Giáo Dục Trẻ Thơ: Từ Amy Chua đến Sử Lạc.

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Giáo Dục Trẻ Thơ: Từ Amy Chua đến Sử Lạc.

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           
    Giáo Dục Trẻ Thơ: Từ Amy Chua đến Sử Lạc.




    Amy Chua, tác giả Battle Hymn of the Tiger Mother. Sử Lạc, tác giả I Love Yous Are For White People. Hai tác giả, Amy Chua người Mỹ gốc Trung Hoa là di dân nhưng sinh trưởng ở Hoa Kỳ. Sử Lạc, người tị nạn Mỹ gốc Việt, cha người Trung Hoa mẹ người Việt.

    Hai tác phẩm cùng viết về đề tài giáo dục trẻ em nhưng ở suy nghĩ và tầm nhìn khác nhau. Người mẹ Amy Chua kể lại chuyện mình đã giáo dục hai cô con gái ra sao và thành công như thế nào. Còn Sử Lạc thì kể lại tuổi thơ của mình với nhiều bất hạnh từ một suy nghĩ lỗi thời của người cha cũng như hoàn cảnh sống trong một môi trường xã hội đầy cám dỗ của những gia đình có lợi tức dưới mức nghèo khổ. Cả hai câu chuyện đã thành một vấn đề được dư luận quan tâm. Nên giáo dục con cái như thế nào, theo phương Đông hay phương Tây? Phương cách nào cũng đều có những điều tiêu cực cũng như tích cực và phải dung hòa thế nào để đạt được mục tiêu giáo dục toàn vẹn tốt…

    Amy Chua thừa hưởng phương pháp dạy con nghiêm khắc từ chính cha mẹ mình, những bậc cha mẹ đã dạy dỗ con cái khá thành công: cô chị cả Amy Chua và cô thứ ba Katrin cả hai là giáo sư của hai trường đại học danh tiếng Yale và Stanford. Cô út bị bệnh down syndrome nhưng đã từng đoạt hai huy chương vàng thế Vận Hội môn bơi lội cho những người tàn tật. Người cha là giáo sư chuyên khoa máy điện toán trường đại học UC Berkeley. Một gia đình mà có tới 3 gióa sư các trường đại học danh tiếng ở Hoa Kỳ chứng tỏ gia đình này có truyền thống giáo dục rất tốt và là một điển hình thành công của American Dream của người di dân. Vì vậy, không thể nào nghi ngờ tác giả Battle Hymn of the Tiger Mother có tâm lý không bình thường. Ngược lại, bà là một sinh viên giỏi tốt nghiệp khoa kinh tế đại học Harvard với thành tích xếp hạng “excellence”.

    Amy Chua là một luật sư và đã được biết đến nhiều với tác phẩm “Battle Hymn of the Tiger Mom” một hồi ký và cũng là tác phẩm thứ ba. Hai tác phẩm trước là hai cuốn sách nghiên cứu: “World on Fire: How Exporting Free Market Democracy Breeds Ethnic Hatred and Global Instability” xem xét về xung đột các sắc dân xảy ra trong nhiều xã hội vì không cân xứng trong các ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của một nhóm nhỏ chi phối thị trường đưa tới sự phẫn uất của một đại đa số nghèo khó. Và “Day of Empire: How Hyperpowers Rise to Global Dominance- and Why They Fall” xem xét và nhận định về 7 đế quốc và khẳng định là sự thành công của họ là nhờ vào sự khoan dung đối với những thiểu số.

    Cuốn sách thứ ba “Battle Hymn of the Tiger Mother” là một tác phẩm đã gây ra nhiều cuộc tranh luận giữa những người đồng ý và không đồng ý. Công việc giáo dục con cái rất quan trọng đối với các bậc cha mẹ.





