Joseph Brodsky, nhà thơ lưu vong

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5417
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Joseph Brodsky, nhà thơ lưu vong

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Joseph Brodsky, nhà thơ lưu vong





    Joseph Brodsky, giải Nobel văn chương năm 1987, đã được Hàn Lâm Viện Thụy Điển tôn vinh là một thi sĩ “của toàn quyền tác giả, thấm nhuần tư tưởng minh bạch và tính xúc cảm mãnh liệt của thi ca”.

    Những nhà phê bình đã coi ông như “một người tổng kết thơ ca thế kỷ 20” và “là một tài năng kiệt xuất kết hợp với vẻ đẹp trí tuệ lẫn sự điêu luyện của ngôn từ và là người có khả năng sử dụng hai ngôn ngữ cũng giống như ngồi trên một ngọn đồi hữu thể nhìn rõ được cả hai bên triền dốc của hai khuynh hướng khác nhau của nhân loại”. Ông được kể trong truyền thống thi ca cổ điển Nga trong danh sách những Osip Mandlestam, Anna Anna Akhamatova, Boris Pasternak… nhà thơ Seamus Heaney, giải Nobel về văn chương năm 1995 đã viết: “Mặc dù tôi không đọc được tiếng Nga với các tác phẩm thi ca nguyên tác của Joseph Brodsky, nhưng trong tất cả các nhà thơ tôi đã gặp hay được nghe đến tên tuổi, Brodsky có trí tuệ thi ca lớn nhất”.

    Joseph Brodsky bắt đầu làm thơ từ năm 1958 và thường xuyên tham dự những buổi đọc thơ chui ở thành phố Leningrad. Ông bị mật vụ KGB theo dõi và bị bắt tạm giam nhiều lần. Năm 1963 ông bị đưa vào nhà thương điên và bị đưa ra tòa với tội danh “lẩn tránh lao động, ăn bám và nguy hiểm đối với xã hội”.

    Sau 17 tháng tù, ông được trả tự do nhờ sự can thiệp của các nhà văn có uy tín của nước Nga và của cả thế giới. Tuy nhiên ông vẫn bị theo dõi, cô lập không cho đăng tải các tác phẩm trên báo chí. Năm 1972, khi có cuộc di cư của người Do Thái, ông bị buộc rời khỏi nước Nga đi lưu vong. Ông sang sống ở Châu Âu rồi định cư ở Hoa kỳ dạy học và viết văn bằng Anh ngữ.

    Trong tập thơ đầu tay “Vĩnh Biệt Hãy Quên Đừng Óan Trách Gì Nhau” có bài thơ tình đầu tiên có những câu thơ đầy chất khắc khoải nhớ thương “cả cuộc đời dường như ở sau lung/ chỉ vỏn vẹn nửa tiếng đồng hồ đằng trước mặt”, ông làm tặng một người nữ tên M.B. là một họa sĩ tên thực là Marina Basmanova, người tình đầu tiên và cũng là người đã phụ tình ông dù sau đã tái hợp vợ chồng có con rồi ly dị. Nhưng sau này ông lập gia đình và cũng lại làm thơ gửi M.B. nhưng là một người khác Marina Brodsky, người vợ sau này.

    Trong bài thơ tình cho Marina Basmanova, Brodsky viết: “Tôi chỉ là một người/em chạm đến với bàn tay xin/trên đó, trong nỗi niềm câm điếc của loài quạ đen/ có thể em nghiêng đầu/tôi thực sự đui mù/ em, lúc tỏ lúc mờ/ dậy dỗ tôi chiêm ngưỡng”.

    Và một bài thơ khác “Sau năm sau” cũng là một tâm sự nhớ thương “những năm tháng bên nhau/ dài lâu đến nỗi/ tưởng chừng như vô tận lúc tuyết bắt đầu rơi/ với nỗi lo sợ/ những bông tuyết kia/ có thể làm nhăn nhíu hàng mi xinh của nàng/ bàn tay tôi đã trở thành bờ thành che chắn/ và giả tưởng rằng bờ mi che đôi mắt ấy/ đang chớp chớp trong lòng bàn tay tơi/ như rung động của những cánh bướm bay/”.

