Đạo Đức Kinh

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 43          
    BIẾN DỤNG 遍 用




    Hán văn:
    • 天 下 之 至 柔,
      馳 騁 天 下 之 至 堅.
      無 有 入 無 間.
      吾 是 以 知 無 為 之 有 益.

      不 言 之 教,
      無 為 之 益,
      天 下 希 及 之.

    Phiên âm:
    1. Thiên hạ chi chí nhu,
      trì sính[1] thiên hạ chi trí kiên.
      Vô hữu nhập vô gián. [2]
      Ngô thị dĩ tri vô vi chi hữu ích.
                
    2. Bất ngôn chi giáo,[3]
      vô vi chi ích,
      thiên hạ hi[4] cập chi.[5]

    Dịch xuôi:
    1. Cái mềm nhất trong trời đất
      chi phối được cái cứng nhất trong trời đất.
      Cái «không có» lọt được vào chỗ «không có kẽ hở».
      Vì thế nên ta biết lợi ích của vạn vật
                
    2. Cách Dạy mà không dùng đến lời,
      cũng như ích lợi của «Vô vi»,
      ít người có thể hiểu thấu.


    Dịch thơ:

    1. Cái mềm nhất ở trong trời đất,
    Thắng cái gì cứng nhất trần hoàn.
    Vô hình nhập chỗ vô gian,
    Vô vi ích lợi muôn vàn ai hay.

    2. Không nói vẫn làm thầy thiên hạ,
    Không làm nhưng kết quả ngàn muôn.
    Nào ngờ không nói, không làm,
    Chứa chan ích lợi, người phàm đâu hay.





    BÌNH GIẢNG



    Chương này Lão tử lại nói đến ích lợi của vạn vật.

    Trên đây chúng ta đã bàn giải về Vô vi rất nhiều.
    Nay mượn một câu trong sách «Quan Thế Âm Bồ Tát bản tích cảm ứng tụng» để giải chương này như sau:
    • «Tất cả cái gì hữu vi
      • đều là mộng ảo,
        đều là bào ảnh,
        là thân phận con phù du,
        hay là bóng xế ngàn cây.
      Hãy vội vàng trở về với Vô vi, và luôn luôn tự nhủ như vậy.» [6]

    Như vậy,

    Vô vi không phải là ăn không, ngồi rỗi
    mà chính là hành động hợp với Thiên chân, thiên lý, với định luật vũ trụ.[7]



    Nhập dược kính có thơ:

    Mặc mặc vô vi chỉ thủ Trung,
    墨 墨 無 為 只 守 中
    Chu thiên hỏa hậu hợp Tham, Đồng.
    周 天 火 候 合 參 同
    Vô vi hoàn tự hữu vi đắc,
    無 為 還 自 有 為 得
    Cử động vô phi hợp thánh công. [8]
    舉 動 無 非 合 聖 功

    Tạm dịch:
    Lặng lẽ vô vi giữ điểm Trung,
    Tu tròn chính quả, hợp Thiên Không.
    Vô vi cũng tự Hữu vi được,
    Cử động rồi ra hợp thánh công.



    _______________________________________

    • [1]
      Trì sính 馳 騁:
      • (1) ngựa ruổi mau;
        (2) giá ngự, khống chế.
    • [2]
      Vô gián 無 間:
      không có kẽ hở.
                
    • [3]
      Bất ngôn chi giáo 不 言 之 教:
      cái dạy không lời.
                
    • [4]
      Hi 希:
      ít.
                
    • [5]
      Cập chi 及 之:
      theo kịp; biết kịp.
                
    • [6]
      Nhất thiết hữu vi mộng ảo, bào ảnh, phù du chi thân, tang du chi cảnh,
      tốc hội Vô vi, thời thời tự tỉnh.
      一 切 有 為 夢 幻, 泡影, 蜉 蝣 之 身, 桑 榆 之 景,
      速 會 無 為, 時 時 自 省.
      Xem Quan Thế Âm Bồ Tát bản tích cảm ứng tụng 觀 世 音 菩 薩 本 跡 感 應 頌, quyển thứ 6, tr. 41–42.

      • - Hoài Nam tử giải:
        phù du là thứ con sáng sinh, chiều chết.
        (Hoài Nam tử:
        Phù du triêu sinh nhi mộ tử
        淮 南 子: 蜉 蝣 朝 生 暮 死).

        Ông cũng giải
        «tang du chi cảnh» 桑 榆 之 景 là ánh mặt trời tà rọi trên các ngọn cây.
        (Hựu Hoài Nam tử viết:
        Nhật tây thùy cảnh tại thụ đoan, vị chi tang du
        又 淮 南 子 曰: 日 西 垂 景 在 樹 端, 謂 之 桑 榆)

        - Đại Bi kinh có câu:
        Ước mong chúng ta mau trở về nhà Vô vi
        (Đại Bi kinh:
        nguyện ngã tốc hội vô vi xá.
        大 悲 經: 願 我 速 會 無 為 舍)
        Sđd, tr. 41–42.
    • [7]
      Vô vi vô tác, động hợp thiên địa chi diệu.
      無 為 無 作, 動 合 天 地 之 妙.
      Nhập dược kính, tr. 12.
                
    • [8] Nhập dược kính, tr. 12.



          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 44          
    TRI CHỈ 知 止




    Hán văn:
    • 名 與 身 孰 親,
      身 與 貨 孰 多.
      得 與 亡 孰 病.

      是 故,
      甚 愛 必 甚 費.
      多 藏 必 厚 亡.
      知 足 不 辱.
      知 止 不 殆.
      可 以 長 久.

    Phiên âm:
    1. Danh dữ thân thục thân,
      thân dữ hóa thục[1] đa.[2]
      Đắc dữ vong thục bệnh.[3]
                
    2. Thị cố,
      thậm ái tắc thậm phí.[4]
      Đa tàng tất hậu [5] vong.
      Tri túc bất nhục.
      Tri chỉ bất đãi. [6]
      Khả dĩ trường cửu.

    Dịch xuôi:
    1. Danh với thân cái nào quý hơn?
      Thân với của, cái nào trọng hơn?
      Được với mất, cái nào khổ hơn?
                
    2. Cho nên,
      yêu nhiều ắt tổn nhiều.
      Chứa nhiều ắt mất nhiều.
      Biết đủ (an phận thủ thường), không nhục.
      Biết dừng không nguy.
      Có thể trường cửu.


    Dịch thơ:

    1. Tiếng với ta cái gì là quí?
    Của với mình xét kỹ chi hơn?
    Bắc cân hai lẽ mất còn,
    Đằng nào khổ sở, tính toan cho rành.

    2. Chắt chiu quá lại thành uổng phí,
    Cóp nhặt nhiều ắt sẽ tay không,
    Thảnh thơi, là có đủ dùng,
    Ít ham, ít nhục, thung dung một đời.
    Lòng khinh khoát, biết nơi dừng bước,
    Thoát hiểm nguy lại được trường sinh.





    BÌNH GIẢNG



    Chương này Lão tử khuyên ta không nên tham danh, tham tài đến nỗi phải vong thân, vong mạng...
    Tâm thần ta là vật chí quí, chí bảo của trời đất; ta đừng nên dại dột mà đem đổi chác lấy công danh, tiền bạc phù du hư ảo.

    Lão tử khuyên ta hãy nên bắc cân
    • xem thân ta, mạng ta là trọng;
      hay danh lợi là trọng.
    Được danh lợi mà mất tâm thần, hỏi đằng nào nguy hại hơn ?
    Thế tức là «đắc dữ vong thục bệnh».
    • «Đắc» đây nên hiểu là «đắc danh vọng», «đắc hóa tài»,
      mà «vong» đây nên hiểu là «vong thân, vong mạng».

    Giải như thế, ta thấy câu này có âm hưởng như câu thánh kinh:
    • «Được lợi lãi cả thế gian mà lỗ vốn mất linh hồn nào được ích lợi gì?» [7]

    Nếu chúng ta chạy theo hóa tài, ham mê danh vọng, tâm thần ta ngày sẽ một bị hao tán, phí phao. Cái phí phao ấy mới thực là lớn lao vậy. (Thị cố thậm ái, tất thậm phí.) Mà cho dầu ta súc tích đến bao nhiêu chăng nữa chúng ta cũng sẽ khó lòng mà giữ được cho toàn.
    Hà Thượng Công bình rằng:
    • «Sống mà súc tích cho đầy kho lẫm; chết mà súc tích cho đầy quan quách,
      thì sống sẽ lo trộm cướp đánh đập phá phách, chết sẽ lo bị đào mồ, cuốc mả.» [8]

    Cho nên biết an thường, thủ phận
    sẽ thoát được ra ngoài vòng cương tỏa của lợi danh, và sẽ tránh được nhiều điều tủi nhục.

    Biết an thường, thủ phận, bỏ lợi lộc công danh hư ảo, lo tu thân, luyện trí, tu tâm, hợp Đạo,
    rồi ra sẽ được cửu trường.



