Người đàn ông đi xe taxi - Murakami Haruki

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Người đàn ông đi xe taxi - Murakami Haruki

Bài viết bởi Hoàng Vân »







  • Người đàn ông đi xe taxi
    __________________________________
    Murakami Haruki
    Phạm Vũ Thịnh dịch

              





              
    Vài năm trước đây, có lần tôi đã làm công việc viết ký-sự viếng thăm các phòng tranh dưới một bút danh khác, cho một tạp chí nhỏ chuyên về mỹ thuật. Nói là viếng thăm phòng tranh chứ thật ra, về hội hoạ thì tôi hoàn toàn là người ngoại cuộc, do đó chẳng phải là viết những ký-sự có tính cách chuyên môn, mà chỉ là loại thao-tác như kiểu tóm lược một cách nhẹ nhàng về phong thái của phòng tranh, hay ấn tượng từ hoạ sĩ chủ nhân. Chẳng phải là loại công việc mà tôi nhiệt thành muốn làm, chỉ do tình cờ mà bắt đầu làm đó thôi, thế nhưng kết cuộc lại trở thành một công việc rất hứng thú. Lúc ấy cũng nhằm vào thời bản thân tôi mới viết tiểu thuyết chưa được bao lâu, nên tôi đã nghĩ là được gặp đủ loại người để nghe chuyện của họ rồi ghi lại thành ký-sự thì cũng là chuyện học hỏi rất tốt cho việc viết văn. Tôi đặc biệt chú ý kỹ lưỡng việc người ta suy nghĩ những gì và biểu đạt những suy nghĩ bằng lời nói như thế nào, từ đó xây dựng lại thành văn chương của mình.

    Những ký-sự ấy đã được đăng liên tục suốt một năm. Tạp chí ấy ra hai tháng một lần, vị chi đã đăng được sáu lần. Ban biên tập, thật ra chỉ có mỗi một biên tập viên, giới thiệu cho tôi vài phòng tranh có vẻ thú vị, tôi tự mình đi rảo xem một vòng rồi chọn một phòng tranh mà viết vào ký-sự. Mỗi bài chỉ khoảng 15 trang, mỗi trang 400 chữ Nhật, thế mà tôi thì vụng về và vốn có tính nhút nhát, khó nói chuyện với người lạ nên lúc đầu rất chật vật. Hoàn toàn chẳng biết hỏi người ta chuyện gì và dàn xếp viết lại như thế nào. Dù vậy, làm vài lần, lặp lại sai hỏng và sửa chữa, dần dần tôi phát hiện được chút gì như là bí quyết cho việc ấy. Tôi thấy rằng người phỏng vấn phải cố gắng lục tìm trong người được phỏng vấn đặc điểm gì đấy đặc sắc hơn người thường, hoặc cao thượng hơn, mẫn tuệ hơn, hoặc nhân hậu hơn. Cho dù đặc điểm đó có nhỏ nhặt đến đâu mặc lòng. Trong mỗi một người đời, thế nào cũng phải có một đặc điểm trung tâm tạo nên nhân cách của người đó. Nếu thành công trong việc lục tìm ra điểm trung tâm ấy, thì các câu hỏi thích ứng nhất sẽ tự nhiên mà nghĩ ra được, và nhờ đó mà viết nên được ký-sự sống động về người ấy. Và nói ra nghe có vẻ cổ hủ, nhưng quả thật điểm trọng yếu nhất vẫn là tình yêu thương và sự cảm thông của con người.

    Từ dạo ấy, tôi đã làm rất nhiều cuộc phỏng vấn, nhưng hoàn toàn không cảm thấy chút tình cảm nào đối với đối tượng phỏng vấn thì chỉ có mỗi một lần. Đó là lần tôi đến một đại học tư danh tiếng nọ để kiếm tài liệu viết ký-sự thăm viếng các đại học, cho một tuần san. Tôi đã rảo bước khắp đại học suốt gần một tuần, chỉ ngửi thấy quyền uy, hủ bại và dối trá. Đã phỏng vấn Hiệu trưởng, các Khoa trưởng, tổng cộng gần mười viên chức giáo dục, mà chỉ có được một người nói chuyện nghiêm túc mà thôi. Mà người phó giáo sư ấy vừa đệ đơn xin từ chức mới hai hôm trước đó.

    Tuy nhiên chuyện đó thì đã qua mất rồi. Hãy trở lại chuyện phòng tranh có vẻ ôn hoà hơn. Những phòng tranh tôi đã đi vòng vòng để thu thập tài liệu phần nhiều nằm trong những khu phố nhỏ không dính dáng gì đến quyền uy cả. Tôi cùng với một nhiếp-ảnh-viên cao và lớn hơn tôi 3, 4 tuổi, làm thành một tổ công tác, đến các phòng tranh, trong lúc tôi hỏi chuyện chủ nhân, thì anh ấy chụp ảnh.

