Giai thoại về nhạc phẩm Làng Tôi

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Giai thoại về nhạc phẩm Làng Tôi

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           




    Giai thoại về nhạc phẩm
    Làng Tôi
    ________________________________










    Chung Quân


    Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh
    Có sông sâu lờ lững vờn quanh êm xuôi về Nam …
    Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau
    Bóng tre ru bên mấy hàng cau đồng quê mơ màng!


    Năm ấy, đoàn hát Kim Chung lần đầu tiên có kế hoạch thực hiện bộ phim nhựa có tiếng nói (âm thanh). Để cho bộ phim thêm phần hấp dẫn, trang trọng và gây ấn tượng với công chúng trong buổi chiếu ra mắt, toàn bộ êkíp điều hành, bầu sô, đạo diễn … đồng ý việc tổ chức một cuộc thi sáng tác bài hát làm nền cho phim với giải thưởng lớn cho tác phẩm được chọn. Đây cũng là bộ phim nhựa có âm thanh đầu tiên của ngành điện ảnh Việt Nam vào thời ấy. (1952)

    Cuộc thi được tổ chức rộng rãi trong công chúng, không phân biệt tuổi tác, chuyên nghiệp hay nghiệp dư…đã có nhiều nhạc sĩ tên tuổi cùng một số những người mới thành danh trong làng ca nhạc giải trí thời đó tham gia. Đề tài sáng tác là quê hương và con người Việt Nam.

    Sau nhiều lần chọn lựa rất công bằng và vô tư, ban giám khảo đã mất khá nhiều thời gian bàn bạc, nhận xét rồi cân nhắc để đưa ra một sự chọn lựa chính xác, dù biết đó là một quyết định rất khó khăn. Cuối cùng, Ban tổ chức đã công bố, tác phẩm được chọn để trao giải là bài hát “Làng Tôi” của một tác giả vô danh tiểu tốt, cái tên nghe chừng như rất xa lạ trong làng ca nhạc Việt thời ấy đó chính là nhạc sĩ Chung Quân.

    Bản nhạc Làng Tôi được chọn vì nó mang hơi thở của một vùng quê yên bình, lời lẽ cũng mộc mạc, dung dị thấm đẫm tình cảm của người dân Việt Nam, cho dù năm đó tác giả bài Làng Quê mới chỉ vừa 16 tuổi. Nhạc phẩm Làng Quê và cái tên Chung Quân ra đời từ dạo ấy. Nhờ giai điệu du dương, thắm thiết tình người tình quê của Làng Tôi cứ mãi bay xa mà cái tên nhạc sĩ Chung Quân trở nên nổi tiếng và đi vào lòng người.

    Nhiều nhạc sĩ tên tuổi và giới văn nghệ thời đó có hơi ngỡ ngàng, nhưng mọi người đều công nhận bản nhạc "Làng Tôi" xứng đáng được nhận giải thưởng vinh dự đó.

    Quê tôi chìm chân trời mờ sương
    Quê tôi là bao nguồn yêu thương
    Quê tôi là bao nhớ nhung se buồn
    Là bao vấn vương tâm hồn ... người bốn phương.


    Bản Làng tôi đã giành được giải của công ty điện ảnh, đoàn cải lương Kim Chung ở Hà Nội để làm bản nhạc nền cho phim Kiếp Hoa.




    Hành trình về phương Nam

    Thế rồi, thế sự đổi thay theo mệnh nước nổi trôi. Năm 1954, Chung Quân cùng gia đình di cư vào Nam, định cư ở vùng Khánh Hội. Nhờ đã từng học sư phạm chuyên ngành về nhạc và danh tiếng của Làng Tôi, Chung Quân được Bộ Quốc gia Giáo dục của Đệ Nhất Cộng Hòa ưu đãi, cho dạy môn nhạc tại hai trường trung học Chu Văn An, và Nguyễn Trãi. Thời gian giảng dạy ở trường Nguyễn Trãi, Chung Quân là thầy dạy nhạc của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng sau này như Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Đức Huy, Nam Lộc... Cũng khoảng thời gian 1955 - 1956, ông có soạn bản hợp xướng Sông Bến Hải, theo một vài ý kiến thì đó là một trường ca có giá trị nghệ thuật, viết về cuộc di cư năm 1954, nhưng về sau không thấy phổ biến rộng rãi.