    _______________________________________

    • [1] Thục 孰:
      cái gì.
                
      [2] Đa 多:
      nhiều, trọng.
                
      [3] Bệnh 病:
      hại.
                
      [4] Phí 費:
      hao tổn.
                
      [5] Hậu 厚 :
      dày, nhiều.
                
      [6] Đãi 殆 :
      nguy.
                
      [7] Marc, 8, 36.
                
      [8]
      Sinh đa tàng ư phủ khố,
      tử đa tàng ư khâu mộ;
      sinh hữu công kiếp chi ưu,
      tử hữu quật trủng thám cữu chi hoạn.
      生 多藏 於 府 庫,
      死 多 藏 於 丘 墓.
      生 有 攻 劫 之 憂,
      死 有 掘 冢 探 柩 之 患.
      Âm chú Hà Thượng Công, Lão tử Đạo Đức kinh, chương 44.



          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 45          
    HỒNG ĐỨC 洪 德




    Hán văn:
    • 大 成 若 缺,
      其 用 不 弊.
      大 盈 若 沖,
      其 用 不 窮.
      大 直 若 屈.
      大 巧 若 拙.
      大 辯 若 訥.

      躁 勝 寒.
      靜 勝 熱.
      清 靜 為 天 下 正.

    Phiên âm:
    1. Đại thành nhược khuyết [1]
      kỳ dụng bất tệ. [2]
      Đại doanh nhược xung[3]
      kỳ dụng bất cùng.
      Đại trực nhược khuất.[4]
      Đại xảo nhược chuyết.[5]
      Đại biện nhược nột.
                
    2. Táo thắng hàn.
      Tĩnh thắng nhiệt.
      Thanh tĩnh vi thiên hạ chính.

    Dịch xuôi:
    1. Hoàn toàn mà ngỡ là khiếm khuyết,
      nhưng dùng không bao giờ hỏng.
      Thực đầy mà ngỡ như vơi,
      nhưng dùng không bao giờ hết.
      Thẳng băng mà ngỡ như cong;
      tuyệt khéo mà như vụng về;
      rất hùng biện, mà như là ấp úng.
                
    2. Nóng thắng lạnh,
      yên thắng nóng,
      thanh tĩnh mà chính được thiên hạ.


    Dịch thơ:

    1. Thực mỹ mãn mà như khuyết điểm,
    Nhưng đem dùng chẳng chuyển, chẳng mòn.
    Thật đầy mà ngỡ trống trơn,
    Đem dùng mới thấy chứa chan vô cùng.
    Thẳng băng mà ngó như cong,
    Muôn nghìn khéo léo, dáng trông vụng về.
    Thật hùng biện như e, như ấp,
    Vẻ ngây ngô, sắc mắc ai đương.

    2. Múa may cho bớt lạnh lùng,
    Nghỉ ngơi cho nóng đỡ nung hình hài.
    Một niềm thanh tĩnh thảnh thơi,
    Tự nhiên thiên hạ đổi đời hóa hay.





    BÌNH GIẢNG



    Đoạn này Lão tử lại cho thấy thánh nhân thường có vẻ ngoài khiêm cung, từ tốn.
    Quan niệm này đã thấy có ở nơi chương 41.

    • Luận Ngữ cũng có ít câu tương tự.
      Đức Khổng nói:
      • «Người quân tử muốn cho lời nói của mình thì ít oi, chậm lụt
        mà công việc của mình thì cần mẫn, siêng năng.» [6]

      Ngài lại nói:
      • «Người cương nghị chất phác, ít ăn, ít nói,
        thì gần với mức nhân.» [7]


    Đoạn sau Lão tử dạy nên dùng «thanh tĩnh, vô vi» để trị đời. Vì sao ?

    Thưa vì muốn bớt lạnh, cần hoạt động;
    muốn bớt nóng cần nghỉ ngơi.

    Ngày nay thế giới đang bừng bừng chạy theo danh theo lợi, nếu chúng ta lại cũng bồn chồn, nóng nảy thì có khác nào đổ thêm dầu vào lửa đâu; như vậy làm sao mà trị đời.
    Cho nên chỉ có cách là thanh tĩnh, tiêu sái, thung dung thì mới treo gương được cho đời, gỡ được cho con người thoát khỏi vòng phiền trược của thế sự.


    _______________________________________

    • [1] Khuyết 缺:
      không hoàn toàn.
                
    • [2] Tệ 弊 :
      hư.
                
    • [3] Xung 沖 :
      trống không.
                
    • [4] Khuất 屈:
      cong.
                
    • [5] Chuyết 拙:
      vụng.
                
    • [6]
      Tử viết:
      Quân tử dục nột ư ngôn, nhi mẫn ư hạnh.
      子 曰:
      君 子 欲 訥 言, 而 敏 於 行.
      Luận Ngữ 論 語, Lý Nhân 里 仁, câu 4.
                
    • [7]
      Tử viết:
      Cương, nghị, mộc, nột cận nhân
      子 曰:
      剛, 毅, 木, 訥 近 仁.
      Luận Ngữ, Tử Lộ 子 路, câu 27.



          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 46          
    KIỆM DỤC 儉 欲




    Hán văn:
    • 天 下 有 道,
      卻 走 馬 以 糞.
      天 下 無 道,
      戎 馬 生 於 郊.

      禍莫 大 於 不 知 足.
      咎 莫 大 於 欲 得.

      知 足之 足, 常 足 矣.

    Phiên âm:
    1. Thiên hạ hữu đạo,
      khước tẩu mã dĩ phẩn.
      Thiên hạ vô đạo,
      nhung mã sinh ư giao.
                
    2. Họa mạc đại ư bất tri túc.[1]
      Cữu mạc đại ư dục đắc.
      Cố
      tri túc chi túc, thường túc hĩ.[2]

    Dịch xuôi:
    1. Thiên hạ có Đạo,
      thì ngựa dùng vào việc vun phân ruộng.
      Thiên hạ không Đạo,
      ngựa chiến sinh ngoài thành.
                
    2. Không họa nào lớn bằng không biết đủ.
      Không hại nào lớn bằng muốn được của.
      Cho nên
      biết cho mình là có đủ, thời luôn luôn đủ.


    Dịch thơ:

    1. Trần gian mà có Hóa Công,
    Ngựa hay cũng thải về đồng vun phân.
    Trần gian mà mất Thiên quân,
    Bên thành chiến mã hí rầm ngày đêm.

    2. Nguy thay những kẻ bon chen,
    (Suốt đời chẳng lửng dạ thèm khát khao).
    Hại thay những kẻ vơ vào,
    (Vơ vơ, vét vét biết bao giờ cùng).
    Ở đời muốn được thung dung,
    Nhiều no, ít đủ, ta không phàn nàn.





    BÌNH GIẢNG



    Thiên hạ mà có Đạo, thì dân chúng an bình, ngựa chiến không còn có việc dùng, phải đem về quê làm việc đồng áng.

    Khi nào thì gọi là nước có Đạo?
    Nước có Đạo là khi
    • trên dưới giữ đúng bổn phận mình, vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con;
    • ai nấy đều lo tu tâm, ăn ở cho xứng đáng với danh nghĩa con người, yêu kính đồng loại, biết trọng nghĩa, khinh tài.

    Đó là thời đại hòa, đại thuận. Thời ấy, không còn ai muốn cất giữ những dụng cụ chiến tranh, nên ngựa chiến cũng hóa thành vô dụng.

    Vua Vũ Vương đã có thời thả trâu trận, ngựa chiến nơi miền núi Hoa Dương, và miền đồng Đào Lâm tỏ ý sẽ dùng văn mà cai trị, cải hoá thiên hạ, thay vì dùng võ, dùng bạo lực.[3]


    Nhưng khi mà nước vô Đạo, thì chinh chiến nhiễu nhương nhân dân đồ thán, mà khi ấy thời ngay bên thành, đã thấy đầy dẫy những chiến mã.

    Thế nào là một nước vô Đạo?
    Một nước vô Đạo là
    • một nước đã mất cương thường, trên chẳng ra trên, dưới chẳng ra dưới, ai ai cũng chỉ vụ danh, vụ lợi mà khinh nhân nghĩa.
    • Người người khi trá lẫn nhau, bóc lột lẫn nhau, chia rẽ nhau.

    Trong thì cương thường đổ nát, ngoài thì không giữ được hòa hiếu với lân bang, vì thế nên sinh ra chinh chiến.

    Chung qui, chinh chiến sinh ra là vì con người không biết kiềm chế lòng dục. Ai cũng muốn vơ vét, súc tích thêm của cải; ai cũng tỏ lỏng lòng tham.

    Cho nên cái hay nhất cho cá nhân, cũng như cho xã hội
    là biết vừa lòng với số phận mình,
    biết vui sống trong hoàn cảnh mình.

