Tìm về tiếng Việt truyền thống với thầy cô giáo trẻ qua ngôn ngữ, văn hoá, lịch sử

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Tìm về tiếng Việt truyền thống với thầy cô giáo trẻ qua ngôn ngữ, văn hoá, lịch sử

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           



    Tìm về tiếng Việt truyền thống với thầy cô giáo trẻ
    qua ngôn ngữ, văn hoá, lịch sử




    Tác giả đang thuyết trình về chủ đề của Khoá TNSP

    Tác giả soạn bài viết này cho phần Hội thảo Chủ đề của Khoá Tu Nghiệp Sư Phạm (TNSP) kỳ 29 ngày 28-30 tháng Bảy, 2017, do Ban Đại Diện các Trung Tâm Việt Ngữ Miền Nam California tổ chức tại Coastline Community College, thành phố Garden Grove, Quận Cam, Hoa Kỳ. Chủ đề của khoá là “Tiếng Việt Truyền Thống Đối với Thầy Cô Giáo Trẻ.” Khoá có 68 người trong Ban Tổ Chức, 34 giảng viên, và 168 khoá sinh đến từ nhiều nơi tại Hoa Kỳ và Canada, gồm các Thầy Cô đang dạy tiếng Việt tại 35 trường (các trường công lập và các trung tâm Việt Ngữ trong cộng đồng), và 4 cá nhận dạy tại nhà. Bài phát biểu nhắm tới ba việc sau đây: 1. Thử định nghĩa tiếng Việt truyền thống đối với cộng đồng người Việt hải ngoại; 2. Đưa ra một số nhận xét tại sao chúng ta cần tìm về tiếng Việt truyền thống; và 3. Lược qua một số tài liệu giúp quý Thầy Cô tiếp tục phát triển khả năng hiểu biết và sử dụng tiếng Việt truyền thống khi dạy Việt Ngữ. Kính mời quý độc giả theo dõi.

    Trangđài xin trân trọng kính chào quý Thầy Cô.

    Trong phần trình bày của mình, Trangđài xin nhắm tới ba việc sau đây:
    • – Thử định nghĩa tiếng Việt truyền thống đối với cộng đồng người Việt hải ngoại;

      – Đưa ra một số nhận xét tại sao chúng ta cần tìm về tiếng Việt truyền thống; và

      – Lược qua một số tài liệu giúp quý Thầy Cô tiếp tục phát triển khả năng hiểu biết và sử dụng tiếng Việt truyền thống khi dạy Việt Ngữ.
    Kính thưa quý Thầy Cô, với thời gian hạn hẹp, tôi chỉ có thể đưa ra một số định hướng và một vài thí dụ, và mong rằng qua đó, chính quý Thầy Cô sẽ tìm hiểu và rút tỉa thêm cho mình trong việc dạy tiếng Việt truyền thống tại hải ngoại trong thiên niên kỷ thứ ba này. Chủ đề của Khoá TNSP năm nay hướng đến các Thầy Cô giáo trẻ, nên những gợi ý của Trangđài cũng nhắm tới thế hệ này. Trong hội trường hôm nay, có nhiều vị thuộc thế hệ cha mẹ của Trangđài. Con mong rằng những phát biểu của con vẫn có phần nào hữu ích cho quý vị.

    Trước khi trình bày, tôi xin nhấn mạnh một điều: Chính các Thầy Cô là những người hiểu rõ học sinh của mình, và là những người có thể dạy lớp mình tốt nhất. Tuy nhiên, ông bà mình vẫn nhắc nhở: Văn ôn, võ luyện. Trước khi dạy cho các em điều gì thì chính chúng ta cũng phải tự học thêm mỗi ngày. Tôi mong rằng phần trình bày của tôi sẽ giúp quý Thầy Cô một cách cụ thể trong việc trao dồi vốn liếng văn hoá Việt và ngôn ngữ Việt, để nhờ đó, quý Thầy Cô thích thú hơn với việc dạy Việt Ngữ, làm cho lớp học thêm sinh động, và khiến các em mê học và mê tiếng Việt hơn.


    Bàn thờ Tổ Quốc


    I. Thử định nghĩa tiếng Việt truyền thống:


    Tiếng Việt truyền thống là gì? Mỗi chúng ta sẽ có một định nghĩa tuỳ theo kinh nghiệm sống, công việc, và vốn liếng ngôn ngữ. Tôi là một người thuộc thế hệ một rưỡi đã chọn sử dụng tiếng Việt trong học thuật, sáng tác, và giảng dạy ngay trong dòng chính cũng như trong sinh hoạt dấn thân trong hơn hai thập niên qua. Tôi định nghĩa tiếng Việt truyền thống theo hai tiêu chuẩn: trong sáng và thuần tuý.

    A. TRONG SÁNG

    Trong sáng, vì chỉ khi một ngôn ngữ được sử dụng một cách trong sáng, nó mới đạt tới sức mạnh tối đa của nó, và thể hiện căn tính văn hoá và bản sắc ngôn ngữ của nó. Nếu không, nó trở thành một mớ bòng bong, ra sao thì ra, không cần ngữ pháp, không có văn hoá, bèo nhèo và vô nghĩa. Hiện nay, trong nước, có nhiều người nói tiếng Việt một cách mập mờ, khó hiểu: ai muốn nói sao thì nói, ai thích hiểu sao thì hiểu; họ thay đổi vị trí từ ngữ cách tuỳ tiện, bẻ cong văn phạm, và vay mượn từ ngữ nước ngoài một cách vô ý thức. Với cái đà đó, thì tiếng Việt không còn được sử dụng với những trột cụ ngôn ngữ của nó, như văn phạm, cách hành văn, cách phát âm, tư duy văn hoá, vv. Một ngôn ngữ trong hoàn cảnh đó chỉ là một mớ hỗn mang, một đống xà bần, không cấu trúc và không còn là một ngôn ngữ theo những tiêu chuẩn của nhân loại. Một thứ tiếng Việt dở hơi.

    Ngôn ngữ là một thực thể sống và luôn thay đổi theo thời gian. Một ngôn ngữ nếu không thay đổi, thì nó sẽ tự đào thải. Nhưng sự thay đổi nào trong một ngôn ngữ cũng cần phản ánh cấu trúc đã có sẵn vẫn tồn tại qua một thời gian dài và những nguyên tắc vốn tạo nên ngôn ngữ đó. Lấy thí dụ những từ ngữ ngoại quốc trong tiếng Việt. Trong một thế giới toàn cầu hoá và liên văn hoá như hiện nay, việc vay mượn từ ngữ từ các ngôn ngữ khác thì không có gì lạ. Ngay từ thời Pháp thuộc, rất nhiều từ trong tiếng Pháp đã được đưa vào tiếng Việt, được Việt hoá trong cách viết cũng như cách phát âm. Nhưng những từ này được dùng theo đúng văn phạm và được phát âm chính xác nên ta có thể dễ dàng truy ra được từ gốc và hiểu được nghĩa của chúng. Chẳng hạn chữ xà lách, bánh bích quy, ga-lăng, cao-su, xà bông, vv. Đây là điều dễ hiểu, vì Việt Nam luôn là ban công của Thái Bình Dương từ nhiều thế kỷ nay, là một đất nước có vị trí chiến lược quan trọng mà các nước lớn luôn dòm ngó và tìm cách lấn chiếm hay tranh thủ có ảnh hưởng. Hiện nay, người trẻ trong nước tiếp xúc với nhiều văn hoá thế giới qua những người ngoại quốc và Việt kiều đến Việt Nam để làm việc, du lịch, và du học, hay do họ đi du học, du lịch, và làm việc ở nước ngoài rồi trở về nước. Họ mượn nhiều từ ngữ ngoại quốc, nhất là từ tiếng Anh, một cách thoải mái. Nhưng câu hỏi mà tôi thao thức là: những thế hệ trẻ bây giờ có thật sự ‘biết người’ và liệu họ có ‘biết ta’ không? Dân trí Việt Nam đang đứng ở bậc nào, khi mà học sinh viết tiếng Việt không chuẩn, phạm nhiều lỗi chính tả, vay mượn từ ngữ cách khập khễnh từ tứ xứ? Khi nói đến một ngôn ngữ, người ta thường nghĩ đến đất nước của nó. Nhưng chúng ta không thể nhìn về Việt Nam để tìm chuẩn mực cho một tiếng Việt thuần tuý và trong sáng. Tại sao?

    Tôi xin gọi vắn tắt tiếng Việt được sử dụng tại Việt Nam từ 1975 đến nay là tiếng Việt trong nước, để phân biệt với tiếng Việt hải ngoại. Tiếng Việt trong nước có những đặc điểm sau đây:

    • Phi văn hoá, vô dân tộc:
      Tiếng Việt trong nước bị tẩy não sau 30 tháng Tư 1975 và bị nhiễm hai dòng nước đục là chủ nghĩa Mác Lê và học theo ngôn ngữ Trung Cộng. Thứ tiếng Việt này chối bỏ văn hoá Việt, tôn xưng Cộng Sản Quốc Tế, và trở thành công cụ nhồi sọ của nhà cầm quyền Hà Nội.

      Bị quốc hữu hoá: Đối với chữ nghĩa trong nước, nhà cầm quyền có quyền hạn tối thượng trong việc cấp giấy phép xuất bản, và ngay cả việc thu hồi và cấm lưu hành sau khi đã xuất bản. Kiểm duyệt là công cụ để quốc hữu hoá tiếng Việt và làm cho tiếng Việt trở nên nghèo nàn, trống rỗng, bất lực, bị bóp méo. Giống như người dân đã bỏ phiếu bằng chân với 2 triệu người từ Bắc vào Nam năm 1954 và hàng triệu người đã ra đi từ mọi miền đất nước từ 1975 đến nay, một mảng của tiếng Việt trong nước cũng tìm cách vượt biên để đầu thai ra nước ngoài cùng với những tác giả và tác phẩm bị cấm trong nước.