    Trường Nguyễn Trãi năm ấy có cậu học trò nghèo nên buổi trưa thường không về nhà mà nghỉ lại ở trường cùng bữa ăn trưa là gói xôi mà mẹ cậu đã mua cho cậu đem theo từ sáng sớm. Thay vì nghỉ trưa, cậu học trò lại tha thẩn trong trường để rồi lắng nghe được câu chuyện tranh cãi giữa hai người thầy.

    Trong một căn phòng, tiếng của vị giáo sư Hà Đạo Hạnh (cử nhân toán) đang ầm ĩ nói với nhạc sĩ Chung Quân

    • _Trình độ học vấn của anh chỉ đáng là học trò của tôi thôi. Việc anh được dạy chung với những giáo sư như chúng tôi là một vinh dự cho anh, anh có biết điều đó không?

      _Nhưng thưa giáo sư, nếu hỏi công chúng có biết nhạc sĩ Chung Quân là ai không? Thì chắc chắn nhiều người biết đó là tác giả của bản nhạc Làng Tôi. Còn như hỏi họ, có biết giáo sư Hà Đạo Hạnh là ai không? Tôi tin người ta không mấy người biết.

    Câu chuyện đang đến hồi hấp dẫn, và cậu học trò cố áp sát tai để chờ nghe tiếp xem Giáo sư Hà Đạo Hạnh trả lời ra sao, bỗng từ phía sau, một bàn tay lạnh lùng của thầy giám thị véo vào tai cậu học trò kéo đi chỗ khác! Và vì thế mà câu chuyện đành dở dang ở đây.

    Rồi thời gian trôi qua, tưởng mọi chuyện đã rơi vào quên lãng. Nhưng không, nhạc sĩ Chung Quân đã không chịu bỏ qua dễ dàng như vậy, ông nhất định phải đòi lại món nợ danh dự này. Không công danh thà nát vói cỏ cây.

    Nhạc sĩ Chung Quân sau đó đã quyết chí tiếp tục con đường kinh sử, ông ghi danh theo học và hoàn thành tú tài toàn phần, sau đó, ông lại tiếp tục việc học để đạt cho kỳ được mảnh bằng Đại học. Cuối cùng, ông đã tốt nghiệp cử nhân văn chương tại Anh quốc.

    Đã mang tiếng đứng trong trời đất
    Phải có danh gì với núi sông


    Nhớ lại câu chuyện ngày xưa, nhạc sĩ Chung Quân sao chép tất cả văn bằng mà mình có được gửi về cho giáo sư Hà Đạo Hạnh kèm theo lời nhắc nhở rất nhẹ nhàng lịch sự.
    • _Thưa giáo sư Hà Đạo Hạnh, tất cả những gì mà giáo sư làm được thì Chung Quân tôi cũng đã làm được. Còn những gì Chung Quân tôi làm được thì giáo sư đã không làm được.

    Viết tới đây tôi bỗng nhớ tới bài thơ của cụ Nguyễn Công Trứ có đoạn như sau:

    Đã hẳn rằng ai nhục ai vinh
    Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ
    Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ
    Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong
    Chí những toan xẻ núi lấp sông
    Làm lên tiếng phi thường đâu đấy tỏ …

    Nhạc sĩ Chung Quân đã đòi lại món nợ danh dự năm xưa một cách sòng phẳng bằng ý chí và lòng kiên nhẫn của chính ông. Rất lịch sự, tế nhị mà cũng rất quân tử. Không ồn ào, không gióng trống khua chiêng làm người khác phải ngượng ngùng, mất thể diện. Quả thật, chẳng ai biết trước được chuyện gì xảy ra trong cuộc đời.

    Cậu học trò nghe lén câu chuyện ngày xưa sau này cũng theo cái nghề “gõ đầu trẻ”. Ông dạy Trung học đệ nhị cấp (cấp 3) ở miệt dưới tận tỉnh Bạc Liêu. Ngoài công việc dạy học, ông còn làm thêm nghề tay trái là viết báo, viết văn với bút hiệu Thái Phương. Sau biến cố 1975, ông nghỉ dạy và chuyển hẳn sang viết báo. Hiện nay, độc giả biết nhiều đến ông với bút danh nhà văn Đoàn Dự.

