Nồi Cá Nục Kho

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Nồi Cá Nục Kho

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Nồi Cá Nục Kho



    Đứng trước quầy hàng cá của chợ ABC có đủ mọi loại mà tôi không còn nhớ là phải mua loại cá nào mà bà ngoại các cháu vừa dặn sáng nay, xê tới dịch lui khiến tôi đụng phải một phụ nữ. Thực ra tôi không rõ người ta đụng tôi hay tôi đụng ngừơi ta, nhưng dù vô tình mà chạm vào phụ nữ thì mình cứ xin lỗi trước cho chắc ăn, nghe tôi”sorry” người phụ nữ mỉm cừơi:

    _ “Không có chi, mà anh muốn mua cá gì vậy? Tôi thấy anh đứng ngắm mấy con cá này lâu lắm rồi đấy, “muốn lục không?”

    Ba tiếng “muốn lục không” cố tình kéo dài đựơm vẻ diễu cợt ngừơi nói ngọng làm tôi giật mình nhớ lại chuyện mấy chục năm trước, tại lớp Toán Lý Hóa ở trường Trung Nguyên trên đường Phan Thanh Giản, xế mé tay phải trước cửa bệnh viện Bình Dân, tôi đã bị cô nữ sinh tên Đào, ngồi bên cạnh, nhạo báng tôi về cái tật nói ngọng: “súng nục, nục ví, cá lục v.v…”. Rồi năm 1985, sau khi đi tù về tôi có theo học một lớp điện toán về “ngôn ngữ bê-zích & cô-bôn” mà Đào là giảng viên, vì cô là chuyên viên IBM của Bộ Quốc Phòng. Lúc đó thì chúng tôi quen thân nhau rồi, có lần tôi hỏi mượn cô tập tài liệu thì cô bảo không có, tôi nói “có mà” thì cô ưỡn ngực thách thức “muốn lục không?”. Nhìn phụ nữ này giống Đào ngày xưa lắm, dĩ nhiên lớn tuổi hơn, nhưng câu hỏi “muốn lục không” càng làm cho tôi tin… nên tôi ỡm ờ vừa trả lời vửa hỏi thử xem sao, đúng hay không đúng cũng là dịp làm quen, thêm bạn mới, ở tuổi 70 thì bạn nào cũng là bạn, chả cần phân biệt nam nữ, tôi trả lời:

    _ “Cũng muốn lục, nhưng không dám… Hình như Đào Trung Nguyên phải không?

    _ Còn ai vào đây nữa? Tôi đã nhận ra anh trong lần Việt Báo phát giải thưởng VVNM, hôm đó định đến hỏi thăm nhưng thấy có áo dài đi theo nên né, vả lại vì ngày xưa anh cũng già như bây giờ, không thay đổi mấy nên dễ nhận ra. Mà ai sai anh đi mua cá vậy?

    _ Cháu nó nhờ đi mua, nhưng mới từ nhà đến đây mà tôi đã quên mất tên cá rồi..

    _ Nhưng sao cái tên… cách nay mấy chục năm vẫn còn nhớ.

    _Thế đấy! Ở tuổi 70, tay cầm chìa khóa thì lại đi tìm khóa xe, còn chuyện ba bốn chục năm về trước thì cứ như ở trước mặt, cái tên Đào dễ nhớ vì nó nằm trong tim rồi, vả lại cô vẫn thơm vẫn đẹp vẫn duyên dáng. Quên sao đành, chuyện trước mắt quên vì cá nó tanh.

    _ Gủy nè! Thôi để em chọn cho, cá nục nhá.

    _ “Lục” tanh lắm.

    _ Thôi, chợ đông, anh đi ra ngoài kia đi, em mua cho, mua cá gì phải nhận cá đó nhe.

    Trai khôn tìm vợ chợ đông, còn tôi là lão già, già mà dại, dù cô đổi đã danh xưng từ hai chữ anh-tôi sang anh-em thì tôi vẫn không dám tìm… nên vội nghe lời cô, tránh xa chỗ đông, ra cửa tìm “ngừơi tình khói sưong”, “nhớ nhà châm điếu thuốc”, nhớ về những kỷ niệm đẹp thời học sinh đi học tư các lớp Toán Lý Hóa. Những lớp này thừơng có những người đẹp tới đó để làm duyên, siêng học nhưng cũng siêng làm đẹp, Đỗ Thị Đào là một trong số đó. Chúng tôi ngồi sát bên nhau, lúc đầu còn ngượng nghịu khó chịu, nhưng một lần nhờ tôi phải dở thói vũ phu nên dần dà thân nhau hơn, có những kỷ niệm vui hồn nhiên, ngoài lớp Toán Lý Hóa ở trường, nhiều lần nàng chưa hiểu rõ nên kéo tôi về nhà, cũng gần đó, sau Kỳ Viên Tự, trong khu cư xá Bàn Cờ, để kèm thêm toán cho Đào.

