Thiên Tân còn tai họa - Abe lỡ dịp - Giữa lợi nhuận và thiêng liêng

Trả lời
Hình đại diện
Quy Nam
Bài viết: 824
Ngày tham gia: Thứ năm 21/05/15 18:52

Thiên Tân còn tai họa - Abe lỡ dịp - Giữa lợi nhuận và thiêng liêng

Bài viết bởi Quy Nam »

  • Trung Quốc : Thiên Tân sẽ còn bị thêm tai họa ?
    ________________________________________________________
    Mai Vân - 17-08-2015



    Hình ảnh
    Thủ tướng Trung Quốc tới nhà máy Thiên Tân - Reuters





    Vụ nổ ở Thiên Tân vẫn là sự kiện lớn mà các báo Pháp hôm nay, 17/08/2014 đều tiếp tục theo dõi. Le Figaro cũng như La Croix vẫn nêu bật vấn đề bịt tin từ phía chính quyền Trung Quốc. Riêng Libération tỏ ý lo ngại : « Thiên Tân, một thảm họa có thể che khuất một thảm họa khác ».

    Bên cạnh chủ đề nổi bật đó, những cạm bẫy chờ đợi chính phủ Pháp sau hè, Brazil đòi tổng thống từ chức, tình hình lạc quan đối với Hy Lạp, Airbus giành được hợp đồng kỷ lục..., là những đề tài thời sự khác có thể bắt gặp trên trang nhất các báo đầu tuần này.

    Về thảm họa Thiên Tân, báo Libération nhận thấy là hỏa hoạn vẫn tiếp tục tại hải cảng lớn này của Trung Quốc, và chất cyanure trữ tại đây có nguy cơ nhả ra khí độc hydrogene cyanure gây nghẹt thở, lan tỏa và tác hại đến cả vùng.




    Tai họa đến từ trời mưa !

    Báo Les Echos trích dẫn các chuyên gia e ngại một vấn đề khác, đó là trời mưa.

    Tờ báo nhắc lại phương thức tuyên truyền trấn an của chính quyền : Chính Thủ tướng Lý Khắc Cường đến tận nơi xem xét tình hình, ông mặc sơ mi trắng không mang khẩu trang, những người đi cùng với ông cũng vậy. Có lẽ đó là để trấn an dân chúng, nhưng có điều Thủ tướng Trung Quốc đã yêu cầu theo dõi phân tích chất lượng không khí 24g/24g, và thông tin cho người dân tránh tin đồn gây hại.

    Les Echos nhận thấy quả là tình hình khẩn cấp đấy vì trong những ngày qua thời tiết tốt, nhưng dự báo có mưa trong tuần. Người ta không biết hết các loại hóa chất nguy hiểm tồn trữ tại đây, nhưng biết là có hai chất disisocyanure và carbure de calcium - đất đèn hay khí đá - gặp nước là phát nổ.

    Cho nên người ta chờ đợi sẽ có những vụ nổ khác tại địa điểm và mây độc hại lan tỏa.




    Lý Khắc Cường đến tận Thiên Tân chỉ huy chiến dịch kiểm duyệt

    Le Figaro ở trang quốc tế chạy một tựa hình tượng : " Kiểm duyệt ‘đổ ập’ xuống thảm kịch ở Thiên Tân ". Tác giả bài báo trước tiên trở lại số nạn nhân được thông báo - 112 người - và nổi cộm là cái chết của hơn một chục người lính cứu hỏa đang trở thành những kẻ " tử vì đạo " : họ đều là những người rất trẻ, chưa có kinh nghiệm.

    Cư dân mạng rất phẫn nộ trước việc chính quyền thẩy họ lên tuyến đầu, nhưng lại thiếu chuẩn bị. Khi họ tưới nước, cố dập tắt lửa thì hầu như lại gây ra 2 vụ nổ khủng khiếp tương tự như động đất, do hóa chất nguy hiểm như carbure de calcium, tàng trữ tại nơi bị hỏa hoạn.

