Cái giá của lương thiện giả vờ

Trả lời
Hình đại diện
Quy Nam
Bài viết: 824
Ngày tham gia: Thứ năm 21/05/15 18:52

Cái giá của lương thiện giả vờ

Bài viết bởi Quy Nam »

  • Cái giá của lương thiện giả vờ.
    ___________________________________________
    Cánh Cò - 23/09/2015




    Đã từ lâu, cả nước biết các công bộc của dân tuy lương không đủ ăn nhưng nhà cửa tài sản lại không chỗ chứa. Điều nghịch lý này chỉ khó hiểu đối với người dân chất phác nhưng đối với người nhanh nhạy làm ăn hay theo dõi thời sự thì không khó nhận ra:

    tất cả đều đến từ tham nhũng.


    Lớn tham nhũng lớn còn nhỏ tham nhũng nhỏ.
    Ngay một anh dân phòng cũng tham nhũng được thì nói chi tới công an, chủ tịch hay bí thư lớn bé?

    Đọc báo thấy nhà nước cứ theo đuôi Trung Quốc, cho họ thắng thầu hết gói này tới gói nọ, hết công trình lớn tới công trình nhỏ. Hầu như công ty Trung Quốc có mặt khắp chốn Việt Nam. Có người thở dài cho là Hội nghị Thành Đô vẫn còn tác dụng, có người lại nói Việt Nam sợ chiến tranh, trót hứa hẹn rồi nên nay phải cưỡi cọp leo xuống thì bị nó vồ. Cũng có các chuyên gia nóng mặt chỉ ra nguyên nhân tại sao các cấp lớn nhỏ đều quỵ lụy Trung Quốc không phải bất cứ lý do nào vừa nêu nhưng chung quy bởi Trung Quốc biết hối lộ và sự hối lộ đã thành truyền thống của bất cứ nhà thầu nào.

    Còn Việt Nam thì cũng có…nhu cầu ăn hối lộ, do đó bánh ít đi bánh quy lại là điều dễ hiểu xưa nay.

    Hối lộ lớn, nghiêm trọng xảy ra phổ biến nhất là từ các gói ODA và nhà thầu. Chính phủ toàn quyền mở thầu và hầu như gói thầu nào cũng đã biết trước người thắng cuộc. Họa hoằn lắm mới có những gói thầu được các công ty uy tín Nhật, Mỹ hay EU thắng và chắc chắn một điều khi người thắng không phải là nhà thầu Trung Quốc thì người thua là …nhà nước Việt Nam.

    Số tiền lại quả theo các chuyên gia uy tín tính toán thường là không dưới 30% cho người đứng sau các gói thầu. Nhà thầu chấp nhận trả lại quả cao như vậy vì họ biết rằng sau đó có thể điều chỉnh giá mà không gặp trở ngại nào bởi lẽ người ký tờ giấy cho phép thầu cũng sẽ là người ký tiếp những loại giấy tờ khác.

    Vòng tròn làm ăn ấy được bảo vệ kín mít như luật im lặng của mafia. Nếu không may lộ ra bên ngoài thì kỹ thuật che chắn thường giống nhau như hy sinh tốt thí nào đó để một thời gian thì mọi chuyện bị chôn vào quên lãng.

    Người dân có thể trầm trồ khi thấy gia đình Thủ tướng giàu có vượt bậc mà không cần tìm hiểu sâu hơn mặc dù manh nha biết được với số lương ơi hỡi của ông Thủ tướng thì không cách gì giúp cho gia đình ông vượt ngưỡng “nghèo” một cách ngoạn mục như vậy.

    Các ông khác xếp hàng theo chân Thủ tướng và mọi sự như “tiền định” Bộ chính trị đã quyết mỗi anh giàu một cách, mỗi anh hùng cứ một lĩnh vực miễn sao cùng dắt tay nhau thật chặt, đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết như lời bác Hồ dạy.
    ________________________________________________________




    Cho tới ngày Mỹ chấp nhận dẫn độ một trùm tham nhũng Trung Quốc trở về Bắc Kinh đi thì hình như đã làm sợi dây đoàn kết ràng buộc ít nhiều nới ra, nới có nghĩa là đã rúng động tận trung tâm quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam. Không có gì không thể và một lúc nào đó những cán bộ giàu có hôm nay sẽ bị dẫn độ, trục xuất trở lại Việt Nam như Dương Tiến Quân của Trung Quốc vào ngày 20 tháng 9 này.

