Mùa Sen Huế

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Mùa Sen Huế

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Mùa Sen Huế


    Dọn bớt lá sen già ở trước cửa Ngọ Môn


    Huế mùa hạ, râm ran tiếng ve thành nội, những hàng phượng vĩ, những đứa trẻ nhà nghèo nghỉ hè theo cha mẹ ra đường để kiếm cơm. Những cô cậu con nhà khá hơn chút thì di chuyển từ trung tâm năng khiếu này cho đến sân tập nọ. Những đoàn khách vẫn ngồi xích lô để ghé chùa Thiên Mụ, xuống chợ Đông Ba, đi ngược qua đập đá, về thăm thôn Vĩ Dạ. Cũng có những đoàn thuyền ngược sông Hương thăm núi Ngự và cả những đoàn người nối nhau vào thăm cấm thành Huế.

    Nhưng có một mùa hạ khác nơi đất thần kinh, mùa hạ mang nét quyến rũ cố đô, mùa hạ không nóng nực của xứ gió Lào, mùa hạ thơm ngát và ngọt ngào trong mắt của những khách trú mặt đất: Mùa sen.


    Quanh hào thành, đi đâu cũng thấy sen.


    Nhớ thời học phổ thông, mỗi lần ghé thăm thầy cô nhân dịp hè, tôi đạp xe ngang qua làng Hương Chữ, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Thời đó ở đây không thả nhiều sen như bây giờ. Có hôm, đang đi cùng đám bạn, thấy mấy bông sen trổ ngay giữa ao làng, chúng tôi rủ nhau quay xe lại hướng Triều Sơn, lên Bao Vinh rồi chui vào Thành Nội để ngắm sen. Trên dòng Ngự Hà xuyên Thành Nội chia nước từ sông Bạch Yến phía tây, qua cống Thủy Quan đổ ra cống Thanh Long phía đông để hợp lưu cùng sông đào Ðông Ba, nhiều đoạn đầy sen.

    Thời đó, tụi tôi vừa đạp xe vừa ngắm sen chứ ít đứa nào có tiền trong tay mà nghĩ đến mua bó sen về nhà hoặc ăn chén chè hạt sen mà người ta bán trong những quán chè cung đình.

    Nói đến sen Huế, không ai không biết đến sen hồ Tịnh Tâm, đây là hồ sen cung cấp sen cho cung đình Huế xưa, từ hoa sen để dâng cúng, từ hạt sen để nấu chè, rồi tim sen để pha trà. Nghe ông ngoại tôi kể lại, lúc mới đôi mươi, ông theo thầy đồ học chữ ở tận Bao Vinh. Ðến độ tháng 5, sau tiết Ðoan ngọ, ông cùng bạn trốn vào đây, nhìn những cô cung nữ ngồi trên thuyền vào sáng sớm để lấy sương trên các đài sen về ướp trà. Ðến cuối mùa, lúc đội quân dọn dẹp bờ hồ đến, cô Hai trong nhà thầy sẽ vào mua lại ít củ sen, về nấu một nồi chè, đãi cho đám học trò tinh nghịch.


    Du khách chụp ảnh bên hồ sen


    Chú hái sen trên hồ Tịnh Tâm bây giờ là học trò cũ của cô Hai ngày đó, kể:

    – Sen ở đây được trồng từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch. Bông sen ở đây thơm nhất Huế, hạt sen tròn đều, nấu lên thơm phức.

    – Bữa nay có vẻ ít sen hơn mọi năm hả chú? Tôi đáp lại lời của chú hái sen.

    – Qua bên hồ Kim Thủy cũng vậy con à. Hai năm nay, hồ Tịnh Tâm và hồ Kim Thủy bị ô nhiễm nặng, sen cũng mất đi nhiều giống…

    – Vậy lỡ không đủ sen cung cấp cho người ta thì sao?

    – Cái đó thì không lo, người buôn sen người ta qua hào thành quanh Ðại Nội, nhất là phía trước cửa Ngọ Môn, cửa Hiển Nhơn, ở đó cũng có nhiều sen. Những hồ nhỏ trong Thành Nội như hồ Mân, hồ Tàng Thơ, hồ Xã Tắc đều có sen hết.


    Hồ sen trong Đại Nội Huế


    – Ở đây sen mình có bán bông không chú?

    – Có chứ con, nhưng thường thì mọi người hái vào chiều muộn hoặc sáng sớm trước các ngày Rằm, mồng Một để bông nở thơm hơn. Những ngày đó, mọi người mua nhiều để đi lễ Phật và cúng tổ tiên.

    – Bông và hạt, cái nào bán được giá hơn chú?

    – Cũng như nhau con à! Như bông thì thường đầu mùa sen có giá cao, khoảng 50 ngàn một bó mười bông, giữa mùa thì khoảng 30 đến 40 ngàn một bó. Hạt sen thì đầu mùa khoảng 150 ngàn một ký sen tươi đã bóc vỏ, lấy tim. Giữa mùa thì khoảng 120 ngàn một ký. Ðến cuối mùa thì lên lại độ 140 ngàn. Còn có hạt sen khô nữa, từ 300 đến 350 ngàn một ký. Tính qua tính lại rồi cũng xắp xắp giá hết à!