    Một lính trẻ thoát nạn dù bị thương, đã kể lại vụ việc tại bệnh viện cho báo giới địa phương, cụ thể là tuần báo Nam Phương ở Quảng Đông, cho biết là họ đã gây ra khối lửa to làm rực cháy bầu trời thủ phủ 13 triệu dân này như thế nào, nhưng câu chuỵện đã bị kiểm duyệt sau đó. Ngoài số linh cứu hỏa bị chết, thì hiện nay 85 người vẫn biệt tích.

    Theo Le Figaro kiểm duyệt như một bức màn chì " bao trùm " Thiên Tân, trong khi thảm kịch tại đây làm rúng động cả nước, và Thủ tướng Lý Khắc Cường hôm qua đến tận nơi " chỉ huy các chiến dịch ". 50 site web đã bị đóng cửa để tránh gây " hoảng loạn ", theo giải thích của chính quyền. 360 tài khoản trên các mạng xã hội Weibo, Wechat bị cấm.

    Tác giả bài báo công nhận là những tin đồn đáng ngại về thảm họa hóa học được chuyển đi rất nhanh. Chính quyền cố trấn an là không khí không quá bị ô nhiễm vẫn còn hít thở được, nhưng không xóa tan nỗi sợ hãi vẫn bao phủ lên Thiên Tân trước những thông tin trái ngược.




    Dân chúng bất bình vì thông tin bị bịt

    Báo La Croix cũng nêu bật chế độ kiểm duyệt thông tin về Thiên Tân trong hàng tít trang thế giới : " Bắc Kinh khóa chặt thông tin và gây phẫn nộ ".

    Tờ báo tỏ ý bất bình là trước số người ngày càng đông chất vấn chính quyền về thảm kịch Thiên Tân, về số nạn nhân, về những người mất tích thì chính quyền áp dụng chiến lược đã nhuần nhuyễn : Thông tin tối thiểu, kiểm duyệt và tuyên truyền.

    Nhưng La Croix cũng nhìn thấy là Bắc Kinh đang đứng trước một dân chúng ngày càng không tin tưởng, bực dọc lo ngại trước thông tin nhỏ giọt. Quân đội Trung Quốc chỉ xác nhận vào hôm qua, Chủ nhật, là có cyanure trữ tại nơi xẩy ra thảm kịch, trong lúc tin trên được truyền đi từ hôm thứ Sáu.

    La Croix nhìn thấy rõ ràng là phương thức của chính quyền không trấn an được người dân. Tờ báo nói một cách mỉa mai là trong lúc 50 website bị đóng cửa, 360 tài khoản trên mạng xã hội bị cấm vì bị cho là gây hoảng sợ trong dân chúng, thì mạng Twitter của Tân Hoa Xã kể lại những mẫu chuỵện nhằm gây xúc động, như chuyện một chú chó con được cứu sống và đã không rời xa những người đã cứu nó.

    La Croix kết luận công thức của Bắc Kinh rõ ràng như thế đấy. Nhưng dân chúng thì vẫn rất tức giận. Họ đã lên tiếng phản đối một đài truyền hình tại chỗ là sau tai nạn Thiên Tân không đưa tin mà phần lớn thời gian trong ngày lại phát phim truyện Hàn Quốc.






    Thủ tướng Abe lỡ dịp chinh phục dân Hàn và Trung Quốc
    _________________________________________________________________

    Bên cạnh sự cố Thiên Tân, nhìn sang Châu Á, báo Pháp còn chú ý đến Nhật Bản, hay đúng hơn là Thủ tướng Abe đã " gây bực tức tại Bắc Kinh và Seoul ", tựa báo Le Figaro trang quốc tế.

    Tờ báo nhận định là Bắc Kinh và Seoul chờ đợi lời xin lỗi " chân thành " của thủ tướng Nhật về các tội ác của nước Nhật, trong ngày kỷ niệm Tokyo đầu hàng 15/08/1945. Nhưng Thủ tướng Nhật đã chỉ hành động một cách tối thiểu mà thôi.

