Đọc Lớp Sóng Phế Hưng Của Hồ Trường An

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5416
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Đọc Lớp Sóng Phế Hưng Của Hồ Trường An

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Đọc Lớp Sóng Phế Hưng Của
    Hồ Trường An



    Lớp Sóng Phế Hưng là một truyện dài, tác phẩm đầu tay và cũng là tác phẩm đầu tiên được xuất bản tại hải ngoại của nhà văn Hồ Trường An. Cuốn sách do Phong trào Thanh niên Hành Động Xã hội tại Pháp xuất bản, chỉ để tặng bằng hữu văn nghệ, không bán.

    Mặc dù đây là tác phẩm đầu tay được xuất bản viết xong tại Reims ngày 10.6.83, Hồ Trường An đã là một tác giả quen thuộc đối với độc giả và giới cầm bút từ năm 1977 khi anh đến Pháp làm việc chung với tờ Quê Mẹ của nhà thơ Thi Vũ, và đã có thời gian làm tổng thư ký của tạp chí này.

    Từ 1977, qua các hồi ký viết về đời sống các nhà văn ở lại Việt Nam dưới chế độ cộng sản đăng rải rác trên Quê Mẹ và vài tờ báo khác, người ta đã thấy Hồ Trường An là một nhà văn có trí nhớ tốt cũng như có lối kể chuyện hết sức sinh động.

    Sau đó, người ta cũng thấy Hồ Trường An viết một số truyện ngắn, mô tả đời sống của những cặp vợ chồng Việt- Pháp trên đất Pháp với những sinh hoạt trí thức cũng như tình cảm, tình dục của họ.

    Loạt truyện ngắn này đưa đến những nhận xét trái ngược nhau, ít nhất là trong giới cầm bút, về cách sống và viết của Hồ Trường An. Dù những nhận xét có trái ngược nhau về đề tài chọn lựa, về cách diễn tả của Hồ Trường An trong loạt truyện ngắn vừa nói, gần như tất cả mọi người đều phải công nhận rằng Hồ Trường An có những nhận xét tỉ mỉ, chi li về tất cả những gì đã xảy ra quanh ông, về tất cả những gì mà ông đã sống với.

    Đối với tôi, Hồ Trường An nổi bật, xuất sắc và có cá tính nhất qua những truyện viết về đồng quê Miền Nam Việt Nam.

    Truyện dài Phấn Bướm mà ông cho đăng tải trên báo Làng Văn ở Canada, mặc dù chưa chấm dứt, cũng cho độc giả thấy được cả một khung cảnh Miền Nam mộc mạc, chân chất và đáng yêu của những thập niên bốn mươi, năm mươi. Con người ở đó, thời đó, chưa bị những văn minh vật chất ảnh hưởng của lối sống Tây phương sau này xoi mòn. Cái đẹp của con người, của cảnh vật thời đó rất trinh sơ, thanh khiết và tự nhiên. Người ta sống với nhau đằm thắm, thân tình bên những bãi dừa nước, những xẻo lá, doi lá. Họ chèo thuyền trên những con kinh con rạch trải dài ngút mắt. "Những khóm dừa nước nhô lên cao như một vùng gươm giáo, vào trong đó khó mà thấy ánh sáng mặt trời". Và những con người quê hương miền Hậu giang thuần hậu thời ấy còn sống trong những căn nhà lợp bằng lá dừa nước.

    Đó là khung cảnh của truyện Phấn Bướm, sẽ được Viet Publications của nhà Làng Văn cho xuất bản sau này.
    Truyện dài Lớp Sóng Phế Hưng cũng có một khung cảnh tương tự. Truyện xảy ra ở một địa danh quê mùa khuất lánh vùng Hậu giang. Câu chuyện xoay quanh đời sống của một gia đình gồm 5 anh em (hai trai ba gái) đang đến tuổi dậy thì và một bà mẹ quê thời tiền chiến. Chung quanh những nhân vật này là những mẫu người khác không kém phần sinh động: người góa phụ mềm mại, ẩn ức, chửi lộn có vần có kệ, có vân có vi, nhưng lại hết sức chân thật và cặp mắt thì khi nào cũng ... ướt rượt; gã đàn ông thương hồ tứ chiếng mắt đẹp hò hay; người đàn ông đứng tuổi với tấm lòng vị tha sáng trưng muốn làm mới và đẹp xã hội; gã Minh-hương chân chất chí thú trong công việc làm ăn; người đàn bà hay ngồi lê đôi mách, miệng lưỡi như dao găm, nhưng tấm lòng không hề hung hiểm, biết lễ nghĩa và nhớ ơn người đã cứu mình...

    Đấy, như thế, câu truyện mở ra, cuốn tới, và cứ xoắn tít vào nhau, trong một không khí nửa hâm hấp dục tính, dục tình, nửa lâng lâng đồng quê gió cuốn. Dù sao, cái dục ở đây đã được trình bày hết sức tự nhiên, như hơi thở, như tiếng mưa rơi trong một đêm trăng lu, như ngọn đèn phừng lên, chiếu ra những tia sáng nhỏ và reo tí tách... Cái dục ở đây chờn vờn, lấp lửng, thiết tha như tiếng hò trên sông nước vào đêm trăng sáng làm rộn ràng tấm lòng cô gái đang tuổi dậy thì. Nó là tiếng mưa rơi lách tách trên mái nhà tranh, trộn lẫn với mùi hoa lài, hoa lý, và hương thơm của trái bình bát thoang thoảng trong đêm khi ngọn đèn tân hôn vụt tắt. Cái dục ở đây là một phần trong dòng sống tự nhiên của cỏ cây, hoa lá, trời đất và con người.

