Tản mạn về những con đường Sài Gòn

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Tản mạn về những con đường Sài Gòn

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Tản mạn về những con đường Sài Gòn


    Bài viết này của nhà văn Bình Nguyên Lộc đăng lần đầu trên báo Nhân Loại năm 1957, sau đó được in trong tập truyện “Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc”, xuất bản năm 1966. Đây là một tản văn thú vị về đường phố Sài Gòn ngày ấy…



    Đường Hai Bà Trưng



    Đi trên đại lộ Hai Bà Trưng tôi bỗng sực nhớ lại một điều rồi tủi thân cho bọn đàn ông của ta. Là hễ đàn ông được danh vọng thì đàn bà cũng thơm lây, nhưng khi đàn bà nổi danh thì tên tuổi đàn ông chìm sâu thêm.

    Đành rằng ông Thi Sách chỉ có mỗi một cái công nhỏ đối với nước nhà là bị viên thái thú Tàu giết thôi, nhưng quên mất ông ấy cũng tội. Vậy nên tôi đã đi khắp Sàigòn để tìm xem có con phố nào là phố Thi Sách không? Có. Hoan hô quí vị đặt tên đường đã nhớ dai hơn nhân dân.

    Nhưng mà tội quá, ông Thi Sách ở mãi bên kia nhà thương Đồn Đất, ở xóm ngoại nhân, không bao giờ có người Việt bước chân đến. Ông nầy đã chết vì tay ngoại nhân mà hương hồn ngày nay vẫn lẩn quẩn với ngoại nhân.

    Ông Thi Sách và Hai Bà Trưng chạy song song với nhau cho tới mé nước, và không bao giờ gặp nhau cả, đó cũng là một điểm đáng buồn cho cặp vợ chồng ấy.

    Ông Nguyễn Thái Học mà còn ngậm cười được vì đã gặp Cô Giang, Cô Bắc ở hai ngã ba chợ Cầu Muối, đằng nầy ông chồng Bà Trưng chỉ nghe văng vẳng tiếng bà đâu đó thôi.

    Bà Sương Nguyệt Ánh cũng không bao giờ đi thăm cha được, vì bà ở xóm Bùi Chu còn cụ đồ lại qui điền mãi tận trên Tân Định.

    Vị nữ anh hùng thứ nhì của ta, Bà Triệu, cũng bị ta quên mất vì bà cũng ở xóm ngoại nhân, trong Chợ Lớn. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng đô thành đặt tên rất khéo, Công chúa Huyền Trân ở một căn phố buồn hiu, sau dinh Độc Lập, buồn như con đường thiên lý ngàn dặm băng rừng đưa công chúa từ Việt sang Chiêm.

    Còn cái phố có nhiều tiệm mì, tiệm ăn và tửu lâu trong Chợ Lớn mà đặt tên là phố Tản Đà thì tuyệt diệu bởi vì Tản Đà không phải là thi sĩ mà thôi, lại còn là thực sĩ nữa.

    Nếu đô thành có bất công chút ít, chẳng qua là vì quên đó thôi. Chẳng hạn như ông Phan Huy Chú được nêu danh trong Chợ Lớn mà ông Phan Huy Vịnh lại không.



    Góc Hai Bà Trưng và Hiền Vương



    Đô thành lại trọng văn nghệ lắm. Không có nhà văn, nhà thơ nào ngày xưa mà không được lấy tên đặt tên phố cả, khiến lũ văn nhân thi sĩ hậu sanh là ta đây cũng nức lòng muốn cố gắng để có thể được biệt đãi như thế về sau. Chỉ phiền văn nhân thi sĩ của thế hệ ta đông quá, mà đường phố chỉ có hạn thôi, dễ gì tìm được một chỗ “mần”.

    Có một điều đáng chú ý là họ Nguyễn chiếm đa số trong các phố Sàigòn. Dân tộc ta họ Nguyễn cũng như dân tộc Pháp họ Dupont vậy mà!

    Một người Pháp quen biết kể chuyện rằng, thuở Đức chiếm đóng nước Pháp, một ngày kia quân đội Đức bố ráp ở một ngoại ô nhỏ tại Ba Lê để bắt ông Dupont nào đó. Cuộc bố ráp thi hành xong thì chúng bắt được tất cả tám trăm mười bảy ông Dupont, vừa già, vừa trẻ, đó là chúng đã loại trừ những cậu Dupont oắt con ra rồi đó.

