Ludwig van Beethoven, biểu tượng văn hóa rock

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20039
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Ludwig van Beethoven, biểu tượng văn hóa rock

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Ludwig van Beethoven,
    biểu tượng văn hóa rock

    _________________________________
    Hoài Dịu - 05.11.2016





    Chân dung Ludwig van Beethoven
    họa sĩ Joseph Karl Stieler, 1820.


    Ludwig van Beethoven, “người hùng” của nhạc rock đến từ thế giới âm nhạc cổ điển, là chủ đề xuyên suốt cuộc triển lãm tại Philharmonie de Paris kéo dài tới ngày 29/01/2017. Sự kiện này mang lại góc nhìn mới mẻ về đại diện cuối cùng của trường phái nhạc cổ điển Vienna, nhà soạn nhạc người Đức, Ludwig van Beethoven.



    Xấu xí, lập dị và phi thường

    Beethoven vốn là một người đàn ông xấu xí, xuềnh xoàng, vụng về và rất ngạo đời. Hơn nữa ông lại khó tính, thậm chí khắc nghiệt, một phần do bị bệnh tật hành hạ. Có lần, trong lúc giận dữ, ông đã ném cả đồ ăn còn nóng vào người phục vụ, vứt xuống đất một ngọn đèn cầy đang để trên đàn piano trong buổi diễn tấu mà ông không mấy vừa lòng. Khí chất nóng nảy đó, có thể một phần đã làm chồn chân những bóng hồng, có ý định đến bên đời người nhạc sĩ lập dị này.

    • “Ông ấy thấp bé, có khuôn mặt rỗ (…), những lọn tóc đen dài hất ngược ra sau, áo quần thì rách rưới, ông ta có dáng vẻ đến là luộm thuộm”.
    Đó là những lời mà một người bạn của Beethoven, Bettina Brentano, đã nói về ông, đồng thời cũng thú nhận đã bị thôi miên khi người nhạc sĩ ấy đặt tay lên phím đàn :
    • “Cơ mặt của ông ấy nở căng ra” và
      “ánh nhìn hoang dại dữ dội”.
    Ẩn hiện trong lớp lớp âm thanh tựa thác đổ, phát ra từ những phím đàn dương cầm ấy, Beethoven như một nhà ảo thuật dị thường, ghê gớm, tuy nhiên lại là niềm vui ngọt ngào cho những ai muốn thưởng thức nó.

    Năm Ludwig van Beethoven tròn 25 tuổi, tại buổi ra mắt độc tấu dương cầm đầu tiên, ông phải trình tấu một trong những tác phẩm của mình, đó là bản Concerto số 2 cho đàn piano. Hai ngày trước buổi diễn, tác phẩm vẫn chưa viết xong. Beethoven đổ bệnh. Một người bạn đã cấp thuốc để ông tiếp tục sáng tác. Những người thợ chép nhạc (là người copy lại bản nhạc thành nhiều bản khác cho những nhạc công chơi trong dàn nhạc) thì đợi ông đưa cho từng tờ bản thảo ngay ngoài cửa phòng ngủ.

    Dường như Beethoven luôn luôn làm việc cho tới giờ phút chót. Vào hôm mà ông sẽ giới thiệu bản thanh xướng kịch Le Christ au mont des Oliviers, bạn ông nhìn thấy Beethoven vẫn ở trên giường, mải mê viết phần còn lại cho kèn trombone. Vì vậy, tám giờ sáng ngày hôm đó, những nhạc công trombone mới chỉ có thể bắt đầu luyện tập, trên chính bản thảo vẫn còn chưa ráo mực của Beethoven.




    Giá trị thời đại và biểu tượng của rock

    Ngày nay, cái bóng “khổng lồ” Ludwig van Beethoven vẫn tiếp tục đổ dài trên mọi loại hình, mọi khuynh hướng nghệ thuật, từ cổ điển bác học đến jazz, pop, rock hay sân khấu múa, xiếc, điện ảnh và quảng cáo. Huyền thoại Beethoven cũng như những đứa con tinh thần vô giá của ông đã vượt qua những ranh giới về văn hóa, địa lý, trở thành một truyền thống và biểu tượng về tính thời đại, không ngừng vận động và đổi mới.