    Đọc chương Đạo Đức kinh bàn về «Tri túc» này, ta lại liên tưởng đến thái độ của nho gia trong Luận Ngữ.
    • Đức Khổng nói:
      • «Ăn cơm thô, uống nước lã, co cánh tay gối đầu, trong cảnh bần hàn mà vẫn vui sướng.
        Phú quý do bất nghĩa thì coi như mây nổi.» [4]

      Đức Khổng cũng khen Nhan Hồi như sau:
      • «Hiền thay là trò Hồi!
        Người ở trong ngõ hẹp với một giỏ cơm, một bầu nước.
        Ở cảnh ấy người ta không ai chịu cực khổ cho nổi. Thế mà trò Hồi chẳng đổi chí vui thích của mình.
        Hiền thay là trò Hồi.» [5]


    Cụ Nguyễn Công Trứ đã hiểu được lẽ «lạc thiên tri mệnh»[6] 樂 天 知 命 hay «an phận lạc thiên» 安 分 樂 天 của Nho và Lão nên đã viết:

    «Cảnh cùng thông, ai có bận chi đâu,
    Mùi tiêu sái với trần gian dễ mấy.

    Thơ rằng:
    Hữu danh nhàn phú quý
    有 名 閒 富 貴
    Vô sự tiểu thần tiên
    無 事 小 神 仙
    Đấng anh hùng an phận lạc thiên
    安 分 樂 天
    So trời đất cũng nhất ban xuân ý.» [7]
    一 般 春 意.


    _______________________________________

    • [1]
      Bản Hà thượng Công, bản Tống Long Uyên, bản Léon Wieger lại thêm một câu như sau:
      • Tội mạc đại ư khả dục;
        Họa mạc đại ư bất tri túc;
        Cửu mạc đại ư dục đắc.
        罪 莫 大 於 可 欲;
        禍莫 大 於 不 知 足;
        咎 莫 大 於 欲 得.
    • [2]
      Bản Hà thượng Công và bản Léon Wieger không có chữ hĩ 矣 .
                
    • [3] Xem Kinh Thư, Vũ Thành 武 成, tiết 2.
                
    • [4]
      Tử viết:
      «Phạn sơ tự, ẩm thủy, khúc quăng nhi chẩm chi, lạc diệc tại kỳ trung hĩ.
      Bất nghĩa nhi phú thả quí, ư ngã như phù vân».
      子 曰:
      飯 疏 食, 飲 水, 曲 肱 而 之, 樂 亦 在 其 中 矣.
      不 義 而 富 且 貴,於 我 如 浮 雲.
      Luận Ngữ 論 語, Thuật Nhi 述 而, chương 7, câu 15.
                
    • [5] Tử viết:
      «Hiền tai Hồi dã !
      nhất đan tự, nhất biểu ẩm, tại lậu hạng.
      Nhân bất kham kỳ ưu. Hồi dã bất cải kỳ lạc.
      Hiền tai Hồi dã.»
      子 曰
      賢 哉 回 也 !
      一 簞 食, 一 瓢 飲, 在 陋 巷.
      人 不 堪 其 憂. 回 也不 妀 其 樂.
      賢 哉 回 也.
      Luận Ngữ 論 語, Ung Dã 雍 也, chương 6, câu 9.
                
    • [6]
      Lạc thiên tri mệnh,
      cố bất ưu.
      樂 天 知 命
      故 不 憂
      (Thánh nhân vui cái vui trời;
      bởi hay định mạng nên vui thập phần)
      Hệ từ thượng, chương 4.
      Xem Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê, Dịch Kinh Đại Toàn, tập III (Hạ Kinh), tr. 437.

                
    • [7] Xem Đàm Xuân Thiều, Trần trọng San, Việt văn độc bản, đệ nhị, tr. 35, bài Hành tàng.



          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 47          
    GIÁM VIỄN 鋻 遠




    Hán văn:
    • 不 出 戶, 知 天 下.
      不 闚 牖, 見 天 道.
      其 出 彌 遠, 其 知 彌 少.

      是 以 聖 人
      不 行 而 知,
      不 見 而 名,
      不 為 而 成.

    Phiên âm:
    1. Bất xuất hộ, tri thiên hạ.
      Bất khuy [1] dũ [2] kiến thiên đạo. [3]
      Kỳ xuất di * viễn, kỳ tri di* [4] thiểu.
                
    2. Thị dĩ thánh nhân
      bất hành nhi tri,
      bất kiến nhi danh,
      bất vi nhi thành.

    Dịch xuôi:
    1. Chẳng ra khỏi cửa mà biết thiên hạ.
      Chẳng dòm qua cửa sổ, mà biết đạo Trời.
      Đi càng xa, biết càng ít.
                
    2. Cho nên thánh nhân
      chẳng đi mà biết,
      chẳng thấy mà hay,
      chẳng làm mà nên.


    Dịch thơ:

    1. Ở nhà chẳng bước đi đâu,
    Thế mà thiên hạ gót đầu vẫn hay.
    Tuy rằng cửa đóng then cài,
    Thế mà vẫn hiểu Đạo trời tinh vi.
    Con đường phiêu lãng càng đi,
    Càng xa càng lạc biết gì nữa đâu.

    2. Cho nên hiền thánh trước sau,
    Không đi mà biết, không cầu mà nên.
    Cần chi vất vả bon chen,
    Không làm mà vẫn ấm êm vuông tròn.





    BÌNH GIẢNG



    Chương này ý nghĩa rất rõ ràng. Đại ý rằng:
    • Nếu chúng ta biết thu thần, định trí
      thì trí huệ sẽ phát sinh,[5] và sẽ biết được nhiều điều vi diệu của tạo hóa.

    Người xưa cho rằng:
    • Ta và vạn vật đều cùng một gốc,
      nên nếu hiểu biết rõ lý lẽ ở nơi một người, sẽ hiểu biết lý lẽ của thiên hạ. [6]

    Thế là:
    • - dĩ nhất sự suy vạn sự
      - dĩ nhất tâm suy vạn tâm
      - dĩ nhất nhật suy vạn đại
                
      Cho nên không ra khỏi nhà đã biết chuyện thiên hạ.


    Người xưa lại quan niệm thêm rằng
    • luật trời, đạo trời ghi tạc ngay trong lòng con người;
      nên không cần bon chen vất vả, chỉ cần biết định tĩnh, biết tiềm tâm suy cứu, là tìm thấy luật Trời.
      Còn như bon chen vất vả, luân lạc trong chốn hồng trần, thì bất quá chỉ có được những kiến thức vụn vặt, những lối nhìn chật hẹp mà thôi.


    Tóm lại:

    Thấy bằng mắt không bằng thấy bằng trí;
    mà thấy bằng trí không bằng thấy bằng thần.

    Chỉ có thần
    mới không vội mà nhanh, không đi mà đến.
    [7]


    _______________________________________

    • [1] Khuy 闚:
      nhòm.
                
    • [2] Dũ 牖:
      cửa sổ.
                
    • [3]
      Bản Phó Dịch viết:
      • «Bất xuất hộ,
        khả dĩ tri thiên hạ,
        bất khuy dũ,
        khả dĩ kiến thiên đạo.»
        不 出 戶,
        可 以 知 天 下,
        不 闚 牖,
        可 以 見 天 道 .
    • [4] Di 彌:
      càng.
                
    • [5]
      Thần định tắc tuệ sinh
      神 定 則 慧 生.
      Huỳnh Nguyên Cát, Đạo Đức kinh chú thích, chương 47.
                
    • [6]
      Vật ngã đồng nguyên,
      cùng nhất kỷ chi lý,
      tức năng tận thiên hạ chi lý.
      物 我 同 源,
      窮 一 己 之 理,
      即 能 盡 天 下 之 理.
      Sđd, tr. 47.
                
    • [7]
      Duy thần dã,
      cố bất tật nhi tốc,
      bất hành nhi chí.
      惟 神 也,
      故 不 疾 而 速,
      不 行 而 至
      Kinh Dịch, Hệ từ thượng.



          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 48          
    VONG TRI 忘 知




    Hán văn:
    • 為 學 日 益,
      為 道 日 損.
      損 之 又 損,
      至 於 無 為.

      無 為 而 無 不 為,
      取 天 下 常 以 無 事.
      及 其 有 事,
      不 足 以 取 天 下.

    Phiên âm:
    1. Vi học nhật ích,
      vi Đạo nhật tổn.
      Tổn chi hựu tổn
      dĩ chí ư vô vi.
                
    2. Vô vi nhi vô bất vi,
      thủ thiên hạ thường dĩ vô sự.
      Cập kỳ hữu sự
      bất túc dĩ thủ thiên hạ.

    Dịch xuôi:
    1. Theo học ngày một thêm,
      theo Đạo ngày một bớt.
      Bớt rồi lại bớt,
      đến mức Vô vi.

                
    2. Không làm mà không gì không làm;
      muốn được thiên hạ phải dùng vô vi;
      dùng hữu vi
      không đủ để được thiên hạ.


