Hẻm Sài Gòn Trong Tôi

Trả lời
Hình đại diện
thiên thanh
Bài viết: 1352
Ngày tham gia: Thứ năm 14/05/15 11:49
Nơi ở: Phố Cổ

Hẻm Sài Gòn Trong Tôi

Bài viết bởi thiên thanh »

          
Hình ảnh


Hẻm Sài Gòn Trong Tôi
Nguyễn thị Hải Hà


tản mạn



- Hello Ông già! Lâu quá không gọi thăm ông. Ông có khỏe không? Ông có đang bận gì không? Nói chuyện được không?

- Chào Bà. Không bận gì lớn toàn chuyện vặt chung quanh nhà nhưng nói chuyện với Bà thì bao giờ tôi cũng dành ưu tiên. Sức khỏe thì cũng vậy vậy thôi, tuổi của tôi bây giờ sống là để chờ chết mà. Giờ này bên đó mới hai giờ sáng, sao dậy sớm quá vậy?

- Tôi nằm mơ, giật mình thức dậy rồi không ngủ lại được, nên dậy luôn.

- Có lẽ tại bà ăn thức ăn khó tiêu lúc đi ngủ. Bà mơ thấy gì?

- Toàn là những chuyện không đầu không đuôi. Tôi thấy một ngõ hẻm với nhiều căn phố có chung vách tường, mặt trước sơn màu vàng của bánh bông lan hay màu xanh da trời nhưng những màu sơn đã xỉn lại vì cũ quá và đóng đầy bụi bặm. Có một cánh cửa sổ hé mở và ánh sáng xuyên qua khe cửa sổ chiếu lên những hạt bụi đang bay. Tôi mường tượng nghe tiếng trẻ em khóc, tiếng quạt giấy phe phẩy, giọng hát ru con ầu ơ. Rồi những bức tường nằm nghiêng xuống trôi đi như một khúc phim, sau đó tôi thấy mình ngơ ngác đứng giữa một ngả ba. Cửa tiệm, hàng quán, mấy sập bán trái cây, gánh rau muống bà cụ chẻ rau muống móng tay đen thui, cái vẻ quen thuộc, ông biết mà, chợ nào cũng giống nhau, nhưng tôi không biết đây là chợ gì. Đi chừng vài bước tôi lạc vào một ngõ hẻm bề rộng chừng hơn ba mét. Hẻm tối om om vì hai mái nhà giao vào nhau che hết ánh sáng, nhưng ngó lên trên đầu, tôi thấy qua khe hở bầu trời như một sợi chỉ xanh lơ. Những ngôi nhà lụp xụp này có cửa đối diện với nhau, ở cửa này ngó sang nhà bên kia có thể nhìn thấy từ đằng trước đến đằng sau. Giữa đường hẻm là dòng nước chảy vì có người nào đó đổ chậu nước giặt đồ lên sân. Thức giấc tôi thấy bàng hoàng. Những cảnh này vừa quen lại vừa lạ. Quen vì chúng giống những ngõ hẻm Sài Gòn, quận Tư hồi trước tôi sống ở đó, lạ là vì trong giấc mơ những chi tiết về cảnh trí khác với trong trí nhớ của tôi. Đây không phải là lần đầu tiên tôi mơ về những đường hẻm này. Chúng cứ trồi sụt trở đi trở lại trong giấc ngủ của tôi, mỗi lần mơ lại thấy cảnh khác đi một chút, nhưng vẫn biết là mình đã từng gặp những giấc mơ như thế này.

- Chắc là Bà nhớ nhà.

- Không chắc đâu. Tôi không tin là tôi nhớ nhà. Hồi ra đi tôi thề sẽ không bao giờ về. Tôi như người giăng bức màn đen phía sau lưng, nhất quyết không nhìn về quá khứ.

- Đi năm nào, giận gì mà thề dữ vậy?

- Đi năm 80. Ghét cái xã hội phong kiến cổ hủ, ghét cách cư xử chật hẹp khắc nghiệt, ghét người chung quanh ruồng rẫy bạc đãi tôi. Tôi muốn quên hết, cả cha mẹ anh em tôi cũng quên. Tôi còn thề vào quốc tịch nước ngoài lấy tên Tây để không còn dính dáng gì với cái gốc phèn của tôi nữa.

