Đạo Đức Kinh

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 73          
    NHIỆM VI 任 為




    Hán văn:
    • 勇 於 敢 則 殺.
      勇 於 不 敢 則 活.
      此 兩 者
      或 利 或 害.

      天 之 所 惡,
      孰 知 其 故.
      是 以 聖 人 猶 難 之.

      天 之 道
      不 爭 而 善 勝,
      不 言 而 善 應,
      不 召 而 自 來,
      坦 然 而 善 謀.

      天 網 恢 恢,
      疏 而 不 失.

    Phiên âm:
    1. Dũng ư cảm tắc sát.
      Dũng ư bất cảm tắc hoạt.
      Thử lưỡng giả
      hoặc lợi hoặc hại.
                
    2. Thiên chi sở ố,
      thục tri kỳ cố.
      Thị dĩ thánh nhân do nan chi.
                
    3. Thiên chi đạo
      bất tranh nhi thiện thắng,
      bất ngôn nhi thiện thắng,
      bất ngôn nhi thiện ứng,
      bất triệu nhi tự lai,
      thản nhiên [1] nhi thiện mưu.
                
    4. Thiên võng khôi khôi,
      sơ nhi bất thất.

    Dịch xuôi:
    1. Mạnh bạo dám làm là chết,
      mạnh bạo chẳng dám làm là sống.
      Hai cái đó,
      hoặc lợi hoặc hại.
                
    2. Cái mà Trời ghét,
      ai mà biết được căn do,
      thánh nhân còn lấy làm khó nữa là.
                
    3. Đạo Trời
      không tranh mà thành,
      không nói, mà người hưởng ứng,
      không mời mà người tự tới,
      nhẹ nhàng mà công việc vẫn xong xuôi.
                
    4. Lưới Trời lồng lộng,
      thưa mà chẳng lọt.


    Dịch thơ:

    1. Can trường chẳng phải liều thân,
    Bằng hà bạo hổ có lần mạng vong.
    Can trường một dạ nấu nung,
    Nấu nung chí lớn, mới mong sinh tồn.
    Hai đường một mất một còn,
    Cùng là dũng cảm, thiệt hơn khác vời.
              
    2. Những điều chẳng hợp ý Trời,
    Mấy người hiểu được khúc nhôi vân mòng.
    Đến ngay những bậc thánh nhân,
    Cũng còn cảm thấy khó khăn lọ là.
              
    3. Trời xanh đường lối cao xa,
    Không cần tranh chấp thế mà thắng luôn.
    Không cần biện bác thiệt hơn,
    Thế mà đây đó vẫn thường nghe theo.
    Không mời thiên hạ tới đều,
    Thung dung mà vẫn muôn chiều thành công.
              
    4. Lưới trời lồng lộng mịt mùng,
    Tuy thưa mà chẳng chi từng lọt qua.





    BÌNH GIẢNG



    Chương này Lão tử bàn:
    • 1. Thế nào là dũng cảm chân thực
      2. Thế nào là hung họa
      3. Thế nào là đường lối Trời
      4. Cách Trời thưởng phạt




    1. Thế nào là dũng cảm chân thực?

    Dũng cảm chân thực, theo Lão tử,
    • không phải là lao đầu vào hiểm nguy,
      mà chính là biết tránh hiểm nguy, biết thực hiện sứ mạng của mình.

    Các thánh hiền xưa nay đều dạy như vậy.
    • Tử Lộ hỏi Khổng tử:
      «Như Thầy đem ba quân ra trận Thầy sẽ chọn ai giúp Thầy?».
      Đức Khổng đáp:
      «Như kẻ tay không bắt hổ, chân không mà lội qua sông, chết không hối tiếc thì ta chẳng cho theo.
      Ta chỉ chọn kẻ vào việc mà biết lo sợ, dè dặt, biết lo tính cho được thành công.» [2]




    2. Thế nào là hung họa?

    Nói cách khác Trời ghét cái gì?
    Trời ghét những con người đi sai định luật thiên nhiên. Mà định luật thiên nhiên chung qui chỉ muốn cho ta:
    • - Thích ứng với hoàn cảnh
      - Phát huy các đức tính tiềm ẩn nơi ta.
      - Tiến tới tinh hoa cao đại.

    Cho nên dĩ nhiên Trời ghét
    • sự ù lì, sự ươn hèn, thiếu nỗ lực,
      những gì làm giảm giá trị con người, giảm tự do con người giảm hạnh phúc con người,
      ngăn chặn không cho con người sống một cuộc đời toàn diện, toàn bích.



    3. Thế nào là đường lối của Trời.

    Đường lối của Trời là đường lối của sự công chính, của lẽ phải.
    Vì thế cho nên, nếu con người sống theo lẽ phải, sống theo lẽ công chính, thì tự nhiên mọi người sẽ phục mình.

    • Dịch Kinh viết:
      «Dạy rằng quân tử trên đời,
      Ngồi nhà nói phải muôn người vẫn theo.
      Dặm nghìn còn phải hướng chiều,
      Thời trong gang tấc đâu điều lần khân.» [3]




    4. Trời thưởng phạt ra sao?

    Trời thưởng phạt một cách tự nhiên bằng định luật nhân quả. Hoạt động hay hèn trên bình diện nào, thì kết quả sẽ báo ứng trên bình diện ấy.

    • Hoạt động hay, đúng
      sẽ đem lại thành công, sẽ làm cho mình sung sướng, sẽ không trái với lương tâm, sẽ được mọi người tán thưởng.
    • Hoạt động dở sai,
      sẽ đem lại thất bại, sẽ làm cho mình khổ sở, sẽ bị lương tâm cắn rứt, sẽ bị mọi người chê trách.
                
    • Hoạt động hay trên bình diện xã hội,
      sẽ làm cho xã hội tiến bộ, đoàn kết, sung sướng.
    • Hoạt động dở trên bình diện xã hội
      sẽ làm cho xã hội thoái hóa, chia ly, khốn nạn.
                