    Lúc việc thu thập tài liệu sắp xong cả rồi, bao giờ tôi cũng hỏi chủ nhân phòng tranh một câu hỏi thường lệ. Rằng cho đến nay, bức tranh nào đã làm cho ông bị kích động nhất. Câu hỏi này không thuộc loại cao cấp bao nhiêu trong chuyện phỏng vấn. Không khác gì câu hỏi đối với các nhà văn rằng trong tất cả các tiểu thuyết đã đọc từ trước đến nay, ông thích tác phẩm nào nhất; hỏi như thế thì tiêu điểm của câu hỏi có phần bao quát, mơ hồ quá. Dễ đưa đến câu trả lời: nhiều tác phẩm quá, không chọn ra được đặc biệt một tác phẩm nào; hoặc một câu trả lời rất ước-lệ, đã được nhiều người dùng đến sáo mòn rồi. Mặc dù vậy, tôi đã lặp đi lặp lại câu hỏi ấy với mọi người tôi phỏng vấn. Một lý do là vì tôi nghĩ đối với những người làm công việc về mỹ thuật thì hỏi họ như thế là hợp luận lý nhất. Lý do thứ hai là vì tôi cảm thấy hỏi như thế có khi chạm đúng mạch để họ kể cho nghe chuyện gì đấy thật hứng thú.

    Người đã kể cho tôi nghe chuyện bức tranh có nhan đề "Người đàn ông đi xe taxi" là một nữ chủ nhân phòng tranh, khoảng tuổi trên dưới 40. Không gọi được là mỹ nhân nhưng có khuôn mặt thuỳ mị, lộ phẩm cách cao quý, làm dịu lòng người đối diện. Cô mặc áo màu trắng đính một dải băng to bản, cùng một chiếc váy màu xám bằng vải tuýt, mang đôi giày gót cao màu đen thanh nhã. Chân có dị tật bẩm sinh, bước đi trên sàn lót gỗ tạo nên những tiếng chân không đều nhau, vang vọng trong căn phòng vắng khách.

    Cô kinh doanh một phòng tranh đặt trọng tâm vào tranh mộc bản, ở tầng trệt của một bin-đinh ở Aoyama. Lúc bấy giờ, các tranh mộc bản treo trên tường thì trong mắt nhìn của một tay mơ như tôi cũng khó mà cho là loại tranh vẽ giỏi, thế nhưng tôi cảm nhận được trong nhân cách của người chủ ấy có thứ gì như là sức thu hút kỳ diệu khiến cho mọi sự vật chung quanh cô có vẻ tươi đẹp hơn thực tế.

    Khi mọi việc phỏng vấn xong xuôi cả rồi, cô dọn dẹp các tách cà phê, lấy từ trong tủ ra chai rượu vang trắng và ly thuỷ tinh, rót rượu vào ly mời tôi và người chụp ảnh, rồi rót cho cả cô nữa. Những ngón tay cô thon dài trông thật trẻ trung. Trong góc phòng thấy có tấm áo choàng có vẻ là của cô, treo trên móc áo cùng với khăn choàng bằng len ca-sơ-mia. Trên bàn làm việc có cái chận giấy thuỷ tinh hình con vịt và một cái kéo nhỏ màu bạc. Lúc ấy là khoảng đầu tháng 12, từ bộ loa nhỏ gắn trên trần văng vẳng tiếng nhạc Giáng Sinh.

    Cô đứng lên, đi ngang qua phòng tranh, mang lại một hộp đựng thuốc lá. Rồi đánh lửa từ chiếc bật lửa mỏng dài màu bạc, châm lửa điếu thuốc, đôi môi hé ra làn khói mỏng mảnh. Nếu không nghe tiếng giày, thì không sao nhận thấy có chút gì không được tự nhiên trong cử động của cô.

    -"Nếu cô cho phép thì tôi xin được hỏi câu cuối cùng." Tôi nói.

    -"Vâng, được chứ." Cô đáp. Và mỉm cười.-"Nhưng mà anh nói có vẻ giống như trong phim hình-sự trên ti-vi ấy."

    Tôi cười. Người chụp ảnh cũng cười theo.

    -"Thế trong tất cả các bức tranh cô được thấy từ trước đến nay, bức tranh như thế nào đã tạo kích động cho cô nhất?" Tôi hỏi.

    Cô im lặng, suy nghĩ lung lắm một hồi. Rồi dụi tắt điếu thuốc vào trong chiếc gạt tàn, và nhìn tôi: -"Tôi nghĩ là câu trả lời cho câu hỏi ấy tuỳ thuộc vào ý nghĩa của chữ kích động. Kích động là gì? Có phải là cảm kích về nghệ thuật, hay chỉ là kinh ngạc, sửng sốt theo nghĩa thông thường."

    -"Tôi nghĩ không cứ phải là cảm kích về nghệ thuật mà thôi." Tôi nói: -"Điều tôi muốn biết là cú sốc vật lý, cảm nhận thực tế trên da thịt ấy."

    -"Không có cảm nhận thực tế trên da thịt thì nghề của chúng tôi không thành được." Cô cười nói. -"Cảm nhận kiểu ấy thì đầy dẫy, ở đâu cũng có. Chỉ thiếu những cảm kích về nghệ thuật đó thôi."

    Cô cầm ly rượu lên, uống một ngụm nhỏ.