    Thơ của Joseph Brodsky là thơ tình, của tình yêu trai gái nhưng cũng là tình yêu quê hương đất nước. Thế mà, khi bị trục xuất khỏi nước Nga, ông vĩnh biệt không về nơi xứ sở của mình…

    Hai nhà văn, cùng nổi tiếng, cùng đoạt giải Nobel văn chương, và cùng bị trục xuất ra khỏi đất nước mình, nay một người trở về và một người kiên quyết không về cho đến khi nhắm mắt. Ðó là Joseph Brodsky và Alexander Solhzenitsyn. Người không trở về, Joseph Brodsky (1940-1996), đã mượn lời nói của văn hào Fyodor Dostoyevsky trong tác phẩm “Notes from The Underground” để nói về mình: “Tôi đã là một cậu bé Nga thật bình thường và tôi đã bắt đầu để trở thành một người đàn ông thích hợp trong guồng máy. Nhưng có một vài điều gì làm tôi quay ngược lại… Tôi đã nhận thức được tôi là ai và là cái gì. Và điều đó đã làm cho tôi thấy mình thật xấu xa…”

    Alexander Solhzenitsyn đã trở về đất nước mình sau khi Gorbachev thay đổi thể chế nước Nga và cái từ ngữ nhà văn lưu vong trở thành xa lạ với ông. Còn với Brodsky, ông vẫn đả kích những bất toàn của chế độ và vẫn giữ nguyên vị trí của một nhà văn phản kháng.

    Brodsky sinh tại Leningrad trong một gia đình Do Thái. Cha ông là một nhiếp ảnh viên chuyên nghiệp của Hải Quân Nga Sô Viết. Khi chỉ có mười lăm tuổi, ông rời khỏi trường lớp và làm nhiều nghề để kiếm sống như làm thợ tiện, công nhân tẩm liệm ở nhà xác, thợ đốt lò, gác hải đăng, nhân viên địa chất…. Ông có ước vọng muốn trở thành bác sĩ nhưng không thực hiện được.

    Trong cùng một thời gian ấy, ông ghi danh vào những chương trình tự học. Ôâng học Anh ngữ và Ba Lan ngữ, tập dịch những bài thơ của Czeslaw Milosz, một người mà ông rất yêu mến tài thơ và cũng là một người bạn thân thiết. Ông cũng học hỏi kỹ càng để đến mức sâu xa những lý thuyết về triết học, tôn giáo học, thẩm mỹ học, và cả thi văn của các nước Anh và Hoa Kỳ. Lúc sau này, ông đã nhìn nhận rằng ông đọc tất cả sách vở tìm kiếm được, có khi là sách nhặt được ở thùng rác. Ông đã tìm thấy ở sách vở một người thầy thật uyên bác.

    Brodsky bắt đầu viết những bài thơ đầu tiên khi 17 tuổi. Và cũng bắt đầu con đường dịch thuật cùng năm (1957). Cậu thanh niên trẻ đã được khuyến khích và chịu ảnh hưởng của nữ thi sĩ Anna Akhamatova, người đã gọi những vần thơ của ông là những vần “làm mê hoặc người đọc”. Nhưng ông cũng không thể tốt nghiệp đại học dù với chuyên ngành nghệ thuật tự do.

    Năm 1963, ông bị bắt và kết tội là thành phần “ăn bám xã hội” bởi chính quyền Nga Xô Viết vì một bài báo đăng trên Leningrad buổi chiều. Một đoạn dối thoại giữa ông và quan tòa trong phiên xử mà ký giả Frida Vigdorova đã ghi chép lại và gửi sang các nước Tây phương đã thành một câu chuyện nổi tiếng trong lịch sử báo chí thế giới:

    Quan tòa: Và tổng quát nghề nghiệp chính yếu của anh là gì?

    Brodsky: Tôi là một thi sĩ và thông dịch ngoại ngữ.

    Quan tòa: Ai chứng nhận anh là thi sĩ? Ai ghi danh anh vào cấp hiệu thi sĩ?

    Brodsky: Không có ai. Tôi tự ghi danh tôi vào cấp hiệu nhân bản …

    Quan tòa: Anh có học về những điều ấy?

    Brodsky: Những điều ấy?

    Quan tòa: Anh bắt đầu trở thành thi sĩ như thế nào? Anh đã không cố gắng để hoàn tất bậc trung học nơi họ sửa soạn cho anh, nơi họ dạy anh học…?

    Brodsky: Tôi không nghĩ ông có thể học được những điều ấy từ trường học.

    Quan tòa: Vậy rồi sao?

    Brodsky: Tôi nghĩ rằng điều ấy… đến từ Thượng đế”.