    Dương Tiến Quân là cựu giám đốc công ty Minghe ở Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc. Ông bị truy nã vì tội "đưa hối lộ" và "tham nhũng". Dương đã trốn sang Mỹ từ năm 2001 và sống ở đây 14 năm. Ông này đứng đầu danh sách 100 nghi phạm tham nhũng đã bỏ trốn ra nước ngoài đang bị Bắc Kinh truy nã.

    Đừng vội cho rằng Trung Quốc và Việt Nam hoàn toàn khác nhau vì Mỹ sẽ không bao giờ dẫn độ một cán bộ tham nhũng trở về Việt Nam đâu mà mơ. Dĩ nhiên rồi, Việt Nam không có vụ đả hổ diệt ruồi. Việt Nam làm ăn chia chác chặt chẽ và rất tôn trọng luật im lặng. Trong trường hợp hiện nay thì đúng nhưng ở thì tương lai thì lại sai hoàn toàn.

    Hãy nghĩ tới kịch bản Việt Nam thay đổi chế độ (vì cộng sản chắc chắn sẽ không vĩnh viễn làm mưa làm gió mãi tại Việt Nam) khi một thể chế mới nắm quyền, kể cả phe này trong đảng chiến thắng phe kia, thì sẽ có cuộc bỏ chạy của cán bộ sang nước ngoài trước đó một thời gian ngắn. Đích tới là Mỹ và các nước EU nơi cán bộ hiện nay đã cài cắm tiền bạc, người thân của họ từ lâu.

    Tuy nhiên khác với những cuộc tị nạn chính trị trước đây 4 thập niên, lúc ấy lo rằng không có cánh cửa nào mở ra cho họ, ngoại trừ những anh chàng lém lỉnh thấy trước tương lai u tối của đảng mà đã núp sâu trong những vùng đất hứa này. Núp sâu cỡ nào rồi cũng phải chường ra, bởi FBI lúc ấy sẽ đặt hồ sơ của những thành phần này lên bàn và biện pháp trục xuất chúng về Việt Nam theo yêu cầu của chính quyền mới không phải là không thể.

    Họ phải bị mang về Việt Nam trả lời nguồn tiền của họ đã móc được từ đâu. Những ai là đồng bọn và tài sản nào còn che dấu. Chính quyền mới lúc ấy đủ chính danh để làm những công việc bình thường của một quốc gia độc lập và lúc ấy không khó lắm để thấy tương lai của những kẻ đang nhởn nhơ tại nước ngoài với những bó đô la bất chính hiện nay.

    Thấy người mà ngẫm đến ta là câu mà ông bà luôn luôn đúng. Tuy vậy chỉ ngẫm mà không làm thì hậu quả cũng sẽ khó lòng khác với Dương Tiến Quân. Mà làm gì được bây giờ khi tay đã trót nhúng chàm quá lâu, quá sâu. Màu chàm đã ăn vào tới óc thì làm sao che dấu? Ngay cả khi sang tới Mỹ người ta vẫn thấy lóng lánh màu chàm trên từng viên hột xoàn bóng lưỡng. Thói tật con người là không thể giữ được yên lặng mà phải khoe của, cho dù là của nả bất chính. Đồng tiền chiếm đoạt từ xương máu tiền nhân khiến kẻ sở hữu nó mù quáng và chủ quan. Ngay cả cái chết trước mắt họ cũng khó kềm hãm lòng hưng phấn trước những xấp đô la quá dày trong tủ.

    Có bao nhiêu con cháu cán bộ mang tiền hối lộ sang Mỹ? Có bao nhiêu kẻ lận lưng hàng triệu đô la chạy sang đây như những kẻ làm ăn lương thiện? Sự lương thiện giả vờ ấy khó lòng che mắt được người dân, nhất là những người Việt tha hương khắp thế giới bởi vì họ quá kinh nghiệm trên đường chạy trốn lịch sử. Lương thiện trên đồng vốn bất lương thì làm sao tồn tại?





    nguồn: rfavietnam.com
Trả lời

Quay về “Cánh Cò”