Đi Tìm Juanita, Khuê Nữ Đông Đá

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Đi Tìm Juanita, Khuê Nữ Đông Đá

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Đi Tìm Juanita, Khuê Nữ Đông Đá




    (TVVN.ORG) Lâu lắm rồi, khi Dế Mèn bắt đầu mày mò sách vở về nhân chủng thì loạt bài biên khảo của ông Johan Reinhard xuất hiện trên sách vở. Ngày 6 tháng Chín, năm 1995, ông Reinhard tìm thấy thân xác đông đá của một cô bé Inca khoảng 12 tuổi trong chuyến du khảo tại vùng Mount Ampato, gần Arequipa, Peru. Cuốn sách “Ice Maiden” mô tả chi tiết về chuyến du khảo kỳ thú và công trình vất vả của đoàn thám hiểm, khuân vác thi thể cũng như các di vật xuống núi khiến Dế Mèn mê mệt.

    Đoàn du khảo khám phá ra hầm mộ vì đỉnh núi đá tan dần sau khi một núi lửa gần đó bùng cháy. Vào thời điểm ấy, xác đông lạnh Juanita được xem là thi thể toàn vẹn nhất trong các xác ướp vùng Andes. Bắp thịt, máu, nội tạng vẫn còn nguyên. Người Inca dùng hơi lạnh thiên nhiên để ướp xác trong khi người Ai Cập dùng hóa chất và phải vứt bỏ nội tạng trước khi ướp.

    Nhà khảo cứu cho rằng dân Inca dùng trẻ em để tế thần vì con nít còn trinh nguyên, trong sạch. Được [bị?] chọn lựa làm vật tế thân là một vinh dự cho gia tộc, đưa trẻ được đưa về bên kia thế giới để tiếp tục một đời sống tốt đẹp hơn (Thủa ấy người Inca đã tin có luân hồi? Đời là bể khổ?) và vật tế lễ được khiêng đi ròng ra cả mấy năm trời đến đỉnh núi, gần trời hơn nên dễ thưa chuyện, khẩn cầu với thần thánh?

    Lúc chết, Juanita còn ngậm trong miệng những lá coca nhai nát và trong máu chứa một lượng chicha, một loại bia chế biến từ bắp ngô lên men, khá lớn. Thì ra, đứa trẻ được (bị) cho uống bia cho say khướt, cho nhai coca (coca là cây cỏ để chế biến cocaine, có dược tính làm tê dại cảm giác) rồi bỏ lại trên núi tế thần, đứa trẻ chết vì đông lạnh.

    Khuê nữ Juanita được trưng bày trong tủ lạnh bằng kính với nhiệt độ -20 độ bách phân tại the Museo Santuarios de Alturain Arequipa, Peru. Hàng năm, Juanita được đưa vào phòng thí nghiệm để “chăm sóc” tu bổ.

    Nỗi tò mò kia theo đuổi Dế Mèn suốt 20 năm, đến nay mới có dịp đi chơi Peru. Nhưng rồi phòng triển lãm đóng cửa tạm thời nên phe ta không có dịp ghé Arequipa. Không thăm viếng Juanita được thì ta đi chơi và dòm ngó những vùng đất Inca khác!?

    Một chút khái niệm về Peru: Tên chính thức là Republic of Peru, là một quốc gia tọa lạc trong vùng Tây Nam Châu Mỹ, phía Bắc giáp ranh Ecuador và Colombia, phía Tây là Brazil, phía Đông Nam là Bolivia, phía Nam là Chile, phía Tây là bờ biển Thái Bình Dương. Đây là một quốc gia có nhiều vùng khí hậu, cao nguyên, đồng bằng và cả vùng đầm lầy nhiệt đới. Sống lưng của Peru là dãy núi Andes và con sông Amazon chạy dài suốt lãnh thổ với những vùng đồng bằng.