- (Cười khẽ) Bà nói như nhân vật trong thơ của Thâm Tâm. Mẹ thà coi như là hạt bụi. Chị thà xem như hơi rượu cay.

- Nhưng mà ông ấy đi kháng chiến còn tôi thì bỏ quê hương.

- Ở Sài Gòn, quận Tư nghèo nhất và nổi tiếng nhiều du đãng nhất. Ai lạng quạng đi lạc qua quận Tư là bị đánh hội đồng dữ lắm. Phải vậy không?

- Ở đâu quen đó ông ơi. Tôi ở đó từ hồi năm 1959 đến 1963, nhà bị cháy, má tôi dọn sang Tân Qui Đông. Năm 1972 tôi trở về quận Tư ở cho đến 1980. Thỉnh thoảng thấy trẻ em hoặc là mấy chị gánh nước mướn đánh nhau. Nhưng chuyện đánh hội đồng thì tôi không thấy. Không thấy không có nghĩa là không có.

- Quận Tư lớn rộng lắm. Có Khánh Hội, Vĩnh Hội, Xóm Chiếu, Cầu Dừa, Bà ở khúc nào?

- Ông cũng biết rành về quận Tư quá ha. Tôi ở khu Vĩnh Hội nhưng mấy cái đường hẻm này giờ đây không còn nữa. Tôi vẫn còn nhớ cái địa chỉ cũ của căn nhà tôi ở từ năm 72. Số nhà là 129F Bến Vân Đồn với ba bốn cái suyệt. Tôi về Việt Nam lần cuối, năm 2005 chỗ ấy vẫn còn. Nhưng sáng nay dùng bản đồ của Google thì chỗ ấy không còn nữa, ngay cả cái chùa Giác Nguyên lâu đời cũng biến đi đâu mất tiêu. Còn chỗ ở năm 59 thì đã cháy tiêu từ năm 63 rồi. Hẻm nhỏ hẹp lắm có khúc chỉ vừa cho một người đi hay một chiếc xe gắn máy chạy, nhưng nó dài lắm và rất ngoằn ngoèo. Đó là những đường tắt đưa người ta đi từ nơi này sang nơi khác nhanh chóng và đỡ tốn sức đi bộ.

- Còn cái chỗ nhà cháy, chắc lúc đó Bà đã lớn nên nhớ là ở đó từ năm 59?

- Nói thì hơi dài dòng. Tôi sợ mất thì giờ của ông và làm ông chán. Chị tôi sinh đứa con thứ Tư năm 1959. Thằng cháu, nó tên Thái, ngoáy bợn trong mũi đưa cho má tôi. Má tôi kê mặt đến gần giả bộ “ùm.” Hai bà cháu chơi với nhau. Có lần bợn mũi trên ngón tay của thằng bé dính vào môi của má tôi, vô tình bà liếm trúng, cười bảo là nó “mẳn mẳn.” Thằng bé lúc ấy chừng một tuổi vì thế tôi nhớ năm đó phải là năm 60. Có thể chị tôi và má tôi đã dọn vào chỗ ở này trước nữa, nhưng tôi không nhớ vì còn bé quá. Căn nhà ở cuối đường hẻm. Đi thêm vài bước nữa là nhào thẳng xuống sông. Con sông này nước lớn rộng mênh mông. Khi nước ròng, tôi có thể nhìn thấy chân của những ngôi nhà sàn, vách tôn, xiêu vẹo bên kia sông. Buổi tối người ta thắp đèn dầu chèo xuồng bán thức ăn. Khi có người gọi mua, họ cặp xuồng vào sát cầu thang trước nhà. Người bán hàng cột xuồng vào cái thang nhỏ thòng từ lan can xuống sông, đứng dưới xuồng vịn vào những chấn song gỗ chuyền thức ăn lên. Người mua từ hiên nhà, đưa tiền và nhận thức ăn qua những chấn song gỗ. Xong, xuồng chèo đi, tiếng rao lanh lảnh trên sông. Ai chè mì … hôn. Ai, vịt lộn… hôn. Cái cách rao hàng đặc biệt của người Sài gòn. Chữ ai kéo dài, người ta biến chữ không thành chữ hôn. Tên của món ăn được rao như hát bằng giọng trầm bổng, người bán đa số là phụ nữ. Ông chắc biết chè mì chứ?