    -"Vấn đề là..." Cô nói tiếp. -"Không ai thực tâm truy cầu những cảm kích ấy cả. Anh có nghĩ thế không? Anh viết văn, anh không cảm thấy thế sao?"

    -"Có lẽ đúng như cô nói." Tôi đáp.

    -"Điểm bất tiện của những cảm kích về nghệ thuật ấy là ở chỗ không thể biểu đạt cho rõ ràng bằng lời nói được. Hoặc cho dù có biểu hiện được đi nữa, cũng trở thành những khuôn mẫu sáo rỗng. Quy-ước, ước-lệ, cổ hủ như loài khủng long vậy. Vì thế mà mọi người tìm kiếm những gì đơn giản, giản tiện hơn. Những gì còn có chỗ cho họ thêm vào biểu hiện riêng của mình, hoặc có thể thay đổi dễ dàng nhanh chóng như dùng hộp bấm từ xa mà đổi được các kênh ti-vi vậy. Cú sốc trên da thịt, hay cảm nhận cụ thể,... gọi là gì cũng được cả." Cô rót rượu vào ba ly không, và châm lửa điếu thuốc mới. -"Câu chuyện có vẻ lòng vòng dài dòng quá nhỉ."

    -"Thú vị lắm chứ." Tôi nói.

    Tiếng động nhẹ của máy điều hoà không khí, tiếng thổi hơi của máy tăng độ ẩm, và tiếng nhạc Giáng Sinh trộn lẫn vào nhau thành một hoà âm đơn điệu kỳ dị.

    -"Nếu không cần phải là cảm kích về nghệ thuật hay cú sốc trên da thịt gì cả cũng được, thì tôi có thể kể được chuyện một bức tranh còn vương lại trong lòng tôi. Có thể phải gọi là chuyện vướng vít quanh một bức tranh thì đúng hơn, nhưng chuyện như thế có được không anh?"

    -"Đương nhiên là được chứ", tôi nói.

    *

    -"Chuyện xảy ra vào năm 1968." Cô ấy kể. -"Nguyên là tôi định trở thành hoạ sĩ nên đã lưu-học ở một đại học về mỹ thuật miền Đông nước Mỹ. Nhưng sau khi tốt nghiệp, vì sinh kế phải lưu lại New York, hay có thể nói là vì đã bỏ cuộc khi xét lại tài năng của mình, tôi bắt đầu công việc của người mua bán tranh. Cụ thể là đi vòng vòng các xưởng vẽ của những hoạ sĩ trẻ hay chưa nổi tiếng ở New York, lục tìm những bức tranh nào ngó bộ có triển vọng thì mua rồi gởi qua các nhà buôn tranh ở Nhật. Lúc đầu thì tôi chụp ảnh màu gửi về cho nhà buôn tranh ở Tokyo lựa chọn, rồi tôi mua tại chỗ. Sau đó, họ tin tưởng nên giao hoàn toàn cho tôi tự ý thẩm định và mua trực tiếp. Thêm vào đó, dần dần tôi tạo được một mạng lưới thông tin và người quen biết trong thế giới hội hoạ ở Greenwich Village, xóm hoạ sĩ ở New York. Nhờ thế, tôi biết được tất cả các thông tin, như người nào đang có hoạt động gì có triển vọng, hay người nào đang túng thiếu tiền bạc. Greenwich Village thời 1968 thì đáng kể lắm. Anh có biết về thời kỳ ấy không?"

    -"Lúc ấy thì tôi còn là sinh viên." Tôi đáp.

    -"Thế thì anh biết rồi chứ gì." Cô nói, gật đầu. -"Ở đấy, thứ gì cũng có. Quả thật là thứ gì cũng có đấy. Thượng vàng hạ cám, có cả. Từ đồ thật trăm phần trăm cho đến đồ giả mạo trăm phần trăm. Đối với những người trong nghề như tôi thì Greenwich Village thời ấy quả thật là núi vàng. Chỉ cần có được mắt nhìn chính xác là gặp được những hoạ sĩ tài giỏi xuất chúng hay những tác phẩm tân kỳ không thể có được ở nơi nào khác, vào thời kỳ nào khác. Thực tế, những tác phẩm tôi đã gửi qua Tokyo thời ấy, phần lớn bây giờ đều có giá rất cao. Giá mà hồi đó, tôi giữ lại một số những tác phẩm ấy cho riêng mình, thì ngày nay có thể đã giàu rồi, tiếc là thời ấy thì mình thật là thiếu thốn tiền bạc... Đáng tiếc!"

