Vần thơ sầu rụng

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Vần thơ sầu rụng

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Vần thơ sầu rụng



    Tôi vốn ăn nói vụng về nên rất sợ những người đa ngôn, hay lý luận. Nhưng ghét của nào trời trao của ấy. Lúc đã lâm hoàn cảnh tù tội, run rủi sao tôi lại bị sắp xếp ở cạnh một ông già lắm chuyện: ông Roan. Vừa mới biết nhau ông đã tự giới thiệu ông là một cựu Trưởng Chi Thông Tin Chiêu Hồi. Ông cũng nói ông từng là một nhà thơ có chút tiếng tăm. Thỉnh thoảng ông lại ọ ẹ ngâm vài câu thơ, phần nhiều là thơ Kiều. Hình như cái miệng ông không biết mệt mỏi. Ông cứ kể cho tôi nghe chuyện này, chuyện nọ lung tung.

    Ban đầu, nể ông lớn tuổi, lại nghĩ ông gặp cảnh tù tội muốn xả bớt tâm sự cho nhẹ người, tôi cũng chịu khó lắng nghe. Nhưng rồi phải nghe riết chuyện của ông, tôi chịu không nổi. Nhất là lần ông kể về một chuyến đi du lịch Nhật Bản của ông: Ông lái xe hơi chở cả gia đình ông từ Việt Nam đi thẳng một mách tới thủ đô nước Nhật! Thế là hết cỡ! Từ đó, mỗi khi ông kể chuyện, tôi phải giả vờ ngủ gà ngủ gật để tìm lối thoát.

    Chỗ tôi và ông Roan nằm ở ngay dưới ngọn đèn rất sáng sủa nên khách khứa đến liên miên. Hết người này đứng ké để đọc lá thư nhà đến người kia ngồi nhờ để nặn cái mụt nhọt. Thành thử với tôi cái may lại trở thành cái rủi. Riêng ông Roan coi như đó là cái ưu thế để ban phát ơn huệ cho thiên hạ. Chỗ của mình mà chẳng mấy khi được nghỉ trọn vẹn, tôi rầu lắm. Các bàn cờ tướng, domino đều cứ tập trung gần gần dưới hai ngọn đèn. Đây là những môn giải trí “không nguy hiểm” được phần đông bạn tù ưa chuộng, lúc nào cũng có người sẵn sàng tham gia. Tôi nói không nguy hiểm để phân biệt với những trò giải trí như đố vui, kể chuyện, đã có vài trường hợp bị cho là lợi dụng để mỉa mai, châm biếm chế độ. Như lần kia, một anh kể chuyện Tam Quốc rồi bình một câu “Tào Tháo quả thật là tay gian hùng, đa nghi không ai bằng!”, chỉ có thế mà sau đó cả phòng phải ngồi rã xương sống ra để họp kiểm thảo phê bình.

    Lần kiểm thảo đáng nhớ đời nhất là vụ cán bộ trại ra lệnh tìm cho ra tác giả một bài thơ viết trên bao thuốc lá dán ngay bên vách gần cửa trước phòng giam. Bài thơ tứ tuyệt viết như sau:

    • “Cay độc làm chi thế lão trời!

      Trên khô chết đuối, ruột gan sôi.

      Anh hùng bách chiến ngày nao đó?

      Uống hận còn đây lớp mắm mòi!”


    Cái hình ảnh lớp mắm mòi thật quả không ngoa chút nào. Ban đêm tù nằm người này sát người kia từng dãy như những con mắm được xếp đều rỉ, ai nhìn mà chẳng có cảm tưởng như vậy?

