Quan hệ Úc Việt và chính sách “3 không” của Cộng đồng người Việt hải ngoại

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Quan hệ Úc Việt và chính sách “3 không” của Cộng đồng người Việt hải ngoại

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           



    Quan hệ Úc Việt
    và chính sách “3 không”
    của Cộng đồng người Việt hải ngoại





              

              


    Trong chuyến công du nước Úc và tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Úc – ASEAN, Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức ký kết thoả thuận với Thủ Tướng Úc Malcolm Turnbull nâng cấp quan hệ song phương lên mức Đối Tác Chiến Lược vào ngày 15/3 tại Sydney. Việt Nam có 3 cấp quan hệ ngoại giao. Cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện mà Việt Nam đã có với Trung Quốc (2008), Nga (2012) và Ấn Độ (2016). Kế tiếp là đối tác chiến lược. Ngoài Úc ra thì Việt Nam cũng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 12 quốc gia khác là Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Anh, Đức, Ý, Pháp, Nam Dương, Thái Lan, Singapore, Mã Lai và Phi Luật Tân. Tuy nhiên, Bá Linh đã quyết định đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Hà Nội sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Ngoài ra, Việt Nam cũng có quan hệ đối tác toàn diện với 11 quốc gia khác là Nam Phi, Venezuela, Chile, Brazil, Tân Tây Lan, Argentina, Ukraine, Hoa Kỳ, Đan Mạch, Miến Điện và Canada. Hiện tượng này cùng với 16 Hiệp định Thương Mại Tự Do mà Việt Nam đã và đang tham gia thể hiện chủ trương của Đảng Cộng Sản Việt Nam là thi hành chính sách ngoại đa phương và hội nhập vào cộng đồng quốc tế để giảm bớt sức ép từ Trung Quốc.

    Sau Hiệp định Paris, chính quyền Lao Động của Thủ Tướng Gough Whitlam quyết định thành lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (tức Bắc Việt) vào năm 1973. Tới giữa năm 1983 khi Việt Nam đang bị sa lầy tại Cam Bốt, Ngoại Trưởng Bill Hayden đã đến Hà Nội hội đàm với Ngoại Trưởng Nguyễn Cơ Thạch để giúp Việt Nam tìm một lối thoát ngoại giao. Vào thời điểm này, Hà Nội hoàn toàn bị cô lập vì những chính sách đối ngoại ngạo mạn và đối nội tàn ác của Lê Duẫn đối với quân dân miền Nam sau ngày 30/4/1975 dẫn đến làn sóng tỵ nạn “thuyền nhân” gây chấn động lương tâm và công luận quốc tế.

    Quan hệ Úc Việt bắt đầu tiến triển theo chiều hướng tích cực sau khi Hà Nội rút quân khỏi Cam Bốt vào năm 1989 và gia nhập thành viên ASEAN vào năm 1995. Vào năm 1996, Canberra đồng ý tài trợ dự án xây cất cầu Mỹ Thuận theo chương trình viện trợ AusAid trả hơn 60 triệu Úc kim tức 2/3 kinh phí xây cầu dây văng bắc qua sông Tiền nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Hợp tác quốc phòng giữa hai nước bắt đầu từ năm 1998 và Úc mở văn phòng tùy viên quân sự tại Hà Nội vào năm 1999. Tùy viên quân sự đầu tiên của Việt Nam được mở một năm sau đó tại Canberra.

    Canberra tiến hành cơ chế đối thoại nhân quyền thường niên với Hà nội từ năm 2002. Hai bên đồng ý thành lập quan hệ đối tác toàn diện nhân chuyến công du của Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh đến Úc vào năm 2009. Vào tháng 10 năm 2010, hai bên ký Bản Ghi nhớ Hợp tác Quốc phòng tại Hà Nội. Phiên họp đầu tiên giữa hai Bộ Trưởng Quốc Phòng Úc Việt được tổ chức tại Canberra vào ngày 19/3/2013. Từ năm 2012, hai bên cũng đã tiến hành các cuộc đối thoại ngoại giao chiến lược ở cấp thứ trưởng.

    Trước thách thức của Trung Quốc tại Biển Đông, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng viếng thăm Úc Châu vào tháng 3 năm 2015 và ký bản Tuyên Bố Quan hệ Đối tác Toàn diện tăng cường với Thủ Tướng Tony Abbott bao gồm 5 lãnh vực là đẩy mạnh hợp tác trong quan hệ song phương, quan hệ trong khu vực, hợp tác kinh tế, an ninh quốc phòng và chính sách viện trợ. Mục đích là đưa hai nước lên quan hệ đối tác chiến lược trong tương lai. Vào tháng 12 năm 2016, Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh đến Canberra ký kết Kế Hoạch Hành Động Úc Việt 2016 – 2019.

    Khi tham dự APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11 năm 2017, Thủ Tướng Malcolm Turnbull công bố là Úc và Việt Nam quyết định nâng cấp quan hệ hai nước thành đối tác chiến lược. Thỏa thuận này mới vừa được hợp thức hóa vào ngày 15/3 vừa qua nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa Canberra và Hà Nội.