    Ngôn ngữ nghệ thuật của Beethoven mang tính cách tân vô cùng táo bạo. Ông đã phá vỡ những quy tắc cổ điển, mở ra một lối đi khác biệt và hơi thở tươi mới cho hậu thế.
    • Chính ông là người đầu tiên sáng tạo ra những nhạc tố chủ đạo (leitmotif), điển hình bản giao hưởng số 5 Định Mệnh ;
    • người đầu tiên đặt tiêu đề cho tác phẩm như Sonate Ánh Trăng dành cho đàn piano,
    • giao hưởng số 3 Anh Hùng…
    • Ông còn là người đầu tiên đưa hợp xướng vào giao hưởng, đó là bản giao hưởng số 9.


    Trở lại với góc nhìn khá lạ về nhà soạn nhạc kiệt xuất này, trong cuộc triển lãm tại Philharmonie de Paris, âm nhạc của Beethoven, cho tới ngày nay, đang và tiếp tục thâm nhập sâu rộng vào nền văn hóa pop rock. Khó có thể tin rằng, Beethoven được xem là một ngôi sao nhạc rock đến từ quá khứ.

    Tư tưởng xuyên suốt trong những sáng tác của ông, là
    • chủ nghĩa anh hùng,
      đấu tranh cho tự do dân tộc, tự do cá nhân và tự do nghệ thuật.
    Tính chất thời đại cũng như bản chất cách tân ấy đã khiến ông trở nên bất tử, âm nhạc của ông trở thành tiếng nói thời cuộc, có mặt khắp nơi đặc biệt trở thành nguồn sáng tạo bất tận cho những thế hệ nghệ sĩ đương đại, trong đó có nhạc rock.

    Một trong những mối liên hệ khác nữa giữa âm nhạc của Beethoven và nền nghệ thuật đại chúng, cụ thể là rock hay rock metal, đó là kỹ năng trình tấu kiệt xuất và sự biểu đạt cảm xúc tột đỉnh. Họ đã tìm thấy tri kỉ qua những lớp hợp âm ào ạt mạnh mẽ, nhịp điệu đầy thách thức trên những đường nét giai điệu, rượt đuổi nhau không hồi kết.

    Trong phiên bản rock, chương cuối của bản Sonate Ánh Trăng do Dr Viossy trình bày, Beethoven ở đây đã thực sự hóa thân vào cơn lốc xoáy của rock, để lại ấn tượng khá mạnh về một điều gì đó không thể gọi tên, ở một thế giới khác siêu nhiên và vô thực.

    Beethoven còn là nhà ứng tấu kỳ tài, điều mà người ta lấy làm tiêu chí xếp hạng, cho tài năng của những nghệ sĩ trong nhạc cổ điển bác học cũng như trong nhạc rock và jazz. Czerny từng nhận xét về Beethoven như sau :
    • “Sự ứng tác của ông ấy không thể nào có thể sáng chói và kinh ngạc hơn
      (…) Ấn tượng thường xuyên mà ông truyền đến thính giả là những đôi mắt đẫm lệ, nhiều người còn òa khóc nức nở. Trong sự biểu cảm của ông, có điều gì đó thật tuyệt vời, là vẻ đẹp, là sự đặc sắc về ý tưởng và cách đưa đường, dẫn lối thật khéo léo mà ông đã đem lại”.


    Không ngừng đấu tranh và vượt qua những thử thách đầy cay đắng của số phận cùng bệnh điếc đáng nguyền rủa, con người cũng như âm nhạc của Ludwig van Beethoven muôn đời là biểu tượng của chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa anh hùng và sự lạc quan về số phận.

    Hiện thân dưới nhiều loại hình nghệ thuật phong phú, ông đã gửi đến hậu thế ngày nay một cách nhìn về xã hội, một cách biểu hiện chung trong âm nhạc đại chúng cũng như nhạc bác học, rộng hơn nữa là trong chính trị và nghệ thuật. Sức mạnh Ludwig van Beethoven chính là dòng chảy hùng tráng nhất của nền nghệ thuật hiện đại.




    [youtube][/youtube]
    Ludwig van Beethoven - Moonlight Sonata
    - 3rd Movement for electric guitar - Dr.Viossy

Trả lời

Quay về “câu chuyện âm nhạc”