      Bị cầm tù: Không có tự do ngôn luận, không có tự do sáng tác, thì không chỉ con người bị cầm tù, mà ngôn ngữ cũng bị giam cầm. Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm và chính sách kiểm duyệt gắt gao trong mọi lãnh vực sáng tạo đã giết chết bao thế hệ trí thức và nhân sĩ Việt Nam trong nước, vì tác phẩm và tư tưởng của họ không được phổ biến đến độc giả và người dân trong bốn thập niên qua. Không chỉ nước Việt Nam bị cấm vận sau chiến tranh, mà nhà cầm quyền cũng cấm vận chính ngôn ngữ (và văn hoá) của dân tộc. Mùa hè năm 2008, tôi có dịp về Việt Nam để thăm gia đình, và gặp một số nhân văn sĩ. Một nhạc sĩ đã cho tôi biết, ông thật vất vả để cho ra đời tuyển tập các bài hát của mình, vì hai vợ chồng ông phải kiên trì nhiều lần đến xin giấy phép, nhưng ông cán bộ văn hoá xem qua bản thảo rồi phán: “Tôi nghĩ đồng chí nên sửa chữ x thành chữ y thì sẽ hay hơn.” Nhạc sĩ kiên nhẫn nói: “Thưa anh, cám ơn anh đề nghị. Nhưng chữ này thích hợp với nốt nhạc và ý nghĩa câu hát hơn.” Năm lần bảy lượt đến xin giấy phép, mất hơn cả năm trời mà cán bộ văn hoá – vốn không có kiến thức âm nhạc và không sinh hoạt trong lãnh vực này – đã kiên quyết không cho xuất bản vì không đổi lời ca theo ý anh ta. Chính tôi tận tai nghe vợ chồng vị nhạc sĩ kể lại, mà vẫn không thể hiểu nổi, dù biết đó là sự thật, tại sao một chuyện vô lý đến như vậy có thể xảy ra ở thế kỷ 21 ở một đất nước được nhà cầm quyền cho là “độc lập, tự do, hạnh phúc.”

      Bị chính trị hoá: Sau khi miền Nam thất thủ, nhà cầm quyền dùng phong trào cải cách giáo dục để phục vụ mục đích chính trị của Đảng và Nhà Nước. Các sách giáo khoa hoàn toàn bị thay đổi. Nội dung chương trình giáo dục bị chính trị hoá và hậu quả là tiếng Việt trong nước bị kềm hãm, dậm chân tại chỗ, thui chột. Tiếng Việt ‘chính quy’ trong nước trở thành con vẹt, chỉ phát ra những điều mà nhà cầm quyền cho phép qua hệ thống truyền thông quốc doanh và giáo dục quốc doanh. Tôi còn nhớ khi đi học ở Việt Nam, học sinh bị dạy làm luận văn theo công thức. Kết thúc bài viết luôn có câu: “Là học sinh dưới mái trường Xã hội Chủ nghĩa…” Và bài viết càng hô nhiều khẩu hiệu, càng theo đúng chỉ thị của Bộ Giáo Dục, thì càng ‘an toàn’ và được tuyên dương.

      Bị tụt hậu: Nhiều năm trong thời hậu chiến, nhà cầm quyền Việt Nam tự cô lập mình, không cho phép hội họp tại địa phương và hoàn toàn đóng cửa với thế giới, thông tin bị bưng bít và được phổ biến theo chỉ thị. Đến thời kỳ đổi mới từ năm 1986 và kinh tế thị trường mở cửa từ thập niên 90 cho đến nay, nhất là từ khi Tổng thống Bill Clinton tuyên bố xóa bỏ lệnh cấm vận hồi đầu năm 1994, thì Việt Nam mới cựa mình nhìn ra thế giới – và bàng hoàng nhìn thấy một thế giới quá đỗi xa lạ và đã có những tiến bộ hàng nghìn năm ánh sáng. Trong cái tụt hậu đó, tiếng Việt trong nước trở thành bập bẹ, ngớ ngẩn, và ngọng nghịu khi muốn tham gia vào dòng tư tưởng đương đại trên thế giới.

      Bị què quặt, dị dạng: Tiếng Việt này lại chịu sự kìm hãm trong chính sách bưng bít thông tin, không có tự do ngôn luận, và trong một thời gian dài sau 1975, nó ngoi ngóp chết trong một đất nước bị cấm vận và một quê hương bị chính quyền biến thành một cái tù lớn. Trong cái tù hình chữ S đó, tiếng Việt không thể bắt nhịp với thế giới bên ngoài. Khi cánh cửa thông tin được bung ra với chính sách kinh tế thị trường và những mối bang giao mới của Việt Nam hiện nay, tiếng Việt đó lại bị sử dụng một cách cẩu thả; nó chập chững, cố gắng níu lấy những trào lưu tư tưởng mới nhưng tự bản chất một ngôn ngữ bị cầm tù thì còi cọt và không có đủ tư duy để hấp thu những bước tiến nhảy vọt của con người trong thế kỷ 21. Nhiều trí thức trong nước đã liên tục lên tiếng về cái hố giáo dục và sự băng hoại văn hoá, ngôn ngữ trên toàn quốc trong thế hệ trẻ; và chính họ cũng hợp sức để soạn ra những bộ sách giáo khoa thích hợp hơn và cần thiết hơn cho nền giáo dục nước nhà.

      Kệch cỡm: Hiện nay, tiếng Việt trong nước được pha trộn với nhiều thứ tiếng, nhất là tiếng Anh. Về việc vay mượn chữ nghĩa, tôi cho rằng, chỉ nên dùng tiếng ngoại quốc khi một từ không thể được dịch chính xác qua tiếng Việt hay không có từ tương đương trong tiếng Việt. Bây giờ, một số bạn trẻ trong nước hay chêm tiếng Anh vào khi nói chuyện như một cái mốt: “Thanks mày nha!” hay là “Em plan đi du học.” Hai câu này có thể được nói dễ dàng và đơn giản trong tiếng Việt như sau: “Cám ơn mày nha!” và “Em tính đi du học.” Nghe thanh tao và lịch sự hơn. Trên các mạng xã hội thì có các cụm từ: câu view, like mạnh lên nhé, vv. Việc sử dụng những từ ngữ ngoại quốc một cách vô ý thức đã tạo nên một thứ tiếng Việt bèo nhèo, vẩn đục, bát nháo, kệch cỡm. Tôi xin đưa ra hai thí dụ.

      Ví dụ thứ nhất: Có một nhóm tứ tấu, lấy tên là Toxic, nhưng không hề bận tâm đến việc tra tự điển xem từ này được phát âm như thế nào, dù hiện nay, các tự điển trên mạng như Merriam-Webster đều có phần phát âm cho mỗi chữ. Các cô thoải mái lên sâu khấu và giới thiệu mình là ‘Tô-xích.’ Ban Giám Khảo nghe mãi không hiểu, khi hỏi các cô chữ ấy viết như thế nào thì mới vỡ lẽ, là chữ toxic [\ˈtäk-sik\], một tính từ, nghĩa là ‘có độc, độc hại.’ Nhưng chữ ‘toxic’ mà phát âm thành ‘tô-xích’ theo kiểu các cô thì… độc hại thật! Việt không Việt, mà Anh cũng chẳng ra Anh. Do đó, nghe tiếng Việt trong nước bây giờ thật là vất vả vì “không biết đi đàng nào,” nhất là khi người nói phát âm sai ngàn dặm như thế, thì tìm đường về lại từ gốc quả thật gian nan! (Nói theo kiểu trong nước bây giờ: Siêu gian nan!)

      Ví dụ thứ hai: Tôi có dành thời gian theo dõi một số cuộc phỏng vấn trong nước ở nhiều lãnh vực khác nhau, thì thấy việc sử dụng từ ngữ quả thật hơi ‘bị khủng,’ có thể là ‘siêu khủng,’ nếu nói theo kiểu trong nước bây giờ. Chẳng hạn, một cô đã nói về bạn trai của mình thế này, “Anh ấy rất men.” Tôi cố suy nghĩ để hiểu xem cô ấy nói chữ ‘men’ trong ý nghĩa nào trong tiếng Việt: ma men, men bột, men rượu, lên men, men cay, dậy men? Anh ấy rất men – có phải vì anh ấy đang lên men và sắp biến thành rượu? Nếu vậy thì chắc phải mon men đến gần để ngưởi thử xem anh ấy có ‘men’ thật không. Hay là anh ấy sắp phồng lên như bột dậy men? Cố gắng nghe tiếp thì tôi mới biết là cô ấy xen chữ tiếng Anh vào, ý nói anh ấy là người đàn ông có bản lãnh. Tôi bị chậm tiêu là vì cô ấy dùng chữ ‘men’ (“man” trong tiếng Anh) ở đây không đúng, cả về phát âm lẫn văn phạm. Phát âm kiểu này thì tôi xin gọi là ‘phát âm mở,’ vì ai muốn đọc sao thì đọc, kiểu “ma-dê in Việt Nam.” Trong câu này, nếu muốn dùng tiếng Anh, thì cần dùng chữ “manly,” một tính từ, như chữ ga-lăng được Việt hoá từ tiếng Pháp ‘galant’ (xin cẩn thận, đọc theo kiểu ‘phát âm mở’ ở Việt nam bây giờ thì dễ thành gallon trong tiếng Anh). Sau chữ ‘rất’ thì phải dùng tính từ, không thể dùng danh từ. (Tương tự, bây giờ, trong nước ai nấy đua nhau ‘toả sáng,’ nhưng tôi sợ nhất là khi người ta nói ‘rất toả sáng’ vì chữ ‘toả sáng’ là động từ, không thể đi sau chữ ‘rất’ được.) Nếu dịch chữ ‘men’ trong câu này sang tiếng Việt, thì câu này trở thành: Anh ấy rất người đàn ông. Nếu tôi nói, “Thầy hiệu trưởng rất người đàn ông” thì chắc quý Thầy Cô sẽ không hiểu tôi muốn nói gì. Trở lại với câu, “Anh ấy rất men,” thì ta thấy, chỉ trong một câu rất ngắn (trong nước: cực ngắn), nếu người nói dùng chữ sai văn phạm và phát âm sai, thì ta khó biết chữ nào là tiếng Việt, chữ nào là ngoại ngữ, và khó lòng hiểu được ý của câu.
    B. THUẦN TÚY

    Cùng với những phân tích trên, tôi xin trở lại với định nghĩa tiếng Việt truyền thống, và nhấn mạnh rằng, tiếng Việt trong nước thay đổi một cách rất khác biệt với tiếng Việt hải ngoại trong 42 năm qua. Tiếng Việt hải ngoại rất khác với tiếng Việt trong nước ở các điểm căn bản sau đây:
    • Khởi đi từ một thế giới Tự do: Thứ nhất, tiếng Việt truyền thống của người Việt hải ngoại phần lớn được định hình ở miền Nam trước 1975, kết hợp với ảnh hưởng của làn sóng di cư từ miền Bắc vào Nam năm 1954 cũng như từ nhiều miền khác của Việt Nam và vùng Đông Nam Á thời đó. Tôi nói đa phần vì có một số cộng đồng Việt hải ngoại ở Bắc Âu và Đông Âu với đại đa số là người từ miền Bắc đi du học và xuất khẩu lao động đến các nước Cộng Sản hoặc Xã Hội, nên các cộng đồng này dùng một mảng tiếng Việt của miền Bắc dưới ảnh hưởng của chế độ mới. Ngược lại, ở miền Nam, tiếng Việt có giao thoa với văn hoá miền Bắc trước 1975 như của Nhóm Tự Lực Văn Đoàn, và không bị nô lệ hoá bởi ý thức hệ Cộng Sản. Cũng như hơn hai triệu đồng bào đã bỏ phiếu bằng chân phản đối Cộng Sản và đi vào Nam năm 1954, mảng tiếng Việt từ miền Bắc mà họ mang theo đi tìm tự do cũng đã đồng hành với họ và tác động lên tiếng Việt ở miền Nam. Điển hình qua các tác phẩm văn chương tại miền Nam từ giữa thập niên 1950 do các tác giả từ miền Bắc như của cố nhà văn Mai Thảo, diễn đạt niềm khao khát tự do của một người dân Bắc nhưng cùng lý tưởng tự do với con người trên toàn thế giới ở thời đó. Mảng tiếng Việt ‘di cư’ vào Nam 1954 cũng được thở khí trời tự do của vùng ánh sáng miền Nam, và đi vào một lộ trình ngôn ngữ khác hẳn với mảng tiếng Việt ở lại miền Bắc cho đến 1975 và cho đến ngày hôm nay. Mảng tiếng Việt đó hoà nhập vào tiếng Việt truyền thống tại miền Nam, và đã đi tỵ nạn tại hải ngoại vào tháng Tư năm 1975.