    Một cựu thông ngôn nhà binh Pháp ở đây cũng kể rằng, một ngày kia Pháp ruồng bố ở làng nọ để bắt Nguyễn Thị Hai nào đó. Chỉ một làng ấy thôi, mà họ đã bắt đến bốn mươi tám Nguyễn Thị Hai chẳn chòi. Vậy thì họ Nguyễn chiếm đến 55 con phố ở Sàigòn – Chợ Lớn không phải là chuyện lạ. Đó là chưa kể những bà Sương Nguyệt Ánh v.v… cũng là họ Nguyễn mà không nêu họ ra. Bà Đoàn Thị Điểm cũng có người bảo thật ra là Nguyễn Thị Điểm, và biết đâu cô Giang, cô Bắc lại không là họ Nguyễn.

    Họ Nguyễn được ưu đãi như thế, còn họ Tô không biết vì sao lại ra rìa. Năm kia trên Hòa Hưng có một con phố tên là Tô Hiến Thành. Năm nay không thấy tên phố đó nữa. Ngoại nhân có công với dân tộc cũng được nêu danh, cho công bằng. Nhưng không hiểu ông J.J. Rousseau có công trực tiếp gì với dân tộc ta. Còn ba ngoại nhân khác rất có công là Tích Quang, Nhâm Diên, và Sĩ Nhiếp lại vắng bóng.

    Sàigòn có một con phố cong queo một cách rất ngộ nghĩnh, được đặt tên là phố Cống Quỳnh. Thật là khéo, vì cách lập luận và hành động của ông Cống Quỳnh cũng cong cong quèo quẹo như con phố kỳ dị ấy. Tiếc rằng Cống Quỳnh có lẽ chỉ là một nhân vật tưởng tượng thôi.

    Sàigòn đặc biệt vì có phố không vỉa hè, thí dụ đoạn phố Đề Thám trước dãy nhà cũ đối diện với hông nhà thờ Tin Lành. Thật ra thì có một vỉa hè rộng độ tám tấc, nhưng đã lì xuống bằng với mặt đường, ô tô tha hồ leo lên và người đi bộ rất lắm khi phải nhảy vào nhà người ta để thoát chết.



    Đường Phan Đình Phùng



    Lại có vỉa hè mà người đi bộ không được sử dụng, thí dụ vỉa hè Cô Giang tại chợ Cầu Muối. Người đi bộ ở đoạn nầy hễ xuống đường thì bị xe cán, còn lên lề thì bị mấy chị bạn hàng đuổi, vì mấy chị mướn vỉa hè ấy có đóng tiền chỗ đàng hoàng. Thành ra qua đoạn đường đó y như là qua cầu đoạn trường, lên lề thì đoạn tâm, còn xuống thì đoạn cẳng.

    Có lắm vỉa hè công khai dùng làm ga-ra, nói công khai vì xe để trên ấy nằm đó năm nầy qua năm khác mà không sao cả. Thế nên chỉ mướn một căn phố bé nhỏ thôi mà người ta có thể mở ga-ra to là nhờ vậy.

    Nói đến vỉa hè không thể không chú ý đến những vỉa hè mức độ khác nhau, khách đang đi bỗng sụp chơn suýt ngã. Ấy, nhà bên nầy xây cao một tấc năm, nhà bên kia chỉ xây một tấc thôi mà. Vì mạnh ai nấy xây vỉa hè nên vỉa hè lại mang đủ màu sắc, có quãng xanh, quãng vàng, quãng xám, và lại kiến thiết bằng đủ cả vật liệu: gạch xi-măng, xi-măng trắng, gạch thẻ, gạch Tàu, nhựa, đá ong. Sợ nhứt là vỉa hè đá ong trên đường Thủ Khoa Huân. Đá ong lổm chổm khiến bộ hành không lọi chân cũng trặc cẳng. Nếu đô thành tự làm lấy vỉa hè rồi bắt người ta trả tiền thì tình trạng nầy đã không có.


    Bình Nguyên Lộc


    Nguồn: http://thoibao.com

              
Hình đại diện
nắng thủy tinh
Bài viết: 3530
Ngày tham gia: Thứ sáu 15/05/15 06:14

Re: Tản mạn về những con đường Sài Gòn

Bài viết bởi nắng thủy tinh »

Bài này têu tếu nhưng cũng thú vị ha Bạch Vân. Nắng cũng "học" thêm một ít á. Merci BV :flower:

( Nhìn những cảnh xưa, xưa hơn tuổi của mình mà thấy thời gian đó, thanh bình nhẹ nhàng làm sao )
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Tản mạn về những con đường Sài Gòn

Bài viết bởi Bạch Vân »

          

yeah Nắng , hôm qua BV đọc cũng bật cười với lời văn dí dỏm thú vị của nhà văn Bình Nguyên Lộc , ông bài viết này có khi tụi mình còn ở tận gót chân ông bà Bô há năm 1957 :D

          
Bài viết: 769
Ngày tham gia: Thứ sáu 12/06/15 21:02

Re: Tản mạn về những con đường Sài Gòn

Bài viết bởi »

Bạch Vân đã viết:
  •           

    Tản mạn về những con đường Sài Gòn


    Công chúa Huyền Trân ở một căn phố buồn hiu, sau dinh Độc Lập, buồn như con đường thiên lý ngàn dặm băng rừng đưa công chúa từ Việt sang Chiêm.