    Dịch thơ:

    1. Học nhiều càng lắm rườm rà,
    Càng gần Đạo cả càng ra đơn thuần.
    Giản phân rồi lại giản phân,
    Tần phiền rũ sạch còn thuần vô vi.

    2. Vô vi huyền diệu khôn bì,
    Không làm mà chẳng việc chi không làm.
    Vô vi mà được thế gian,
    Càng xoay xở lắm đời càng rối beng.





    BÌNH GIẢNG



    Nếu chúng ta đi vào con đường kiến văn kiến thức, chúng ta phải lo trau dồi thêm mãi kiến thức kiến văn.
    Đó là con đường hướng ngoại, con đường dẫn tới công danh lợi lộc.

    Còn nếu chúng ta định đi tìm Đạo, tìm bản thể trong con người chúng ta thì chúng ta phải đi vào con đường rũ bỏ:
    • - Chúng ta phải từ bỏ cho hết mọi tà tâm tà niệm.
      - Chúng ta phải rũ bỏ lòng tư kỷ, tư dục.
      - Chúng ta phải từ bỏ lòng ham danh lợi.
      - Chúng ta phải rũ bỏ mọi tri kiến phiền tạp phù phiếm.
      - Chúng ta phải rũ bỏ hết mọi sự xuyến xao làm mất sự tĩnh lãng của tâm thần.
      - Chúng ta phải rũ bỏ mọi chấp trước mê vọng.

    «Khi mà nhân dục đã hủy hết,
    thiên lý sẽ trở nên thuần toàn.

    Khi mà tính đã yên như ngọc lưu ly không còn vấn vương một chút chi ô nhiễm,
    khi mà lòng đã sáng như tấm gương trong, không còn bợn một chút chi nhơ bẩn,
    lúc ấy Bản thể sẽ hiển hiện ra sáng láng,
    cái Chân tâm tự tại, cái «Bản lai diện mục» của chúng ta sẽ biểu lộ ra rõ ràng,

    và lúc ấy Vô cực chân nhân mới để lộ dung quang...» [1]


    Theo quan niệm của các nhà huyền học, thì
    • nếu chúng ta không biết gạt bỏ những kiến văn phù phiếm,
      nếu chúng ta không vượt lên trên được các hình thức sắc tướng,
      thì làm sao chúng ta hợp nhất được với Đấng Chí Tôn. [2]

    Đi vào nội tâm, trừ sạch mọi tà tâm, tà niệm, vọng niệm, vọng tưởng, chúng ta sẽ đạt được tới vô vi.
    Đạt tới vô vi tức là đạt tới Bản thể Căn nguyên, đạt tới Pháp giới, đạt tới Niết bàn theo từ ngữ nhà Phật.

    Vì kinh Đại Niết Bàn cho rằng:
    • - «Giải thoát là trừ sạch vô minh sinh ra chân minh.»[3]
      - «Giải thoát là rốt ráo thanh tịnh.»[4]
      - «Phật tánh tức là chân giải thoát.»[5]
      - «Chân giải thoát tức là Như lai.»[6]
      - «Như lai tức là Niết bàn. Niết bàn tức là Vô tận. Vô tận tức là Phật tánh. Phật tánh tức là quyết định. Quyết định tức là Vô thượng chánh giác.»[7]

    Cho nên rũ bỏ đây tức là
    • dập tắt «lửa phiền não»,
      vượt vòng sinh tử hình tướng
      để mà lên cõi bất sanh bất diệt».

    Phật cũng còn nói:
    • «Bất sanh bất diệt tức là giải thoát, giải thoát như vậy tức là Như lai.»[8]

    Rũ bỏ hết để đạt tới «vô sở đắc» mà «vô sở đắc thời gọi là Huệ» [9] là Đại Niết Bàn.[10]
    Đạt tới vô sở đắc, đạt tới vô vi tức là dứt hẳn tất cả sinh tử [11] đạt tới «Thường, lạc, ngã, tịnh».[12]



    Từ trên đến đây, chúng ta đã dùng từ ngữ của thánh hiền Âu Á để chứng minh rằng:
    • Phải rũ bỏ phù hoa, bác tạp
      mới tìm ra Tinh Hoa, tìm ra Chân bản thể tinh tuyền.
      Tìm ra được rồi tức là:
      • - Phối thiên
        - Đắc Nhất, đắc Đạo
        - Đạt tới Vô vi
        - Đạt tới Vô thượng chính đẳng, chính giác, tới Niết Bàn.


    Như vậy con đường tu, công phu tu luyện, mục đích tu trì nhất nhất đều đã được vạch rõ.
    • Khi đã đạt tới mức sâu nhất của lòng con người
      chúng ta đã đạt tới Trung tâm Vũ Trụ, đạt tới Thiên Địa chi tâm, đạt tới phổ quát đại đồng,
      và như vậy chúng ta sẽ bao quát được không gian thời gian.
      Như vậy chính là được cả thiên hạ, cả vũ trụ.

    Những công chuyện hời hợt bên ngoài làm sao mà để lại được tầm ảnh hưởng gì lớn lao, sâu sắc. Thêm kiến văn, kiến thức, thêm kinh nghiệm. Đó là con đường hướng ngoại, tìm về công danh lợi lộc.

    Tổn là tổn nhân dục, tổn lòng tham danh tham lợi, rũ bỏ phù hoa. Đó là con đường hướng nội, đi tìm về Đạo về Bản Thể.

    Thiên tính nằm trong con người, cũng như vàng, như ngọc nằm trong quặng trong đá. Càng làm tiêu hao được đá, được quặng bên ngoài thời ngọc lành sẽ hiện ra.

    Tổn là hao tổn lửa phiền não bên ngoài
    để cho còn nguyên có Pháp thân Như Lai.


    _______________________________________

    • [1]
      Nhân dục khử tận,
      thiên lý thuần toàn;
      tính tĩnh như lưu ly,
      bất dung nhất hào ô nhiễm,
      tâm thanh tự minh kính,
      vị hữu bán diễm trần ế,
      bản thể quang minh,
      chân tâm tự tại,
      bản lai chi diện mục,
      phương tài hiển lộ,
      vô cực chi chân nhân,
      thủy hiện kim dung
      人 欲 去 盡,
      天 理 純 全;
      性 靜 如 琉 璃,
      不 容 一 毫 污 染,
      心 清 似 明 鏡,
      未 有 半 點 塵 翳,
      本 體 光 明,
      真 心 自 在,
      本 來之 面 目,
      方 纔 顯 露,
      無 極 之 真 人,
      始 見 金 容.
      Tống Long Uyên, Đạo Đức kinh giảng nghĩa, quyển hạ, chương 48, tr. 16.
                
    • [2]
      Et toi, cher Timothée, l’âme toute tendue vers les mystiques contemplations,
      renonce à tes sens, à tes travaux intellectuels, à toutes les choses sensibles et intelligibles, à tout ce qui est, à tout ce qui n’est pas
      et recherche le plus que tu pourras, au cours de tes investigations intérieures, l’union avec Celui qui est au-dessus de toute essence et de toute connaissance,
      car seulement par le libre, absolu et pur détachement de toi-même et de toute choses, renonçant à tout, délivré de tout
      tu atteindras le rayon supra-essentiel de la divine obscurité.
      (Denys le pseudo Aréopagite) Illan de casa Fuerte, La Religion essentielle, p. 66.
                
    • [3] Kinh Đại bát Niết bàn, tập 1, tr. 184.
                
    • [4] Sđd, tr. 187.
                
    • [5] Sđd, tr. 187.
                
    • [6] Sđd, tr. 187.
                
    • [7] Kinh Đại bát Niết bàn, tập 1, tr. 187.
                
    • [8] Sđd, tr. 193.
                
    • [9] Kinh Đại bát Niết bàn, tập 2 (Thích trí Tịnh dịch) tr. 99.
                
    • [10] Sđd, tr. 99.
                
    • [11] Sđd, tr. 100.
                
    • [12] Sđd, tr. 101.



          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 49          
    NHIỆM ĐỨC 任 德




    Hán văn:
    • 聖 人 無 常 心,
      以 百 姓 心 為 心.
      善 者 吾 善 之.
      不 善 者 吾 亦 善 之,
      得 善 矣.
      信 者 吾 信 之.
      不 信 者 吾 亦 信 之,
      得 信 矣.

      聖 人 在 天 下,
      歙 歙 為 天 下 渾 其 心.
      百 姓 皆 注 其 耳 目,
      聖 人 皆 孩 之.

    Phiên âm:
    1. Thánh nhân vô thường tâm,
      dĩ bách tính tâm vi tâm.
      Thiện giả ngô thiện chi.
      Bất thiện giả ngô diệc thiện chi.
      Đắc thiện hĩ.
      Tín giả ngô tín chi.
      Bất tín giả ngô diệc tín chi,
      đắc tín hĩ.
                
    2. Thánh nhân tại thiên hạ,
      hấp hấp vi thiên hạ hồn kỳ tâm.
      Bách tính giai chú kỳ nhĩ mục,
      thánh nhân giai hài chi.