    Đã có lần, nhà văn Đoàn Dự gặp lại thầy cũ là giáo sư Hà Đạo Hạnh và ông có hỏi vị giáo sư:

    • _Thưa Thầy, sao ngày đó thầy lại nặng lời với Nhạc sĩ Chung Quân thế ạ!
      _Hồi ấy tôi có hơi nóng nảy nên đã quá lời


    Mọi chuyện rồi cũng qua đi, người xưa giờ cũng đã trở về cùng cát bụi, nhưng câu chuyện thì sẽ còn mãi như một bài học, một tấm gương về cách đối nhân xử thế của người xưa vậy.




    Tác Giả: Phan Văn Thanh
    CHS Văn Đức Lớp 12C
    Niên Khóa 1972 – 1975

    Nguồn: http://truongvanduc.net



              
Last edited by Hoàng Vân on Thứ hai 03/04/17 21:57, edited 1 time in total.
Hình đại diện
NTL
Bài viết: 1323
Ngày tham gia: Chủ nhật 17/05/15 14:20

Re: Giai thoại về nhạc phẩm Làng Tôi

Bài viết bởi NTL »

*
Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh
Có sông sâu lơ lửng vờn quanh..
.
Ông nhạc sĩ ni Nú có gập dzồi heng, nhưng khi ấy nhỏ xíu thành hổng còn nhớ đich xác ông ra sao nữa lận.
Ông là họ hàng xa bên má, so vai vế kêu má bằng cô. Họ hàng dây mơ rễ má anh em cô cậu 1st cousins, kể ra cũng còn gần.
Thời nớ, lúc anh hai bắt đầu ôm đờn khảy lưng tưng thì Nú được nghe chuyện kể về đứa cháu nhạc sĩ của bà.

Thời xa xưa ấy ở ngoài bắc, ra ngoài đô thị là làng thôn, người ta sống quây quần trong thôn làng và thường khi là họ hàng với nhau ráo hết do khuynh hướng dựng vợ gả chồng quanh quẩn trong vùng đậng khỏi... mất con.
Chuyện má kể Nú nghe, nay chữ còn chữ mất. Tên làng thì Nú hổng đich xác đậng nữa, bị vì cái khoảnh đất nớ sao mà nhiều làng quá xá, và làng nào y hình cũng có tiếng có tăm, hổng việc này thì việc kia.

Trước hết là cái tỉnh có tên Nam Định. Tỉnh này là hàng xóm của tỉnh Thái Bình. Rồi chia thành nhiều huyện... Nam Trực, Hải Hậu, Vụ Bàn ect..
Hồi còn theo má đi coi cải lương gánh Kim Chung tiếng chuông dzàng thủ đô của ông Bầu Long trên đường Hồng Thập Tự (gần khúc đổ vào vườn Tao Đàn Bờ rô) thì cách rạp hát hổng xa, có tiệm bán đồ gỗ tên là Vụ Bản, nghe cái biết là dân bắc kỳ di cư nhớ nhung quê cũ.
Cũng cái thời nẳm nằm ấy, hồi phong trào văn nghệ học đường lên cao với báo Tuổi Hoa, rồi nhóm thi văn đoàn nhí của nhà văn Duyên Anh trong báo Chính Luận, có tên gọi Búp Bê, trong đó có một cô với bút hiệu Hải Hậu, nghe cái bảo đảm là con cháu đám Hải hậu vào nam -

Hổng biết sao mà ngoài bắc thời ấy lại có những dòng họ nổi danh văn học, chắc nằm ngay hàm rồng hàm sư tử có lẽ.
Má nói đám nớ có chữ thành chúng chọn giống mà cấy vào nhau, rồi ghép họ thành họ chung chẳng hạn như Đậng-Vũ, Đỗ Hoàng, Dỗ-Trần...v.v
Họ của má là họ tầm thường hổng phong lưu qúi tộc chi dzáo, thành hồi CQ viết ra bài hát "Làng Tôi". cái là... chẳng những nguyên họ mà còn nguyên làng nhẩy lên reo hò tán thưởng.