    Theo thống kê 2016 thì có tới 294,797 người Úc cho biết là có nguồn gốc Việt Nam. Làn sóng người Việt tỵ nạn tới Úc bắt đầu từ giữa thập niên 70 và kéo dài tới thập niên 90. Nhưng trong thời gian gần đây, tuyệt đại đa số người Việt tới Úc theo diện di dân đoàn tựu gia đình. Một số ít theo diện tay nghề. Hàng năm, có khoảng 285,000 người Úc chọn Việt Nam làm nơi du lịch.

    Việt Nam có khoảng 60,000 người đã từng du học tại Úc (ngắn hạn và dài hạn), trở về Việt Nam sinh sống và làm việc. Hiện nay có khoảng 25,000 học sinh Việt Nam đang du học tại Úc. Theo thông tin từ nhà nước Việt Nam thì có tới 90% là du học tự túc. Chỉ có 10% kia là được học bổng hoặc do cơ quan nhà nước gửi đi tu nghiệp. Kim ngạch thương mại hai nước lên tới 11.8 tỷ Úc kim trong tài khóa 2016 -2017. Úc nhập từ Việt Nam thiết bị điện thoại và máy vi tính, giầy dép và bàn ghế. Lợi tức xuất cảng qua Việt Nam gồm có các dịch vụ liên quan tới giáo dục, than đá và lúa mì. Hơn 75% số lượng bánh mì ở Việt Nam sử dụng lúa mì của Úc.

    Úc viện trợ cho Việt Nam 84.2 triệu trong tài khóa 2017 – 2018 chú trọng vào việc phát triển doanh nghiệp tư nhân và đào tạo tầng lớp công nhân có kỹ năng cao cũng như giảm thiểu nạn kỳ thị hoặc đối xử bất công với phụ nữ và các dân tộc thiểu số. Dự án cầu Cao Lãnh nối liền sông Cửu Long là công tác viện trợ xây dựng cơ sở hạ tầng lớn nhất của Úc tại Đông Nam Á bắt đầu từ 2013 và dự trù là sẽ hoàn tất trong tháng 5 năm nay. Úc đã cho Việt Nam 160 triệu không hoàn lại để xây cầu và Toàn Quyền Úc sẽ có mặt tại Việt Nam trong tháng 5 để tham dự Lễ Khánh thành.

    Một điều quan trọng là Canberra và Hà Nội đều chia sẻ quan điểm về tình hình an ninh tại Biển Đông. Việt Nam và Úc là hai nền kinh tế lệ thuộc vào giao thương quốc tế. Giao thương chiếm 194% GDP của Việt Nam và khoảng 40% trong trường hợp của Úc. Tuyến đường hàng hải ở Biển Đông có tác động nghiêm trọng đến lợi ích kinh tế của cả hai nước. Trong thời gian qua, chính sách quân sự hóa hung hãn của Bắc Kinh tại Trường Sa là nguyên nhân chính đẩy Hà Nội và Canberra xích lại gần nhau.

    Trong khi quan hệ song phương giữa Canberra và Hà Nội ngày càng phát triển khắn khít thì Cộng đồng người Việt tại Úc nói riêng cũng như hải ngoại nói chung vẫn giữ vững lập trường và kiên trì chính sách “3 không’’. Tức là
              
    1. không tiếp xúc,
    2. không đối thoại,
    3. không thỏa hiệp, hòa hợp hòa giải với Đảng Cộng Sản Việt Nam.

              
    Căn bản là người Việt hải ngoại hoàn toàn không có lòng tin vào thiện chí hoặc bất cứ lời hứa hẹn gì của Đảng Cộng Sản. Ngay từ những ngày đầu sau 30/4/1975 khi Đảng kêu gọi sĩ quan VNCH ra trình diện học tập và chỉ nên mang theo quần áo và đồ dùng cá nhân cho “3 ngày’’ để rồi đưa họ vào tù đến hàng vạn ngày với những màn trả thù hèn hạ của bên thắng cuộc, đến những lời cam kết trên radio là “bà con đừng tin vào tin đồn đổi tiền’’ rồi Đảng cứ thoải mái đổi tiền cướp sạch tài sản của người dân thì những con người ngây thơ ở miền Nam mới ngộ ra được câu nói của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Trái với lời lẽ của Ban Tuyên Giáo, tuyệt đại đa số người Việt hải ngại gồm cả cựu quân nhân QLVNCH không có gì gọi là thù hận. Bây giờ họ đã đến tuổi về hưu có đời sống kinh tế khá sung túc và ổn định. Phần đông họ dành thời gian du lịch đi khắp nơi trên thế giới. Họ chỉ bất nhẫn khi thấy Đảng CSVN tham quyền cố vị để chia chác lợi ích kinh tế bằng cách bám giữ độc quyền cai trị. Không có ai muốn Việt Nam mãi chìm trong lạc hậu và người Việt sinh sống trong một xã hội đầy rẫy gian trá, bôi trơn và tham nhũng. Ai cũng muốn Việt Nam thay đổi, chuyển mình trở thành một đất nước dân chủ tôn trọng nhân quyền là nền tảng cho sự phát triển thịnh vượng và phú cường hầu có nội lực để bảo vệ chủ quyền lãnh thở và lãnh hải trước từ mối đe dọa thường trực từ phương Bắc.





