- 30/04/2017 - tưởng niệm 42 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20030
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Là người Việt Nam hãy ghi nhớ ngày Quốc Hận 30 tháng Tư

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Là người Việt Nam
    hãy ghi nhớ
    ngày Quốc Hận
    30 tháng Tư

    ___________________________
    Lão Ngoan Đồng







    Nước đã mất,
    nhà đã tan,
    gia đình ly tán!

    Ý nghĩ nầy in sâu vào trong trí não của những người đang lênh đênh trên biển cả, trong những chiếc thuyền nhỏ bé mong manh, phú thác mạng sống của mình cho vận mệnh rũi may, những mong thoát khỏi ngục tù của những người cộng sản từ miền bắc, đang xây cất trên toàn cõi quê hương yêu dấu.

    Trên đường trốn chạy, lìa bỏ quê cha đất tổ, đã có hàng trăm ngàn người vùi thây trong biển cả, trong bụng cá, trong bàn tay sát nhân của bọn hải tặc khát máu. Cũng có những người vượt thoát bằng đường bộ, xuyên qua ngã Cambochia, Lào, và cũng không ít người đã chết đói vì lạc đường, hoặc bị giết bởi bọn Miên cộng, Lào cộng. Số còn lại, hơn 2 triệu người đã đến được bến bờ tự do với hai bàn tay trắng, và có rất nhiều người bỏ lại sau lưng những người thân yêu trong gia đình, dòng họ. Hầu hết những thuyền nhân đó đã nói với các phái đoàn tiếp nhận định cư của các nước:
    • “Thà chết trên biển cả còn hơn sống trong chế độ của Việt cộng
      (tạm dịch: Rather die on the high sea than live under the Vietnamese communist regime).
    Điều đó đã nói lên cái ý chí liều chết để đi tìm TỰ DO.

    Thảm cảnh đó đã làm cho thế giới bàng hoàng, xúc động. Họ đã gọi những ngưòi trốn chạy khỏi quê hường nầy bằng một biệt danh, mà trong lịch sữ loài người chưa từng có:

    “BOAT PEOPLE” (Thuyền Nhân).


    Thảm cảnh đó khởi đầu vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày mà bọn cộng sản Việt Nam, từ miền Bắc, đã bất chấp hiệp định Paris 1973, với sự trợ gíúp của khối cộng sản quốc tế, đã tấn công và cưỡng chiếm miền Nam, nước Việt Nam Cộng Hòa, với sự hững-hờ của thế giới không cộng sản.

    • Cái hận đã mất nước
      và cái hận đã bị đồng minh phản bội,
      đưa đến cảnh nước mất nhà tan, gia đình phân cách, chia ly,
      đã tạo nên sự thống hận trong lòng người dân Việt kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975.







    Từ đấy, chúng ta, những người Việt hải ngoại và kể cả đồng bào quốc nội, gọi ngày 30 tháng tư hàng năm là

    NGÀY QUỐC HẬN.


    Không có từ ngữ nào để diễn tả ngày đó chính xác hơn từ ngữ Ngày Quốc Hận.
    Nó diễn tả không những đúng về mặt hiện thực mà còn đúng về mặt tâm linh. Ngày đó, đời sống của những con người Việt Nam trên toàn quốc đã bị thay đổi một cách toàn diện,
    • từ tốt đẹp biến thành cùng khổ;
      từ tương lai trong sáng trở thành tăm tối, không có ngày mai.
    Trong lòng mỗi người đều bị đè nặng bởi nỗi niềm u uất, căm phẩn
    • vì đang bị một lũ người vong bản, tay sai của ngoại bang, dốt nát, tàn ác cai trị bằng chánh sách vô nhân nhứt trần gian.
    Đời sống của người Việt Nam không hơn không kém gì với đời của một con vật:
    • ngoan ngoản thì được cho ăn,
      bằng không thì bị bỏ đói cho đến ngày tàn tạ.


    Trong lòng mỗi con dân Việt, ai mà không nhớ đến ngày 30 tháng Tư, ngày đổi đời đó?
    Tuy nhiên, mỗi người nhớ đến nó một cách khác nhau.

    Cái nhớ sâu sắc nhất, không bao giờ quên là tuổi thanh niên đã bị hủy hoại trong các nhà tù gọi là trại “cải tạo”. Những rường cột của Quốc Gia đã bi kềm hãm trong ngục tù khổ sai, ăn không đủ no, bệnh không thuốc chữa. Bọn người ác độc lợi dụng sức người hom hem yếu đuối đó, bắt họ đi làm mướn, làm thuê, làm những việc khổ sai, chúng lấy tiền bỏ vào những cái túi tham không đáy. Những người tù “cải tạo” đó, bị hành hạ không những trên thể xác, mà cả tinh thần của họ cũng bị dày vò cả ngày lẫn đêm, bằng những lời chửi bới, hăm dọa, kể cả những đòn thù bằng đánh đập, biệt giam trong những thùng sắt ngột ngạt, nóng bỏng khi nắng lên, không cho nước uống, và còn nhiều trường hợp đem người chống đối bọn chúng ra xử bắn tại nơi đông người. Những hành động nầy, bọn cai tù tàn ác, gọi là những “bài học chính trị do Bác và Đảng chủ trương” đối với những người sa cơ, thất thế.

    Những người tù khốn khổ đó là ai?

    • Họ là những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa,
      đã xả thân mình để bảo vệ phần đất miền Nam của Tổ Quốc, giữ gìn an ninh cho ngưòi dân miền Nam được sống một đời sống thanh bình, an cư lạc nghiệp.

      Họ là những công chức phục vụ cho chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa,
      để xây dựng một quốc gia hùng mạnh phú cường, có phần trội hơn so với các nước lân bang như Phi Luật Tân, Tân Gia Ba, Thái Lan, Đại Hàn, Đài Loan...