      Từ một nền giáo dục khai phóng:
      Từ thập niên 40 cho đến trước ngày miền Nam thất thủ, nền giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa kết hợp giáo dục phương Tây (của Pháp, đến giữa thập niên 1950), ý thức văn hoá dân tộc, và tinh thần giáo dục khai phóng đi vào thực tiễn và ảnh hưởng đại chúng. Nền giáo dục miền Nam trong giai đoạn này nhận được sự hỗ trợ từ UNESCO, UNDP, Hoa Kỳ, Tây Đức, vv, cộng với ảnh hưởng giáo dục của Pháp, nên sinh viên đã được học nhiều ngoại ngữ, các phương pháp học thuật mới, và tư tưởng đương thời. Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa quy định quyền tự do giáo dục của người dân, với phần giáo dục cơ bản có tính cách bắt buộc và miễn phí (chứ không như lối giáo dục nhồi sọ mà lại đòi hỏi đủ thứ lệ phí như trong chương trình cải cách giáo dục sau 1975 mà bản thân tôi phải trải qua đến khi tôi 19 tuổi tại Việt Nam) và một nền giáo dục đại học được tự trị (chứ không phải như kiểu đại học của Đảng sau 1975, sinh viên được tuyển theo lý lịch chứ không theo học lực, bằng cấp được bán mua). Hiến pháp Đệ nhị của Việt Nam Cộng Hòa ngày 1 tháng Tư, 1967, điều 10, Chương II nêu rõ: Nền giáo dục đại học được tự do, tự trị, và phi chính trị; và trong một chừng mực nào đó, Viện Đại học độc lập đối với các đảng phái chính trị, tôn giáo và tự trị đối với chính quyền. Đại hội Quốc Gia Giáo Dục kỳ I năm 1958 hướng triết lý giáo dục đến ba nguyên tắc: Nhân bản, Dân tộc, và Khai phóng (năm 1958 được đổi thành Khoa học). Từ tiểu học, trung học, đến đại học, hệ thống giáo dục Việt Nam Cộng Hoà phát triển song song với một mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập, dân lập và tư thục ở cả ba bậc học, với hệ thống tổ chức quản trị từ trung ương tới địa phương (chứ không như hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa sau 1975, tất cả đều bị chi phối bởi nhà cầm quyền để phục vụ quyền lợi và quyền hành của bộ máy cai trị). Những nhà giáo dục từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa đã đặt giáo dục làm nền tảng cho việc xây dựng quốc gia qua triết lý giáo dục, mục tiêu giáo dục, chương trình học, tài liệu giáo khoa và phương tiện học tập, vai trò của nhà giáo, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học, đánh giá kết quả học tập, và tổ chức quản trị. Với ảnh hưởng của Hoa Kỳ, nền giáo dục miền Nam trong những năm trước khi miền Nam thất thủ đã thiên về giáo dục đại chúng và thực tiễn.

      Trẻ trung và sung mãn:
      Trong nền giáo dục khai phóng đó, người trẻ tại miền Nam thời bấy giờ có nhiều thuận lợi trong học vấn, phát triển tri thức, mở rộng tư tưởng, và xây dựng xã hội. Xã hội công dân và xã hội dân sự được mở rộng, sinh hoạt thanh niên sinh viên bừng nở với các phong trào và tổ chức thanh niên sinh viên như Du Ca, Thanh Sinh Công, Quán Văn, vv, sáng tạo văn học nghệ thuật nở rộ, và tiếng Việt có được một sức sống mới, vừa duy trì bản sắc văn hoá, vừa đi kịp văn minh hiện đại.

      Thoát thai từ những giao thoa với nền văn minh Tây phương và công cuộc tranh đấu cho nước nhà: Nhiều thức giả và người yêu nước từ đầu thế kỷ 20 của Việt Nam có ảnh hưởng sâu đậm trên tiếng Việt, qua chính hoạt động vì tự do cho dân tộc cũng như cho việc phát triển chữ quốc ngữ và xây dựng một quốc gia Việt Nam mới, khi đất nước đã có một vận hội mới để được độc lập và duy tân nhưng lại bị dang dở vì Việt Minh cướp chính quyền và bẻ cong lịch sử, sau khi chính quyền Trần Trọng Kim khi Việt Nam tuyên bố độc lập lần đầu tiên ngày 17 tháng 4 năm 1945. Một số học giả, chí sĩ trong giai đoạn lịch sử này gồm có Phạm Quỳnh (1892-1945), Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Phan Bội Châu (1867-1940), Phan Chu Trinh (1872-1926), Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), Lương Văn Can (1854-1927), vv. Họ đã thành lập và định hình những tờ báo giấy tiếng Việt đầu tiên tại Việt Nam, song song với phong trào báo chí tại Đông Nam Á và trên thế giới thời đó. Ở đầu thế kỷ 20, báo chí tại Việt Nam, tuy vẫn chịu những khuôn khổ pháp lý của thực dân, đã tạo ra một không gian chung để những nhà yêu nước gặp gỡ và hành động. Những nhà hoạt động này cũng sáng tác hững áng văn chương yêu nước, thúc đẩy thanh niên dấn thân cho giống nòi.

      Phản ánh kinh nghiệm di dân và tỵ nạn: Với làn sóng tỵ nạn và di dân từ tháng Năm 1975, tiếng Việt hải ngoại gắn liền với đời sống hằng ngày của người Việt tỵ nạn, và phong trào Việt Ngữ là mạch sống sung mãn nhất và xuyên suốt nhất vì nó chạm đến mọi lãnh vực xã hội. Trong bài phát biểu chủ đề “TIẾNG VIỆT, QUÊ HƯƠNG GIỮA THẾ GIỚI: 40 Năm Tiếng Việt Hải Ngoại” tại Khoá TNSP thứ 27 hồi hè năm 2015, tôi có nhấn mạnh: Bản thân tôi đã được học lại tiếng mẹ đẻ ở tuổi 19 khi định cư tại Quận Cam, nơi mà tiếng Việt không bị bó rọ và nhồi sọ như trong nước. Vì vậy, tôi luôn mang tâm tình biết ơn đối với những thế hệ đi trước, đã gầy dựng lại vốn liếng văn hoá ngôn ngữ giữa những ngỡ ngàng ban đầu trên xứ người, và cho phép những thế hệ cháu con tìm lại được một quê hương thật sự trong chính tiếng Việt thân yêu. Trong bài nghiên cứu có tựa đề “Articulating Refug-endity” đăng trên báo Journal of Southeast Asian American Education and Advancement được xuất bản năm 2015, tôi đã lập luận rằng, trong bốn mươi năm qua: tiếng Việt là nơi quy tụ của cộng đồng người Việt hải ngoại. Người ta thường nghĩ về một nơi chốn khi nói đến điểm gặp gỡ. Nhưng tôi cho rằng, tiếng Việt mến yêu chính là không gian cụ thể nhất để chúng ta gặp gỡ nhau, liên đới với nhau, và xây dựng một cộng đồng hải ngoại. Trên bình diện cộng đồng, tiếng Việt không chỉ là một không gian chung, mà còn là điểm gặp duy nhất giúp tạo nên sự hợp nhất văn hoá. Bởi vì, người Việt hải ngoại thuộc mọi lãnh vực xã hội, mọi ngành nghề, mọi giới, mọi tôn giáo, đều sử dụng tiếng Việt và cùng muốn duy trì và phát triển tiếng Việt. Thật vậy, tiếng Việt đi vào mọi mặt của đời sống, là mạch chính, chảy xuyên suốt qua mọi lãnh vực, từ kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, tâm linh, đến giáo dục trong bất cứ cộng đồng gốc Việt nào trên thế giới. Hơn nữa, tiếng Việt còn là mối dây liên kết người Việt hải ngoại trên toàn cầu với nhau. Tiếng Việt không chỉ là mạch chính trong từng cộng đồng địa phương, mà cũng là mạch chính chảy giữa những cộng đồng người Việt hải ngoại trên khắp năm châu, và giúp nối kết các cộng đồng này với nhau. Do đó, tiếng Việt ở thế kỷ 21 và trong một thế giới Việt hải ngoại là căn tính văn hoá nổi trội nhất, vì tiếng Việt chứa đựng không chỉ văn hoá Việt, mà cả lịch sử Việt cận đại, nhất là lịch sử tỵ nạn và di dân của khối người Việt ở ngoài Việt Nam kể từ 1975.

