Một Tiếng Nói Và Vài Giọng Nói

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Một Tiếng Nói Và Vài Giọng Nói

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Một Tiếng Nói Và Vài Giọng Nói




    Lời Tòa Soạn Chương trình tiếng Việt của đài BBC bắt đầu phát thanh từ Luân Đôn nước Anh từ đầu năm 1952, và từ đó đã trở thành thân thuộc với thính giả Việt Nam suốt nhiều thập niên.



    Ngồi, từ trái: Hữu Đại, Xuân Kỳ. Đứng: Trần Minh



    Trong năm 2018 hai trong số những người đầu tiên làm việc trong ban Việt ngữ BBC là Xuân Kỳ và Trần Minh đã qua đời tại nước Anh. Để tưởng niệm hai ký giả này, mời quý độc giả theo dõi bài sau đây của tác giả Nguyễn Phúc, viết về hai người bạn vừa ra đi và những kỷ niệm trong thời gian ông làm việc tại đài phát thanh nổi tiếng này.

    “Đây là đài BBC Luân Đôn. Kính chào quí vị thính giả…”

    Câu nói này đã được loan đi lần đầu tiên vào lúc 11g30 (19g30 giờ Sài Gòn) ngày 06 tháng 01 năm 1952. Người đọc câu nói ấy là anh Xuân Kỳ và người ngồi đối diện anh Xuân Kỳ cũng trong buổi phát thanh đầu tiên ấy là anh Hữu Đại, trên bàn là một cái micro có ghi ba chữ BBC (xin xem hình).

    Từ ngày tạm cho là lịch sử ấy, tiếng nói của Anh quốc hướng về Việt Nam tức là chương trình Việt Ngữ của đài BBC, đã trở thành một món ăn thường nhật không thể thiếu đối với những ai – tôi muốn nói người Việt cả dân sự lẫn quân nhân mọi cấp – hằng quan tâm đến tình hình chính trị và quân sự ở Việt Nam, Cam-Pu-Chia và Lào trước tháng 4 năm 1975.

    Trước ngày Sài Gòn đổi chủ, ở ngoài Bắc số người có máy thu thanh – ngoài ấy gọi là đài – hẳn có thể đếm trên bàn tay. Mà cho là có máy đi nữa, muốn nghe đài ngoại quốc, không tránh được cái cảnh mắt trước mắt sau. Chuyện dễ hiểu: người có quyền nghe mà không sợ bị bắt bớ, tra hỏi, ai dại gì mà xách cái máy trong tay, ngồi khểnh trước thềm nhà, vặn to cho mọi người nghe. Còn số kia, nghe đấy, nhưng mà phải lấm la lấm lét kê sát tai vào máy. Tôi viết điều trên theo lời thuật lại của người bạn học cũ, kẹt ngoài Bắc từ 1954, mà tôi đã liên lạc được sau ngày mệnh danh là “giải phóng.” Thế nào gọi là một xã hội bưng bít!

    Còn ở trong Nam, ngay từ những năm 1947-48. Ai muốn sắm máy gì thì sắm, ai muốn mua ra-đi-ô nào thì mua, Sony, Phillip, Grundig… tha hồ, tùy túi tiền thôi và dĩ nhiên có máy rồi thì muốn bắt, muốn nghe đài nào cũng đươc. Thời Việt Nam Cọng Hòa chưa từng nghe hoặc thấy cái chuyện một người nào đó ở trong nước bị đem ra làm tội vì nghe đài ngoại quốc. Tình trạng này tồn tại cho đến ngày 30.4.1975.

    Trước khi nói tiếp về đài BBC và hai nhân viên đầu tiên trong ban Việt Ngữ là Xuân Kỳ và Hữu Đại, xin nhìn qua những nguồn tin truyền thanh – có nghĩa là không kể báo chí và truyền hình – của người Việt trong nước.