      Họ là những nhà tư bản
      đã góp công xây dựng nền kinh tế phồn thịnh cho nước Việt Nam Cộng Hoà.

      Họ là những người trong ngành giáo dục,
      đã tận tụy và miệt mài với trách nhiệm mở mang trí óc cho những thanh thiếu niên, mong xây dựng nên một thế hệ kế tiếp, văn minh, thông thái hữu dụng cho quốc gia.

    Những người tù khốn khổ nầy đã bị buộc tội là đã phục vụ cho chánh quyền trước, đã giúp đỡ cho “Ngụy Quân, Ngụy Quyền chống phá lại cách mạng của nhân dân” (sic).

    Ngoài những người đã bị bắt đi làm “tù cải tạo”, những người dân thường sống tại các đô thị cũng bị đày đọa không kém.
    • Họ đã bị ép buộc đi đến những nơi hoang dã, thâm sơn cùng cốc, mà bọn cầm quyền ác ôn là “nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” (hiện giờ là “cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”), gọi là “vùng kinh tế mới”. Nơi đây chỉ với hai bàn tay trắng, không thể nào tìm được cách sinh nhai.

      Sau khi đuổi họ đi “vùng kinh tế mới”, “nhà nước” đã tịch thu tất cả tài sản, cơ ngơi của họ để phân phát cho những cán ngáo, đã có công với nhà nước trong viêc cưỡng chiếm miền Nam.


    Ở nông thôn, không còn ai có quyền có ruộng đất, dù rằng những mảnh đất do ông cha từ nhiều đời trước để lại cho con cháu. Tất cả ruộng đất đều quy về “hợp tác xã”. Người nông dân canh tác trên những mảnh đất ruộng vườn đó, được thu hoạch do quyết định của bọn đầu sỏ xã ấp, bằng một chính sách gọi là “bảng chấm công”. Ai nịnh bợ hay theo phe chúng thì được chia nhiều hơn. Do vậy, đời sống của người ở nông thôn thiếu thốn rất trầm trọng, có nơi đã có người chết vì đói, mà điều nầy chưa hề xảy ra trong lịch sử của miền Nam Việt Nam: VNCH.


    Tóm lại,
    • sau khi bọn cường đạo cộng sản Việt Nam
      nhờ súng đạn của Trung cộng, của Liên sô,
      đã xâm lăng và cưỡng chiếm được nước Việt Nam Cộng Hòa,

      thì toàn thể trên 26 triệu người dân miền Nam,
      • bị cướp giựt một cách trắng trợn, không khoan nhượng,
      • bị nhốt trong một nhà tù vĩ đại, đó là quê hương của mình,
      • bị đày đọa vô cùng tàn ác, sống như một con thú không hơn không kém.


    Tình cảnh của người dân Việt Nam hiện nay, năm 2014, đã qua 39 năm, không khác gì ngày bắt đầu cuộc đổi đời 30 tháng 4 năm 1975. Có khác chăng là lối sống giàu sang, xa hoa, trụy lạc của những tên “cán bộ” Việt cộng và gia đình họ. Còn người dân ngày càng bị đàn áp mạnh mẽ hơn, bằng những thủ đoạn, bằng những xảo thuật nghề nghiệp, gian manh hơn, ác độc hơn...


    Đã là người Việt Nam thì không ai có thể quên,
    trong lòng ai cũng đang âm ỉ

    một nỗi hận.



    Những kẻ nào quên đi
    • là họ cố ý bị “bịnh quên”
      để đổi lấy những đồng tiền dơ bẩn, đẫm ướt máu của đồng bào quốc nội.
    • Họ đã quên đi ơn nghĩa của quốc gia cưu mang họ như một người tỵ nạn.
    • Họ đã quên đi lòng bao dung của cộng đồng tỵ nạn đã đùm bọc, giúp đỡ họ,
      đến khi họ thành tài, nổi tiếng, thì vì họ xem đồng tiền lớn hơn bánh xe trâu (câu nói khinh miệt của dân miền Nam), họ phủi hết đi ơn nghĩa, trở lại hợp tác với kẻ thù, tiếp tay với bọn Cộng Phỉ, đàn áp ngược lại đồng bào của mình.

    Để kết luận,
    cầu mong tất cả đồng bào Việt Nam hãy ghi nhớ, ngày Quốc Hận 30 tháng 4,
    bởi vì ngày đó là ngày mang đến nỗi uất hận, xót xa cho cả nước,

    chúng ta hãy tưởng niệm đến quê hương đã mất đi,
    tưởng nhớ và tri ơn đến những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa,
    đã hy sinh mạng sống để bảo vệ tự do cho quê hương và đồng bào.
    Hãy tưởng nhớ đến những người tỵ nạn cộng sản kém may mắn đã chết trên đường đi tìm tự do.

    Và quan trọng nhất là hãy làm một vài việc gì đó mà mình có thể,
    để góp bàn tay với đồng bào quốc nội, đập nát chế độ Việt cộng,
    để sớm gây dựng lại một Nước Việt Nam Tự Do Nhân Bản và Phồn Vinh,

    để cho ngày quốc hận trở thành không còn hận nữa,
    mà chỉ còn là ngày đen tối nhất được ghi lại trong lịch sử Việt Nam.




    Lão Ngoan Đồng




              
Last edited by Hoàng Vân on Thứ sáu 21/04/17 18:32, edited 2 time in total.
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20030
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Đừng hỏi tao muốn gì...

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           


    Đừng hỏi tao muốn gì...
    _________________________
    (Thay lời một người công dân Việt Nam Cộng Hòa
    còn bị kẹt lại trong địa ngục trần gian)







    Hỡi thằng bạn xưa cùng tao chung lối,
    Sớm vượt biên, giờ trôi nổi phương nao,
    Cám ơn mày vẫn còn nhớ đến tao,
    Và gửi tới cho nhau lời thăm hỏi.