Vậy rồi cái làng ấy là làng gì thì thiệt Nú ấm ớ, nhớ được y hinh có mỗi chữ Nam, mà hổng biết chữ Nam ni nằm trước hay sau một chữ khác.
Tía có được anh CQ mang tới tặng cho bản nhạc với thủ bút đàng hoàng, nói để má nhớ về quê cũ. Rồi má dạy cho Nú ca có anh hai uýnh gui ta phụ họa - bên ánh đèn dầu tối thui, và muỗi vo ve dưới gầm bàn chờ ... hội yến -

Má nói... ờ cây đa... cái cây đa ấy cao thiệt cao nha, trưa hè cây rợp bóng toả xuống đường làng, là chỗ người ta ngồi nghỉ mệt tán dóc rồi... nên duyên vợ chồng. Thời nớ tuyền đi bộ thôi, xe máy đạp còn hiếm lắm cà, thành ra... các mối duyên ấy cũng quanh quẩn trong vùng chớ hổng ra xa nổi vì... cuốc bộ hổng tới !
Còn "sông sâu lơ lững vờn quanh" là sông gì thì Nú quên mất rồi, chỉ biết con sông này chảy ngay ranh giới hai tỉnh Nam Định và Thái Bình. Từ bờ bên này sang tới bờ bên kia thì... phong tục tôn giáo giọng nói đã khác hẳn.
Làng của má có ngôi chùa nổi tiếng lắm cà, chùa Cổ Lễ - Bà ngoại theo công giáo nên rửa tội cho đám con, chớ toàn gia đình nội ngoại hai bên tất cả đều đạo phật ráo.

Có lần Nú phải về bắc đi công việc, tính về Cổ Lễ ngó ngôi chùa, dòng sông và cây đa làng trước khi "hồi cố quận", nhưng rồi lòng dạ rối bời ấm ách với... chế độ ưu dziệc, thành bỏ luôn ý định. Chừ có các vàng Nú cũng hổng tính tới nữa. Một lần là quá đủ.

Quê hương chừ là xứ lạ, là quê người. Hổng phải Nú nói à nha, nhưng là tía nói.
Tía biểu minh về lại nơi ấy y chang Từ Thức về trần, cảnh cũ không còn mà người cũ cũng hổng còn luôn. Mình ngơ ngác buồn rầu... đứng giữa quê nhà mà hồn thì đã lạc tận đẩu đâu !

Só-di bà con, bữa nay Nú lạc đề quá thể !
Hổm nay mắc coi tây nấu bếp Top Chef 2017.
Một show đáng bát gạo đồng tiền, bỏ xa những food shows khác.
Đúng là đám thực dân, chúng ăn tới nơi và mậc tới chốn.

hello tư... thế Nú với tư có cùng quê không hở ?

*
Make the long story... short !
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Giai thoại về nhạc phẩm Làng Tôi

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • :flwrhrts: .. Cám ơn chị Ngô đã cho thêm chi tiết về "Làng" của Chung Quân .. :allright3: ..


    Tôi đem về sau đây hình bản đồ của "Làng Tôi" và hình của chùa Cổ Lễ. Tôi đoán:

    • quê ngoại của chị là làng Tương Nam,
    • "Làng Tôi" của Chung Quân là làng An Lãng bên dòng Ninh Cơ,
      một nhánh của sông Hồng xuôi Nam đổ về Phát Diệm ..



    "Làng Tôi" xưa




    "Làng Tôi" nay




    chùa Cổ Lễ - chụp từ vệ tinh -




    Đại Phật Đường chùa Cổ Lễ




    .. "Làng Tôi" và miền Bắc ..
              




    :flower:
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Giai thoại về nhạc phẩm Làng Tôi

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Chung Quân - Nguyễn Đức Tiến
    __________________________
    Nguyên Giao




    Vào những năm 1960 – 1962 tại trường trung học Chu Văn An (có biệt danh Chuồng Ngựa do trường Pétrus-Ký cho mượn, gần công trường Cộng Hòa) ở Sài Gòn, tôi đã có may mắn được học nhạc với giáo sư Nguyễn Đức Tiến, tức nhạc sĩ Chung Quân.

    Nhạc sĩ Chung Quân nổi tiếng vì là tác giả bản nhạc ‘Làng Tôi’ đã trúng giải của công ty điện ảnh kiêm tuồng cải lương Kim Chung ở Hà Nội năm 1952, để làm bản nhạc nền cho cuốn phim có tiếng nói đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam. Phim mang tên ‘Kiếp Hoa’.

