Tóc mai sợi vắn sợi dài

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Tóc mai sợi vắn sợi dài

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           



    Tóc mai sợi vắn sợi dài




    Những ngày cuối Chạp, mọi người chuẩn bị đón Xuân. Khu xóm nhỏ đìu hiu thường ngày bỗng bừng lên nhịp sống sôi nổi, háo hức. Nhà nào cũng sơn cửa, quét vôi tường, sửa sang lại rào giậu và sửa cả dáng vẻ mình. Còn mười ngày nữa là Tết rồi. Tết! Nghe sao mà nôn nả và háo hức chi lạ.

    Ngó lại mà coi, có đúng không? Như Ôn Tất đó, cả năm dài đăng đẳng có bao giờ chịu ngó tới mình. Hai bộ quần áo cứ mặc tới mặc lui. Đầu tóc, râu ria cứ buông thả cho tháng ngày gặm nhắm, nó dài ra hay nó xoắn lại tha hồ! Họa hoằn, cắt xén chút đỉnh rồi bỏ xó mặc đời. Nhìn Ôn, như người tiền sử. Vậy mà, dưới cặp mắt của mấy anh trai trong Xóm, ngó Ôn thấy nghệ sĩ quá chừng! Chân Ôn bị thương tật sau cuộc chiến tranh. Ôn trở về vườn với chiếc gậy và đồng lương thương binh hàng tháng. Do đi đứng khó khăn nên chi suốt ngày cứ bắt ghế ngồi nhìn ra khu Xóm nhỏ để thấy hàng hàng lớp lớp những sinh hoạt theo ngày, theo tháng, theo năm.

    Đừng có chuyện chi mà bỏ qua mắt Ôn. Xóm thì nhỏ mà mắt Ôn nhìn ngó tỏ tường, chăm chú quá nên chi đừng hòng mà chối. “Nì, tau thấy rõ ràng con Chanh mi đẩy thằng Tí té xuống mà hắn gượng được xô lại mi. Rứa mà mi khóc, mi tru tréo là thằng Tí đánh. Hắn có đánh đập chi mi! Đúng là con mỏ “dọn”. Để Ba mi về đây, tau nói ngọn ngành.” Rồi thỉnh thoảng, Ôn đang ngồi lơ mơ ngủ gà ngủ vịt, bỗng nhổm người như phải lửa: “Nì, Mạ nó ơi! Ra coi con Hạnh bữa ni uốn tóc quăn. Mạ nó ra coi mau chút.” Hay là: “Mạ nó ơi! Chú Hai Mộc về tề. Chà, đi làm ăn mô lâu dữ!” Đại loại là những chuyện như vậy. Đã nói là không có chuyện chi bỏ qua được mắt Ôn mà! Mụ Tất, vợ Ôn lấy làm phiền chuyện bao đồng của Ôn lắm. Mụ nhằn Ôn, nhẹ thôi, nhưng mà có gởi gấm nỗi bực bội không giấu được:

    – Nì, Ba mi nhớ là chuyện ai nấy biết, mắc mớ chi mà cứ bao đồng. Ai họ có đi đông đi tây, lên đồng xuống ruộng thì mược kệ họ, chớ chi Ba mi cứ dòm ngó để xẩy mích lòng. Với lại, tui cũng công việc bộn bề, cứ mỗi lần nghe Ông réo là tui…cũng chạy ra coi. Dị quá!

    Ôn Tất cười khúc khích, buông thỏng một câu:

    – Rứa, Mạ mi có chạy ra coi là được rồi. Có chi mô mà phiền mà trách hè!

    Rồi Ôn cũng cứ ngồi ngó mông ra bốn phía. Cũng cứ tung tin tức giật giọng.Rồi Mụ Tất cũng cứ chạy ra, chạy vô theo từng bản tin hàng ngày của Ôn. Có sao đâu! Ngày tháng vẫn êm trôi trong khu Xóm nhỏ. Hóa ra, chỉ có Ôn là sôi nổi nhất.