    Trong thư mày có nói,
    Mày biết tao nghèo đói bấy lâu nay,
    Nên muốn gì thì cứ bảo mày hay,
    Chuyến về tới, mày "ra tay tế độ".

    Nhưng tao đã quen sống đời gian khổ,
    Như những người cùng cảnh ngộ quanh tao.
    Đừng hỏi tao chuyện mong muốn ước ao,
    Tao lết được bữa nào hay bữa nấy.

    Tuy nhiên nếu mày chí tình muốn vậy,
    Tao đành xin tạm quấy quá đôi lời,
    Dẫu biết rằng chỉ nói để mà chơi,
    Còn triển vọng, có chăng Trời mới biết.

    Điều tao muốn cũng là điều dân Việt
    Bấy lâu nay vẫn tha thiết mong cầu,
    Kể từ khi tai ách giáng lên đầu,
    Cả đất nước chìm sâu trong khổ hạn.

    ***

    Tao muốn thấy lũ cầm quyền khốn nạn
    Cùng tập đoàn Cộng sản chóng tiêu tan.
    Chỉ thế này thì dân tộc Việt Nam
    Mới cứu được giang san từ tay Chệt.

    Tao không muốn người mang dòng máu Việt,
    Khi đi xa bị khinh miệt coi thường,
    Cũng chỉ vì thói trộm cắp bất lương,
    Sau mấy chục năm trường quen gian dối.

    Tao không muốn phải đau lòng mà nói,
    Dân mình không còn biết tới lương tri,
    Sống tham lam, xảo trá với bất nghì,
    Nhác thấy lợi, hè thi nhau giành giật.

    Tao không muốn thấy người dân chân chất,
    Bị bạo quyền cướp mất chỗ dung thân,
    Từ quê xa lê lết đến mòn chân,
    Lầm hy vọng nhờ ác nhân phân xử.

    Tao không muốn thấy hàng ngàn thiếu nữ,
    Tuổi thanh xuân vừa nở nụ đơm hoa,
    Phải bán thân làm nô lệ phương xa,
    Để cứu vớt cả nhà đang đói rách.

    Tao không muốn trẻ thơ còn cắp sách,
    Phải ranh ma luồn lách tựa yêu tinh,
    Xoay từng trăm từng chục giúp gia đình,
    Mũi chưa sạch đà linh đinh khó nhọc.

    Tao không muốn nơi Trung và Đại học,
    Chỉ thấy toàn lừa lọc với hư danh,
    Bằng cấp ma, chẳng mấy kẻ học hành,
    Thầy bà cũng gian manh đồng một hạng.

    Tao không muốn nhìn thanh niên trai tráng,
    Chốn trà đình tửu quán rúc triền miên,
    Chẳng biết gì đến công sức tổ tiên,
    Hoặc lo lắng cho tiền đồ đất mẹ.

    Tao không muốn thấy người già rơi lệ,
    Trên vỉa hè ngồi kể lể kiếm ăn.
    Xiết bao nỗi nhọc nhằn
    Đang chồng chất lên tấm thân hành khất.

    Tao không muốn dân mình mang ác tật,
    Vì quanh năm nhiễm độc chất của Tàu,
    Để rồi chẳng trước thì sau,
    Đường thiên cổ dìu nhau đi lũ lượt.

    Tao không muốn nhìn những người yêu nước,
    Bị bắt giam, bị tước đoạt nhân quyền,
    Bị đồng bào cùng thế giới bỏ quên,
    Trong ngục tối ngày đêm ôm uất hận.

    Tao mong ước thấy toàn dân nổi giận,
    Trẻ dẫn đầu, già chầm chậm theo chân,
    Cờ Vàng bay khắp các nẻo xa gần,
    Quét sạch hết bầy sát nhân vô loại.

    ***

    Mày chắc nghĩ ước mơ tao rồ dại,
    E rằng Trời nghe cũng phải bó tay,
    Nên tao xin mày chỉ một điều này,
    Dù biết nó sẽ làm mày khóc dở.

    Ngày Quốc Hận, tao muốn mày phải nhớ,
    Đừng bày trò, viện cớ để ăn chơi,
    Ngày đau buồn của dân Việt nơi nơi,
    Không phải dịp để vui cười, buôn bán.

    Mày vượt biển, trốn bạo quyền Cộng sản,
    Thì đừng quên gốc tỵ nạn của mày,
    Đừng quay về hưởng thụ với múa may,
    Khi đất nước còn trong tay giặc Đỏ.

    Quốc Hận luôn còn đó,
    Dù lòng người theo gió đổi thay.




    Trần Văn Lương

              





              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5410
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: - 30/04/2017 - tưởng niệm 42 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Chuyện buồn người vợ tù “cải tạo”




    Chuyện buồn người vợ tù là một chuyện đã thực sự xẩy ra cho một người phụ nữ sau tháng Tư năm 1975, Ý Cơ tin rằng hoàn cảnh ấy không xẩy ra riêng cho mình chị, mà câu chuyện thương tâm, phần nào phảng phất một nét đời đã qua nhưng khó quên của mỗi chị em chúng ta khi có chồng, có con bị tập trung trong trại “cải tao”. Ý Cơ đã viết lại theo lời kể của nhân vật chính. Vì thế, chữ tôi được dùng trong chuyện kể, không phải là tác giả bài viết, rồi vẫn giữ nguyên danh tánh của hai nhân vật. (Nhân vật tên Chung trong chuyện kể này là Trung Úy Trương Kim Chung, giảng viên Tâm Lý Chiến và Xã Hội Học Trường Võ Bị Quốc Gia Dalat.)

