Bắp nướng phố Hội

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Bắp nướng phố Hội

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Bắp nướng phố Hội



    Bắp nướng phố Hội thì ngày nào chẳng có, sao lại phải tính đến năm 2016? Nghe có vẻ @ và… Mary Sến! Nhưng thực ra, ai đã từng ăn trái bắp nướng ở Hội An cách đây hai mươi năm và bây giờ quay trở lại Hội An thì có chuyện để nói đấy. Hình như cái thời mà bánh tráng đập, bắp nướng, mì Phú Chiêm còn đậm mùi nhà quê, từ người bán cho đến người mua cũng rất ư nhà quê (mặc dù anh/chị mới ở thành phố về!) đã qua rồi, hiếm họa lắm mới gặp!



    Năm 1996, Hội An mới ngấp nghé làm du lịch, hồi đó muốn ra thăm đảo Cù Lao Chàm thì phải xin giấy giới thiệu của xã, phường và nói rõ lý do đến thăm đảo. Vừa ra đến đảo thì gặp biên phòng xét hỏi, kiểm soát đủ kiểu. Nhưng kể cũng lạ, toàn người dân Việt Nam với nhau, quê một cục, nhiều khi ra đảo để mua ít rong biển hay mua ít lá rừng về uống, khi ra thì mang theo rau bù ngót, cải để đổi mấy thứ kia, vậy mà cũng kiểm soát gắt gao. Còn bây giờ khách du lịch Trung Quốc đi dạo khắp đảo, chụp hình tá lả, chẳng biết họ đang chơi trò gì và có bao nhiêu người trong đoàn của họ là đi du lịch thực sự, nhưng biên phòng lại mở cửa đón khách, người dân thì đon đả phục vụ khách…


    Bán bắp nướng ở Hội An


    Tôi còn nhớ trái bắp nướng giữa khuya năm 1996 mà tôi và thằng Đồi đã ăn sau khi bị dân phòng bắt và quát tháo một trận. Hồi đó đi thi bằng tiếng Anh, hai thằng tôi đăng ký theo diện thi tự do và lệ phí thi là 25 ngàn đồng. Mỗi thằng xin tới xin lui cha mẹ mới cho được 30 ngàn đồng. Số tiền này không nhỏ một chút nào trong hoàn cảnh nhà quê. Nộp lệ phí thi xong, mỗi thằng còn đúng 5 ngàn đồng, ăn một ổ bánh mì để ngủ mà sáng mai thi sớm.

    Tối đó hỏi giá phòng trọ thì chỗ nào thấp nhất cũng hai chục ngàn đồng một phòng, hai thằng đi lang thang một chút thì chui vào Chùa Cầu ngủ. Giữa khuya bị dân phòng bắt. Họ quát tháo dữ lắm, thằng Đồi mặt cắt không còn giọt máu. Tôi thì sợ bị nhốt tới trưa mai thì đi toi buổi thi của hai thằng. Đang lo thì anh xuất hiện. Anh chỉ vào mặt tôi: “Anh hai đã bảo tụi mày ở nhà ngủ, sao lại chui ra ngoài này làm chi? Đồ cãi lời, mất dạy! Có muốn tao tát cho một cái không?”. Tôi lờ mờ hiểu ra là có cứu tinh nhưng cũng chưa tin lắm. Thằng Đồi thì tái mét.

    Ông dân phòng hỏi anh: “Ủa, em của anh hả anh Quốc?”

    “Dạ, nó là em tôi, thằng cu này (chỉ tôi) là em chú bác ruột của tôi ở quê xuống chơi. Còn đây là bạn nó.”

    “Nó tên chi vậy anh?” Tay dân phòng hỏi vặn anh.

    Tôi nói ngay tên mình và cười. Anh quát: “Hỏi anh thì để anh trả lời, toàn là thàu lạu không! Thôi mấy anh thương hai đứa nhỏ, cho tôi dắt về nhà. Tôi bảo lãnh và báo cáo tạm trú với anh nha!”