    Dịch xuôi:
    1. Thánh nhân không có lòng,
      thường lấy lòng thiên hạ làm lòng mình.
      Với kẻ lành dữ đều tốt.
      Thế là tốt rất mực.
      Với người thành tín hay gian ngoan,
      cũng đều tin cậy ngang nhau,
      đó là lòng tin rất mực.
                
    2. Thánh nhân ở trong thiên hạ
      mà lòng luôn hồn nhiên, không có thiên tư, thiên kiến.
      Mọi người đều để tai mắt vào người
      mà người coi mọi người như những đứa trẻ thơ.


    Dịch thơ:

    1. Thánh nhân lòng chẳng khư khư,
    Lấy lòng thiên hạ làm như lòng mình.
    Dẫu người lành dữ mặc tình,
    Với ai ta cũng chân thành trước sau.
    Đó là đức hạnh nhiệm mầu,
    Đó là thánh thiện trước sau muôn ngàn.
    Người ngay thẳng kẻ gian ngoan,
    Với ai ta cũng chu toàn tấm son,
    Ấy là thành tín vuông tròn.
              
    2. Thánh nhân sống ở trần hoàn,
    Tâm hồn man mác khó toan khó lường.
    Muôn người mắt trố, tai trương,
    Thánh nhân xem tựa một phường trẻ thơ.





    BÌNH GIẢNG



    Thánh nhân «vô thường tâm»
    • tức là thánh nhân «vô kỷ» không có lòng riêng,
      luôn «hư tâm» để cảm thông với thiên hạ.
                
      Có «vô tâm» thánh nhân mới cảm được thiên hạ.


    Như trời cho mặt trời mọc lên lặn xuống cho kẻ lành lẫn kẻ dữ,
    • thánh nhân thương yêu mọi người không phân biệt lành dữ,
      và niềm tin vào nơi mọi con người mặc dầu họ thành khẩn hay gian ngoan.


    Đạt được mức độ «vô tâm», «vô kỷ» là đạt được tới mức độ hoàn thiện cao siêu tuyệt vời rồi vậy.
    Cho nên
    • sống trong đời thánh nhân luôn luôn phơi phới hồn nhiên,
      như một tấm gương trong soi cho mọi người không phân lành dữ.
    • Thánh nhân cũng không chấp nhất những lỗi lầm của trăm họ,
      vì biết lộ trình họ hãy còn thấp kém còn ấu trĩ.



    Ta cũng nên ghi nhận rằng thánh nhân theo đạo Lão cũng như Đạo Nho là những người có phẩm cách siêu quần bạt tụy, là những mẫu người lý tưởng «dữ Đạo hợp chân» «dữ Thiên đồng đức».


_______________________________________




          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 50          
    QUÍ SINH 貴 生




    Hán văn:
    • 出 生
      入 死.

      生 之 徒, 十 有 三.
      死 之 徒, 十 有 三.
      人 之 生,
      動 之 死 地 亦 十 有 三.
      夫 何 故?
      以 其 生 生 之 厚.

      蓋 聞 善 攝 生 者,
      陸 行 不 遇 兕 虎,
      入 軍 不 被 甲 兵.
      兕 無 所 投 其 角;
      虎 無 所 措 其 爪;
      兵 無 所 容 其 刃.
      夫 何 故?
      以 其 無 死 地.

    Phiên âm:
    1. Xuất sinh
      nhập tử.
                
    2. Sinh chi đồ,[1] thập hữu tam.[2]
      Tử chi đồ, thập hữu tam.
      Nhân chi sinh,
      động chi tử địa diệc thập hữu tam.
      Phù hà cố ?
      Dĩ kỳ sinh sinh chi hậu.
                
    3. Cái văn thiện nhiếp sinh giả,
      lục hành bất ngộ hủy hổ;
      nhập quân bất bị giáp binh.
      Hủy vô sở đầu kỳ giác;
      hổ vô sở thố kỳ trảo;
      binh vô sở dung kỳ nhận.
      Phù hà cố ?
      Dĩ kỳ vô tử địa.

    Dịch xuôi:
    1. Bước vào cõi sinh,
      tức là đã vào cõi tử.
                
    2. Có 13 duyên cớ sống,
      chết.
      Con người sinh ra đời
      liền bị 13 duyên do đưa vào cõi chết.[3]
      Tại sao ?
      Vì con người muốn sống cho hết mức.
                
    3. Nhưng ta nghe rằng người khéo giữ gìn sự sống
      đi trên đường không gặp tê, gặp hổ;
      vào trong quân lữ không cần mang giáp, mang gươm.
      Vì không có chỗ nào để húc;
      hổ không có chỗ nào để vấu;
      binh không có chỗ nào để chém.
      Tại sao ?
      Vì họ không có chỗ chết.


    Dịch thơ:

    1. Ra cõi sinh là vào cõi tử,
    (Tử với sinh một cửa chia đôi.)

    2. Nẻo đường sống chết đôi nơi,
    Bên nào đường lối cũng thời mười ba.
    Kiếp phù sinh phôi pha tàn úa,
    Truy kỳ nguyên cũng có mười ba.
    Kiếp người tàn úa phôi pha,
    Chung qui là tại quá ưa hưởng đời.

    3. Ai mà biết tài bồi nguồn sống,
    Đi đường trường chẳng đụng hùm heo.
    Vào nơi trận mạc cheo leo,
    Cheo leo nhưng vẫn muôn chiều bình yên.
    Tê chẳng chỗ để xiên sừng nhọn,
    Hổ không nơi cho móng xé cào.
    Quân binh chẳng chỗ hạ đao,
    Vì không còn có chỗ nào tử vong.





    BÌNH GIẢNG



    Sinh ra ở đời nếu không biết đường tu luyện sẽ đi vào cõi, chết. [4]
    • Cái gì giúp cho ta đi vào con đường sống ?
      Đó là cái thân (tứ chi, cửu khiếu) và tâm (thất tình, lục dục).
    • Cái gì làm cho ta đi vào con đường chết
      đó cũng chính là: thân (tứ chi, cửu khiếu) và tâm (thất tình, lục dục).

    Mới hay trước sau cũng chỉ là một thân, một tâm,
    • biết xử dụng, biết kiềm chế, điều khiển thì sống;
      không biết xử dụng, không biết kiềm chế điều khiển sẽ đi vào chỗ chết.[5]


    Ai tu luyện xưa nay mà không phải đi qua cửa ải xác thân con người mà Cụ Nguyễn Đình Chiểu gọi là cửa ải «Nhân xu» ?
    Trong Ngư tiều vấn đáp y thuật ta thấy viết:

    • Ngư rằng: Nhắm chốn Đan kỳ,
      Éo le khúc nẻo, đường đi chẳng gần.
      Nhiều non, nhiều núi, nhiều rừng,
      Nhiều đèo, nhiều ải, nhiều chừng động hoang.
      Chút công khó nhọc chẳng màng,
      Chỉn lo góc biển mối đàng Nhân Xu.
      Nhân xu ải ấy ở đầu,
      Nẻo lành, nẻo dữ cân sâu khôn lường.
      (Xem NTVĐYT, tr. 97)


    Thân tâm con người có thất tình, lục dục.
    • Thất tình 七 情 là hỉ 喜, nộ 怒, ai 哀, lạc 樂, ái 愛, ố 惡, dục 欲.
    • Lục dục 六 欲 là lục căn 六 根 hay lục tặc 六 賊, sinh ra.
      • Lục căn là nhãn 眼, nhĩ 耳, tị 鼻, thiệt 舌, thân 身, ý 意.
          Lục căn con người tiếp xúc với ngoại cảnh,
          với lục trần 六 塵 (sắc 色, thanh 聲, hương 香, vị 味, xúc 觸, pháp 法 )
          bên ngoài,
          nên sinh ra lòng ham muốn riêng tư.


      Cụ Nguyễn Đình Chiểu giải về lục căn lục tặc như sau:

      • Tiều rằng: Lục tặc làm sao ?
        Xin phân sáu ấy âm hao cho rành.
        Ngư rằng: Tai, mắt, nhiều tình,
        Tai tham tiếng nhạc, mắt giành sắc sinh.
        Mũi thời tham vị hương hinh,
        Miệng thời tham béo ngọt thanh rượu trà;
        Vóc thời muốn bận sô; sa;
        Bụng thời muốn ở cửa nhà thếp son.
        Cho hay Lục tặc ấy còn,
        Khiến con người tục lần mòn hư thân.
        (NTVĐYT, tr. 103)


      Tấm thân ta tuy là căn do sinh ra sự chết chóc, nhưng nó cũng chính là công cụ giúp ta giải thoát.
      • Tống Long Uyên viết:
        • «Căn do chết chóc có 13: đó cũng chính là thất tình lục dục.
          Đối với người tu, thì đó là cửa đưa vào cõi sống;
          đối với kẻ phóng túng, thì đó là cửa đưa vào cõi chết.
          Muốn hiểu được guồng máy sống chết vào ra sao, chỉ cần xem con người đã xử dụng tâm thân ra sao mà thôi.» [6]
      • Kinh Thủ Lăng Nghiêm nơi quyển 6 viết:
        • «Nhất căn ký phản nguyên,
          Lục căn thành giải thoát.»
          (Một căn đã hoàn nguyên,
          Sáu căn thành giải thoát.) [7]


      Như vậy sinh ra ở đời chúng ta có hai hướng đi, hai ngả đường:
      1. Một đường phóng túng dục tình, làm tôi mọi xác thân ngoại cảnh
        để rồi đi vào cõi chết.
        Chết đây nên hiểu là chết về phương diện tâm thần.
      2. Một đường tu tâm, luyện khí, hàm dưỡng tính tình, bảo toàn được tinh hoa của trời đất
        để rồi cuối cùng trở thành Chân Nhân, trường sinh cùng trời đất.
        Trường sinh đây phải hiểu là phương diện tâm thần.