    Trong tác phẩm Lớp Sóng Phế Hưng, người đọc được dẫn về quê hương để nhìn lại biết bao hình ảnh thân mến đã xa vời trong ký ức. Hình ảnh của những đám ruộng mọc đầy cỏ lác, cỏ song chằng, thổi lao xao trên hàng cây so đũa. Những đám bồn bồn. Những đêm ngủ nóp. Bữa cơm với những đọt choại, rau bợ, rau đắng biển, rau má... tươi mát. Tiếng ếch nhái, tiếng nhóc nhen, tiếng dế, tiếng côn trùng kêu vang vang trong quyển sách. Những con chim ác là, chim đỗ quyên, chim cúm núm, chằng bè, le le, nhạn sen... cùng với những tiếng hò tình tứ bay đầy trên sông nước.

    Những đám cây muồng muồng trổ bông màu hỏa hoàng hực hỡ. Những cái đìa thả đầy rau nhút. Những vuông sân với đám cây lẻ bạn tím, cây mít kiểng lá xanh điểm chấm vàng, cây đinh lăng lá nhỏ lăn tăn... Những lũ cá bạc đầu, cá rói, cá linh bơi đầy trong những ao, những đầm, những rạch với đám rau nga xanh mơn mởn, những dây rau muống bò lan. Ven bờ đê, những khóm đũa bếp trổ hoa hình ngôi sao bằng cỡ nắm tay, màu hường kiêu sa, đài các. Thằng nhỏ khoác áo tơi kết bằng lá chầm đi soi ếch. Cô gái mái tóc xức dầu dừa, chải bảy ba rồi búi lại như cái bí bo tròn như trái cam sành, bọc trong cái lưới đen...

    Tất cả những hình ảnh đậm ướt mùi quê hương Miền Nam đó, cộng với những lời rủa sả chửi bới thô lỗ, ngọt ngào, có vần có điệu có cung có giọng trong quyển sách cứ bám lấy tâm trí người đọc. Người ta chửi nhau để thương nhau. Lời lẽ thoạt nghe thì thô lỗ nhưng nghe sâu vào mới thấy ngọt ngào. Những người dân quê ở vùng Hóc Hỏa, quận Hỏa Lựu, tỉnh Rạch Giá này nếu một ngày không có dịp chửi bới nhiếc móc một cách yêu dấu những người mình thương thì họ ăn com không ngon miệng. Tiếng chửi bới, rủa sả cứ thế mà vang vang bay đầy trên những kinh rạch, những bông hoa quao, những khóm húng lủi, những chùm dấp cá, tía tô... và rơi vào trong tận lòng người.

    Lớp Sóng Phế Hưng của Hồ Trường An làm tôi nhớ lại tất cả thời thơ ấu lớn lên ở khu chợ Vườn Chuối những năm 50, sau khi cùng với gia đình di cư từ Hà Nội vào. Thời đó, vùng này toàn là dân Miền Nam. Nhà cửa còn lợp lá. Những cây chuối còn mọc um tùm ở nhiều chỗ đất đai không người lui tới. Tiếng tàu lửa rần rần chạy ngang khu xóm mỗi ngày. Khi ấy, tôi còn rất nhỏ nhưng cũng vẫn nhớ rất rõ khuôn mặt của bà Tư-cầu-tiêu, bà Sáu-hột-vịt-lộn, bà Ba-xôi-chè... Tiếng đập cá làm vảy chan chát trên các sạp gỗ hay trên những khuông nhôm tròn lớn. Tiếng chửi bới, cãi cọ, cười nói không lúc nào ngơi trong khu xóm nhỏ. Những ngày hội kỳ-hương, người ta bắc gỗ lợp tranh làm một cái đình ngay giữa chợ treo đầy cờ lọng xanh đỏ, và rồi họ tế lễ, nhảy múa, hò hét, ca hát, rượu chè trong đó cả tuần...

    Lớp Sóng Phế Hưng của Hồ Trường An cũng làm chúng ta nhớ đến những chuyện viết về đồng quê Miền Nam của Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Phi Vân... những năm về trước. Điều kỳ lạ là nó cũng làm cho tôi nhớ đến Tô Hoài với những tác phẩm như Quê Người, Chớp Bể Mưa Nguồn, Nhà Nghèo... của ông. Những tác phẩm này viết về đời sống làng mạc cũng như tình cảm của những người dân quê Miền Bắc. Những người dân quê-miền Bắc hay Miền Nam hay Miền Trung-đều làm bật sáng lên trong lòng ta hình ảnh chân chất, thuần hậu và mộc mạc, dễ yêu của quê hương mình. Đó chính là một trong những hình ảnh tha thiết của quê hương chúng ta.

    Lớp Sóng Phế Hưng là một tác phẩm đẹp về nhiều mặt. Nó làm ta nhớ nhà, nhớ đất, nhớ quê, nhớ người. Nhớ những kinh rạch hiền hòa chảy êm đềm qua những xóm làng thân thuộc. Nhớ những ao đầm cá lội thênh thang. Nhớ những bụi chuối, những cây ngò gai, những khóm ô rô, những chùm bình bát...

    Những dòng nước mát cửa quê hương cứ thế mà trang về làm xao xuyến lòng người lữ thứ. Trái tim ta lại thôi thúc mãi những tiếng yêu thương.

    Tôi nghĩ Hồ Trường An đã thành công với tác phẩm đầu tay của ông. Ông là một nhà văn có cá tính, đặc biệt với những tác phẩm đồng quê xuất sắc thuộc loại này.


    Bùi Vĩnh Phúc


    Nguồn:https://banvannghe.com


    Đọc truyện : http://vietmessenger.com/books/?title=lopsongphehung



              
Trả lời

Quay về “câu chuyện văn chương”