    Tác giả Amy Chua sinh trưởng trong một gia đình gốc Trung Hoa, sinh ở Champaign, tiểu bang Illinois. Cha mẹ là người Hoa ở Philippines di cư sang Hoa Kỳ. Bà tốt nghiệp bằng cử nhân kinh tế tại Havard College và bằng JD của Harward Law School nơi bà làm chủ bút Havard Law Review. Hiện bà là giáo sư luật khoa tại trường luật nổi tiếng Yale sau khi dạy tại trường Duke. Trước đó bà là luật sư làm tại hãng Cleary, Gottlieb, Stein & Hamilton chuyên nghiên cứu về giao dịch thương mại quốc tế, luật pháp và phát triển, xung đột chủng tôc, toàn cầu hóa và luật pháp. Bà là vợ của Jeb Rubenfield, giáo sư luật đại học Yale người Do Thái. Bà có hai người con gái, Sophia và Louisa được dạy dổ theo kiểu Do Thái nhưng lại phải học tiếng Trung Hoa. Bà rất chú trọng trong việc giáo dục hai cô con gái này và đã áp dụng nhiều biện pháp nghiêm khắc để rèn luyện vào một khuôn khổ do bà ấn định với những ước muốn thành đạt quá cao của con cái.

    Bài viết “Why Chinese mother are superior” (Tại sao các bà mẹ Trung Hoa siêu đẳng) giới thiệu cuốn sách “Battle hymn of the Tiger Mother” đăng trên Wall Street Journal đã gây ra nhiều bàn cãi trên khắp thế giới từ Đông sang Tây, từ Hoa Kỳ sang Hoa Lục. Hồi ký của một bà mẹ dạy con trong một gia đình mẹ Hoa cha Do Thái đã tạo thành đề tài công kích hay chấp thuận một phương cách giáo dục cực đoan như vậy và sự thành công ấy có nguyên do nào và có thể áp dụng cho đại chúng không. Amy Chua đã rất thành thực khi kể chuyện và cũng không che dấu những khuyết điểm mà bà phải giải quyết.

    Trong tác phẩm, Amy Chua tự xưng là Tiger Mother có thể vì tuổi của bà là tuổi cọp và có thể vì đường lối dạy con nghiêm khắc dữ dằn của một con hổ cái nhiều khi đến độ tàn nhẫn để những đứa con thân yêu có thể tồn tại và đạt ước vọng trong một xã hội cạnh tranh đến mức khốc liệt. Sống trong môi trường như vậy, phải có ý chí quyết thắng, vượt qua mọi thử thách và không thể yếu hèn đầu hàng mọi trở ngại.

    Danh tiếng của Amy Chua càng nổi bật hơn với trang bìa của tạp chí Times tháng Giêng năm 2011 in hình một bà mẹ Trung Hoa cao lớn oai vệ đứng khoanh tay nhìn một cô con gái bé nhỏ tay cầm chiếc đàn vĩ cầm e dè nhìn mẹ với nhan đề “The Truth about Tiger Moms” của một bài viết dài đăng trên trang trong.

    Nhưng hình như Amy Chua có một chút ngại ngần khi trả lời một câu hỏi trên truyền hình Trung Quốc: “Tôi không phải là chuyên gia giáo dục. Cuốn sách của tôi chỉ là một bản hồi ký chuyện riêng tư gia đình. Một tờ báo trích dẫn vài đoạn những trang sách của tôi và đặt tên là vì sao các bà mẹ Trung Hoa giỏi hơn? Tôi đọc và thực tình rất không thích cái nhan đề bài báo ấy. Mỗi gia đình đều có một lối dạy con riêng và tôi không có một ý định nào nêu lên một khuôn mẫu dạy con cho ai cả.”

    Amy đã áp dụng một phương cách dạy con đã được quy định rõ rệt với những điều cấm nghiêm khắc như cấm không được qua đêm ở nơi không phải nhà mình, cấm xem phim, cấm tham gia các chương trình ở ngoài khuôn khổ của trường học, cấm chơi game, chơi computer, không được oán trách hay phản đối những quy định điều cấm, không được tự chọn lựa những hoạt động ngoài trường học, những hoạt động văn nghệ, xã hội phải do mẹ đồng ý, tất cả những điểm thi, điểm test phải đạt được điểm A cao nhất, trừ môn thể dục và sân khấu, các môn khác phải đạt được vị trí đứng đầu lớp, phải chơi piano và violon và tiến đến cấp siêu đẳng.

