Đọc sách với Nguyễn đình Toàn

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Đọc sách với Nguyễn đình Toàn

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           







    Đọc Sách
    với Nguyễn Đình Toàn

    __________________________




              

    Hồng Ngọc và Nguyễn Đình Toàn
              


    Chuyên mục “đọc sách với nguyễn đình toàn“ có nguồn gốc từ chương trình “Đọc Sách“ do Nguyễn Đình Toàn và Hồng Ngọc phụ trách trên đài phát thanh Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) năm 2000. Nhằm mục đích lưu giữ những tác phẩm văn học thuộc mọi thể lọai, kể cả thể lọai “nghe” (audio), – như chương trình Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn thực hiện trên đài phát thanh Sài Gòn thời trước biến cố 1975 mà trong chúng ta nhiều người đã tiếc nuối vì không còn cách nào để thưởng thức lại – Trang TV&BH, với sự đồng ý của nhà thơ Nguyễn Đình Toàn và chị Hồng Ngọc, sẽ lần lượt giới thiệu lại toàn bộ chương trình nói trên.


    Tháng 11 năm 2014
    TV&BH


                         
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đọc sách với Nguyễn đình Toàn

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           







    Tiếng đồng vọng
    __________________________
    Lưu Na








    Năm 1999, Nguyễn Đình Toàn đến Mỹ đoàn tụ cùng gia đình. Ngay sau đó, ông cộng tác với đài Voice Of America _ VOA _ trong chương trình “Đọc Sách, do Nguyễn Đình Toàn và Hồng Ngọc phụ trách.”

    Thời buổi 2000, việc nghe đọc sách là xưa rồi, là cũ rồi. Cái thời buổi vừa làm cái này vừa làm cái kia thì phải đưa sách truyện vào băng đĩa, phải thực hiện trên làn sóng âm thanh để mọi người có thể vừa làm việc vừa thưởng thức, vừa chú tâm theo dõi việc này vừa lóng nghe điều khác. Đọc Sách của NĐT cũng vậy thôi, bởi tự thân nó cũng là một thứ vừa thế này vừa thế nọ: vừa là giải trí vừa là tìm hiểu dẫn giải giới thiệu, và trong tai người nghe nó vừa là thưởng thức vừa là tiếp thu.

    Đọc Sách của NĐT có khác, là khác ở nội dung, đó không phải là đọc một đoạn sách, một truyện ngắn, một vở kịch, mà đa phần là những bài điểm sách, giới thiệu một tác giả, đề cập một vấn đề cũng phần nhiều thuộc Văn Hóa Nghệ Thuật… nghĩa là, một loại chương trình văn học truyền thanh. Thỉnh thoảng cũng có những bài liên quan đến thời sự Xã Hội, nhưng không nhiều. Những bài đọc đó về sau đã gom vào Bông Hồng Tạ Ơn gửi đến độc giả năm 2006 và tái bản 2012. Khi đến với tác phẩm của NĐT , tôi đã được nghe những clips Đọc Sách ấy và có ghi lại cảm nghĩ về một giọng nói (*), cũng như những cảm xúc khi nghe giới thiệu một tác giả (**). Nhưng trong một quá trình dài, có những thắc mắc và ghi nhận riêng chưa dám nói cùng ai.

    Trước hết, tôi ngờ rằng chính Nguyễn Đình Toàn đã tự che lấp khung trời của mình. Ở văn chương, những điều NĐT viết mang nặng tính cách suy tư. Những tác phẩm ấy như cái bóng đổ sau lưng con người trong chặng đường đi tới. Người ta phải đi tới, nên có bao nhiêu người quay lại để nhìn sâu vào cái bóng đêm mà NĐT đã gieo? Độc giả chỉ mang theo lòng họ một bóng tối NĐT . Hầu hết nhớ đến một NĐT Nhạc Chủ Đề, bởi nó mang một giọng nói, những lời tình diễm ảo, và những nhạc điệu mến yêu. Những năm 60, văn hóa nghệ thuật Việt Nam dường vẫn mang nặng một cái khuôn khô cứng của văn hóa khép kín, của kiến thức nhà trường, vừa cổ kính vừa phôi thai, cho nên một lời tình diễm ảo như sương đọc lên bởi một cái giọng ủ rũ lạnh buồn có tác dụng như một làn mây nhẹ nâng hồn người ta thoát khỏi mặt đất tai ương, có tác dụng như một viên kẹo ngọt, một giọt mật thơm giữa đồng khô muối cạn. Những người của thời đó mang theo hoài trong lòng một viên kẹo một làn sương, và, cũng như chiếc bóng văn chương mà NĐT đã gieo, chính cái lòng yêu mến của họ với NĐT Nhạc Chủ Đề che lấp đi một NĐT bồ đào mỹ tửu, một NĐT rất mực đàn ông.