    • Hoạt động hay trên bình diện cá nhân
      sẽ làm cho con người tiến bộ, phát triển, hạnh phúc.
    • Hoạt động dở trên bình diện cá nhân
      sẽ làm cho con người thoái hóa, trụy lạc, sầu bi, thống khổ, v.v.
                
    • Người xưa đã nói:
      «Chủng qua đắc qua, chủng đậu đắc đậu.
      Thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu.»
      種 瓜 得 瓜,種 豆 得 豆 .
      天 網 恢 恢, 疏 而 不 漏. [4]
                
    • Upanishad Yajnavalkya viết:
      «Tùy như cách mình làm sao, cách mình cư xử làm sao, mình sẽ trở nên vậy.
      Người làm lành trở nên lành, người làm dữ trở nên dữ.
      Mình trở nên nhân đức do hành động nhân đức, trở nên xấu xa do hành động xấu xa.
      Có người cho rằng mỗi người tùy thuộc ý muốn mình. Muốn sao, sẽ định vậy; làm sao, sẽ được vậy. [5]



              
    _______________________________________

    • [1] Có sách viết là xiển nhiên 繟 然.
                
    • [2]
      Tử Lộ viết:
      «Hành tam quân, tắc thùy dữ.»
      Tử viết:
      «Bạo hổ bằng hà, tử nhi vô hối giả, ngô bất dữ dã.
      Tất dã, lâm sự nhi cụ, háo mưu nhi thành giả dã.
      子 路 曰
      行 三 軍, 則 誰 與
      子 曰
      暴 虎 馮 河, 死 而 無 悔 也, 吾不與也.
      必 也 臨 事 而 懼 好 謀 而 成 者 也
      Luận Ngữ 論 語, Thuật Nhi 述 而 chương 7, câu 10.

      – Bạo hổ bằng hà:
      • tay không bắt cọp là bạo hổ,
        chân không lội qua sông lớn là bằng hà.
                  
        Bằng hà (không đọc là phùng hà)
        đầu tiên xuất hiện ở Kinh Dịch (quẻ Thái 泰, hào cửu nhị) và Kinh Thi (Tiểu Nhã 小 雅, Tiểu Mân 小 旻).
        Bạo hổ
        xuất hiện ở Kinh Thi (Trịnh Phong 鄭 風, Tiểu Nhã 小 雅, Tiểu Mân 小 旻).
                  
        Như vậy Bạo hổ bằng hà là một tục ngữ đã xuất hiện rất sớm,
        hà nguyên là ám chỉ Hoàng Hà 黃 河, về sau phiếm chỉ sông nước.
        (chú thích của Dương Bá Tuấn 楊 伯 峻, Luận Ngữ Dịch Chú 論 語譯 注, tr. 74.)

                
    • [3]
      Tử viết:
      Cư kỳ thất. Xuất kỳ ngôn thiện.
      Tắc thiên lý chi ngoại ứng chi. Huống kỳ nhĩ giả hồ.
      Cư kỳ thất. Xuất kỳ ngôn bất thiện.
      Tắc thiên lý chi ngoại vi chi. Huống kỳ nhĩ giả hồ.
      子 曰
      居 其 室 出 其 言 善
      則 千 里 之 外 應 之 況 其 邇 者 乎
      居 其 室 出 其 言 不 善
      則 千 里 之 外 違 之 況其 邇 者 乎.
      Xem Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê, Dịch Kinh Đại Toàn 易 經 大 全, tập III (Hạ Kinh), Hệ từ thượng, chương 8, tr. 455. Bình giải hào cửu nhị quẻ Trung Phu 中 孚.
                
    • [4]
      Xem thêm Cựu Ước:
      • Cựu Ước theo Maisen cho rằng: Tội một người có thể truyền tới ba đời
        (Cf. Exode 20: 5).
      • Nhưng theo Jérémie và Ezéchiel thì ai làm tội, nấy chịu phạt mà thôi.
        Xem Jérémie XXX, 29-30, Ezéchiel, 18, 2.

                
    • [5]
      According as one acts, according as one behaves, so does he becomes.
      The doer of good becomes good, the doer of evil becomes evil.
      One becomes virtuous by virtuous action, bad by bad action.
      Others, however, say that a person consists of desire. As is his desire, so is his will; as is his will, so is the deed he does; whatever deed he does, that he attains.
      SGF. Brandon, Man and his Destiny, p. 320.
      Brh. Up. IV, 4,5, transl. Radhakrishan, p. 273. Cf. R-G Lesebuch (K. F. Geldner) p. 199. Hume, p. 140.


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 74          
    CHẾ HOẶC 制 惑




    Hán văn:
    • 民 不 畏 死,
      奈 何 以 死 懼 之?

      若 使 民 常 畏 死,
      而 為 奇 者, 吾 得 執 而 殺 之,
      孰 敢.

      常 有司 殺 者 殺.

      夫 代 司 殺 者 殺.
      是 謂 代 大 匠斲.
      夫 代 大 匠 斲 者,
      希 有 不 傷 其 手 矣.

    Phiên âm:
    1. Dân bất úy tử,
      nại hà dĩ tử cụ chi?
                
    2. Nhược sử dân thường úy tử,
      nhi vi kỳ giả, ngô đắc chấp nhi sát chi,
      thục cảm.
                
    3. Thường hữu tư sát giả sát.
                
    4. Phù đại tư sát giả sát.
      Thị vị đại đại tượng trác.[1]
      Phù đại đại tượng trác giả,
      hi hữu bất thương kỳ thủ hĩ.[2]

    Dịch xuôi:
    1. Khi dân không sợ chết,
      làm sao lấy cái chết làm cho họ sợ được.
                
    2. Nếu khiến được dân sợ chết,
      mà bắt kẻ phạm pháp giết đi,
      thì còn ai dám phạm pháp nữa.
                
    3. Thường có đấng Tư sát, có quyền giết người.
                
    4. Nay ta lại thay Ngài mà giết,
      thì có khác nào muốn đẽo gỗ thay thợ mộc đâu?
      Muốn thay thợ mà đẽo gỗ,
      khó mà thoát bị thương tật.


