Phỏng vấn bằng thơ

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Phỏng vấn bằng thơ

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Phỏng vấn bằng thơ
    ___________________________
    Viên Linh - 24-02-2016




    Cách đây hai mươi năm để mở đầu cho việc xuất bản một tờ tạp chí văn học, người chủ trương tờ báo muốn được sự đóng góp của mọi lớp tuổi và các thành phần trong giới văn hóa, văn nghệ, nên đã lập một danh sách khoảng 15 người đáng được hỏi, gửi họ ba câu hỏi gợi ý, với hy vọng sẽ có thêm sáng kiến, có thêm đề tài trước khi bắt tay vào việc. Điều tế nhị là không thể hỏi người ta như tôi sắp làm một tờ báo, anh làm ơn giúp tôi vài ý kiến với. Hỏi như thế hay tương tự như thế thì sẽ không có ai trả lời, vì nó thực tế quá, và người được hỏi sẽ có dịp một là gạt đi, dại gì mà chia xẻ cho ai, hai là sau này sẽ kể công: ấy, cái đó là do sự chỉ bảo của tôi đấy.


    Nhà thơ Tản Đà.
    (Hình: haibogiay.net)

    Làm báo văn học thì phải hỏi bằng văn chương, làm báo văn chương thì phải hỏi bằng văn tự. Nhiều nhà văn trên bàn viết có cái điện thoại, thế thì viết làm sao được, nói thôi. Cho nên câu hỏi phải gửi đi bằng văn tự, người ta có trả lời thì trả lời bằng văn bản, mình chỉ việc đem in, không có bao nhiêu thì giờ mà cặm cụi chép lại. Vả lại nói thì gió bay, còn bút sa thì gà chết.

    Mười lăm vị nhận được câu hỏi, có 11 vị trả lời, như thế là quá hai phần ba, tình hình khả quan. Khi thường tổ chức các cuộc họp mặt, kinh nghiệm cho biết muốn có 100 người tham dự, ít nhất phải gửi đi, tới tận địa chỉ từng người, gửi 300 cái thiệp mời mà được một phần ba đáp ứng là thành công rồi. Không phải muốn tổ chức họp mặt, viết cái giấy mời đem đăng báo miễn phí rồi ra đó mà chờ người ta đến dự. Cuộc phỏng vấn ấy đối với tôi đáng kể là thành công, không những ở số người trả lời, mà ở khía cạnh tinh thần văn hóa.

    Bài phỏng vấn chỉ có 3 câu mong được góp ý, được trả lời, được phát biểu cho từng câu hay trả lời chung cũng được. Ba câu ấy nguyên văn như sau, không thêm bớt:

    • 1- “Ta là ai giữa mùa thay đổi ấy?” (Thế Lữ)
      2- “Sao đến bây giờ rách tả tơi?” (Tản Đà)
      3- “Phẩm đề, xin một vài lời thêm hoa.” (Nguyễn Du)

    Dùng thơ của thi sĩ danh tiếng mà hỏi, không gì mông lung bằng. Chỉ trong vòng 10 ngày thư trả lời đã tới con số mong đợi.





    Người trả lời ngắn nhất chỉ có 4 câu thơ là nhà thơ Lê Trọng Phương, một giáo sư Triết trong một trường đại học ở Bonn, nước Đức. Tôi quen anh và nhà thơ Thế Dũng khi đi dự Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế ở Prague, Tiệp Khắc, năm 1994 và sau đó ghé Bonn, Đông và Tây Berlin đọc thơ Thủy Mộ Quan. Phỏng vấn ai mà người ta trả lời là vui rồi, là thành công rồi, nhưng trả lời ngắn ngủn như Phương là nhà báo lỗ, thư đi thư về mà chỉ có 4 dòng đăng báo là nhà báo lỗ nặng. Báo mấy chục trang lớn mà viết cho có 4 câu thì bao giờ mới làm xong tờ báo?

    Lê Trọng Phương

    Nhà thơ Thế Lữ. (Hình: vanlangseattle.org)
    Bốn Câu
    • thời thay ta đổi ai hay
      đi ngày bắt gió về ngày đầu mưa
      bên đường thập nhị chân như
      liệt trang mặc lão thanh hư mệnh đề.