    Trước hiệp định Genève, có đài phát thanh Pháp-Á ở Sài Gòn (sau này là đài phát thanh Quốc Gia), đài Hà Nội và đài Huế. Cũng có một nguồn thông tin từ nước ngoài bằng tiếng Việt, thu thanh trước và được đài Pháp-Á phát lại, mỗi tuần một lần, 30 phút vào ngày Chủ Nhật nếu tôi không nhớ sai. Chương trình này có một câu dẫn thật là lãng mạn, tình tứ: “Muôn dặm xa xôi, quan san cách trở, tưởng nhớ đến quê hương cho nên anh em chị em chúng tôi mượn nghệ thuật âm thanh để bắc cầu liên lạc với tổ quốc….” và tiếp theo đó là một đoạn nhạc ngắn cũng trữ tình không kém, khác với khúc quân hành Wellington (Wellington March) mạnh mẽ, được dùng làm đài hiệu của chương trình Việt ngữ đài BBC.

    Tóm lại chương trình tiếng Việt ấy, do một nhóm người Việt sống ở bên Pháp lúc bấy giờ thực hiện, không phải là một đài phát thanh, dù nó có giá trị truyền thông của nó: mở một mối dây liên lạc với đồng bào trong nước và một phần nào, cho biết dăm khía cạnh sinh hoạt của người Việt sống ở Paris. Ở miền Nam, số đông đón nghe vì tò mò về nước Pháp, về đời sống của đồng bào bên Pháp. Chương trình truyền thanh này không có phần tin tức.

    Thành thử, lúc chương trình Việt Ngữ của đài BBC ra đời vào đầu năm 1952, nó đáp ứng ngay được một nhu cầu khẩn thiết:

    một nguồn thông tin từ nước ngoài, bổ túc cho các nguồn tin – đài phát thanh, báo chí – trong nước, giữa lúc tình hình chiến sự Đông Dương ngày một sôi động, dần dà dẫn đến hiệp định Genève năm 1954 chia đôi đất nước như chúng ta đã biết.

    Kẻ tí toáy những hàng chữ này nghe nói về đài BBC lần đầu tiên vào mùa Đông năm1952. Lúc bấy giờ tôi là một học sinh trung học về nghỉ lễ Giáng Sinh ở Ban Mê Thuột, lúc ấy còn là một tỉnh lỵ nhỏ lèo tèo mấy căn phố, một hai quán quà sáng, quà chiều hai bên chợ. Một chiều, đi ngang qua một hiệu tạp hóa, nghe từ một cái “ra-đi-ô” kê sát tường bên trong: “… chương trình chúng tôi hôm nay đến đây đã mãn….xin hẹn quí vị …. ”

    Hỏi chủ hiệu. Được trả lời:

    -“Đài BBC đó, tin tức lẹ lắm!”

    Riêng tôi, cũng như nhiều bạn cùng trang lứa, có biết dăm điều về nước Pháp, người Pháp. Còn hiểu biết về Anh quốc kể như là một con số không to tướng, dù rằng dạo ấy, ngay cả báo chí trong nước cũng có nói nhiều về việc hoàng gia Anh ráo riết chuẩn bị lễ đăng quang của công chúa Elisabeth (tức nữ hoàng Elisabeth II hiện vẫn trị vì.) Cho nên, tôi vô cùng ngạc nhiên khi được biết có cả một chương trình phát thanh bằng tiếng Việt được loan đi từ Luân Đôn. Vội hỏi rồi ghi mấy luồng sóng ngắn và giờ phát thanh (lúc bấy giờ chỉ có 15 phút mỗi ngày vào 7g30 tối).

    Hôm sau, bật máy ở nhà lên tìm nghe. Rồi sau đó nữa khám phá ra là số người đón nghe BBC đều đều ở cái tỉnh lỵ con con ấy của vùng cao nguyên đất đỏ ấy không phải là ít. Đài được cho là tin tức luôn nhanh chóng và bình luận có công tâm, không bao giờ có cái giọng gay gắt. Đa số thính giả lúc đầu đến với BBC vì tò mò. Dần dà… ghiền. Thành thử, về sau này những lúc có biến chuyển lớn, biến cố quan trọng như hiệp định Genève, hội nghị Genève về vấn đề Lào, đảo chính 1 tháng 11 năm 1963, cơn hấp hối tức tưởi của Việt Nam Cọng Hòa suốt tháng Tư 1975, làm gì thì làm, đi đâu thì đi, nhiều người nhất định về nhà cho kịp nghe buổi phát thanh tối.