      Muốn tìm được trường sinh bất tử, phải tìm cho ra được Chân Thần nơi mình.
      Dục cầu nhân bất tử,
      tu tầm «Bất tử nhân».

      欲 求 人 不 死 ,
      須 尋 不 死 人 .

      Chỉ có Chân Nhân 真 人, Chân Thần 真 神 nơi con người
      mới không thể bị hủy hoại, tử vong.

      Kinh Bhagavad Gita viết:
      • «Chân thần nơi con người bất sinh bất tử, như lai thường tại;
        chẳng hề sinh, có từ vạn cổ, trường tồn vĩnh cửu.
        Chân thần ấy chẳng bị giết khi xác thân bị giết.» [8]
      • «Y như một người, bỏ áo cũ mặc áo mới,
        Chân thần nơi con người vứt bỏ xác cũ, mặc lấy xác mới.» [9]
      • «Khí giới không chặt chẻ được Ngài, lửa không đốt được Ngài, nước không làm ướt được Ngài, và gió không làm khô được Ngài.» [10]
      • «Ngài không thể bị chặt, cắt, không thể bị đốt cháy, không thể bị ướt át, hay làm cho khô ráo;
        trường tồn, phổ quát, bất biến, có từ vạn cổ.» [11]
      • «Chân thân ngự trị trong thân xác mỗi người không thể bị thương được.» [12]

      Sách Ngộ đạo lục cũng viết:
      • «Con người sở dĩ làm con người được chính là do Thần vậy.
        Thần còn thời sống, Thần đi thời chết.
        Thần là một vật
        • thông thiên, triệt địa, quán cổ, quán kim,
          không gì nhỏ mà không vào, không đâu mà không có;
          vào nước không ngột, vào lửa không cháy, xuyên qua kim, thạch,
          lớn thì trùm trời đất, nhỏ ta thời xuyên qua ngọn lông...» [13]

      Như vậy muốn bất tử, bất hoại, cần phải:

      - Đắc Nhất
      得 一

      - Đắc thần
      得 神

      - Đắc Đạo
      得 道

      - Thành thần
      成 神

      - Thành Đạo.
      成 道 .


      _______________________________________

      • [1] Đồ 徒:
        • (1) người, loại;
          (2) căn do.
      • [2] Thập hữu tam 十 有 三 :
        • (1) ba phần mười;
          (2) mười ba.
                    
          Wieger, James Legge, Vương Bật v. v. giải Đồ và Thập hữu tam theo lối (1).
          Hà thượng Công, Stanislas Julien, Nguyễn Duy Cần, Nghiêm Toản giải theo lối (2).
      • [3]
        Câu này có nhiều cách dịch và giải khác nhau, xin xem phần bình giảng.
        Đây tôi phỏng theo bản dịch của Stanislas Julien.
                  
      • [4]
        For certain is death for the born,
        and certain is birth for the death;
        therefore, over the inevitable thou shouldst not grieve.
        The Bhagavad Gita, English translation by Annie Besant, p. 29.
                  
      • [5]
        Câu Sinh chi đồ hữu thập tam, tử chi đồ hữu thập tam có thể dịch được nhiều cách.

        1. James Legge, Léon Wieger theo Vương Bật đại khái bình giải câu này như sau:
          • - Trong 10 người thì có 3 người biết giữ gìn sự sống mình bằng cách ngăn chặn, giảm thiểu hết mọi duyên do trong ngoài có thể làm phương hại đến sức khỏe.
          • - Trong 10 người cũng lại có 3 người sống bừa bãi để đến nỗi sinh bệnh rồi chết.
          • - Lại cũng có 3 người, tuy ham sống, nhưng lại có hành động phương hại đến sức khỏe, làm mình mau bệnh, mau già, mau chết.
          • - Chỉ còn lại có một người là biết sống hợp với Đạo.

                    
        2. Stanislas Julien và nhiều nhà bình giải cho rằng có 13 điều làm cho ta sống. 13 điều này đã ghi trong Đạo đức kinh.
          • 1- Hư 虛 (chương 3, 6),
            2- Vô 無 (11),
            3- Thanh 清 (15, 45),
            4- Tĩnh 靜 (16, 26, 37, 45, 57),
            5- Nhu 柔 (10, 26, 43, 78),
            6- Nhược 若 (3, 78, 78),
            7- Từ 慈 (67),
            8- Kiệm 儉 (67),
            9- Bất cảm vi thiên hạ tiên 不 敢 為 天 下 先 (67),
            10- Tri túc 知 足 (44, 46),
            11- Tri chỉ 知 止 (44, 46),
            12- Bất dục đắc 不 欲 得 (46),
            13- Vô vi 無 為 (2, 10, 37, 42, 48, 63).

          Mười ba điều ngược lại với 13 điều trên sẽ đưa ta vào cõi chết.
                    
        3. Hà Thượng Công cho 13 điều đó là tứ chi, cửu khiếu.
                    
        4. Tống Long Uyên giải 13 duyên cớ đây là thất tình, lục dục (hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục; nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý).
      • [6]
        Tử chi đồ, thập hữu tam,
        diệc thị chỉ thất tình lục dục dã.
        Thất tình lục dục,
        tu chi giả, tiện thị sinh ngã chi môn;
        túng chi ngã giả, tiện thị tử ngã chi hộ.
        Sinh tử, xuất nhập chi cơ,
        đãn khán nhân chi trì dưỡng giả hà như nhĩ.
        死 之 徒, 十 有 三,
        亦 是 指 七 情 六 欲 也.
        七 情 六 欲,
        修 之 者, 便 是 生 我 之 門;
        縱 之 我 者, 便 是 死 我 之 戶.
        生 死, 出 入之 機,
        但 看 人 之 持 養 者 何 如 耳.
        Tống Long Uyên, Đạo đức kinh giảng nghĩa, quyển hạ, tr. 19.
                  
      • [7] Xem Đoàn Trung Còn, Phật học Từ Điển, quyển I, tr. 225 nơi chữ Lục căn.
                  
      • [8]
        He (the dweller in the body) is not born, nor doth he die;
        not having been, ceaseth he any more to be;
        unborn, perpetual, eternal, ancient, he is not slain when the body is slaughtered.
        The Bhagavad Gita (bản dịch tiếng Anh của Annie Besant, p. 26).
                  
      • [9]
        As a man, casting off worn out garment, taketh new ones,
        so the dweller in the body casting off worn out bodies, entered in others that are new.
        Sđd., p. 27.
                  
      • [10]
        Weapons cleave him not, nor fire burneth him, nor water wet him, nor wind drieth him away.
        Sđd., p. 27.
                  
      • [11]
        Uncleavable he, incombustible he and indeed neither to be wetted nor dried away;
        perpetual all pervasive, stable, immovable, ancient.
        Sđd., p. 27.
                  
      • [12]
        This dweller in the body of every one is ever invulnerable.
        Sđd., p. 29.
                  
      • [13]
        Nhân chi sở dĩ đắc vi nhân giả, thần dã.
        Thần tại tắc sinh, thần khứ tắc tử.
        Thần chi vi vật,
        thông thiên triệt địa, đạt cổ như kim, vô vi bất nhập, vô xứ bất tại.
        Nhập thủy bất nịch, nhập hỏa bất phàn, nhập kim thạch bất ngại,
        đại tắc lượng sung vũ trụ, tiểu tắc tế nhập hào đoan.
        人 之 所 以 得 為 人 者, 神 也.
        神 在 則 生, 神 去 則 死.
        神 之 為 物,
        通 天 徹 地, 達 古 如 今, 無 為 不 入, 無 處 不 在.
        入 水 不 溺, 入 火 不 樊, 入 金 石 不 礙,
        大 則 量 充 宇 宙, 小 則 細 入 毫 端.
        Thê Vân Sơn, Lưu Nguyên Ngộ đạo lục, tr. 23.