    Lượng người trong phòng quá đông, người ta phải chia chỗ thật sít sao, phải lấy thước đo rồi vạch dấu, nằm ngang hai dãy tính đầu kê sát bờ tường. Cứ về khuya là hình ảnh những lớp mắm mòi hiện ra mồn một. Nói ra người ngoại cuộc có thể khó tin, nhưng trong thực tế, chỉ vì cái chỗ nằm mà không biết bao nhiêu vụ xích mích, thậm chí đưa đến ẩu đả xảy ra. Những người to con thường gặp rắc rối hơn vì không đủ chỗ để trở mình. Ai muốn nằm nghiêng co chân lại một chút cũng khó khăn. Những người không có chỗ trong hai dãy trên và hai đầu phòng, phần nhiều là người mới vào, phải nằm trên lối đi mà bạn tù thường gọi là “phi đạo”. Người ta gọi đùa những người đã được chia chỗ nằm là dân thường trú và những người nằm trên phi đạo là dân tạm trú. Dân tạm trú ngày cũng như đêm ít khi được nghỉ yên vì trên phi đạo người đi tiểu đi cầu cứ qua lại mãi, phải luôn nghe tiếng động dội của bước chân hoặc bị người ta bước vấp vào thân. Đồ đạc của họ cũng không có chỗ riêng để cất, phải gởi nhờ chỗ những bạn thường trú. Dân tạm trú còn phải luôn luôn nhớ chằm chằm ngày vào phòng của mình để khi có ai trong số thường trú được thả hay đổi phòng, cứ tính theo thứ tự thâm niên mà điền khuyết. Qui định mặc nhiên trong các phòng tù, bao giờ kẻ vào phòng sau hết cũng phải “đóng” chỗ sát cầu tiêu nhất hoặc chỗ bất tiện nhất.

    *

    Chúng tôi đã phải ngồi liên tiếp nhiều buổi để kiểm thảo vì một bài thơ. Cán bộ nói phải kiểm thảo cho đến khi nào lòi người viết ra. Nhưng rốt cục chẳng đi tới đâu. Cũng may, chúng tôi chỉ phải ngồi một tuần rồi cán bộ cũng lơ luôn.

    Không tìm ra tác giả tất nhiên nẩy sinh ra nhiều phỏng đoán. Ông Roan hay nói thơ nên cũng có người đoán ông là tác giả. Đáng lý gặp trường hợp như vậy, ông phải dè đặt, né tránh mới phải. Đằng này ông lại ưa khơi nhắc chuyện bài thơ với mọi người:

    -Bài thơ nghe ra hồn đấy chứ! Tôi làm gì mà làm được như vậy! Thế mà người ta cứ đổ cho tôi làm tôi cứ lo bị đòn oan!

    -Mỗi lần nói thế xong ông lại gật gật đầu mà cười luôn cả ánh mắt khiến người đối diện có cảm tưởng như ông đang nói thêm “Dại gì tôi nhận tội!”.

    Trại giam Tân Hiệp Biên Hòa (còn gọi là trại B5) kể từ tháng 6/75, là nơi giam giữ nhiều cấp cán bộ, dân chính và sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa (trừ cấp Tướng lãnh), thêm vào đó là lẻ tẻ một số tội phạm hình sự. Cho tới tháng 10/76, số sĩ quan cấp tá phần đông bị đưa đi Bắc, số còn lại lần lượt bị đưa về trại Bầu Lâm, Xuyên Mộc.

    Tôi vẫn nhớ mãi những cảnh bi hài đã xảy ra trong phòng. Trong một bàn domino chơi ai thua phải chịu đấm bóp cho người thắng, cắc cớ sao lại có một ông cựu chánh án và một thằng nhỏ bị bắt vì tội ngủ chợ tham dự. Ông chánh án mới tập chơi nên bị thua liên miên. Thằng nhỏ ngủ chợ thì lại luôn luôn thắng. Thế là thằng nhỏ cứ nằm sấp thẳng lưng cười khì khì bắt ông chánh án nắn bóp và đấm lưng dài dài. Người đứng coi thấy vậy không ai khỏi tức cười. Một người nói đùa:

    -Nằm đó mà cười, ông tòa phán một lời là chết chú mày đó nghe!

    Ông cựu chánh án cũng cười xuề xòa:

    -Bố mà phán một tiếng là đi đời nghe con!