    Dịch thơ:

    1. Nếu dân chẳng quản tàn thân,
    Thời đem cái chết dọa dân ích gì ?
              
    2. Nếu dân nghĩ chết mà e,
    Giết người rông rỡ, răn đe mới toàn.
              
    3. Tử sinh Trời đã lo toan,
              
    4. Thay Trời giết lát để làm chi đây ?
    Như rằng thợ đẽo chẳng hay,
    Muốn thay thợ đẽo ra tay khoe tài.
    Khoe tài rồi sẽ mang tai,
    Trước sau âu chẳng thoát bài đứt tay.





    BÌNH GIẢNG



    Stanilas Julien bình giải chương này đại khái như sau.

    • Nếu chính quyền mà tàn bạo, những nhiễu dân, dân sẽ hết muốn sống. Lúc ấy đem cái chết dọa dân mà có ích gì.
    • Nhược bằng chính quyền hẳn hoi, dân chúng sẽ được nhờ cậy, được sung sướng. Lúc ấy họ sẽ sợ chết.
      Trong trường hợp ấy, nếu có những kẻ bất lương phạm pháp mà ta đem giết đi, để làm gương cho kẻ khác, chắc dân sẽ sợ không dám bắt chước kẻ ác làm càn nữa.
    • Quyền sinh sát là quyền của Trời. Ta không nên tiếm quyền Trời, mà mặc tình sinh sát.



    Vua Minh Thái Tổ 明 太 祖 (tức Chu Nguyên Chương 朱 元 璋, tại vị 1368 -1398) bình về chương này như sau:

    • «Từ khi lên ngôi, trẫm cố công đi tìm cho ra đường lối cai trị của các bậc thánh vương xưa. Trẫm hỏi han nhiều người, ai cũng tự phụ biết được cách trị dân của người xưa. Trẫm đọc nhiều sách. Một hôm đọc được Đạo Đức kinh, Trẫm thấy lời văn bình dị, ý tứ thâm trầm.
      Ít lâu sau đọc đến câu: ‘Khi dân không còn sợ chết, thì dọa giết dân có ăn thua gì?’ Lúc ấy giang sơn vừa mới chinh phục xong, dân chúng còn ngang ngược, quan quyền còn tham nhũng. Tuy mỗi buổi sáng có đến mười người bị chết chém, nhưng chiều đến vẫn có hàng trăm người bị bắt, vì đại tội. Như vậy chẳng đúng như lời Lão tử sao?
      Trẫm liền thôi không cho chém người có tội nữa mà chỉ bắt họ tù đày mà thôi. Không đầy một năm, lòng Trẫm được bình an dần. Trẫm mới nhận thấy quyển Đạo Đức kinh thực là hay, là căn bản vạn sự, là thầy dạy vua chúa và là kho báu của chúng dân.» [3]


    Như vậy chương này đề cao đức hiếu sinh 好 生
    mà bất kỳ nhà cầm quyền nào cũng phải có.



              
    _______________________________________

    • [1] Trác 斲: đẽo.
                
    • [2] Hi 希: ít.
                
    • [3] Xem Stanislas Julien, La voie et la vertu, chương 74, lời bình.


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 75          
    THAM TỔN 貪 損




    Hán văn:
    • 民 之 飢,
      以 其 上 食 稅 之 多, 是 以 飢.

      民 之 難 治,
      以 其 上之 有 為, 是 以 難 治.

      民 之 輕 死,
      以 其 求 生 之 厚, 是 以 輕 死.

      夫 唯 無 以 生 為 者 是 賢 於 貴 生.

    Phiên âm:
    1. Dân chi cơ,
      dĩ kỳ thượng thực thuế chi đa, thị dĩ cơ.
                
    2. Dân chi nan trị,
      dĩ kỳ thượng chi hữu vi, thị dĩ nan trị.
                
    3. Dân chi khinh tử,
      dĩ kỳ cầu sinh chi hậu, thị dĩ khinh tử.
                
    4. Phù duy vô dĩ sinh vi giả thị hiền ư quí sinh.

    Dịch xuôi:
    1. Dân đói,
      là vì người trên thu thuế nhiều, nên dân mới đói.
                
    2. Dân khó trị,
      là vì người trên dở dói lôi thôi, vì thế nên khó trị.
                
    3. Dân coi thường cái chết,
      chính là vì muốn sống cho rồi rào hậu hĩ, nên mới khinh chết.
                
    4. Người sống đơn sơ hay hơn người sống cầu kỳ.


    Dịch thơ:

    1. Vì đâu dân phải cơ hàn ?
    Người trên sưu thuế đi bòn của dân.
    Sưu cao dân mới phong trần,
    Thuế cao dân mới kém ăn hao gầy.
              
    2. Dân mà ngang ngạnh bài bây,
    Là vì đã bị quát quay quá nhiều.
    Người trên sinh chuyện đến điều,
    Cho nên dân mới đâm liều phá ngang.
              
    3. Dân càng thích sống đàng hoàng,
    Lại càng vong mạng dễ dàng như không.
              
    4. Cho nên ai sống ung dung,
    Hẳn là hơn kẻ lao lung tối ngày.





    BÌNH GIẢNG



    Ý tứ chương này thực rõ ràng.

    1. Trước hết Lão tử cho rằng dân đói, dân khổ
      • không phải tại vì dân lười biếng,
        mà chính vì bị người trên bóc lột bằng sưu thuế.
    2. Nếu người trên
      • không lấy đức trị dân,
        chỉ lấy quyền thế mà ức chế dân, lấy thủ đoạn mà thao túng, lũng đoạn dân,
        dân sẽ căm thù và sẽ trở nên rất khó trị.
    3. Con người càng muốn xa hoa bao nhiêu, thì lại càng dễ liều thân táng mạng bấy nhiêu.
      Tỳ bà hành đã có câu:
      • «Thương nhân trọng lợi, khinh biệt ly,
        商 人 重 利 輕 別 離
        Tiền nguyệt Phù Lương mãi trà khứ.
        前 月 浮 梁 買 茶 去
        Khứ lai giang khẩu thủ không thuyền,
        去 來 江 口 守 空 船
        Nhiễu thuyền minh nguyệt giang thủy hàn.»
        遶 船 明 月 江 水 寒

      Phan Huy Vịnh dịch:
      • «Khách trọng lợi, khinh đường ly cách,
        Mải buôn chè sớm tếch ngàn khơi.
        Thuyền không đỗ bến mặc ai,
        Quanh thuyền trăng dõi, nước trôi lạnh lùng.»
    4. Cho nên sống giản dị không tham cầu, chính là lối sống hay ho nhất, an toàn nhất.