    Với tội danh “ăn bám xã hội” Brodsky bị tuyên án 5 năm tù ở trại cải tạo lao động và đã phải chịu 18 tháng ở nhà tù Archangelsk. Án được thay đổi năm 1965 khi một vài khuôn mặt tăm tiếng của nước Nga hay của thế giới như Evgeny Evtushenko hoặc Jean Paul Sartre lên tiếng phản đối bản án và can thiệp với các nhà lãnh đạo Nga Xô Viết.

    Ngày 4 tháng 6 năm 1972, ông bị trục xuất ra khỏi đất nước Nga và sang Hoa Kỳ sinh sống và dạy học. Năm năm sau, ông thành công dân Hoa Kỳ và thành một giáo sư đại học dạy về văn chương nổi tiếng. Ðầu tiên ông dạy tại University of Michigan (UM). Ông còn là giáo sư thỉnh giảng của Queens College, Smith College, Columbia University, và cả Cambridge University ờ Anh Quốc. Ông còn là “Giáo sư văn chương của 5 đại học” của trường Mount Holyoke College.

    Trong lãnh vực dạy văn chương và thi văn sĩ ở Hoa Kỳ ông trở thành một người có nhiều thành đạt. Năm 1978 ông nhận cấp bằng tiến sĩ danh dự của Yale University và năm 1979 ông trở thành một thành viên American Academy and Institute of Arts and Letters. Năm 1986, tuyển tập khảo luận “Less Than One” đoạt giải National Book Critic’s Award cho ngành phê bình văn học.

    Năm 1987 ông đoạt giải Nobel văn chương, là nhà văn thứ năm sinh trưởng ở Nga đoạt giải thưởng văn học này. Trong một cuộc phỏng vấn diễn ra ở phi trường Stockhom khi có một ký giả hỏi: “Ông là một công dân Hoa Kỳ đã nhận giải thưởng về thi ca viết bằng Nga ngữ. Vậy ông là ai. Là người Hoa Kỳ hay người Nga?”. Thì ông trả lời: “Tôi là một người Do Thái, một thi sĩ Nga và một nhà khảo luận viết tiếng Anh”.

    Brodsky từ trần vì chứng bệnh nhồi máu cơ tim ở nhà riêng tại New York ngày 28 tháng Giêng năm 1996 và chôn tại nghĩa trang Isola di San Michelle ở Venice, nước Ý như lời ông mong muốn lúc sinh tiền.

    Những nhà thơ mà ông chịu ảnh hưởng có Osip Mandelstam, WH Auden, Robert Frost. Nhà văn cũng được giải văn chương Nobel, Derek Walcott đã hồi tưởng và tưởng niệm Brodsky trong tuyển tập thơ mới nhất của ông: The Prodigal.

    Khi còn trẻ ở vào tuổi hai mươi, ông đã là một người cầm bút được nhiều tán thưởng của các cây bút nổi tiếng và được xác nhận vị trí của một thi sĩ và dịch giả có nhiều tài năng. Nhà thơ nữ Anna Akhamatova đã tiên đoán rằng Joseph Brodsky sẽ có một số mệnh vinh quang nhưng lại có một cuộc sống nặng nề nhiều thúc ép…

    Thơ của Joseft Brodsky có chủ đề chính là sự tương quan giữa thi ca và xã hội. Ông cũng nhấn mạnh đến uy lực của văn chương tạo thành những ảnh hưởng năng động đến dư luận và sự phát triển ngôn ngữ và văn hóa trong những mục tiêu ấn định. Ông còn gợi ý rằng truyền thống văn hóa Tây Phương là một phần của thế giới để vượt qua những tai họa của thế kỷ 20, chủ nghĩa Phát xít, chủ nghĩa Cộng sản, và chiến tranh. Trong nhiệm kỳ ông làm thành viên của Poet Laureate, ông đề xướng đề nghị mang truyền thống thi ca Anglo-American tới những đối tượng rộng lớn hơn với sự cung cấp miễn phí những thi tập tới đại chúng với sự trợ giúp từ các chương trình của chính phủ. Nhưng những dự thảo này gặp phải thái độ không nhiệt tâm lắm ở thủ đô Washington D.C

    Trong lễ nhận giải Nobel văn chương, Hàn lâm Viện Thụy Ðiển đã tôn vinh ông như sau:

