Con giòn tàu Phố Cổ

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Con giòn tàu Phố Cổ

Bài viết bởi Bạch Vân »

          


  • CON GIÒN TÀU PHỐ CỔ



    Vào những năm cuối thế kỷ 20, tại Phố Cổ Hội An đã xử dụng từ giòn (1) một cách rất phổ biến. Theo phong tục tập quán còn đọng lại nhiều điều mê tín thì đa số dân chúng rất kỵ tiếng “khỉ” nên không dám đá động đến như kỵ tên một vị thần linh thiêng.

    Nguyên nhân là tại hai đầu của cây Chùa Cầu có mái che nổi tiếng có hai tượng con khỉ và hai tượng con cẩu ngồi chễm chệ, hễ trong nhà có trẻ đau ốm hoặc bán buôn ế ẩm thì họ đều hương đèn, giấy vàng bạc được để trong cái mẹt rồi bưng ra thành khẩn cúng bái. Người ta đồn rằng hai ông Thân và hai ông Tuất rất linh, nếu chỉ nói “khỉ thôi là bị cho đã phạm thượng rồi sẽ bị quở phạt. Buổi sáng, nếu lỡ mắng nhau là đồ “khỉ” thì chắc chắn buôn bán sẽ ế ẩm, người bán áy náy sợ xui xẻo cả ngày. Cho nên ở Hội An lúc bấy giờ chủ yếu chỉ dùng tiếng giòn khi nói đến loài động vật linh trưởng. Còn ở Đà Nẵng, người ta lại dung tiếng mai (2) là nói đến con vật có gốc gác anh em với con người. Rồi khi mắng yêu, la rầy thân mật với một đứa trẻ láu lỉnh hay chọc ghẹo người khác thì nói: “Mi là con giòn”. Đôi khi gặp những đứa hiếu động nghịch ngợm nhưng khôn ngoan và nhất là không hỗn láo thì người ta lại buột miệng một cụm từ: “Nó là con giòn Tàu”.

    Lúc đó đã có bọn Tây trắng mũi lõ, mắt xanh và tóc hoe ở cái thị trấn rêu phong này rồi thì sao không kêu là: “con giòn Tây” mà lại nói: “con giòn Tàu”?. Xin được giải thích hơi dài dòng văn tự một chút vì nó có căn cơ, gốc ngọn với những chứng tích của một thời xa xôi đã lui vào dĩ vãng. Những năm đầu thập niên 30, lớp trẻ lớn lên ở chung quanh chợ Phố có rất ít cơ hội vui chơi giải trí. Thỉnh thoảng gặp được những đêm tổ chức chiếu phim miễn phí ở ngay sân giữa chợ, toàn là những phim cũ mèm và rách lung tung... Tuy vậy nhưng mà coi cũng thích.

    Thỉnh thoảng họ còn chiếu phim Tề Thiên Đại Thánh có quỷ sứ và có ma vương mặt mày nhìn thấy kinh khiếp. Khi vua Hầu bay lượn đánh phép, nếu tinh mắt ta có thể thấy được có sợi dây cột ở thắt lưng. Ngoài ra, họ còn chiếu một số phim kiếm hiệp khác nghe nói tất cả đều sản xuất tại Hương Cảng. Có một lần được coi phim Bà Chúa Chè của Việt Nam quay tại Hồng Kông, nhưng khi đến được Hội An thì các cảnh quay lộn xộn và phim bị đứt nhiều lần phải chờ nối ráp khiến người ta chẳng hiểu mô tê chi cả? Còn nếu muốn coi phim đàng hoàng hơn thì phải ra tận Hàn ở Đà Nẵng cách Phố gần 30km nhưng tốn kém nào là tiền xe đò khứ hồi, tiền ăn uống, tiền mua vé và còn phải tìm nhà người quen ngủ nhờ qua đêm rồi sáng hôm sau đi xe đò trở về nên rất lỉnh kỉnh và tốn kém lắm. Những bọn trẻ có nhà chung quanh chợ nhưng cũng với không tới, năm khi mười họa có thằng bạn, con nhà giàu được cha mẹ hay anh chị dẫn ra Hàn chơi, coi được phim đàng hoàng hơn thì về kể lại cho bọn trẻ nghe. Bọn trẻ ngồi bao quanh, há hốc mồm ra nghe mà trong long khâm phục. Có những thằng biết kể lại có lớp lang, có chương hồi nhưng dĩ nhiên nó cũng thêm thắt như người cõi trên về, thuật lại những cảnh kỳ lạ của một thế giới thần tiên nào đó.