    Peru là một vùng đất trải qua trên 10,000 năm lịch sử, đã có nhiều bộ tộc sinh sống ở đó, Paracas, Nazca, Wari, Chimu và Mochica; bộ tộc sau cùng thống lãnh vùng đất ấy là Inca. Các bộ tộc này để lại nhiều dấu vết qua đồ dùng như nồi niêu, ấm chén bằng đất nung, bằng kim loại; vật trang sức bằng quý kim như vàng bạc và cả vải vóc dệt bằng len từ lông thú và cả chỉ chế biến từ bông gòn hay coton. Nghĩa là các bộ tộc xa xưa ấy đã biết trồng cấy, chăn nuôi và chế biến đồ dùng bằng các nguyên liệu từ thiên nhiên. Trải qua khá nhiều thời đại nhưng không có chữ viết hay ký hiệu để lưu truyền nên các bộ tộc cổ đại dường như mất dấu trừ triều đại Inca, bị người Tây Ban Nha chiếm lãnh thổ, thua trận nhưng lại được kẻ thù ghi chép về nền văn hóa nên ngày nay, trên dưới 500 năm sau, người thế giới còn biết về bộ tộc ấy.

    Chịu sự đô hộ của người Tây Ban Nha cho đến thế kỷ XIX dân Peru mới dành lại độc lập năm 1821. Lãnh thổ Peru gồm 25 vùng, region, với tổ chức hành chánh địa phương, thủ đô là Lima. Nguồn lợi kinh tế đến từ kỹ nghệ khai mỏ (Peru là quốc gia đứng nhì trên thế giới về lượng bạc và copper), nông nghiệp và ngư nghiệp. Kinh tế tùy thuộc vào lượng kim loại xuất cảng nên khi kim loại xuống giá trên thị trường thế giới thì nền tài chánh của quốc gia này cũng lao đao theo. Tổng sản lượng khoảng $389.1 tỷ Mỹ Kim và lợi tức hàng năm tính theo đầu người là 12 ngàn Mỹ Kim.

    Theo thống kê của CIA năm 2015, cư dân Peru khoảng 31 triệu người, 70% là thổ dân (Amerindian), phần còn lại là cư dân gốc Âu Châu, Phi Châu và Á Châu. Ngôn ngữ chính thức là Tây Ban Nha nhưng khoảng 50% dân số nói tiếng địa phương, Quechua.

    Là quốc gia sống về hầm mỏ, nông & ngư nghiệp nên Peru cần nhân công. Khi chính sách nô lệ được bãi bỏ, chấm dứt việc mua bán người da đen, thì Peru mộ phu từ Á Châu, Nhật Bản và Trung Hoa. Điều dễ hiểu là những công nhân đến từ xứ lạ mang theo tục lệ, cách sinh sống của họ và hòa nhập với dân bản xứ. Một trong những vị tổng thống thời cận kim, ông Alberto Fujimoto có gốc gác Nhật Bản. saltadoVà danh sách những món ăn hàng đầu của người Peru có món “Chifa”, thức ăn nấu theo kiểu Tàu pha trộn với khẩu vị địa phương. Phu mỏ từ Quảng Châu mang theo hương vị quê nhà từ thế kỷ XIX và được người bản xứ hoan nghênh nhiệt liệt, hoan nghênh đến nỗi món thịt bò xào cà chua và hành tây [mà người Việt ta ai cũng biết] ăn chung với cơm và khoai chiên xuất hiện trên mọi thực đơn của nhà hàng bản xứ với cái tên không mấy quen thuộc lomo saltado!



    Về phương diện văn hóa, bộ tộc Mochica dường như là những kỹ sư tài ba nhất của thời đại ấy, những thế kỷ Công Nguyên đầu tiên, họ đã xây dựng hệ thống dẫn nước, aquaduct, tân tiến nhất để tưới hoa màu. Những con người cổ xưa ấy chỉ dùng đá, họ sắp xếp các tảng đá lớn nhỏ theo hệ thống để nước từ suối nguồn chảy chậm rãi xuống các thửa ruộng bậc thang. Thời đại của bộ tộc Chimu, năm 1150 to 1450, để lại những công trình kiến trúc đồ sộ, không biết làm thế nào mà khuân được những tảng nặng cả trăm tấn lên núi để xây dinh thự? Mãi đến thế kỷ XIV, bộ tộc Inca dưới sự thống lãnh của Vua Pachacuti đã chiếm toàn lãnh thổ và mở rộng bờ cõi suốt vùng Ande, từ phía nam Colombia đến Chile, từ bờ Thái Bình Dương đến vùng Amazon, đặt thủ đô tại Cusco (Cuzco). Triều đại Inca lẫy lừng với các quy tắc hành chánh, quân sự… dù chỉ kéo dài trên dưới 100 năm. Đất nước được chia làm 4 vùng, thờ phượng Thần Mặt Trời, vua là truyền nhân của Thần Mặt Trời, và trên là trời (thần thánh), giữa là Mẹ Đất (Pachamama) và dưới là cõi âm.