    “Một nét đặc thù cuả Joseph Brodsky, người đoạt giải Nobel năm 1987, là nỗi vui mừng bao la trong hành trình khám phá không ngừng nghỉ”. Ông tìm kiếm được những mối liên hệ, nói về chúng một cách thật rốt ráo và chính xác rồi lại tiếp tục nhìn ra những quan hệ mới hơn. Không hiếm hoi khi những liên hệ ấy có lúc khá mơ hồ và thậm chí còn đối nghịch nhau, vì thường được nảy sinh từ một ý nghĩ nhanh như ánh chớp là: “Tôi cho rằng hồi ức đã thay thế cho phần đuôi mà chúng ta đã đánh mất miên viễn trong con đường tiến hóa đã qua đầy may mắn. Nó chỉ hướng cho những động tác vận động của chúng ta”.

    Trong những tác phẩm xuất sắc đã lôi cuốn sự chú tâm của Hàn Lâm Viện năm nay, thi ca là hình tượng tiêu biểu nhất của cuộc sống với chủ đề nhất quán và xuyên suốt. Chủ đề ấy được khai triển với một tài nghệ văn chương tuyệt vời dung hợp những nét đẹp trí tuệ cũng như sự trác tuyệt điêu luyện của ngôn từ.

    Bây giờ Brodsky là công dân Hoa Kỳ nhưng nơi ông sinh trưởng và lớn lên là Leningrad hoặc Peter, nơi chốn mà ông gọi tên theo danh hiệu cũ của Peterburg. Ðó là nơi mà những Puskin, Gogol, và Dostoevsky đã sống và sáng tác, và khung cảnh ấy với bối cảnh của kiến trúc và trang trí tân kỳ đã là một phần quan yếu của lịch sử thế giới dù đã có nhiều tàn phá vì chiến họa vào thập niên 40, 50.

    Thi sĩ nằm trong truyền thống thi ca cổ điển Nga cùng vị trí với những Osip Mandelstam, Anna Akhamatova và Boris Paternak, người đoạt giải Nobel văn chương. Dù thuộc truyền thống như thế nhưng lại là người cách tân thơ để áp dụng phương cách của hình thức diễn tả tân kỳ cho thơ. Ông nhiều khi nảy sinh cảm hứng từ những thi sĩ Tây phương, nhất là từ văn chương Anh, với nhà thơ siêu hình John Donne hay Robert Frost và Wystan Auden.”

    Thơ của Brodsky đến từ cuộc sống và viết cho cuộc sống. Nó có nét thiết tha của người yêu vô cùng cuộc đời nhưng có những suy tư, những câu hỏi về vấn nạn nhân sinh mà thi ca sẽ là phương tiện dễ dàng hơn để giải thích. Thơ đi từ những thử nghiệm này đến những trải qua khác và chính thái độ ấy đã làm thơ mới hơn và có nhiều bản sắc hơn.

    Một thí dụ, như bài thơ “A Song”, thiết tha gần cận cuộc sống nhưng lãng mạn và có nhiều nỗi niềm chuyên chở. Thơ, như những nhát cọ của bức tranh toàn trắng, tạo thành hình ảnh của mầu sắc mờ ảo nhưng linh động:

    • “Anh ước ao có em ở đây, yêu dấu

      Anh muốn em ở đây

      Ngồi ở chỗ này, chỗ trường kỷ này

      Và anh sát bên cạnh

      Khăn tay là của em

      Phần anh những giọt lệ trên gò má

      Dù sự tình có như vậy, dĩ nhiên

      Con đường khác đã sẵn

      Anh ước ao có em ở đây

      Anh muốn em ở đây

      Ước muốn cùng ngồi chung trên xe hơi của anh

      Và em cho xe lăn bánh

      Chúng ta tự tìm kiếm một nơi chốn nào khác

      Ở một ghềnh biển vô danh nào

      hoặc là chúng ta sửa chữa lại

      để về nơi mà chúng ta đã đến lúc trước

      Anh ao ước có em ở đây, yêu dấu

      Anh muốn em ở đây

      Cũng như muốn anh hiểu rằng chẳng có thiên văn học

      Khi những vì sao hiện ra

      Khi vầng trăng lướt qua mặt nước

      Ðã thở dài và dâng lên cơn thiếp ngủ

      Anh ước gì còn sót lại một đồng quarter

      để có thể gọi số điện thoại em

      Anh ao ước có em ở đây, yêu dấu

      Ở nửa trái đất này

      Như anh đã ngồi phệt trên ngạch cửa

      Nhấm nháp ly bia

      Lúc hoàng hôn mặt trời vừa lặn

      Tiếng trẻ con kêu và những con hải âu rền rĩ

      Ðâu là tiêu điểm của lãng quên

      Khi tiếp tục chạy theo từ nỗi chết?