    Ngồi, từ trái : Xuyến Như, Hữu Đại – Đứng, từ trái : Trần Minh, Xuân Kỳ, Nguyễn Phúc



    Từ cái uy tín của đài đến cảm tình dành cho nhân viên trong ban biên tập con đường cũng không xa lắm. Trước 75, tại Sài Gòn, Vientiane, Phnom Penh và nhiều nơi khác có người Việt sinh sống mà tôi đã có dịp đi qua ở Đông Nam Á, có nhiều bạn thính giả, sau khi biết rằng tôi là bạn của các anh chị trong đài, đã hỏi thăm như người ta thăm hỏi chỗ thân tình, bạn bè quen thuộc. Đại loại:

    “…Anh Xuân Kỳ còn làm việc hay không?…anh Hữu Đại còn giữ mục trả lời thư thính giả không?….giọng cô Xuyến Như thật là truyền cảm ….còn anh Phi Bằng nữa, đâu rồi?…. mà Lá Thư Luân Đôn hàng tuần của Ngọc Phách cũng hay lắm…. tôi vẫn đón nghe mấy bài tường thuật của Đỗ Văn….”

    Những câu nói, câu hỏi của thính giả, ở vào nhiều thời điểm khác nhau trong vòng 50 năm qua, tính từ lúc tôi rời Luân Đôn cho đến nay, nhưng tất cả đều có cái giọng ân cần đầy nhiệt tình khiến tôi cảm động. Không khỏi không nhớ đến thời gian sáu bảy năm ròng rã cọng sự với nhau, khi ung dung, khi vội vã, lúc thong thả, lúc gấp rút… tình bạn với tất cả mọi người, kể cả các chị Lan Anh, Minh Khuê, các anh Quốc Hưng, Thiều Quang không một mảy may sứt mẻ. Quả là vui và quí.

    Tôi có ít kỷ niệm với anh Trần Minh vì chỉ cộng sự với anh trong một thời gian tương đối ngắn, so với những năm tháng làm việc chung với hai anh Xuân Kỳ và Hữu Đại. Anh Trần Minh hiền lành, điềm đạm, ít nói. Khoảng năm 1978, tôi có gặp lại anh ở Los Angeles khi anh qua du lịch Mỹ từ Luân Đôn. Gặp trong tiệm phở Đông Phương đường Beverly, chưa kịp hàn huyên cho đã, thì bạn cùng đi với anh đã kéo anh đi vì có hẹn. Anh là người thứ ba được tuyển vào ban Việt Ngữ sau anh Xuân Kỳ và Hữu Đại. Tự bấy, mất hẳn liên lạc tuy biết anh vẫn sống ở Tây Ban Nha, sau về lại Luân Đôn.

    Còn riêng anh Xuân Kỳ thì nhiều chuyện vui chung với nhau lắm. Nội một cái thú, cái “bệnh” nghiện tẩu thuốc mà chúng tôi cùng chia sẻ với nhau cũng đủ là đề tài cho chúng tôi nói chuyện hàng giờ! Cách đây cũng đã ngoài 30 năm, khi anh sang Mỹ, gặp nhau lại, thấy trong tay tôi vẫn còn cầm cái tẩu, anh vờ cau mày:

    – “Chưa bỏ à ?”

    Cho đến năm 2015, nhân tạt qua Luân Đôn trên đường sang châu Âu, tôi có ghé thăm anh và lại được anh nhắc lại câu hỏi ấy, rồi ân cần dặn dò:

    – “Bỏ đi thì vừa.”


    Tôi khoe với anh là bỏ được rồi mà cũng phải vất vả lắm. Anh ‘bình luận’:

    – “Chuyện! nghiện bất cứ thứ mà phải cai thì có bao giờ dễ đâu.”