    Đó là NĐT của Đọc Sách (***). Trong 10 phút, khoảng 4 trang giấy đánh máy, những điều viết ra phải đủ sâu sắc, cô đọng, để đi ngay vào lòng thính giả, nhưng không thể quá cô đọng quá sâu xa vì âm thanh khi thoát ra là bay mất, người nghe không có thì giờ để nghĩ suy, để nghiền ngẫm. Ở cái giới hạn của thời lượng phát thanh, giọng của người đọc trở thành một yếu tố quan trọng trong việc chuyển tải nội dung. Giọng NĐT không còn là giọng một thanh niên ủ rũ héo sầu ẩm ướt sương buồn tới nỗi sém nhão nhẹt, và những lời ông viết không còn là những lời diễm ảo cho tới nỗi sém cải lương. Phải nghe mới biết, NĐT như một ca sĩ biết truyền cảm xúc cho người nghe khi hát, ở cái cách nhấn chữ nhả câu, ở những khoảng cắt ngừng hay lơi giọng, đây _ một người đàn ông trải đời với hồn cảm nhận thâm sâu, nói những lời đau mong với tới muôn ngàn những bóng người vô danh trong cuộc sống. Nghe, để biết, có bao nhiêu người tái tạo lại được một âm điệu của bài thơ sau khi nó được phổ nhạc. Lứa chúng tôi lớn lên chỉ biết bài hát Những Bước Chân Âm Thầm, và khi biết nó là một bài thơ thì không còn có thể quên điệu nhạc để đọc nó như đọc một bài thơ, như NĐT đã đọc.

    Một ghi nhận khác, là chính nơi những bài viết ngăn ngắn ấy mà tài hoa chữ nghĩa của NĐT mới phơi mở. Điểm một tác phẩm, nói về một tác giả, NĐT thường chỉ trong vài đoạn ngắn, hay chỉ đôi câu, mở vết thương lòng của chính ông, của người nghe, của người được nhắc tới, và trong không gian cách biệt ấy mà thấy như mình được chung hòa một nỗi niềm, cái mảnh thiếu vắng của một bức tranh đời được lắp vào làm trọn vẹn một tác phẩm, từ tác giả đến người thực hiện đến người nghe, tất cả đều được thăng hoa. Hãy nghe bài viết về Cao Đông Khánh, về Ba Kim, về Kim Phạm…, dù thời gian đã cách biệt, đã trải dài, tính cách của những người đã đóng góp vào nền Văn Học Miền Nam như NĐT vẫn còn đó – sáng tác của họ thường có một chút những gì đã học và đọc được trộn với ý thức cống hiến phục vụ nhân sinh, được cân bằng với sắc thái của riêng mỗi người; trong giá trị kiến thức vẫn phải có giá trị văn chương nghệ thuật, và là thứ nghệ thuật với tới nhân sinh phục vụ nhân sinh, không phải loại nghệ thuật chữ viết cho chữ lời nói cho lời cốt lấy một vết mực một âm thanh.

    Với riêng mình, tôi còn thấy đã hời được một khám phá, một phụ bản đặc biệt chưa từng có. Đó là giọng đọc, sự đóng góp đầu tiên và duy nhất của Hồng Ngọc, phu nhân NĐT . Sống nơi tập trung nhiều người Việt, nghe radio hằng ngày mới biết, không dễ có một giọng xướng ngôn viên chuẩn và trình độ như giọng Hồng Ngọc. Làm chương trình với nhau hằng ngày và lâu dài thì nhịp nhàng ăn ý như Vũ Kiểm và Quỳnh Anh đài Little Sài Gòn Radio đã đành, Đọc Sách của NĐT và Hồng Ngọc là việc không dự trù không chuẩn bị không kinh nghiệm với nhau từ trước, cái nhịp nhàng có được có lẽ do tình phu thê, do đồng cảm hơn là một bề dày nghề nghiệp với nhau. Đó là một đóng góp khá thú vị và giá trị.

    Đọc Sách do Nguyễn Đình Toàn và Hồng Ngọc phụ trách kéo dài được vài năm rồi chấm dứt do Nguyễn Đình Toàn quyết định nghỉ hưu. Cho đến nay, tôi chưa bao giờ được nghe ai nhắc tới và cảm như một bức tranh giá trị đã bị bỏ qua. Tôi tiếc, tiếc một đóng góp, một công trình, tiếc một tiếng kêu thương đã không có dịp trở thành tiếng đồng vọng.