    Ngôi biệt thự nhỏ, khiêm tốn, cuối đường Hoàng Diệu, Dalạt. Phía sau là vườn hồng, từ đó, thấp thóang nhìn thấy những mầu áo xanh lam của nữ sinh nội trú trường Couvent des oiseaux. Đó là: “Ngôi nhà hạnh phúc!” của chúng tôi, cũng là tên do các bạn yêu thương đặt cho nó.

    Chúng tôi sống êm đềm hạnh phúc, bên ba đứa con nhỏ dễ thương, và một em bé còn đang trong bụng mẹ. Căn nhà lúc nào cũng rộn rã vui tươi, nhất là khi Tết đến, nó lại có cơ hội tiếp đón những ‘Con bà phước’, đó là những Sĩ Quan huấn luyện viên của trường Võ Bị Quốc Gia Dalat, không được về thăm nhà khi Tết đến, tất cả đều quây quần vui chơi, như chính nhà của họ, bởi vì, vợ chồng tôi, luôn coi các anh như người ruột thịt.

    Thời gian như thế chẳng bao lâu, và cuộc sống đầm ấm ấy đã bị đảo lộn khi tiếng súng bắt đầu nổ vang trên bầu trời Buôn Mê Thuột, để rồi dẫn đến ngày cuối tháng tư đau thương này.

    Được lệnh thượng cấp rút khỏi Dalat vào cuối tháng 3/75, Chồng tôi cùng các chiến hữu, đã lặng lẽ lên đường, giữ an ninh lộ trình di tản cho dân chúng và các đơn vị bạn thuộc Tỉnh Tuyên Đức và Thị Xã Dalat, các anh là những người sau cùng rời xa Dalat.

    Phải rời xa nơi chốn hạnh phúc của chúng tôi và bè bạn, anh đi mà vẫn quay đầu nhìn lại, anh muốn ở lại để bảo vệ mảnh đất thân yêu ấy, nhưng không thể cãi lệnh thượng cấp vì anh là một quân nhân, anh kể lại cho tôi như thế, về suy tư của anh trên đường rút quân.

    Sàigon thất thủ, Anh cùng một số chiến hữu đã ra đi, sau lời tuyên bố của Tướng Dương Văn Minh. Nhưng.. .. đến chiều tối, Anh đã trở lại cùng mẹ con tôi. Anh đã rời chiến hạm của quân chủng Hải Quân để về cùng mẹ con tôi vì anh không muốn xa lìa hạnh phúc đời mình, để ra đi, chỉ một mình anh như thế! Nếu biết, trở lại để rồi phải vĩnh viễn xa lìa mẹ con tôi, chắc anh vẫn quyết định như thế, tôi tin như vậy ở tình yêu của anh dành cho mẹ con tôi.. .. .. Đó chính là niềm đau ray rứt, niềm ân hận khôn nguôi trong cuộc sống mẹ con tôi đến cuối đời.

    Là một sĩ quan cấp uý, cuối tháng 6/75, Anh cũng như bao người khác đã trình diện để học tập cải tạo, với hy vọng sau vài mươi ngày sẽ trở về, nhưng.. .. .. ..

    Vắng Anh, tôi ở lại, với bao hoang mang lo sợ, lo sợ cho sinh mệnh của anh nhiều hơn cho sự bơ vơ của mẹ con tôi. Thời gian cứ hun hút qua đi, không một tin tức nào về anh.

    Tất cả chúng ta, các chị và mẹ con tôi, cũng như những người cha, ngưòi chồng yêu qúy của chúng ta, đều bị những kẻ ''chiến thắng'' lường gạt một cách một cách hèn hạ.

    Anh đã cho tôi và các con anh một đời sống ổn định vững vàng. Nay, không có anh, tôi đã mất hết, mất cả những ước mơ, toan tính cho tương lai con cái về sau, tôi chẳng còn gì, ngay cả mạng sống cũng mong manh bên cháu nhỏ mới chào đời.

    Nhưng thực tế, vẫn là thực tế, dù là thực tế phũ phàng, tôi và hầu hết chị em chúng ta phải gánh chịu, phải tự vực mình đứng lên, và tự nhủ, phải đứng thật thẳng để là nơi nương tựa vững chãi cho chồng con.

    Tự nhủ như thế để lấy lại can đảm, tôi đã phải ngược xuôi trăm đường, bán buôn đủ thứ nơi đầu đường xó chợ, trong cảnh vạn người bán mà chỉ có vài người mua, để thay chồng nuôi con.

    Dân chúng tại các thành phố và tỉnh thị, không có gạo mà ăn. Khoai lang, khoai mì, bo bo .. .. đã trở thành lương thực chính, phân phối theo sổ gia đình, khi nào được mua bột mì, đã là một hạnh phúc lớn cho dân chúng miền Nam vì có thể lấy bột làm bánh mì để ăn, hoặc để bán, đi bán bánh mì cũng là một trong muôn nghề, tôi đã nhờ đó nuôi con.

    Ngày tháng cứ qua đi, với buồn lo nặng chĩu hai vai, không người chia sẻ, tôi vẫn nhủ thầm, lúc này, mình không được gục ngã, không thể gục ngã, khi mà các con tôi còn qúa nhỏ, khi mà sự sống chết của người chồng yêu qúy không một chút tăm hơi.

    Với một chiếc xe đạp cũ kỹ, tôi chạy ngược xuôi kiếm sống, nuôi con. Khi những người cầm quyền CS biết rằng đa số chi em chúng ta đang chiếm lòng lề đường và những đầu con hẻm làm nơi kiếm sống, họ đã cho thi hành chiến dịch, dẹp lòng lề đường, để triệt hạ con đường sống của những vợ con ''ngụy''.