    Qua những điều lệ này, quả thực bà mẹ này đã dạy con bằng một kỷ luật thép và một đứa trẻ khó lòng tuân theo. Nhưng Amy Chua thì lại cho rằng: “Truyền thống người Hoa chúng tôi cho rằng muốn yêu thích công việc gì thì phải tập làm công việc ấy thật nhiều, khi làm giỏi thì sẽ thấy thích công việc đó. Chính vì vậy mà khi các bà mẹ phương Tây chỉ bắt con tập đàn 30 phút đến 1 tiếng thì tôi bắt con tập đàn từ 3 đến 6 tiếng đồng hồ mỗi ngày.”

    Nếu những gia đình Tây Phương thường lịch sự và không la mắng con cái trước mặt khách đến thăm thì Amy Chua lại chủ trương rằng phải la mắng con để nó biết xấu hổ và thay đổi. Có lần bà mẹ cọp đã la mắng Sophia là đồ rác rưởi khi con bé dám hỗn xược với bà trước một người khách. Bà tin rằng bà tự mình hiểu biết những điều gì tốt đẹp với con mình nên không cần để ý đến việc chúng có muốn hay thích và ép buộc phải làm theo những điều bà mong muốn.

    Lúc Louisa lên 7 tuổi, bà bắt cô bé tập đàn suốt mấy tiếng đồng hồ. Vì bản nhạc quá khó nên cô bé chán nản và bỏ ngang không chịu tập. Bà mẹ quát bảo bắt cô vào tập đàn ngay nhưng đứa con cãi lại mẹ “Mẹ không được làm như thế với con”. Nhưng bà mẹ vẫn cương quyết “mẹ bắt buộc con phải làm như vậy đó”. Sau đó cô bé vẫn phải ngồi tập đàn nhưng đánh loạn xạ thậm chí còn xé toang cả bản nhạc nữa. Bà mẹ bình thản, dán lại bản nhạc bỏ vào bìa nilon và bắt buộc con tiếp tục đàn. Bà còn đe dọa nếu cô bé không học tập đàng hoàng sẽ đem hết đồ chơi cho các bạn, không những thế còn dọa sẽ không cho ăn trưa, ăn tối, không được tổ chức sinh nhật, Giáng Sinh không có quà..

    Bà mẹ kể là cô bé phải khuất phục phải tập đàn liên tiếp không cho uống nước không cho đi restroom. Và cuối cùng Louisa đã đàn được bản nhạc khó khăn ấy. Bà mẹ thở nhẹ với thành công của mình. Khi đánh xong bản nhạc, Louisa khoe với mẹ “Con thấy không có gì khó khăn khi đàn bản nhạc này. Con muốn đàn lại một lần nữa, mẹ có muốn không?”.

    Amy Chua kể lại: “Jed kéo tôi ra ngoài khuyên tôi không nên nặng lời với Lulu, anh ấy cho rằng đe dọa con nít chỉ là vô ích mà thôi, Lulu hoàn toàn không có kỹ năng phối hợp cả hai tay để chơi đàn. Tôi bảo ‘như thế là anh chưa tin tưởng vào khả năng của con bé. Sophia khi bằng tuổi Lulu đã chơi được bản này rồi’. Nhưng Jed lại cãi ‘nhưng Sophia không phải là Lulu’. ‘Không phải thế’, tôi trừng mắt. ‘Anh cứ để mặc em. Em sẽ dạy nó cho được mới thôi, em sẵn sàng mang tiếng là người mẹ ác độc đấy.’

    Tôi sắn tay áo, kèm Lulu tập đàn bằng đủ mọi cách cho đến bữa ăn tối, không một phút ngơi nghỉ nào đến nỗi quên cả cơn đói bụng và khát nước, quên cả đi vào phòng restroom. Phòng tập đàn như có không khí căng thẳng của một đấu trường khốc liệt.