              
    Hình đại diện
    Hoàng Vân
    Bài viết: 20010
    Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
    Gender:

    Re: Đạo Đức Kinh

    Bài viết bởi Hoàng Vân »

    • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
      ____________________________



      Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
      __________________

      Chương 51          
      DƯỠNG ĐỨC 養 德




      Hán văn:
      • 道 生 之,
        德 畜 之,
        物 形 之,
        勢 成 之.
        是 以 萬 物
        莫 不 尊 道
        而 貴 德.

        道 之 尊,
        德 之 貴,
        夫 莫 之 命,
        而 常 自 然.


        道 生 之,
        德 畜 之,
        長 之,
        育 之,
        成 之,
        熟 之,
        養 之,
        覆 之,
        生 而 不有,
        為 而 不 恃,
        長 而 不 宰,
        是 謂 玄 德.

      Phiên âm:
      1. Đạo sinh chi,
        Đức súc chi,
        vật hình chi,
        thế thành chi.
        Thị dĩ vạn vật
        mạc bất tôn Đạo
        nhi quí Đức.
                  
      2. Đạo chi tôn,
        Đức chi quí,
        phù mạc chi mệnh,
        nhi thường tự nhiên.
                  
      3. Cố
        Đạo sinh chi,
        Đức súc chi,
        trưởng chi,
        dục chi,
        thành chi,
        thục chi,[1]
        dưỡng chi,
        phú chi,
        sinh nhi bất hữu,
        vi nhi bất thị,
        trưởng nhi bất tể,
        thị vị huyền đức.

      Dịch xuôi:
      1. Đạo sinh,
        Đức dưỡng,
        vật chất cho hình,
        hoàn cảnh tác thành (muôn vật).
        Cho nên muôn vật
        đều tôn Đạo,
        quí Đức.
                  
      2. Sự cao trọng của Đạo Đức
        chẳng nhờ ai ban,
        mà Đạo Đức tự nhiên vốn đã cao trọng.[2]
                  
      3. Cho nên
        Đạo sinh,
        Đức dưỡng,
        làm cho vạn vật lớn lên;
        dưỡng nuôi vạn vật,
        tác thành che chở vạn vật.
        Sinh vạn vật mà không nhận là của mình;
        làm mà không cậy công;
        làm cho lớn lên mà không đòi làm chủ,
        thế gọi là Đức nhiệm mầu.


      Dịch thơ:

      1. Đạo sinh mà Đức dưỡng nuôi,
      Khoác hình vật chất mà đời nên công.
      Muôn loài nhớ tổ, nhớ tông.
      Nên tôn Đạo cả, mà sùng Đức cao.

      2. Đạo cao, Đức cả từ bao,
      Tự nhiên vốn dĩ đời nào nhờ ai.

      3. Đạo sinh mà Đức tài bồi,
      Chăm nom dưỡng dục chẳng ngơi tác thành.
      Sinh nhưng chẳng giữ cho mình,
      Tác thành nào kể công trình trước sau.
      Tuy hơn mà chẳng đè đầu,
      Đó là Đức cả nhiệm mầu huyền vi.





      BÌNH GIẢNG



      Vạn vật nhờ
      • Đạo sinh,
        Đức dưỡng,
        vật chất tạo hình hài,
        thời thế giúp thành công.

      Vì thế muôn loài luôn tôn sùng Đạo Đức.
      Tuy nhiên không phải nhờ muôn loài tôn sùng mà Đạo Đức mới trở nên cao cả.
      Đạo Đức vốn dĩ đã cao cả từ muôn thủa.

      Đạo và Đức tuy hai mà một, tuy một mà hai.
      • Đạo là bản thể,
      • Đức là ứng dụng. [3]
      • Đạo tản mạn thời là Đức,
        triển Dương thời là Đức.[4]
      • Cho nên Đức là sự hiển dương của Đạo. [5]


      Như vậy ta đã biết
      • Đạo là một nguyên lý siêu việt, là nguyên lý cấu tạo ra vạn vật.
      • Còn Đức bao gồm tất cả các ảnh hưởng, các hiệu năng của Đạo
        để giúp cho muôn vật được đi tới thành toàn.


      _______________________________________

      • [1]
        • Câu
          «thành nhi, thục nhi»
          成 之 熟 之
          là theo bản Wieger, Hà thượng Công.
        • Các bản Vương Bật, Lưu Tư, v. v. lại viết là
          «đình chi, độc chi»
          亭 之 毒 之.
      • [2]
        • Nguyễn Duy Cần dịch:
          • «Đâu phải tôn Đạo quí Đức là một phận sự bắt buộc, mà là một chiều hướng tự nhiên.»

          James Legge cũng dịch đại khái như vậy.
        • Lối dịch của tôi phỏng theo Wieger, Stanislas Julien, v. v...
      • [3]
        Đạo thị Đức đích thể.
        Đức thị Đạo đích dụng.
        道 是 德 的 體 .
        德 是 道 的 用 .
        ― Lưu Tư, Bạch thoại giải thích Lão tử, tr. 129.
                  
      • [4]
        Description pittoresque de 德 tei, son action productrice continue et variée,
        par la métaphore 紀 ki dévidage d’une bobine.

        Le sens est clair:
        道 散 為 德
        les produits divers du Principe, sont les manifestations de sa vertu;
        德 為 道 之 紀
        la chaine infinie de ces manifestations de la vertu du Principe peut s’appeler le dévidage du Principe.
        ― Wieger, Lao-tzeu, p. 29.
                  
      • [5]
        La vertu dont parle ici l’auteur est la manifestation du Dao dans les créatures.
        ― Stanislas Julien, Le Livre de la Voie et de la Vertu, chap. 51, Commentaire I.


              
    Hình đại diện
    Hoàng Vân
    Bài viết: 20010
    Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
    Gender:

    Re: Đạo Đức Kinh

    Bài viết bởi Hoàng Vân »

    • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
      ____________________________



      Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
      __________________

      Chương 52          
      QUI NGUYÊN 歸 元




      Hán văn:
      • 天 下 有 始,
        以 為 天 下 母.
        既 得 其 母,
        以 知 其 子.
        既 知 其 子
        復 守 其 母.
        沒 身 不 殆.

        塞 其 兌,
        閉 其 門,
        終 身 不 勤.
        開 其 兌,
        濟 其 事,
        終 身 不 救.

        見 小 曰 明,
        守 柔 曰 強.
        用 其 光,
        復 歸 其 明,
        無 遺 身 殃,
        是 為 襲 常.

      Phiên âm:
      1. Thiên hạ hữu thủy,
        dĩ vi thiên hạ mẫu.
        Ký đắc kỳ mẫu,
        dĩ tri kỳ tử.
        Ký tri kỳ tử
        phục thủ kỳ mẫu.
        Một thân bất đãi.
                  
      2. Tắc kỳ đoài,
        bế kỳ môn,
        chung thân bất cần.
        Khai kỳ đoài,
        tế kỳ sự,
        chung thân bất cứu.
                  
      3. Kiến tiểu viết minh,
        thủ nhu viết cường.
        Dụng kỳ quang,
        phục qui kỳ minh,
        vô di thân ương,
        thị vi tập thường

      Dịch xuôi:
      1. Thiên hạ có khởi điểm.
        Khởi điểm ấy là mẹ thiên hạ.
        Đã được mẹ,
        thời biết con,
        trở về giữ mẹ,
        thân đến chết vẫn không nguy.
                  
      2. Ngậm miệng,[1]
        đóng tai,
        suốt đời không lận đận.
        Mở miệng
        lo công việc,
        suốt đời không cứu được.
                  
      3. Thấy được tế vi mới là Minh,
        giữ được mềm yếu mới là Cường.
        Dùng ánh sáng của Đạo,
        để quay về sự quang minh của Đạo,
        thân không sợ tai ương,
        đó là tìm về vĩnh cửu.[2]


      Dịch thơ:

      1. Trần gian có gốc có nguồn,
      Gốc nguồn ấy chính mẹ muôn vạn loài.
      Một khi đã biết mẹ rồi,
      Suy ra con cháu khúc nhôi khó gì.
      Biết con, phải biết nghịch suy,
      Suy con ra mẹ, ta đi ngược dòng.
      Thế là chẳng sống uổng công,
      Chết đi mà vẫn sống cùng nước non.

      2. Âm thầm ấp ủ tấc son,
      Một đời trần cấu chẳng mòn mỏi ai.
      Mặc ai đày đọa hình hài,
      Một đời tất tưởi, phí hoài tâm thân.

      3. Quang minh là thấu vi phân,
      Cương cường là biết giữ phần mềm non.
      Hãy dùng ánh sáng ngàn muôn,
      Đem về soi tỏ gốc nguồn chói chang.
      Thế là thoát mọi tai ương.
      Thế là biết sống cửu trường vô biên.





      BÌNH GIẢNG



      Bài này rất dễ bình giảng, nếu chúng ta áp dụng quan niệm của Dịch Kinh.