    Trong lúc mọi người đang cười đùa vui vẻ thì ông Roan lăng xăng lấy ra hai táng đường đưa cao (ông mới được thăm nuôi), tỏ vẻ trịnh trọng tuyên bố:

    -Bây giờ tôi ra một câu đối, ai đối được trước nhất, tôi thưởng hai táng đường này. Rồi ông dõng dạc đọc:

    “Chánh án hết thời, ngồi đấm bóp cho thằng ngủ chợ!”

    Đọc xong câu đối, ông Roan càng hí hửng:

    –Mại dô! Mại dô! Ai làm đối xong sớm trình ra mà lãnh thưởng.

    Một cú đá bất ngờ tung vào bàn tay đang cầm hai táng đường làm ông Roan “ối” lên một tiếng. Hai táng đường trên tay ông văng mất. Ông Bửu, một cựu trung úy chỉ mặt ông Roan hét:

    -Tù cũng phải có tư cách của tù nghe chưa! Ông đặt câu đối mà đùa cho vui thì tôi không nói làm gì. Ông lại bày đặt đưa ra trò giải thưởng, vậy thì đâu phải là đùa? Ông muốn phỉ báng hả? Nếu không vì tuổi tác tôi đá vào mặt ông rồi!

    -Đáng đời! Đáng đời! – một số người nhao nhao lên.

    Ông cựu chánh án đứng dậy. Miệng ông vẫn cười xuề xòa:

    -Thôi, thôi, đủ rồi! Bây giờ đến phiên tòa xử! Không có vành móng ngựa không có bục xử đứng thế này cũng được! Ông Bửu về chỗ mình nghỉ cho hạ hỏa. Bàn domino nghỉ chơi trả chỗ cho ông Roan nằm nghỉ… Bãi tòa!

    *

    Từ khi bị đưa vào phòng này, tôi cố gắng tập thói quen đi cầu vào buổi khuya, khoảng sau bốn giờ. Lúc ấy cầu tiêu ít người, có thể ngồi thong thả. Bể nước có hai vòi chảy liên tục, nhờ nhằm lúc thưa người tắm nên khá đầy, dễ dội rửa. Đó là thời điểm thuận tiện để tắm rửa thoải mái nhất trong ngày. Tôi rất ớn những lần thức dậy trễ, nhất vào khoảng thời gian gần sáng. Vài lần buồn tiểu hay đau bụng muốn chết mà phải xếp hàng chờ đến phiên mình. Đấy là chưa nói có khi đã ngồi được vào cầu, một mình lọt giữa vài ba cái vòi của những người hết nhịn nổi đứng chung quanh cứ hướng về lỗ cầu mà tiểu tiện. Thật là một hình ảnh vừa khó coi vừa tức cười. Những cái vòi hình như muốn chĩa vào đầu, vào mặt cái người đang trần truồng ngồi co rúm nín thở trên cầu. Dĩ nhiên không tránh khỏi một phần nước tiểu vương vãi hoặc dội bắn lên tóc, lên mặt và cả lên môi mép “nạn nhân”. Thói quen của đàn ông là rẩy vòi khi tiểu tiện xong. Rất nhiều người vẫn đứng trước mặt “kẻ rủi ro” mà làm việc ấy không một chút tế nhị. Có người còn vừa rấm vừa khúc khích cười nữa. Nếu ngoài đời gặp cảnh ấy, khó mà biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng ở đây, người ngồi cầu chỉ biết nhắm mắt chịu trận. Đã khổ thế mà lớp đứng chờ bên ngoài cứ cằn nhằn thúc hối nữa. Đi cầu xong, nạn nhân phải tìm cách chen vào gần bể nước, vừa tắm gội vừa nhổ nước miếng liên miên.