    Và ông Abe quả thật là đã không thu phục được " nhân tâm " tại Seoul và Bắc Kinh.

    Tuy ông đã duy trì cơ may một sự xích lại gần nhau với các láng giềng bằng cách miễn cưỡng nhắc lại những lời xin lỗi hối tiếc của những người tiền nhiệm như của thủ tướng Tomiichi Murayama năm 1995, nhưng bản thân ông Abe thì không nói ra lời xin lỗi.



    Tiến trình hòa dịu Bắc Kinh-Tokyo không bị ảnh hưởng

    Seoul và Bắc Kinh đã vô cùng bực tức, nhưng tờ báo Pháp cũng ghi nhận bài diễn văn của ông Abe đã không phá hoại tiến trình lắng dịu tương đối giữa Bắc Kinh và Tokyo hiện nay. Le Figaro trích lời một chuyên gia cho là dẫu sao thì không bao giờ Bắc Kinh hài lòng cả và xem ra kết quả bài diễn văn tốt hơn là những gì người ta chờ đợi. Ông Abe không thể làm gì hơn, khi ông bị kẹt giữa một bên cánh hữu diều hâu mà ông phải xoa dịu, và một bên kia là công luận hiếu hòa Nhật Bản và đường lối thực tiễn, củng cố vai trò bảo đảm an ninh của Nhật trong khu vực.

    Báo La Croix cũng trở lại diễn văn của Thủ tướng Abe ở trang quốc tế với hàng tựa : " Tại Nhật, hối tiếc và nhập nhằng ". Tờ báo nhận thấy là ông Shinzo Abe đã bỏ lỡ dịp mới để làm dịu quan hệ giữa Nhật và các láng giềng khi vẫn duy trì sự mập mờ về quan điểm của chính ông. Ông còn nói là không muốn để lại gánh nặng chiến tranh trước đây cho các thế hệ đời sau tại Nhật.

    La Croix cũng nhận định như đồng nghiệp Le Figaro là nếu cử chỉ của ông Abe không làm giảm căng thẳng trong khu vực, thì nó ít ra cho phép ông giữ được hậu thuẫn của cánh dân tộc chủ nghĩa ở Quốc Hội, trong khi uy tín chính phủ ông tuột giảm nghiêm trọng qua các cuộc thăm dò về vấn đề hạt nhân và việc diễn giải lại hiến pháp chủ hòa của Nhật.

    La Croix nêu lại kết quả một cuộc thăm dò dư luận hôm qua, 37% người Nhật cho là đã thất vọng trước phát biểu của Thủ tướng Abe trong khi 44% tỏ ra hài lòng.






    Angkor, giữa lợi nhuận và sự thiêng liêng
    __________________________________________________

    Cũng về châu Á, nhưng trong lãnh vực du lịch, nhật báo Pháp Le Monde trong tạp chí cuối tuần đã ghé mắt nhìn qua đền Angkor tại Cam Bốt. Trong bài mang tựa đề " Angkor, giữa lợi nhuận và sự thiêng liêng ", nhà báo Bruno Philip của tờ báo Pháp đã không khỏi lo ngại về nguy cơ với lượng du khách bùng nổ, khu đền đài cổ kính này sẽ không còn bảo tồn được.

    Bài báo mở đầu bằng cảnh tượng được ghi nhận vào cuối tháng Sáu vừa qua, khi một nhóm du khách Trung Quốc khổ nhọc trèo lên cầu thang thẳng đứng của đền Bayon, một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng nhất của khu đền Angkor.

    Vấn đề, theo Le Monde, là mục tiêu của nhóm du khách này không phải là leo lên ngôi đền để thanh thản tận hưởng sự tráng lệ của các công trình có từ tám thế kỷ trước đây, từ thời quốc vương Khmer Jayavarman VII.