    Cô ngửa hai bàn tay đang đặt trên đùi lên, rồi mỉm cười:

    -"Duy chỉ có một bức tranh thời ấy, chỉ có một bức thôi, tôi đã đặc biệt mua riêng cho chính mình. Đó là bức có nhan đề "người đàn ông đi xe taxi". Thế nhưng đáng tiếc là bức tranh ấy chẳng phải xuất chúng về mặt nghệ thuật, hay trong phong cách hội hoạ, mà cũng chẳng phải là tác phẩm trông thô sơ nhưng phát tiết được mầm mống tinh hoa gì cả. Tác giả của nó là một hoạ sĩ lưu vong vô danh người Tiệp Khắc, chưa nổi tiếng đã tiêu tán đi đâu mất. Do thế, tất nhiên là chẳng mong gì chuyện bán được giá cao... Thế anh có cho là oái-oăm không? Biết chọn cho người khác toàn là tranh có giá trị cao, thế mà cho riêng mình một bức duy nhất thì lại chọn bức tranh hoàn toàn chẳng có giá trị gì cả!... Nhưng hẳn là chuyện đời nó trớ trêu thế đấy."

    Tôi gật gù đệm nhịp theo để chờ nghe kể tiếp.

    -"Tôi đến nhà trọ của hoạ sĩ ấy vào một buổi chiều tháng Chín năm 1968. Vừa dứt cơn mưa, toàn thành phố New York hừng nóng như trong nồi luộc. Tôi không còn nhớ tên người hoạ sĩ ấy. Như anh biết, tên họ những người hệ Đông Âu, nếu không chuyển theo lối Mỹ thì rất là khó nhớ. Giới thiệu người ấy cho tôi, là một sinh viên hội hoạ người Đức trọ cùng chỗ với tôi. Anh ta gõ cửa phòng tôi và bảo: -"Nầy Toshiko, có người hoạ sĩ tôi quen đang túng tiền lắm. Nếu được thì ngày mai ghé đến xem giúp tranh của anh ấy, được không?" Tôi đáp: -"OK. Nhưng anh ấy có tài đấy chứ?". Anh ta trả lời: -"Có lẽ không tài giỏi gì mấy. Nhưng là người tốt." Thế là chúng tôi đã đến phòng trọ của người hoạ sĩ kia. Greenwich Village thời bấy giờ có chỗ như thế đấy. Nói thế nào nhỉ... Cùng ghé vai vào đỡ đần cho nhau một tí đấy mà."

    *

    Trong căn phòng trọ bẩn thỉu kinh khiếp của người Tiệp Khắc ấy, cô đã được cho xem chừng 20 bức tranh. Người Tiệp Khắc ấy 27 tuổi, vượt biên lưu vong đâu ba năm trước, và vừa mới đến Mỹ. Đã sống ở Vienna một năm trước khi đến New York. Để lại vợ và con còn thơ ấu ở Prague. Anh ta ban ngày vẽ tranh trong phòng trọ, tối đến thì ra quán ăn Thổ Nhĩ Kỳ mà làm việc. Anh ta nói: -"Ở Tiệp Khắc không có tự do biểu hiện", nhưng cô nghĩ có một thứ còn cần thiết cho anh ta hơn cả tự do biểu hiện nữa. Như anh sinh viên hội hoạ người Đức đã nói, anh ta thiếu thứ gọi là tài năng.

    "Đáng lẽ anh ta nên ở lại Prague". Cô nói thầm trong lòng.

    Tranh của người Tiệp Khắc ấy, về kỹ thuật thì có đôi chỗ đáng xem. Nhất là cách phối sắc có chỗ tạo được sự chú ý. Đôi nét kỹ xảo. Nhưng chỉ có thế thôi. Từ mắt nhìn của người chuyên nghiệp thì tranh anh ta đến đấy là hết. Không có được sự trải rộng của ý thức. Chấm dứt ở đường cụt chứ không có được cả vòng cung để vòng ra nữa. Ngõ cụt bít kín đầu. Chỉ có thế.

    Cô liếc mắt sang người bạn Đức. Vẻ mặt anh ta cho cô biết kết luận không cần nói ra của anh ta cũng giống của cô thôi. Chỉ có thế. Trong lúc người Tiệp Khắc ấy thẫn thờ đưa đôi mắt bất an dõi theo từng cử chỉ, động tác của cô.

    Định nói lời cảm ơn để rút lui khỏi phòng trọ của người Tiệp Khắc ấy, bất chợt mắt cô bị cuốn hút vào một bức tranh đặt bên cửa phòng. Bức tranh khung chữ nhật cỡ một màn hình ti-vi 48cm. Khác với mọi bức kia, bức tranh này có hơi thở đời sống. Không rầm rộ lắm, chỉ là chút sống động nhỏ nhoi, nhìn chăm chú một hồi thì có vẻ thoi thóp như sắp tiêu tán đi mất. Nhưng có nhỏ nhoi đến thế đi nữa, cũng vẫn là hơi thở sống thực trong bức tranh ấy. Cô nhờ người Tiệp Khắc ấy dồn tất cả các tranh khác vào góc, chừa lại một khoảng trắng trống trên tường, treo bức tranh kia lên mà ngắm chăm chú.

    -"Đây là bức tranh đầu tiên tôi vẽ khi đến New York." Người Tiệp Khắc bồn chồn nói vội vã: -"Đêm đầu tiên khi đến New York, tôi đứng ở góc đường Times Square, ngắm đường phố hàng giờ. Rồi về phòng, vẽ xong trong một đêm."