    Phòng giam chứa ngót tám chục mạng mà chỉ có hai cái cầu tiêu bố trí hai đầu một bể nước dùng cho cả tắm rửa lẫn uống, cho nên ô vệ sinh ngày cũng như đêm không mấy khi vắng người. Cái kinh nghiệm đó ai cũng biết cả, nhưng cái thói quen, cái lười, cái uể oải, mệt nhọc, chán chường đã khiến một số đông biết khổ như thế mà vẫn không thèm tránh…

    Trong phòng chỉ có hai bóng điện hai đầu mở sáng liên tục ngày đêm. Như đã nói phần trên, chỗ tôi nằm lại ngay dưới một bóng, nên tôi hoàn toàn mất trắng sự thoải mái. Chỗ sáng sủa là chỗ người ta hay tập trung nhất, mình làm gì mọi người đều biết. Người ta cứ mượn làm chỗ đánh cờ, chơi domino. Không cho mượn thì mất lòng, cho mượn thì mất nghỉ. Tôi chỉ thực sự tìm được giấc ngủ từ khoảng 12 giờ đến bốn giờ bốn rưỡi. Nhưng ngán nhất là người bạn già bên cạnh lại hay phá tôi vào những giờ giấc ấy khi ông tìm được một ý tưởng mới! Lần ấy tôi cũng đang ngon giấc thì bị ông đánh thức:

    -Này, ông còn thức đấy chứ! Tôi nghĩ rằng vua Tự Đức nổi tiếng về văn chương nhưng có khi ngài cũng dở. Như hai câu “Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán – Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường” đâu có hay! Đáng lý phải nói “Thi đáo Tùng, Tuy bất Hậu Đường” mới chỉnh chứ! Phải không?

    Khổ ơi là khổ. Bình thơ kiểu đó mà cũng lôi người ta dậy giữa buổi khuya. Cũng suy từ đó, tôi nghĩ bài tứ tuyệt mà cả phòng bị kiểm thảo suốt tuần kia khó có thể là của ông được. Tôi nhăn nhó tỏ vẻ bực mình cho ông biết rồi quay người ngủ tiếp.

    Thế nhưng chứng nào tật ấy! Một lần khác ông cũng lôi tôi dậy lúc tôi đang thả hồn rong chơi tìm quên hiện tại:

    -Ông thấy tôi làm hai câu thơ này được không?

    • “Đêm nằm nghe pháo gọi nhau,

      Cảm thương cô phụ canh thâu mong chồng!”


    Bị mất ngủ đâm ra cáu kỉnh, tôi cằn nhằn:

    -Thơ dở ẹc như thế mà cũng phá người ta! Pháo ở chỗ nào?

    -Pháo đó! Pháo đó! Nghe đi! Có phải không?

    Bây giờ tôi mới hiểu và không khỏi tức cười. Thì ra “pháo” phát ra từ những cái bụng sôi lõng bõng của những người tù đang nằm từng dãy như cá mòi ấy. Khi đều đặn, khi hỗn loạn, đầu này “bì”, đầu kia “bộp” y như đối đáp nhau. Chẳng khác gì hai phe trên chiến trường đang pháo kích lẫn nhau. Trong phòng tù, ai không may mắc chứng mất ngủ thì mặc sức mà nghe “pháo”! Giữa cái cảnh trần tục hồn nhiên đó, tôi thấy lòng mình đột dâng lên bao nỗi ân hận. Với tuổi trẻ lúc bình thường, vì ham những thú vui tào lao dọc đường, con người dễ hờ hững về trách nhiệm đối với gia đình. Khi sa cơ bị nhận chìm xuống bể tục thì trái tim mới nhu hóa cái vỏ bọc xơ cứng của nó mà tìm về chỗ thiết tha nhất, cao quí nhất của tình cảm gia đình. Tôi chẳng để lại được một chút của cải nào cho vợ con trước khi vào tù. Vợ tôi, người thiếu phụ yếu đuối với ba đứa trẻ chưa kịp đến trường dễ gì mà sống trong thời buổi sóng gió này? Có thể giờ này nàng cũng mất ngủ và đang suy nghĩ, đang thương nhớ, đang lo lắng về tôi… “Cảm thương thiếu phụ canh thâu mong chồng!”. Tôi nhẩm lại lời thơ của ông già mà vài phút trước đây tôi nghĩ là thơ cà chớn. Tôi thấy nó thiết tha, thấm thía làm sao! Hình ảnh người vợ và mấy đứa con dại chập chờn hiện lên óc tôi. Nước mắt tôi rưng rưng…

    Cùng lúc, tôi chợt nghe ông Roan ngâm nho nhỏ hai câu thơ ấy. Lần này ông ngâm giọng não nuột vô cùng. Lời tầm thường, không có gì đặc biệt nhưng phát ra đúng lúc đúng cảnh nên nghe có hồn lạ lùng.

