Đạo Đức Kinh

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 63          
    TƯ THỦY 思 始




    Hán văn:
    • 為 無 為, 事 無 事, 味 無 味.
      大 小 多 少;
      報 怨 以 德.

      徒 難 於 其 易.
      為 大 於 其 細.
      天 下 難 事 必 作 於 易.
      天 下 大 事 必 作 於 細.
      是 以 聖 人 終 不 為 其 大.
      故 能 成 其 大.

      夫 輕 諾, 必 寡 信.
      多 易 必 多 難,
      是 以 聖 人 猶 難 之,
      故 終 無 難.

    Phiên âm:
    1. Vi vô vi, sự vô sự, vị vô vị.
      Đại tiểu, đa thiểu;
      báo oán dĩ đức.[1]
                
    2. Đồ nan ư kỳ dị.
      Vi đại ư kỳ tế.
      Thiên hạ nan sự tất tác ư dị.
      Thiên hạ đại sự tất tác ư tế.
      Thị dĩ thánh nhân chung bất vi kỳ đại.
      Cố năng thành kỳ đại.
                
    3. Phù khinh nặc, tất quả tín.
      Đa dị tất đa nan,
      thị dĩ thánh nhân do nan chi,
      cố chung vô nan.

    Dịch xuôi:
    1. Thánh nhân hoạt động lao tác trên bình diện siêu việt.
      Coi mọi sự đời lớn nhỏ, nhiều ít như nhau,
      lấy ân báo oán.
                
    2. Làm việc khó từ việc dễ,
      làm việc lớn từ việc nhỏ.
      Các việc khó khăn trong thiên hạ, đều do từ việc dễ mà thành.
      Các việc lớn trong thiên hạ, đều từ việc nhỏ mà nên.
      Cho nên thánh nhân suốt đời không làm chuyện lớn,
      mà vẫn nên được chuyện lớn.
                
    3. Những kẻ hứa bừa bãi, sẽ khó giữ được lời.
      Coi cái gì cũng dễ, sẽ gặp nhiều cái khó.
      Cho nên thánh nhân xem việc gì cũng là khó,
      nên cuối cùng không gặp khó.


    Dịch thơ:

    1. Thảnh thơi ta sống thảnh thơi,
    Đời ta chẳng chút lôi thôi tần phiền.
    Đời ta thơm phức hương tiên,
    Bao nài lớn nhỏ, sá xem ít nhiều.
    Cởi giây thù oán chẳng đeo,
    Ta đem đức độ đổi điều gian ngoan.

    2. Khó gì ta cũng cứ làm,
    Bắt đầu từ dễ ta sang khó dần.
    To gì ta cũng chẳng cần,
    Bắt đầu từ nhỏ ta lần sang to.
    Đời người vạn sự gay go,
    Đều từ dễ dãi lần mò mãi ra.
    Những điều cao đại xưa giờ,
    Đều từ nhỏ nhặt đem vo cho thành.
    Cho nên những bậc tinh anh,
    Chẳng cần lớn lối vẫn dành cao sang.

    3. Những ai hứa hẹn muôn ngàn,
    Tình suông rồi sẽ bẽ bàng đơn sai.
    Những ai khinh thị cuộc đời,
    Càng ngờ dễ dãi, càng vời khó khăn.
    Cho nên những bậc thánh nhân,
    Biết e cái khó, khó khăn chừa người.





    BÌNH GIẢNG



    Chương này làm hiện rõ mấy ý tưởng chính yếu:
    • 1. Hãy sống một cuộc đời siêu việt
      2. Hãy sống một cuộc đời giản dị
      3. Hãy thực hiện đại công đại nghiệp bằng những phương cách giản dị.





    1. Hãy sống một cuộc đời siêu việt.

    • Chúng ta đừng nên hiểu Vô Vi là không làm gì.
      • Vô Vi chính là hoạt động siêu việt,
        Vô Vi chính là hoạt động của Trời.


      Nơi chương 2 của Đạo Đức kinh chúng ta đã bình giải cặn kẽ lối sống siêu việt này rồi.
      Nay chỉ cần nhắc thêm:
      • Chúng ta phải biết nâng tâm hồn lên cho thật cao, thật xa, thoát khỏi những bình diện sắc tướng phàm tục, để hòa mình cùng Vĩnh Cửu siêu việt.
      • Hãy làm những công việc của thần minh, hãy nếm những hương vị siêu sinh thoát tục.
        Thế tức là «Vi vô vi, sự vô sự, vị vô vị».





    2. Hãy sống giản dị.

    • Con đường hiền thánh, chính là con đường giản dị.
      Chúng ta chỉ cần theo những định luật của đất trời là thích ứng với hoàn cảnh và Hướng thượng, hướng về Lý tưởng, về Chân, Thiện, Mỹ.





    3. Hãy thực hiện đại công, đại nghiệp bằng những phương cách giản dị.

    • Như vậy muốn tiến tới hoàn thiện phải làm sao ?
      • Thưa, phải dùng những phương tiện mình sẵn có
        hoàn cảnh mình đang gặp
        và cư xử cho hết sức tốt đẹp.

      Hãy luôn luôn có những tác phong đẹp, ý nghĩ đẹp, tâm thần đẹp, luôn luôn đối đãi với người cho đẹp.
      Đó là đi con đường giản dị mà vào Đại Đạo. Đó chính là tinh hoa của Trung Dung,[2] Đại Học,[3] của Kinh Thư,[4] và của Đạo Đức Kinh. [5]

      • Trung Dung viết:
        • Tìm bí ẩn làm điều quái dị,
          Cốt mong cho hậu thế người khen.
          (Sá chi chuyện ấy nhỏ nhen,)
          Đã là quân tử chẳng thèm quan tâm.
          Làm trai quyết trí tu thân,
          Đường đường quân tử ta tuân Đạo Trời.
          Giữa đường đứt gánh trở lui,
          Bán đồ nhi phế có đời nào đâu. [6]
      • Cayce, một dị nhân người ở Virginia Beach bên Mỹ (sinh năm 1877 gần Hopskinville, Kentucky, chết ngày 3/1/1945), có tài đoán bệnh, soi kiếp và giảng đạo trong khi ngủ, cũng thường khuyên mọi người rằng:
        • «Hãy dùng những phương tiện sẵn có.» [7]
        • «Hãy khuyến khích nâng đỡ người yếu đuối, và kẻ sa ngã.
        • Hãy thêm sức mạnh và lòng can đảm cho những kẻ thất bại.» [8]
        • «Hãy sống thực lý tưởng, ở nơi mình ở.» [9]
        • «Hãy bắt đầu từ nơi mình ở.» [10]




    4. Đừng có khinh thị, nhưng phải luôn luôn dè dặt, cẩn thận mới nên công.

    • Tư tưởng của Lão tử nơi đây bắt gặp tư tưởng của Dịch.
      Dịch kinh nơi Hệ từ hạ đã viết:
      • Nguy thay kẻ tưởng vững ngôi,
        Táng vong kẻ ngỡ thảnh thơi trường tồn.
        Loạn là kẻ tưởng trị an,
        (Tưởng an, khinh thị ly loàn mới sinh.)
        Cho nên quân tử giữ mình,
        Đương yên mà vẫn nhớ rành cơn nguy.
        Đang còn, vẫn sợ mất đi,
        Nước yên mà vẫn phòng khi ly loàn.
        Biết lo thân mới được an,
        Biết lo nên mới bảo toàn quốc gia.
        Dịch rằng:
        Rằng nguy rằng hỏng mới là,
        Khóm dâu vững chãi thiết tha buộc ràng. [11]



              
    _______________________________________

    • [1]
      Wieger dịch như sau:
      • «Agir sans agir, s’occuper sans s’occuper, gouter sans gouter;
        voir du même oeil le grand, le petit, le beaucoup, le peu,
        faire le même cas des reproches et des remerciements;
        voilà comme fait le Sage.»
    • [2] Xem Trung Dung, chương 11 và 15.
                
    • [3]
      Xem Đại Học, chương 3:
      • Vi nhân quân, chỉ ư nhân;
        vi nhân thần, chỉ ư kính;
        vi nhân tử, chỉ ư hiếu;
        vi nhân phụ, chỉ ư từ;
        dĩ quốc nhân giao chỉ ư tín.
        為 人 君 止 於 仁;
        為 人 臣 止 於 敬;
        為 人 子 止 於 孝;
        為 人父 止 於 慈;
        以 國 人 交 止 於 信.
    • [4]
      Nhược đăng cao tất tự ti;
      nhược trắc hà tất tự nhĩ.
      若 登 高 必 自 卑,
      若 陟 遐 必 自 邇
      (Như trèo cao, tất tự thấp;
      như đi xa, tất tự gần.)
      Kinh Thư, Thái giáp hạ.
                