    Đào là con nhà khá giả, đi học bằng velo solex lại đẹp nữa, nhưng tính tinh nghịch và hơi kiêu nên bị đám thanh niên luôn miệng trêu ghẹo, mỗi khi trông thấy cô là chúng hát: “hay cho con bé Thị Đào, nước trong veo vẻo cắm sào đợi ai”. Có lần nàng muốn phát khóc vì tên Nguyễn Xuân Thanh đùa quá trớn khiến tôi phải dở thói võ phu ra can thiệp, từ đó chúng tôi thân nhau. Đang miên man nhờ về trường cũ bạn xưa thì Đào xách ra 2 túi cá đi ra, mỉn cười nói:

    _ Túi này của anh, còn túi này của em, cá nục Na Uy đấy nhá.

    Thật là tai hại, cá nục rất tanh, nấu nướng kiểu gì cũng tanh, nay nàng mua một bịch rồi bắt nhận như đã nói, khốn nỗi tôi lại im lặng như chấp nhận thì biết làm sao đây. Tôi bèn hỏi:

    _ Thế cá này làm ra sao, nấu cách nào, xào, nướng, chiên, canh chua hay kho?

    _ Đừng có lo, em lo cho, cá nục kho là ngon nhất, cá nục kho là tuyệt. Nhà em ở gần đây thôi, ghé qua cho biết nhà và em sẽ chỉ cách làm cá kho cho.

    _ Có tiện không? Nhỡ có ai…

    _ Nhỡ nhiều lần rồi, đừng lo cái chuyện nhỡ có ai, mình là bạn thân ngày xưa mà.

    Tôi nghe như có tiếng chim hót chào buổi sáng đẹp trời, chẳng còn gì vui hơn là “vâng lời”, xách dùm nàng 2 bịch cá, chúng tôi cùng song hành mà không ngửi thấy mùi tanh.

    ***.

    Sau khi thay đồ xong, nàng bước vào nhà bếp, nơi tôi đang ngồi, với cái áo ngắn tay màu mỡ gà, ẩn hiện những nét đẹp chết người, tóc búi cao để lộ cái cổ trắng ngần có thể làm nhiều anh đần ngẩn ngơ. Nàng giải thích mặc áo ngắn tay thế này để làm cá cho đỡ vướng. Nàng khoác tấm tạp-dề vào rồi mở từng bịch cá ra trút vào sink, bỗng tôi giật mình nghe tiếng la:

    _ Chết tía rồi, vội vàng nên quên mất, tay em bận, anh cột hộ cái dây tạp-dề.

    Tôi vội đặt tờ báo PNDĐ lên bàn, tờ báo cầm cho có, cho đỡ dư 2 bàn tay từ lúc vào nhà Đào cho đến lúc ấy chứ có đọc được chữ nào đâu! Tôi tiến đến sau lưng, lụp chụp cầm 2 cái giải rút ngước lên thì mắt chạm vào cái gáy trắnng ngần, những “đường tơ kẽ tóc” làm tôi run! Ơ kìa, tôi bị bệnh parkingson hồi nào vậy nè…

    _ Xong chưa? Thắt hộ cái dây tạp-dề mà cũng lóng ngóng như thợ vụng mất kim, nhỡ có ai nhờ cài khuy sau lưng thì làm sao?

    Tiếng Đào tinh nghịch làm tôi giật mình nhớ đến một kỷ niệm khó quên, nhớ lại thì đỏ mặt, nhưng mà vẫn thích nhớ. Thời gian Đào bị té xe solex, tôi phải đưa đón Đào bằng cái xe đạp hiệu Sterling cũ kỹ. Một lần, sau buổi học, tôi chở Đào về, vì đau khuỷu tay, không quẹo ra sau lưng được nên Đào nhờ tôi tháo hộ cái móc… lại còn ra lệnh nhớ nhắm mắt lại. Tôi cũng thật tình nhắm mắt lại, nhưng cái móc thì nó nhỏ xíu, nhắm mắt rủi không cầm được cái móc mà móc lộn chỗ thì khổ nên cũng ráng ti-hí mắt lươn, chính vì cái tội ti-hí này nên tôi thấy có con rôm (sảy) đo-đỏ ngay giữa lưng, rôm này sẽ làm nàng ngứa lắm đây, nghĩ vậy nên tôi lấy móng tay cạy cạy cho nó mất đi, ai ngờ Đào dẫy nẩy gắt: “làm gì thế?”. Tôi bảo nặn com rôm dùm cho đỡ ngứa thì nàng phì cười: “khờ quá, nốt ruồi son của người ta đấy”.