    Chính sách “3 không’’ đôi khi cũng được áp dụng một cách quá mức ví dụ như qua nhận định mang đầy cảm tính là “đám du học sinh toàn là con ông cháu cha’’ hoặc thái độ kỳ thị giữa “Bắc kỳ 54 và Bắc kỳ 75’’. Cộng đồng người Việt từ miền Bắc hoặc từ miền Nam nhưng trưởng thành sau 1975 tại Bankstown hoặc Marrickville là những con số đáng kể. Họ quyết định chọn Úc làm nơi đất lành chim đậu thì có nghĩa là họ đã bày tỏ quan điểm và khát vọng yêu chuộng tự do, dân chủ và nhân quyền. Không có lý do gì để Cộng đồng người Việt lại tạo thêm khoảng cách hoặc gây chia rẽ để tự mình làm suy yếu tập thể người Việt trong công tác ngoại vận đối với chính quyền Úc.

    Úc cũng như Mỹ và Liên Âu đã chọn chính sách tiếp cận với Đảng CSVN. Không có kẻ thù vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn. Một thách thức lớn của Cộng đồng người Việt hải ngoại là áp dụng chính sách “3 không’’ thế nào để đạt hiệu quả nhất trong cuộc đấu tranh vận động nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Trong chuyến viếng thăm Úc Châu trong tháng 2 vừa qua, Đại Tá Tôn Thất Tuấn Tuỳ viên Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam đã gặp gỡ và nói chuyện với một số thành viên trong Cộng Đồng. Ông chia sẻ là hợp tác quân sự giữa Mỹ và Việt Nam hiện nay là nhiều nhất và lớn nhất thể hiện qua việc hàng Không Mẫu Hạm Carl Vinson ghé thăm cảng Đà Nẵng trong tháng 3 vừa qua. Mỹ sẽ giao cho hải quân Việt Nam 6 chiếc tàu tuần duyên trong năm nay. Trước đó, hải quân Việt Nam sẽ sang Hawaii để được huấn luyện cách sử dụng tàu gồm có các bài học về luật hàng hải và luật nhân quyền quốc tế. Hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam bằng cái nắm tay thì chỉ được gọi bằng cái móng tay. Còn hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc bằng cái móng tay thì phải thổi nó lên bằng cái nắm tay. Mỹ cũng như các quốc gia khác đã chọn chính sách tiếp cận mà Ban Tuyên Giáo gọi là “diễn biến hòa bình’’. Đây là phương pháp của những anh nhà giàu. Đại Tá Tuấn đặt dấu hỏi về mức độ hiệu quả phương pháp đấu tranh của người Việt hải ngoại trong thời gian qua cụ thể là nếu không tiếp xúc với du học sinh thì làm sao quảng bá tư tưởng dân chủ và nhân quyền? Ông cũng cho rằng người Việt hải ngoại phải coi mình là người Mỹ hoặc Úc hoặc nhìn từ quan điểm của Mỹ hoặc Úc trong cuộc đấu tranh thì mới có kết quả tốt nhất.

    Đúng là chúng ta người Úc hoặc Mỹ gốc Việt nhưng cách đặt vấn đề quá thẳng thắn của Đại Tá Tuấn làm cho một vài đồng hương không mấy hài lòng. Là một quân nhân Mỹ, dĩ nhiên Đại Tá Tuấn phải đặt quyền lợi của Mỹ trên hết. Nhưng ông cũng là một người Việt có bố từng là một sĩ quan VNCH. Có lẽ ông cũng muốn nhìn thấy nỗ lực của người Việt hải ngoại đạt hiệu quả hơn.

    Tóm lại, cuộc đấu tranh ngày càng khó khăn, phức tạp trước những biến chuyển trong quan hệ ngoại giao và chiến lược quốc tế. Chúng ta cũng nên bình tĩnh đón nhận những ý kiến đóng góp dù đó là những quan điểm trái chiều. Cảm xúc yêu nước là động cơ giúp người Việt hải ngoại giữ vững lập trường chống Cộng. Nhưng sử dụng phương pháp nào để đạt hiệu quả nhất thuộc về phạm trù của lý trí. Không nên nhầm lẫn giữa mục tiêu và phương pháp. Mục tiêu thì trước sau vẫn vậy đó là tranh đấu cho một đất nước Việt Nam dân chủ, đa đảng và tam quyền phân lập. Phương pháp thì có thể uyển chuyển và linh động tùy theo hoàn cảnh. Cảm xúc và lý trí như một đôi chân chỉ khi song hành thì mới có thể tiến tới phía trước.

    Ls Nguyễn Văn Thân



    Nguồn:http://vietluan.com.au



              
Trả lời

Quay về “Người Việt hải ngoại”