- Chè mì, tôi biết chứ sao không. Bà nên nhớ tuổi tôi hơn bà hơn cả con giáp. Bột mì se bằng tay, sợi nhỏ, nấu bằng đường thẻ, cho chút nước dừa và rắc chút mè rang. Nước đường giống từa tựa như nước đường của chè xôi nước, có người gọi là bánh trôi nước. Chè mì không ngon bằng chè xôi nước nhưng rẻ hơn, ăn cũng đỡ ghiền những lúc đêm khuya. Sau này, tôi không thấy ai bán chè mì nữa. Người ta bán hàng trên sông rồi có hát hò gì không?

- Thỉnh thoảng có người mở radio nghe vọng cổ. Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kênh ngã Bảy, sao cô gái năm xưa nay chẳng thấy ra ư… ư chào. Căn nhà này là nhà sàn, dĩ nhiên ông biết rồi. Thỉnh thoảng tôi nằm xuống sàn nhìn qua những khe hở thấy cả mấy cây cừ làm bằng cây chàm cây đước gầy nhom. Căn nhà được chia làm hai phần. Phần bên trong, có cửa, người lớn ngủ. Phần bên ngoài là cái đi văng chỗ của tôi và ba đứa con của chị tôi ngủ. Đi văng được kê sát vào vách gỗ, hướng về sông. Bên trên vách gỗ là những thanh gỗ đóng tréo vào nhau thành hình quả trám để ánh sáng và gió tràn vào. Mỗi lần bị bắt ngủ trưa, tôi chỉ cần nhìn mây lên trời đến chói mắt phải nhắm lại và ngủ thiếp đi. Trời mưa thì thả tấm bạt xuống để che. Phòng ngoài không có cửa. Cách với đường đi bên ngoài là tấm vải bạt cuốn lên và thả xuống thay cửa. À mà ông có bận gì không đi làm đi đừng để tôi nói dần lân mất thì giờ của ông. Bỗng dưng tôi thèm có người nói chuyện với tôi về mấy con đường hẻm ngày xưa tôi ở. Chắc đúng như ông nói, tôi nhớ nhà.

- Thì tôi đã nói Bà nhớ nhà mà. Nói tiếp đi tôi nghe dùm cho. Tuổi già chẳng có gì tặng bà, tôi cho bà mượn lỗ tai. Nói nhanh chút, và nói lớn hơn một chút. Bà nói rù rì êm tai tôi sợ ngủ gục mất.

- Thì ông cứ ngủ đi, miễn ông không ngáy thì tôi không biết. Đường đi là cái cầu gỗ rất hẹp, chỉ vừa một người đi. Bên kia cầu gỗ là nhà hàng xóm. Bây giờ nghĩ lại cái cầu như vậy mà tại sao trẻ con như tôi không có đứa nào bị lọt xuống sông. Muốn ra đường lớn phải đi ngang một cầu tiêu công cộng. Kể ông nghe chuyện này, tức cười. Có một đêm tôi không ngủ được, tôi gọi má tôi lúc ấy ngủ ở bên trong. Má tôi ra nằm ôm tôi. Đến gần sáng, chừng 5 giờ bà phải đi bán hàng ở chợ Cầu Ông Lãnh, nhưng tôi ôm chặt không cho đi. Má tôi dỗ dành, để má đi cầu chút má trở về. Tôi chờ mãi không thấy má tôi về, nên đến sát cửa kêu. “Chị Hai ơi sao má đi cầu lâu quá không về sợ má bị lọt cầu tiêu. Chị Hai dẫn em đi kiếm má đi.” Nghe giọng tôi ướt sũng nước mắt, chị tôi dỗ dành, “Má đi bán mà. Ngủ đi!”