    Con trai thì chỉ biết có rôm sẩy, nhất là về mùa Hè nóng bức, nổi đầy người, ngứa không chịu nổi chứ có biết ruồi son là cái gì đâu, nay nghe Đào nhắc lại câu “nhỡ có ai nhờ cài khuy sau lưng” lại làm tôi mắc cỡ, nhưng vì da mặt sạm sì nhăn nheo nên không ai thấy đỏ mặt.

    _ Xong rồi đây, lóng ngóng là vì thử tìm xem nốt ruồi son ngày xưa còn không?

    _ Nghĩ lại buồn cười nhỉ, sao hồi đó tụi mình khờ quá, còn tụi nhỏ ngày nay thì..!

    _ Không phải tụi mình khờ mà là chỉ một mình tôi khờ thôi.

    _ Ờ thì chỉ một mình bạn khờ, mà bạn khờ thật nên tôi quý mến bạn và ngày nay tôi mới rủ bạn về nhà, mới nhờ bạn cột cái dây tạp dề, chớ “quỷ ma học trò”* như… thì làm sao tôi dám (* tên một cuốn truyện của nhà văn Huỳnh Văn Phú).

    _ Chẳng phải tôi khờ mà thực ra là “tình trong như đã mặt ngoài còn e”, hồi đó tôi thương bạn lắm nên bạn sai cái gì tôi cũng làm, bạn có nhớ cái lần tên Xuân Thanh chọc bạn khóc không? Nhóm tụi nó có tới ba bốn đứa vậy mà tồi liều mạng nhảy đến hét lên rồi túm cổ áo nó giật kiểu như tập võ khiến tụi nó tưởng tôi là học lò “Hàn Bái Đường” nên mới chuồn. Bạn đẹp lắm, mỗi lần chạm tay nhau là tôi thích ngẩn ngơ, nhiều đêm ngồi học suy nghĩ vẩn vơ, dự định bữa nào có dịp là ôm đại một cái, nhưng khi gặp rồi lại sợ, tôi không dám đụng tay vào, và nỗi lo lắng nhất là sợ bị bạn mắng, bị người đẹp mắng chắc là quê và xấu hổ lắm đấy. Tôi không phân biệt được tôi quý mến hay yêu thương bạn, nhưng có điều chắc chắn là tôi ghét lão dậy môn Hóa, có lần tôi thấy lão hỏi Đào cái gì đó lúc giờ ra chơi ở sân trường khiến tôi tức cả mấy ngày.

    _ Ừa thì thôi, cứ khờ như thế cho ngừơi ta nhờ, nam nữ thọ-thọ bất thân thì chúng ta vẫn còn tình bạn bè, những mối tình đẹp.

    _ Chả muốn khờ nữa, muốn khôn liền nhưng lại quá “đát” rồi…

    Thôi, đừng hối hận nữa lão khờ, đứng xích vào đây em chỉ cho cách làm và kho cá nục.

    1/ Trước hết pha một ít dấm và muối vào nứơc, ngâm cá trong 5 phút rồi rửa sạch cả bên ngoài lẫn bên trong, lưu ý nhất là phải cạo cho sạch lớp máu cá dọc theo xương sống, thủ phạm tanh là đây. Sau đó lấy giấy lau cá cho ráo nước, ứơp muối, tỏi để trong 30 phút.

    2/ Chiên sơ cá sao cho lớp da cá nục vàng vàng. Khi da cá hơi vàng là lúc ta dễ dàng lột bỏ nó đi, vì da cá nục là thành phần tanh nhất.

    3/ Cho những miếng cá đã lột da vào xoong, thêm dứa (khóm), nứơc mắm, đường, nứơc màu, thêm nước sôi vào cho xấp xấp cá ( nhớ là nứớc sôi, nếu thêm nứơc lạnh cá sẽ tanh), đun sôi, kho cho tới khi nước sền-sệt thì thêm một thìa canh rượu Cô-Nhắc, rắc nhiều rau răm, tắt lửa (nhưng không cần tối đèn). Thịt cá sẽ thơm, dai, ngọt và xương cũng mềm, tuyệt diệu.