              
    _______________________________________



          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 76          
    GIỚI CƯỜNG 戒 強




    Hán văn:
    • 人 之 生 也 柔 弱,
      其 死 也 堅 強.

      萬 物 草 木 之 生 也 柔 脆,
      其 死 也 枯 槁.


      堅 強 者 死 之 徒,
      柔 弱 者 生 之 徒.

      是 以
      兵 強 則 不 勝,
      木 強 則 折.


      堅 強 處 下,
      柔 弱 處 上.

    Phiên âm:
    1. Nhân chi sinh dã nhu nhược,
      kỳ tử dã kiên cường.
                
    2. Vạn vật thảo mộc chi sinh dã nhu thúy [1]
      kỳ tử dã khô cảo. [2]
                
    3. Cố
      kiên cường giả tử chi đồ,
      nhu nhược giả sinh chi đồ.
                
    4. Thị dĩ
      binh cường tắc bất thắng,
      mộc cường tắc chiết.
                
    5. Cố
      kiên cường xử hạ,
      nhu nhược xử thượng.

    Dịch xuôi:
    1. Con người khi mới sinh thì mềm mại,
      mà khi chết thời cứng cỏi.
                
    2. Vạn vật cỏ cây, khi mới sinh thì mềm mại,
      đến khi chết thì khô héo.
                
    3. Cho nên
      cứng cỏi thời chết,
      mềm mại thời sống.
                
    4. Cho nên
      binh mạnh sẽ không thắng,
      cây mạnh sẽ bị chặt.
                
    5. Cho nên
      cứng cỏi thời kém,
      mềm mại thời hơn.


    Dịch thơ:

    1. Mềm non là dấu sinh tồn,
    Khô khan cứng cỏi là chôn xuống mồ.
              
    2. Kìa cây cỏ nhởn nhơ mềm mại,
    Sống rạt rào thoải mái xanh tươi.
    Rồi ra cứng ngọn khô chồi,
    Xác xơ thôi thế là rồi đời cây.
              
    3. Càng cứng cỏi càng hay táng mạng,
    Càng dịu dàng càng đáng nhiêu sinh.
              
    4. Cho nên chớ ngại hùng binh,
    Hùng binh chưa chắc đã giành phần hơn.
    Cây càng rắn, càng dòn càng gãy,
    (Chịu búa rìu, biết mấy tang thương.)
              
    5. Phàm phu mới cứng, mới cương,
    Dịu dàng mới thực lối đường người trên.





    BÌNH GIẢNG



    Chương này Lão tử dạy chúng ta
    • nên có thái độ dịu dàng uyển chuyển,
      chứ không nên có thái độ cứng cỏi, cố chấp.


    Cây cối có mềm mới non, mới rồi rào sinh lực. Cây cối quắt queo, cứng rắn tức là đã cằn cỗi sắp chết.
    Con người cũng vậy, trẻ thời mềm mại, già thời cứng cỏi.

    Áp dụng định luật này vào đời sống tâm thần, ta cũng thấy y thức như vậy.
    • Cố chấp cứng cỏi là tiêu biểu những tâm hồn cằn cỗi thấp kém.
      Uyển chuyển, khéo léo, dịu dàng là tiêu biểu những tâm hồn cao thượng.




              
    _______________________________________

    • [1] Thúy 脆: yếu.
                
    • [2] Cảo 槁: khô.



          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 77          
    THIÊN ĐẠO 天 道




    Hán văn:
    • 天 之 道, 其 猶 張 弓 與?
      高 者 抑 之, 下 者 舉 之,
      有 餘 者 損 之, 不 足 者 補 之.
      天 之 道, 損 有 餘 而 補 不 足.

      人 之 道 則 不 然,
      損 不 足 以 奉 有 餘.
      孰 能 有 餘 以 奉 天 下?
      唯 有 道 者.

      是 以 聖 人
      為 而 不 恃.
      功 成 而 不 處,
      其 不 欲 見 賢.

    Phiên âm:
    1. Thiên chi Đạo, kỳ do trương cung dư?
      Cao giả ức chi, hạ giả cử chi,
      hữu dư giả tổn chi, bất túc giả bổ chi.
      Thiên chi Đạo, tổn hữu dư nhi bổ bất túc.
                
    2. Nhân chi đạo tắc bất nhiên,
      tổn bất túc nhi phụng hữu dư.
      Thục năng hữu dư dĩ phụng thiên hạ?
      Duy hữu đạo giả.
                
    3. Thị dĩ thánh nhân,
      vi nhi bất thị.
      Công thành nhi bất xử,
      kỳ bất dục kiến hiền.

    Dịch xuôi:
    1. Đạo Trời như dương cung.
      Cao thì ép xuống, thấp thì nâng lên.
      Thừa thì bớt đi, không đủ thì bù vào.
      Đạo Trời bớt dư bù thiếu.
                
    2. Đạo người chẳng vậy,
      bớt thiếu bù dư.
      Ai đem chỗ dư bù đắp cho thiên hạ?
      Phải chăng chỉ có người có Đạo?
                
    3. Cho nên thánh nhân
      làm mà không cậy công.
      Công thành không ở lại;
      không muốn ai thấy tài mình.


    Dịch thơ:

    1. Đạo Trời như thể dương cung,
    Làm căng chỗ thấp, làm chùng chỗ cao.
    Bớt thừa bù thiếu khéo sao,
    Chỗ thêm chỗ bớt tơ hào chẳng sai.
              