              
Hình ảnh

Đường Huyền Trân Công Chúa
Hình đại diện
NTL
Bài viết: 1323
Ngày tham gia: Chủ nhật 17/05/15 14:20

Re: Tản mạn về những con đường Sài Gòn

Bài viết bởi NTL »

*

Tư ứa ừa...
Lú nhớ đường Huyền Trân nằm gần vườn cao su trước dinh độc lập Thống nhứt, cách đường Hàn Thuyên và Alexandre de Rodes không bao xa. Hy vọng bộ nhớ chưa kiệt quệ.

Nói dzầy chắc “công chúa Ngọc Hân” hẳn… mích lòng.
Lú lộn Ngọc Hân với Huyền Trân, cứ râu ông cằm bà cắm loạn xị miết.
Bữa nay chịu khó đọc sách rồi viết xuống cho khỏi quên.

Ngọc Hân là công chúa triều hậu Lê, con vua Lê Hiển Tông thế kỷ 18. Lê triều khi ấy bị khuynh soát, quyền bính hầu như ở trong tay chúa Trịnh.
Tại lãnh địa Lam Sơn (Qui Nhơn) lúc này dòng họ Nguyễn từ từ mạnh lên. Gia phả Nguyễn thoạt tiên chân lấm tay bùn hàn vi, rồi từ từ khởi nghiệp lớn. Nguyễn Huệ Lam Sơn kéo quân ra Bắc Hà với slogan “phò Lê diệt Trịnh”, được vua Lê mang công chúa Ngọc Hân gả cho làm thứ thiếp (vì Huệ đã có vợ rồi).

Nguyễn Huệ khi xưng vương, thành lập triều Nguyễn Tây Sơn (để phân biệt với Nguyễn Gia Long, con cháu chúa Nguyễn Hoàng, vào nhậm trấn phương Nam trong phân tranh Trịnh Nguyễn trước đó), phong cho Ngọc Hân tước bắc cung hoàng hậu - để phân biệt với hoàng hậu chánh thất ông lấy từ thuở hàn vi, có con trai là hoàng thái tử Nguyễn Quang Toản tức vua Cảnh Thịnh – Ngọc Hân có 2 con, một trai một gái, với Quang Trung.

Quang Trung băng hà sớm với giấc mơ chinh phục bắc phương chưa thành hình.
Tình chồng vợ giữa Ngọc Hân với Quang Trung không rõ ra sao, và Ngọc Hân có làm thơ khóc chồng, nghe nói lâm ly thống thiết lắm lận.
Sau khi Quang Trung mất, Ngọc Hân mang con rời hoàng cung vào chủa ở, nhưng rồi cả ba mẹ con đều chết rất trẻ.

Một cô con gái khác của vua Lê Hiển Tông là công chúa Ngọc Bình (em khác mẹ của Ngọc Hân) được gả cho Cảnh Thịnh Nguyển Quang Toản,(chị lấy cha, em lấy con) không nghe nói có con với Quang Toản
Quang Toản lên ngôi nhưng ngài vàng Tây Sơn sau lại lọt vào tay Nguyễn Gia Long.
Ngọc Bình được Gia Long giữ làm phi tần, và có với Gia Long 4 mặt con, hai trai hai gái.


Huyền Trân là công chúa nhà Trần, con vua trần Nhân Tông, thế kỷ thứ 14.
Huyền Trân góp công trong việc nam tiến, mở mang bờ cõi xuống tới hết đất Chiêm Thành, công của bà thật là không nhỏ.

Chiêm Thành và Việc Nam là hàng xóm của nhau. Thời xa xôi nớ, phía bắc hàng xóm hùng mạnh hơn, phía đông là biển cả minh mông, phía tây núi non hiểm trở, nên rồi lãnh thổ chỉ có thể mở mang được xuống phía nam, tức Chiêm Thành. Cọ sát đụng độ hai bên ngó bộ cũng nhiều, và đường biên giới Việt-Chiêm (hay Việt Chàm) cứ từ từ xê dịch xuống dưới.