    Cuối cùng không khí chán nản biến mất. Hai tay Lulu đã có thể phối hợp được với nhau để đàn. Hai mẹ con cùng cảm thấy thành công rồi. Tôi thở dài khoan khoái. Lulu mỉm cười nói ‘Mẹ xem này, đàn cũng dễ thôi mà’, sau khi chơi thông suốt không trục trặc bản nhạc, Lulu không muốn rời cây đàn. Tối hôm ấy cháu ngủ chung giường với tôi. Hai mẹ con ôm nhau như không muốn rời xa nhau nữa.

    Mấy tuần sau, Lulu biểu diễn bài nhạc mà cô bé tập thành công, bài Chú lừa Con Lông Trắng và được tán thưởng nồng nhiệt. Các vị phụ huynh xúm lại khen với tôi ‘Ôi, Louisa giỏi quá’.

    Từ đó trở đi, Jed cứ khen tôi hoài vì sự việc ấy…”


    Bà mẹ Amy bao nhiêu năm vẫn cứ một mực giáo dục con cái như thế và kết quả là hai cô con gái Sophia và Louisa đều đã trưởng thành và là sinh viên của trường đại học nổi danh thế giới Harvard. Cả hai là những nhạc sĩ được coi là thần đồng âm nhạc. Cũng như đều có khả năng thích nghi rất tốt với xã hội. Cả hai cô đã chia sẻ với giới truyền thông rằng “sẽ nuôi dạy con cái theo phương pháp của mẹ đã dạy dỗ.”


    Khác với Amy Chua và “Battle Hymn of the Tiger Mother”, Sử Lạc của “I Love Yous from White People” là một cậu bé có tuổi thơ nhọc nhằn khốn khổ, nạn nhân của một quan niệm giáo dục sai lầm.





    Khi một cậu bé nói tiếng yêu thương lần đầu với người cha của mình thì thay vì đáp trả lại bằng những lời yêu mến cảm động thì ở cửa miệng của người cha lại là những lời cay đắng trái ngược lại: “Con nghĩ ba là loại người gì? Người da trắng hả? Nếu có yêu thương ba thì nên thể hiện bằng hành động và việc làm. Ba tiếng của ngôn từ “con yêu ba” chỉ dành riêng cho người da trắng”.

    “I Love Yous Are from White People” là một cuốn hồi ký của tác giả Lac Su khởi đầu từ câu chuyện ấy. Lac Su khi nghe người cha nói với mình như vậy lúc anh bày tỏ lòng yêu thương của mình đã bất ngờ bị một nỗi đau xót quặn thắt. Bình thường, như anh đã từng xem và thấy trên TV là những hình ảnh đẹp và những câu nói trìu mến của tình cha con. Nhưng trên thực tế là nỗi đau xót của một đứa con không có thâm tình phụ tử. Những câu nói đã gây ra những vết cào trong tâm thức của một cậu bé và chút nữa đã biến một cậu bé chăm học và ngoan ngoãn thành một tên du đãng bụi đời, thành viên của băng đảng.

    Lac Su đã rời bỏ quê cha đất tổ trong chuyến đi đầy nguy hiểm dưới làn đạn bắn theo con thuyền vượt biển cũng như trước đó đã trải qua những ngày đi bằng đường bộ ở đất Campuchia để tìm tự do. Ðến Hoa Kỳ định cư lúc 5 tuổi và cả gia đình đã sống ở một khu apartment trên đường Sunset tràn ngập ma túy và gái điếm ở Hollywood. Thiên hồi ký “I Love Yous Are for White People” nói về câu chuyện của một cậu bé đi tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống với giá phải trả khi có một người cha hay hành hạ đánh đập con cái. Việc ấy thành nguyên nhân để người con có liên hệ đến những băng đảng du đãng địa phương. Thật là những trang viết đau xót, nhưng lại là những tâm tư chân tình, của trái tim thương yêu, của cay đắng khôi hài, của thông minh trong sáng. Nhưng, tất cả, là hy vọng, là tìm được trong cuộc sống ý nghĩa để vươn lên.