    2. Lối người ngược lại lối Trời,
    Luôn bòn chỗ thiếu mang bồi chỗ dư.
    Ấy ai biết lấy chỗ thừa,
    Làm cho thiên hạ ấm no vẹn toàn.
    Của thừa đem giúp thế gian,
    Họa là đắc đạo siêu phàm mấy ai.
              
    3. Cho nên hiền thánh trên đời,
    Tuy làm mà chẳng có đòi công lao.
    Công thành dạ chẳng tơ hào,
    Chẳng mong tiếng cả ngôi cao cho mình.





    BÌNH GIẢNG



    Đường lối của Trời đất là: «Tổn hữu dư. Bổ bất túc.»

    Chủ trương của Đạo Đức kinh cũng tương tự như chủ trương của kinh Dịch.

    • Dịch kinh viết nơi Thoán truyện quẻ Khiêm:
      • «Trời làm vơi chốn dồi dào,
        Mà thêm vào những chỗ nào khiêm cung.
        Đất soi mòn bớt cao phong,
        Mà cho lòng biển lòng sông thêm dầy.
        Quỉ thần hại kẻ no đầy,
        Mà đem phúc lại cho người khiêm cung.» [1]
    • Thoán truyện quẻ Ích cũng viết:
      • «Ích là thêm dưới bớt trên,
        Nhân dân vui vẻ, phỉ nguyền đòi nơi.
        Hạ mình để phục vụ người,
        Lối đường thế ấy, rạng ngời quang minh.»[2]

    Cho nên thánh nhân phải bắt chước trời
              
    bớt chỗ thừa
    thêm chỗ thiếu,

              
    như vậy muôn dân sẽ an lạc.




              
    _______________________________________

    • [1]
      Thoán viết:
      Khiêm, hanh.
      Thiên đạo hạ tế nhi quang minh.
      Địa đạo ti nhi thượng hành.
      Thiên đạo khuy doanh nhi ích khiêm.
      Địa đạo biến doanh nhi lưu khiêm.
      Quỉ thần hại doanh nhi phúc khiêm.
      彖 曰
      謙 亨
      天 道下 濟 而 光 明
      地 道 卑 而 上 行
      天 道 虧 盈 而 益 謙
      地 道 變 盈 而 流 謙
      鬼 神 害 盈 而 福 謙
      Xem Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê, Dịch Kinh Đại Toàn 易 經 大 全, tập II (Thượng Kinh), tr. 212.
                
    • [2]
      Thoán viết:
      Ích.
      Tổn thượng ích hạ.
      Dân duyệt vô cương.
      Tự thượng há hạ.
      Kỳ đạo đại quang.
      彖 曰

      損 上 益 下
      民 說 無 疆
      自 上 下 下
      其 道 大 光
      Xem Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê, Dịch Kinh Đại Toàn tập III (Hạ Kinh), tr. 147.




          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 78          
    NHIỆM TÍN 任 信




    Hán văn:
    • 天 下 莫 柔 弱 於 水,
      而 功 堅 強
      者 莫 之 能 勝,
      以 其 無 以 易 之.

      柔 勝 剛,
      弱 勝 強.
      天 下 莫 不 知,
      莫 能 行.

      是 以 聖 人 云:
      受 國 之 垢,
      能 為 社 稷 主.
      受 國 不 祥,
      能 為 天 下 王.
      正 言 若 反.

    Phiên âm:
    1. Thiên hạ mạc nhu nhược ư thủy,
      nhi công kiên cường
      giả mạc chi năng thắng,
      dĩ kỳ vô dĩ dịch chi.[1]
                
    2. Nhu thắng cương,
      nhược thắng cường.
      Thiên hạ mạc bất tri,[2]
      mạc năng hành.
                
    3. Thị dĩ thánh nhân vân:
      Thụ quốc chi cấu,
      năng vi xã tắc chủ.
      Thụ quốc bất tường,
      năng vi thiên hạ vương.
      Chính ngôn nhược phản.

    Dịch xuôi:
    1. Trong thiên hạ không gì mềm yếu hơn nước;
      thế mà nó lại công phá được tất cả những gì cứng rắn.
      Chẳng chi hơn nó,
      chẳng chi thay thế được nó.
                
    2. Mềm thắng cứng,
      yếu thắng mạnh,
      thiên hạ ai cũng biết thế,
      mà chẳng ai làm được.
                
    3. Cho nên thánh nhân nói:
      «Dám nhận lấy nhơ nhuốc của quốc gia,
      mới có thể làm chủ xã tắc,
      ai dám gánh chịu tai họa của quốc gia,
      mới có thể làm vua thiên hạ.»
      Lời ngay nghe trái tai.


    Dịch thơ:

    1. Nước kia mềm mại mấy mươi,
    Mà chi cứng rắn cũng xoi cũng mòn.
    Trần gian chi dám tranh hơn,
    Trần gian chi dám tính toan thay vì.
              
    2. Mềm này lại thắng cứng kia,
    Yếu đua với khỏe, chiếm bề thượng phong.
    Điều này ai cũng thuộc lòng,
    Mà nào ai biết ra công thi hành.
              
    3. Thánh nhân đã nói phân minh:
    «Dám kham nhục nước âu dành đế vương.
    Giang vai gánh chuyện bất tường,
    Cho dân cho nước, lý đương trị vì.»
    Lời ngay nghe trái tai ghê.





    BÌNH GIẢNG



    Hà Thượng Công gọi chương này là Nhiệm tín. James Legge dịch là «Điều nên tin».



    • Điều nên tin là điều gì?
      Là Bạo lực không bao giờ gây ảnh hưởng lâu dài, bền bỉ,
      mà trái lại chỉ có sự khéo léo mềm mại mới chinh phục được lòng người.


      Thiên nhiên đã chứng minh điều đó.
      Nước là cái gì mềm yếu nhất, uyển chuyển nhất mà thực ra đã xoi mòn được núi non, đã làm tan rã được sắt đá.

      • Lão tử ưa thích sánh thánh nhân với làn nước (xem lại các chương 8, và 66 v. v.) và nhân đó cho rằng khiêm cung, từ tốn nhưng kiên nhẫn, bền bỉ sẽ đem tới một thành công vững vàng.