Năm 1069, vua Lý Thánh Tông đánh thắng Chiêm Thành và bắt được Chế Củ. Để được thả ra, Chế Củ buộc phải dâng ba châu Bố Chính - Địa Lý - Mê Linh. Cả ba châu này thuộc Quảng Bình và bắc Quảng Trị ngày nay. Biên giới Việt-Chăm đã dời từ đèo Ngang vào tới bờ sông Thạch Hãn,

Năm 1306, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đi thăm đất Chiêm Thành, có hứa sẽ gả Huyền Trân công chúa cho Chế Mân, vua Chiêm, để giữ tình hoà hiếu.
Triều thần nước Nam thoạt tiên không ưng thuận việc này, sau thì thông qua vì Chế Mân đưa sính lễ quá lớn : Hai châu Ô và Rí.

Ô và Rí khi nhập vào đất Việt đươc đổi tên thành Thuận Châu và Hóa Châu,
Vùng đất này trải rộng từ sông Thạch Hãn tới sông Thu Bồn, bao gồm đồng bằng Trị Thiên, với hai quân cảng cực kỳ quan trọng : Một cái tại đầm Cầu Hai (mở ra cửa Tư Hiền), và cái kia là cảng Đà Nẵng.

Với Ô và Rí sát nhập vào nước việt, Biên giới Việt-Chàm lúc này chạy sát tới thánh địa Mỹ-Sơn, khoảng cách từ biên giới Việt-Chàm tới thành Đồ Bàn, thủ phủ xứ Chàm (nay thuộc Bình Định) đã ngắn hẳn lợi, dẫn đến hâu quả nặng nề là Chàm từ từ mất dần đất đai để Việt-Nam hoàn thành cuộc nam tiến sau đó.

Sử liệu kể rằng Chế Mân mất chỉ một năm sau đám cưới, và tục lệ Chiêm Thành buộc thê thiếp của vua phải chết theo trên giàn hỏa, dẫn đến chuyện vua Trần sai tướng Trần Khắc Chung mang quân cướp công chúa lá ngọc cành vàng mang về bằng đường biển.
Từ Đồ Bàn về tới kinh đô việt có bao xa, vậy mà Trần Khắc Chung giong buồm một năm mới tới.

Và dấy lên tin đồn, rằng Khắc Chung và công chúa “vừa góa bụa” Huyền Trân đã gian díu tình ái với nhau.
Huyền Trân về VN vào chùa xuống tóc quy y cửa phật, kinh kệ sớm chiều, không rõ tự ý hay bị bắt buộc nữa lận

Dĩ nhiên tin đồn thiệt hư không chắc. Nhưng rồi ở xã hội á châu nặng đạo đức nho học khổng mạnh thời ấy, việc này không chấp nhận được. Văn học dân gian đã có những câu thơ cả thương tiếc lẫn miệt thị cô công chúa bất hạnh này
Tiếc thay cây quế giữa rừng
để cho thằng mán thằng mương nó leo

hay
Tiếc thay gạt gạo trắng ngần
Đã vo nước đục lại vần lửa rơm


Xưa..
Nghe theo tiếng gọi con tim (chỉ con tim thôi heng) mang giang sơn đổi lấy tình, Chế Mân là tội đồ của dân tộc chàm.
Hành xử vì tình bởi tình là trái phá làm con tim mù lòa, không còn nhìn ra sai trúng.

Nay...
Hậu duệ của tiền nhơn xứ việt, cái đầu cân nhắc mười muơi, mang lãnh thổ đất nước cha ông đã ngàn đời xây dựng bồi đắp, đổi lấy quyền lợi đảng, quyền lợi bản thân riêng.
Thành không rõ so với Chế Mân, tội của Đảng cộng sản VN nặng bao nhiêu lần hơn nữa lận?

*
Make the long story... short !
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Tản mạn về những con đường Sài Gòn

Bài viết bởi Hoàng Vân »

NTL đã viết:*
Tư ứa ừa...
Lú nhớ đường Huyền Trân nằm gần vườn cao su trước dinh độc lập Thống nhứt, cách đường Hàn Thuyên và Alexandre de Rodes không bao xa. Hy vọng bộ nhớ chưa kiệt quệ.
...*
  • Đường chạy phía trước dinh Độc Lập là đường Công Lý, chạy suốt từ Tân Sơn Nhất ra tới Chợ Cũ, Bến Nghé.
  • Đường chạy phía sau dinh là đường Huyền Trân Công Chúa, chạy giữa dinh Độc Lập và Cercle Sportif Saigonnais.
    Huyền Trân Công Chúa là một con đường yên tịnh, vắng xe, vì không phải là đường thẳng suốt đi xa, mà chỉ là cạnh sau của dinh Độc Lập, chận một đầu bởi Hồng Thập Tự, và đầu kia bởi Nguyễn Du ...


    :D
Trả lời

Quay về “ký ức thương yêu”