    Nói xong anh nắm tay, dắt chúng tôi về nhà. Nhà anh nằm sát chùa Cầu, anh nói là đã quan sát tụi tôi từ lúc chiều. Anh nói thêm là ban đầu anh cứ nghĩ tụi tui là dân bụi đời nhưng sau đó thấy tụi tôi đi tìm phòng rồi ra ngoài ăn bánh mì, rồi anh lại quan sát nên tin tụi tôi không phải dân bụi đời. Anh bảo tụi tôi xuống tắm rửa, sau đó chờ bà bán bắp khuya đi qua, anh gọi mua hai trái bắp luộc và hai trái bắp nướng bảo tụi tôi ăn đi cho ấm bụng để mai đi thi. Thú thực là hiếm có trái bắp nào ngon như trái bắp anh cho. Phần vì đói bụng, phần nghe anh thuyết minh về trái bắp nướng Hội An:

    “Bắp Hội An, phải là bắp trồng trên đất Cẩm Nam, đất cát bồi pha đầu ghềnh cuối bãi sông Thu Bồn, sau khi phù sa lên ghềnh xuống thác rồi về nằm nghỉ ngơi ở Cẩm Nam, lúc đó cây bắp mọc cũng ung dung tự tại, trái của nó vị ngọt đằm, thơm bùi, bắp luộc thì chỉ cần tới thì bẻ vào luộc, còn bắp nướng thì phải còn hơi ngậm sữa kia mới ngon. Một người biết nướng bắp thì phải biết nướng cả lửa ngọn và lửa than. Và khi chín trái bắp phải thơm lừng đúng mùi vị trái bắp tụi em đang ăn.” (nói đến đây anh nuốt ực một cái).

    “Nướng lửa ngọn là sao chú?” Thằng Đồi hỏi.


    Bắp nướng nước mắm tỏi ớt


    “Ừ, đừng xưng chú, cứ xưng anh đi. Hai đứa em bằng tuổi đứa em út của anh hồi xưa, nó mất rồi. Hồi đó đói quá đi đào khoai, cứ đến mùa thì đi đào mót khoai đó em. Không may nó đào trúng trái lựu đạn, anh mất đứa em. Đau thật, thời nghèo đói tập thể đó. Em mình chết mà mình cũng không dám cúng kính, làm đám cho đàng hoàng vì sợ chính quyền kêu lên phạt! Hồi đó anh nướng mấy trái bắp cúng thằng út. Nó thích món này lắm. Nướng lửa ngọn và nướng than luôn. Nướng lửa ngọn thì phải lửa rơm, để nguyên vỏ bắp và tra thêm một lớp bùn mỏng bên ngoài vỏ bắp, sau đó chất một đống lửa rơm và vùi trái bắp vào đó. Khi nào nghe mùi thơm thì lấy ra. Hạt bắp chín không vàng mà trắng, ngọt và đặc biệt là thơm lắm, kiểu nướng này khiến cho trái bắp có vị hòa giữa bắp nướng và bắp nấu. Người nào mới bệnh dậy, bụng yếu thì ăn bắp nướng kiểu này.”

    “Còn bắp nướng than thì làm sao để thơm ngon như vậy hả anh?” Thằng Đồi hỏi tiếp.

    “À, bắp nướng than thì chọn bắp cũng giống như nướng lửa rơm nhưng lột trái bắp ra, rửa sạch và để ráo nước. Thực ra thì rửa là đề phòng có những trứng sâu, bột rầy chứ trái bắp có vỏ thì cũng sạch rồi. Sau đó mang nướng trên lò lửa than, cỡ lửa bằng với lửa nướng bánh tráng. Nướng vừa chín tới thì chan nước mắm tỏi, ớt, mỡ hành phi lên và tiếp tục nướng. Chan mấy loại nước này là một nghệ thuật, phải gia vị làm sao đừng quá mặn, đừng quá béo và tra gia vị này vừa ướt qua trái bắp để tránh tình trạng nước mắm hay dầu nhỏ xuống than lửa. Bởi khi loại này nhỏ xuống lửa sẽ bốc khói và phát sinh ra mùi độc, ăn nhiều có thể trúng thực hoặc nặng bụng. Nói chung tuy nướng bắp đơn giản nhưng nó đòi hỏi cái tâm của người nướng phải tập trung và nghĩ đến điều thiện lành. Mọi thứ đều có điện trường.”