    • [5] Xem Lão tử Đạo Đức kinh, chương 64.
                
    • [6] Xem Trung Dung, chương 11 và 15.
                
    • [7]
      Qu’on ne peut se servir que de ce qu’on a sous la main.
      Cina Cerminara, De nombreuses demeures, traduction Sasia Erlics, Adyar, Paris 1966, p. 283.
                
    • [8]
      Encourager les faibles et ceux qui tombent;
      donner la force et du courage à ceux qui n’ont pas réussi.»
      Ib., p. 283.
                
    • [9]
      Soyez ce que vous devriez être à l’endroit où vous vous trouvez.
      Ib., p. 283.
                
    • [10]
      Commencez où vous êtes.
      Ib., p. 284.
      Xem Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê, Dịch Kinh Đại Toàn, tập II (Thượng Kinh), quẻ Bĩ, tr. 177; và tập III (Hạ Kinh), Hệ từ Hạ chương 5, tr. 527.

                
    • [11]
      Tử viết:
      Nguy giả an kỳ vị giả dã.
      Vong giả bảo kỳ tồn giả dã.
      Loạn giả hữu kỳ trị giả dã.
      Thị cố quân tử an nhi bất vong nguy.
      Tồn nhi bất vong vong.
      Trị nhi bất vong loạn.
      Thị dĩ thân an nhi quốc gia khả bảo dã.
      Dịch viết
      kỳ vong kỳ vong. Hệ vu bao tang.
      子 曰:
      危 者 安 其 位 者 也.
      亡 者 保 其 存 者 也.
      亂 者 有 其 治 者 也.
      是 故 君 子 安而 不 忘 危.
      存 而 不 忘 亡.
      治 而 不 忘 亂.
      是 以 身 安 而 國 家 可 保 也.
      易 曰
      其 亡 其 亡 繫 于 苞 桑
      (thích Bĩ cửu ngũ hào nghĩa:
      giải thích ý nghĩa hào cửu ngũ của quẻ Bĩ).
      Xem Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê, Dịch Kinh Đại Toàn, tập III (Hạ Kinh), tr. 527.


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 64          
    THỦ VI 守 微




    Hán văn:
    • 其 安 易 持,
      其 未 兆 易 謀.
      其 脆 易 泮,
      其 微 易 散.
      為 之 於 未 有,
      治 之 於 未 亂.

      合 抱 之 木,
      生 於 毫 末;
      九 層 之 臺,
      起 於 累 土.
      千 里 之 行
      始 於 足 下.

      為 者 敗 之,
      執 者 失 之.
      是 以 聖 人
      無 為 故 無 敗,
      無 執 故 無 失.

      民 之 從 事,
      常 於 幾 成 而 敗 之.
      慎 終 如 始
      則 無 敗 事.

      是 以 聖 人
      欲 不 欲;
      不 貴 難 得 之 貨;
      學 不 學,
      復 眾 人 之 所 過.
      以 輔 萬 物 之 自 然
      而 不 敢 為.

    Phiên âm:
    1. Kỳ an dị trì,
      kỳ vị triệu dị mưu.
      Kỳ thúy dị phán,[1]
      kỳ vi dị tán.
      Vi chi ư vị hữu,
      trị chi ư vị loạn.
                
    2. Hợp bão chi mộc,
      sinh ư hào mạt;
      cửu tằng chi đài,
      khởi ư lũy thổ.
      Thiên lý chi hành
      thủy ư túc hạ.
                
    3. Vi giả bại chi,
      chấp giả thất chi.
      Thị dĩ thánh nhân
      vô vi cố vô bại,
      vô chấp cố vô thất.
                
    4. Dân chi tùng sự,
      thường ư cơ [2] thành nhi bại chi.
      Thận chung như thủy
      tắc vô bại sự.
                
    5. Thị dĩ, thánh nhân
      dục bất dục;
      bất quý nan đắc chi hoá;
      học bất học,
      phục chúng nhân chi sở quá.
      Dĩ phụ [3] vạn vật chi tự nhiên
      nhi bất cảm vi.

    Dịch xuôi:
    1. Vật yên dễ cầm,
      vật chưa phát lộ, dễ lo.
      Vật mềm mỏng dễ phá;
      vật nhỏ dễ làm tan.
      Làm khi chưa hình hiện,
      trị khi chưa loạn.
                
    2. Cây to một ôm
      sinh tự gốc nhỏ xíu;
      đài cao chín tầng
      khởi từ mô đất;
      cuộc viễn hành nghìn dặm
      khởi từ dưới chân.
                
    3. Làm thì hỏng,
      giữ thì mất.
      Cho nên thánh nhân
      không làm nên không hỏng,
      không giữ nên không mất.
                
    4. Người dân làm việc
      thường thất bại lúc sắp thành công.
      Cẩn thận lúc cuối như lúc đầu,
      nên không hỏng việc.
                
    5. Cho nên thánh nhân
      muốn cái [mà người ta] không muốn;
      không chuộng những của cải khó tìm;
      học cái [mà người ta] không học;
      cải thiện lỗi lầm của chúng dân
      để giúp vạn vật sống tự nhiên
      mà không dám lao tác.


    Dịch thơ:

    1. Vật yên nên mới dễ dàng cầm,
    Vật chưa mầm mộng, rộng tầm tính toan.
    Càng mềm, càng dễ cho tan,
    Nhỏ nhoi măng sữa dễ làm tiêu ma.
    Làm khi chưa mới có là,
    Trị khi chưa loạn mới ra vuông tròn.
              
    2. Cây to cả sải tay ôm,
    Thoạt tiên là một mầm non sá nào.
    Đài cao cao chín tầng cao,
    Cũng từ mặt đất xây cao dần dần.
    Con đường nghìn dặm xa xăm,
    Bắt đầu cũng ở dưới chân bộ hành.
              
    3. Càng làm càng lắm tan tành,
    Càng ôm càng mất, càng dành càng vương.
    Mới hay đường lối thánh nhơn,
    Chẳng làm nên chẳng lo lường bại vong.
    Thênh thang dạ chẳng đèo bòng,
    Khỏi điều mất mát, đỡ công tần phiền.
              
    4. Thói thường lúc sắp làm nên,
    Là khi lỡ vở đảo điên tan tành.
    Một lòng sau trước đinh ninh,
    Mới không thất bại, mới thành cơ ngơi.
              
    5. Cho nên hiền thánh trên đời,
    Chỉ say đạo cả, chơi vơi ngàn trùng.
    Của khan vật hiếm chẳng mong,
    Của đời người thế đèo bòng làm chi.
    Học là học đạo siêu vi,
    Dạy đời lầm lạc hướng đi tuyệt vời.
    Giúp ai thanh thả đường đời,
    Chứ không chọc nước quấy trời uổng công.





    BÌNH GIẢNG



    Chương này Lão tử bàn về những vấn đề sau:
    • 1. Phải biết lo toan ngăn chận những công chuyện từ khi chúng chưa hình hiện mới hay.
      2. Phải tuần tự nhi tiến.
      3. Phải sống vô tư vô cầu.
      4. Phải luôn luôn cẩn trọng đề phòng mới nên công.
      5. Phải biết vươn lên tới bình diện siêu thức. Hãy giúp vạn vật sống tự nhiên.





    1. Phải biết lo toan ngăn chận những công chuyện từ khi chúng chưa hình hiện mới hay.

    Chủ trương này của Lão tử giống như chủ trương của Dịch kinh.
    Dịch vốn dạy «Phòng vi, đổ tiệm» 防 微 睹 漸. Văn ngôn quẻ Khôn viết:
    • «Nhà nào tích thiện sẽ hay,
      Nhà nào tích ác sẽ đầy tai ương.
      Tôi mà dám giết quân vương,
      Con mà giết bố, dễ thường ngày sao?
      Việc đâu một sớm, một chiều,
      Duyên do tích lũy, bao nhiêu lâu rồi.
      Duyên do lần dẫn tới nơi,
      Tại mình chẳng sớm phanh phui tỏ tường.
      Dịch rằng: khi bước trên sương,
      Hãy phòng băng cứng thời thường đến sau.
      Ý rằng chuyện sẽ nối nhau,
      Nếu mình để mặc từ đầu tới đuôi.» [4]





    2. Phải tuần tự nhi tiến.

    Đó là một nguyên tắc đạo hạnh mà Khổng giáo nhiều lần đề cập.
    Đạo nào cũng chủ trương:
    • Muốn lớn phải đi từ nhỏ; muốn cao phải đi từ thấp; muốn đi xa phải bắt đầu từ gần.