    Lúc đó, bọn trẻ đâu có trò chơi điện tử, rạp chớp bóng? Còn rạp hát bội và các đoàn cải lương thì dành cho người lớn xem. Bởi vậy hễ có gánh Sơn Đông mại võ bán thuốc gia truyền, các gánh hát khỉ của mấy ông Tàu đều biểu diễn ở đầu chợ Phố là bọn trẻ mừng hết lớn liền rủ nhau đi coi. Cũng không dám chen lấn ồn ào và được phép ngồi chồm hổm hay ngột bệt xuống đất nhưng tìm được miếng mo cau lót đít là tiện nhất. Bọn trẻ chẳng phải bỏ tiền mua vé, chẳng phải bỏ tiền vào cái thau đặt đưới đất.

    Bọn trẻ thích nhất là những gánh hát khỉ của mấy ông Sơn Đông (3) đi biểu diễn lưu động từ chợ này sang chợ khác, từ huyện trên xuống huyện dưới. Thường là một võ sĩ Sơn Đông thân hình to lớn, đặt trên vai một cái đòn tre dài màu nâu bóng lưỡng, gánh hai cái rương to đựng đạo cụ và y trang. Một chú khỉ mắt láo liên đang ngồi trên mặt cái rương, có sợi dây xích cột vào rương. Một chú chó lông xù nhỏ con, đứng trên mặt rương bên kia. Một người đàn bà Tàu đi theo, ôm bó chiếu và xách theo cái phèng la. Lẽo đẽo theo sau là một chú tiểu đồng, ăn mặt gọn gàng với bộ võ phục màu đen viền đỏ hay cam ở hai viền tay và hai lai quần. Một dải hàng màu xanh lá cây thắt ngang lưng với hai sọc so le lòng thòng trước bụng. Đầu thắt bím hay để ba vá trái đào như Hồng hài Nhi hay Na Tra trong truyện Tây Du Ký. Nhưng nếu đó là một cô bé thì lại là đối tượng thích nhất của bọn trẻ.

    Khi gánh hát khỉ đã yên vị thì bà Sơn Đông gõ phèng la như thúc giục mọi người muốn coi mau đến tụ tập đông đảo khiến người ta ùn ừn kéo đến. Ông Sơn Đông cầm một cuộn dây, đầu dây buộc vào một cục chì rồi quay tít vù vù. Một tay giữa chắc một đầu và tay kia khéo léo vung tay quay tròn sợi dây như loan kiếm đỡ những mũi tên tưởng tượng từ đối thủ bắn vào mình. Rồi sợi dây ném dài vươn xa hoặc thu ngắn lại khiến bọn trẻ ngồi dưới đất sợ bị trái chì đụng nên ngồi xê dần ra khiến phạm vi diễn trò cũng dần dần được mở rộng ra. Rồi cô tiểu đồng vừa múa quyền, đá cước và đi một vòng trông rất đẹp mắt. Mặt mũi xinh xắn, chân tay tròn trịa, động tác nhịp nhàng theo tiếng phèng la khi nhỏ khi to, khi đục khi thanh và khi chậm khi nhanh...

    Bọn trẻ rất thích mắt với tiết mục giáo đầu này. Rồi những tiết mục tiếp theo cũng rất cuốn hút làm bọn trẻ mê mẩn tâm thần. Thoạt tiên, chú giòn khôn ngoan theo ám hiệu của chủ, tự động mở rương lấy nón lá ra đội, lấy áo tơi ra mặc, rồi vác cày và ách ra. Tức thì chú chó tự động nhảy xuống đến giữa sân cho chú khỉ mắc ách vào cổ để kéo cày lạch cạch quanh sân. Khỉ ta đi theo cầm bắp cày, tay kia roi mây quất vào không khí như anh nông dân đang điều khiển con trâu trên cánh đồng... Xong xuôi, chú khỉ cất đạo cụ vào rương, giòn và cho trở về vị trí cũ.