    Tôi đọc lại bài thơ đã dịch ra từ tiếng Anh rồi đến nay lại tự mình chuyển Việt ngữ và tự hỏi mình. Không biết tự thân mình có hiểu được trung thực những gì mà tác giả muốn gửi gấm? Nhưng quả thực, tôi cảm được nỗi nhớ nhung thiết tha và nỗi niềm từ cuộc sống. Dù, thơ có nói gì đâu!

    Bản vinh danh Brodsky có đoạn:

    “Brodsky đã trải nghiệm cuộc sống thế nào “Cuộc sống…/như hai hàm răng nghiến chặt vào nhau/khi mỗi lúc hội ngộ”. Mặc những gian nan: ra tòa, giam cấm, lưu đày, ông vẫn giữ vẹn tư cách của mình và niềm tin tưởng sự tốt đẹp của văn chương và ngôn ngữ. Có những đánh giá hành động của mỗi người, mà sự xuất phát từ văn chương chứ không phải từ xã hội.

    Thi sĩ là người quan trọng duy nhất để hành sử công việc của người giám sát, truy vấn để lượng định và kết luận sự kiện. Làm thơ, là chống lại và đi ngược chiều với sự hủy hoại của thời gian. Thi sĩ cũng chính là người phát ngôn cho thế giới câm lặng hình thức của một xã hội dưới chế độ độc tài toàn trị và cất tiếng nói trong dòng lũ truyền thông của xã hội làm cho con người bị sai lạc đi nhận xét của mình…”


    Ðọc một bài thơ khác của ông “Elegy”, để thấy rằng những hình ảnh của thi sĩ chứa đựng nhiều cảm giác của những điều khó diễn tả trực tiếp bằng ngôn từ. Thơ, như một niềm xa vắng nào, lẩn khuất bên ta. Thơ, không nói về sự lụn tàn nhưng dường như có nỗi sầu nào man mác, nhẹ nhàng và sâu lắng:

    • “Gần cả năm trôi qua

      tôi trở lại nơi chốn đã là bãi sa trường

      nơi những loài chim một thời giương cánh

      từ cảm giác thấm thía

      của những cặp lông mày kinh ngạc nhướng lên

      hoặc đôi lúc từ lưỡi dao cạo sắc

      -cánh chim, nay là cái bóng của ánh nắng sớm mai

      hiện nay là hình dạng của vệt máu bẩn

      bây giờ, chỗ đặt của tiếng o o được đổi trao

      trong gót chân còn sót lại, màu đồng đen

      của bộ giáp che ngực rám nắng, chôn vùi tiếng cười, vết thương

      lời đồn đại tươi rói chực chờ

      ký ức của phản trắc cao độ

      giặt rửa những bảng khẩu hiệu với dấu tích hằng hằng

      của những người từ thuở đứng lên

      tất cả che khuất từ đám đông

      Sự mục nát hiếm khi ương ngạnh

      Trong thể cách kiến trúc. Và trái tim cũng phân biệt

      Từ những hang động tối đen

      Chẳng to lớn, mà cũng không vĩ đại đủ để hãi sợ

      Chúng ta có thể trượt xuống một lần nữa

      Như trái trứng đui mù lăn đến một chỗ nào.

      Mặt trời lên

      Khi chẳng một ai chăm chăm nhìn vào khuôn mặt khác

      Tôi thường xuyên

      Rút bàn chân ra khỏi khuôn tượng đài đang thiêu chảy

      Dài thêm giấc mơ xấu.

      và nói ở dưới chân “commander

      in chief”.

      Nhưng lại đọc thành “in grief”

      Hoặc “in brief”.

      Hoặc “đang đi xuống thấp”


    Ông xếp (chief) rồi nỗi đau đớn (grief) hoặc vắn tắt (brief), những vần gần nhau nhưng ý nghĩa lại cách xa nhau. Có phải Brodsky đã xử dụng ngôn từ để viết một khúc bi ca với kết cuộc là con người đang trong tình trạng lao xuống thấp không kềm hãm lại được…

    Tác phẩm của Brodsky gồm 5 tập thơ: A Part of Speech (1977), To Urania(1984) So Forth (1990), Collected Poems in English (2000), Nativity Poems ( 2001) và 3 tập khảo luận: Less Than One(1986), Watermark(1992), Go Grief and Reason (1996) cùng một tập kịch: Marbles(1986).