    Sáng nay, Ôn cũng ngồi đó như mọi ngày. Có một điều hết sức đặc biệt là tóc râu Ôn gọn ghẽ, tỉa tót cẩn thận lại mặc thêm bộ quần áo mới tinh. Hôm nay, Ôn chỉ ngồi trầm ngâm nhìn ngắm cảnh sinh hoạt trong Xóm cho vui, không sôi nổi tin tức như mọi ngày. Mấy người lớn đi qua ngõ thấy Ôn họ chào. Ôn gật đầu trịnh trọng, buông một câu chí tình: “Chúc Mừng Năm Mới, nghe.” Ngắn. Gọn. Mà đúng thiệt là mới. Chỉ nhìn thấy Ôn thôi cũng đủ biết rồi!

    Buổi chiều, Huê về ngang qua nhà Ôn, nàng cúi đầu chào. Lúc đó, Ôn đang lo bỏ miếng bánh Nậm vô miệng trệu trạo nên không nói được câu “Chúc Mừng Năm Mới, nghe” với Huê. Khi nàng đi khuất ngõ Ôn cũng vừa nuốt lốn miếng bánh cho mau để cấp báo một tin mừng mà Ôn mới vừa kịp thời nhớ lại. Ôn sẽ nói: “Thằng Tịnh về rồi đó, con biết không?” Rứa thôi. Báo tin rứa thôi, để tụi nó mừng nhau. Tết mà! Ôn rủa thầm miếng bánh bỏ vô miệng không đúng lúc. Nhả ra thì uổng mà nhai cho kịp thì răng cỏ mô mà nhai. Đến khi cố nuốt trọng thì hắn đã khuất ngõ rồi còn báo tin chi nữa! Ôn ngồi thừ một đỗi lâu, giận lây mấy miếng bánh còn trong dĩa, không muốn ăn nữa.

    Buổi chiều chầm chậm xuống. Cái nắng tháng Chạp vàng hanh, nhuốm lạnh. Nhịp sinh hoạt xóm nhỏ cuối chiều trở nên chậm chạp, thoáng buồn. Nhà nhà đã bắt đầu lên đèn, chén đũa đã bắt đầu khua lách cách. Thỉnh thoảng, đâu đó, một vài tiếng pháo lẻ loi đơn điệu. Ôn Tất tằng hắng rồi đứng dậy chống gậy vô nhà.

    Một ngày trong khu Xóm nhỏ qua đi theo bước chân Ôn…

    Huê ngồi vo gạo dưới nhà bếp, lắng nghe tiếng O Giếng rộn rã ở nhà trên:

    – Rứa là năm ni hắn được về phép ăn Tết. Mơi tui làm con heo tạ ơn trời đất rồi sẵn dành ăn Tết cho luôn. Mấy gói khô nai ni biếu anh chị lấy thảo. Mỗi nhà một chút, quà của hắn đó chị.

    Huê nghe tiếng Mạ nàng cười nhưng có lẽ không to bằng tiếng tim mình đập rộn. Thiệt là vô duyên, tự nhiên hai má nàng đỏ hồng. Hai tay nàng lóng ngóng, tẻ nước gạo mà gạo cứ chảy ào ra sàn. Khi hốt gạo bỏ lại vô nồi, nàng thấy giận mình. Chuyện của người ta mắc mớ chi tới mình mà cứ nghĩ ngợi hoài. Cái con ni, mi thiệt là lãng mạn. Mi nợ chi với người ta mà răng nặng ý, nặng tình. Người ta đi hai năm trời rồi đó, chẳng có một lời thăm hỏi. Gặp nhau đâu chỉ mấy lần hồi còn Trung học, rứa thôi! À không, có một lần, mà chắc chính lần đó đã làm nên tình sử. Làm gạo đổ ra sàn. Làm hai tay run và, con tim đánh rộn…

    Nàng nhớ đêm đó, sau buổi sinh hoạt Oanh Vũ, Tịnh đón nàng ở cổng Chùa. Hai người đi dưới ánh trăng vằng vặc. Đi một đỗi lâu mà không có với nhau một lời. Huê khẽ liếc nhìn qua anh, thấy anh sao mà buồn quá! Mọi bữa thì con mắt có đuôi, miệng mồm liếng thoắng chớ có đâu mà im lặng như đêm nay. Tới khúc quành rẽ vào Xóm , anh khựng lại rồi nói nhỏ với Huê:

    – Huê, anh mời Huê vô quán chè Mụ Hựu. Một chút thôi, rồi về!