    *

    Đó là bức vẽ một người trai trẻ ngồi ghế sau trong xe Taxi. Nói theo góc nhìn máy chụp ảnh thì ống kính đặt ngay giữa ghế trước, mở toang góc rộng nhất để thu hình chàng trai ấy. Mặt chàng nhìn nghiêng, mắt trông ra ngoài cửa sổ. Đẹp trai. Trang phục dạ hội, áo sơ mi trắng đúng kiểu nghi lễ, cà-vạt bướm màu đen, khăn choàng trắng, đỏm dáng như điếm đực nhưng thực ra không phải. Chàng thiếu chút gì đấy để là điếm đực. Nói ngắn gọn là chàng thiếu vẻ đói khát cô đọng của loài điếm.

    Tất nhiên ở chàng ta không phải là không có vẻ khao khát. Bởi ở đâu mà có được một chàng trai trẻ không khao khát gì đấy? Có điều trong chàng trai này, nỗi khao khát ấy có vẻ mơ hồ quá, người chung quanh nhìn vào, hay chính từ mắt chàng nhìn đến, lại thấy giống như một loại quan-điểm đang còn phát triển chưa định hình. Như ráng chiều màu xanh. Hiểu là có đấy nhưng không nắm bắt được. Và cũng như ráng chiều màu xanh, bóng đêm bao phủ chiếc taxi. Từ cửa sổ bằng kính phía sau xe taxi, nhìn thấy màn đêm. Chỉ màn đêm thôi. Màu đen và màu tím chảy loang vào màu xanh đêm. Màu thật trang nhã. Trang nhã mà nồng hậu, như dòng nhạc của ban hoà tấu Duke Ellington. Nồng hậu đến nỗi chỉ chạm nhẹ tay vào, năm ngón tay liền bị hút trọn vào bên trong.

    Chàng trai mặt nhìn nghiêng. Nhưng thật ra chẳng ngắm gì cả. Cho dù có gì phía bên kia cửa sổ bằng kính đi nữa, phong cảnh ấy cũng không để vết cào xé gì trong lòng chàng. Chiếc xe không ngừng di động.

    <Chàng trai ấy đang đi đâu? Chàng trai ấy đang về đâu?>

    Bức tranh chẳng cho biết chút gì cả. Chàng trai bị bao bọc trong dạng hạn chế của xe taxi. Xe taxi nằm trong nguyên tắc cố hữu là sự di động. Nên phải di động. Đi đâu hay về đâu cũng chẳng sao cả. Đâu lại chẳng được. Chỉ là lỗ hổng tối đen hở ra trên bức tường to rộng. Đó là cửa vào, mà cũng là cửa ra. Và chàng trai đang nhìn vào bóng tối đen ấy. Môi chàng khô, như đang thèm khát vô cùng một điếu thuốc. Nhưng vì lý do gì đấy, điếu thuốc lại ở nơi xa tắp, tay chàng không với tới. Xương gò má nhô lên, cằm lõm xuống, nét lõm của bạo lực. Ở đó có bóng đen như một vết thương. Bóng đen dấu vết của cuộc chiến đấu âm thầm trong một thế giới vô hình. Chiếc khăn choàng trắng đang phủ lên che đầu mút vết thương.

    *

    -"Kết cuộc, tôi đã trả 120 Mỹ kim để mua bức tranh ấy cho riêng mình. 120 Mỹ kim cho một bức tranh cũng chẳng phải là một khoản tiền lớn lắm, thế nhưng lúc bấy giờ đối với tôi vẫn là một món chi phí khá đau. Dạo ấy, tôi lại đang mang thai, mà chồng tôi lại không có việc làm. Anh ấy là kịch sĩ chưa nổi tiếng, có việc làm thì cũng không thu nhập được bao nhiêu. Phần lớn sinh hoạt phí là do tôi làm ra cả."

    Cô ngừng kể, lại nhắp một ngụm rượu vang như để nhớ lại ngày xưa.

    -"Thế cô thích bức tranh ấy lắm à?" Tôi ướm hỏi.

    -"Bức tranh thì tôi không thích gì mấy." Cô đáp. -"Bức tranh tự nó thì như tôi đã nói, chỉ là trò tay mơ, có thêm được chút râu ria mà thôi. Tệ thì không tệ nhưng giỏi thì cũng chẳng giỏi gì. Tôi chỉ thích nhân vật trong tranh là chàng trai trẻ ấy thôi. Tôi mua bức tranh chỉ để ngắm chàng trai ấy. Có thế thôi. Người Tiệp Khắc ấy rất mừng vì bức tranh của anh ta được đánh giá tốt, còn người sinh viên Đức thì có phần kinh ngạc. Nhưng cả hai sẽ chẳng bao giờ hiểu được ý tôi, vì lý do gì mà tôi lại mua bức tranh ấy."

    Băng nhạc Giáng Sinh đến đấy là hết, nghe một tiếng "cạch" rồi chìm vào im lặng sâu thẳm. Cô ấy đan ngón tay vào nhau trên chiếc váy vải tuýt.