    • -Anh nhớ em lắm em biết không hỡi trời!


    Nghe tiếng nấc của ông già nhưng tôi không thể tin lỗ tai mình được. Tôi ngước nhìn ông. Hai dòng lệ đang bò trên đôi má nhăn nhúm của ông! Hèn gì người ta nói có khi làm được một câu thơ, thi nhân phải rướm máu trong lòng…

    -Chắc vợ ông còn trẻ lắm? – tôi hỏi hơi vô duyên.

    -Không. Năm mươi chín tuổi rồi, nhưng chúng tôi thương nhau lắm, không mấy khi rời nhau. Những lần mất ngủ như thế này, vợ tôi thường hay quạt cho tôi và dỗ tôi ngủ. Chuyện nhà tôi cũng lâm ly và đẹp lắm ông ơi…

    Tôi giả vờ ngái ngủ nhắm mắt quay sang phía khác. Lần này không phải tôi chán nghe chuyện ông mà vì tôi không muốn rước thêm những nỗi xúc động cho mình trong khi đang cần giữ gìn sức khỏe. Tôi lắc đầu cố xua đi mọi hình ảnh để tìm lại giấc ngủ. Nhưng ánh đèn lúc đó sao nó sáng lạ lùng làm tôi không cách nào ngủ được. Sau cùng tôi nghĩ ra một trò chơi ngộ nghĩnh cầu may – đếm pháo của thiên hạ. Và tôi ngủ đi lúc nào không hay sau khi đã đếm quá con số 200…

    *

    Hai ngọn đèn mở suốt ngày đêm vì cửa phòng luôn đóng im ỉm. Ngay cả những lỗ thông hơi lớn nhỏ của phòng cũng đều bị bít sạch. Việc bít kín các lỗ thông hơi ở các nhà giam, tôi nghĩ là một việc làm có chủ trương. Tôi từng bị giam qua hai trại: Trại giam B5 Tân Hiệp Biên Hòa rồi Khám đường Bà Rịa, chỗ nào cũng ngót một năm. Tôi thấy trại nào, ở các phòng nhốt đông người, người ta cũng cho bít sạch các lỗ thông hơi như nhau. Chẳng lẽ đây chỉ là một sự trùng hợp tình cờ? Nếu tắt đèn thì dù đang buổi trưa, ánh sáng trong phòng cũng chỉ giống như khi trời chạng vạng. Không thông hòa được với bên ngoài, cái không khí oi bức như luôn quyện lấy mọi người, mọi vật trong phòng. Tuy không lao động và tắm rửa hàng ngày, có người tắm vài ba lần, thân hình người nào cũng luôn luôn nham nháp mồ hôi. Bốn bức tường vừa tầm lưng người ngồi chỗ nào cũng rịn ướt. Mọi thứ hôi hám không thoát ra ngoài được tạo thành một khối khí nồng nặc bị dồn nén lại, khiến ai nấy đều bị tiệp mùi. Những người nằm sát cầu tiêu, kể cả lúc cầu có người đang dùng, cái mũi vẫn thấy “bình thường”. Cho nên chẳng ai ngạc nhiên khi trong cầu có kẻ đang rặn thì gần đó lại có mấy người bày đồ ăn ra ăn rất tự nhiên.

    Phòng giam có hai lớp cửa, lớp ngoài là một tấm cửa bửng sắt. Lớp trong là lớp cửa bằng song sắt thẳng đứng lõm vào trong phòng chừng một thước, chân cửa, kể cả chân tấm cửa bửng lớp ngoài, tạo một hình chữ nhật.