    Phải nói là cao cường, giải ra được cả chục trang, nhưng thì giờ đâu mà giải. Bài thơ có 28 chữ đúng là nhị thập bát tú, có Lão Trang, Mặc Tử, Thập nhị Chân Như, có đêm này và có gió có mưa, có ra đi và có trở về, chàng này mà ra đề thi Triết thì thí sinh viết mệt nghỉ.





    Trả lời như thi sĩ Cao Tiêu vừa hay vừa đẹp. Ông làm bài thơ Cảm Đề bằng thi pháp của riêng ông, đặt trả lại câu hỏi vào đúng thời thế của đất nước và tâm sự người bại binh, thua cuộc, trong quãng đời lưu vong, nhưng ta thua về quân sự, ta bày mặt trận văn hóa rồi sẽ biết ai thắng ai thua, văn hóa thì đương nhiên là miền Nam vô địch. Văn học miền Nam như chúng ta đã biết, không chấm dứt ở 1975, văn học miền Nam đang trị vì trong thế kỷ XXI, từ đời nọ sang đời kia, từ đời ông tới đời cha, tới ngày mai, mãi mãi:

    Cao Tiêu


    Thi pháp và thơ Cao Tiêu.
    (Hình: Viên Linh cung cấp)
    Cảm Đề

    Ta là ai
    giữa mùa thay đổi ấy
    nỗi đau chung từ
    đất nước chiến chinh
    góp tiếng văn chương
    làm lại cuộc Khởi hành
    Bằng bút mực
    thay cho súng đạn
    gìn giữ tấm dư đồ
    như nâng niu áo trận
    sao đến bây giờ
    rách tả tơi
    Tấc son còn để với đời
    Phẩm đề xin một vài lời thêm hoa.


    Cao Tiêu ngâm vịnh bất cứ lúc nào, tới thăm ông ngay trong văn phòng Cục Trưởng cũng có rượu có thơ. Họp mặt thi ca thì thi sĩ lấy mặt bàn làm trống, cất lên một khúc mưỡu đầu, “hồng hồng tuyết tuyết” hạ thêm mưỡu cuối là sênh phách đầm ấm ngay.






    Nhà thơ Trần Hồng Châu (bút hiệu của giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch nguyên khoa trưởng Văn Khoa Sài Gòn, lúc ấy là viện trưởng Viện Việt Học), trả lời:

    Trần Hồng Châu

    Phải có những phê bình gia đúng nghĩa

    • 1- Sau những biến cố long trời lở đất, với một bối cảnh thế giới, có mật độ lịch sử cao như chưa từng bao giờ thấy, chúng ta ít nhiều mang tâm trạng “hậu chiến” như trường phái biểu hiện (expressionism) trong nghệ thuật đã mô tả:
      • Hoang mang, lạc lõng, kinh hoảng, đi tìm bản ngã trong tuyệt vọng và ít nhiều hướng về hư vô.
      Để sống còn, và tự thể hiện, chúng ta cần tích cực (positive) hơn, tỉnh táo, lạc quan hơn, khi sắp bước chân sang thiên niên kỷ thứ ba, chắc chắn là đầy hứa hẹn và cũng không ít thử thách...

      2- Ngày Khởi hành, chúng ta có sẵn có một “giang sơn gấm vóc,” một khối óc thông minh và đôi bàn tay cần cù, khéo léo. Nhưng hôm nay, chúng ta đau buồn thấy đất nước tan hoang, con người đổ nát! Đó là kết quả của những hung thần mang tên u mê, cuồng tín, ác độc và lòng tham không đáy. Những phương thuốc điều trị phải là cái Tâm Thiện, nếp sống dân chủ và trên tất cả, sự tôn trọng những giá trị bất khả phương của con người cùng những truyền thống dân tộc đã tồn tại qua bao cuộc thử lửa của lịch sử.


    Để bầu không khí văn nghệ được lành mạnh, sáng giá, điều quan trọng là phải có một thế hệ phê bình gia đúng với ý nghĩa của từ đó (...). Cuối cùng xin nhắc lại điều mà anh em cầm bút thường tương đắc:
    • Linh hồn văn nghệ phải là tác phẩm. Ngoài ra tất cả đều là phù phiếm.