Cách chừng vài thước là nhà chị “Hai bán cá” gọi như vậy để phân biệt với chị Hai của tôi. Chị Hai bán cá là chị của anh Ba mèo. Anh Ba mèo bị bắt đi quân dịch nên chặt cái ngón chân cái sau đó vết thương làm độc rồi bị phong đòn gánh chết. Chị Hai bán cá buổi sáng, buổi chiều lột củ hành củ kiệu thuê cho. Củ hành nhỏ, khô, màu tím, được ngâm nước cho mềm vỏ rồi đem lột. Mùi củ hành xông lên cay xè mắt. Buổi tối, chị và những đứa nhỏ như tôi ngồi dưới ánh đèn điện bóng tròn câu từ trong nhà ra lột củ hành. Hôm nào không lột củ hành không mở đèn, đứng ở cửa ngó ra, đường tối thui.

- Tôi nhiều khi đi chơi ban đêm ở Sài Gòn, các ngõ khác ban đêm cũng tối, nhưng người ta có câu bóng đèn. Bởi vậy mới có mấy câu hát. Như “Đường về canh thâu. Đêm khuya ngõ sâu như không màu. Qua phên vênh có đôi mái đầu, hắt hiu vàng ánh điện câu.”

- Tôi biết bài này, Xóm Đêm của Phạm Đình Chương. Tôi thì thích mấy câu trong bài gì đó lấy trong phim Loan Mắt Nhung. “Đường vắng thưa, bước chân người âm thầm. Đèn khuya hiu hắt ánh điện câu. Ngõ không màu, sống lạc loài, thân đơn côi.” Tả ngõ hẻm Sài gòn giống quá hen. Có một đêm tôi nghe nhốn nháo có một đứa nhỏ bò ra khỏi nhà té xuống sông. Người ta vớt đứa nhỏ lên được nhưng sau đó nó bị sốt nặng và lên kinh phong chở đi bệnh viện Nhi Đồng. Nhưng thiệt tình, bây giờ, tôi không chắc đứa nhỏ ấy là con của hàng xóm hay là, Thái, cháu tôi. Tôi cũng không chắc cái trí nhớ này có thật hay không, hay tôi nằm mơ những chi tiết này. Cả má tôi và chị tôi đều qua đời nên tôi không thể nào kiểm chứng.

Qua khỏi chỗ cầu tiêu công cộng đi một đỗi nữa là hết cầu gỗ, đến đất liền. Ngoằn ngoèo theo ngõ hẻm này sẽ ra đến một ngã ba hay ngã tư gì đó tôi không nhớ rõ lắm. Từ nơi này dẫn đến nhiều ngõ hẻm khác, đi rất xa, tẻ ra những nhánh nhỏ, lạc có thể không tìm được lối ra. Cái ngã ba này là nơi chị Út, và sau đó là chị Bê, hai người giúp việc cho chị tôi. Chị Út thường dẫn tôi ra ngã ba này ăn nước đá đậu. Còn chị Bê hay dẫn tôi sang xóm chùa. Tôi xem hát bội ở sân chùa còn chị hẹn hò với một người nào đó trong bóng tối. Chị Bê dặn tôi về nhà đừng kể cho ai nghe những chuyện hẹn hò của chị. Tiếng là người giúp việc nhưng hai chị này có quyền đánh đòn. Tôi nhớ có lần chẳng biết mắc mớ gì lại lượm vỏ khoai đưa vô miệng nhắm bị chị Bê khẽ tay thấy mồ tổ luôn, tội lượm mót. Bây giờ thì tôi nhớ ra rồi, cái ngã ba, tôi nằm mơ thấy đi lạc là hiện thân của cái ngã ba có xe bán nước đá đậu này.

Gần xe bán nước đá đậu là cái sạp bán guốc quai cườm của chị Miên. Chị Miên là bạn của chị Hai. Ban đêm sạp guốc của chị Miên rất đẹp nhờ những đôi hài cườm, màu đỏ có cườm vàng lóng lánh dưới ánh đèn. Chị Miên tóc uốn quăn, thường hay ngồi đóng guốc dưới ánh đèn sáng choang. Có một ngày tôi nghe nói chị Miên bị thất tình lên cầu Bình Lợi, cởi đôi giày cao gót để lại, nhảy xuống cầu tự tử. Có người nhắc tên anh tôi, bây giờ đã qua mấy chục năm, tôi không biết mình có nghe đúng không, và anh tôi dính líu thế nào trong vụ tự tử này.