    *          Nghe

    **          Ai đọc dùm ai một chữ tình (trích Mưa Khuya)

    ***          Trang T.Vấn & Bạn Hữu đang thực hiện chuyên mục: đọc sách với nguyễn đình tòan. Thính giả của chương trình nhạc chủ đề tối thứ năm trên làn sóng đài phát thanh Sài Gòn trước 1975, nay sẽ có dịp nghe lại giọng đọc truyền cảm của nhà thơ Nguyễn Đình Tòan qua chuyên mục này. Và như Lưu Na đã giới thiệu, ở chuyên mục này, chúng ta sẽ được nghe “giọng xướng ngôn viên chuẩn và trình độ như giọng Hồng Ngọc . . .“, tức phu nhân nhà thơ. Chương trình sẽ kéo dài khỏang 100 kỳ, qua phần biên sọan của chính Nguyễn Đình Tòan về các nhà văn, nhà thơ quan trọng của Việt Nam cũng như thế giới. (TV&BH).
              

    11.26.2014
    Lưu Na

                         
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đọc sách với Nguyễn đình Toàn

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           







    Chuyên Mục “Đọc Sách với Nguyễn Đình Toàn“ kết thúc
    __________________________







    Thấm thoát đã một năm kể từ ngày chuyên mục “Đọc sách với Nguyễn Đình Toàn” bắt đầu xuất hiện trên một góc trang trọng của TV&BH. Tôi nhớ dịp cuối năm 2014, trong một chuyến đi bất ngờ tới miền nam California, được gặp gỡ một vài cây bút chủ lực của TV&BH, cùng cuộc hạnh ngộ vốn từ lâu mong đợi với nhà thơ Nguyễn Đình Toàn. Nhưng chuyến đi ấy đã đem tới cho tôi một bất ngờ khác. Đó là việc được nhà thơ gởi gấm hầu như toàn bộ những bài phát thanh của một chương trình đọc sách ông thực hiện cho đài VOA hồi đầu những năm 2000. Một bất ngờ khác cũng không kém phần thú vị, mà chỉ sau này, khi bắt đầu giới thiệu chuyên mục “Đọc sách với Nguyễn Đình Toàn” trên TV&BH tôi mới “ngộ” ra, đó là giọng đọc rất chuyên nghiệp, rất ấm áp, và đặc biệt, rất “đài các” của một giọng Bắc Hà Nội không lai tạp, không bị trộn lẫn, dù sống ở miền Nam từ sau cuộc di cư 1954, của người bạn đời gần 60 năm của nhà thơ: chị Hồng Ngọc (tức bà Tú Xương Thu Hồng, theo cách gọi của nhà văn Ngô thế Vinh). Rất chính xác như người bạn trẻ Lưu Na trong phần giới thiệu chuyên mục đã nhận xét: ”Với riêng mình, tôi còn thấy đã hời được một khám phá, một phụ bản đặc biệt chưa từng có. Đó là giọng đọc, sự đóng góp đầu tiên và duy nhất của Hồng Ngọc, phu nhân NĐT. Sống nơi tập trung nhiều người Việt, nghe radio hằng ngày mới biết, không dễ có một giọng xướng ngôn viên chuẩn và trình độ như giọng Hồng Ngọc. Làm chương trình với nhau hằng ngày và lâu dài thì nhịp nhàng ăn ý như Vũ Kiểm và Quỳnh Anh đài Little Sài Gòn Radio đã đành, Đọc Sách của NĐT và Hồng Ngọc là việc không dự trù không chuẩn bị không kinh nghiệm với nhau từ trước, cái nhịp nhàng có được có lẽ do tình phu thê, do đồng cảm hơn là một bề dày nghề nghiệp với nhau. . . .” (Lưu Na : Tiếng đồng vọng)

    Nhớ lại, lần ấy, đối diện tôi là một người phụ nữ tuy lớn tuổi, nhưng vẫn còn nguyên vẹn dáng dấp của một người “đầy cá tính” của thời tuổi trẻ. Nụ cười lúc nào cũng ở trên môi mỗi khi bà nhìn người đối diện. Bà không tham gia câu chuyện, chỉ thỉnh thoảng đứng dậy đi châm bình trà mới mời khách. Dầu vậy, bà vẫn ngồi đó, bên cạnh chồng, suốt một buổi chiều cho đến khi khách đứng dậy lưu luyến ra về.