    Tôi đành chuyển cách kiếm sống, khi thì chạy thuốc tây, đôi khi vài ba mảnh vải.. .. để chuyển từ tay người muốn bán, đến tay người muốn mua, ở giữa mình kiếm vài củ khoai nuôi con.. ..

    Có những lúc đạp xe muốn kiệt sức, vì từ sáng chưa có chút gì vào bụng ngòai một ly nước lạnh. Trời Saigon nắng gắt, đạp xe mà không nhìn thấy gì phía trước, không biết vì mồ hôi từ trán chẩy xuống, hay những gọt nước mắt tuôn rơi.

    Nhiều lúc đầu óc muốn vỡ tung vì những mưu toan sinh kế, trước những ách bức nặng nề do xã hội chủ nghĩa gây nên, ấy thế, những giây phút tưởng như cuồng điên có lẽ còn dễ chịu hơn những khi màn đêm buông xuống.

    Ngồi cạnh giường, nhìn đàn con ngủ, những khuôn mặt ngây thơ vô tội, nhưng chắc cũng đã một chút ấm lòng vì chiều nay mẹ đã mang về cho các con được hơn một ký gạo.

    Nhưng còn chồng tôi đâu, đói-no, ấm-lạnh ra sao? Anh là người nặng tình vợ con, liệu có yên giấc ngủ, hay đang chong mắt nhớ về gia đình, với những lo lắng, mà không sao Anh gánh vác thay vợ lúc này.. Chỉ có lúc này tôi mới được tự do khóc, nức nở khóc, để vơi chút buồn lo.

    Thời gian qua, gần một năm sau ngày chồng tôi bị đưa đi cải tạo, tôi mới được tin chồng, dù chẳng phải tin vui, nhưng có vẫn hơn.

    Anh đang bị bệnh sốt rét ác tính, và thiếu dinh dưỡng trầm trọng, không biết Anh có còn chờ được thấy em lần cuối hay không! Một người bạn đưa tin về: mong ước của Anh là được tin vợ con, trước khi Anh nhắm mắt.

    Trời đất như sụp đổ dưới chân tôi, không còn đủ sức đứng vững, hay tôi đã qùy xuống để xin người về, chỉ đường cho tôi, tìm đến với người chồng bất hạnh cho kịp lúc.

    Ngay tờ mờ sáng hôm sau, tôi đã vội vã lên đường đi, tìm chồng. Băng rừng, vượt suối, muỗi, vắt, cắn bầm tím cả người, không màng tới, quần áo ướt rồi khô, khô lại ướt, gió lạnh căm căm nơi rừng sau, chẳng sờn.

    Tìm được trại giam chồng, tôi chưa kịp mừng, một bọn đàn ông với đôi mắt cú vọ hạch hỏi đủ điều, chỉ với lý do, tại sao tôi biết địa điểm của trại tù này.... Nhưng, cuối cùng, họ cũng cho tôi gặp Anh có lẽ vì: “cảm phục lòng yêu chồng của phụ nữ miền Nam”. Tôi đọc được điều đó, qua ánh mắt của họ dành cho tôi lúc đó.

    Chồng tôi bệnh nặng, anh em cùng láng, cho mắc võng chồng tôi chính giữa, còn võng của Anh Em bao chung quanh để che gió lạnh cho chồng tôi, thật sự, có che được bao nhiêu vì, mỗi khi gió thổi tạt vào, tất cả đều phải đón nhận những làn gió lạnh và cát bụi bám đày mặt. Tôi đem lòng kính yêu những tấm lòng ấy, và ngỏ lời cảm ơn các anh.

    Tôi chết sững, khi các anh chỉ cho tôi chiếc võng ở giữa, nơi chồng tôi đang nằm. Chồng tôi đó sao? Một người cao gần 1m80, nặng trên 70 ký, nay chỉ còn là một bộ xương sơn đen, hàm răng trắng nhô ra, làm cho đôi má đã hóp, lại càng thấy trũng sâu hơn, đôi mắt lõm sâu không thần sắc.. .. .. Nước mắt như cùng lúc với tôi, nhào lăn đến bên Anh, tôi ôm ghì bờ vai Anh, đôi bờ vai ấy, những năm tháng qua đã là nơi nương tưa qúy báu cho tôi, những khi tôi buồn. Còn Anh, Anh không đủ sức kéo đầu tôi ngả vào vai như ngày xưa nữa. Thời gian như ngừng lại, các bạn Anh đứng bên cũng yên lặng ngậm ngùi, yên lặng đến độ tôi đã nghe thấy âm thanh của nước mắt tôi rơi trên vai chồng.

    Làm sao tôi có thể quyên được đêm ấy, bên đống lửa bập bùng, mấy chục khuôn mặt, mà tôi chắc, trước kia oai phong và đẹp trai lắm, trong bộ quân phục VNCH .. .. nhưng.. .. bây giờ.. .. quanh tôi.. .. chỉ còn là những bộ xương biết cử động. Hai mắt tôi đã đau nhức vì khô cạn nước mắt, tôi khóc cho tôi, tôi khóc vì các anh, và chắc các anh cũng đang cùng tôi khóc cho quê hương dân tộc.

    Chồng tôi nằm đó, thoi thóp thở, miệng vẫn cố cười, nụ cười héo hắt, chắc Anh đã mãn nguyện khi biết rằng vợ con Anh còn sống?

    Đứa con gái út của Anh mới được tám tháng, nên mẹ nó còn sữa, hai bầu sữa căng nhức đã kéo tôi ra khỏi cơn mê, tôi chợt tỉnh táo để xin lỗi các bạn Anh tránh ra xa môt chút, để tôi có thể san xẻ phần sữa của con tôi cho bố nó.
    Bưng bát sưã, vừa bỏ thêm hai muỗng đường, xúc từng muỗng đưa lên miệng Anh, tôi hy vọng là không có giọt nuớc mắt nào của tôi, rơi vào bát sữa, để Anh không phải uống thêm những đắng cay của cuộc đời vào lúc này.