    Chương 63 Đạo Đức kinh nói:
    • «Đồ nan ư kỳ dị. Vi đại ư kỳ tế.» 徒 難 於 其 易. 為 大 於 其 細.

    Trong lời bình giải tiết 2 của chương 62 chúng ta đã đọc qua những đoạn viện dẫn tương tự từ Trung Dung, Đại Học, và Kinh Thư.

    Cổ nhân Trung Hoa từ ngàn năm trước Lão tử cũng đã chủ trương như vậy. Ở thềm miếu Hậu Tắc tổ tiên nhà Chu có một người vàng. Sau lưng có khắc những bài học luân lý đạo đức, trong có có đoạn sau:
    • «Lửa hừng mãi sẽ cao vươn,
      Lửa vươn chất ngất muôn phương cháy rần.
      Nước kia nhỏ giọt chẳng ngừng,
      Sông con, sông cả vẫy vùng đó đây.
      Sợi tơ kéo mãi cho dài,
      Võng la giăng mắc khắp nơi trùng trùng.
      Cành non để mọc đẫy tầm,
      Búa rìu hồ dễ chặt phăng được nào.» [5]

    Dịch kinh cũng khuyên:
    • «Tích tiểu dĩ cao đại.» 積 小 已 高 大. [6]





    3. Phải sống vô tư vô cầu.

    Sống vô tư vô cầu mới được thảnh thơi sung sướng.
    Lao mình vào con đường tham cầu, sẽ khổ sở.

    Nơi lưng người vàng ở đền thờ Hậu Tắc cũng có ghi:
    • «Mặc người háo hức điêu linh,
      Riêng ta, ta giữ tâm thành của ta.
      Mặc người xuôi ngược bôn ba,
      Riêng ta, ta vẫn ôn hòa thung dung.» [7]





    4. Phải luôn luôn cẩn trọng đề phòng mới nên công.

    Chương 62 Đạo Đức kinh đã chủ trương tương tự, ta không bàn thêm dài dòng mà chi. Chỉ ghi nhận nơi sau lưng người vàng ở đền Hậu Tắc có ghi:
    • «Ở đời thận trọng: Hay sao!
      Rồi ra phúc khánh dạt dào láng lai.» [8]





    5. Phải biết vươn lên tới bình diện siêu thức. Hãy giúp vạn vật sống tự nhiên.

    «Dục bất dục, học bất học»
    • chính là bỏ bình diện hữu vi hữu tướng
      để vươn lên bình diện vô vi vô tướng.

    Sau đó giúp con người sống tự nhiên thuần phác.


              
    _______________________________________

    • [1]
      Thúy 脆:
      già, yếu.

      Phán 泮 :
      tan, lở.
      Bản Hà Thượng Công chép là phá 破 .
                
    • [2] Cơ 幾:
      gần.
                
    • [3] Phụ 輔:
      giúp.
                
    • [4]
      Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh.
      Tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương.
      Thần thí kỳ quân, tử thí kỳ phụ, phi nhất triêu nhất tịch chi cố.
      Kỳ sở do lai giả tiệm hĩ.
      Do biện chi bất tảo biện dã.
      Dịch viết:
      «Lý sương, kiên băng chí.»
      Cái ngôn thuận dã.
      積 善 之 家,必 有 餘 慶
      積 不 善 之 家,必 有 餘 殃
      臣 弒 其 君 子 弒 其 父 非 一 朝 一 夕 之 故
      其 所 由 來 者 漸 矣
      由 辯 之 不 早 辯 也
      易 曰
      履 霜,堅 冰 至
      蓋 言 順 也.
                
    • [5] Nguyễn văn Thọ, Chân dung Khổng tử, Khai Trí xuất bản, Saigon 1971, tr. 93.
                
    • [6] Dịch Kinh, quẻ Thăng 升, Đại tượng truyện.
                
    • [7] Sđd., tr. 94.
                
    • [8] Sđd., tr. 94.


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 65          
    THUẦN ĐỨC 純 德




    Hán văn:
    • 古 之 善 為 道 者,
      非 以 明 民,
      將 以 愚 之.

      民 之 難 治, 以 其 智 多.
      故 以 智 治 國, 國 之 賊.
      不 以 智 治 國, 國 之 福.

      知 此 兩 者 亦 楷 式.
      常 知 楷 式, 是 謂 玄 德.
      玄 德 深 矣, 遠 矣, 與 物 反 矣.
      然 後 乃 至 大 順.

    Phiên âm:
    1. Cổ chi thiện vi đạo giả,
      phi dĩ minh dân,
      tương dĩ ngu chi.[1]
                
    2. Dân chi nan trị, dĩ kỳ trí đa.
      Cố dĩ trí trị quốc, quốc chi tặc.
      Bất dĩ trí trị quốc, quốc chi phúc.
                
    3. Tri thử lưỡng giả diệc khải thức.[2]
      Thường tri khải thức thị vị huyền đức.
      Huyền đức thâm hĩ, viễn hĩ, dữ vật phản hĩ.
      Nhiên hậu nãi chí đại thuận.

    Dịch xuôi:
    1. Xưa, kẻ khéo thi hành đạo
      thì không dạy cho dân trở nên xảo trá,
      mà giữ cho dân sống thuần phác.
                
    2. Dân mà khó trị chính là vì nhiều trí mưu.
      Cho nên dùng trí trị nước chính là phá nước;
      không dùng trí trị nước tức là phúc cho nước.
                
    3. Biết hai đường lối đó, có thể lấy đó làm mẫu mực.
      Luôn biết mẫu mực, thế là huyền đức.
      Huyền đức thâm viễn, tưởng là ngược với vật
      nhưng cuối cùng thật là xuôi.


    Dịch thơ:

    1. Nên những đấng am tường đạo cả,
    Chẳng đem điều xảo trá dạy dân.
    Muốn dân chất phác ôn thuần,
              
    2. Vì càng xảo trá gian truân càng nhiều.
    Trị dân chúng bằng mưu bằng chước,
    Ấy là phường cướp nước hại dân.
    Trị dân: mưu chước không cần,
    Mới là minh đế, anh quân giúp đời.
              
    3. Lẽ trị nước ngược xuôi là thế,
    Biết ngược xuôi biết lẽ huyền vi.
    Mới hay đạo cả diệu kỳ,
    Ngàn tầm sâu thẳm muôn bề xa xôi.
    Đem so đọ với đời: tưởng ngược,
    Nào ngờ đâu sau trước vẫn xuôi.





    BÌNH GIẢNG



    Chương này chủ trương trị dân
    • không nên kích thích thị dục, thị hiếu của dân, làm cho dân trở nên gian ngoan xảo trá,
      mà phải giữ cho dân được luôn phác thực.

    Dân mà xảo trá sẽ khó cai trị, như vậy nước sẽ loạn ly.
    Nếu giữ cho dân sống thanh thản, thuần phác dân chúng sẽ tròn tín nghĩa với nhau.

    Dân thuần phác sẽ đối đãi với nhau trung thực.
    Dân xảo trá sẽ đối đãi với nhau điêu ngoa.
    lý tưởng của đời sống xã hội chính là đối với nhau cho trung thực, tránh mọi sự điêu ngoa.
    Chính vì thế mà Lão tử luôn cổ súy một đời sống hồn nhiên thuần phác.


              
    _______________________________________

    • [1]
      Minh 明,
      theo Vương Bật là đa kiến xảo trá 多 見 巧 詐 .

      Ngu 愚,
      theo Vương Bật là vô vi thủ chân, thuận tự nhiên 無 為 守 真 順 自 然.
                
    • [2] Khải thức 楷 式:
      mẫu mực, phép tắc.

      Bản Hà Thượng Công chép là khải thức.
      Các bản khác chép là kê (khể) thức 稽 式.


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 66          
    HẬU KỶ 後 己
    [1]




    Hán văn:
    • 江 海 所 以 能 為 百 谷 王 者,
      以 其 善 下 之,
      故 能 為 百 谷 王.