    Sau thời đại Inca là thời thuộc địa khi Francisco Pizarro dẫn quân đội Tây Ban Nha đến Peru và chiếm được Cusco năm 1533. Thu góp vàng bạc, cướp bóc tài nguyên và tàn phá thành quách xong, người Tây Ban Nha dời thủ đô của thuộc địa mới về Lima. Chút văn hóa Inca còn sót lại do công ghi chép của ông Garcilasso dela Vega, con trai của một công chúa Inca và một viên đại úy trong quân đội Tây Ban Nha, cuốn sách The Royal Commentaries of the Incas.


    Thủ đô Lima

    Máy bay hạ cánh xuống Lima khoảng 10 giờ tối, qua cửa di trú thì đã gần nửa đêm. Phi trường cách xa thành phố khoảng 40 phút, chiếc xe lăn trên đường phố âm u. Con đường nào cũng tối mò mò. Bóng tối nhá nhem âm u ấy khiến Dế Mèn nhớ đến những con đường ở San Salvador, ở Beliz city, ở Guatemala và nhận ra rằng hầu như các quốc gia Trung Mỹ và Nam Mỹ, ngay cả thủ đô, không dùng mấy đèn điện, hẳn để tiết kiệm năng lượng?

    Lima là thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Peru. Tên gọi Lima hình như xuất phát từ tiếng địa phương, Limaq, đọc theo tiếng Tây Ban Nha. Với 10 triệu cư dân, 1/3 tổng số cư dân của Peru, sống chen chúc, Lima trở thành thành phố đông cư dân thứ nhì của Châu Mỹ (São Paulo của Brazil đứng đầu và Mexico City chiếm hạng ba).

    Thủa xa xưa, khi quân đội Tây Ban Nha chiếm được vùng đấy ấy vào năm 1535, thủ lãnh Francisco Pizarro đặt tên thành phố này là “Ciudad de los Reyes”, và ông Pizarro được phong thưởng chức thống đốc, cai quản vùng đất do ông ấy chiếm được. Lima trở thành thủ đô và cũng là thành phố quan trọng trong vùng thuộc địa của hoàng gia Tây Ban Nha. Tại đây, tọa lạc một trong những trường đại học lâu đời nhất của Tân Thế Giới, the National University of San Marcos, thành lập ngày 12 tháng Năm, năm 1551; trường đại học này vẫn mở cửa đến ngày nay.

    Trong thời thuộc địa, nhờ vị thế thiên nhiên giáp bờ biển, thuyền bè đi lại dễ dàng nên Lima làm ăn buôn bán rầm rộ với các quốc gia Châu Mỹ, Châu Âu cũng như Châu Á. Buôn may bán đắt nên Lima bị hải tặc đánh cướp thường xuyên chưa kể các trận động đất khiến thành quách sụp đổ nhiều lần.

    Sau khi người Peru giành lại độc lập năm 1821, Lima trở thành thủ đô của Peru Cộng Hòa. Dù độc lập, nhưng Peru trải qua một thời gian nghèo khó khá lâu, lại bị quân đội Chile đánh cướp tàn phá trong trận chiến tranh “the War of the Pacific”, kéo dài suốt 4 năm, 1879–1883. Không lạ là người Peru không ưa Chile, từa tựa như ta căm ghét Tàu Ô!

    Lima là một thành phố pha trộn nhiều sắc tộc, đông đảo nhất là nhóm “Mestizos”, những cư dân gốc Âu (Tây Ban Nha và Ý) pha trộn với người địa phương (Amerindian). Nhóm thứ nhì là “European Peruvian” hay người Peru gốc Âu Châu (gốc Âu Châu nhưng không “lai” dân địa phương) và người da đen, Afro-Peruvian, tổ phụ họ là những người Phi Châu bị mang đến bán làm nô lệ trong thế kỷ XVIII và đến thế kỷ XIX thì người Tàu Quảng Đông và Nhật Bản được tuyển mộ làm nhân công. Lima là một thành phố có số di dân Tàu cao nhất tại Châu Mỹ La Tinh.