    Không hiểu vì bát sữa, hay vì tôi đã đến, sáng ra Anh đã tỉnh lại nhiều, các bạn Anh bảo, nhờ có sữa tiên nên Anh mới khoẻ lại như vậy, tôi biết các bạn Anh nói đùa, vui, cho chồng tôi lên tinh thần. Xin cảm ơn các Anh.

    Chiều đó tôi bắt buộc phải rời trại giam.

    Trên đường về, đầu óc lại làm việc, mong sao tìm được cách kiếm tiền đi thăm nuôi chồng, càng sớm càng tốt, nếu không tôi sợ không kịp.. .. không kịp,.. .. không kịp?.. .. Tôi không dám nghĩ tiếp.

    Sau lần thăm ấy, tôi bị mất liên lạc, vì chồng tôi bị chuyển qua nhiều trại khác.. Mãi đến giữa năm 1977, tôi mới nhận được giấy báo của trại cho phép đến thăm Anh, tại trại an dưỡng Biên Hòa. Sau lần đó, chồng tôi cùng các bạn bị chuyển ra Bắc.

    Thời gian này thật khủng khiếp, vì Anh luôn bị chuyển trại, hết Lào Cai, rồi Yên Bái, rồi Lạng Sơn...!

    Vừa được tin anh ở trại này, đến nơi, anh đã bị chuyển đi trại khác, tôi rượt đuổi theo anh nhiều ngày tháng, nhưng không sao bắt kịp bước đi của anh. Phải trở về, vì bốn đứa con nhỏ còn đang cần mẹ. Tôi phải hối lộ cho bọn cán bộ Bưu Điện để có những tấm phiếu gởi qùa, qua đường bưu điện, mỗi phiếu được ba ký. Phải tính tóan làm những món ăn để được lâu, một chút thịt mỡ cũng phải kho thật mặn.. .. .. trông thấy tôi làm những món ăn gởi cho Anh, các con Anh nói: “Bố sướng quá, bố có nhiều đồ ăn ngon hơn tụi mình !”.. .. .. còn gì đau khổ và xót sa cho tôi trước những câu nói so sánh ngây thơ ấy, nhưng cũng có chút an ủi cho chúng, là còn được vét xoong.

    Cuối cùng, tôi cũng tìm ra, họ đã chuyển Anh về Nghệ Tĩnh, tôi vội ra thăm Anh dù không có giấy phép, đủ mọi mưu kế, đủ mọi tính toán .. .. .. .. Tôi không biết mình đã trở thành người nhiều mưu kế như thế tự bao giờ, và cuối cùng tôi đã xin được giấy chứng nhận bị mất cắp tòan bộ giấy tờ và tiền bạc, trong đó có giấy phép được thăm nuôi, nhờ thế tôi đươc vào trại giam chồng tôi. Tôi đến được trại giam vào tối thứ bẩy, qua chủ nhật sẽ được gặp mặt chồng; nhưng, qua hôm sau, cán bộ ở trại họ cho biết đến thứ hai mới gặp được vì chồng tội bị đi lao động xa, và họ sẽ cho gọi Anh về.

    Đêm chủ nhật trằn trọc mãi không ngủ được, phần vì lạ chỗ, phần thì mừng, mai được gặp mặt chồng sau nhiều năm xa cách, hơn nữa, xem Anh có mạnh khỏe hơn, sau lần được uống sữa tiên hay không! Nhiều ý nghĩ dồn dập tới.. .. ..

    Nhưng mệt quá nên tôi cũng thiếp đi được một chút. Trong giấc ngủ, tôi nằm mơ thấy anh về báo tin cho tôi là anh đã chết.. .. .. .. Tôi choàng thức giấc, mà miệng còn ú ớ, như đang nói điều gì, tôi tỉnh dậy, lo buồn, khóc thành tiếng, làm thức giấc các chị cũng đến thăm chồng thăm con như tôi. Các chị biết chuyện, hùa vào an ủi: thôi, sinh dữ, tử lành, yên tâm ngủ đi, rồi mai thế nào cũng được gặp, tôi cũng tự an ủi mình như thế.

    Hôm sau, mờ mờ sáng, tôi đã cùng chị em nấu cơm cho chồng, cho con một bữa, mong được ấm lòng cả hai. Trời sáng hẳn, qua màn sương mỏng, từ cao nhìn xuống, tôi thấy từng lớp người lũ lượt theo từng toán đi lao động. Như kẻ mộng du, như có ai xô đẩy sau lưng, tôi chạy ào xuống chân núi, nơi cấm những thân nhân tù cải tạo đến gần, tôi thấy, toán 1, rồi tóan 2, rồi tóan 3 .. .. Tôi chợt nghe tiếng gọi: “Chị Chung.. .. à .. .. Chị Minh” và tiếp theo có tiếng người la to:

    “Anh Chung chết rồi.” Tôi ngã xuống và không còn biết gì nữa.

    Khi tỉnh lại, tôi thấy mình bị trói chặt tay chân vào một chiếc chõng tre, một người y tá đang chích thuốc cho tôi. Tôi nghe kể lại, tôi đã bị ngất xỉu hơn một giờ đồng hồ, họ phải khiêng tôi lên từ chân núi, họ phải trói tôi lại vì sợ tôi vật vã, làm gãy kim chích. Tôi nói, tôi không sao, cởi trói cho tôi.

    Sau cơn choáng quá đau đến dại người, tôi trở nên bình tĩnh lạ thường. Bây giờ, nghĩ lại, tôi vẫn còn sợ cho sự bình tĩnh của tôi lúc đó, miệng tôi luôn lẩm bẩm: “Anh linh thiêng đến thế sao?” Khi nhớ lại giấc mơ đêm qua.