      是 以
      欲 上 民
      必 以 言 下 之.
      欲 先 民
      必 以 身 后 之.
      是 以 聖 人
      處 上 而 民 不 重,
      處 前 而 民 不 害.
      是 以 天 下
      樂 推 而 不 厭,
      以 其 不 爭.

    Phiên âm:
    1. Giang hải sở dĩ năng vi bách cốc vương giả,
      dĩ kỳ thiện hạ chi.
      Cố năng vi bách cốc vương.
                
    2. Thị dĩ
      dục thượng dân
      tất dĩ ngôn hạ chi.
      Dục tiên dân
      tất dĩ thân hậu chi.
      Thị dĩ thánh nhân
      xử thượng nhi dân bất trọng,
      xử tiền nhi dân bất hại.
      Thị dĩ thiên hạ
      lạc thôi nhi bất yếm,
      dĩ kỳ bất tranh.

    Dịch xuôi:
    1. Sông biển sở dĩ làm vua trăm hang suối chính
      vì khéo ở chỗ thấp,
      vì thế nên làm vua trăm hang suối.
                
    2. Bởi vậy,
      muốn ngồi trên dân,
      ắt phải lấy lời mà hạ mình
      muốn đứng trước dân,
      ắt phải để thân mình ra sau.
      Vậy nên, thánh nhân
      ở trên dân mà dân không thấy nặng,
      ở trước dân mà dân không thấy hại.
      Cho nên thiên hạ
      thích thôi thúc (cổ võ) mà không chán.
      Vì không tranh, nên thiên hạ không tranh với mình.


    Dịch thơ:

    1. Sông biển kia cớ sao mà trọng,
    Nước muôn khe thao túng vì đâu.
    Biển sông vì thấp vì sâu,
    Cho nên mới được đứng đầu muôn khe.
              
    2. Muốn cao cả, ngôi che nhân thế,
    Phải hạ mình nhỏ nhẹ khiêm cung.
    Cầm đầu phải ẩn sau lưng,
    Mình sau người trước chứ đừng kiêu căng.
    Cho nên những nhân quân thánh đế,
    Ở trên dân dân nhẹ như không.
    Trước dân dân vẫn nức lòng,
    (Kẻ tung người hứng như rồng gặp mây.)
    Dạ vốn chẳng toan bày tranh chấp,
    Thế cho nên chẳng gặp đấu tranh.





    BÌNH GIẢNG



    Chương này Lão tử lại dạy người trên phải hạ mình khiêm cung.

    • Lão tử cho rằng nếu người trên khiêm cung sẽ làm cho lòng muôn dân qui tụ về; cũng như sông biển vì ở chỗ thấp nên nước muôn khe đều đổ xuống.
      Nơi chương 8 ta cũng đã thấy câu:
      • «Thượng thiện nhược thủy.»
        上 善 若 水.

                
    • Lão tử cho rằng người trên lời ăn tiếng nói phải từ tốn, tác phong cử chỉ phải cho lễ độ.
      • Nơi chương 39 và 42, Lão tử cũng đã chứng minh rằng các bậc vương hầu xưa thường xưng mình là:
        • - Cô 孤 (côi cút)
          - Quả 寡 ( bạc đức)
          - Bất cốc 不 穀 (Không lành)
      • Nơi chương 61, Lão tử cũng đã khuyên:
        • «Đại giả nghi vi hạ.»
          大 者 宜 為 下
          (Kẻ cả thời phải hạ mình.)
      • Tư tưởng của Lão tử cũng giống tư tưởng của Dịch kinh.
        Dịch Kinh hết sức đề cao sự khiêm cung. Dịch Kinh nơi Thoán truyện quẻ Khiêm 謙 viết đại khái như sau:
        • Thoán rằng: Khiêm tốn mới hay,
          Trời kia giúp dưới nên đầy quang minh.
          Đất kia chốn thấp phận đành,
          Thấp nên mới có công trình vươn cao.
          Trời làm vơi chốn dồi dào,
          Mà thêm vào những chỗ nào khiêm cung.
          Đất xoi mòn bớt cao phong,
          Để cho lòng biển lòng sông thêm đầy.
          Quỉ thần hại kẻ no đầy,
          Mà đem phúc lại cho người khiêm cung.
          Người thường ghét kẻ thừa dùng,
          Còn người khiêm tốn thực lòng thời ưa.
          Trên Khiêm thì sáng mãi ra,
          Dưới Khiêm ai kẻ hơn ta được nào.
          Khiêm cung giữ vẹn trước sau,
          Rồi ra quân tử gót đầu hanh thông. [2]
    • Cuối cùng Lão tử dạy người trên không nên tranh chấp, như vậy sẽ thoát tranh chấp.
      Chương 22 Đạo Đức Kinh cũng đã thấy viết:
      • «Phù duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh.»
        夫 唯 不 爭 故 天 下 莫 能 與 之 爭.

      Nếu ta nghịch với người, người sẽ nghịch với ta; nếu ta ưa gây mâu thuẫn, người cũng sẽ ưa gây mâu thuẫn với ta. Bằng nếu ta hòa dịu, thuận xử với người âu người cũng sẽ hòa dịu thuận xử với ta.
      Đó là một định luật nhân sinh vậy!



              
    _______________________________________

    • [1]
      Xem thêm chương 67, đoạn 2:
      Tam viết
      mạc cảm vi thiên hạ tiên.
      三 曰
      莫 敢 為 天 下 先.
                
    • [2]
      Thoán viết:
      Khiêm, hanh. Thiên đạo hạ tế nhi quang minh. Địa đạo ti nhi thượng hành. Thiên đạo khuy doanh nhi ích khiêm. Địa đạo biến doanh nhi lưu khiêm. Quỉ thần hại doanh nhi phúc khiêm. Nhân đạo ố doanh nhi hiếu khiêm. Khiêm tôn nhi quang, ti nhi bất khả du. Quân tử chi chung dã.
      彖 曰 :
      謙 亨 . 天 道下 濟 而 光 明 . 地 道 卑 而 上 行 . 天 道 虧 盈 而 益 謙 . 地 道 變 盈 而 流 謙 . 鬼 神 害 盈 而 福 謙 . 人 道 惡 盈 而 好 謙 . 謙 尊 而 光,卑 而 不 可 踰 . 君 子 之 終
      Xem Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê, Dịch Kinh Đại Toàn, tập II (Thượng Kinh), tr. 212.


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 67          
    TAM BẢO 三 寶




    Hán văn:
    • 天 下 皆 謂 我 大
      似 不 肖.
      夫 唯 大,
      故 似 不 肖.
      若 肖 久 矣,
      其 細 也 夫.

      我 有 三 寶,
      持 而 保 之.
      一 曰 慈,
      二 曰 儉,
      三 曰 不 敢 為 天 下 先.
      慈 故 能 勇;
      儉 故 能 廣;
      不 敢 為 天 下 先 故 能 成 器 長.


      舍 慈 且 勇,
      舍 儉 且 廣,
      舍 後 且 先,
      死 矣.

      夫 慈
      以 戰 則 勝,
      以 守 則 固.
      天 將 救 之,
      以 慈 衛 之.

    Phiên âm:
    1. Thiên hạ giai vị ngã đại [1]
      tự bất tiếu.
      Phù duy đại,
      cố tự bất tiếu.
      Nhược tiếu cửu hĩ,
      kỳ tế dã phù. [2]
                
    2. Ngã hữu tam bảo,
      trì nhi bảo chi.
      Nhất viết từ,
      nhị viết kiệm,
      tam viết bất cảm vi thiên hạ tiên.
      Từ cố năng dũng;
      kiệm cố năng quảng;
      bất cảm vi thiên hạ tiên, cố năng thành khí trưởng.
                
    3. Kim
      xả từ thả dũng,
      xả kiệm thả quảng,
      xả hậu thả tiên,
      tử hĩ.
                
    4. Phù từ
      dĩ chiến tắc thắng,
      dĩ thủ tắc cố.
      Thiên tương cứu chi,
      dĩ từ vệ chi.

    Dịch xuôi:
    1. Thiên hạ cho ta là trọng đại,
      mặc dầu ta phong thái tầm thường.
      Cao đại chính là ỏ chỗ
      vẻ ngoài tầm thường.
      Còn nhiều kẻ làm ra vẻ quan trọng
      nhưng chính lại hết sức tầm thường, nhỏ mọn.
                
    2. Ta có ba báu vật,
      ta hết sức nắm giữ chắt chiu.
      Một là khoan từ.
      Hai là tiết kiệm.
      Ba là không dám đứng trước thiên hạ (coi mình hơn người).
      Khoan từ nên mới hùng dũng.
      Tiết kiệm nên mới rộng rãi.
      Không dám đứng trước người, nên mới được hiển dương.
                