    Tôi để ý thấy khi mở cửa, người ta phải mở từng bước một. Mở ổ khóa xong, người mở một tay bưng mũi, một tay kéo lá cửa bửng sắt bật ra thật nhanh. Mặt y luôn né sang một bên để tránh luồng khí từ bên trong phòng bắn ra ngoài. Nhổ xong mấy bãi nước miếng, đợi mấy phút sau cho không khí khá bình thường, y mới tiến lại mở khóa lớp cửa song sắt.

    Bên trong ngược lại, mỗi khi nghe tiếng mở khóa lách cách từ một phòng nào đó, một số tù đã tiến ra gần cửa song sắt chờ đợi. Tấm cửa bửng vừa kéo ra, ánh sáng và không khí từ bên ngoài tuôn vào phòng đúng là một luồng sinh khí tuyệt diệu. Tù trong phòng tranh nhau ùa về phía cửa hít lấy hít để mong thải ra những chất khí bẩn đầy ắp trong phổi và hớp vào những ngụm không khí trong lành từ ngoài tuôn vào. Ai ở vào cảnh này mới hiểu được giá trị của từng hớp không khí, từng giọt ánh sáng tự nhiên. Dù là mở cửa để đưa cơm nước hay kêu người đi đâu, mặc cho cán bộ thúc giục, bất cứ người tù nào cũng cố tìm cách trì hoãn cho việc đóng cửa càng lâu càng tốt. Đó là điểm giống nhau tuyệt đối trong lòng những người tù.

    *

    Ngày kia, trại lượm thêm đâu đó một thằng nhỏ chừng mười sáu tuổi nhét vô phòng. Nó được bố trí nằm ngay cửa cầu tiêu. Thằng nhỏ tỏ ra bất mãn lắm. Nó hậm hực không chịu nói chuyện với ai cả. Lần đầu lãnh phần ăn, nó ngại ngùng cất lại chờ đợi. Có lẽ mới từ ngoài vào nó còn quá lạ với cái mùi đặc biệt ở đây. Thấy những người khác ăn uống tỉnh bơ trong lúc trên cầu người khác đang xả ra xoèn xoẹt, nó tỏ thái độ ghê tởm ra mặt. Có lẽ nó vẫn cố đợi khi nào trên cầu vắng người mới ăn. Cố đợi… Nhưng rốt cục rồi nó phải hiểu, phải nhanh chóng quen cả hoàn cảnh lẫn mùi vị trong chốn địa ngục này. Đói bụng quá, thằng bé phải mở thức ăn ra. Một số người chung quanh nhìn nó gật đầu mỉm cười thông cảm. Mặt thằng bé tiu nghỉu chịu thua. Những cử chỉ của chú nai tơ ấy từ đầu chí cuối không thoát khỏi cặp mắt quỉ quái của ông Roan.

    Không biết suy nghĩ thế nào, khi thằng bé giở đồ ăn bắt đầu nhai thì ông Roan sắp hàng bước vào cầu. Khi ngồi được vào cầu, ông nhíu mày, tỏ vẻ suy nghĩ. Thình lình ông làm như thấy cảnh sinh tình, cất giọng ngâm cao:
    • “Cầu trên lão bá ì è rặn,

      Bệ dưới tiểu đồng nhỏn nhoẻn nhai”.
    Ông gật gật đầu lấy làm đắc ý lắm. Dù có người đang chờ thay ông, ông vẫn ngồi nán ngâm đi ngâm lại mấy lần. Có nhiều người tỏ ra khó chịu nhưng cũng có người vỗ tay tán thưởng. Khi bước ra khỏi cầu, ông Roan vẫn tiếp tục gật gù tươi cười hãnh diện vì cái tài xuất khẩu thành chương của mình. Thấy ông già sắp bước ra, thằng nhỏ buông muỗng đứng dậy. Nguồn cảm hứng quá rạt rào trong lòng khiến ông Roan không để ý đến vẻ cau có trên nét mặt thằng bé. Ông nhìn nó tươi cười hỏi:

    -Thế nào! Nghe được không?