    -"Lúc ấy tôi 29 tuổi. Nói có vẻ ước-lệ thì tuổi thanh xuân sắp sửa chấm dứt. Tôi sang Mỹ để mong thành hoạ sĩ, mà kết cuộc không thành được. Tay tôi không giỏi được đến mức mắt tôi mong thấy. Tôi đã không sáng tạo được gì từ hai bàn tay mình. Mà chàng trai trong bức tranh ấy... không hiểu sao tôi cảm thấy là một phần đã mất đi trong cuộc đời của tôi. Tôi mang bức tranh về treo lên tường phòng trọ, mỗi ngày nhìn thấy nó mà sống. Mỗi lần nhìn chàng trai trong tranh, tôi lại thấm thía nỗi mất mát to lớn của mình. Mà có lúc lại cảm thấy nỗi mất mát ấy nhỏ nhoi như thế nào.

    Chồng tôi hay chế giễu tôi rằng hẳn là em đã mê anh chàng kia rồi. Anh ấy nghĩ thế vì thấy tôi cứ im lặng, ngắm đăm đăm bức tranh ấy. Nhưng anh ấy hiểu sai rồi. Đối với chàng trai kia, tôi chỉ có chút tình cảm gọi là lòng thương xót mà thôi. Không phải là đồng tình, đồng cảm, mà chỉ là chia sẻ một nỗi buồn giữa hai con người. Anh hiểu thế chứ nhỉ?"

    Tôi im lặng gật đầu.

    -"Cứ ngắm mãi chàng trai đi xe taxi ấy trong một thời gian dài như thế, đến lúc nào đó chàng trai ấy đã trở thành một thứ phân-thân đối với tôi. Chàng hiểu được tâm tình tôi. Tôi hiểu được tâm tình chàng. Tôi lý giải được nỗi bi ai của chàng. Chàng bị giam kín trong chiếc xe taxi gọi là sự phàm tục ấy. Không sao thoát ra được. Vĩnh viễn không thoát được. Sự phàm tục chôn sống chàng trong đó, chôn chàng chặt trong quan tài phàm tục ấy. Anh có nghĩ là chuyện buồn thảm lắm không?"

    Cô ngậm chặt môi, im lặng một hồi. Rồi nói tiếp:

    -"Chuyện là như thế. Chẳng có cảm kích về nghệ thuật hay kích động gì cả. Cũng chẳng có sốc cảm tính hay trên da thịt gì cả. Nhưng nếu anh hỏi là bức tranh nào để lại dấu vết rõ nhất trong lòng tôi, thì chỉ có mỗi một bức nầy thôi. Chuyện như thế có đủ cho anh không?"

    -"Cho tôi hỏi một câu." Tôi nói. -"Thế cô còn giữ bức tranh ấy không?"

    -"Tôi không giữ nó lại." Cô trả lời ngay. -"Mà đã đốt bỏ đi rồi."

    -"Lúc nào thế?"

    -"Năm 1971 đấy. Tháng 5 năm 1971. Cảm thấy như chỉ mới đây thôi, nhưng thật ra là đã gần 10 năm trước rồi đấy. Bao nhiêu là chuyện đã chồng chất lên nhau, vợ chồng tôi ly dị, tôi trở về Nhật. Bỏ cả con lại. Chi tiết thì xin giản lược, vì tôi không muốn nhắc đến. Lúc bấy giờ, tôi đã muốn vất bỏ tất cả. Toàn bộ. Tất cả những gì trên mảnh đất ấy, đã thu hút tôi, như mơ mộng, hy vọng, tình yêu, kể cả những hình ảnh còn sót lại của chúng nữa. Tôi đã mượn xe tải của người bạn, chất lên tất cả mọi thứ trong phòng trọ, mang ra bãi trống mà tưới dầu hoả vào đốt sạch. Bức tranh "người đàn ông đi xe taxi" cũng nằm trong số đó. Tình cảnh ấy có vẻ hợp với loại nhạc thương cảm đấy nhỉ?"

    Cô cười tươi, khiến tôi cũng mỉm cười theo.

    -"Tranh đốt đi thì tôi cũng chẳng tiếc. Nghĩ là để giải phóng chính mình mà cũng vừa giải phóng cho chàng trai ấy nữa. Chàng cháy lên mà được giải phóng khỏi quan tài phàm tục ấy. Tôi đốt cháy chàng, và đốt cháy một phần của chính mình. Vào một buổi chiều đẹp trời, tâm hồn thư thái, tháng 5 năm 1971. Sau đó, tôi trở về Nhật. Và từ đó..." Cô nói, vừa giương tay chỉ một vòng quanh phòng. -"Như anh thấy đây, tôi kinh doanh phòng tranh này. Công việc song suốt. Tôi thì, nói thế nào nhỉ, có lẽ có tài buôn bán. Hiện nay thì chỉ có một mình, nhưng cũng chẳng hề gì. Vẫn vui sống theo cách của tôi. Thế nhưng, câu chuyện người đàn ông đi xe taxi ấy chẳng phải chấm dứt trên bãi đất trống ở New York vào buổi chiều tháng 5 năm 1971 ấy đâu nhé. Còn hồi sau nữa đấy."