    Chè Mụ Hựu! Ngọt, thanh mà thắm đượm. Ăn một mà thèm hai. Nhứt là chén chè đậu Ván nước. Nước chè đã ngọt ngào thanh cảnh mà ngậm mấy hạt đậu mềm tan trong miệng, dậy lên mùi béo, thơm khôn tả. Huê mê quán chè Mụ Hựu suốt mấy năm Trung học. Lâu quá mà không ghé thì đâm nhớ tương tư. Khung cảnh bài trí trong quán cũng thiệt là nên thơ. Có bàn riêng và, cây cảnh hữu tình…

    Đêm đó, Huê rất vô tình, mà sau này nàng thấy giận mình thật quá vô duyên. Nàng ăn đã đời mấy chén chè mà anh thì một chén chưa qua. Dáng anh trầm tư khác hẳn mọi ngày. Anh ngập ngừng có vẻ như muốn nói điều chi đó. Lâu lâu cứ tằng hắng mấy tiếng khẽ, rồi im. Khi kêu tính tiền chuẩn bị ra về, ý chừng anh sợ sẽ không còn dịp nữa, mới ngập ngừng nói nhỏ với Huê:

    – Huê, ngày mai anh…anh…đi rồi!

    Huê ngạc nhiên, nhìn anh lạ hẳn:

    – Rứa, anh đi mô? Bộ hai Bác không cho anh ở nữa hay răng?

    Rồi mặt nàng sầm lại:

    – Không, không có đi mô hết…Không đi…Không đi.

    Tự nhiên cái ngang bướng trong người nàng nổi lên hồi nào không biết nữa. Nàng đứng dậy vùng vằng:

    – Đã nói là không đi…Không đi…Không đi mà!

    Rồi Huê đi thẳng một mạch ra đường. Tịnh đứng rũ ra, sững sờ trước phản ứng đột ngột của Huê.

    Chuyện chia ly của hai người ngừng ngang ở đó, nhưng không ngừng ray rức trong lòng Huê suốt cả một thời gian dài. Nàng đã đổ biết bao nhiêu nước mắt từ cái lần ra đi của Tịnh. Thì ra, còn chối cãi chi nữa, nàng đã yêu người con trai đó hồi mô không biết nữa! Nàng nghĩ, chắc không bao giờ nàng có thể xa “người ấy“. Vậy mà đêm đó, thật bất ngờ anh nói chuyện ra đi. Ra đi là xa lìa, là mất nhau rồi còn chi! Mới chỉ nghe hai tiếng ra đi, Huê đã không giữ nổi bình tĩnh và đã tỏ thái độ để cho anh ấy ngỡ ngàng đau khổ. Và Huê, sau đó, nàng lại càng khổ đau hơn!

    Đêm ấy, Tịnh đã ngồi thẫn thờ tới gần khuya trong quán chè Mụ Hựu cho tới khi Mụ nhắc khéo chàng mới ngẩn ngơ ra về dưới ánh trăng thinh vắng, trơ trọi một mình. Một mình trong nỗi cô đơn cùng tận. Không có Huê, không có một lời chia tay thầm hẹn.