    -Được lắm chứ!

    Thằng nhỏ vừa trả lời vừa đấm một phát thật mạnh vào miệng ông Roan. Ông quá bất ngờ lạng quạng giây lát rồi nhổ ra một bãi nước dãi lẫn máu với một cái răng cửa.

    -Tao đùa chút xíu cho đỡ buồn chứ có gì mà mày đánh tao?

    -Tôi làm thế để ông nhớ mãi câu thơ quá hay của ông!

    Trưởng buồng vội chạy lại răn đe dặn dò thằng bé. Ông Roan thì lủi thủi trở lại súc miệng rồi về chỗ mình. Nhiều nhóm người trong phòng lại có chuyện để bàn tán, cười rúc rích với nhau. Ông ngồi phịch xuống cạnh tôi phân bua:

    -Mình đùa cho vui, mẹ cha nó, cái dân du côn trời đánh!

    Tôi cố nhịn cười và tạo một vẻ buồn thông cảm:

    -Bác Roan có đau lắm không? Mẹ kiếp! Cái thời điên đảo khiến rồng cũng phải nhịn rắn liu điu!

    Đầu kia, nổi lên những tiếng cười hô hố rồi một người nào đó cố tình nói lớn:

    -Bây giờ tôi mới hiểu ý nghĩa bài thơ “Vần Thơ Sầu Rụng” của Lưu Trọng Lư! Vì vần thơ mà rụng răng, vậy ta nên gọi ông Roan là ông “Vần Thơ Sầu Rụng” để ghi nhớ chuyện này nghe anh em!

    Một lời phát ra độc địa thật! Từ đó một số bạn tù cứ công khai gọi ông Roan là ông Vần Thơ Sầu Rụng, nhất là mấy đứa tù hình sự choai choai. Một số khác trước mặt ông thì không, nhưng không có ông họ cũng dùng cái tên đó để gọi ông. Tuy thế, tôi không thấy ông Roan tỏ ra tự ái bao giờ. Có lẽ đó là điều đáng thương mà cũng là một điều tốt cho ông.

    *

    Một buổi sáng cán bộ trại gọi ông Roan lên phòng hỏi cung, không ai đoán ra về vụ gì. Đến chiều thì một người tù trật tự đến lấy đồ đạc của ông đi. Ông bị kỷ luật biệt giam rồi sau đó bị đổi đến một phòng giam khác.

    Một tháng sau, anh Hữu, người lúc ấy đang ở cùng phòng với ông Roan lại đổi đến phòng chúng tôi. Anh em trong phòng mới hỏi thăm về chuyện ông Roan bị kỷ luật thế nào, anh Hữu cho biết:

    -Ông Vần Thơ Sầu Rụng đó hả? Ông đã đọc hai câu thơ xưa “Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu, Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi!” thành ra “Cổ lai cải tạo kỷ nhân hồi!”

    Một người nghe xong cười lên:

    -Thì ra cũng tại Nàng Thơ! Mấy lần nhục nhã, tai họa đến với ông ta đều do Nàng Thơ cả! Thế mà nhiều người cho là Nàng Thơ sinh ra để làm đẹp cho đời!

    Một người khác nói:

    -Qua một thời gian sống cạnh ông Roan, tôi nhận xét ông ấy rất nông cạn, hời hợt. Đã thế, ông lại tự phụ, ba hoa, ngạo mạn nên dễ mất lòng người. Chúng ta cũng đừng nên trách Nàng Thơ đối xử khắt khe với ông Roan. Muốn chơi với Nàng Thơ thì phải ngay thẳng, có tâm hồn, có lượng bao dung, có ít nhiều kiến thức xã hội… chứ cà chớn cà cháo mà chơi leo, Nàng Thơ phạt cho trắng máu, cho sầu rụng tả tơi có ngày…


    Ngô Viết Trọng


    Nguồn:http://vietluan.com.au



              
Trả lời

Quay về “của người”