    Không có bản văn ngắn nào cô đọng đặc sắc như hai câu trả lời vô cùng thấm thía như trên, và nhất là điều ông kỳ vọng cũng là điều người phỏng vấn là tôi khi xuất bản tờ tạp chí kỳ vọng: Để có một không khí lành mạnh, nhất là để có sự tiến bộ và công bằng, văn học nghệ thuật Việt Nam cần những nhà phê bình “đúng nghĩa của từ đó:” nghiêm chỉnh với ngòi bút, công bằng với các tài năng, với các tác phẩm tim óc của các tác giả, viết cho thật, viết với khuôn mặt trong sáng để có thể nhìn thẳng đối tượng và nhìn ra mình mỗi sáng soi gương. Người như thế làm tờ Thế Kỷ Hai Mươi mười lần hơn những nhà văn hiện đại.

    Các tác giả đã trả lời cuộc phỏng vấn vào năm 1996 của tạp chí Khởi Hành có Bảo Vân Bùi Văn Bảo, Đặng Trần Huân, Cao Tiêu, Trần Hồng Châu Nguyễn Khắc Hoạch (bốn vị này đã qua đời), Trần Lam Giang, Lê Trọng Phương, Thế Dũng, Dương Huệ Anh, Luân Hoán và Phan Tấn Hải. Nhà thơ nhà báo Phan Tấn Hải hiện nay 2016 vẫn là chủ bút nhật báo Việt Báo, anh trả lời dài nhất, kỹ nhất, xin trích đoạn anh trà lời để kết thúc bài này.






    Phan Tấn Hải

    Để lịch sử gạn lọc

    • “Tôi tin rằng việc khai sinh thêm một tờ báo văn chương, trong mọi hoàn cảnh và đặc biệt là trong trường hợp hải ngoại nơi đang đòi hỏi quá nhiều hy sinh từ người cầm bút, luôn luôn là những điều tốt đẹp cho dân tộc. Lòng tôi luôn luôn kính trọng những người cầm bút hải ngoại. Họ là những người chấp nhận một định mệnh nhiều bất trắc hơn là may mắn - tôi hiểu điều này rõ ràng vì tự mình cũng không cưỡng được cơn mê say này ngay cả những lúc quẫn bách, đói rách nhất trong đời.

      Khi được nhà thơ Viên Linh cho biết anh sẽ ra lại tạp chí Khởi Hành. Tôi không kinh ngạc lắm, bởi vì biết rằng người từng một đời sống với chữ nghĩa như anh sẽ không bao giờ rời được thế giới sách vở. Tuy nhiên, chuyện làm báo vẫn khác với chuyện cầm bút làm thơ, viết truyện. Làm báo, đặc biệt là làm báo hải ngoại, vẫn là cái gì cực kỳ khó hiểu trên đời này. Đây là chuyện của nước mắt, mồ hôi, tim óc cũng như bao nhiêu nghề nghiệp khác. Nhưng điều làm cho nghề báo đứng riêng ra hẳn là vì không mấy người hải ngoại sống được nhờ nghề này. Anh Viên Linh hiểu điều này bằng chính cuộc đời anh, bởi vì anh đang làm việc cho một nhật báo tại Quận Cam.

      Tôi được may mắn làm việc chung với anh trong tờ Việt Báo Kinh Tế từ vài năm nay... Nhưng điều tôi phải cúi đầu chào cảm phục chính là khi anh cho biết sẽ ra lại tạp chí Khởi Hành. Những kỷ niệm tôi có với tờ này nơi quê nhà trước 1975 không nhiều lắm, chỉ rải rác vài số đọc thời đi học... Vấn đề là cứ hăm hở lên đường, và chuẩn bị lòng mình cho mọi niềm vui và bất trắc. Chữ nghĩa tự do đã là một tiếng gọi, và cứ để mặc cho nó vang lên. Và cứ để lịch sử gạn lọc.”




    nguồn: nguoi-viet.com
Trả lời

Quay về “câu chuyện văn chương”