    Chiều phố Hội


    Cái triết lý nướng bắp của anh ngày nào cứ đeo đẳng tụi tôi cho đến khi ra trường, đi làm việc. Và hình như cũng chính trái bắp thơm ngon lúc anh cho chúng tôi ăn (thời đó hình như người bán bắp nướng nào ở Hội An cũng thuộc làu kỹ thuật nướng, thậm chí mang cả triết lý về bắp nướng giống anh!) làm cho chúng tôi hiếm khi gặp được một trái bắp nướng thơm ngon ở nơi khác.

    Mà hình như cái mùi vị bắp nướng ngày đó bây giờ cũng không còn, nếu có còn thì cũng hiếm lắm. Bởi bây giờ khó mà tìm cho ra một trái bắp trồng từ giống bắp nếp thuần Việt, do người nông dân trồng mấy chục đời nay mà thay vào đó là bắp đủ các loại giống lai căng, nhìn trái bắp to mẩy nhưng lại không có mùi thơm, vị ngọt như trái bắp thuần Việt. Rồi thêm nữa, nước mắm hay dầu phi mỡ hành thời đại mà thứ gì cũng có thể là hàng Trung Quốc vừa vô vị vừa độc hại cũng đủ làm mất hứng ăn bắp nướng hay ăn bất kỳ món gì gọi là quà vặt.


    Chùa Cầu Hội An


    Tình cờ bà xã tôi đi Hội An đón người bạn ở xa về chơi theo tour của Sinh Café. Trên đường về, hai người phụ nữ ghé Chùa Cầu mua bắp nướng về cho mấy đứa nhỏ. Ui chao là mùi thơm của trái bắp nướng mà anh cho tụi tôi ăn ngày nào gần Chùa Cầu lại dậy lên mũi. Thằng cu lớn bẻ cho tôi nửa trái bắp, tôi cầm lấy và cứ tưởng như mình đang là cái tuổi mười tám ngồi ăn bắp với thằng Đồi. Lại nhớ thằng Đồi và nhớ anh. Cả hai người đều đã đi xa. Anh thì đã qua đời sau trận bạo bệnh năm 2010. Lúc đó tôi đang ở xa, thằng Đồi đến viếng anh và nó không quên tự tay nướng hai trái bắp mời anh lần cuối. Rồi sau đó vài năm, thằng Đồi cũng đi Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình… Tự dưng cầm nửa trái bắp trên tay mà nhớ đến hai người, một người đã thành thiên cổ, một người thành thiên di!

    2016, trở lại Hội An, không khó bắt gặp những hàng bắp nướng dọc những con phố, đủ các loại bắp, đủ các loại hàng ăn vặt, thời du lịch mà. Nhưng để tìm lại hương vị cũ, hương vị của một thuở quê nghèo thì có vẻ hơi khó. Cũng may là còn một vài hàng bắp nướng gần Chùa Cầu, không biết các bà bán bắp có họ hàng gì với anh không? Nhưng rõ cách nướng bắp của các bà cho mùi thơm của bắp nướng giống hệt trái bắp ngày xưa anh cho tụi tôi ăn. Đôi khi, một mùi hương cũ, một vị ngon cũ dễ làm người ta mủi lòng bởi có nhiều điều chỉ gợi nhắc, chỉ tìm về nhưng xa ngái, không thể gặp được nữa!


    Hỷ Long


    Nguồn: http://baotreonline.com

              
Trả lời

Quay về “ký ức thương yêu”