Từ ngã ba này đi một hồi đến trường tiểu học Vĩnh Hội. Sáu hay bảy tuổi, tôi đi học lớp Năm, bây giờ gọi là lớp Một, ngày đầu tiên mặc bộ đồ trắng tinh, cùng với Tâm cháu gọi tôi bằng dì, tan học đứng chờ anh tôi đến đón. Trời vừa tạnh mưa, nước còn đọng vũng, một đứa nhỏ đứng bên cạnh có lẽ cũng đang chờ người đến đón, dọc nước trong vũng bắn lên quần áo tôi.

“Ê nhỏ kia, mày làm văng sình lên quần áo tao!”

“Kệ mày chứ.” Con nhỏ làm lơ tiếp tục đá nước bẩn lên quần áo tôi.

“Mày mà tiếp tục là tao không nhịn đâu nha. Anh tao sắp đến tao sẽ mét anh tao.” Tôi hăm he.

“Kệ anh mày chứ. Mày không nhịn thì mày làm cái gì?”

Tôi nghĩ chắc nó ghét cái bộ quần áo trắng tinh của tôi. Nó đá thêm cái nữa, lần này nước bắn lên cả mặt tôi. Không nói không rằng tôi rút cái thước kẻ bằng gỗ, loại thước vuông mỗi cạnh chừng một phân, dài chừng ba tấc, nằm xéo trong cặp táp ló cái đuôi ra ngoài, vụt lên con bé tới tấp. Vừa lúc ấy, anh tôi đến, lật đật ngăn tôi lại và hỏi tại sao em đánh nó. Tôi cằn nhằn, “con Tâm, đứng đó làm thinh không bênh em.” Anh tôi kể lại cho má tôi nghe, “Nhỏ này dữ. Còn con Tâm thì hiền. Chớ hai đứa mà xúm lại đánh thì con nhỏ kia chắc mệt.” Tâm là con đầu lòng của chị tôi, hai dì cháu bằng tuổi nhau. Chị tôi lớn hơn tôi vừa chẵn hai mươi tuổi. Còn anh tôi thì lớn hơn Ông hai tuổi.

Tôi dẫn Ông đi chưa ra hết ngõ hẻm mà đã có biết bao nhiêu chuyện để kể. Ông đã chán nghe chưa? Năm 1963, đường hẻm này bị cháy. Trận cháy ấy lớn quá thiêu rụi bao nhiêu con hẻm ngoằn ngèo. Người ta đồn là bà Nhu cho người đốt để xây nhà Kiến Thiết. Nhà kiến thiết bây giờ gọi là cư xá Vĩnh Hội. Cư xá này vẫn còn nhìn thấy trên bản đồ Google.

- Quận Tư là một hòn đảo hình tam giác; một cạnh là rạch Bến Nghé, một cạnh là kênh Tẻ, cạnh sau cùng giáp sông Sài Gòn. Rạch Bến Nghé là sông Ông Lãnh. Có người còn gọi là kênh Tàu Hủ. Hai cây cầu dẫn qua quận Tư tôi nhớ là cầu Ông Lãnh và cầu Calmette. Nếu đi đường Bến Vân Đồn, từ cầu Calmette hướng về cầu Ông Lãnh, người ta phải băng qua một cái cầu nhỏ gọi là cầu Trong. Người Nam phát âm sai gọi nó là cầu Chong. Cầu Trong là để phân biệt với hai cây cầu lớn và một cây cầu quay ở bên ngoài bở sông.

- Vậy là Ông biết nhiều về quận Tư hơn tôi. Dưới cầu Trong là một con rạch nhỏ, hồi đó tôi thấy nó rộng như một con sông. Nhìn trên bản đồ Google, tôi không còn thấy cầu Trong và con rạch nữa. Đúng là ruộng xanh biến thành nương dâu, phải không ông? Qua khỏi cầu Trong trước khi đến hãng Phân quẹo vào con đường có tên là hẻm 129F. Ngay khúc quẹo vào từ Bến Vân Đồn, hẻm 129F là một cái chợ đông đến độ không có chỗ cho xe chạy. Hồi xưa viết lách vớ vẩn, tôi gọi tắt Bến Vân Đồn là bến Vân, nghe cho nó thơ mộng. Vào 129F, xe xích lô đạp, xích lô máy, xe lam phải chen lấn với người đi chợ và người bán hàng. Nếu đi từ Bến Vân Đồn đi vào, bên tay mặt là tường của hãng Phân, kho chứa phân bón hóa học. Bên tay trái là cửa hàng bán thuốc Bắc, tiệm kim hoàn, và nhiều tiệm khác tôi không nhớ hết.