    3. Nay
      người ta bỏ khoan từ, chạy theo dũng lực;
      bỏ tiết kiệm chạy theo phung phí;
      bỏ chỗ sau mà tranh chỗ trước;
      thế là chết vậy.
                
    4. Lấy khoan từ
      mà tranh đấu sẽ thắng,
      mà cố thủ sẽ vững.
      Trời muốn cứu ai,
      lấy khoan từ mà bảo vệ cho.


    Dịch thơ:

    1. Đời thường nói ta đây trọng đại,
    Mặc dầu ta phong thái tầm thường.
    Tuy ta cao quí đường đường,
    Nhưng ta dung dị in dường chúng dân.
    Càng uốn éo mười phân kiểu điệu,
    Càng đơn sai càng thiếu thiện căn.
              
    2. Đây ba bảo vật ta cầm,
    Ta ôm, ta ấp bất phân tháng ngày.
    Một là từ ái với người,
    Hai là cần kiệm của trời chẳng khinh.
    Ba là chẳng dám ỷ mình,
    Không kênh, không kiệu, không tranh hơn người.
    Có từ ái tức thời mới mạnh,
    Có chắt chiu mới thịnh mới xương.
    Ở đời có biết nhún nhường,
    Mới mong địa vị hiển dương có ngày.
              
    3. Nay thiên hạ chỉ say dũng mãnh,
    Quên nhân từ, ưa mạnh hơn người,
    Những ưa phóng dật thảnh thơi,
    Xa bề cần kiệm sống đời xa hoa.
    Không nhường nhịn chỉ ưa tranh đấu.
    Thích hơn người là dấu bại vong,
              
    4. Nhân từ là mẹ thành công,
    Hai đường tiến thủ tinh ròng cả hai.
    Trời kia muốn vì ai bảo trợ,
    Đem nhân từ đến chở che cho.





    BÌNH GIẢNG



    Chương này Lão tử đề cao
    • sự dung dị
      và ba nhân đức:
      • Từ ái,
      • tiết kiệm,
      • khiêm cung.




    Sự dung dị chính là ấn tín của một tâm hồn cao siêu.

    • Trung Dung cũng đã đề cao đời sống dung dị:
      • «Cư dị dĩ sĩ mệnh.»
        居 易 以 俟 命
        (Trung Dung 中 庸, chương 14).

      Đời sống các vị giáo chủ vừa cao siêu vừa dung dị. Ví dụ đời sống Chúa Cơ Đốc chính là điển hình của sự dung dị.




    Tiếp đến Lão tử khuyên ta nên
    • từ ái 慈 愛,
      tiết kiệm 節 儉,
      khiêm cung 謙 恭.
    • Từ ái tức là thương yêu mọi người.
      Tiết kiệm tức là quí trọng tài vật của trời.
      Khiêm cung tức là quí trọng tha nhân.

    Các vua chúa xưa cũng thường giữ ba nhân đức này:

    – Về từ 慈,
    • phương châm của thánh vương xưa là:
      • «Hành nhất bất nghĩa, sát nhân bất cô nhi đắc thiên hạ, giai bất vi dã.»
        行 一 不 義,殺 一 人 不 辜 而 得 天 下 皆 不 為 也
        (Làm một việc bất nghĩa, giết một kẻ vô tội để được thiên hạ, cũng không hề làm.)[3]

    – Về sự cần kiệm 勤 儉,
    • ta thấy gương tích của Minh thế tổ 明 世 祖 như sau:
      • Một hôm vua thấy một quan hoạn mang đôi giày mới mà chạy ngoài sân, vua nổi giận truyền chỉ đòi vào mà quở rằng:
        «Đôi giày tuy là vật mọn, xong cũng của quốc gia, mà của quốc gia là tiền thuế của dân dâng cấp cho quan quân chi dụng. Vả lại công làm đôi giày cũng lâu lắc, chẳng phải một ngày hay một buổi mà rồi? Lẽ nào ngươi dám hủy của như vậy? Trẫm nghe nói vua Nguyên Thái tổ thấy quan hoạn đi giày mới mà quăng giày cũ, thì xử trượng mà quở rằng: Da chưa rách sao lại quăng đi, ấy là phí của quá lẽ ! Trẫm rất khen lời ấy. Vì con người trong lúc còn khốn nạn nghèo nàn, nhờ cần kiệm mà khá, đến khi mới giàu sang lại sinh sự xài phí quá lẽ cho đến nỗi phải suy vi. Từ rày sắp sau, bá quan gần đi chầu mà gặp trời mưa, thì được phép mặc áo đầu cũng đội nón, mang tơi tùy ý.» [4]

    Về sự khiêm cung 謙 恭 giúp con người nên việc,
    • chúng ta hẳn nhớ tích Lưu Bị ba lần đến thảo lư cầu Khổng Minh, nhờ vậy mới gầy dựng được cơ đồ nhà Hán, chiếm Ba Thục cùng với Ngô, Ngụy, lập thành Tam Quốc.



    Nếu bỏ Từ 慈, Kiệm 儉, Khiêm 謙 và theo con đường cậy mạnh tranh khôn, xa hoa phù phiếm, hống hách kiêu căng, chắc sẽ đi đến tử vong.



    Cuối cùng, Lão tử lại lấy chữ Từ 慈 mà kết thúc chương.

    Mới hay lòng nhân từ khoan hậu
    là một đức tính hết sức cao quí vậy.



              
    _______________________________________

    • [1]
      Có sách viết:
      Thiên hạ giai vị ngã Đạo đại
      天 下 皆 謂 我 道 大
      (bản Vương Bật).
                
    • [2]
      Léon Wieger dịch câu này như sau:
      Tout le monde sait, au contraire, combien ceux qui posent pour nobles, sont hommes de mince valeur.
                
    • [3] Mạnh tử, Công tôn Sửu, chương cú thượng.
                
    • [4] Xem Đại Minh Hồng Võ 大 明 洪 武 . Thanh Phong dịch, tr. 285.


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 68          
    PHỐI THIÊN 配 天




    Hán văn:
    • 善 為 士 者 不 武.
      善 戰 者 不 怒.
      善 勝 敵 者 不 與.

      善 用 人 者 為 之 下.
      是 謂 不 爭 之 德.
      是 謂 用 人 之 力.
      是 謂 配 天, 古 之 極.

    Phiên âm:
    1. Thiện vi sĩ giả bất vũ.
      Thiện chiến giả bất nộ.
      Thiện thắng địch giả bất dữ. [1]
                
    2. Thiện dụng nhân giả vi chi hạ.
      Thị vị bất tranh chi đức.
      Thị vị dụng nhân chi lực.
      Thị vị phối Thiên, cổ chi cực.[2]

    Dịch xuôi:
    1. Tướng giỏi không dùng vũ lực.
      Người chiến đấu giỏi không giận dữ.
      Người khéo thắng không giao tranh với địch.
                
    2. Khéo dùng người là hạ mình ở dưới người.
      Thế gọi là cái đức của không tranh.
      Thế là dùng sức người.
      Thế là kết hợp với Trời, cực điểm của người xưa.


    Dịch thơ:

    1. Khéo cai trị không cần uy vũ,
    Chiến trận tài không cứ căm hờn.
    Thắng người đâu tại tranh hơn,
              
    2. Dùng người khéo chỗ biết tôn trọng người.
    Thế là chẳng ganh tài vẫn thắng,
    Thế là khiêm mà vẫn trị người
    Thế là kết hợp với Trời,
    Thế là diệu pháp của người đời xưa.





    BÌNH GIẢNG



    Mọi người thường lấy binh pháp 兵 法 để giải chương này.

    • Nếu lấy binh pháp mà giải, thì ta thấy
      • Khổng Minh xưa chỉ dùng có ba tấc lưỡi mà đã thuyết phục được Tôn Quyền, Chu Du chống lại Tào Tháo.
      • Chỉ dùng mưu lược mà đã lập nên trận hỏa công phá hạ 100 vạn quân Tào trên sông Xích Bích;

      thế là giỏi đánh giặc không cần vũ lực, giỏi thắng giặc chẳng cần đích thân giao phong với giặc.