    Được gặp trại trưởng, tôi yêu cầu gì, họ cũng chấp thuận. Tôi xin được gặp bạn bè thân của chồng tôi, trao lại cho các anh hơn 120 kg qùa tôi mang đến cho chồng, tôi nói với các Anh rằng ai cần gì thì lấy thức đó, rồi thư về cho vợ con, trả tiền lại cho tôi sau, phải nói thế các Anh mới chịu nhận, thực trong lòng tôi thương các Anh như thương chồng mình vậy.

    Sau đó, cán bộ trại mang đến cho tôi một xách tay, bên trong không có gì khác hơn ngoài một bộ bà ba đen đã bạc mầu.

    Họ cho tôi một chén cơm hẩm, còn hôi mùi mốc, trên có một qủa trứng luộc, để mang ra mộ Anh, tôi đi như một xác không hồn, mắt mở căng như toát ra nỗi căm hờn, phẫn uất, nhưng nào nhìn thấy gì phiá trước, bước thấp, bước cao, theo hai người dìu tôi đi.

    Tôi không thể chết bên mộ chồng, vì ở nơi xa kia, còn có bầy con thơ đang chờ mẹ về kể chuyện đi thăm bố.

    Vài tháng sau, tôi nhận được hai gói qùa trả lại với hàng chữ: “Người nhận đã chết, trại yêu cầu hoàn lại.” Ra bưu điện nhận lại hai gói qùa, tới bữa ăn, nhìn bốn đứa con ngồi ăn ngon lành, những món qùa trả lại, vì bố các cháu không còn cần nữa, mắt tôi lại một lần mờ lệ thương thân.

    Vài năm sau, tôi dời mộ chồng về Saigon, trong ngày bốc mộ Anh, tôi được vài người bạn tù của Anh giúp đỡ, một trong các Anh lấy lên từ dưới mộ, đưa cho tôi một kỷ vật, do chính chồng tôi làm ở trong tù, nó được chồng tôi làm từ những sợi giây kẽm nhỏ, thành sợi giây chuyền, với chiếc mặt nhựa kính máy bay, có khắc hình hai đứa đứng cạnh nhau. Anh đã giấu diếm từng ngày để không bị cán bộ CS tịch thu, các bạn Anh đã tìm thấy trong khi liệm xác Anh, họ đã chôn nó cùng Anh trong huyệt lạnh.

    Hơn một năm, sau ngày Anh mất, phường khóm đưa đến cho tôi một biên bản “Phạm nhân chết”, trong đó ghi rõ tội ác của chồng tôi can tội: “Giảng viên tâm lý chiến, xã hội học, Trường Võ Bi Quốc Gia Dalat. Án phạt: 3 năm tập trung cải tạo.” Nhưng, khi chồng tôi chết, Anh đã bị tù đúng 3 năm 7 tháng. Bẩy tháng oan nghiệt giết chết chồng tôi.

    Đến năm 1994, tôi được định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO vì có chồng chết trong khi bị tập trung cải tạo.

    Nay, các con tôi đã khôn lớn, đã thành đạt, và các cháu rất hiếu thảo. Tôi đã và luôn tự nhủ phải đứng thẳng làm nơi nương tựa vững chắc cho chồng cho con, trách nhiệm phần nào đã nhẹ gánh.

    Em đã sống vì Anh, thay Anh nuôi dậy con chúng ta, tôi vẫn thì thầm cùng Anh như thế. “Hãy đợi em đến cùng Anh.” Vâng, tôi ước mong được sớm ra đi bình yên như thế để được sum họp với chồng tôi, để nối lại gánh hạnh phúc của chúng tôi bị gẫy sau 4 năm, 5 tháng chung sống. Tôi chắc Anh có nhiều nuối tiếc như tôi và đang chờ tôi đến cùng Anh.


    Ý Cơ


    Nguồn: http://hon-viet.co.uk



              
Last edited by Hoàng Vân on Thứ ba 25/04/17 20:01, edited 1 time in total.
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5410
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: - 30/04/2017 - tưởng niệm 42 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Hồi đó tụi mày ở đâu?



    Chiều 26 tháng 4 năm 75, tôi còn giờ thực tập cuối cùng trong phòng lab Đại học Khoa học Sài Gòn. Tan buổi học, Cường, thằng bạn học rủ xem xi nê ở rạp Văn Hoa (*) gần đó. Rạp có máy lạnh làm dịu đi cái nóng tháng tư, rơi vào giấc ngủ chập chờn… Phim gì chẳng nhớ, chỉ nhớ đã đứng lên chào cờ. Đó là lần cuối…


    Vãn phim, Cường ngập ngừng :

    • Mày đi không?”
      Đi đâu? Có quen ai đâu mà cho mình đi
      Thôi mày về nhà tao, kiếm cái gì uống, rồi tính…, Cường nói


    Cái mốc tháng 4 năm 75
    lúc nào cũng làm tôi ngỡ như thời gian cũ
    còn phảng phất đâu đây.