    Những ngày sau đó, O Giếng đi tới đâu cũng giọt vắn giọt dài than thở:

    – Tui có nặng nhẹ chi mô mà hắn đi đành đi đoạn. Thời buổi chiến chinh, lằn tên mũi đạn, tui rứt ruột răng đành…

    Rồi O khóc muồi mẫn không che dấu. Huê cũng khóc, nhưng thầm kín riêng tư. Hai nỗi nhớ, nỗi đau dành cho một người đi xa, cũng chỉ là nước mắt…

    Hỏi ai mà không ửng hồng đôi má, không rung tay đổ gạo ra sàn, không nghe nhịp đập rộn rã của trái tim mình khi biết “người ấy” đã trở về!

    Cơm nước xong Huê chuẩn bị lên Chùa sinh hoạt Gia Đình Phật Tử cuối năm. Không như mọi khi, lần này nàng tô thêm chút son lên môi, đánh phấn hồng phớt lên đôi má. Khi nhìn mình trong gương nàng thấy một O Huê khác hẳn. Tươi rói như mùa Xuân, nồng nàn như người mới biết yêu và …đã được yêu. “Biết đâu, anh sẽ tới tìm em“. Ý nghĩ đó làm nàng thấy ngượng nhưng mà vẫn cứ thầm mong. Suốt buổi sinh hoạt với các em Oanh Vũ, nàng cứ bị chê trách hoài. Khi thì:

    – Chị Huê ơi, chị hát trật rồi. Khúc ni đâu có cao như rứa, tụi em theo giọng không lên!

    Rồi có lúc:

    – Chị Huê ơi, đoạn ni múa đâu có mà quay như rứa. Chị trật nhịp rồi. Đó..Đó…Một, hai.Chị quay mau quá, còn lắc qua lắc lại…Dị chưa tề!

    Huê mệt đuối với đêm sinh hoạt cuối năm. Tâm trí nàng đang để tận nơi đâu, tưởng tượng như quanh đây có một ánh mắt đang theo dõi nàng múa, nàng hát. Múa hát cho tình anh, cho nỗi nhớ bao đêm thầm lặng một mình, chớ đâu phải cho riêng mình em đâu anh!

    Buổi sinh hoạt rồi cũng qua, Huê chải tóc tô môi trong nỗi niềm háo hức đợi chờ. Con đường về vẫn như mọi ngày, ánh đèn vàng hiu hắt và một nỗi cô đơn choáng ngợp trong lòng. Nàng vẫn cứ đi thong thả mà lòng thì náo nức chờ trông. Nếu đêm nay anh không đến là coi như em chẳng còn có chi mà mong mà đợi. Tự nhiên, nàng thấy xót xa, nhớ tới đêm xưa khi Tịnh đón nàng về, ghé quán chè Mụ Hựu.

    Khi qua tới khúc quành rẽ vào Xóm, Huê muốn khóc. Còn một đỗi rất gần, rất gần, là tới nhà rồi mà sao chưa thấy anh đến đón! Nhưng không, từ một góc tối bên đường, Huê chợt thấy anh. Anh đứng đó, cao gầy dưới ánh điện vàng. Một phút lãng mạn tích lũy từ bao ngày mong nhớ, Huê muốn chạy tới ôm lấy anh nhưng có một cản ngăn gì đó rất sâu xa của thân phận người con gái. Huê khựng lại và, anh bước tới. Câu nói ngày xưa, lập lại:

    – Huê, anh mời Huê vô quán chè Mụ Hựu…Một chút thôi, rồi về!

    Tự nhiên Huê gật đầu “Dạ” một tiếng rất dịu dàng.

    Trong quán chè Mụ Hựu, dưới ánh đèn, em nhìn anh khác hẳn ngày xưa. Anh phong trần quá. Vẻ dáng thư sinh đã tàn mau, tàn lụi. Anh ngồi đó hiên ngang, chững chạc. Và em thì nhỏ nhẹ một ly chè đậu Ván nước như ngày xưa nhưng không còn ăn uống kiểu trả bữa chết thèm như ngày nớ mô. Phút choáng ngợp của lần gặp mặt đã lắng dịu. Huê bình tĩnh, cố hết sức bình tĩnh để hỏi Tịnh một câu tuy thừa thãi nhưng từ bao năm qua nàng cứ hoài ray rứt

    – Té ra hồi nớ anh đi thiệt, mà răng mấy năm rồi anh không viết thư về?