    Hà Thượng Công dùng đạo pháp 道 法 để giải chương này. Đại khái:

    • Người quí đạo đức không cần vũ lực.
      Người dùng đạo để chiến thắng, ngăn chặn người tà ngụy khi chúng mới hiện ra nơi tâm, tuyệt họa hại ngay từ khi chúng chưa mầm mộng. Chẳng cần gì phải lôi đình thịnh nộ giết chóc ra uy.
    • Muốn thắng người hãy thắng bằng lòng nhân đức, dùng tình thương mến liên kết với người gần mình, thế là chẳng cùng người giao tranh mà người vẫn phục.
    • Đối với mọi người mình một dạ khiêm cung, biết cách khai thác điều khiển khả năng từng người, biết phối hợp khả năng mọi người theo một chiều hướng xây dựng.
    • Nếu làm được như vậy tức là đức độ phối kết với Trời, và đó cũng là yếu đạo của người xưa.




    Suy cho cùng, thì chương này xác định thái độ của thánh nhân.
    • Nên đi chiều thuận của trời đất, nhân sinh,
      hay nên đi chiều nghịch?

    Và trả lời dĩ nhiên là nên đi chiều thuận.

    Chiều thuận là
    chiều sinh, là chiều yêu thương, hòa hài, thông cảm cộng tác.
    Chiều nghịch là
    chiều khắc, là chiều chống đối, hận thù, đấu tranh, phá hoại.


    Mà người xưa đã nói:
    • Thuận giả xương 順 者 昌 (thuận thì hay)
      Nghịch giả ương 逆 者 殃 (nghịch thì hại).

    Thuận cảnh, thuận nhân, thuận thời, thuận thế, thuận tuổi tác,
    tùy trình độ mình-người mà xử sự
    sẽ đem lại nhiều kết quả mà lại ít tốn sức.
    Đó chính là định luật: Cố gắng tối thiểu (loi du minimum d’effort).

    Tìm ra được những định luật chi phối hoàn võ và nhân sinh,
    tìm ra được những định luật chi phối sự tiến triễn của hoàn võ và nhân sinh,
    rồi ung dung mà tiến bước,
    tức là sống hồn nhiên, tự tại.

    hồn nhiên tự tại
    tức là Thời Trung 時 中,
    lúc nào cũng sống một đời sống lý tưởng,
    lúc nào cũng sống theo luật Trời, phối kết với Trời,
    thế là đạo cao diệu nhất từ xưa tới nay vậy.



    Riêng tôi, tôi rất chú trọng đến câu Thị vị phối Thiên, cổ chi cực 是 謂 配 天 古 之 極 của Lão tử,

    vì câu này chúng ta biết đâu là tinh hoa của đạo giáo từ thượng cổ tới nay.
    Tinh hoa ấy, chỗ cao siêu nhất mà con người có thể đạt được về phương diện đạo giáo, chính là: Sống phối kết với Trời (Phối Thiên 配 天).
    • Phật giáo, Ấn giáo gọi thế là Nirvana (Niết Bàn)
      mà Nirvana theo từ nguyên chính là: «Diệt hết mọi hình tướng; Phối kết với Thượng đế.» [3]
    • Trung dung gọi thế là Phối Thiên 配 天.
    • Công giáo gọi thế là Sống Hợp Nhất với Thượng đế. [4]

    Bất kỳ theo tôn giáo nào, mà thực hiện được hai chữ Phối Thiên tức là đạt Đạo vậy.


              
    _______________________________________

    • [1]
      Bất dữ 不 與:
      • Bất dữ địch tranh nhi địch tự phục
        不 與 敵 爭 而 敵 自 服
        (Hà Thượng Công).
    • [2]
      Thị vị phối Thiên cổ chi cực.
      是 謂 配 天 古 之 極 .

      1. Hà Thượng Công giải:
        Đó là đức hợp với Trời. Đó là Đạo cực cần yếu của người xưa.
        (Dĩ đức phối Thiên... Thị nãi cổ chi cực yếu đạo dã
        以 德 配 天 ... 是 乃 古 之 極 要 道 也).
                  
      2. Bản của Lưu Tư, bản của Du Việt:
        Thị vị phối Thiên chi cực
        是 謂 配 天 之 極.
                  
      3. Bản của Mã Kỳ Sưởng:
        Thị vị phối Thiên cực
        是 謂 配 天 極
        (Đó là hợp với chỗ cùng cực của Đạo Trời.)
    • [3]
      Xem Söderblom Nathan, La vie future d’après le Mazdéisme (Ernest Leroux éditeur, 28 Rue Bonaparte, Paris, 1901),
      đoạn nói về Nirvana.
                
    • [4]
      Comme toi, Père, tu es en moi et moi en toi, qu’eux aussi soient un en nous.
      Jean 17, 21.


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 69          
    HUYỀN DỤNG 玄 用




    Hán văn:
    • 用 兵 有 言,
      吾 不 敢 為 主, 而 為 客.
      不 敢 進 寸 而 退 尺.

      是 謂
      行 無 行,
      攘 無 臂,
      扔 無敵,
      執 無 兵.

      禍 莫 大 於 輕 敵,
      輕 敵 幾 喪 吾 寶.
      故 抗 兵 相 加.
      哀 者 勝 矣.

    Phiên âm:
    1. Dụng binh hữu ngôn,
      ngô bất cảm vi chủ, nhi vi khách.
      Bất cảm tiến thốn nhi thoái xích.
                
    2. Thị vị
      hành vô hành,
      nhương [1] vô tí, [2]
      nhưng [3] vô địch,
      chấp vô binh.
                
    3. Họa mạc đại ư khinh địch,
      khinh địch cơ táng ngô bảo.
      Cố kháng binh tương gia.
      Ai giả thắng hĩ.

    Dịch xuôi:
    1. Dụng binh có câu:
      Thà làm khách hơn làm chủ.
      Chẳng dám tiến một tấc, mà lui một thước.
                
    2. Cho nên thánh nhân
      chẳng đi mà vẫn đi,
      đuổi mà không dùng tay,
      bắt mà không đối địch,
      cầm giữ mà không binh khí.
                
    3. Không họa nào lớn bằng khinh địch,
      khinh địch là mất của báu,
      cho nên khi giao binh,
      người nào thận trọng từ nhân sẽ thắng.


    Dịch thơ:

    1. Dùng binh xưa đã có lời,
    Thà ngôi tân khách, hơn ngôi chủ nhà.
    Tiến lên một tấc rầy rà,
    Thà lùi một thước vẫn là phần hơn.
              
    2. Chẳng đi mà vẫn tiến luôn,
    Khoanh tay mà vẫn đẩy muôn địch thù.
    Thắng người chẳng cứ đôi co,
    Chẳng cần binh lực vẫn thừa quyền uy.
              
    3. Hại thay những thói khinh khi,
    Càng khinh địch lắm càng nguy cơ nhiều.
    Rồi ra xơ xác đến điều,
    Bao nhiêu bảo vật ngọn triều trôi xuôi.
    Nên khi đụng độ tranh tài,
    Người nào thận trọng là người sẽ hơn.





    BÌNH GIẢNG



    Chương này Lão tử đề cập binh pháp. Đại khái chương này có bốn ý chính:
    1. Không được gây chiến, chỉ nên ứng chiến.
    2. Khi cầm quân phải lo bảo toàn lực lượng mình, mặc dù phải lui.
    3. Có nhiều cách khác để thắng trận (như ngoại giao, chính trị, tuyên truyền);
      chẳng nhất thiết phải dùng binh lực đụng độ mới có thể thắng trận.
    4. Lúc ra quân chẳng nên khinh địch.


    Có nhiều nhà bình giải cho rằng chương này là của người sau thêm vào.
    Theo tôi, Lão tử vẫn có thể phát biểu ý kiến về chiến tranh, vì chiến tranh vẫn là một khía cạnh xưa nay của con người.



    1. Không nên gây chiến, chỉ nên ứng chiến

    • Người gây chiến gọi là chủ. Kẻ ứng chiến gọi là khách.
      Con người không nên gây chiến đem tang tóc lại cho nhân quần, nhưng nhiều khi cần phải ứng chiến để «thế thiên hành đạo», «thảo tội, an dân».
      Gây chiến là nghịch Thiên, còn ứng chiến chính là thuận Thiên.



    2. Khi cầm quân phải lo bảo toàn lực lượng mình, mặc dù phải lui

    • Đọc lịch sử các danh tướng chỉ đánh khi mạnh, còn lui khi yếu.
      Bái Công, theo kế sách của Trương Lương, luôn luôn tỏ ra nhũn nhặn, nhún nhường, luôn luôn lui trước Hạng Võ, khi biết mình chưa đủ tài kháng cự. Nhưng khi đã thâu phục được Hàn Tín rồi, mới bắt đầu phản công, bắt đầu tung hoành, để thu phục giang sơn.