    Lac Su sinh quán ở Ðà Nẵng và trong gia đình giàu có ở Việt Nam. Trong bờ ranh của sự hư hỏng thời tuổi trẻ, anh vượt qua được và thành một mẫu chân dung tuổi trẻ đầy nghị lực của những người tị nạn. Anh hiện là Vice President đặc trách marketing điều hành công ty “global think tank” TalentSmart, trên địa hạt cố vấn về tổ chức, huấn luyện và điều hành cho các công ty hạng 500 fortune trên thế giới. Về học vấn anh tốt nghiệp B.A. về tâm lý học tại UC Irvine và M.A., Ph.D. và A.B.D. về tổ chức kỹ nghệ tâm lý học tại The California School of Professional Psychology. Tóm lại anh là một mẫu người thành công về sự nghiệp lẫn học vấn dù đã trải qua nhiều khó khăn khi lập lại cuộc đời ở xứ sở mới với một nền giáo dục cũng như văn hóa khác với ở Việt Nam. Trên trang bìa của cuốn sách đã mô tả thiên hồi ký này của anh là những chuyện thật đau buồn xé ruột, là những va chạm giữa hai nền văn hóa và là sự vượt thoát khỏi những tệ nạn xã hội của đường phố Los Angeles.

    Tác phẩm mở đầu với những bước chân đi đánh cuộc với nguy hiểm từ hồi ức của một người con trong gia đình Việt Nam với cuộc vượt thoát tìm tự do và những thay đổi liên tục trong bản thể đời sống của một gia đình tị nạn ở Los Angeles. Chủ gia đình, cha của Lạc là một người độc đoán và hay hành hạ con cái và trong suốt bao nhiêu năm dài cả gia đình phải sống trong sự sợ hãi và căng thẳng.

    Sự không giúp đỡ cũng như thiếu năng lực của người cha, đã làm cho cậu bé Lạc của một gia đình bình dân chân chất xem những show hoặc phim ảnh trên truyền hình và cả ở những nhà của những đứa bạn cùng lớp hư hỏng đã dẫn dắt Lạc vào thế giới của băng đảng của những tên giết mướn sát nhân. Cậu bé đã đi tìm một nơi chốn khác có thể dung chứa cậu và có thể tự do làm những việc mà mình thích thú khi sống cùng những bạn bè cùng nhóm.

    Cuốn sách đặt căn bản trên một loạt những mẫu hình ảnh rải rác mà Lạc viết mỗi ngày về đề tài xoay quanh những ngày của thử thách tuổi trẻ. Thật là khó tưởng tượng về những gì mà Lạc đã làm sống lại quá khứ để viết thành những chương sách của tác phẩm này.

    Ðó cũng để lại kỳ thú cho người đọc với những cảm giác về đời sống đã thành khuôn mẫu mà người ta không thể nào tưởng tượng được. Sự bất ngờ khi chúng ta, những độc giả, theo dõi những loạt bài viết liên tục để hiểu biết tận tường về đời sống của một cậu bé ở tuổi vừa mới lớn. Nhưng, trong hồi ký, chúng ta không gặp những bi thảm bất toàn của thời niên thiếu. Lạc được chọn vào học ở trường “magnet school” của những học trò xuất sắc và rồi cậu lên đại học rồi tốt nghiệp tiến sĩ. Ðó là một thành tích của một ý chí tâm cảm mạnh mẽ và Lạc đã vượt qua được những cám dỗ của đời sống khi còn trẻ và đã thành tựu cuộc đời với tất cả sinh lực sống động.

    Tác giả không những mang những kỷ niệm đau buồn của mình ở tuổi ấu thơ mà còn muốn nêu lên một vấn đề quan trọng ở xứ sở định cư này là quan niệm về gia đình và về giáo dục. Những va chạm về quan niệm sống về gia đình giữa hai nền văn hóa.

    Gần đây như có vụ một người con là sinh viên sắp tốt nghiệp dược sĩ đã vô tình ngộ sát mẹ vì bà này đã ép buộc và thúc đẩy người con theo chủ đích và quan niệm của bà mà không để ý đến khả năng và sở thích của người con.