    Tịnh mỉm cười, không trả lời câu hỏi của Huê mà hỏi lại:

    – Thì anh đi thiệt rồi mà, em cũng thấy đó! Bao năm trời anh cứ ray rứt hoài không biết tại làm răng đêm đó…Anh muốn quên em đi, nhưng sao mà khó quá. Cuối cùng, anh vẫn cứ tìm em, như đêm ni, anh trở về…

    Huê nghĩ lại đêm xưa, cũng trong quán chè Mụ Hựu này mà tự nhiên nàng muốn ôm siết anh vào lòng cho khít khao, cho hai thành một!

    – Đêm nớ em điên, em khùng. Em không muốn xa anh, vậy mà tại sao anh không biết?

    Tự nhiên người nàng nóng lên, hai bàn tay run thấy rõ.

    Cũng may là Tịnh vội vàng úp bàn tay mình lên bàn tay Huê, giọng anh dịu dàng

    – Thôi mà! Anh biết…Khổ đau chừ cũng qua. Bao năm rồi, em chờ đợi. Anh về đây là để tìm em, tìm lại những ngày xưa của tụi mình…

    Hai người nhìn nhau. Ánh mắt ánh lên niềm vui tươi trẻ. Từ từ Huê trở ngược bàn tay mình rồi nắm lấy bàn tay của Tịnh. Giọng nàng chùng xuống, mơ màng:

    – Phải chi hồi nớ em hiểu lòng anh và lòng em. Em hiền dịu một chút…

    Tịnh siết bàn tay Huê:

    – Anh hiểu, anh hiểu. Chuyện đã qua rồi, Huê đừng nhắc nữa…

    Rồi anh choàng người ôm siết Huê. Nàng mềm nhũn trong vòng tay Tịnh sau bao năm cô đơn…

    Tình yêu đúng là làm cho hoa héo nên tươi. Mắt xanh, da chì trở nên hồng hào tươi mát. Cuộc sống tẻ nhạt trở nên sôi động đậm đà. Huê đã chìm đắm trong tình yêu đó. Những ngày Xuân ngắn ngủi nhưng thật là dài khi nàng có Tịnh. Hai người đã đi vào đời nhau với những bước chân dịu nhẹ. Những nơi chốn đến và đi, rồi để lại vô vàn kỷ niệm từ mùa Xuân ấy. Cuối cùng, Tịnh cũng phải lên đường, trở về đơn vị của anh. Nơi đó có súng-đạn-mìn-chông với một nỗi chết cận kề. Một nơi chốn chẳng ai mong, ai đợi mà tự nó khởi lên từ một cuộc chiến dai dẳng kéo dài từ năm này qua năm khác cho tới tận cùng cũng chỉ là nước mắt, chia ly và đau khổ. Nàng thì ở lại thành phố quạnh hiu này với sách vở bộn bề và bây giờ, thêm nỗi nhớ rất lớn lao. Một trái tim nhỏ bé muốn nhuốm bệnh vì những khắc khoải chờ mong, nhói đau theo từng tin tức chiến sự hàng ngày

    Chỉ hai tháng sau ngày Tịnh trở lại đơn vị, tình hình trở nên tồi tệ. Thành phố nơi nàng đã sống những tháng, năm êm ả bắt đầu trở mình, nhốn nháo. Thiên hạ âm thầm chuẩn bị một cuộc ra đi. Buổi sáng hôm đó, O Giếng qua tìm Huê, nước mắt ràn rụa làm cho Huê muốn đứng tim khi thoáng nghĩ về Tịnh.

    Thấy Huê, O ôm chầm kể lể:

    – Rứa là hết rồi, con ơi! Nghe tin Banmêthuột thất thế rồi. Không biết..

    O không nói nữa, khóc muồi mẫn…Huê đã biết lời nói tiếp của O vì chính nàng cũng đang nghĩ tới Tịnh. Hai người đàn bà ôm nhau, quặn đau theo cùng một nỗi nhớ..