    Khi thông báo tuyển nhạc được quảng bá, các nhạc sĩ ‘bậc thầy’ nổi tiếng thời đó đua nhau gửi những ‘đứa con tinh thần’ về công ty điện ảnh mong được trúng giải. Nguyễn Đức Tiến – lúc đó 25 tuổi - cũng dự thi với bản Làng Tôi. Không ai có thể nghĩ rằng Chung Quân có thể đánh bại các bậc đàn anh - lúc đó xuất sắc với nhiều sáng tác cho tân nhạc, và không phải là ít - với chỉ một bản nhạc có lẽ là đầu tay! Bản nhạc được chấm nhất vì có tiết điệu êm đềm, bình dị, đặc biệt là rất dễ hát, dễ thuộc, và khi hát lên là người nghe cảm thấy có một cái gì đó thiết tha, trìu mến (Tương tự như bản ‘Lòng Mẹ’ của cố nhạc sĩ Y Vân).

    Làng Tôi lập tức được công bố, xuất bản, thu thanh và xướng lên làm nhạc nền cho phim Kiếp Hoa. Vì là phim có tiếng nói đầu tiên kể từ khi ngành phim ảnh Việt Nam được khai sinh năm 1937, Kiếp Hoa nổi tiếng khiến bản nhạc Làng Tôi và tác giả của nó cũng nổi tiếng theo, hầu như cả nước đều biết.

    Hai năm sau, 1954, Nguyễn Đức Tiến di cư vào Nam, gia đình định cư ở vùng Khánh Hội. Các trường Chu Văn An, Nguyễn Trãi cũng lục tục được di chuyển vào Nam.




    Do danh tiếng của mình từ khi đoạt giải ở Hà Nội, cộng thêm các giấy tờ đã học sư phạm chuyên ngành về Nhạc, nhạc sĩ Chung Quân được Bộ Quốc Gia Giáo Dục của Đệ Nhất Cộng Hòa ưu đãi, cho dạy môn nhạc tại hai trường trung học Chu Văn An, và Nguyễn Trãi, ăn lương theo ngạch giáo sư trung học đệ nhất cấp, tương đối là cao.

    Tôi còn nhớ khoảng năm 1955-56, vào một hôm trời mưa như trút nước, tôi được một người bạn học trường trung học Nguyễn Trãi, có vé mời, rủ đi xem một đại nhạc hội của các học sinh trường này tổ chức tại rạp Thanh Bình. Tiết mục đáng nhớ nhất là hợp xướng ‘Sông Bến Hải’ do nhạc sĩ Chung Quân, đồng thời là giáo sư âm nhạc, sáng tác và tập cho các học sinh của trường. Đây là một trường ca có giá trị nghệ thuật cao, nói về một dòng sông chia đôi đất nước, và tâm trạng phải bỏ ‘quê cha, đất tổ’ của người di cư năm 1954. Hợp xướng này nghe thật hay, và chắc chắn không dễ tập, nhất là với mấy cậu học trò có kiến thức âm nhạc rất ‘căn bản’! Mãi đến sau này, khi được học nhạc với thầy Nguyễn Đức Tiến ở Chu Văn An, tôi mới được biết một, hai ‘bí quyết’ đọc nhạc do thầy dậy cho các học trò. Thật là điều đáng tiếc khi không hiểu vì sao, trường ca Sông Bến Hải sau này không thấy được phổ biến, và giới yêu nhạc chỉ biết nhạc sĩ Chung Quân qua bản Làng Tôi!

    Thầy Tiến dáng dong dỏng cao, hay đeo kính mát gọng vàng, và có thể nói là đẹp trai. Các giáo sư thời ấy đi dạy ăn mặc rất sang trọng. Trời nắng chang chang, đổ mồ hôi, mà cụ hiệu trưởng Trần Văn Việt vẫn luôn luôn mặc com-lê trắng, đeo cravát. Các giáo sư và các vị giám thị - tuy không bằng cụ hiệu trưởng - cũng đeo cravát, mặc áo sơ mi dài tay cài nút măng-sét. Trông các thầy thật ‘oai’! Trong các giáo-sư, người ăn mặc đẹp nhất, sang nhất, và đúng mốt nhất vẫn là thầy Tiến. Đặc biệt, khi đi dạy ở Chu Văn An, người ta đã thấy thầy lượn xe Vespa rất sớm so với các giáo sư khác.