    Có một cuốn sách khác thuộc loại best-seller mà chúng tơi vừa đề cập cũng viết về đề tài giáo dục của những người trẻ thuộc sắc dân thiểu số. Tác phẩm “The Battle Hymm of the Tiger Mother” của Amy Chua, giáo sư luật trường đại học Yale. Bà sinh trưởng trong một gia đình cha người Phi Luật Tân mẹ người Trung Hoa và đến Hoa Kỳ định cư với hai bàn tay trắng. Nhưng gia đình của bà thuộc giới có học thức nhưng cũng có những xung đột văn hóa ngấm ngầm giữa văn hóa Do Thái và Trung Hoa. Người Ðông phương, nhất là người Trung Hoa, coi trọng truyền thống gia đình và nghiêm khắc với con cái và hay áp dụng hình phạt như một kiểu bạo hành trong gia đình hoặc ngược đãi con cái. Trong khi người Tây phương thì coi trọng quyền tự do cá nhân hơn và luật pháp ngăn cấm không cho thi hành những biện pháp trừng phạt như đánh đập hoặc sỉ nhục con cái. Amy Chua cho rằng hễ là cha mẹ thì đều mong muốn con trở thành người tốt hữu dụng trong xã hội nhưng lại có nhiều đường lối và nhiều quan niệm giáo dục để thực hiện mục đích ấy. Mỗi nền văn hóa đều có nét tích cực riêng nhưng những người di dân phải dung hòa để có một đường lối dạy dỗ con cái kiến hiệu.

    Gia đình của Lạc Su là một gia đình tị nạn Việt gốc Hoa cha người Hoa mẹ người Việt nhưng chịu ảnh hưởng của lễ giáo Trung Hoa rất nặng. Người cha có uy quyền tuyệt đối trong gia đình mà người mẹ và các con phải tuân theo. Gia đình Lạc Su là một gia đình giàu có ở Ðà Nẵng và trong mô tả của Lạc là một thành phố ồn ào mà đường phố đầy những cảnh không tốt đẹp của một xã hội hỗn loạn.

    Cuốn sách bắt đầu với chương thứ nhất hồi tưởng về cuộc đào thoát của cả gia đình trên chiếc thuyền nhỏ khi quân Cộng sản tiến vào chiếm thành phố Ðà Nẵng. Lạc nhớ đến những hành động can đảm của người cha để cứu cả gia đình trên chiếc thuyền đang chìm. Gia đình nhỏ ấy đã đạt được mục đích là đi tạo dựng đời sống mới ở Hoa Kỳ.

    Cuốn sách mở ra những xung đột văn hóa tạo ra những trở ngại trong đời sống của người tị nạn. Cha của Lạc là một người giàu có tại Việt Nam. Ông đã rất buồn vì phải bỏ lại tất cả tài sản một đời gầy dựng được tại quê hương và đến sống tại Hoa Kỳ với không có một sở hữu nào trên tay. Gầy yếu, không biết Anh ngữ, không thích hợp với đời sống mới. Ðiều đáng buồn hơn là ông lại bị bệnh nên không thể nào chăm sóc gia đình chu đáo được.

    Lạc đã lớn lên và trưởng thành trong một nền giáo dục mới đối với cậu còn xa lạ và cần nhiều nỗ lực để vượt qua những trở ngại ngôn ngữ. Sự thiếu vắng tình thương cũng như ít giúp đỡ của người cha đã tạo thành mặc cảm cho cuộc đời của cậu. Trong thiên hồi ký cậu đã tỏ ra vui mừng và hãnh diện khi đã phải trải qua cuộc sống gian khổ lúc nhỏ trong một gia đình nghèo nàn nhất trong xã hội Hoa kỳ này để có được những thành quả về học vấn và sự nghiệp mà hiện tại cậu đã có. Giấc mơ của người tị nạn phần nào đã đạt được và là thành quả xứng đáng với nỗ lưc của không những riêng cậu mà cả gia đình nữa. Và có lẽ, cũng là giấc mơ của cha cậu: mong muốn con mình thành đạt trên con đường học vấn. Ở xứ sở này, con đường học tập rộng mở cho tất cả mọi người và chỉ cần cố gắng cho nỗ lực cá nhân là có thể thành công.