    Buổi trưa, Huê có ý định đến nhà con nhỏ bạn để hỏi thăm tin tức vì hắn cũng có người yêu cùng đơn vị với Tịnh. Khu Xóm nhỏ yên ắng trong nắng trưa vàng cháy nhưng nàng biết bên trong đang âm ỉ xôn xao chuẩn bị cho một chuyến đi dài.

    Trẻ nít không còn tụ tập chơi đùa ở hẻm nhỏ và mấy mụ đàn bà rỗi việc không còn tụm năm tụm bảy ở góc hè thím Lẫm để xầm xì chuyện xa gần, chuyện trên trời dưới đất…Không khí nặng nề trầm uất trong cái nắng oi ả gây cho Huê một cảm giác buồn lo đến thắt ruột.

    Khi ngang qua nhà Ôn Tất, nàng sửng lại thoáng giây.

    Ôn vẫn ngồi đó, trên chiếc ghế mây. Cây gậy có cán chạm đầu rồng, hai con mắt cẩn hai viên bi màu đỏ ké dựng ngay ngắn bên cạnh. Bữa ni Ôn mặc nguyên cả bộ quần áo lính, mang đôi giày “sô” đánh xi bóng loáng và gom ống quần hẳn hoi. Trên ngực trái đeo một huy chương và trên hai ve áo gắn hai hột nút đồng tròn vo sáng chói. Chiếc mũ lưỡi tai trệ xuống trán, nhấp nhô theo tiếng thở đều đặn của Ôn. Một hàng nước dãi từ khóe môi chảy dài rồi đọng loang trên ngực áo..

    Tự nhiên, Huê cảm thấy bàng hoàng, thảng thốt liên tưởng tới một vẻ dáng gần gụi thân quen. Thê thảm quá! Buồn tủi quá!

    Vừa lúc đó, Ôn Tất bỗng giật mình, choàng tỉnh. Chiếc mũ lưỡi trai rớt xuống bậc thềm, nằm bất động dưới chân Huê. Nàng cúi xuống, bàn tay run run chạm vào vành mũ cứng, nghe nhói đau một cảm giác khó tả. Vừa gần gụi, tin yêu. Vừa xót xa, chia lìa. Nàng đưa chiếc mũ cho Ôn Tất mà nước mắt chan hòa không giấu được.

    Qua dáng dấp và sắc phục của Ôn, nàng thấy Tịnh… Huê quay người bỏ chạy về nhà, gục đầu trên gối, khóc vùi.

    Những ngày sau đó, Huê như người mất cả hồn vía. O Giếng còn tệ hơn. Khu Xóm yên tỉnh bây giờ lại xao xác, ồn ào cảnh người đi kẻ ở. Gia đình nàng, cuối cùng, cũng chuẩn bị lên đường. Mạ nàng nói:

    – Không thể ở lại được mô! Phải đi thôi. Cậu Tấn có dặn khi mô xe tới đón là đi liền. Cậu nói vô Sàigòn cái đã, rồi tính sau…

    Một ngày sau đó, Cậu nàng cho xe tới đón. Không có Cậu, nhưng có anh tài xế người miền Nam. Giọng anh rổn rảng:

    – Ổng có dặn là phải rước Ông, Bà và gia đình đi ngay cho kịp chuyến bay đêm nay. Ổng dặn thêm là không mang, không xách gì hết, càng gọn càng tốt. Ổng còn dặn…

    Huê thì nước mắt ràn rụa, nàng thấy trong người bải hoải, không còn nghe: “Ông còn dặn…” gì nữa hết. Cả nhà ra xe đậu ngoài đường lớn.