    Theo mô tả của phóng viên Le Monde, khi lên được đến nơi, nhóm du khách Trung Quốc đã huyên náo biểu lộ niềm vui, « tận dụng sự sung sướng là có thể cùng nhau la hét om xòm ». Thế là họ lao vào chiến dịch tấn công, với vũ khí được ưa chuộng là một chiếc cần dài, ở đầu gắn một chiếc điện thoại di động, và thi nhau thỏa mãn niềm đam mê tư chụp hình " tự sướng " selfie.

    Báo Le Monde ghi nhận : Khu vực đền thờ Ấn Độ giáo và Phật giáo Angkor, với khoảng 700 di tích nằm rải rác trên một vùng rộng lớn ở miền Bắc Cam Bốt, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1992. Trong vòng 15 năm, từ vỏn vẹn 60.000 người vào năm 1999, lượng du khách thăm đến đã tăng vọt lên hơn hai triệu người vào năm 2014, và đã đạt gần một triệu người trong năm tháng đầu năm nay...

    Bên cạnh ngôi đền nổi tiếng nhất là Angkor Wat, năm hoặc sáu di tích khác như đền Bayon, là những nơi tập trung tối đa du khách, với lượng khách Trung Quốc hay Hàn Quốc càng lúc càng tăng. Một ví dụ : riêng đền Bayon trong tháng năm vừa qua, đã được 146.696 du khách tới thăm, trong đó có đến 44.681 công dân Trung Quốc.

    Đối với Le Monde, cái giá phải trả cho sự thành công về mặt du lịch nói trên, không chỉ là sự mất đi của tính chất nên thơ của di tích, mà còn là sự xuất hiện của một loạt vấn đề, từ khảo cổ, thẩm mỹ, cho đến an toàn, an ninh. Và chính quyền Cam Bốt đang tiến hành các bước để đối phó với các vấn đề này.



    Ưu tiên " giáo dục " du khách

    Một trong những biện pháp ưu tiên là giáo dục khách du lịch, và một " bộ quy tắc ứng xử " đang được triển khai, với những tấm áp phích được trương lên trước những ngôi đền đông khách nhất.

    Một trong những quy tắc là buộc khách phải ăn mặc đứng đắn để thể hiện sự tôn trọng đối với một di tích thiêng liêng. Hình ảnh một cô gái trẻ ngồi trong một ngôi đền, váy vén cao lên tận đùi, kèm theo dấu xóa hình chữ thập đỏ, đã được gắn ở cổng vào một số di tích nhất định...

    Một số bước khác cũng đã hay sẽ được thực hiện, trong đó có việc bảo vệ các tấm phù điêu khắc nổi – bas-relief – chống lại hàng triệu bàn tay sờ soạng, vuốt ve.

    Tại đền Banteay Srei, nổi tiếng vì là nơi mà các pho tượng nữ thần Devatas bị đại văn hào Pháp André Malraux đánh cắp vào năm 1923, cánh cửa thần Indra đã được đóng lại để ngăn chặn hiện tượng ba lô của du khách chà trên mặt đá.

    Tại di tích Ta Prohm nổi tiếng với rễ các cây đa to lớn ôm chặt ngôi đền, các hành lang di chuyển bằng cầu thang gỗ đã được lắp đặt mà du khách tham quan bị buộc phải sử dụng.

    Chính quyền Cam Bốt còn nghĩ đến việc áp dụng thẻ vé, có trang bị rận điện tử để biết chính xác có bao nhiêu du khách đã vào trong đền, từ đó, chặn không cho người vào thêm để tránh tình trạng chen chúc, quá tải.

    Theo ông Soutif Dominique, giám đốc chi nhánh trường Viễn Đông Bác cổ Pháp EFEO ở Siem Reap, du lịch, tuy nhiên, không hoàn toàn là tai họa : " Du lịch quả là có những tác động tiêu cực. Thế nhưng sự thành công của Angkor cũng đã giúp tài trợ cho việc bảo tồn những ngôi chùa kỳ diệu này ".

    Đối với Le Monde, tương lai sẽ cho biết là Cam Bốt tìm thấy được điểm cân bằng giữa du lịch và bảo tồn hay chưa.





    nguồn: vi.rfi.fr
Trả lời

Quay về “Quốc Tế”