        Lão tử cũng đã nhiều lần đề cao sự mềm mại, uyển chuyển và cho rằng đây mới là bí quyết để thủ thắng (xem lại các chương 36, 58, 76, v. v.)

        Có lẽ các môn võ thuật của Á Đông sau này như
        • nhu thuật 柔 術 (Jujutsu),
          nhẫn thuật 忍 術 (Ninjutsu);
          nhu đạo 柔 道 (Judo)

        cũng đã chịu ảnh hưởng của Lão tử.
    • Khảo lịch sử ta đã thấy
      • Tần Thủy Hoàng, Hạng Võ, Hốt Tất Liệt không phải là những người làm chủ thiên hạ muôn đời;
      • mà những người làm chủ thiên hạ muôn đời là những Thích Ca, Jesus, Lão tử, Khổng tử. Tất cả những vị giáo chủ này đều chủ trương từ bi, hỉ xả, «thành nhân chi mỹ».
      • Thật đúng là: Nhu thắng cương, nhược thắng cường!
    • Trong chương này Lão tử còn chủ trương rằng:
      • Bậc quân vương lãnh đạo quốc gia
        phải có gan nhận lãnh trách nhiệm về tất cả những chuyện hay dở xảy ra trong nước.
      • Đó cũng chính là thái độ của các vị đế vương xưa.
        Luận Ngữ chép:
        «[Vua Thành Thang khi lên ngôi] khấn với Trời rằng:
        Kẻ tiểu tử này tên Lý mạo muội dùng bò đen mà tế lễ. Dám xin minh cáo với Thượng đế chí tôn rằng:
        • Kẻ có tội, tôi chẳng dám tha;
          người (có tài đức) đáng làm bầy tôi Thượng đế, tôi chẳng dám che dấu (mà chẳng cữ dùng).
          Nếu tôi gây nên tội, (xin phạt một mình tôi), đừng phạt bá tính muôn phương.
          Nếu bá tính muôn phương gây nên tội, cũng xin phạt một mình tôi thôi.» [3]




              
    _______________________________________

    • [1] Dịch 易: thay thế.
      Có bản phiên âm là dị, thiết tưởng không chỉnh, vì dị là dễ.
                
    • [2] Đây tôi theo Hà Thượng Công mà viết Thiên hạ mạc bất tri.

      Phần nhiều các bản Đạo Đức kinh viết là Thiên hạ mạc năng tri,
      nhưng lúc dịch thì lại dịch theo nghĩa của Thiên hạ mạc bất tri (Thiên hạ ai cũng biết).
                
    • [3]
      Viết:
      Dư tiểu tử Lý,
      cảm dụng huyền mẫu,
      cảm chiêu cáo vu hoàng hoàng Hậu Đế:
      hữu tội bất cảm xá.
      Đế thần bất tế, giản tại Đế tâm.
      Trẫm cung hữu tội, vô dĩ vạn phương;
      vạn phương hữu tội, tội tại Trẫm cung.

      予 小 子 履
      敢 用 玄 牡
      敢 昭 告 于 皇 皇 后 帝
      有 罪 不 敢 赦
      帝 臣 不 蔽,簡 在 帝 心
      朕 躬 有 罪 無 以 萬 方
      萬 方 有 罪,罪 在 朕 躬
      Luận Ngữ, Nghiêu viết 堯 曰, chương 20, câu 1.

      Dư tiểu tử 予 小 子Dư nhất nhân 予 一 人 đều là tiếng tự xưng của đế vương cổ đại.
      Đọc Sử Ký 史 記 (Ân bản kỷ 殷 本 紀) ta biết
      • tên vua Thang 湯 là Thiên Ất 天 乙,
        trong bốc từ giáp cốt viết là Đại Ất 大 乙,
        tương truyền vua Thang còn có tên là Lý 履 .

      (Chú thích của Dương Bá Tuấn 楊 伯 峻, Luận Ngữ Dịch Chú 論 語 譯 注, tr. 214)




          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 79          
    NHIỆM KHẾ 任 契




    Hán văn:
    • 和 大 怨, 必 有 餘 怨.
      安 可 以 為 善.

      是 以 聖 人
      執 左 契 而 不 責 於 人.

      有 德 司 契,
      無 德 司 徹.

      天 道 無 親,
      常 與 善 人.

    Phiên âm:
    1. Hòa đại oán, tất hữu dư oán.
      An khả dĩ vi thiện.
                
    2. Thị dĩ thánh nhân,
      chấp tả khế nhi bất trách ư nhân.
                
    3. Hữu đức tư khế,
      vô đức tư triệt.
                
    4. Thiên đạo vô thân.
      Thường dữ thiện nhân.

    Dịch xuôi:
    1. Hòa được oán lớn, vẫn còn oán thừa,
      như thế sao gọi là phải được.
                
    2. Cho nên thánh nhân
      cầm tờ khế ước bên trái, mà không trách người.
                
    3. Kẻ có đức thì thích cho người.
      Kẻ vô đức thì thích đòi người.
                
    4. Thiên đạo không thân ai,
      mà thường gia ân cho người lành.


    Dịch thơ:

    1. Chuốc mua chi lắm oán thù,
    Rồi dàn, rồi xếp, sao cho vuông tròn.
              
    2. Cho nên những đấng thánh nhơn,
    Chẳng hề cầu cạnh, chẳng hờn trách ai.
              
    3. Thánh nhân thích chuyện cho người,
    Phàm phu tục tử ưa đòi, ưa vơ.
              
    4. Trời xanh chẳng có thân sơ,
    Làm lành thời sẽ thưởng cho ơn lành.





    BÌNH GIẢNG



    Chương này rất khó giải; mỗi nhà bình giải bàn một cách, giải một lối.
    Những lời bình giải của tôi nơi đây theo Stanislas Julien;
    • một là vì Stanislas Julien dựa theo các nhà bình giải danh tiếng xưa,
    • hai là vì lời bình có vẻ hữu lý hơn.



    1.
    Trước hết Lão tử khuyên ta đừng nên gây oán, gây thù,
    • một khi đã gây oán gây thù, làm sao mà hàn gắn lại cho hẳn hoi như cũ được.