    Cá nục Na Uy rất rẻ, chừng 1,99$/ lb và thời gian kho chừng 1 tiếng là xong. Anh có muốn thử cho biết thì ngồi đó chờ… Cơm nóng đi với cá “sáu kho” thì no cành hông.

    _ Nói thì nghe dễ, nhưng làm mới khó, cái khó là làm sao cho liều lượng đường, muối mắm cho vừa. Có lẽ cách làm và kho kiểu em vửa nói là chỉ để dành riêng cho những tên đần ông làm biếng như anh, còn em thì đâu cần phải nhiêu khê mất nhiều công phu như thế, tay em mà đụng vô cá nào, dù là ươn thì cũng tươi…tỉnh ngay, không những hết tanh mà còn thơm nữa. Nhưng còn cá chim thì sao?

    _ Chim hả! Không bao giờ kho, cứ cắt nó ra rồi đem chiên ròn, tưới nước mắm ớt lên…

    Tôi mở miệng toan đùa giai, đùa dại là cắt nó ra rồi xát muối tiêu là tiêu đời …cá chim thì Đào bảo tôi ngồi chờ chừng một tiếng là cơm cá sẵn sàng còn cô thì đi “thếch-ờ-sao”.

    ***.

    Rượu ngon, chỗ ngồi không ngon, người đối ẩm không ngon thì không ngon.

    Cá ngon, cơm ngon, chỗ ngồi ngon, người đôi thực …ngon thì ngon ơi là ngon.

    Quả thật, đưa miếng cá nục kho vào miệng mà sao nó ngon thế, không còn một chút mùi tanh mà thoang thoảng mùi cognac, mùi rau răm, xương cá mềm rụm bùi bùi, vị ngọt của miếng cá dai dai như gà đi bộ, tôi cứ muốn ngậm mãi, chẳng muốn nhai để kéo dài thời gian bữa cơm càng lâu càng tốt. Cái mùi vị rau răm thường làm chúng ta nhớ tới hột vịt lộn, nhưng nghe nói sau này họ bày vẽ chế biến cho lạ là ăn hột vịt lộn với thìa là. Điều đó chưa thử thì chưa biết, nhưng thêm rau răm vào cá nục kho thì nhất định một trăm phầm trăm em ơi là thơm ngon.

    Tiệc vui nào cũng có lúc tàn, huống chi chỉ là bữa cơm thường giữa bạn bè chỉ có hai người thì cũng tới lúc phải chia tay. Nhưng cái hay là nhờ nồi cá nục kho theo kiểu này thì sau bữa cơm, không cần trái cây, trà hay cafe tráng miệng thì miệng vẫn thơm, khi chia tay, chúng tôi chỉ cảm thấy vị ngọt ngào để hẹn ngày tái ngộ.

    Chuyện bất ngờ gặp lại bạn cũ, ôn lại những kỷ niệm vui, phảng phất một niềm luyến tiếc, nhưng điều tôi nhận ra là bàn tay người phụ nữ có thể biến cá ươn thành tươi ngon, chuyện thực tế này sẽ giúp cho chúng ta tiết kiệm một phần, phần khác là không cần cầu kỳ phải trả giá cao với cá tra tươi sống bơi lội trong hồ mới là ngon. Một điềm nữa là cách cư xử và ngôn từ của ngừoi phụ nữ có thể làm thay đổi đời sống những ngừoi xung quanh thật dễ dàng, từ tầm thường thành hữu ích và ngược lại.

    Chẳng phải tôi kể lại câu chuyện riêng tư này ra để bị đồng môn, đồng khóa, bạn bè cười về cái tính khờ khạo, mà tôi muốn đề cập đến tình bạn mãi mãi vẫn đẹp, vẫn vui nếu chúng ta biết tôn trọng nhau, giữ gìn cho nhau, bảo vệ nhau. Nếu như cái ngày xưa ấy, khi Đào bảo tôi nhắm mắt lại rồi cởi dùm cái móc áo sau lưng mà tôi không khờ, không tự chủ được mình thì chắc gì còn niềm vui ngày hôm nay, có khi còn là thù hận hay ân hận.