- Bà có biết tại sao người ta gọi nó là hãng Phân không?

- Ông biết không?

- Biết chớ. Không biết làm sao dám đố Bà. Đây là kho chứa phân hóa học, phân diêm, chứ không phải phân hữu cơ.

- Tôi nhớ tiệm thuốc bắc vì tôi mua quế, cam thảo, cà na khô gói trong tờ giấy quyến mỏng có in hình và chữ Tàu màu xanh dương ở đây. Nhớ tiệm kim hoàn vì nó có nhiều vòng vàng dây chuyền có mặt mề đai hình cô ba hay chuỗi cẩm thạch. Tôi nhớ nhất là cái tiệm bán hủ tiếu bánh bao xíu mại. Một cạnh của tiệm là đường hẻm 129F. Một cạnh kia ngó ra một con đường hẻm khác không biết dẫn đến đâu. Tiệm này là nơi có lần ba tôi dẫn tôi vào tiệm gọi bánh bao xíu mại cho tôi ăn. Trí nhớ của tôi về ba tôi đếm không hết một bàn tay và đây là kỷ niệm lớn nhất.

Hẻm 129 F này bây giờ được đặt tên là Nguyễn Hữu Hào, tôi đoán như vậy vì thấy nó chạy ngang ngôi chùa Kim Liên và cư xá Vĩnh Hội. Chùa Kim Liên là ngôi chùa dành cho sư nữ và cư xá Vĩnh Hội được xây sau trận cháy 1963.

Ở góc đường Hoàng Diệu và Nguyễn Hữu Hào là trường THCS Vân Đồn. Tôi đoán đó là cái trường tiểu học Vĩnh Hội nơi tôi đã rút cây thước đánh con bé làm bẩn quần áo tôi. Đường Hoàng Diệu trước kia chỉ là một ngõ hẻm ngoằn ngoèo tôi dùng để đi tắt qua chợ Xóm Chiếu.

Như vậy, con sông trước nhà tôi năm 59, 60 phải là con rạch rẽ nhánh từ sông ông Lãnh, chảy dưới cầu Trong, luồn lách đến kênh Tẻ. Lâu ngày người ở lấn sông lấn rạch, sông cạn biến thành đầm lầy rồi thành đất khô, dân cất nhà ở. Sau trận cháy nhà, gia đình tôi tứ tán nhưng năm 1972 tôi trở về hẻm 129 F này. Ngôi nhà ở cạnh chùa Giác Nguyên, con rạch chảy chính giữa tường bao chung quanh chùa và vách nhà tôi. Trước cửa chùa có con đường hẻm chạy luồn qua Tôn Đản, Khánh Hội, tôi thường dùng để đi tắt qua Tân Qui Đông. Bây giờ nhắc lại tôi mới nhớ mấy cái hẻm tôi nằm mơ có ngõ hẻm này. Có lần tôi bị một thằng nhãi con, cỡ tuổi tôi chận đường chọc ghẹo không cho đi. Tôi phải kêu cứu với người đi đường.

Con rạch cạnh nhà chảy ra ruộng. Bên cạnh khoảng ruộng này là một cầu tiêu công cộng. Cái này khác với cái tôi nói lúc nãy. Lúc ấy đường nước vẫn còn lưu thông, cầu tiêu chảy theo nước lớn ra sông kênh Tẻ. Ruộng rau muống bên cạnh cầu tiêu công cộng có lẽ nhờ phân bón nên xanh um phì nhiêu. Năm 75 đổi tiền, ông nhớ vụ đổi tiền không? Người ta nhốn nháo chợ búa chẳng ai bán buồn gì. Tôi mua rau muống ở ruộng này, gánh qua chợ Cũ bán. Ông biết chợ Cũ không? Lần đầu tiên tôi gánh rau, đau vai quá phải lấy cái khăn bọc cái đòn gánh lại.