    Cô lấy điếu thuốc trong hộp Players ra, châm lửa. Người chụp ảnh đằng hắng. Tôi sửa người trên ghế. Khói thuốc thong thả bay lên, loãng ra rồi tan đi theo hơi gió từ máy điều hoà không khí.

    -"Mùa hè năm ngoái, tôi đã gặp chàng trên đường phố ở Athene. Chàng trai ấy đấy. Chàng trai trẻ trong bức tranh "người đàn ông đi xe taxi" ấy. Không sai lầm vào đâu được. Quả đúng là chàng rồi. Tôi đã tình cờ mà ngồi chung vói chàng trên ghế sau xe taxi ở Athene đấy.

    *

    Chuyện hoàn toàn tình cờ. Cô đang đi du lịch, khoảng 6 giờ chiều, trên xe taxi trước quảng-trường Egypt ở Athene hướng đến đại lộ Vassilissis Sofias, lúc đi ngang quảng trường Omonia thì có một người đàn ông trẻ tuổi lên xe ngồi vào ghế bên cạnh cô. Ở Athene, chỉ cần hướng đi giống nhau thì taxi tha hồ lấy thêm khách đi xe chung.

    Chàng trai dong dỏng cao và rất là đẹp trai. Mặc dù đang là mùa hè ở Athene, chàng vẫn mặc một bộ đồ dạ hội, thắt cà-vạt bướm. Có vẻ đang trên đường đến một dạ tiệc lớn. Từ đầu đến chân trông giống y hệt chàng trai trong bức tranh cô đã mua ở New York, không sai tí nào. Cô bàng hoàng một lúc như mình đã nhìn lầm một cách ngốc nghếch. Như đã nhảy vào một nơi không đúng chỗ, không đúng lúc. Cảm thấy toàn thân như đang nổi lơ lửng đến mười cen-ti-mét cách mặt đất. Trong đầu trắng bệch, phải mất lâu lắm cô mới quay trở lại được tình trạng bình thường.

    -"Chào cô." Chàng trai vừa mỉm cười vừa chào hỏi cô.

    -"Chào anh." Cô đáp, như phản xạ.

    -"Cô là người Nhật Bản phải không nào?" Chàng trai nói tiếng Anh thật lưu loát. Cô im lặng gật đầu.

    -"Tôi đã đến Nhật Bản một lần." Chàng nói. Những ngón tay vươn thẳng trong không như đang đo lường chiều dài của khoảng im lặng. -"Đi trình diễn đấy."

    -"Trình diễn gì thế?" Cô thốt lên, trong cảm giác còn hoang mang.

    -"Tôi là một tài tử của Đoàn Kịch Quốc Gia Hy Lạp. Chắc cô biết về kịch cổ điển Hy Lạp chứ nhỉ? Euripides, Aeschylus, Sophocles, vân vân..."

    Cô gật đầu.

    -"Nghĩa là Hy Lạp đấy. Những gì cổ điển thì hơn người." Chàng nói, mỉm cười, rồi ngưng câu chuyện một lúc, quay ngang chiếc cổ thon thả, ngắm phong cảnh bên ngoài cửa sổ. Nghe chàng bảo thế thì trông chàng chẳng còn gì khác hơn là một tài tử. Chàng đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, im lìm, chẳng động đậy gì như thế một hồi lâu. Đường Stadiou đông nghẹt những xe đi làm về. Xe taxi chỉ có thể nhích tới từng khoảng chậm rãi, nhưng chàng trai vẫn điềm nhiên ngắm những cửa sổ bày hàng của tiệm buôn, hay bảng quảng cáo của rạp chiếu phim.

    Cô gắng hết sức chỉnh lý đầu óc mình. Gắng xếp hiện thực vào hẳn trong khuôn khổ hiện thực, còn tưởng tượng thì vào hẳn trong khuôn khổ tưởng tượng. Thế nhưng tình thế vẫn không thay đổi chút nào. Cô đang ngồi ngay bên cạnh chàng trai trong bức tranh ấy, trong chiếc xe taxi ở Athene, tháng Bảy. Không còn gì lầm lẫn được cả.

    Thế rồi xe cũng qua hết đường Stadiou, xuyên qua bên cạnh quảng trường Syntagma, chạy vào đại lộ Sofias. Chỉ còn độ 2, 3 phút nữa là đến khách sạn của cô. Chàng trai vẫn còn im lặng ngắm quang cảnh bên ngoài cửa kính. Làn gió nhẹ thư thái của hoàng hôn lay động gợn tóc mềm của chàng.

    -"Xin anh tha lỗi." Cô gợi chuyện. -"Anh sắp đi dạ tiệc đấy phải không?"

    -"Vâng, đúng thế." Chàng quay lại phía cô và nói. -"Dạ tiệc lớn lắm. Đủ loại khách, và rượu thì tràn đầy ra đấy. Hẳn là vui đùa cho đến sáng. Nhưng tôi sẽ bỏ về nửa chừng."

    Taxi ngừng trước khách sạn, người phục vụ đến mở cửa xe.

    -"Chúc cô du lịch vui vẻ." Chàng trai nói bằng tiếng Hy Lạp.

    -"Cảm ơn anh." Cô đáp lễ.