    Vì là giáo sư âm nhạc, thầy Tiến đã phải ‘biểu diễn dẫn giải’ (demo) bằng ca hát cho đám học trò non dại chúng tôi, nên nhờ vậy, chúng tôi đã nhiều lần được nghe thầy hát ‘nhạc sống’ thật … sống động! Mỗi khi thầy cất tiếng hát – chắc
    chắn to hơn khi thầy nói! - cả lớp chúng tôi đều lắng tai nghe và mong thầy hát thật lâu để chúng tôi được thưởng thức. Tôi còn nhớ rõ những lúc thầy trịnh trọng gõ thanh nĩa chuẩn âm (gọi là ‘âm thoa’) bằng kim loại trắng, trước khi say sưa đơn ca bài Hòn Vọng Phu:
    • ‘Nơi phía nam giữa núi mờ
      Ai bế con mãi đứng chờ
      Như nước non xưa đến giờ
      Đường chiều mịt mù,
      Cát bay tỏa bước ngựa phi đường trường
      Nếp tàn y hùng cường
      Vẫn còn bay trong gió
      Bóng chàng xa, sắp dần qua’
      (Lê Thương)

    trước mặt đám học trò ngẩn người, yên lặng lắng nghe - không phải một, mà nguyên cả ba - bài hát đầy những hình ảnh lịch sử này. Không có nhạc đệm mà qua tiếng thầy hát, tôi có thể như hình dung ra các hình ảnh ngựa phi, qua sông vượt núi, và tiếng đao khiên loảng xoảng nơi chiến trường …

    Cho đến giờ này tôi vẫn còn có thể lẩm bẩm được những nốt nhạc của bài dân ca phổ thông của Ý Đại Lợi, có tựa là Santa Lucia, cũng do thầy Chung Quân dạy:
    • ‘Sòn sòn, đố đố si si
      Phà phà, lá lá son son
      Mì lá son son, phà phà
      Pha mi rề lá son’

    Mê nghe, và hát tân nhạc, nhưng tôi rất dốt, và lười về nhạc lý. Nếu không nhờ thầy Tiến chỉ dậy, không biết bao giờ tôi mới biết được sự khác nhau, cũng như cách đánh nhịp
    • 2/4 (“Một xuống, một lên!”),
      3/4 (“Một, hai, ba!” theo ba cạnh của tam giác có một góc vuông),
      và 4/4 (tức C: “Một, hai, ba, bốn!” theo hình số 8 có 4 góc nhọn).

    Vì nhạc lý là môn học khô khan, nhất là phần nhớ các bộ khóa đầu bản nhạc, và làm sao tìm ra giai âm chính của bản nhạc đó, thầy Tiến đã sáng chế ra một bài lục bát thật độc đáo và hữu dụng, vừa đủ và cho đúng 7 nốt nhạc. Đó là:
    • ‘Nhất Sòn, Nhị Rế, Tam La,
      Tứ Mi, Ngũ Sí, Lục Pha, Thất Đồ!’

    Có nghĩa là nếu thấy ở đầu bản nhạc có một dấu thăng, thì bài ấy có âm giai Sol là chính; Nếu có hai dấu thăng thì là âm giai Rê, v.v. Học trò của thầy hơn người một phần là nhờ những ‘bí quyết’ này.