- Chợ Cũ ai mà không biết. Nói nãy giờ chẳng thấy Bà nói chuyện bồ bịch. Lúc đó chắc Bà cũng có lần yêu người chung vách chứ? Tôi nhớ bà có kể mượn cớ xem Ti Vi để hóng trai. A, chữ đó là do Bà nói, tôi chỉ lập lại thôi, không có ý xấu nha, đừng có giận tôi.

- Nói, sợ ông cười tôi hư. Chuyện này tôi chưa hề kể với ai, nhục nhã lắm. Năm 79, tôi phải lòng một anh công nhân, anh này nhỏ con lùn tịt, ít học nhưng có đôi mắt đẹp rất hiền, và có tài chọc tôi cười. Buổi sáng anh này thường đến đón, chở tôi đi làm, được vài lần bị mấy người Đoàn viên khám phá. Họ phê bình kiểm điểm tôi nhưng tôi chối bai bải vì thế họ muốn bắt quả tang. Có một tên Đoàn Thanh Niên ngồi uống cà phê ngay trước đường hẻm canh tôi và anh bồ đi ngang. Anh Đoàn thanh niên này vài lần đến nhà tôi để mét má tôi. Thời đó yêu bậy bạ cũng có tội với Đoàn. Thằng cháu tôi biết mặt hắn nên báo cho tôi biết. Tôi dẫn anh bồ đi bọc đường hẻm phía sau tiệm cà phê ra đường lớn. Hắn chờ đã đời rồi đi về.

- Chắc là Bà chưa nói hết chi tiết chứ yêu đâu có mắc mớ gì đến đảng phái mà người ta phải rình rập để phê bình kiểm điểm?

- Haha. Ông thật là tinh ý. Tôi thuộc loại yêu cuồng sống vội nhưng mà dại trai. Có người chú ý tán tỉnh là tôi xiêu lòng ngay. Cái kiểu chuông già đồng điếu chuông kêu. Anh già lời nói em xiêu tấm lòng đó mà. Anh bồ này, lỡ kẹt, có vợ, chẳng những thế vợ của hắn lại là cháu gái của ông Ủy viên chính trị chủ tịch công đoàn. Cái thằng Đoàn viên đi rình tôi là anh họ của cô vợ. Họ muốn bảo vệ hạnh phúc phụ nữ nên rình bắt tôi. Cuối cùng họ gọi tôi vào mắng, đưa tôi đi lao động.

- Bà cũng gớm thật. Tuy nhiên đó là chuyện riêng tại sao nhà nước nhúng tay vào?

- Nhà nước Cộng sản mà ông. Họ viết thư nặc danh, bảo má tôi là tôi đi làm đĩ. Má tôi khóc quá trời, sau đó Má tôi và chị tôi tìm cách tống tôi ra khỏi nước, một là để tránh nhục nhã cho gia đình, hai là may ra tôi có cơ hội thành người tốt, ba là sợ họ đưa tôi đi cải tạo.

- Có lẽ đây là lý do Bà nói ghét loài người, ghét cuộc đời khi bà ra đi? Ghét người thì ghét nhưng rõ ràng là Bà có nhớ nhà đấy chứ. Phải nhớ lắm mới nằm mơ. Mơ về thành phố Sài Gòn hoa lệ vậy mà chỉ thấy mấy con đường hẻm.

- Thật tình tôi không biết khi người ta nói nhớ nhà thì người ta nhớ gì. Tôi không hề nhớ người, đặc biệt là anh bồ có vợ. Tôi không nhớ không thèm món ăn cũng như trái cây. Tôi có nhớ má tôi nhưng bận kiếm sống nên nguôi ngoai đi. Tôi thường ngạc nhiên là ông nhạc sĩ Phạm Duy có thể viết bài Thuyền Viễn Xứ một cách tha thiết như thế khi mà ông chỉ đi từ Bắc vào Nam còn tôi đi cả nửa vòng trái đất, nói tiếng người nhưng không thể nói câu nào.