      Hướng về cội nguồn, dân tộc: Tiếng Việt hải ngoại phản ánh văn hoá Việt Nam và niềm thao thức về quê hương, dân tộc, nhất là trong hoàn cảnh tha hương và tâm thức tỵ nạn. Tâm tư này được thể hiện rất rõ trong các sáng tác văn hoá nghệ thuật tại hải ngoại, từ văn chương đến hội hoạ đến nghệ thuật trình diễn. Từ cuối thập niên 1970s đến giữa thập niên 1990s, việc phát hành những ấn phẩm của các sáng tác từ các văn nghệ sĩ người Việt tỵ nạn đã bừng nở, nhất là tại Quận Cam, California. Những ấn phẩm này vừa cũ vừa mới – được viết và xuất bản trước và sau 1975 – bởi những người Việt tỵ nạn đã định cư tại Hoa Kỳ và các nơi khác, cũng như bởi những ai vẫn còn đang cố gắng thoát khỏi Việt Nam. Với sự bùng nổ của truyền thông trên mạng vào đầu thập niên 2000s ngay sau bong bóng .com bị nổ năm 1997, những trang và tạp chí văn chương trên mạng phát triển mạnh, và giúp tăng thêm sự nối kết giữa tác giả và độc giả tiếng Việt khắp nơi trên thế giới. Thế giới văn chương Việt tại Hoa Kỳ – vốn đã đóng vai trò tiên phong trong cộng đồng Việt hải ngoại – lại trở nên toàn cầu hơn với mạng điện toán. Ngày nay, cõi văn chương của người Việt tại hải ngoại càng đa dạng và đa ngữ, với tiếng Việt – tuy không còn đóng vai trò độc tôn – nhưng vẫn là điểm tham khảo văn hoá và một nguồn cảm hứng. Khi tìm đến những nghệ sĩ và tác giả gốc Việt thế hệ ngoại biên (‘ngoại biên’ là chữ tôi dùng để chỉ những người Việt sinh trưởng tại hải ngoại), vốn không sử dụng tiếng Việt là chính, và cách họ vật lộn với tiếng mẹ đẻ: một là dùng nó trong sáng tạo, hoặc là kính ngưỡng nó như một cái gì rất thiêng liêng và không dám dùng đến. Với chiều hướng nào đi nữa, những thế hệ trẻ cho thấy một sự nối tiếp rất uẩn áo và/hoặc trực tiếp của kinh nghiệm di dân. Dù có chủ đích hay không, tác phẩm của họ là một cách tỏ lòng tri mộ đối với những người cầm bút thuộc thế hệ tỵ nạn, những người đã dùng tác phẩm của mình để tạo nên những định nghĩa đầu tiên cho căn tính di dân (mà tôi gọi là refug-endity) trên quê hương Việt-Mỹ và trên thế giới. Sự tiếp nối này diễn đạt cách hùng hồn mối tương quan liên thế hệ của văn chương di dân, không như học thuật truyền thống vẫn cho rằng bị đứt khúc và phân chia giữa thế hệ di dân và thế hệ ngoại biên. Ở đây, tôi cho rằng những nghệ sĩ gốc Việt tại hải ngoại ‘đi hai hàng’ – một cách đi phức tạp – giữa những lằn ranh thế hệ, khi họ đặt câu hỏi về quá khứ và di sản của mình để mặc lấy một vai trò chủ động trong việc đưa ra những cơ hội mới và để làm mới cách định nghĩa refug-endity. Sau bốn mươi năm cộng đồng Việt Nam hải ngoại định hình, nhiều thế hệ nghệ sĩ gốc Việt đáp lại tiếng gọi sáng tạo và tận hiến cho việc ghi lại kinh nghiệm của mình qua nghệ thuật, và qua đó, giúp tiếp tục những biểu hiện, tìm kiếm, và xiển dương kinh nghiệm của người Việt hải ngoại – một di sản được trao truyền lại cho các thế hệ tương lai để giúp họ gắn bó với nguồn gốc. (Xin độc giả xem thêm về phần này trong b2i chuyên đề: “Biểu Đạt Căn Tính Di Dân trên Quê Hương Việt-Mỹ và tại Hải Ngoại 1975-2015:Từ Những Tự Phát Sắc Tộc đến Thể Hiện Toàn Cầu”)

      Linh động và song hành với thời đại: Thứ tư, tiếng Việt hải ngoại đi cùng với bước tiến của nhân loại, vì được sống ngay trong thế giới tự do, luôn tương tác với những nền văn minh và thay đổi trên thế giới. Tiếng Việt hải ngoại ở trong tư thế mở rộng, cọ xát với văn hoá và ngôn ngữ trên thế giới ở từng địa phương. Không những tiếng Việt hải ngoại được duy trì, mà còn được phát huy, và tiếp tục đóng góp vào tư duy thế giới.
    Vậy, tiếng Việt như thế nào là thuần tuý? Chúng ta thường nghe các nhà hàng quảng cáo về thức ăn: “Nhà hàng chúng tôi phục vụ chính gốc phở Bắc,” hay là “Tiệm chúng tôi nấu đúng hương vị Hủ Tiếu Mỹ Tho,” vv. Chúng ta có thể dựa trên những gia vị và vật liệu được dùng để nấu một món ăn để đánh giá một món ăn có thuần tuý theo quê gốc của nó hay không. Nhưng quan trọng hơn cả là cách nấu. Vậy một ngôn ngữ như thế nào thì được gọi là thuần tuý? Tôi cho rằng, một tiếng Việt thuần tuý thì toả hương văn hoá Việt và thể hiện nếp sống Việt, khi tiếng Việt được dùng đúng cách và đúng văn hoá. Tôi xin đưa ra hai thí dụ.

    Xin hỏi quý Thầy Cô, chữ ‘bus’ trong tiếng Anh, nên được dịch là xe đò, hay xe buýt? Cả hai chữ đều đúng hết, nhưng nên được chọn tuỳ theo hoàn cảnh. Chữ ‘xe đò’ gợi cho tôi hình ảnh những chuyến xe miền Tây của những năm hậu chiến, hành khách chen chúc đứng ngồi, xe đạp và hành lý chất chổng chơ trên mui, anh lơ xe đứng ở cửa xe, một tay bấu lấy thành cửa, một tay lướt gió, luôn miệng gọi tên mỗi chỗ xe đậu lại để đón khách, “Ngã Ba Thạnh Trị đi, bà con ơi! Cầu Nổi tới liền, bà con ơi!” Nên nếu quý Thầy Cô để ý thì ở Mỹ tuy xe đò có hiện đại và tiện nghị hơn nhiều, và không có anh lơ xe đứng thả người bên hông xe vì phạm luật an toàn giao thông, nhưng người ta vẫn quen dùng chữ xe đò khi nói đến những tuyến xe chở hành khách giữa các thành phố có đông người Việt sinh sống, như “Xe đò Hoàng” đi từ San Jose qua Wesminster đến San Diego chẳng hạn. “Xe đò Hoàng” nghe dân dã, bình dị, gần gũi, quen thuộc. “Xe buýt Hoàng” nghe không suông lắm! Cho nên cái tên “Xe đò Hoàng” không chỉ là tiếng Việt, mà khi chúng ta đi từ San Jose về Quận Cam, đi “Xe đò Hoàng” sẽ là một kinh nghiệm khác hẳn so với đi “Mega Bus” hay một phương tiện giao thông khác. 12 năm trước, khi còn mót chữ ở Đại học Stanford, tôi cũng đón Xe đò Hoàng về thăm nhà cuối tuần. Chuyến xe đó là một thế giới Việt thu nhỏ, nối liền với nhịp sống của một cộng đồng tỵ nạn: hành khách người Việt, tài xế người Việt, được nghe nhạc Việt, và bến đi lẫn bến đỗ đều là những khu sinh hoạt của người Việt như khu Tully Road ở San Jose và khu chợ ABC ở Westminster. Nhưng nổi bật nhất, theo tôi, là ngôn ngữ được sử dụng trên xe. Hành khách nói tiếng Việt, kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện trên đời: chuyện nhà chuyện cửa, chuyện vui chuyện buồn, chuyện xưa chuyện nay, chuyện Việt Nam chuyện ở Mỹ ở Úc, và ở bất cứ nơi nào có họ hàng thân thuộc đang sinh sống. Những câu chuyện này phản ảnh những tân toan đời thường, những tâm tư chung của những người sống đời một cảnh hai quê. Những hương vị Da Vàng.

    Bây giờ, cũng chữ ‘bus,’ nhưng chúng ta dịch thử chữ ‘school bus.’ Ở Việt Nam không có xe buýt đưa đón học sinh, nên tôi dịch chữ ‘school bus’ là xe buýt chở học sinh, thay vì ‘xe đò chở học sinh.’ Như vậy, hai chữ ‘xe đò’ và ‘xe buýt’ tuy cùng một chữ ‘bus’ trong tiếng Anh, nhưng được dùng tuỳ theo hoàn cảnh và phản ánh nếp sống hằng ngày của người Việt. Tương tự như vậy, chúng ta nên dịch chữ ‘plastic’ là nhựa, mủ, hay cao-su? Cả ba chữ đều đồng nghĩa, nhưng chữ ‘mũ’ thường được dùng trong Nam. Đối với tôi, chữ cao-su được phiên âm từ tiếng Pháp (caoutchouc), nên nó gợi nhớ 100 năm đô hộ (1867-1945), và thích hợp hơn hai từ kia trong những đề tài liên quan đến giai đoạn lịch sử này.

    Tôi phân tích việc chọn từ ngữ khi dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt vì tôi thiết nghĩ, các Thầy Cô trẻ thường phải đối diện với việc chuyển ngữ khi dạy tiếng Việt, vì có lẽ các Thầy Cô sinh trưởng ở Mỹ, nên thông thạo tiếng Anh hơn. Như chữ ‘shell’ trong tiếng Anh, dịch ra tiếng Việt là “cái vỏ,” nhưng cho con rùa, thì là cái ‘mai.’ Từ thập niên 90, tôi đã dùng tiếng Việt song song với tiếng Anh trong việc nghiên cứu về cộng đồng người Việt hải ngoại ở nhiều nơi trên thế giới, cũng như trong sáng tác văn chương. Chuyển ngữ không phải là một việc dễ dàng. Ngay cả khi tôi viết phần tiếng Việt cho một bài thơ hay bài nghiên cứu tôi đã sáng tác bằng tiếng Anh, thì tôi phải đi vào cả một quá trình sáng tạo mới, vì mỗi ngôn ngữ hành xử theo một cách riêng, phải dịch thoát ý và theo văn cảnh, làm sao để chuyển tải được cái hồn cái ý chứ không thể dịch từng chữ được, nếu không thì nội dung sẽ bị tam sao thất bổn, ‘lost in translation,’ theo kiểu “No Star Where – Không Sao Đâu.”

    Vài năm trước, khi soạn một quyển sách tập đọc cho chương trình song ngữ Anh Việt tại các trường công lập ở Hoa Kỳ, tôi thấy rằng việc chuyển ngữ các từ ngữ thường ngày từ tiếng Anh sang tiếng Việt là cần thiết, nhất là cho các chương trình song ngữ Anh Việt. Nếu không, một quyển tập đọc cho cấp Mẫu Giáo có thể lâm vào tình trạng treo đầu dê mà bán thịt chó – tựa thì tiếng Việt, nhưng chữ toàn tiếng Anh. Chẳng hạn như đề tài sân chơi – playground. Có nhiều cái tôi chưa bao giờ thấy khi lớn lên ở Việt Nam. Cầu tuột, xích đu là những vật quen thuộc. Nhưng còn những vật như monkey bar (tôi dịch là “thanh đu tay”), rồi cái loa nói điện thoại nối ống ngầm dưới đất, cái windglider (tạm dịch: “ghế lướt gió/xích đu gió”), cái animal bouncer (“ghế thú nhún”), vv. Trong trường hợp này, chúng ta bắt buộc phải dịch vì nếu không dịch thì phần lớn các chữ trong sách sẽ là tiếng Anh. Nhưng dịch làm sao cho thoát ý và hợp hoàn cảnh nữa. Hình ảnh minh hoạ sẽ là một trợ tá đắc lực trong trường hợp này, nhưng tựu trung thì chúng ta vẫn phải tìm cách diễn đạt những danh từ này trong tiếng Việt.