      Trong vũ trụ cái gì là Mẹ, cái gì là con ?
      • Trong vũ trụ, Thái cực, Đạo hay Bản thể là Mẹ;
        vạn hữu hay hình tướng là con.
      • Như vậy Bản thể là cội rễ, là khởi điểm
        mà vạn hữu, quần sinh hình tướng là chi diệp, là hậu duệ.

      Bản thể và hình tướng không bao giờ tách rời nhau.
      • Nho gia đã nói:
        • «Thể dụng nhất nguyên,
          hiển vi vô gián.»
          體 用 一 源,
          顯 微無 間.

          Nghĩa là:
          Thể với dụng đều cùng một gốc,
          Hiển cùng vi chẳng lúc chia phôi.

      Suy ra, thì Trời, Đạo có bao giờ lìa khỏi con người đâu. Con người vì u mê nên mới tưởng mình tách rời khỏi Đạo, cho nên mới phải chịu đựng mối sầu chia ly.
      • Thánh kinh Công giáo viết:
        • «Ta là cây nho, các người là cành nho.
          Kẻ nào hợp nhất với ta, thì ta với họ sẽ mang nhiều trái;
          vì sống tách rời khỏi ta, các người không làm được gì.»
          (Jean 15, 5)



      Như vậy Đông Tây đều chấp nhận con người không thể lìa xa đạo thể.
      Mà Đạo thì trọng, còn tâm thân ta thì khinh. Tại sao ta cứ bám víu lấy cái khinh, mà bỏ mất cái trọng ?
      Có biết từ tâm thân mà vươn lên tới Đạo, thì cuộc đời ta mới hết tai ương.
      • Tống Long Uyên bình:
        • «Các bậc tu hành đời xưa, thường áp dụng lẽ Mẹ con ở cùng một chỗ mà tu trì chẳng dám lơi.
          Vì thế cho nên thần khí được an hòa, thủy hỏa mới ký tế, thực hiện được điều kỳ diệu Cửu hoàn thất phản, và hiểu được lẽ Qui nguyên phục mệnh.
          Áp dụng lẽ ấy vào thân, thân ta sẽ tu,
          áp dụng vào nhà, nhà sẽ tề,
          áp dụng vào nước, nước sẽ trị,
          áp dụng vào thiên hạ, thiên hạ sẽ bình.
          Nếu bỏ thực bắt vọng, mê lú không biết bản tông, như con lạc mẹ, thì lẽ nào mà không nguy khốn.» [3]

      Lẽ "Tử mẫu đồng cư 子 母 同 居" nói trên
      cũng đã được thấy đề cập trong đạo Bà La Môn, và Phật Giáo.

      • Quan niệm then chốt của Áo Nghĩa thư (Bà La Môn) là
        • trong con người có đấng vô cùng.
        • Con người không phải cô đơn, khổ ải lao lung cùng khốn một mình trên bước đường đời,
          mà trái lại lúc nào cũng có người bạn muôn trùng sang cả ám trợ bên trong.
        • Cho nên nếu con người giác ngộ nhận ra được đấng muôn trùng trong tâm mình, rồi cố gắng tu luyện để đi đến chỗ huyền đồng hợp nhất sẽ trở thành Atman.
          • Hai chim cùng đậu cành thân,
            Keo sơn kết ngãi chẳng phân, chẳng lìa.
            Một chim ăn quả thỏa thuê,
            Một chim lặng ngắm chẳng hề uống ăn.
            Một người sống ở cây thân,
            Suy vi não nuột âm thầm oán than.
            Ngẩng lên thấy đấng thanh nhàn,
            Vinh quang sang cả, liền tan tần phiền. [4]
            Hóa công mà thấy nhãn tiền,
            Nhãn tiền mà thấy căn nguyên trần hoàn.
            Dữ lành rũ sạch tinh toàn,
            Rồi ra trong trắng cao sang in Trời. [5]
      • Quan niệm trên cũng thấy trong Phật Giáo.
        • Vô cấu tử 無 垢 子 có kệ rằng:
          • Ngũ uẩn sơn đầu nhất đoạn không,
            五 蘊 山 頭 一 段 空
            Đồng môn xuất nhập chẳng tương phùng.
            同 門 出 入 不 相 逢
            Vô lượng kiếp lai nhẫm ốc trú,
            無 量 劫 來 賃 屋 住
            Đáo đầu bất thức chủ nhân ông.[6]
            到 頭 不 識 主 人 翁

            Dịch:
            Đầu non ngũ uẩn một vầng không,
            Vào ra cùng cửa bất tương phùng.
            Từ bao nhiêu kiếp thuê nhà ở,
            Tới nay nào biết chủ nhân ông.




      Nếu Trời, nếu Đạo, nếu bản tâm, Chân tâm, đã ở ngay trong lòng mình, thì việc quan trọng hơn hết là phải biết

      Hồi đầu 回 頭,
      Hồi quang quán chiếu 回 光 觀 照,
      Định tĩnh 定 靜,
      dữ Đạo hợp chân 與 道 合 真.

      • Tính mệnh khuê chỉ 性 命 圭 旨 có thơ:
        • Nhất khiếu hư không, Huyền tẫn môn,
          一 竅 虛 空 玄 牝 門
          Điều đình tiết hậu yếu đương ôn,
          調 停 節 候 要 當 溫
          Tiên nhân đỉnh nội vô tha dược,
          仙 人 鼎 內 無 他 藥
          Tạp khoáng tiêu thành bách luyện kim.
          雜 礦 銷 成 百 煉 金

          Dịch:
          Một khiếu hư không, Huyền tẫn môn,
          Năm tháng chắt chiu giữ vẹn tròn,
          Trong đỉnh tiên gia không thuốc khác,
          Vàng lìa tạp khoáng sẽ tinh toàn.

      Trái lại nếu để cho thần trí ruổi rong lạc lõng ra ngoại cảnh, con người sẽ bị tiêu hao dần mất hết nguyên thần nguyên khí. Từ ngữ Việt Hán đã có những chữ:
      • Hồn lạc phách xiêu,
        Thần hôn, trí loạn,
        Thần lạc, tinh lạc. v. v...

      Cho nên nếu chúng ta trông thấy được bản thể vi diệu nơi ta, chúng ta mới có thể gọi được là thông sáng. Giữ được đạo thể tinh thuần, nguồn mạch sinh ra vạn sự, mới thực là con người hùng mạnh.

      Ánh sáng thiên chân dọi vào nơi tâm ta, sẽ phản quang.
      Ta phải biết nương theo làn ánh sáng phản quang ấy mà trỉ về cùng Nguồn Sáng.
      Như vậy chính là phương pháp trừ bỏ phù sinh mà trở về cùng Vĩnh cửu vậy.


      _______________________________________

      • [1] Đoài 兌 :
        • (1) Miệng (theo Cao Diên Đệ 高 延 第);
          (2) Tai mắt mũi mồm (theo Cao Dụ 高 誘).
      • [2] Tập thường:
        • Có sách viết là 襲 常
          có sách viết là 習 常.
          Tôi viết là 襲 常 và giải là: cách nương theo để về cùng vĩnh cửu.
      • [3]
        Cổ chi tu hành nhân, thường dĩ tử mẫu đồng cư chi đạo, tu trì bất đãi.
        Sở dĩ thần khí an hòa, thủy hỏa ký tế, hữu cửu hoàn thất phản chi diệu, đắc qui căn phục mệnh chi lý.
        Dụng chi ư thân, thân khả tu; Dụng chi ư gia, gia khả tề; Dụng chi ư quốc, quốc khả trị; Dụng chi ư thiên hạ, thiên hạ khả bình.
        Thảng nhược xả chân trục vọng mê thất bản tông, như tử chi ly mẫu, an hữu bất nguy hồ ?
        古 之 修 行 人, 常 以 子 母 同 居 之 道, 修 持 不 怠.
        所 以 神 神 氣 安 和, 水 火 既 濟, 有 九 還 七 反 之 妙, 得 歸 根 復 命 之 理.
        用 之 於 身, 身 可 修; 用 之 於 家, 家 可 齊; 用 之 於 國, 國 可 治; 用 之 於 天 下, 天 下 可 平.
        倘 若 舍 真 逐 妄 迷 失 本 宗, 如 子 之 離 母, 安 有 不 危 乎?
        Tống Long Uyên, Đạo Đức kinh giảng nghĩa, q. hạ, tr. 23a.
                  
        [4]
        Two birds fast bound companions,
        Clasp close the self-same tree
        Of these two, the one eats sweet fruits,
        The other looks on without eating.
        On the self-same tree a person, sunken,
        Grieves for his impotence, deluded.
        When he sees the other, the Lord contented,
        And his Greatness, he becomes freed from sorrow...
                  
        [5]
        When a seer sees the brilliant,
        Maker, Lord, Person and Brahma-source,
        Then being a knower, shaking off good and evil
        Stainless, he attains identity with Him.
        (Mundaka Up, 3, 1. 1)
                  
        [6] Xem Tính Mệnh Khuê Chỉ, tr. 9.


              
    Trả lời

    Quay về “Thiên đạo - Nhân đạo”