Viết cho người hát khẽ

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5478
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Viết cho người hát khẽ

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           



    Viết cho người hát khẽ




    Mỗi lần về Việt Nam, tôi thường lân la vào những quán cà phê nhạc sống, nhạc máy hay hay, đẹp đẹp ngồi chơi cả buổi.


    Chờ mãi trong mơ mẹ nắm lấy tay và nói “Mẹ đây con.” (Hình: Facebook Uyên Nguyễn)



    Nghĩ xem, vườn mát, nước chảy róc rách, nhạc Pop nhè nhẹ bao trùm không gian. Đêm xuống, một vĩ cầm và một dương cầm, réo rắt cuộn theo tiếng hát trầm ấm hay véo von của ca sĩ…thích quá đi chứ!
    Sau nữa, tôi hay lang thang vô tiệm sách.

    Cách đây chừng 20 năm, nhà sách ở Sài Gòn mọc lên ồ ạt. Chiều xuống, mẹ đã xong công rỗi việc, con cái cất tập vở, mấy mẹ con cùng nhau rong ruổi trên chiếc xe gắn máy cà tàng, bữa ghé tiệm sách này, mai tiệm khác. Lũ nhỏ lăn xả vào tô tượng hoặc cắm đầu vô quầy tranh cát, mẹ cứ việc dán mắt vào đống sách vở. Vui!

    Nhà sách dạo này hết “ăn” rồi nên chỉ còn lác đác vài nơi. Tôi về nước ghé vô tìm lại chút kỷ niệm xưa, nhớ con đã từng ngồi chỗ này, mẹ từng đứng chỗ kia, quầy tính tiền nay đã dời tới gần cửa ra vào.

    Ngoài sách truyện, tôi còn vác về nước cả đống tập bài hát.

    Ban đầu, coi mục lục “A, mình biết bài này.” Mở ra xem “Cha, lời hay quá ta!” “Bài kia, thường.” Hát được vài bản rồi cẩn thận cất đống sách vào tủ, lâu lâu bạn bè đến chơi, tụ họp văn nghệ, tôi lôi chúng ra nhưng chả ai buồn động tới vì Google giúp ca sĩ kiếm bài dễ hơn, bài nào cũng có, lại chua thêm phần hợp âm cho đàn địch, tiện lợi quá, tập bài hát nằm chỏng chơ, ế nhệ.

    Phải đến sáu bảy năm trôi qua tôi mới coi kỹ lại chúng. Sách in đẹp, trang nhã, rõ ràng, của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn…mỗi cuốn cả trăm bài, vậy mà mình mua rẻ bèo. Lần này, không coi ngược từ phần mục lục mà lần giở từng trang giấy, đem đàn ra đánh mỗi bản, hy vọng kiếm được chi đó quen thuộc. Nhạc nhọt, nhiều lúc biết giai điệu mà không biết tựa, hay ngược lại là chuyện thường.

    Lâu lắm rồi mới nhìn bản nhạc và đàn hát, chợt nhớ đến hồi niên thiếu đạp xe ra Nguyễn Huệ lục lọi mấy trang bài hát quay roneo đen thui, đem về trải lên bàn, ò e, từng tưng cả buổi, bài nào giai điệu không quen thuộc, tiếc tiền đứt ruột, bài nào biết, nhất là những bản nhạc ngoại quốc, quý như vàng. Nhớ cả những cuốn tập nhạc ông bô đem bút đem thước kẻ từng dòng, cầm đàn và ký âm những ca khúc Việt Nam cho đàn con, nhiều lắm. Lúc công an vào lục soát nhà cửa, họ chộp ngay mấy cuốn nhạc viết tay này như một bằng chứng hùng hồn để bắt tội ông bô.

    Vậy mà bây giờ sách in đẹp, nốt trắng nốt đen, lặng đơn lặng kép rành rành ra đó, khỏi ai cãi cọ hát sai, hát đúng, chưa kể, bài ca có nốt, trông lịch lãm hơn vậy mà chả ai thèm dùng.