    *

    Cô đứng nhìn theo chiếc taxi biến dạng vào dòng xe lũ lượt buổi chiều tối, xong quay bước vào khách sạn. Bóng đêm nhạt nhoà như bị làn gió thổi trôi lang thang trên thành phố. Cô vào quán rượu trong khách sạn, ngồi uống ba ly Vodka Tonic. Trong quán vắng lặng không có bóng người khách nào khác, chừng như bóng u ám của hoàng hôn chưa vào đến bên trong. Cô cảm thấy như một phần của mình đã bị bỏ quên mất trong xe taxi ấy rồi. Một phần của chính cô vẫn còn ngồi ghế sau của xe taxi, đang cùng người tài tử trai trẻ ấy hướng đến một chỗ dạ tiệc nào đấy. Cảm giác còn sót lại chênh vênh như cô vừa bước ra khỏi chiếc thuyền chồng chềnh, và vừa mới đứng được trên mặt đất kiên cố. Thân xác dao động, thế giới ngừng lại.

    Một lúc rõ lâu đến không nhớ ra được là bao lâu, cơn dao động ấy qua đi, trong cô đã có chút gì đấy tiêu tan vĩnh viễn. Cô cảm nhận được rõ ràng như thế. Chút gì đấy đã chấm dứt.

    -"Chàng ta đã hướng về tôi, nói một lời cuối cùng cho đến bây giờ vẫn còn hằn rõ trong tai tôi. Chúc cô du lịch vui vẻ." Cô nói, vừa đặt hai tay lên đùi. -"Anh có nghĩ là lời chúc ấy tuyệt vời không? Mỗi lúc nhớ đến lời ấy, tôi lại nghĩ như thế này. Đời tôi đã mất đi nhiều phần rồi, có mất thêm chút ấy nữa cũng chỉ là một phần nữa thôi, nhưng bù lại, từ đây về sau, chắc chắn tôi vẫn còn gặp được những gì đấy lưu lại lâu dài cho đời mình."

    Cô thở ra, môi nhếch một nụ cười mỉm. -"Và câu chuyện người đàn ông đi xe taxi đến đây là chấm dứt. Chỉ có thế thôi. Chuyện dài dòng quá, xin anh tha lỗi."

    -"Không đâu. Chuyện thú vị lắm chứ." Tôi và người chụp ảnh cùng đáp thế.

    -"Câu chuyện nầy cho tôi một bài học." Cuối cùng, cô ấy nói. -"Một bài học quý giá chỉ có thể tự mình thể nghiệm mới có được mà thôi. Đó là: Con người không thể tự mình xoá mất đi điều gì cả. Mà phải kiên nhẫn chờ đợi cho điều ấy tiêu tán đi thôi. Bài học như thế đấy."

    Câu chuyện của cô chấm dứt ở đấy.

    Tôi và người chụp ảnh uống cạn ly rượu vang, cảm ơn cô rồi rời khỏi phòng tranh. Tôi đã gắng ghi lại chuyện cô kể vào bản thảo, nhưng lúc bấy giờ vì thiếu chỗ trên trang báo nên đã không thành ký-sự trong tạp chí ấy được. Vì thế, đến bây giờ có thể đăng lên với hình thức như thế này, tôi an tâm là đã làm xong một chuyện canh cánh bên lòng.






    Phạm Vũ Thịnh dịch
    Sydney 12/2005

    • Truyện ngắn "Người Ðàn Ông Ði Xe Taxi" là truyện thứ 8 trong tập truyện "Người Ti-Vi" từ Nhà xuất bản Ðà Nẵng, tháng 3 năm 2007,
    • dịch từ nguyên tác "Takushi ni notta otoko" đã đăng trong Tuyển tập "Kaiten Mokuba no Deddo Hi-to - Carousel's Dead Heat - Chạy Ðua Sát Nút Trên Vòng Quay Ngựa Gỗ" tháng 10 năm 1985.

              
    http://chimvie3.free.fr/80/phamvuthinh/ ... i_080a.htm
Hình đại diện
NTL
Bài viết: 1344
Ngày tham gia: Chủ nhật 17/05/15 14:20

Re: Người đàn ông đi xe taxi - Murakami Haruki

Bài viết bởi NTL »

*


He he... ôn Hoàng.

Vô trả lời cho ôn thôi heng chớ không đọc truyện đâu à nha.
Đã li dị là đi luôn. Một đi hổng trở lợi.
Thành ra... hổng tò mò coi người xưa nói chi làm chi nữa.
Nội ngó cái tên là tóc tai dựng đứng, hết hồn rồi !

Ôn đọc mình ên đi heng trong khi chờ đợi ý kiến của những người còn sung sức với cha nội nọ
Ú hu... ôn Hân, Hùng tư, Mai lệ nắng, nữ Vân.... vô uống cà phê nè
:cafe: :cafe: :cafe: :cafe: :cafe:

Xin hết
:flower:

*
Make the long story... short !
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Người đàn ông đi xe taxi - Murakami Haruki

Bài viết bởi Hoàng Vân »





:rotfl: :cafe:


Trả lời

Quay về “của người”