    Di dân mang theo nếp sống, tục lệ vào sinh hoạt hàng ngày trên đất mới. Thức ăn Peru cũng thích nghi, biến dạng theo. Các món gốc Ý xuất hiện trong khu Miraflores và San Isidro nơi tiệm an treo bảng “trattoria”. Món Chifa, bình dân và phổ thông hơn, đóng đô ở khu Barrios Altos, và người Lima gọi phố Tàu của họ là “Calle Capon”.

    Khi xe đi ngang khu này, Dế Mèn thấy có quán ăn đề bảng hiệu “Việt Nam” mà chụp hình không kịp, tất nhiên là cũng chẳng có dịp thử thức ăn Việt tại Lima!

    Quán trọ Antigua là một dinh thự cũ biến dạng thành khách sạn, nằm trong vùng Miraflores của Lima, bài trí bằng những vật dụng xưa cũ, chiếc bàn ủi than trở thành ngọn đèn, máy may thành bàn ăn… trông khá lạ mắt. Tòa nhà này xây cất theo kiểu “colonial”, phòng ốc bao quanh, ở giữa là sân trống, court yard, bày cây cối, có mấy bụi hoa nhài trắng hoa, mùi hắc hắc nhức mũi, nhức đầu và cả vòi phun nước nhỏ nhỏ. Phòng ốc trổ cửa sổ nhìn ra sân giữa hẳn vì mặt tiền nhìn ra đường phố giăng đầy dây điện ngang dọc và các tòa nhà nghễu nghện khác?
    Khách sạn nằm trong khu thị tứ nên xe cộ rầm rầm nhưng tiện lợi vô cùng, quán ăn, hàng cà phê lớn nhỏ hàng dãy, ta tha hồ chọn lựa.

    Phe ta đến Lima vào mùa đông (kéo dài từ tháng Tư đến tháng Mười), in như sách vở thi phú mô tả, thành phố không có nắng, lúc nào đất trời cũng phủ một lớp sương mù, khí hậu khá dễ chịu chỉ cần một áo khoác mỏng.

    Đường phố Lima, nhìn chung không có gì đặc sắc, cũng các tòa nhà xây cất theo kiểu Colonial từa tựa như tại Guatemala City, San Salvador…, cũng công viên ghế đá và những bức tượng tuyên dương danh tướng địa phương và nhất là những đại tửu lầu MacDonald, Burger King, Pizza Hut thì chỗ nào cũng thấy! Trạm đầu tiên là nơi đổi tiền, một Mỹ Kim đổi được 3.3 soles tiền địa phương.

    Trung tâm thành phố là công trường chính khá rộng, Plaza de Armas, còn giữ được một bồn nước cổ tuổi tác từ những năm 1600.




    Một mặt công trường là Catedral de Lima nơi chôn cất xác Toàn Quyền Pizarro, Dế Mèn nghe kể là thân mình ông ấy bị băm vằm và đầu bị bỏ chỗ khác (?), mãi đến năm 1977 mới được thu góp về một nơi sau khi thử nghiệm di tính để xác định cố chủ rồi đem chôn đúng chỗ.


    Một phía khác là Monastery de Francisco, hình chụp từ bên ngoài:


    Bên trong tu viện có cả một thư viện còn giữ được khá nhiều sách cổ, có cuốn sách cổ kích thước khá lớn, bìa gỗ dài đến một thước tây, trang sách là những tấm da bê non, tuổi tác trên 500 năm, chịu mưa nắng thời tiết ẩm ướt nên màu sắc đã phai nhạt ít nhiều. Tu viện có những hầm mộ, xương sọ, xương đùi, tay chân sắp xếp theo thể loại nên người chết sống chung hòa bình, không phân biệt đầu mình ai với ai … cả ngàn bộ xương lớn nhỏ. Theo lời người dẫn đường, chôn cất là phong tục của người Âu Châu, thổ dân không có tiền cũng như đất để chôn nên thi thể người chết được âm thầm mang đến nhà thờ trong đêm tối, và nhà thờ tu viện nghiễm nhiên đảm nhận thêm công việc mai táng! Nhà tu không cho chụp hình ảnh chi ráo, kể cả sân và hành lang nên Dế Mèn chịu thua.