    Hơn nữa, chuyển ngữ là cái việc chèo đò đưa ý tưởng giữa hai bờ sông Anh-Việt, mà đôi khi, chèo mãi cũng không tới bờ bên kia. Đối với tôi, chúng ta không thể nào chuyển ngữ được những chữ nói lên giá trị văn hoá Việt Nam, như: hiếu thảo, cái tâm, chữ đức, ngoan, lành, đạt, thành nhân, sinh thành dưỡng dục, nhân lễ nghĩa trí tín, hoà thuận, về quê, nơi chôn nhau cắt rốn, vv. Những chữ hay cụm từ này phản ánh triết lý Việt và được thể hiện qua nếp sống bao đời của người dân Việt. Khi những chữ này nằm trong ca dao tục ngữ, trong túi khôn dân gian, thì lại càng khó diễn đạt hết ý nghĩa và mỹ từ pháp trong một ngôn ngữ khác, vì nó gắn liền với cảm nghiệm trong quan hệ con người và xã hội. Ví dụ: Ở hiền gặp lành; Thành nhân hơn là thành công; vv.


    Quý Thầy Cô đang theo dõi bài diễn thuyết


    II. Các lý do ngôn ngữ, văn hoá, và lịch sử khiến chúng ta cần tìm về tiếng Việt truyền thống:

    Ngôn ngữ:

    Tiếng Việt trong nước bị nhiễm độc ở nhiều hình thức, nhất là bị nhiễm phong cách của nhà cầm quyền vốn luôn hô khẩu hiệu, cường điệu, đánh bóng, dối trá. Từ đó, cách nói tiếng Việt trong nước hiện nay thường mang tính bốc phét, dễ khiến người nghe và người nói lên tăng xông. Hơn nữa, vì người dân quá bất mãn với nhà cầm quyền, văn hoá chưởi trở thành thường lệ, người ta chưởi chính quyền quen miệng nên việc nói và viết cũng nhuốm màu chưởi bới, giễu cợt. Trong cái tù lớn mang tên Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, tù nhân mỗi ngày chưởi những tên cai tù đã hút máu và dồn ép họ. Cái chưởi đã trở thành lệ, người ta không nhận ra mình đang dùng một thứ ngôn ngữ thiếu thanh lịch và thiếu nhân cách nữa. “Tiên học lễ, hậu học văn” không còn ý nghĩa gì trong một đất nước bị kềm kẹp bởi một đảng cướp độc tài và bất tài. Tiếng Việt không phải là một di sản bất biến. Người ta dễ dàng thấy cá chết đầy biển, đầy sông, nhưng có mấy người nhìn ra được dòng sông tiếng Việt bị nhiễm độc, những thảm hoạ Formosa chữ nghĩa, mà biết phải làm sao để khử độc và mang dòng sông ấy về lại thâm thuý tinh hoa sáng tạo?

    Tiếng Việt mà chúng ta dạy cho các em là tiếng Việt hải ngoại, một tiếng Việt có nền tảng như đã nêu trên và được phát triển theo lịch sử định hình của các cộng đồng người Việt trên thế giới. Chúng ta cần lưu ý những từ ngữ phản ánh kinh nghiệm của người Việt hải ngoại: thuyền nhân, tỵ nạn, lưu vong, cộng đồng, bảo lãnh, định cư, hội nhập, thi quốc tịch, thế hệ di dân, Quận Cam, Tiểu Saigon/Little Saigon, vv. Đây là những từ khoá, hợp thành một thứ index của cộng đồng da vàng. Mùa hè năm 2005, tôi có đến nghiên cứu về người Việt ở Warsaw, thủ đô của Ba Lan, và phỏng vấn cô Tôn Vân Anh, một người tranh đấu cho dân chủ đã nhiều năm. Điều đầu tiên cô nhắc đến trong cuộc phỏng vấn là khi lớn lên ở ngoài Bắc, cô không hề nghe đến hai chữ ‘thuyền nhân,’ cho đến khi cô ra nước ngoài. Nhưng không chỉ có những người trẻ sống trong nước mới không biết đến hai chữ thuyền nhân. Có những người trẻ sinh trưởng tại hải ngoại cũng mơ hồ về hai chữ thuyền nhân và những từ khoá khác trong lịch sử cộng đồng Việt hải ngoại. Đó là do khoảng cách thế hệ.

    Khoảng cách thế hệ luôn hiện diện trong mọi xã hội, nhưng khoảng cách đó càng sâu sắc hơn trong các cộng đồng di dân. Vào tháng 8 năm 2002, tôi có dịp nói về đề tài này trong một chương trình hội thảo tại Nhật báo Viễn Đông (Westminster, CA) ở Little Saigon, Quận Cam. Tựa đề bài phát biểu của tôi là: “Bài toán thế hệ: Nối kết các thế hệ Việt Mỹ.” Ở đây, tôi không chỉ dừng lại ở khoảng cách thế hệ, mà đưa ra một số đề nghị để giúp cho các thế hệ đến gần với nhau hơn. Tôi đã nhấn mạnh: khả năng sử dụng tiếng Việt, và việc chia sẻ kinh nghiệm sống trong gia đình là hai yếu tố giúp nối kết thế hệ di dân với con cháu của họ. Hơn nữa, những thế hệ sinh sau 1975 và lớn lên ở Việt Nam cần được hướng dẫn để tìm về với tiếng Việt truyền thống. Chính bản thân tôi cũng tự ý thức là mình cần học tiếng Việt khi định cư tại Mỹ, dù lúc đó tôi đã 19 tuổi, và đã sống tại hải ngoại được 23 năm tính đến ngày hôm nay. Tiếng Việt là một ngôn ngữ mà tôi học bốn mươi mấy năm rồi vẫn chưa thạo. Sau Tết Nguyên Đán năm ngoái 2016, tôi có hướng dẫn một chương trình tập huấn cho các Thầy Cô của một trường Việt Ngữ tại Garden Grove. Sau 28 năm, trường có hơn 400 em học sinh tuy mỗi năm đều phải từ chối hơn phân nửa số học sinh ghi danh vì thiếu phòng học. Một thầy giáo trẻ định cư ở Mỹ được vài năm đã hỏi tôi: Làm sao để phân biệt từ ngữ sử dụng trước và sau 1975, và làm cách nào để dùng từ ngữ cho thích hợp? Tôi nghĩ, đây cũng là mối quan tâm của rất nhiều người, không chỉ những chiến sĩ Việt Ngữ, mà của cả cộng đồng hải ngoại và nhất là những người làm công việc văn hoá, tư tưởng, và đấu tranh. Câu trả lời nằm trong phần 3 của bài này.

    Văn hoá:

    Tìm về với tiếng Việt truyền thống, là tìm về với văn hoá cội nguồn của dân tộc, một văn hoá không bị vấy bẩn bởi những chủ thuyết độc tài, phi nhân bản, phản sắc tộc. Và ngôn ngữ không chỉ là chuyện đọc nghe nói viết. Ngôn ngữ là linh hồn của văn hoá. Khi sử dụng ngôn ngữ nào, chúng ta cần thấm nhuần văn hoá đó và thể hiện văn hoá đó trong cách diễn đạt của mình. Có người nhận xét tôi là hai người khác nhau khi tôi nói tiếng Anh hoặc tiếng Việt. Còn chồng tôi nhận xét là khi tôi nói tiếng Pháp, thì môi của tôi cong một cách bất thường. Nên tôi tự hứa với mình là sẽ không nói tiếng Pháp ở nơi công cộng ☺. Tôi xin đưa ra một thí dụ về tương quan giữa văn hoá và ngôn ngữ.

    Ba năm trước, một cô giáo trẻ trong Ban Vận Động cho chương trình song ngữ Anh Việt VELI tại Học Khu Garden Grove có nhờ tôi xem lại và hiệu đính một thông cáo báo chí, và giúp phổ biến thông cáo này đến một số cơ sở truyền thông Việt ngữ trong vùng. Thông cáo được bắt đầu với ba chữ “For Immediate Release,” và trong bản tiếng Việt được ghi là “Phổ Biến Ngay.” Tôi đã thêm vào chữ “Xin” vì trong tiếng Việt, cách nói rất quan trọng. Chữ “Xin” đó vừa tao nhã, nhẹ nhàng, lịch sự, và nó thể hiện tư duy ‘tiên học lễ, hậu học văn’ của người Việt. Tương tự, khi ra một bài tập cho các em, chúng ta không thể nói lấp lửng: “Điền vào chỗ trống” (như “Fill in the blank” trong tiếng Anh) mà cần nói “Em hãy điền vào chỗ trống.” Ở nhà, tôi hay dặn các con tôi, “Cái chữ “Dạ” đắt đỏ lắm, con đừng bao giờ làm mất nó!” Những điểm tưởng nhỏ nhặt này thật ra không nhỏ, mà nó nói lên sự dị biệt trong hai nền văn hoá và hai ngôn ngữ Mỹ-Việt. Văn hoá Việt Nam mang tính tương quan (relational), được thể hiện rõ nét qua cách xưng hô: mẹ/con, chị/em, vợ/chồng, bà/cháu, vv, phản ánh cái lễ nghĩa của người Việt.

    Hơn nữa, tiếng Việt hải ngoại phản ánh nền văn hoá Việt với những thích ứng theo xã hội chủ lưu, nhưng vẫn giữ một số nét bất biến (salient) của nó. Tháng Ba năm 2005, tôi phỏng vấn cô Phạm Thị Hà Thu, lúc đó còn là một nữ sinh trung học, được sinh ra và lớn lên tại Berlin. Bố của cô du học từ Hà Nội qua Đông Đức, và Mẹ cô đi xuất khẩu lao động từ thời 80. Khi tôi hỏi điều gì làm cho Hà Thu cảm thấy mình là người Việt, thì cô đã trả lời, “Trong nhà cháu có bàn thờ tổ tiên.” Đạo thờ kính ông bà là một trong những rường cột văn hoá của người Việt. Về mặt thích ứng, nền văn hoá Việt cọ xát với nền văn hoá địa phương và dẫn đến một sự kết hợp cần thiết, nhưng cũng có những lấn cấn bắt buộc. Tôi thấy ở Mỹ, ít ai còn nói, ‘Thương cho roi, cho vọt,’ vì luật pháp cấm đánh người, cho dù mục đích là giáo dục hay kỷ luật. Quá trình cọ xát và điều chỉnh đó giúp cho văn hoá Việt có những thay đổi thích hợp với xã hội chủ lưu và ở nhiều mặt, được tự hoàn thiện. Tôi thích nhưng không dám hát bài này: “Cùng nhau đến ngõ ông trời, cùng nhau kêu ca đôi lời, Bao nhiêu em hay quấy, bao nhiêu em hay vòi, khiến trời phạt mười roi,” vì sợ ông trời sẽ bị kiện ra toà vì tội hành hung trẻ con. Một người chỉ nhận ra văn hoá của mình một cách rõ rệt nhất khi người đó sống trong một môi trường văn hoá khác. Tà áo dài Việt Nam khi đứng một mình, sẽ cho thấy vẻ đẹp và nét đặc thù của nó. Nhưng khi áo dài đứng chung với kimono của Nhật, với xà rông của Lào, với sari của Ấn Độ, hay với Busuuti của Buganda (thuộc Uganda), thì sự khác biệt và vẻ đẹp độc nhất vô nhị của áo dài sẽ được tăng lên và rõ nét hơn.