- Mỗi người nhớ nhà một cách khác nhau. Ông nhà thơ Thôi Hiệu nhìn sông thì cảm khái Nhật mộ hương quan hà xứ thị, yên ba giang thượng sử nhân sầu. Bà Huyện Thanh Quan nhớ tiếng chim quốc và chim đa đa. Ông Bình Nguyên Lộc có cả một nhân vật nữ năm 60 ở bên Tây về xứ ăn Tết, muốn ngắm mai thui, nghe pháo nổ, thèm như là thèm cá nướng chấm mắm nêm, thèm hương bưởi, tiếng chuông chùa ngân nga vào buổi hoàng hôn. Những hình ảnh của ngõ hẻm bà dồn vào sâu trong ký ức nên nó trồi ra giấc mơ.

- Ông ơi, nhiều khi tôi đọc báo thấy người ta nói về Sài Gòn bỗng dưng tôi thấy tức. Người ở miệt ngoài vào Sài Gòn ở dăm ba năm nói Sài Gòn là thành phố của họ. Người ca tụng ngõ hẻm Sài Gòn là văn hóa đô thị cũng không phải sinh ra lớn lên ở Sài Gòn. Nhưng những cái Sài Gòn của người ta không giống với Sài Gòn với những ngõ hẻm tối tăm có cầu tiêu công cộng của tôi. Có lẽ cái hình ảnh nghèo nàn của Sài Gòn là cái cầu tiêu công cộng. Ngày còn trẻ tôi vẫn thường xấu hổ là nhà mình nghèo quá nên ở gần chỗ này. Khi nói đến những thứ thanh lịch của Sài Gòn hòn ngọc Viễn Đông, không ai biết đến mấy chuyện này. Nhưng mỗi khi tôi nghĩ về những ngõ hẻm nơi tôi sinh ra lớn lên, tôi luôn luôn nghĩ đến cái cầu tiêu.

- Phải yêu cái gì đó thật sâu đậm thì người ta mới yêu luôn cả cái xấu của đối tượng mình yêu. Bất thình lình tôi quên, nhưng có một nhà văn nữ Ấn Độ viết về những người trong làng ngồi dọc theo đường rầy xe lửa để đi cầu. À tôi nhớ ra rồi, quyển The Inheritance of Loss. Ngoài ra mới đây có một ông văn sĩ nổi tiếng bên Tàu cũng viết về hố xí trong làng của ông. Ông này tên Dư Hoa. Người hùng trong tiểu thuyết của Dư Hoa dám lội vào hố phân để cứu người đó bà. Nước người ta giàu hơn nước mình nhưng cuộc sống cũng chẳng hơn gì. Nhưng Bà à, tất cả những ngõ hẻm Bà ở trước đây đều không còn. Thế tại sao bà cứ nhất quyết chúng là ngõ hẻm của bà?

- Chỉ còn trong ký ức thì nó mới là của mình. Sài Gòn bằng xương bằng thịt đã bị chiếm đoạt rồi, cái gì nằm trong trí nhớ thì không ai chiếm đoạt được ngoại trừ thời gian.

- Và bệnh Azheimer.

- Vâng. Nhưng những ký ức mà mình ghi nhận từ khi còn bé gọi là ký ức dài hạn này cũng lâu bị quên hơn là những ký ức mình thu nhận mới đây. Dăm ba năm nữa, nếu mà mấy thằng Tàu vào mua, hay chiếm, hết đất hết nhà, biến Sài Gòn biến thành Tiểu Trung quốc của họ thì tôi vẫn còn trong trí nhớ những con hẻm nghèo nàn, có những người lao động sống chen chúc gần cầu tiêu công cộng. Những con rạch có người bán hàng về đêm, những ruộng rau muống về sau biến thành sân đá banh của trẻ em, cái ngôi chùa Giác Nguyên mà khi có chiến dịch đốt tác phẩm văn hóa đồi trụy của Mỹ Ngụy tôi đã lén tuôn qua bên hàng rào của chùa. Đó là những hình ảnh về ngõ hẻm Sài Gòn của tôi. Của tôi thôi. Không ai được dành ngõ hẻm của tôi.

- Ừ thì ngõ hẻm Sài Gòn của Bà. Tôi không tranh với bà đâu. Tôi cũng có riêng những ngõ hẻm Sài Gòn. Thôi tôi đi ăn sáng. Bà thử đi ngủ lại xem có ngủ được không.

- Vâng. Cám ơn ông đã nghe tôi nói nhảm. Chào ông.

Nguyễn thị Hải Hà
nguồn
          
Trả lời

Quay về “của người”