    3. Có nhiều cách để thắng trận (như ngoại giao, chính trị, tuyên truyền);
    chẳng nhất thiết phải dùng binh lực mới thắng trận.

    • Tư Mã Ý đã dùng cách án binh bất động, tránh né mọi cuộc đụng độ với binh tướng Khổng Minh, lại khéo mua chuộc lòng hoạn quan Ba Thục, gây hoang mang chia rẽ giữa vua tôi Ba Thục, mà rút cuộc đã thắng được Khổng Minh.



    4. Lúc ra quân chẳng nên khinh địch.

    • Tào Tháo chính vì khinh địch nên đã thua trận Xích Bích.
      Bàng Quyên chính vì khinh địch nên đã bị Tôn Tẫn giết ở gò Mã Lăng. [4]
      Triệu Quát vì khinh địch nên đã bị tướng Tần là Bạch Khởi tiêu diệt cùng với 450. 000 quân Triệu. [5]



              
    _______________________________________

    • [1] Nhương 攘:
      bắt lấy; đẩy ra; đuổi đi được.
                
    • [2] Tí 臂 (tý):
      tay.
                
    • [3]
      Nhưng: cầm, bắt.
      Có sách viết là 仍, có sách viết là 扔.
                
    • [4] Xem Đông Châu Liệt Quốc, Võ Minh Trí dịch, tr. 1056.
                
    • [5] Xem Đông Châu Liệt Quốc, Võ Minh Trí dịch, tr. 1168.


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 70          
    TRI NAN 知 難




    Hán văn:
    • 吾 言
      甚 易 知,
      甚 易 行.
      天 下
      莫 能 知,
      莫 能 行.

      言 有 宗,
      事 有 君.

      夫 唯 無 知,
      是 以 我不 知.
      知 我 者 希,
      則 我 者 貴.
      是 以 聖 人
      被 褐 而 懷 玉.

    Phiên âm:
    1. Ngô ngôn
      thậm dị tri,
      thậm dị hành.
      Thiên hạ
      mạc năng tri,
      mạc năng hành.
                
    2. Ngôn hữu tông,
      sự hữu quân.
                
    3. Phù duy vô tri,
      thị dĩ ngã bất tri.
      Tri ngã giả Hi,
      tắc ngã giả quý.
      Thị dĩ thánh nhân,
      bị hạt [1] hoài ngọc.

    Dịch xuôi:
    1. Lời ta
      rất dễ biết,
      rất dễ làm.
      Thiên hạ
      chẳng biết
      chẳng làm.
                
    2. Lời ta có duyên do,
      việc ta có mấu chốt.
                
    3. Thiên hạ không biết thế,
      nên không hiểu ta.
      Ít người hiểu ta,
      nên ta mới quý. [2]
      Cho nên thánh nhân
      mặc áo vải mà chứa ngọc.


    Dịch thơ:

    1. Lời ta dễ biết dễ làm,
    Nhưng mà thiên hạ chẳng am, chẳng tường.
              
    2. Lời ta nói có chủ trương,
    Việc ta vốn có lối đường chốt then.
              
    3. Nhưng mà tục tử ngu hèn,
    Hiểu ta chẳng nổi chuyện xem thường tình.
    Hiểu ta mấy bậc tinh anh,
    Ít người hiểu nổi nên danh càng lừng.
    Xưa nay những bậc thánh nhân,
    Ngọc tàng dưới lớp áo quần xác xơ.





    BÌNH GIẢNG



    Lão tử đã nói đúng: Lời ngài rất dễ biết, dễ làm.

    • 1. Dễ biết, vì ngài chủ trương:
      1. Dưới cái ta vô thường vô định, còn có Đạo thể duy nhất bất biến, nguồn sinh ra ta cũng như vũ trụ.
        Đó là bản thể hằng cửu, là nguyên lý, là căn cơ sinh ra vạn hữu.
        Ngài mệnh danh đó là Đạo.
      2. Đời sống của chúng ta cốt là để thực hiện, cốt là liễu đạt cái chân lý, đồng thời cũng là cái bản thể vĩnh cửu ấy của ta.

                
    • 2. Dễ làm vì ngài chủ trương:
      1. Muốn thực hiện công trình này, không cần phải đi đâu xa xôi,
        nhưng mà có thể ngồi ngay tại nhà, với cửa đóng then cài.
      2. Đời sống đạo hạnh cao siêu nhất chính là một đời sống giản dị, khiêm cung, thuận theo các định luật tự nhiên của trời đất, và nhân sinh lý tưởng.
        Thiên hạ
        • vì cho rằng Đạo, Trời ở ngoài ta, hay ở trên ta,
        • nên không tìm ra được đầu mối cũng như cùng đích của cuộc sống;
        • không tìm ra được duyên do đã sinh ra kiếp phù sinh,
        • cũng như không tìm ra được cùng đích và đường lối để quay về với căn nguyên vĩnh cửu ấy. [3]

                
    • Chính vì ít người hiểu, mà Lão tử càng có một địa vị cao siêu.
                
    • Cuối cùng Lão tử cho rằng thánh nhân là những người mang đầy châu ngọc trong người.
      Mang châu ngọc trong người, vì mang Đạo trong người
      , vì đã trở nên một với Bản thể của vũ trụ.



              
    _______________________________________

    • [1] Bị hạt 被 褐:
      mặc áo vải thô.
                
    • [2] Cũng có thể dịch: Kẻ bắt chước ta thời quí.
                
    • [3]
      Đức Khổng cũng than đời chẳng biết ngài:
      • Tử viết:
        mạc ngã tri dã phù.
        子 曰
        莫 我 知 也 夫.
        Xem Luận Ngữ 論 語, Hiến Vấn 憲 問 thiên 14, chương 37.


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 71          
    TRI BỆNH 知 病




    Hán văn:
    • 知 不 知 上,
      不 知 知 病.

      夫 唯 病 病,
      是 以 不 病.

      聖 人不 病,
      以 其 病 病,
      是 以 不 病.

    Phiên âm:
    1. Tri bất tri thượng,
      bất tri tri bệnh.[1]
                
    2. Phù duy bệnh bệnh,
      thị dĩ bất bệnh.
                
    3. Thánh nhân bất bệnh,
      dĩ kỳ bệnh bệnh,
      thị dĩ bất bệnh.

    Dịch xuôi:
    1. Biết điều không biết là cao.
      Không biết điều đáng biết là bệnh.
                
    2. Biết sợ bệnh,
      thì không bệnh.
                
    3. Thánh nhân không bệnh,
      vì biết sợ bệnh,
      thế nên không bệnh.


    Dịch thơ:

    1. Biết điều không biết mới cao,
    Mờ điều đáng biết lẽ nào chẳng đau.
              
    2. Bệnh nàn mà biết lo âu,
    Rồi ra mới được trước sau khang cường.
              
    3. Thánh nhân bệnh hoạn chẳng vương,
    Vì hay phòng bệnh, nên thường khang an.





    BÌNH GIẢNG



    Người đời thường biết đủ mọi chuyện tạp nhạp
    mà lại không biết chuyện quan thiết nhất của đời mình
    ;

    chuyện quan thiết đó là:
    1. Bản thể mình đồng nhất với bản thể thần minh, với Đạo với Lý Chân thường vĩnh cửu.
    2. Mình có thể trở nên cao đại vô cùng vô tận, nếu thực hiện được Đạo, nếu liễu đạt được Căn nguyên bản thể.

    Điều đáng biết ấy mà không biết
    thời thực là tai hại hết sức.


    Ngoài ra, nếu chúng ta biết vệ sinh, biết phòng bệnh, thì chúng ta cũng có thể sống một đời sống khỏe mạnh hẳn hoi.
    • Đã đành đời sống chúng ta chịu ảnh hưởng của di truyền (détermination génotypique),
    • nhưng nó cũng chịu ảnh hưởng lớn của sự điều động, của hành vi chúng ta (détermination phénotypique).

    Đó là một điều mà lẽ phải cũng như khoa học ngày nay đã công nhận.
    Hiểu lẽ ấy chúng ta sẽ hăng hái [2] tạo cho mình một đời sống càng ngày càng hoàn hảo hơn.