    Chung Quân Nguyễn Đức Tiến có lối tập hợp xướng rất công phu, một phần có lẽ vì thầy ngày trước có học nhạc ở Chủng viện nên đã được huấn luyện chuyên nghiệp về hòa âm, và hợp xướng. Tôi nhớ trong năm học Đệ Ngũ, chúng tôi được thầy tập cho hợp xướng bài ‘Hè Về’ của nhạc sĩ Hùng Lân để trình diễn trong buổi văn nghệ cuối niên học. Thầy tuyển được đâu 40 học sinh có giọng tốt từ trầm đến bổng để hát 4 bè. Thầy cũng tìm được ba giáo sư có giọng, hay giỏi đàn nhạc trong trường, để mỗi thầy làm trưởng một bè. Bốn nhóm bè, lúc tập thì tập riêng, chỉ hát phần bè của mình mà không biết ba nhóm kia hát gì. Sau khi cả bốn nhóm đã nhuần nhuyễn, Ông bầu/Đạo diễn Chung Quân cho ráp lại bốn nhóm hát cùng một chỗ, và chung một lúc: Tất cả 40 học sinh trong đoàn hợp ca không thể nào nghĩ rằng tiếng hát bè ‘thỉnh-thoảng-xen-vào’ của mình lại có thể vừa hay, vừa ‘quan trọng’ được góp tiếng vào một ban hợp xướng bốn bè, nghe có vẻ nghệ thuật không khác gì các ban hợp xướng chuyên nghiệp của Sài Gòn Hoa Lệ. Có mấy ai đi học miễn phí mà lại may mắn được đi nghe và được dạy các kỹ thuật của âm nhạc thuộc loại thính phòng, có tiêu chuẩn quốc tế như tụi tôi?

    Thầy Tiến viết chữ trên bảng rất đẹp. Nhiều khi hết giờ của thầy, học trò chúng tôi không nỡ xóa đi lời các bản nhạc thầy đã viết trên bảng. Chưa kể thầy còn có tài ‘vung’ phấn trên bảng đen, chỉ với một nét, thầy đã tạo được cả năm dòng kẻ nhạc, và khóa Son cùng một lúc từ đầu bên kia bảng, sang bên này bảng, thẳng tắp, và đều đặn tưởng như có dùng thước hay máy vẽ! Có lần chúng tôi hỏi, thầy trả lời nho nhỏ như không có gì đáng để ý,
    • “Làm nhiều thì quen tay; Vậy thôi!”

    Tính thầy hòa nhã nhưng rất nghiêm. Chỉ nói nhỏ nhẹ khi thật cần thiết, mực thước và nghiêm. Học với thầy hai, ba năm mà chưa bao giờ tôi thấy thầy la mắng một đứa học trò nào, và ít khi thấy thầy cười thành tiếng. Tuy say sưa dạy nhạc nhưng hình như thầy không biết tên chúng tôi: Tôi chưa bao giờ thấy thầy có nhớ, và gọi tên bất cứ một học sinh nào - trừ khi có sổ điểm trước mặt! Có thể vì thày dạy quá nhiều lớp, hay trí nhớ của thầy đã đầy những dữ kiện khác cần, và đáng nhớ hơn. Giữa thầy và trò, chúng tôi vẫn cảm thấy có một bức tường ngăn cách nào đó!

    Thế mà chúng tôi vẫn mến phục thầy dù rằng ở ban B (tức là Ban Toán), nhạc chỉ là môn học phụ, có hệ số điểm thấp nhất là 1, mỗi tuần chỉ học có một giờ (giống như Vẽ, Sử, Địa, Thể Dục, Hán, v.v.). Bù lại, khác với các giáo sư các môn khác, lớp của tôi được học thầy Tiến suốt 4 năm liền của Trung Học Đệ Nhất Cấp.





    Dữ kiện, cũng như tin tức về thầy Chung Quân rất khó tìm, vì thầy sống rất bặt thiệp. Ba nguồn tin tức liệt kê theo sau mới chỉ được tình cờ thu thập mới đây, xét ra khả tín, giúp cải chính những tin đồn không đúng sự thật, vì rất nhiều cựu học sinh của thầy muốn tìm, biết về thầy.