    Đi xa hơn tình bạn một tí là tình “người bạn đời” cũng thế thôi. Câu ca: “tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời hết vui khi đã trọn câu thề” có lẽ chỉ là câu ca cải lương để bào chữa cho sự chia tay cố ý. Xung quanh chúng ta có biết bao mối tình “trọn câu thề” mà hạnh phúc, hạnh phúc cho tới đầu bạc răng long. Tôi có thể đưa ra một vài thí dụ cụ thể đề chứng minh cho điều đó.

    Anh Chu Trọng Ngôn là người giỏi về photoshop và layout cho các tờ báo, đây là thú vui sau khi về hưu chứ không vì kinh tế. Phòng làm việc của anh là cả một không gian lộn xộn bừa bãi đủ mọi sách báo tài liệu. Còn chị thì vui với công việc vá may, cả hai hết sức tôn trọng niềm vui riêng. Nhưng gần đây, mỗi sáng anh lại chở chị đến một trung tâm học về computer và bây giờ chị có riêng một “ai-bét”, thỉnh thoảng anh chị trao đổi tin tức cho nhau mà không hề có lời phàn nàn hay cẳn nhẳn, cằn nhằn. Thật là hạnh phúc.

    Anh chị Lê Khắc đã bước vào tuổi 70, khi anh bị một căn bệnh khó chữa, chị cầu xin ơn trên cho anh vượt qua, khi anh vượt qua rồi, dù do là kết quả của y khoa hay niềm tin, chị tự nguyện xin theo tôn giáo mà chị cầu xin, thế là anh siêng năng vui vẻ chở chị đến nơi học giáo lý, còn anh vẫn tin tưởng vào tôn giáo của anh. Thật là hạnh phúc.

    Chung quanh tôi, các anh chị cùng lứa tuổi, “đã trọn câu thề” từ mấy chục năm nay và nay vẫn hạnh phúc cho tới mãi mãi như các anh chị Khắc Huệ, Khắc Hồng, Hồng Miên, Dương Chiến, Tiễn San, Quang Giáng, Trịnh Phương, Nguyễn Phẩm, Phục Hưng, Khải Bình, Đình Bảo v.v… là nhờ “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, nhưng xét cho cùng thì những anh đàn ông khi luống tuổi lại hay là đần ông nên việc thành công trong hạnh phúc gia đình vẫn do bàn tay và tiếng nói cuả ngừơi phụ nữ mà nên cả.

    Chú thím Tư tôi cũng có tất cả những điều kiện như các bạn kể trên, nhưng hơi lệch vế, chú Tư tôi không trai gái, rựơu chè, cờ bạc, là cha hiền, chồng ngoan, chính ở cái điểm “ngoan ngoãn” này mà thím tôi lấn tới, dù vẫn thương chồng, nhưng không khí gia đình luôn thiếu một niềm vui, thiếu sinh khí, vì mỗi khi chú tôi nói điều gì thì hình như là không đúng ý thím, dù ý thím có văn có vẻ như con cua bò, và cái lý do bào chữa cho con cua bò ngang là “khắc khẩu”. Dần dần chú Tư tôi hãm mình ép xác cho yên cửa nhà. Tôi sợ lò xo ép quá có ngày bung.

    Thông thường, ngừơi đàn ông sẽ trở thành ĐẦN ông khi mỗi ngày đều phải nghe những điệp khúc “cằn nhằn” không đáng nói, nó như cái đĩa hát bị trầy, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ, cằn nhằn lặt vặt chính là virus tiêu diệt sinh khí hoạt bát của chú tôi. Tội nghiệp ông!

    Nhưng xét cho cùng thì trời ban cho người phụ nữ cái tính hay lo, săn sóc gia đình, cái gì cũng phải tươm tất, còn đàn ông thì cái gì cũng “qualoarement” cho xong, nhất là vào tuổi xế Đông thì lại hay quên, quên ngày sinh nhật của người bạn đời, quên ngày va-lăng-thai, quên ngày phụ nữ vùng lên. Đề chuộc lại những lỗi lầm ấy, những lỗi lầm đi nói dối cha (LM), về nhà nói dối vợ thì một ngày đẹp trời nào đó hãy đi chợ và kho cho vợ một nồi cá nục theo công thức của cô bạn gái tôi cho thì tình yêu sẽ mặn mà đậm đà hơn

    Mọi chi tiết xin gửi về [email protected] .

    Phila Tô


    Nguồn:http://t-van.net




              
Trả lời

Quay về “của người”