    Đó là mẩu chuyện cuối cùng giữa anh Xuân Kỳ và tôi.

    Anh Xuân Kỳ thông minh, vui tính, thích thơ Nguyễn Bính, Hoàng Cầm. Có hai câu của Hoàng Cầm, hình như trong vở kịch Kiều Loan Người Con Gái Điên, mà anh vẫn hay đọc nên tôi nghe nhiều lần rồi cũng nhớ luôn:

    • …Thời buổi này thiên hạ hết thương nhau
      Ai hoài hơi nghe kể chuyện u sầu….
    .

    Căn bản tiếng Anh của anh Xuân Kỳ đã vững lại còn có thêm cái vốn chữ Hán nữa nên bài vở anh có một đặc điểm là từ Hán Việt được sử dụng rất chỉnh, mà đọc lên không ai biết rằng đó là bài dịch ra từ nguyên bản tiếng Anh.

    Một đài phát thanh có phần tin tức, bình luận thời cuộc, phóng sự về sinh hoạt văn hóa, xã hội v.v… cũng là một cơ quan ngôn luận như một nhật báo và tuần báo. Nó là một Tiếng Nói, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Buổi phát thanh hàng ngày của ban Việt Ngữ đài BBC, tức là Tiếng Nói hiểu theo nghĩa đen, nay không còn nữa, tuy Tiếng Nói, nghĩa bóng, của Anh quốc dành cho người Việt ở trong và ngoài nước vẫn tồn tại trên internet.

    Nhưng mà giọng nói của hai anh Xuân Kỳ và Trần Minh nay đã tắt hẳn. Tôi đã nghĩ như vậy khi nhận được điện thư của anh Hữu Đại, điện thoại của chị Xuyến Như và anh Đỗ Văn cho biết hai nhân viên kỳ cựu này của Ban Viêt Ngữ đã ra đi. Anh Xuân Kỳ mất vào ngày 8 tháng 6 năm nay và anh Trần Minh, mấy hôm trước đó. Cả hai anh đều được trường thọ trên 90.

    Viết đến đây, tôi còn nghe văng vẳng tiếng lách cách đều đặn vội vã của mấy cái máy đánh chữ (thời ấy chưa có computer) của anh em chúng tôi trước giờ phát thanh. Vì tin tức bao giờ cũng là tin mới nhất của phòng soạn tin trao cho chúng tôi dịch. Không làm gì có cái chuyện dịch trước! Tôi còn thấy được vẻ chăm chú, tập trung ý nghĩ của từng người, mắt dán vào trang giấy, vào bàn chữ. Vào giờ dịch tin, không ai bảo ai mà mọi ngươi không đùa giỡn, kể như im lặng tuyệt đối tránh cho kẻ khác bị phân trí.

    Giờ ăn cơm trưa trưa chúng tôi luôn ngồi chung một bàn, trừ những hôm không còn bàn trống trong cantine. Đặc biệt là đến giờ uống trà chiều mà cả thế giới đều biết là tea-time nổi tiếng của người Anh, chúng tôi cũng luôn ngồi chung. Thành thử… bao nhiêu là câu chuyện trao đổi, bao nhiêu là kỷ niệm.

    Khi có ý định nhắc đến sự ra đi của hai anh Xuân Kỳ và Trần Minh, tôi mong rằng đây không chỉ là một lời báo tin buồn… suông . Tôi còn mong rằng thính giả trung thành của đài tự buổi đầu, dù nay chắc không còn là bao, vẫn chưa quên giọng nói chững chạc rất tự nhiên, không bao giờ vấp, của anh Xuân Kỳ, cũng như lối đọc thoạt nghe thì đơn điệu nhưng đó là cái đơn điệu chuyên nghiệp và già dặn của anh Trần Minh. Mong bạn thính giả không quên phong cách của hai anh. Mong lắm thay.

    Nhưng mà… thôi, Anh Kỳ và anh Minh ơi… See you later.

    Nguyễn Phúc
    California, 6/18



    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “chứng nhân Việt”