    Đến phiên cô bé tiểu đồng lại múa roi và nhào lộn một vòng. Đến tiết mục kế, cũng theo ám hiệu của ông Sơn Đông và âm thanh của phèng la, chú giòn lanh lẹ chạy lại mở rương lấy kim cô đội, lấy áo Tề Thiên mặc, tay cầm thiết bảng và mang mặt nạ Đại Thánh rồi hảy nhót múa may nhào lộn khí thế tưởng nhưng muốn đằng vân lên trời. Mắt nhìn láo liêng, cử động thành thạo nhưng sợi xích dài vẫn buộc vào cổ hắn và ở đầu kia ông Sơn Đông vẫn nắm chắc vì chú hầu vốn tính vẫn bất thường, nếu sơ hở chạy mất thì nồi cơm gia đình Sơn Đông này bể liền. Tiếp theo, các tiết mục chó nhảy vòng một từng, hai từng rồi ba từng, nhảy vòng lửa, đi hai chân nhún nhảy khiêu vũ khiến bọn trẻ không rời mắt.

    Trong khi chờ đợi đến phiên mình, anh hầu ngồi ủ rũ buồn thiu, nước mắt chảy ròng ròng và ngáp ngắn ngáp dài. Bà vợ ông Sơn Đông đi ngang qua hầu níu áo trì lại. Bà xí xô, xí xào hỏi chồng, ông chồng líu lo trả lời khiến bà bèn móc trong túi áo lấy ra một cục đen tròn nhét vào miệng hầu. Hắn nuốt ngay khiến cặp mắt sáng trưng và người linh hoạt liền. Theo mấy người lớn tuổi lúc bấy giờ cắt nghĩa thì cục tròn tròn đen đen đó là sái (4) thuốc phiện, một vị thần đã giữ được chân con giòn suốt đời mãn kiếp và bắt nó phải làm trò theo sự chỉ dẫn và dạy bảo của ông Sơn Đông. Bao giờ cũng vậy, trò diễn được một lúc khi người coi đã thưa thót, tiền xu được bỏ vào cái thau nhỏ thì người chủ xí xô, xí xào gì đó với hắn. Hầu ta bỗng đến giật phắt lấy cái phèng la, không cho chủ đánh nữa... Người chủ giải thích vì bà con mê coi nên quên bỏ tiền lấy gì mua cơm cho năm mạng. Rồi hầu lại xách thau, chầm chậm đi một vòng sân diễn, cặp mắt nhìn mọi người như van lơn, cầu khẩn. Đi ngang qua chỗ bọn trẻ ngồi, hầu ta khinh khỉnh bộ mặt như muốn nói: “Các chú làm gì có tiền?”. Sau đó các trò được diễn tiếp và chú giòn Tàu khôn đáo để. Câu chuyện như thế nên cụm từ “Con Giòn Tàu” đã xuất phát từ đó...



    Chú thích:

    · (1) Giòn: khỉ là tiếng mắng mấy đứa trẻ rắn mắt hay quậy phá (Đại Nam quốc âm tự vị. Huỳnh Tịnh Paulus Của, trang 381, tập 1, 1895)

    · (2) Mai: Trong miền Nam ở những vùng Bạc Liêu, Sóc Trăng hay Cà Mau khi họ gặp con khỉ thì dung tiếng mai để kêu nó.

    · (3) Sơn Đông: thuộc tỉnh phía Đông của Trung Quốc gần song Hoàng Hà đã nổi tiếng đào tạo nhiều võ sĩ. Những tỉnh khác gần đó như Hà Nam, Hà Bắc cũng có những làng võ truyền thống, dạy con em từ nhỏ nghề nhào lộn, uốn dẻo trồng người, múa kiếm, đi quyền rồi gửi đi biểu diễn khắp nơi nên cũng được gọi là Sơn Đông.

    · (4) Cục sái: chất nhựa và khói của thuốc phiện (một chất mà túy) bám trong một cái dọc tẩu (ống hút thuốc phiện) của những người nghiện hút thuốc phiện. Những người đến cơn nghiện nếu không có tiền mua thuốc thì có thể lấy nó nuốt đỡ cơn ghiền.



    Nguyên Sơn


    Nguồn http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “ký ức thương yêu”