    Năm cô gái trẻ – 1973
    Mai Trung Thứ (1906-1980)

    Lịch sử:

    Tìm về với tiếng Việt truyền thống tại hải ngoại, là nhận chân lịch sử di dân tỵ nạn, và đón nhận một di sản dồi dào phong phú đến từ một xã hội dân chủ tiến bộ của nước Việt Nam Cộng Hoà và một nền giáo dục khai phóng trước 1975. Điều này sẽ giúp các Thầy Cô giáo trẻ hiểu rõ về chính cộng đồng mình, chính gia đình mình, và chính bản thân mình hơn. Tìm về tiếng Việt truyền thống sẽ giúp các Thầy Cô giáo trẻ bắt được mạch lịch sử của khối người Việt hải ngoại trên thế giới. Đây là một việc cần thiết và cấp thiết. Tại sao? Vì chính lịch sử cá nhân và lịch sử cộng đồng đó góp phần cho mỗi chúng ta phát triển nhân diện và căn tính văn hoá của mình.

    Việc tìm về với lịch sử cộng đồng lại càng trở nên cần thiết cho các Thầy Cô giáo trẻ khi chúng ta nhìn lại việc một số trường hợp các trường công lập tại Quận Cam sử dụng những sách giáo khoa không phản ánh trung thực kinh nghiệm và lịch sử của người Việt hải ngoại. Đầu thập niên 80s, trường Trung Học Irvine trên đường Walnut của thành phố (để phân biệt với một high school khác trong khu Woodbridge) đã dùng một quyển sách sử bóp méo sự thật về kinh nghiệm của người dân miền Nam. Nhà văn Trần Phong Vũ, một số phụ huynh, và các trí thức người Việt đã bày tỏ sự bất đồng với Thầy Hiệu Trưởng và Thầy dạy Sử lớp 12 của trường Irvine High School. Nhờ đó, trường đã duyệt xét lại toàn bộ những tài liệu sử liên quan tới chiến tranh Việt Nam. Đầu năm 2017, ông Vũ Nguyễn, một phụ huynh có con gái đang theo học lớp 6 trường tiểu học John O. Tynes ở Placentia, đã phản ánh mối quan tâm khi con gái ông đọc quyển sách “I Am Vietnamese American” của tác giả Felice Blanc, do The Rosen Publishing Group’s Power Press, New York, xuất bản. Sách có nhiều chi tiết sai lệch đối với kinh nghiệm của người Mỹ gốc Việt.

    Lịch sử thuộc về mọi người. Làm sao các Thầy Cô giáo trẻ có thể tìm hiểu về lịch sử cộng đồng một cách dễ dàng và hữu hiệu? Lịch sử di dân không phải là một khái niệm xa xôi. Nó có thể được hình thành từ những câu chuyện bên bàn cơm trong các gia đình tỵ nạn, nối lại những mảnh vỡ của lịch sử, tạo nhịp cầu cảm thông giữa các thế hệ, và giúp những thế hệ tương lai có một sự tự tin khi nối kết với thế hệ ông bà cha mẹ qua chính kinh nghiệm di dân của họ. Trong một bài viết mang tên “Phố cổ Little Saigon” được phổ biến hơn mười năm về trước, tôi đã gợi mở một viễn ảnh về ‘quê tôi,’ Little Saigon tại Quận Cam, với một nhân diện đa chiều, đi vào một sự lắng đọng toàn tâm, ôn lại dòng lịch sử dân tộc tại quê nhà và hải ngoại trong nửa thế kỷ qua với các chứng từ chắt lọc từ những tâm tình của người Việt tha hương. Vào giữa thập niên 1990, tôi ‘bấm bụng’ dùng tiền học và ngân sách cá nhân để thực hiện Dự án nghiên cứu Việt Mỹ (VAP) theo phương pháp Lịch Sử Truyền Khẩu (oral history) và nghiên cứu trực tiếp trong cộng đồng (ethnography). Từ những ngày đầu tiên ấy, tôi biết rõ mình muốn đi tìm một quá khứ đang bị hất hủi và xử ép trong dòng lịch sử Hoa Kỳ, nhất là khi làm nghiên cứu văn khố vào mùa hè 2001 tại Bộ Y Tế Liên Bang tại Hoa Thịnh Đốn khi tôi thực tập ở đó. Ở những năm đầu thiên niên kỷ, mặc dù các sử gia lão thành tại Hoa Kỳ vẫn coi chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử quốc gia, cuộc chiến ấy lại chỉ được nhắc đến vỏn vẹn vài dòng trong trang sử bậc trung học, và xuất hiện đó đây trong các tài liệu nghiên cứu một cách phiếm diện. Người dân ‘quê tôi’ có nguồn có cội. Tôi phẫn nộ khi họ bị đối xử như nấm, không dưng mọc lên trong xã hội Hoa Kỳ, như những người di dân tứ cố vô thân, không quê hương, không lịch sử.

    Đặc biệt, tôi thao thức về những tân toan, những chua xót, những vui buồn mà các thế hệ đi trước đã trải qua. Tôi nghĩ, phải chi thế hệ ‘bobo’ đói cơm đói chữ sinh sau 1975 của chúng tôi có thể chạm đến những góc hồn cô lặng giữa tên bay đạn lạc, những khóe mắt ướm lệ bên nấm mộ lấp vội bên đường, những trăn trở mỗi ngày của các thế hệ trước. Nếu được như thế, thì ắt chúng tôi sẽ được lớn lên rất nhiều trong sự hiểu biết và nhận thức về một quá khứ khuất mặt. Khuất mặt, là vì ở Việt Nam hậu 1975 cho đến nay, quá khứ này bị vùi dập, bị xử giảo, bị cấm khẩu, bị truy sát, bị bôi nhọ. Khuất mặt, vì ở Hoa Kỳ, quá khứ này bị xô lấn bởi áp lực sống còn về kinh tế của đời tỵ nạn, bị cấm cửa vì rào cản ngôn ngữ, bị té ngã vì sự khác biệt quá lớn giữa thế hệ của thời chiến và ‘con cháu của thời bình.’ Nói là thời bình, nhưng thế hệ hậu chiến của chúng tôi tìm đâu ra hòa bình giữa truy lùng nhân cách, áp bức nhân sinh, thảm sát tự do trên chính quê hương mình?

    Vì vậy, tôi dấn thân đi tìm nghe và ghi nhận lịch sử và kinh nghiệm của người dân xứ Little Saigon, là để đi tìm và truy nhận một lịch sử lạc loài, nhằm nắm giữ một tương lai cho chính mình và cho chính ‘quê tôi.’ Đối với lịch sử định hình của người Mỹ gốc Việt, Little Saigon có thể được gọi là Phố Cổ, vì nơi đây, lịch sử và văn hóa Việt Mỹ đã được khơi màu. Khi coi Little Saigon là phố cổ, tôi có ngụ ý rằng đây sẽ là nơi nhiều người sẽ quay về, tìm lại, để chứng kiến và truy nhận một quá khứ sống động vẫn đang chan chảy. Khi gọi Little Saigon là phố cổ, tôi muốn dành cho miền đất này tất cả những sự ưu ái xuyên suốt thời gian và trải dọc đời sống nhân sinh. Tôi muốn nói rằng, Little Saigon có một nền văn hiến và một lịch sử tiềm ẩn mà mỗi chúng ta đều có một phần trong đó. Mà không chỉ Little Saigon của Quận Cam, mà tất cả những Sài Gòn Nhỏ và những khu sinh hoạt của người Việt ở khắp nơi trên thế giới, nơi giữ hồn người và tình đất Việt, vẫn bừng nở muôn sắc sau hơn bốn thập niên khai mạch trên xứ người.

    Điều quan trọng là cộng đồng người Việt hải ngoại cần chủ động trong việc viết và giữ lại lịch sử của chính mình cho con cháu đời sau, mà không chỉ lịch sử hải ngoại, mà cả một dòng lịch sử chân chính của dân tộc Việt Nam. Lịch sử không thuộc về kẻ thắng hay người thua, mà thuộc về sự thật. Trong bài nghiên cứu chuyên đề “Quận Cam, Sử Vàng – Orange County, Yellow History,” tôi đã dùng những chứng từ của nhiều cá nhân khác nhau để ghi lại một phần lịch sử của Quận Cam. Đây là một việc tuy tốn công nhưng ai cũng có thể làm trong khả năng của mình. Chẳng hạn quý Thầy Cô có thể ra đề tài cho các em viết về lịch sử gia đình, để chính các em sẽ tìm hiểu và gắn bó với gia đình và cộng đồng hơn.

    III. Lược qua một số tài liệu giúp quý Thầy Cô phát triển khả năng hiểu biết và sử dụng tiếng Việt truyền thống để dạy Việt Ngữ:


    Các tài liệu thuộc ba phạm trù ngôn ngữ, văn hoá, và lịch sử vốn đan xuyên nhau, cho nên những tài liệu sau đây, tuy được phân chia theo ba phạm trù, nhưng bổ sung cho nhau và mỗi tài liệu đều có những chiều kích thuộc cả ba phạm trù trên. Trong phần tài liệu này, tôi xin hướng đến nhiều tác phẩm văn hoá, nghệ thuật, vì thiết tưởng các tài liệu giáo khoa thì Ban Đại Diện đã cung cấp rất nhiều cho quý Thầy Cô trong các năm qua, nhất là với việc phát hành Sổ Tay Chính Tả tập 1 và bốn tập đầu của Bộ Việt Sử Bằng Tranh mùa hè 2017 này. Nghệ thuật là những sự tích luỹ, lắng đọng từ kinh nghiệm sống. Và nghệ thuật giúp chúng ta cảm nhận một cách trực tiếp và dễ dàng hơn những biến cố lịch sử xa xôi hay những đề tài phức tạp, tế nhị. Đây cũng chỉ là một vài gợi ý để giúp quý Thầy Cô bắt đầu hành trình tự tìm hiểu thêm về tiếng Việt hải ngoại.