              
    _______________________________________

    • [1]
      Dịch được hai cách:
      1. Biết điều không biết mới cao.
        Không biết điều đáng biết ấy là bệnh.
      2. Biết mà như không biết mới cao.
        Không biết mà làm như biết là bệnh.

      Xem Luận ngữ 論 語, Vi chính 為 政, thiên 2, chương 17:
      • Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã.
        知 之 為 知 之, 不 知 為 不 知, 是 知 也.
    • [2]
      À la détermination génotypique des caractéristiques de l’être humain s’ajoute encore la détermination «phénotypique». Il faut entendre par là les particularités physioloqiques qu’il n’a pas héritées, mais que le développement vital individuel lui a fait acquérir.
      Dr. l Klug, Les Profondeurs de l’Âme, Éditions Salvator Mulhouse (Haut Rhin), 1951, p. 26.


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 72          
    ÁI KỶ 愛 己




    Hán văn:
    • 民 不 畏 威,
      則 大 威 至.

      無 狎 其 所 居,
      無 厭 其 所 生.
      夫 唯 不 厭,
      是 以 不 厭.

      是 以聖 人
      自 知 不 自 見,
      自 愛 不 自 貴.

      去 彼
      取 此.

    Phiên âm:
    1. Dân bất [1] úy uy,
      tắc đại uy chí.
                
    2. Vô hiệp [2] kỳ sở cư,
      vô yếm kỳ sở sinh.
      Phù duy bất yếm,
      thị dĩ bất yếm.
                
    3. Thị dĩ thánh nhân,
      tự tri bất tự kiến,
      tự ái bất tự quý.
      Cố
      khứ bỉ,
      thủ thử. [3]

    Dịch xuôi:
    1. Dân mà không sợ cái đáng sợ,
      tất cái sợ lớn sẽ đến.
                
    2. Đừng khinh chỗ mình ở,
      đừng chán đời sống mình.
      Vì không chê
      nên không chán.
                
    3. Cho nên thánh nhân
      biết mình, và không cầu người biết,
      yêu mình mà không cần người trọng.
      Cho nên
      bỏ cái kia
      giữ cái này.


    Dịch thơ:

    1. Những người chẳng sợ chẳng kinh,
    Có ngày sẽ phải tan tành xác ve.
              
    2. Cửa nhà chật hẹp chẳng chê,
    Cuộc đời đáng sống chớ nề hà chi.
    Chẳng chê cũng chẳng khinh khi,
    Cho nên vui sống, còn gì hay hơn.
              
    3. Cho nên phàm đấng thánh nhân,
    Trọng mình nhưng chẳng tranh khôn với người.
    Yêu mình nhưng chẳng đua đời,
    Chẳng cần danh giá, chẳng đòi tiếng tăm.
    Nguồn cơn rõ lẽ biến hằng,
    Biết buông cái dở, biết cầm cái hay.





    BÌNH GIẢNG



    Chương này Lão tử lại đề cập ba vấn đề:
    1. Nên cẩn trọng, đề phòng hiểm họa.
    2. Đừng khinh chê hoàn cảnh hiện tại của mình.
    3. Hãy tự trọng nhưng không cầu danh;
      tự ái nhưng không cầu tha nhân tôn trọng, quí hóa mình.




    1. Nên cẩn trọng đề phòng hiểm họa.

    Đó là một bài học khôn ngoan tối thiểu.
    • Luận Ngữ cũng nói:
      • «Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu.»
        人無 遠 慮 必 有 近 憂
        (Người không lo xa, tất sẽ có cái buồn gần.) [4]
    • Câu «Cư an, tư nguy» 居 安 思 危 ngày nay cũng trở thành phương châm hoạt động.
                
    • Dịch Kinh nơi quẻ Khôn và quẻ Bĩ cũng đã nhiều lần dạy người bài học nói trên. [5]




    2. Đừng khinh chê hoàn cảnh hiện tại của mình.

    Nghèo không khổ,
    khổ vì mình nghèo mới là khổ
    .

    Đức Khổng cũng nói:
    • «Phạn sơ tự ẩm thủy, khúc quăng nhi chẩm chi, lạc diệc tại kỳ trung hĩ.
      Bất nghĩa nhi phú thả quí, ư ngã như phù vân.»
      飯 疏 食 飲 水,曲 肱 而 枕 之,樂 亦 在 其 中 矣 .
      不 義 而 富 且 貴,於 我 如 浮 雲
      (Ăn cơm thô, uống nước lã, co cánh tay mà gối đầu, vẫn thấy vui.
      Bất nghĩa mà phú quí, thì ta coi như mây nổi.) [6]




    3. Hãy tự trọng nhưng không cầu danh,
    tự ái nhưng không cầu tha nhân tôn trọng quí hóa mình.


    Âu Châu thường dạy rằng
    • con người đạo đức phải khinh miệt mình, ghét bỏ mình,
      phải đi vào con đường vong thân (aliénation) cho xã hội.

    Á Châu, trái lại, dạy rằng
    • con người đạo đức phải tự trọng, tự ái, phải tự do, tự chủ.

    • Khổng tử cũng nói:
      • «Này một con người tự khinh khi mình trước, rồi kẻ khác mới khinh khi mình.
        Một nhà tự hủy hoại mình trước, rồi kẻ khác mới hủy hoại nhà mình.»[7]
    • Thiên Thái Giáp 太 甲 trong Kinh Thư có chép:
      • «Những tai ách do Trời làm ra, mình còn tránh được.
        Những tai ách tự mình gây nên, thì mình phải chết.» [8]
    • Mới hay «Linh tại ngã, bất linh tại ngã.» 靈 在 我 不 靈 在 我 .



    Cho nên thánh nhân nhận chân được giá trị nội tại của mình.
    • Tự trọng vì biết trong lòng mình có Trời, có Đạo.
    • Tự ái vì biết mình sinh ra đời để thực hiện một sứ mệnh tối cao đại là tiến tới tinh hoa hoàn thiện.
    • Tuy nhiên không cầu danh tranh lợi, không khoe hay khoe giỏi với người.
      Miễn là lương tâm mình chứng giám cho hành vi mình, như vậy đã là đủ.
      • Trung Dung viết:
        «Đến như xa lánh thế tục, chẳng ai thấy biết mình, thế mà mình không buồn,
        duy có bậc thánh nhân mới làm như vậy được.» [9]


              
    Cho nên thánh nhân
    khứ bỉ, thủ thử 去 彼 守 此 .
              
    Khứ bỉ là

    bỏ danh lợi phù phiếm bên ngoài.
    Thủ thử là
    giữ chân giá trị bên trong của mình.
              



              
    _______________________________________

    • [1]
      Có sách viết: Dân chi úy uy 民 之 畏 威.
                
    • [2] Hiệp 狎:
      khinh thường.
                
    • [3]
      Wieger dịch:
      Le sage connait sa valeur, mais ne se montre pas (n’éprouve pas le besoin d’exhiber sa valeur).
      Il s’aime mais ne cherche pas à se faire estimer.
      Il discerne, adoptant ceci et rejetant celà (d’après les lumières de sa sagesse).
                
    • [4] Luận Ngữ, Vệ Linh Công 衛 靈 公, thiên 15, chương 11.
                
    • [5] Xem Văn ngôn quẻ Khôn và Hệ từ Hạ chương V, Bình giải Hào cửu ngũ, quẻ Bĩ.
                
    • [6] Luận Ngữ. Thuật Nhi 述 而 thiên 7, chương 15.
      Xem thêm Trung Dung, chương 14.

                
    • [7]
      Phù,
      nhân tất tự vũ, nhiên hậu nhân vũ chi.
      Gia tất tự hủy, nhi hậu nhân hủy chi.
      Quốc tất tự phạt, nhi hậu nhân phạt chi.

      人 必 自 侮 然 後 人 侮 之
      家 必 自 毀 而 後 人 毀之
      國 必 自 伐 而 後 人 伐 之
      Mạnh tử, Ly Lâu thượng, 8.
                
    • [8]
      Thái giáp viết:
      Thiên tác nghiệt, do khả vi;
      tự tác nghiệt, bất khả hoạt
      太 甲 曰
      天 作 孽 猶 可 違
      自 作 孽 不 可 活
      Mạnh tử, Ly Lâu thượng, 8.
                
    • [9]
      Độn thế bất kiến tri nhi bất hối, duy thánh giả năng chi.
      遯 世 不 見 知 而 不 悔, 唯 聖 者 能 之
      Trung Dung, chương 11.


          
Trả lời

Quay về “Thiên đạo - Nhân đạo”