    Nhà văn Ngô Thế Vinh, trong bài viết: ”Nguyễn Đình Toàn từ Đồng Cỏ tới Áo Mơ Phai“, cho tôi biết được nhiều hơn nữa về người phụ nữ đã gây cho tôi một ấn tượng khó quên ngay buổi đầu gặp gỡ. Theo ông, bà “Tú Xương Thu Hồng” (tức Hồng Ngọc) đã từng là một xướng ngôn viên của một chương trình cho đài phát thanh Sài Gòn trước 1975. Thảo nào giọng đọc Hồng Ngọc trong hơn 100 bài phát thanh của “Đọc Sách với Nguyễn Đình Toàn” mềm mại dịu dàng đến như thế, quyến rũ đến như thế.

              

    Bà Tú Xương Thu Hồng -Tháng 11/2014
    (Ảnh: T.Vấn)
              

    Trong thư riêng gởi nhà thơ, tôi cho biết sẽ chấm dứt chuyên mục với bài về nhà thơ Tô Thùy Yên, cũng là bài mà ông đã dùng để chào tạm biệt thính giả đài VOA năm xưa, dù trong kho lưu trữ của tôi vẫn còn một số bài nữa nhưng nội dung của chúng nay đã không còn phù hợp. Vả chăng, so với số lưu trữ hết sức ít ỏi của chương trình “Nhạc Chủ Đề” trên đài phát thanh Sài Gòn những năm 70s xuất hiện rải rác đây đó trong thế giới ảo, thì số lượng hơn 100 bài về chương trình “đọc sách với Nguyễn Đình Toàn” hiện lưu trữ trên trang TV&BH là một sự an ủi không nhỏ cho người hâm mộ nhà thơ và cả giọng đọc truyền cảm của ông từ gần 50 năm nay.

    Nhận thư hồi âm của nhà thơ, tôi không khỏi ngậm ngùi:
    T.Vấn ơi,
    Thôi chấm dứt đs đi. Bệnh quá. Uống thuốc đến mờ mịt cả người. Sắp “hết chuyện” chăng?
    NĐT


    (*đs : Đọc Sách)
    Tôi hiểu rằng, từ nay, chúng ta sẽ không còn dịp để nghe, đọc, những tác phẩm khác của một nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ mà dấu ấn đậm nét những thành tựu đa dạng của ông đã đồng hành cùng với vận nước nổi trôi gần nửa thế kỷ nay.

    Nguyễn Đình Toàn sắp bước vào tuổi 80. Ở tuổi này, ai mà không thấm mệt. Nhà thơ của chúng ta không là một ngoại lệ. Dầu vậy, đọc những dòng chữ “đầy mệt mỏi” của ông cũng không tránh được nỗi ngậm ngùi.

    Người bạn đời gần 60 năm của ông, bà Tú Xương Thu Hồng, nay trí nhớ đã suy giảm rất nhiều. Hẳn chương trình “đọc sách với Nguyễn Đình Toàn” là phần góp tiếng cuối cùng với đời của bà. Và tất nhiên, hơn lúc nào hết, đây là lúc bà cần đến ông nhất. Ông hiểu điều đó.

    Tôi nhớ lại hình ảnh nhà thơ Nguyễn Đình Toàn trong một “buổi chiều Cali xuống chậm ngoài kia. Những gịot nắng cuối cùng rồi cũng tắt. Giữa sự tịch mịch của căn phòng, Nguyễn Đình Tòan như trong cơn mộng du đột nhiên cất giọng nhẹ nhàng đọc như cách đây hơn 40 năm ông ngồi trước máy vi âm mỗi tối thứ năm giới thiệu chương trình nhạc chủ đề trên đài phát thanh Sài Gòn:
    . . .
    Đường em đi
    Từ nay không có anh
    Không còn ai
    Đón chờ vui mừng
    Con đã lớn khôn
    Hay chim bầy giã đàn
    Một mình em
    Làm sao giang cánh che đầy
    Họa phúc mênh mông
    Còn có cây cao nào
    Cho em về nương bóng
    . . . .

    (T.Vấn: T.Vấn & Bạn Hữu – Một Chặng Đường)
              

    Và không thể không nhắc lại:
    •           
      Đừng nỡ bạc đầu nghe em
      Dù cho lòng khô héo.
              
    Cám ơn nhà thơ và người bạn đời của ông đã đem đến cho chúng ta rất nhiều những bông hoa đẹp.

    Rồi đây, bất kể thế nào, những gì ông đem đến cho đời sẽ ở lại lâu, rất lâu, lâu hơn cả sự hữu hạn có thể mường tượng ra ranh giới mà nó muốn áp đặt cho đời sống chúng ta.





    Ngày 08 tháng 12 năm 2015
    T.Vấn


                         
              
Trả lời

Quay về “Đọc sách với Nguyễn đình Toàn”