    Ba nàng thầm lặng cúi đầu lầm lũi. Mạ nàng dìu nàng bước từng bước một. Hai đứa em nàng vẫn hồn nhiên cười đùa với mấy đứa con nít bu theo sau…

    Hình ảnh cuối cùng nàng thấy là Ôn Tất vẫn ngồi đó, vẫn với bộ đồ lính. Khi thấy gia đình nàng đi qua, Ôn lấy hơi hô lớn: “Chuẩn bị…Nghiêm.” Rồi Ôn đưa tay chào theo kiểu nhà binh. Đôi mắt Ôn đỏ ngầu nhìn thẳng về phía trước. Miệng Ôn mím lại cố giữ vẻ nghiêm trang trong khi hai hàng ria mép cứ giựt theo tiếng thở gấp.

    Vừa lúc đó, nàng nghe tiếng O Giếng từ phía sau gào lên thảm thiết. Nàng quay lại, thấy O đầu tóc rối bù đang chấp chới hai tay trong không khí: “Anh ơi!..Chị ơi!..Bỏ làng bỏ xóm. Trời ơi!..Huê ơi!..Tịnh ơi!..” Tiếng “Tịnh ơi!” như viên đạn bắn trúng tim Huê, người nàng bỗng nhiên nhẹ hẫng. Hai mắt nàng hoa lên những vòng sáng nhấp nhoáng rồi bỗng thấy tối mù tối mịt. Huê bật người về phía sau, ngất xỉu…

    Tóc mai sợi vắn sợi dài
    Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm…

    Hai câu Thơ đó cứ đeo đuổi Huê trong suốt đoạn đường đời. Thời gian qua mau, tóc mai sợi vắn sợi dài cũng đã bạc màu rồi, còn chi! Hình ảnh của một mùa Xuân rất xa trong đời và khuôn mặt của người tình không làm sao mà phai mờ được trong Huê. Nàng trân trọng và giữ gìn như là một kỷ niệm quí hiếm.

    Những cảnh đời cứ lần lượt đi qua tựa một khúc phim dài quay chậm. Tưởng như còn đâu đây những ngày Xuân lao xao rung động. Hình ảnh người con trai ngày ấy vẫn còn dáng đứng rất mặn nồng trong cuộc sống của nàng. Hai mươi mấy năm rồi, kể từ ngày ấy!

    Chỉ có duy nhất một lần nàng trở lại Xóm cũ. Tất cả đều đã đổi thay và mất dấu. Đến cả những con đường cũng đã thay tên. Ngôi nhà của gia đình nàng đã trở thành trụ sở của Phường, Khóm. Ôn Tất không còn ngồi đó, Ôn mất rồi! Cả Mụ Hựu nữa! Những chén chè của Mụ đã trở thành kỷ niệm ngọt, thanh trên những chặng đường đời có quá nhiều cay đắng. Gia đình O Giếng đã lưu lạc nơi nào không biết nữa!

    Và anh, Tịnh của em! Em đã đi cùng khắp, dọ hỏi nhiều nơi với nỗi lòng nhớ nhung bỏng cháy, nhưng dấu chân anh đã biền biệt tháng, năm dâu bể cuộc đời. Điều duy nhất mà Huê tin tưởng là Tịnh vẫn còn sống trên cõi đời này. Chàng có về lại nơi đây tìm nàng. Có đi qua quán chè Mụ Hựu. Có thơ thẩn trên con đường dẫn đến ngôi chùa cũ và,có đứng chờ nàng ở ngõ rẽ khúc đường xưa…Ai mà có thể ngăn cấm trí tưởng tượng của mình về một người mà mình thương yêu! Chính Huê đã tưởng tượng ra những điều đó để tự đánh lừa lòng mình, khi nghĩ về Tịnh…

    Lần thăm đó và cho cả đến bây giờ thật sự đã trở thành kỷ niệm quý hiếm trong đời. Những năm, tháng sống âm thầm cô đơn trên vùng đất xa lạ này nàng luôn cảm nhận một sự trống vắng lớn lao không chi bù đắp nổi.

    Tịnh ơi! Bao giờ và, biết đến bao giờ em mới lại được gặp anh?

    Trần Huy Sao
    viết dưới hiên trăng


    Nguồn:https://sangtao.org



              
Trả lời

Quay về “của người”