    Sen quê


    Cám ơn chú hái sen, tôi ngồi xích lô đi vào các cửa thành, từ cửa Ngăn, cửa Thượng Tứ, Ðông Ba đến cửa An Hòa, Chánh Tây, cửa Hữu đến cửa Nhà Ðồ… Cơ man toàn là sen và sen.

    Ở Huế, người ta trồng hai loại sen chính, đó là sen hồng và sen trắng. Bông sen ở Huế nở đều, thơm và đẹp là do người trồng đã cố ý pha đất bùn đất cát lại với nhau trước khi thả sen.

    Một sư cô ở Hương Trà từng chia sẻ với tôi rằng, dường như người Huế rất thích biểu tượng bông sen. Người đi chùa thì thấy tòa sen dưới chân tượng Phật. Người thăm mộ thì thấy đài sen do những ông thợ xây mộ đắp lên từ hồ xi măng rất kỳ công. Thợ tiện gỗ thì cố công ngồi khắc, tiện biểu tượng bông sen ở tủ thờ, ở bức phù điêu, ở tay ghế sa. Rồi cả những chiếc ví người ta bán cho du khách thập phương. Có lẽ sen đã đi vào lòng Huế từ lâu. Sư cô cũng trồng sen trước chùa để hương sen tỏa ngát vào ngôi chùa sư nữ. Ở đây, các sư nhận nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn hoặc mất ba, mất mẹ về nuôi. Ðến mùa sen, các em cùng sư cô ra hồ để ngắm sen, hái sen, sư hy vọng rằng, các em lớn lên sẽ như bông sen, thơm ngát, mặc cho cái khó, cái nghèo luôn bủa vây.


    Ngọ Môn – Huế


    Xích lô vẫn cứ chạy và câu chuyện của sư nữ vẫn còn bên tai tôi. Tạt vào quán chè Huế ven đường, tôi ngạc nhiên bởi lời mời đon đả nhưng dịu dàng bởi giọng Huế của chị bán chè:

    – Ăn chè sen em nhé! Ăn chè là yêu nước!

    – Ủa, sao hay vậy chị, em tưởng chỉ có ăn cá mới yêu nước chứ! (tôi nói điêu).

    – Ừ, thì người ta làm lãnh đạo, người ta kêu ăn cá là yêu nước, còn mình dân thường, phải mời mọi người ăn sen để sáng lòng, sáng dạ mà đừng có theo phường bán nước chứ em!

    – Chị nói hay quá! Cho em chén chè hạt sen!

    – Giỡn chút thôi chứ em biết không, ở đâu cũng có Trung Quốc hết rồi. Ở Ðà Nẵng chị nghe người ta nói người mình đứng tên mua giùm đất cho người Trung Quốc, ở Huế cũng có chuyện này rồi. Mọi người trong khu phố này đang tẩy chay tụi nó, không coi phim của nó, mà không hiểu sao ông truyền hình mình toàn chiếu phim của Trung Quốc không à, mở kênh nào cũng thấy toàn Trung Quốc.

    – Họ đến Huế nhiều không chị?

    – Cũng có nhiều đoàn đến đây em à. Em gái chị làm hướng dẫn viên bên Ðại Nội nói, nó vào trong đó và bảo Huế là của Trung Quốc. Chị nghe mà não ruột. Ðâu cũng có nó, chỉ có quán chè, nhất là chè hạt sen của chị là chưa thấy nó đến. Mà cũng có thể sen Huế có linh khí tổ tiên nên tụi nó không có cửa đến gần!



    – Chắc là vậy đó chị!

    – Ừ, vậy nên chị mới bảo là em ăn chè hạt sen đi, ăn chè là yêu nước!


    Câu chuyện của chị và tôi cứ xoay quanh việc chợ búa, mua gì thời biển chết, làm gì để tránh mua phải đồ Trung Quốc, rồi Huế sau này ra sao… Có còn những cô nữ sinh áo dài tha thướt qua cầu Tràng Tiền, qua chùa Thiên Mụ không?!

    Tạm biệt chị, xích lô đưa tôi qua cửa Thượng Tứ, vào thăm Ðại Nội Huế. Ðã hơn 10 giờ sáng, những người dọn sen đang cố gắng lấy tay mình ôm hết hồ sen để lấy đi lá già, để lại một hồ sen mới nở nhưng buồn. Xa xa, sau lưng điện Thái Hòa, một thiếu nữ mặc áo dài đang tạo dáng cùng bó sen mới hái.

    Bất chợt, cơn mưa hè hối hả kéo đến, những đoàn khách Trung Quốc lũ lượt kéo nhau tìm chỗ nấp. Không biết lúc này, có bao nhiêu người đang tĩnh tại như sen để tự hỏi: Lũ người kia, họ làm gì trên đất Việt Nam?!




    Uyển Ca
    August 9, 2016




    Nguồn: http://baotreonline.com

              
Trả lời

Quay về “ký ức thương yêu”