    Muốn khỏi gây thù oán,
    • phải biết rõ bản tính con người, phải giữ bản tính ấy cho chu toàn,
    • và đừng để cho hoàn cảnh (homme en situation) làm thương tổn đến con người lý tưởng (homme idéal)
    • và như vậy hãy mở lòng mình ra cho rộng rãi, xóa bỏ hết những gì chia rẽ mình với người, cố làm sao thông cảm hoàn toàn được với người.




    2.
    Thánh nhân ưa chiều theo ý người ví như trong một hợp đồng, tờ khế chia thành hai bản, nửa trái người đi vay giữ, nửa phải người cho vay cầm. Khi người cho vay cầm nửa tờ khế bên phải đến đòi nợ, người đi vay đem nửa tờ khế bên trái ra so, nêu hai nửa ăn khớp với nhau, thời lập tức trả nợ, không làm khó dễ điều chi.



    3.
    Người nhân đức, vị thánh nhân bao giờ đối với người cũng sẵn sàng hi sinh, chẳng khác nào như mình mắc nợ đối với người.
    Người không nhân đức y như người đi thâu thuế, lúc nào cũng ráo riết, cay nghiệt với người.

    Chữ Triệt 徹 đây tức là ám chỉ đến phép triệt điền 徹 田 đời nhà Chu.
    Vua cấp ruộng đất cho dân, nhưng bắt dân phải nộp cho nhà vua một phần mười tổng số hoa lợi thu hoạch được, và dĩ nhiên người đi thu thuế, không có nhẹ nhàng với người nộp thuế.

    Có nhà bình giải cho rằng trong câu «Hữu đức tư khế» ta phải hiểu ngầm như «Hữu đức tư tả khế». [1]


    4.
    Thánh nhân làm ơn cho người, sẽ được Trời cao ban cho mọi ơn lành.
    • Đó chẳng phải là Trời tây vị thánh nhân
      mà chính là vì thánh nhân đã tỏ ra xứng đáng hồng ân của Trời.




              
    _______________________________________

    • [1]
      Có nhà bình giải cắt nghĩa «khế» ở đây là hợp, còn «triệt» là chia.
      Ý nói người nhân đức hòa mình với người kém đức mới chia phôi với mình.

      Cắt nghĩa như vậy cũng hay.




          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 80          
    ĐỘC LẬP 獨 立




    Hán văn:
    • 小 國 寡 民.
      使 有 十 伯 之 器
      而 不 用.

      使 民 重 死
      而 不 遠 徙.
      雖 有 舟 輿
      無 所 乘 之.

      雖 有 甲 兵
      無 所 陳 之.

      使 民 復 結 繩
      而 用 之.

      甘 其 食,
      美 其 服,
      安 其 居,
      樂 其 俗.

      鄰 國 相 望.
      雞 犬 之 聲 相 聞.
      民 至 老 死, 不 相 往 來.

    Phiên âm:
    1. Tiểu quốc quả dân,
      sử hữu thập bá chi khí [1]
      nhi bất dụng.
                
    2. Sử dân trọng tử
      nhi bất viễn tỉ.
      Tuy hữu chu dư
      vô sở thừa chi.
                
    3. Tuy hữu giáp binh,
      vô sở trần chi.
                
    4. Sử dân phục kết thằng
      nhi dụng chi.
                
    5. Cam kỳ thực,
      mỹ kỳ phục,
      an kỳ cư,
      lạc kỳ tục.
                
    6. Lân quốc tương vọng.
      Kê khuyển chi thanh tương văn.
      Dân chí lão tử, bất tương vãng lai.

    Dịch xuôi:
    1. Nước nhỏ, dân ít,
      dù có ít nhiều tôi giỏi,
      nhưng chưa cần dùng đến.
                
    2. Dạy dân sợ chết,
      đừng đi xa.
      Tuy có xe thuyền,
      mà chẳng khi dùng.
                
    3. Tuy có giáp binh,
      mà chẳng phô trương.
                
    4. Khiến dân trở lại thắt nút
      mà dùng.
                
    5. Ăn cho là ngon,
      mặc cho là đẹp,
      ở cho là yên,
      sống cho là sướng.
                
    6. Nước gần, thấy nhau,
      gà kêu chó cắn đều nghe,
      dân đến già chết chẳng lui tới nhau.


    Dịch thơ:

    1. Nước ta bé nhỏ, dân thưa,
    Lơ thơ tôi giỏi, ta chưa hề dùng.
              
    2. Dạy dân sợ chết làm lòng,
    Cho nên chẳng dám vẫy vùng phiêu lưu.
    Xe kia, thuyền nọ đìu hiu,
    Nào ai muốn lái, muốn chèo mà chi.
              
    3. Binh kia giáp nọ ủ ê,
    Chẳng hề dở dói đem khoe, đem bày.
              
    4. Dạy dân trở lại thắt dây,
    Sống đời thuần phác, tháng ngày tiêu dao.
              
    5. Ăn thường vẫn tưởng thanh cao,
    Mặc thường, vẫn tưởng bảnh bao chững chàng.
    Ở thường, mà vẫn tưởng sang,
    Sống thường, vẫn tưởng đàng hoàng, đẹp tươi.
              
    6. Lân bang nào cách mấy mươi,
    Gà kêu, chó sủa đôi nơi rõ ràng.
    Tuy rằng gần gũi tấc gang,
    Suốt đời dân chúng nào màng tới lui.





    BÌNH GIẢNG



    Đây là một giấc mơ tiên của Lão tử.
    Lão tử sống vào đời Chu mạt, luôn luôn chứng kiến những cảnh đoạn trường, nhà tan nước nát, tử biệt sinh ly, nên cuối Đạo Đức kinh đã muốn phác họa lại một cảnh thiên đàng nơi trần thế. Cảnh thiên đàng của Lão tử được mường tưởng như là

    • một nước nhỏ bé có những công dân chất phác,
      sống một cuộc sống vô tư, vô cầu,
      chẳng màng đến những tiện nghị của nền văn minh trần thế,
      xe thuyền binh, giáp đều cho vào bảo tàng,
      sống hồn nhiên, ăn ở đạm bạc mà vẫn lấy thế làm sung sướng,
      suốt đời chẳng muốn đi đâu,
      vui trong vui thuần phác của mình.