    1. Theo con trai của thầy (anh N. V. - hiện sinh sống ở Hoa Kỳ):
      • “Ông cụ thân sinh chúng tôi sinh năm 1927, và mất ngày 15 tháng 1 năm 1990; Hưởng thọ 63 tuổi.
      • Ông đã xuất ngoại, đi tu nghiệp tại Đại học Michigan State University (MSU) – Tiểu bang Michigan, từ năm 1967.
      • Đến 1971 thì ông về nước với bằng Danh dự Tiến sĩ ngành Địa lý.
      • Khi trở về nước, ông đã ra Đại Học Huế để có thể sử dụng được sở học của mình.
      • Sau 1975, khi không còn được trọng dụng trong ngành giảng dạy tại Huế, ông đã trở về hưu trí non tại Sai gòn, được vài năm thì thất lộc vì bệnh tai biến mạch máu não.”
    2. Theo một sinh viên (anh P.C.) trẻ tuổi hơn, đã có học cùng trường MSU với thầy:
      • “Nhạc sĩ Chung Quân được bộ Giáo Dục cử đi học về Địa Lý (Geography) tại Michigan State University.
      • Anh ấy ở ‘off campus’ , trong một phòng nhỏ của một building ở đường Grand Rapid, đối diện với MSU Campus, vì không muốn sống sô bồ với sinh viên trong các halls ở Campus. Ngày ngày đi bộ vào trường, sống ẩn dật với cây đàn guitar.
      • Anh ấy đánh guitar rất ngọt. Khi các sinh viên tụ họp nấu nướng thì anh ấy cũng tham dự. Đôi khi vác đàn đến đánh cho mọi người hát.
      • Đôi lúc ngồi coi tử vi cho những sinh viên. Nghe nói tài bấm tử vi của anh rất là chính xác.
      • Anh Chung Quân viết chữ rất đẹp. Cứ tưởng tượng sinh viên thời đó viết luận án (computer chưa thông dụng vào thời đó) thì dùng bàn đánh máy (typewriter), anh Chung Quân thì viết bản nháp luận án bằng tay, nắn nót từng trang, từng chữ, rất là đẹp.
      • Anh ấy về tỉnh Kalamazoo ở Michigan (trường Western Michigan University ở đó) làm khảo cứu cho luận án Tiến Sĩ về Immigration – ‘Sự thích nghi của di dân với đời sống Mỹ’, v.v.
      • Sau khi trình luận án Ph.D. năm 1973 thì anh Chung Quân về nước; Nghe nói làm ở Nha Địa Dư Đà Lạt.“
    3. Một anh bạn đàn anh (T. X. D. - của tôi, thân từ hồi còn du học ở Tân Tây Lan) email từ bên Úc cho biết:
      • “Tôi có dạy học cùng với anh Tiến ở Đại Học Huế. Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ ở ngoại quốc về, anh Tiến đã trở thành giáo sư Ban Văn Khoa ở đại học này từ năm 1971 đến 1976.
      • Anh Tiến là một người thông thái, nhân hậu, trọng nguyên tắc, và có tư cách. Tôi đã nhiều lần cảm phục chứng kiến anh ấy can đảm công khai phê phán những sai trái, và lố bịch của các cán bộ cộng sản trong trường, nên đã bị cho bãi nhiệm khỏi ban giáo sư của Ban Văn khoa - Đại Học Huế.
      • Anh Tiến đã mất tại Sài Gòn sau khi bị đứt gân máu trên đầu - trong lúc đang đánh cờ tướng với người em rể - khiến anh bị mê man, và bất tỉnh (coma). Tôi có lại thăm anh trên giường bệnh trong bệnh viện, nhưng chỉ có nhà tôi đến đám táng của anh (vì lúc đó tôi đang vượt biên).”



    Ngỡ ngàng, tôi chẳng biết làm gì, đâm ra thành ‘Giận cá, chém thớt’: Qua đời lúc 63 tuổi thì không biết trong cáo phó, tang gia đã thông báo như thế nào: ‘Hưởng Dương’ hay ‘Hưởng Thọ’?





    Tôi viết bài này để ghi lại những kỷ niệm đẹp chúng tôi - đám học sinh ở trường trung học Chu Văn An những năm 1960 – 1962 ở Sài Gòn - đã được may mắn có chung với thầy:




    Chung Quân Nguyễn Đức Tiến
    Một nhạc sĩ tài hoa, đa năng
    đồng thời
    Một vị giáo sư yêu nghề & tận tụy với học trò


    Dù thế nào, làm sao quên đuợc thầy Chung Quân Nguyễn Đức Tiến, nhất là khi tình cờ nghe tiếng ai hát bài Làng Tôi trên xứ người. Bài hát ấy tính ra đã (2007 – 1952 =) 55 tuổi, rồi sẽ thọ hơn người đã sáng tạo ra nó …





    Nguyên Giao
    San Diego, Hoa Kỳ - 26.11.2007



              
Trả lời

Quay về “câu chuyện âm nhạc”