    Cha của Lạc dù chỉ có học lực của lớp nhì tiểu học nhưng kỳ vọng rất nhiều ở những đứa con. Ông đến định cư ở Hoa Kỳ là mong cho các con có môi trường học tập tốt để có thể tiến thân trên xã hội hiện tại. Hy vọng của Lạc là ông sẽ có nhiều tự hào về thành quả của các con đạt được. Dù rằng, ông không thể nói. Nhưng trong thâm tâm ông sẽ phải cảm thấy như vậy. Tác giả Lạc hy vọng ông sẽ hiểu thấu khi đọc xong cuốn hồi ký này. Viết những điều chất chứa trong tâm tư cũng là một cách thế để nói. Dù gián tiếp nhưng cũng là một cách thông đạt và chia sẻ.

    Tác phẩm cũng đề cập đến nhiều vấn đề làm bận tâm nhiều người. Như hành động dùng bạo lực trong gia đình hay lạm dụng tình dục với trẻ vị thành niên. Những vấn đề làm kinh hoàng cho người đọc nhưng là những kinh nghiệm sống thực mà Lạc đã trải qua trong đời. Không phải tất cả những gia đình tị nạn đều có những tình cảnh tương tự nhưng những bi thảm nêu trên lại khá phổ biến. Trường hợp của Lac chỉ có tính tiêu biểu riêng của cậu và gia đình mình. Lạc đã trải qua những nỗi khổ và cậu muốn nói chuyện với cha của mình về những vấn đề không thể nói được trước đó. Khi cậu bị lạm dụng tình dục, cậu rất muốn nói chuyện với cha mẹ mình về sự thực này hay muốn có một ai khác để thổ lộ hay tâm sự nhưng thật buồn thay lại chẳng có ai để nghe và để hiểu nỗi khổ tâm của riêng mình. Chính vì lý do đó đã khuyến khích Lạc viết lên những vấn đề này để có thể nói lên được tiếng nói câm lặng và cam chịu của những người chịu chung cảnh ngộ. Và quả thật cũng rất khó khăn khi viết được một tác phẩm gây nhiều tranh cãi như viết “I Love Yous Are for White People”.

    Khi người vợ mang thai đứa con đầu tiên, Lạc quyết định viết quyển sách. Quá khứ nặng chĩu những tâm sự đau buồn như một ám ảnh. Một nỗi đau tưởng kéo dài suốt đến cả tương lai. Lạc có cảm tưởng lúc nào cũng như bị sợi dây thòng lọng siết ngang cổ. Chỉ một cách duy nhất là cắt sợi dây đó đi, trực diện với quá khứ. Và những hành trang nặng nề không còn đeo nặng trên vai nữa. Ðó là viết lại những kinh nghiệm thực, chân thành, và không bị những ý tưởng chủ quan làm những nhận xét bị thiên lệch. Viết về những ngày đã qua, là những thời gian mà đời sống đen tối đến tưởng như không chịu đựng nổi được.

    Tác phẩm như kéo Lạc về vùng bóng tối mà trong thâm tâm anh không muốn bước vào. Lạc đã cố gắng để đi trên một con đường khác để vượt qua thực tại. Nhưng tâm hồn thì chẳng thể yên ổn được. Như một người phải bị ở lì trong nhà vì bệnh hoan, nhìn đời rộn rịp qua ô cửa sổ, thấy đời đẹp quá mà không thể tham dự. Và thật là nguy hiểm và bất an nếu cứ sống mãi trong hoàn cảnh như thế.

    Người cha đã quá nghiêm khắc với con cái. Một ngày ngoài tám tiếng đồng hồ ở trường học người cha còn bắt Lạc học tiếng Trung Hoa hai thứ Quan Thoại và Quảng Ðông chừng bốn tiếng đồng hồ và rồi nếu có lơ đễnh hoặc gây ra lầm lỗi là bị đòn cho tới khi học năm thứ hai đại học mới chấm dứt.