    Với Brodsky, ngôn ngữ đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế và chính trị. Ông cho rằng các thế lực độc tài toàn trị đã xử dụng ngôn ngữ như một phương tiện để khống chế mọi người. Cũng như, Solhzenitsyn đã ví sự tuyên truyền như một thủ đoạn dối trá để lừa dối và ngự trị. Quan niệm của Brodsky là “Các đế quốc tồn tại không phải nhờ sức mạnh và thế lực về quân sự hay chính trị mà nhờ ngôn ngữ. Ngôn ngữ đã đóng vai trò của một đạo quân chủ lực để đi chinh phục”.

    Với Brodsky, thi ca đóng vai trò của một tặng phẩm thần thánh. Ông có đề cập đến tôn giáo, nhưng chỉ là những ý tưởng chung chung và không gắn liền với một tín điều nào. Thơ của ông ở trên ngưỡng cửa siêu hình và đạo đức là yếu tố quan trọng và những giáo điều chỉ là phần phụ thuộc.

    Thơ của ông có sự linh động, ảnh hưởng bởi đời sống thực và ông cũng chú trọng đến sự thay đổi cú pháp, để thơ giàu âm điệu hơn và cũng chuyên chở nhiều ý tưởng hơn. Có lúc, thơ ông có nét mỉa mai chua chát, nhưng ở đại thể, vẫn là những ý tưởng đứng đắn, những phong cách nghiêm chỉnh, ngay cả những lúc cảm hứng tràn đầy nhất.

    Hàn Lâm viện Thụy Ðiển cũng có nhắc đến tính chính trị của thi ca ông. Và trong diễn văn nhận giải ông cũng đề cập đến:
    “… Nến như nghệ thuật có dạy được một điểu gì (và ưu tiên cho người làm nghệ thuật) thì đó cũng chỉ là một yếu tố có tính cá nhân của sự tồn tại của loài người. Ở hình thức xưa cũ nhất – và chính xác với nguồn gốc nhất – của những thu hoạch cá nhân, nghệ thuật vô tình gây cố tình, thúc giục trong con người trong cảm thức cá nhân, duy biệt, riêng tư để biến người nghệ sĩ từ một động vật sống trong quần thể thành một phần tử có nhân cách. Nhiều thứ có thể đem chia sẻ: bánh mì, giường nằm, người tình, quan niệm – nhưng chẳng thể đem chia một bài thơ của Rainer Maria Rilke. Tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là văn học – và một bài thơ cách riêng, đối thoại với con người trực diện, thiết lập quan hệ trực tiếp với con người không cần qua trung gian. Chính vì thế mà những kẻ quá khích nhiệt tâm ủng hộ quyền lợi của đại đồng, những kẻ đang dẫn dắt quần chúng, những kẻ đang rao giảng tính tất yếu của lịch sử, sẽ có ác cảm với nghệ thuật nói chung, mà văn học hoặc thi ca nói riêng. Lý do là nơi nào có dấu chân nghệ thuật đi qua, nơi nào mà những vần thơ cất giọng lên, thì họ sẽ cảm nhận ngay rằng những đồng tình mà họ mong đợi sẽ không có, mà thay vào đó là sự bất đồng và thái độ bàng quang đứng ngoài và những hành động quyết tâm được dẫn dắt là thái độ khinh rẻ, nhàm chán. Một cách diễn tả khác, vào những con số không mà những người lãnh đạo và những người cuồng tín với chủ nghĩa đại đồng cứ chực chờ tìm cách điều khiển và lợi dụng, thì nghệ thuật lại điểm lên “chấm, chấm, phẩy và dấu trừ” biến đổi mỗi một con số không thành nét mặt nhân bản, dù không luôn luôn lôi cuốn, nhưng là của con người…”

    Joseph Brodsky, giải Nobel văn chương năm 1987, người bị trục xuất ra khỏi nước Nga, người coi thi ca như lẽ sống của đời mình và đã không trở về quê hương sau khi chế độ Cộng sản bị thay đổi. Thi ca của ông vẫn còn được đời nhắc đến như một bằng chứng của tri thức trong một chế độ độc tài toàn trị. Thơ đã cất lên và có tiếng vang cả thế giới.


    Nguyễn mạnh Trinh

    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Nguyễn mạnh Trinh”