    Ngôn ngữ:

    Về mặt dùng tiếng Việt cách trong sáng, thì nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã cho ra đời những tác phẩm bất hủ, rất hữu ích cho việc tìm hiểu ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam. Những tài liệu văn chương ở hải ngoại thì có rất nhiều. Quý Thầy Cô có thể đọc các trang Sáng Tạo, Gió O, Da Màu, Diễn Đàn Thế Kỷ, Tiền Vệ, vv… Trang Du Ca Việt Nam có nhiều bài nhạc thiếu nhi, nhạc dân tộc, rất thích hợp cho việc dạy Việt Ngữ. Bên cạnh đó, tôi xin ưu ái giới thiệu đến quý Thầy Cô một CD có tựa đề là ‘Sing To Learn Vietnamese With Ease! Học Tiếng Việt Qua Bài Hát’ của Hướng đạo sinh Phạm Mê Linh. Các bài hát được chọn lọc qua nhiều giai đoạn lịch sử và của nhiều tác giả. Tuy tôi đã từng nghe các bài hát trong CD này ở nhiều nơi khác, tôi đặc biệt trân trọng CD này vì chính các em sinh ra và lớn lên ở hải ngoại hát trong CD này. Tuy có những nốt các hát chưa đạt và cách phát âm đôi lúc ‘lai lai’ của các em, nhưng âm sắc trong thanh của trẻ thơ sẽ giúp cho các em học sinh Việt Ngữ dễ dàng cảm thấy gần gũi và muốn hát theo.

    Văn hoá:

    Về văn hoá, tại Quận Cam có Câu lạc bộ Hùng Sử Việt, Viện Việt Học, Thư Viện Việt Nam, vv là những nơi quý Thầy Cô có thể tìm tài liệu tham khảo. Album nhạc “Hãy Hát Lên Tuổi Thơ” với 40 bài hát thiếu nhi do cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng sáng tác, chuyển tải nhiều nét đẹp của văn hoá và đời sống Việt Nam. Tôi để ý bài “Sinh Nhật Ca” vì nó mang tâm tình hiếu thảo, biết ơn của người con đối với cha mẹ, với lời hát* như sau:

    • Dưới ánh nến sáng tươi hôm nay, trong tình yêu thương chan chứa
      Hãy cất tiếng hát vang chia vui, em nhận thêm một tuổi đời
      Chào mừng sinh nhật em, ngoài vườn hoa nở thêm
      Dưới ánh nến sáng tươi xin ghi nhớ đến ơn biển trời…

    Ơn biển trời là ơn sinh thành dưỡng dục. Khi kỷ niệm sinh nhật, người ta thường hát bài “Happy Birthday” để chúc vui, nhưng bài “Sinh Nhật Ca” của Trầm Tử Thiêng chan hoà tình gia đình, tình bạn bè, và tình yêu đối với thiên nhiên. Nhưng đặc biệt hơn cả, là bài hát nhắc nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.

    Văn học dân gian cũng là nguồn tài liệu vô tận để giúp các Thầy Cô dạy về văn hoá Việt và tìm về tiếng Việt truyền thống. Tôi xin lấy thí dụ bài đồng dao quen thuộc sau đây, xin quý Thầy Cô cùng đọc:

    • Lạy trời mưa xuống
      Lấy nước tôi uống
      Lấy ruộng tôi cày
      Cho đầy nồi cơm
      Tôi đơm cho dễ
      Tôi lễ ông trời


    Như những tác phẩm văn học dân gian khác, bài đồng dao này có nhiều dị bản, có dị bản dài đến 34 câu. Ở đây, tôi xin phân tích bản ngắn, sáu câu. Quý Thầy Cô có thể thấy, chỉ trong 6 câu, mỗi câu 4 chữ, nhưng bài đồng dao gột tả được nhiều nét về văn hoá và nếp sống Việt Nam. Thứ nhất, là ‘đạo Trời.’ Chữ Trời được dùng rất nhiều trong tiếng Việt: trời mưa, ông trời, trời đất, trời cao đất dầy, trời ơi, trời cho, trời độ, vv, để nói lên một phần tính duy tâm, tin vào một quyền năng ở ngoài khả năng của con người. Thứ hai, bài đồng dao nói đến nếp sống nông nghiệp, vốn bàng bạc trong văn hoá Việt Nam: Lấy ruộng tôi cày. Thứ ba, nói về nhân sinh quan: mong mỏi có được mưa, đơn giản là có được miếng cơm manh áo, như quan niệm trời sinh voi sinh cỏ, chỉ mong ‘cho cơm đầy nồi,’ một cách nào đó an phận, ‘tôi đơm cho dễ.’ Thứ tư, nói về lễ nghĩa và lòng biết ơn: tôi lễ ông trời – lễ để tỏ lòng biết ơn, và chữ lễ này cho thấy một hình thức cúng tế (ritual) của người bình dân.

    Lịch sử:


    Giới trẻ Việt Nam tại hải ngoại cần tìm về một dòng lịch sử chân thật, không dối trá, không hô khẩu hiệu, không nhồi sọ, không ảo. Để quá khứ không còn khuất mặt. Người ta thường nghĩ lịch sử là một môn học khô khan. Nhưng đó là một sự hiểu lầm to lớn, vì có nhiều dạng lịch sử. Trong lớp Việt Ngữ, quý Thầy Cô có thể dùng âm nhạc hay văn chương để dạy lịch sử. Ví dụ như bài hát trứ danh “Nỗi Lòng Người Đi” của cố Nhạc sĩ Anh Bằng và truyện ngắn “Đêm Giã Từ Hà Nội” của cố Nhà văn Mai Thảo đều nói về nỗi đau chia cắt với Hà Nội khi tác giả ra đi tìm tự do ở miền Nam:

    • Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu,
      Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều…


    Khi nghe điệu nhạc và lời ca, các em có thể cảm được ngay cái tâm tình tan tác, sự xao xuyến của một thanh niên phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn ở tuổi đầu đời, với bao nhiêu tình cảm đôi lứa và tình quê đan xen nhau. Trong tác phẩm “Đêm Giã Từ Hà Nội,” được nhà xuất bản Người Việt phát hành tại Sài Gòn năm 1955, và được tái bản và nhắc đến nhiều tại hải ngoại, tác giả diễn đạt được cái đau đớn khi lìa xa gia đình và quê quán – cả hai đều thiêng liêng trong tâm tình văn hoá Việt Nam. Mai Thảo rời Hà Nội năm 1954 khi Việt Nam bị chia đôi ở Vĩ tuyến 17, sau nhiều năm tham gia kháng chiến chống Pháp để giành độc lập cho quê hương từ năm 1948. Chọn lựa di cư về miền Nam của ông rất rõ ràng và dứt khoát, một sự chia tay với quá khứ và tất cả những dối trá của nó. Ông viết:

    • Phượng nhìn xuống vực thẳm.
      Hà Nội ở dưới ấy.

      Từ chỗ anh đứng, Phượng nhìn sang bờ đường bên kia. Những tảng bóng tối đã đặc lại thành khối hình. Từng chiếc một, những hàng mái Hà Nội nhoà dần. Phượng nhìn lên những hàng mái cũ kỹ, đau yếu ấy, giữa một phút giây nhoè nhạt, anh cảm thấy chúng chứa đựng rất nhiều tâm sự, rất nhiều nỗi niềm. Những tâm sự câm lặng. Những nỗi niềm nghẹn uất. Của Hà Nội. Của anh nữa.

      Dưới những hàng mái cong trũng, ngập đầy lá mùa kia, đang xảy ra những tâm trạng, những biến đổi gì mà ở bên này đường Phượng không đoán hiểu được. Hà Nội đang đổi màu. Đứng bên này bờ đường nhìn sang, Phượng bắt đầu tiếp nhận với một thứ cảm giác ớn lạnh, cách biệt, anh đã đứng trên một bờ vĩ tuyến mà nhìn về một vĩ tuyến bên kia.

      Bên ấy, có những hình ảnh chia cắt, đứt đoạn. Bên ấy, có những hình chiến luỹ, những hàng rào dây thép gai, những đoạn đường cấm, những vùng không người.

      Phượng cũng không hiểu tại sao nữa. Giờ này anh còn là người của Hà Nội, thở nhịp thở của Hà Nội, đau niềm đau của Hà Nội, mà Hà Nội hình như đã ở bên kia.


    Mai Thảo diễn đạt tâm trạng của một người tỵ nạn, dù chưa xa nơi chôn nhau cắt rốn đã cảm nhận hết những sự ghẻ lạnh và khoảng cách đối với nơi ấy. Cảm giác không còn thuộc về Hà Nội của ông có nhiều giai tầng, nhưng sự khác biệt về chính kiến là nổi trội nhất. Ông viết, cũng trong truyện ngắn về đêm ông rời Hà Nội:

    • Đứng một mình trong đêm dài, trước một Hà Nội ngủ thiếp, Phượng nghĩ đến những người bạn đường đã vượt Hồng Hà, đã bỏ Hà Nội, bỏ đất Bắc trước anh, vượt vĩ tuyến về tiếp tục cuộc đấu tranh cho tự do, cho con người, trên phần đất nước còn lại. Anh biết rằng thời đại, trong ngày tới sẽ nối kết con người bằng một ý niệm một hệ thống tự do.
      Tâm trạng của Phượng đêm nay cũng là tâm trạng của một người thợ máy Đức, một người dân cầy Triều Tiên, đang ngày đêm vượt khỏi những vĩ tuyến tù đày để tìm một hướng đi, một chân trời có không khí và ánh sáng.


    Nhưng nói đến lịch sử mà không nhắc đến sách sử thì là một thiếu sót lớn. Học giả, Thủ tướng, Sử gia Trần Trọng Kim đã soạn nhiều công trình để đời. Tôi xin nhắc đến 3 quyển hữu ích cho việc dạy Việt Ngữ.

    Thứ nhất, là quyển Quốc Văn Giáo Khoa Thư, do ông đồng biên soạn (với Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận, những học giả, nhà văn, nhà giáo dục nổi tiếng đương thời rất được tín nhiệm), mang tính định hướng cho cả nền giáo dục lúc đó.

    Thứ hai, là quyển Việt Nam Sử Lược do ông biên soạn năm 1919. Hai năm trước, tôi có đi tìm bản in của quyển này tại Nhà sách Tự Lực, nhưng nhà sách cho biết đã bán hết, đang chờ in thêm. Ở thời buổi sách điện tử lên ngôi, sách in thành cổ tích, mà một quyển sách ra đời một thế kỷ trước vẫn còn được cần đến ở khắp nơi, và được tái bản liên tục trong nước dù tác giả bị chính quyền kết án, không chỉ cho thấy giá trị của quyển sách sử, mà còn cho thấy nó vượt trên thời gian và bất cứ sự đàn áp nào.