    Karaoke và youtube đã truất phế nhạc giấy dù không ít lần lời lẽ, âm điệu trên net sai toét tòe loe, chán thật!

    Hát hỏng dăm bài, lật nhẹ từng trang, lọt vào mắt tựa đề “Chú Cuội.”

    Chau mày.

    Phạm Duy có bài “Chú Cuội” à? Sao mình chỉ nghe của Lê Thương thôi nhỉ? Ừ, xưa tới giờ, Trung Thu toàn thấy trẻ con hát:

    “Bóng trăng trắng ngà
    Có cây đa to
    Có thằng Cuội già
    Ôm một mối mơ…”


    Nếu có một “Chú Cuội” nữa, nhất là của Phạm Duy, tivi, báo đài phải hát ra rả mỗi rằm Tháng Tám chứ. Lỗ hổng âm nhạc của tôi tệ dữ vậy trời?

    Liếc mắt:

    “Trăng soi sáng ngời
    Treo trên biển trời
    Một đàn con trai
    Rủ đàn con gái
    Ra ngồi nhìn trăng.

    Ta yêu cô Hằng
    Đêm xưa xuống trần
    Nàng ơi nàng về dương gian
    Tìm người nuôi nấng
    Cung đàn Hằng Nga”


    À, hóa ra tôi biết bài này đã lâu, từ ngày còn bé tí, nhưng không biết tên là “Chú Cuội.”

    Biết, vì mẹ hay hát bài này lắm. Ừ, dẫu có khổ mấy, như một cái tật, mẹ thường vừa làm vừa hát khẽ. Giặt đồ, hát. Nấu cơm, hát. May vá, hát.

    Mới đọc mấy chữ đầu trên sách, tự nhiên tôi nín thở. Hình ảnh mẹ mặc bộ đồ lụa màu hồng, tóc tém sau gáy, da mẹ trắng, mắt nâu dịu dàng, tay mẹ thon dài, mũm mĩm, lọc cọc leng keng rửa đống bát đũa, nồi niêu trong bếp, miệng nghêu ngao“ Cuội ơi để trâu ăn lúa,” hiện rõ mồn một trong tôi.

    Cái tật hát khẽ ấy kéo dài cho đến khi căn bệnh Alzheimer cướp đi trí nhớ, mẹ không hát thành lời được nữa, đổi qua huýt sáo, cả nhạc Tây lẫn nhạc Ta, huýt cả ngày.

    Mẹ tôi, giờ co quắp trong đất lạnh. Ban ngày, khu mộ mẹ bình yên với cây xanh và thảm cỏ. Chậu hoa, chong chóng, dây đèn những mộ xung quanh chưng được vài hôm thì nhân viên bảo vệ sẽ đến dẹp sạch, nghĩa trang phẳng lì một màu xanh mượt mà, trông giống công viên hơn.

    Đẹp thì đẹp nhưng trời chạng vạng tối thì rợn lắm, anh tôi bảo thế.

    Mẹ đã có chỗ về chưa? Chả lẽ thế giới bên kia không cho phép mẹ ngoái nhìn con cái lần nữa? Con vẫn chờ mẹ vương vấn quay lại nhắn nhủ, dặn dò, kể lể nhưng ….mẹ biệt tăm. Con tưởng mình vẫn còn những mối dây ràng buộc? Bát cháo lú đã phát huy tác dụng ngay từ hồi mẹ còn tại thế. Đường mẹ đi có gập ghềnh đá sỏi?

    Hôm nay vô tình con xem được bài “Chú Cuội” của Phạm Duy, nhớ mẹ cái hồi đói no vất vưởng nhưng mẹ còn trẻ, còn tinh tường, con cái lớn tướng, mỗi khi ra đường mẹ thường dặn “Đội mũ vào,” “Nhớ đem theo áo mưa,” “Đừng về khuya,” “Con gái gì chả ý tứ.”

    Chờ mãi trong mơ mẹ nắm lấy tay và nói “Mẹ đây con.”

    Giấc mơ chìm lỉm.


    Nguyễn Đình Phượng Uyển


    Nguồn:https://www.nguoi-viet.com

              
Trả lời

Quay về “của người”