    Đọc Lão tử đến đây ta học được thêm một bài học mới. Bài học đó là:

    Cái hạnh phúc, cái sung sướng của con người
    thực ra không lệ thuộc vào tiến bộ văn minh vật chất bên ngoài,
    nhưng lại căn cốt ở nơi tâm hồn con người.



    Có một tâm hồn đẹp đẽ, khoáng đạt, biết thưởng thức những cái hay, cái đẹp quanh mình, biết bè bạn cùng những người có những tâm hồn thanh cao, thuần phác như mình; biến được cuộc đời thực tại của mình, thành cuộc đời lý tưởng; rũ bỏ được mọi tần phiền của thế tục; sống một cuộc sống bình dị, vui tươi; hòa hài với tha nhân và vũ trụ. Một đời sống như vậy thực là mơ mộng và siêu thoát.


    Ngày nay sống trong một thế giới hỗn tạp và vật chất

    • nếu chúng ta biết sống vươn vượt lên trên những nỗi lo âu và phiền toái của ngoại cảnh,
    • biết thưởng thức được cái hay cái đẹp của đất trời,
    • biết sống giản dị, đừng để cho lòng dính bén những phù du tục lụy,

    thì chúng ta cũng đã lãnh hội được phần nào tinh hoa của Đạo Đức kinh vậy!



              
    _______________________________________

    • [1]
      Thập bá chi khí
      十 伯 之 器:

      • (1) ít nhiều bầy tôi giỏi (Wieger);
        (2) dẫu có những người giỏi bằng mười, bằng trăm người (Legge);
        (3) dẫu có khí giới đủ cho 10 hay 100 người (Stanislas Julien).




          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 81          
    HIỂN CHẤT 顯 質




    Hán văn:
    • 信 言 不 美.
      美 言 不 信.
      善 者 不 辯.
      辯 者 不 善.
      知 者 不 博.
      博 者 不 知.

      聖 人 不 積.
      既 以 為 人,
      己 愈 有,
      既 以 與 人,
      己 愈 多.
      天 之 道,
      利 而 不 害.
      聖 人 之 道
      為 而 不 爭.

    Phiên âm:
    1. Tín ngôn bất mỹ.
      Mỹ ngôn bất tín.
      Thiện giả bất biện.
      Biện giả bất thiện.
      Tri giả bất bác,
      bác giả bất tri.
                
    2. Thánh nhân bất tích.
      Ký dĩ vi nhân,
      kỷ dũ hữu.
      Ký dĩ dữ nhân,
      kỷ dũ đa.
      Thiên chi đạo,
      lợi nhi bất hại.
      Thánh nhân chi đạo
      vi nhi bất tranh.

    Dịch xuôi:
    1. Lời chân thành không hoa mỹ.
      Lời hoa mỹ không chân thành.
      Người tốt không tranh biện,
      người tranh biện không tốt.
      Người biết không học rộng,
      người học rộng không biết.
                
    2. Thánh nhân không tích trữ.
      Càng vì người,
      mình càng có.
      Càng cho người
      mình càng thêm nhiều.
      Đạo trời
      lợi mà không hại.
      Đạo thánh nhân
      làm mà không tranh.


    Dịch thơ:

    1. Lời ngay giản dị, tầm thường,
    Những lời xảo trá, văn chương mỹ miều.
    Người làm, chẳng biện luận nhiều,
    Khéo chiều biện luận, lắm điều gian ngoan.
    Trí cao chẳng bác, chẳng tham,
    Càng tham bác lắm, là càng ngu si.
              
    2. Thánh nhân chẳng súc tích gì,
    Càng cho càng có, càng chi càng giàu.
    Trời kia nào hại ai đâu,
    Thánh nhân nào có tranh nhau với người.





    BÌNH GIẢNG



    Lời kết luận Đạo Đức kinh của Lão tử thực là đơn sơ, nhưng thực thắm thiết.
    Đại khái Ngài cho rằng:

    • Những lời lẽ trong Đạo Đức kinh này là những lời chân thành phát ra tự tâm linh Ngài.
      Ngài chẳng hề muốn biện luận để mong làm lung lạc lòng người,
      mà cũng chẳng hề có tham khảo đa đoan sách này sách nọ.
      Tất cả đều là kết quả của những suy tư về ý nghĩa cuộc đời, những kinh nghiệm của một đời sống đạo hạnh để hàn huyên cùng chúng ta.
    • Ngài cho rằng Ngài chẳng còn gì giấu giếm chúng ta, và đã phơi bày tâm tư của Ngài với chúng ta trong suốt 81 chương sách.
    • Ngài cho rằng Ngài viết sách này là mong giúp người, chứ chẳng muốn hại ai, vì Ngài đã hoàn toàn theo đường lối của Trời.
    • Ai thích lời Ngài đem dùng cũng hay, ai chẳng ưa lời Ngài bỏ đi cũng được. Ngài hoàn toàn chẳng chấp, tức là đã thoát vòng âm dương tương đối, mà siêu việt lên bình diện tuyệt đối rồi vậy.

Sách khởi đầu bằng chữ Đạo, siêu việt tuyệt vời,
kết thúc bằng hai chữ «bất tranh» để trở về cùng Thái hòa tĩnh lãng.

Thiết tưởng như vậy đã nói lên được tâm tư hoài bão, cốt cách, tinh hoa của đức Lão tử rồi vậy.




          
Đạo Đức Kinh - Lão Tử
道 德 經 - 老 子

____________
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
khảo luận & bình dịch




Lão Tử kỵ ngưu 老 子 騎 牛
(Lão Tử cưỡi trâu)
tranh của Triều Vô Cữu 晁 無 咎 (1053-1110) đời Bắc Tống

          




          
Trả lời

Quay về “Thiên đạo - Nhân đạo”