    Trên đường phố, ta cũng bắt gặp những người bán rong mời gọi du khách; phụ nữ này, qua trang phục mũ nhọn, là một “Mestiza”:





    Giữa các dinh thự lớn nhỏ là những con đường hẹp, nhà cửa san sát, nhiều ngôi nhà không được tu bổ dù Lima là một thành phố khá đắt đỏ. Dế Mèn nghe nói một căn chung cư cỡ 80 thước vuông có bảng giá 300 ngàn Mỹ Kim!

    Buổi trưa Dế Mèn ăn qua quýt ở hàng cà phê cuối phố; cũng bánh mì, bánh ngọt đủ loại, thịt nguội xúc xích jambon như bất cứ quán cà phê nào tại Âu Châu hay Huê Kỳ. Một ổ bánh mì Tây, baguette đàng hoàng, nhồi thịt nguội cỡ 5 Mỹ Kim, một tấm bánh ngọt hai người “chở” mới hết cỡ 3 Mỹ Kim. Xem ra thức ăn có vẻ “rẻ” dù nhà cửa khá đắt, hẳn vì thành phố chật chội khó khăn?

    Ngồi nhìn ông đi qua bà đi lại, họ tất bật vội vã như cư dân của những thành phố xuôi ngược khác. Những chuyến xe bus đón khách, thả người bất kể bảng chỉ đường. Giữa những lúc tạm dừng ấy, một người đón sẵn bên lề đường mách nhỏ rồi chiếc xe lao về phía trước. Người dẫn đường giải thích rằng, có rất nhiều chiếc xe bus trên đường phố, dù chính phủ đặt ra tuyến đường đàng hoàng nhưng vẫn có nhiều tư nhân vác xe chạy… chung với xe quốc doanh. Người ‘mách nước’ kia tạo một dịch vụ mới, báo rằng chiếc xe bus trước đó đã tách bên bao lâu để ông tài xế này còn ước chừng mà chạy nhanh chậm. Cuối ngày, “thám tử” được trả công một món tiền khiêm nhường giao ước sẵn. Xe bus ở đây làm ăn từa tựa xe đò bên mình ngày xưa, khách nói nơi muốn dừng, lơ xe ra giá và thu tiền, chẳng có vé xe chi cả.

    Người dẫn đường là một “thổ công” của thành phố, sinh trưởng ở đây, tốt nghiệp sư phạm nhưng dạy học không đủ sống, làm hướng dẫn viên du lịch thì khấm khá hơn. Ông ấy nói rằng một bác sĩ phụ khoa, người chị ruột, làm tại bệnh viên với số lương cỡ 800 Mỹ Kim/tháng trong khi nghề dạy học kiếm được cỡ 600 Mỹ Kim.

    Nhóm du khách đi thăm viện bảo tàng nhân chủng, National Museum of Archeology, Anthropology and History nơi tàng trữ các cổ vật từ những triều đại Chavin, Mochica, Chimu, Tihuanaco, Pucaras, Nazca và Inca. Nhìn ngắm cổ ngoạn chế tạo bằng đất nung và vải vóc Dế Mèn mới hiểu rằng dân Nam Mỹ cũng có một thời văn minh vàng son lừng lẫy. Ở đó trưng bày một số hộp sọ bị biến dạng, có những chiếc sọ có dạng bầu dục, dài và nhỏ. Thì ra vua chúa thời ấy muốn khác người nên con cái họ từ thủa thơ ấu đã bị kẹp đầu theo hình dạng nhất định. Những hài nhi đầu bị quấn vải thật chặt để hộp sọ phát triển theo ý cha mẹ, từa tựa như phụ nữ Tàu phải chịu bó chân cho quý phái!

    Trong khi chờ những người khác, phe ta chụp vội tấm hình trong sân:
    Lltran_Lima

    Nguồn:https://www.tvvn.org


    Đọc toàn bài tại đây: https://www.tvvn.org


              
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”