội – mà trái lại, mặc dầu họ đã bị chế độ cộng sản đàn áp và phá rối. Đảng Cộng Sản và chính quyền Hà Nội đã từng miệt thị tập thể người tị nạn Việt Nam là những “tội phạm chống cách mạng”, đã vượt thoát ra nước ngoài “theo chân quan thầy đế quốc Mỹ” (Nguồn: [1979] The Boat People An Age Investigation, with Bruce Grant, Penguin Books Ltd, p.28]

    Luận điệu cộng sản đã đổi khác vào đầu thập niên 1990, khi “Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài” bắt đầu thực hiện kế hoạch tích cực chiêu dụ một số “Việt Kiều yêu nước” trở về thăm quê hương và hợp tác với chế độ cộng sản. Kế hoạch nầy được đúc kết và trở thành chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam theo Nghị Quyết 36 (Nghị quyết của Bộ Chính trị số 36-NQ/TW: “Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”, ngày 26 tháng 3 năm 2004). Tập thể người Việt ở nước ngoài trở thành “khúc ruột ngàn dặm”.

    Nghị Quyết 36 có đoạn như sau: “Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách rộng mở và biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho đồng bào về thăm đất nước, người thân, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học – công nghệ, hoạt động văn hoá – nghệ thuật. Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được đổi mới và đạt được những kết quả đáng kể cả ở trong và ngoài nước. Công tác thông tin, văn hoá phục vụ cộng đồng từng bước được tăng cường, nhất là trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình và qua mạng Internet”.

    Nghị Quyết 36 được tăng cường và mở rộng với những biện pháp cụ thể vào năm 2016. Có lẽ như là một trong những động tác cuối cùng trước khi bị bãi nhiệm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị quyết số 27/NQ-CP, ngày 5/4/2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2016-2020.

    Việc thiết lập văn phòng đại diện Đài Tiếng Nói Việt Nam tại Sydney là hành động cụ thể thực hiện chính sách của Nghị Quyết 36 năm 2004 và kế hoạch cụ thể của Nghị Quyết 27 năm 2016”.

    Việt Luận: Ông có nghĩ đây chỉ bước đầu trong kế hoạch lâu dài về “văn hóa vận” của chính quyền CSVN, trong tương lai họ sẽ từng bước một tìm cách thống trị ngành truyền thông Việt Nam tại Úc giống như chính quyền Trung Quốc đã làm đối với Cộng Đồng người Hoa ở Úc?

    Ls Lưu Tường Quang: Chính quyền Hà Nội vẫn thường bắt chước chính sách của Bắc Kinh trong nhiều lãnh vực, kể cả việc sử dụng quyền lực mềm. Điều khác biệt là Hà Nội thường đi sau nhiều năm và Hà Nội không có phương tiện tài chánh dồi dào như Bắc Kinh.

    Trong vài năm gần đây, chính phủ Úc đã phản tỉnh khi giới truyền thông độc lập tại Úc phanh phui sự xâm nhập sâu rộng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, qua các tổ chức bình phong như Viện Khổng Tử, hiệp hội thân hữu trong cộng đồng cũng như trong giới đại học, hoặc cá nhân như các đại gia tỉ phú người Hoa hoặc gốc Trung Hoa và ngay cả một thành phần du sinh từ Trung Quốc. Bắc Kinh đã thành công trong kế hoạch phân tán cộng đồng Người gốc Trung Hoa và không kém phần quan trọng là đã kiếm soát được hầu hết những phương tiện truyền thông bằng Hoa ngữ tai Úc. Tôi đã có bài phân tích chi tiết về vấn đề nầy nên xin miễn lập lại (Lưu Tường Quang, Quyền Lực Mềm Bắc Kinh: Úc Châu bị đe dọa về mặt an ninh và những giá trị độc lập tự do dân chủ * Bài học gì cho cộng đồng gốc Việt? Việt Luận, Giai Phẩm Xuân Mậu Tuất 2018, trang 48-50).

    Vào thời điểm nầy, cộng sản Hà Nội chưa có thể kiểm soát, hoặc chưa công khai tạo ảnh hưởng trong giới truyền thông tiếng Việt tại Úc, nhưng từ nhiều năm nay, họ đã xâm nhập vào cộng đồng, đặc biệt là trong sinh hoạt kinh tế thương mại. Văn hóa, giáo dục là lãnh vực mà họ đang khai thác.Tôi tin rằng nhiệm sở ngoại giao và lãnh sự cộng sản Việt Nam cũng theo đuổi việc kiểm soát du sinh Việt Nam không khác chi chế độ cộng sản Trung Quốc.

    Cứ nhìn những sinh hoạt của Ông Nguyễn Xuân Phúc tại New Zealand và Australia hồi giữa tháng 3/2018, của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Pháp hồi cuối tháng 3/2018, của Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Úc hồi tháng 11/2017 và tại Hòa Lan hồi cuối tháng 3/2018, chúng ta thấy rõ xuyên suốt một loạt những sinh hoạt kiều vận như nhau với loại ngôn ngữ được sử dụng như nhau mà chúng ta có thể tìm thấy trong Nghị Quyết 36/2004 và Nghị Quyết 27/2016. Tại Pháp, Ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã khai trương trụ sở mới của Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Quận 13 Thủ đô Paris. Quận 13 Paris là nơi có rất đông người Việt định cư”.

    Việt Luận: Theo ông, Cộng đồng người Việt tại Úc phải làm gì để chống lại “xâm lăng” này?

    Ls Lưu Tường Quang: Thành phần đông đảo nhất trong tổng số 300 ngàn là người tị nạn Việt Nam. Đối với thế hệ thứ nhất, họ không dễ gì bị lôi cuốn bởi chiến dịch kiều vận hiện nay. Nhiều người có thể trở về quê nhà để thăm viếng thân nhân bạn bè vì lý do tình cảm, chớ không phải vì lý do chính trị để ủng hộ chế độ hiện nay. Một số nhỏ đã ngã theo chiều gió vì quyền lợi cá nhân và cơ hội làm ăn chớ không phải vì lý do ý thức hệ. Đối với thành phần trẻ sinh đẻ tại Úc, đây cũng là trách nhiệm của mỗi gia đình chúng ta.

    Người Việt tại Úc là cộng đồng có tổ chức và tương đối đoàn kết mà thành phần chủ động có tư cách đại diện đối với xã hội Úc và ba cấp chính quyền tại Úc là Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang, các Tiểu Bang và Lãnh Thổ (VCA). VCA Liên Bang sắp nhóm Đại Hội Toàn Quốc tại Perth, Tây Úc, vào đầu tháng 6/2018. Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội tốt để đại diện cộng đồng khắp nơi thảo luận thử thách mà cộng đồng đang đối diện, đúc kết những vấn đề quan tâm và đề nghị phương thức thi hành kể cả vận động chính giới và xã hội dân sự.

    Trong xã hội văn hóa đa nguyên, sức mạnh của tập thể người Úc gốc Việt là lá phiếu cử tri và quyền tự do ngôn luận mà chúng ta cần suy nghĩ cẩn thận để sử dụng một cách thông minh và uyển chuyển, thích hợp với hoàn cảnh mới đang thay đổi.

    Việt Luận xin cảm ơn Ls Lưu Tường Quang về cuộc phỏng vấn này.



    Nguồn:http://vietluan.com.au



              
Trả lời

Quay về “Người Việt hải ngoại”