    Có lần Lac bị phạm tội, đã ăn cắp của mẹ 500 dollars để mua game chơi. Khi người cha hỏi thì Lạc chối không nhận nhưng cũng bị người cha đánh đòn và lột trần quần áo bắt quỳ ở ngoài cửa trong khi xe cộ vẫn qua lại trên đường Sunset. Lạc rất xấu hổ vì hình phạt này nhất là ở tuổi mới lớn mà bị cô con gái ở nhà bên cạnh chế diễu…

    Viết và kể lại là một cách để tự chữa bệnh, để quên đi những mặc cảm và hờn tủi lúc trước. Dù bây giờ Lạc đã thành danh thành tài nhưng những vết cào của vết thương cũ vẫn chưa lành. Dù rằng người cha cũng có hãnh diện về sự thành đạt của con cái nhưng riêng với Lạc thì anh vẫn không thể nói hết với cha nỗi lòng của mình. Cho nên, viết là một cách trực tiếp để nói và giải bày.

    Trong đời sống mới, với những vấn nạn, cha mẹ của Lạc không bao giờ giải đáp những thắc mắc và chia sẻ với con. Nhưng lại xây đắp quá nhiều hình tượng cho người con. Phải thế này phải thế kia trong khi khả năng thì giới hạn.

    Với Lạc, Anh ngữ là ngôn ngữ thứ tư. Cha của anh nói hai thứ Hoa ngữ, người mẹ nói tiếng Việt. Lạc đã cố gắng nhồi nhét những ngôn ngữ trên, không kể đến tiếng Mễ, tiếng Pháp.

    Ðời sống của người tị nạn thì nghèo và phải dựa vào hệ thống an sinh xã hội. Những điều tiêu cực luôn luôn xảy ra trước mắt Lạc và hình như những người láng giềng thường ít để ý tới luật lệ, hoặc những cách xử sự lịch sự tuy thông thường ở trong xã hội này. Họ sống với phong tục và thói quen ở Việt Nam chứ không phải ở Hoa Kỳ.

    Lạc Su viết nhiều sự thực, những sự thực làm buồn lòng những người Việt Nam. Nhưng theo Lạc đó chỉ là của riêng gia đình anh và vùng anh ở. Thành ra, đó không phải là những tiêu cực chung của cả một cộng đồng.

    Những xung đột văn hóa giữa Ðông phương và Tây phương không phải là chỉ ở những hiện tượng giản dị mà sâu xa hơn, nó là nguồn gốc cho những tệ nạn xã hội ở Hoa Kỳ. Nhưng những thành công thì vẫn nhiều hơn như trường hợp của Lạc Su, vẫn vượt qua được khó khăn để thành người và thành tài…

    Một người trẻ nhìn lại đời sống của mình, hồi ức về những ngày truân chuyên đã qua, để cho nhẹ nhàng đi những tâm sự của một người con nói với cha mẹ. Chọn lựa cách thế cư xử thế nào trong thời gian của những người khi cả gia đình sống ở một xứ sở mà họ không có một sửa soạn nào cho tương lai. Sống ở những vùng dân cư có thu nhập thấp, biết bao nhiêu nguy cơ để biến đứa trẻ thành hư hỏng. Ðàn đúm bạn bè xấu, hút sách, nghiện ngập, rồi từ từ đi vào đời sống bất lương. Lạc Su đã ở trong hoàn cảnh ấy và vượt qua được để thành một người có học vấn và có sự nghiệp. Nhưng con đường đi không phải là dễ dàng mà trái lại là cả một biển trời khó khăn, chiến đấu với mình với gia đình mình và cả xã hội mình đang sống để vươn lên. Viết “I love yous are for white people”, một hồi ký ghi lại một phận đời tuy của riêng Lạc Su nhưng có khi là nét tiêu biểu của những người hội nhập vào xã hội mới, tác giả có lẽ ngầm chỉ một con đường an toàn cho tuổi trẻ giữa những đối chọi của hai nền văn hóa và giáo dục.

    Nguyễn Mạnh Trinh

    Nguồn:http://vietluan.com.au




              
Trả lời

Quay về “Nguyễn mạnh Trinh”