    Thứ ba, là quyển hồi ký lịch sử “Một Cơn Gió Bụi” (1949), trong đó, học giả, thủ tướng Đế quốc Việt Nam Trần Trọng Kim tóm lược quãng đời làm chính trị của ông trong giai đoạn 1942 – 1948. Sách được Nhà xuất bản Sống tái bản tại Quận Cam năm 2015. Phát biểu trong ngày ra mắt sách, tôi nhận định rằng, chúng ta ôn lại những đau thương của thời trước, để biết tại sao dân tộc dù đã nhiều lần ‘khổ tận’ mà tới giờ vẫn chưa được ‘cam lai,’ dù ở thập niên 1940, Việt Nam đã có một vận hội mới để được độc lập và duy tân. Mới đây, ngày 27 tháng 6 năm nay (2017), Đài BBC đưa tin đầu năm 2017, Một Cơn Gió Bụi được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Phương Nam Books in lại và phát hành, nhưng sau đó đã bị thu hồi vì được cho là “có nhiều đoạn rất nhạy cảm đã bị nhà xuất bản biên tập.” Như đã thưa ở trên, chính sách kiểm duyệt đã làm nghèo nàn tàn phế một ngôn ngữ, và ở đây, còn chối bỏ những sự thật lịch sử không có lợi cho nhà cầm quyền. Còn nhiều mảng lịch sử bị chính quyền Việt Nam chối bỏ hay bẻ cong, như chính sách tù cải tạo và kinh tế mới. Quyển “Đại Học Máu” của tác giả Hà Thúc Sinh nói về sự đốn mạt của trại cải tạo và niềm tin vào sự sống.

    Một trong những phim đầu tiên của đạo diễn gốc Việt là “Rồng Xanh – Green Dragon” (2001) của Đạo diễn Timothy Linh Bùi, nói về những cảm xúc và kinh nghiệm trung thực của người Việt tỵ nạn. Một số phim ghi lại kinh nghiệm thuyền nhân như phim “Vượt Sóng – Journey from the Fall” (2007) của Đạo diễn Hàm Trần, phim tiếng Việt, phụ đề Anh ngữ. Phim Boat People của Đạo diễn Ann Hui (Hong Kong 1998) là một phim có lẽ ít ai trong chúng ta biết đến, nhưng đây là một phim rất hay, và đạo diễn Ann Hui cũng là một đạo diễn sáng giá trên phim trường quốc tế.

    Tôi xin dành ít phút để nói về hai phim của Đạo diễn Khoa Đỗ: phim “Cá Mẹ – Mother Fish (2009) và phim “Footy Legends” (2006). “Footy Legend” là câu chuyện của của Lực Vũ, một thanh niên Úc gốc Việt có niềm đam mê bóng đá và sống tại vùng ngoại ô phía Tây của Sydney. Thất nghiệp và đang đối diện với nguy cơ không được chăm sóc cho em gái mình nữa, Lực tụ họp các bạn cũ từ đội banh ở Trường Trung Học Yagoona – những người cũng đối diện với những vấn đề xã hội như thất nghiệp dài hạn, nghiệp ngập, những hậu quả của việc có con ở tuổi teen – và thắng giải Holden Ute và được hợp đồng quảng cáo cho hãng Lowes Menswear. Phim hài hước được lồng vào những vấn nạn xã hội nghiêm túc đang ảnh hưởng miền Tây Sydney. Nếu phim “Footy Legend,” mà tôi dịch là “Tình như Thủ Túc,” đã đóng góp một cái nhìn tích cực và hài hòa về quan hệ chủng tộc và giai cấp, thì “Mother Fish – Cá Mẹ” là một tiếng nói can đảm và cần thiết về một giai đoạn bi hùng của tộc Da Vàng qua kinh nghiệm vượt biên và định cư. Theo tôi, Khoa Đỗ đã giữ cho câu chuyện đơn giản đến mức tuyệt đối, để người xem dành tất cả năng-tâm-linh lực cho những cảm xúc và tâm tình trong câu chuyện. Nhờ đó, câu chuyện của hai chị em Hạnh và Kim trong phim không còn là một câu chuyện ‘riêng’ nữa, mà nó trở thành một chứng từ của tất cả những ai đã từng đối diện với biển đen, với sóng cả, với sự rượt bắt của công an biên phòng, với sự tấn công và hãm hiếp của hải tặc, với vật vờ đói khát, với chết chóc đang chòng chọc xoáy vào cái máy đã hư, với vô vọng đang tru tréo trên cái chân vịt đã gãy, với nghẹn ngào đang hụt hẫng lọt vào khoang thuyền chực nứt. Xuyên suốt bộ phim “Cá Mẹ,” đạo diễn đã khéo léo đan quyện một tâm thức Việt vào trong từng tiểu cảnh, để cho dù bộ phim sử dụng Anh ngữ là chính, nhưng người xem vẫn cảm nhận trọn vẹn cái hồn Việt, cái tính Việt, cái linh Việt. Nhưng đối với tôi, một bộ phim về kinh nghiệm thuyền nhân mà không có tiếng Việt thì cũng giống như nồi canh chua không được nêm nước mắm. Có lẽ vì vậy mà Khoa Đỗ đã rất khôn ngoan chọn những giây phút thích hợp và đắt giá để nhân vật của mình nói tiếng Việt. Một trong những giây phút tiêu biểu là lúc Kim trồi lên trên mặt ao, thảng thốt nhìn thấy Hạnh, “Em hả?” Một câu hỏi thật ngắn, thật gọn, nhưng chứa cả một thế giới yêu thương của hai chị em. Và câu trả lời cũng thật đơn giản, nhưng quá đầy đủ cho người hỏi, “Em đây!” Vâng, em đây! Em đã về với chị đây! Em vẫn còn với chị đây!

    Tôi yêu những tác phẩm của Khoa Đỗ vì những cái duyên của chúng. Ngay cả trong một chuyện phim khó thực hiện như đề tài thuyền nhân, thì Anh vẫn rắt những nụ cười mỉm chi trên những ghập ghềnh trớ trêu, giữa ngao ngán tuyệt vọng. Những nụ cười mỉm chi này rất thật, thật như hai chị em gái mới lớn cãi vã huých cùi chỏ ‘địt’ nhau, như cô bé Hạnh buồn chán trên thuyền đã nghịch ngợm quẹt mũi ông chú đang tranh thủ ngủ, như anh chàng Châu “khùng” (lần thứ hai) bị nàng Kim hất muỗng cơm nóng vào người.



    Hình lưu niệm khoá TNSP kỳ 29
    IV. Để kết:

    Tuy những thế hệ gốc Việt sinh trưởng ở hải ngoại ngày càng gặp khó khăn trong việc sử dụng tiếng mẹ đẻ, họ vẫn có nhiều nổ lực để trao giồi tiếng Việt, như nhóm “Let’s Learn Vietnamese Weekly” tại Quận Cam. Trong một bài viết mang tựa đề “Máu Rồi Sẽ Vẫn Nồng” được cố nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đăng trên Việt Mercury năm 2004, tôi kể chuyện một cô giáo Việt Ngữ 19 tuổi đang khóc trên đường đi bộ về nhà trên đường Westminster sau giờ dạy Việt Ngữ chiều thứ Bảy. Cô giáo trẻ này khóc vì hôm đó, có một con gà cồ bảy tuổi trong lớp Vỡ Lòng đã hét vào mặt cô:

    I’m a man! I don’t want to be with these little kids! I don’t want to learn Vietnamese! Why do my friends get to play on the weekend and I have to study this weird language? (Em là một nam nhi! Em không muốn ở chung với đám con nít này! Em không muốn học tiếng Việt! Tại sao cuối tuần bạn bè được đi chơi còn em thì phải đi học cái thứ tiếng kỳ cục này?)

    Tôi biết chuyện này vì tôi là cô giáo đó, lần đầu tiên đi dạy, bị học trò đàn áp tinh thần. Nhưng tôi thương trẻ con, và yêu tiếng Việt, nên cuối cùng, tôi cũng dụ được con gà cồ làm lớp trưởng. Cuối năm, lớp trưởng xin ở lại lớp, và cả lớp nhao nhao đòi ở lại học thêm một năm nữa với tôi. Lớp Vỡ Lòng mà, Vỡ tới hai năm thì chắc là sẽ… nát, còn Thầy hiệu trưởng Vũ Hoàng sẽ cho tôi nghỉ dạy mất. (Chắc trong hội trường này cũng có nhiều Thầy Cô giáo trẻ cũng có lần mưa lâm râm giống tôi.)

    Nhưng dạy tiếng Việt không chỉ là một công việc đóng khuôn trong lớp học. Tôi muốn nói đến những bài học tiếng Việt ở ngoài lớp học. Những bài học Việt Ngữ trên đường đời, những bài học Việt Ngữ thực hành trong những biến cố vui buồn của cuộc sống. Tôi có một em học trò Việt ngữ tên là Cương. Em học tiếng Việt với tôi tại trường Việt ngữ Cộng đoàn Westminster lúc em mới 7 tuổi, 23 năm về trước. Cương vẫn giữ liên lạc với tôi cho đến bây giờ. Đầu tháng Giêng năm nay, Cương lập gia đình. Ít tuần trước ngày cưới, hai bạn trẻ đến nhà nhờ tôi dạy hát tiếng Việt để đôi tân hôn hát cám ơn bốn đấng sinh thành trong ngày cưới. Ngày mai, Cương mời tôi dự tiệc baby shower, đón con trai đầu lòng. Cương nói với tôi là lần sau, em muốn kiếm con gái :).

    Tôi chợt nhận ra, tôi sắp sửa được làm bà, vì học trò kêu mình bằng cô, thì con của học trò sẽ kêu mình bà, đúng không quý Thầy Cô? Tôi tham gia dạy Việt ngữ 23 năm trước, nay đã được làm bà, thì chắc quý Thầy Cô đã dạy Việt Ngữ vài chục năm, nay đã được làm ông cố, bà cố, ông sơ, bà sơ rồi. Và như vậy, nhờ Đại Gia Đình Việt Ngữ tại hải ngoại, mà chúng ta được thấy nhiều thế hệ mới chào đời, gắn bó với tiếng Việt và văn hoá Việt. Tôi kính chúc quý Thầy Cô luôn bền bỉ, nhiệt tâm với việc dạy tiếng Việt, để mỗi Thầy Cô sẽ có được nhiều cháu nội cháu ngoại, chắt, chút, chít từ những đứa con Việt Ngữ của mình.

    Xin chân thành cảm ơn và trân trọng kính chào quý Thầy Cô.


    * Ghi chú: Sau phần hội thảo chủ đề, một Thầy đã nhắc riêng với tôi rằng, không nên dùng chữ ‘ca từ,’ mà nên nói ‘lời bài hát.’ Tôi đã chân thành cám ơn Thầy và cho Thầy biết, vì tôi sống ở Việt Nam 19 năm sau 1975, nên khi qua Mỹ, tôi phải học tiếng Việt lại từ đầu, và tôi rất biết ơn những sự nhắc nhở như Thầy vừa nhắc tôi.

    Trangđài Glassey-Trầnguyễn


    Nguồn:https://sangtao.org



              
Trả lời

Quay về “tiếng Việt nước tôi”