    Sài Gòn những ngày tháng đó, không chỉ có chuyện đi chuyện ở. Dân tị tạn đổ xô về Sài Gòn rất nhiều. Sinh viên tỉnh trọ học nhốn nháo, có đứa mếu máo không biết tin tức gia đình thế nào, cũng chẳng còn nguồn trợ cấp. Bạn bè ai giúp được chút nào hay chút nấy, rồi tính…

    Đầu tháng 4, khi Nha Trang thất thủ, anh em thằng bạn ghé nhà tôi. Hai anh em quê Nha Trang. Anh là lính Cộng Hòa, tan hàng từ Phú Yên. Em là sinh viên Quốc gia Hành chánh học ở Sài Gòn. Rượu vài ly để trấn áp, xua đi nỗi tuyệt vọng. ..Chuếng choáng, thằng anh bảo em: “Đừng lo, tao đăng lính Biệt kích có tiền đầu quân, mày sẽ có ít tiền xài trong vài tháng, rồi tính…”

    Chẳng phải tôi không muốn đi. Cũng hồi đầu tháng, thằng bạn lối xóm rủ xuống Phú Quốc, ông anh nó làm công chức ở đó, đẩy lên tàu đi cho gọn. Tôi ngần ngừ… Còn chưa đầy một tháng nữa sẽ thi, không thi làm sao có giấy hoãn dịch. Thi xong, rồi tính…

    Ừ thì, “rồi tính”… Nhưng phía trước là khoảng trống hoang mang, biết cái gì đâu mà tính? …

    Ở nhà Cường, nghe gia đình nó bàn tán thời cuộc: “Tình hình này chắc Dương Văn Minh sẽ lên. Ông ta lên thì chắc chắn thua. Phải đi càng sớm càng tốt”. Cường ghé vào tai tôi thầm thì: “Mày đi không, tao còn chỗ. Sáng sớm mai ghé nhà tao”. “Bà già tao đi theo được không?”, tôi hỏi lại. “Không được đâu, kẹt chỗ lắm rồi, chỉ cầu may thôi”. Tôi không còn gặp Cường sau ngày đó. Nghe nói nó đã chết.

    Những ngày cuối cùng, 28, 29 tháng 4, Sài Gòn chỉ bị pháo kích lai rai, tiếng súng lớn vọng về từ hướng Tân Sơn Nhất có thể nghe rõ về đêm. Bạn bè ngồi uống cà phê tán gẫu, thoắt cái đã biến,…

    Trưa 30 tháng 4, nghe giọng ông Dương Văn Minh trên đài phát thanh. Thế là xong! Thằng bạn lối xóm, được hoãn dịch lý do gia cảnh, nhưng phải đi Nhân dân tự vệ, xách khẩu Carbin, chỉa lên trời, chơi hết băng đạn, rồi đến phường nộp súng.

    Chiều mùng 1 tháng 5, tôi và thằng bạn cà lơ thất thểu ở Lăng Cha Cả, tạt vào quán cà phê cóc. Tàn tích còn nhiều, quần lính áo lính, giầy lính, ba lô, lon lá,…rải rác đâu đó trên đường, cả chiếc trực thăng bị vướng trên sân thượng gần đó. Cô gái bàn bên cạnh, ngó qua hỏi bâng quơ:

    Tình hình này không biết tính sao?

    Hết đánh nhau rồi, về quê cho khỏe, tôi đáp.

    Vài ngày nữa chờ êm êm, rồi em cũng về quê. Mà rồi chắc em lấy chồng cho anh coi
    , cô liếc tôi cười cười.

    Tôi đoán cô là kiều nữ cổng Phi Long. Đường trần bụi bặm, rồi cũng phải một lần thu xếp cho xong. Chúc cô may mắn!

    Trước đây, tôi thường vào nhà sách Khai Trí đọc sách chùa, nhưng quyết định mua quyển nào lại mò ra các sạp bên kia đường hoặc dọc đường Pasteur, bán thấp hơn giá bìa khoảng 10-15%. Mấy ngày đầu sau 30 tháng 4, sách bày bán chất đống ở khu này, giá bán gần như cho không. Tôi mua hai giỏ xách để đựng, mua hết đợt này, chở về nhà, lại đến đợt khác chỉ sợ hết, cũng cả hơn trăm quyển đủ loại sách học làm người, truyện dịch, lịch sử, triết Đông, triết Tây,… Nghiền ngẫm cả vài năm trời chưa hết, cho đến khi có đợt phải giao nộp sách báo “đồi trụy, phản động”. Nói vậy chứ cũng “khéo léo” giấu lại được một số.

    Những ngày sau đó, lắm chuyện khôi hài xảy ra, chủ yếu là do xa lạ về ngôn ngữ: cái đài, cái nồi ngồi trên cái cốc, đồng hồ không người lái,… Những người lính miền Bắc đa số xuất thân từ vùng nông thôn, phút chốc đòi hỏi họ phải “văn minh” như người đô thị thì cũng khó. Buồn cười chăng đó là khoác lác kiểu “lavabo chạy đầy đường”. Nhưng số này cũng chẳng nhiều.

    Buồn, nhưng cười không nổi, đó là phong trào đưa các em nhỏ ra đứng đường, chặn xe người lớn đáng tuổi cha chú, yều cầu cài nút áo lại hay phải cắt tóc ngắn. Phong trào phản giáo dục này rồi cũng nhanh chóng xẹp.

    Buồn thấm thía hơn, khi quay về trường, đã có những người bạn thay đổi nhanh quá, ăn nói đầy tính lập trường, cách mạng… Ủa! Mới 1-2 tháng trước đó còn thấy họ ngồi trong câu lạc bộ đại học sư phạm khóc sướt mướt, không biết gia đình ở miền Trung ra sao,… Vậy mà, giờ họ đã ra vẻ cán bộ, giảng đạo đức, phê bình bè bạn về lối sống “tàn dư Mỹ Ngụy”. Ai lỡ huýt sáo nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy thì cũng khổ, bị kiểm điểm là còn mang nặng đầu óc tiểu tư sản lãng mạn,… Bạn bè bỗng dưng tự chia thành những nhóm nhỏ, rù rì với nhau. Thấy họ tới, tất cả đều im lặng. Họ tích cực lắm, theo dõi, dò xét, báo cáo giữa bạn bè với nhau,… Sao thấy buồn quá.. Cách mạng thứ thiệt không ngán, chỉ ngán mấy ông bà “cách mạng ba mươi”. Bây giờ vẫn còn ngán…

    Có một chuyện làm tôi nhớ mãi, khi làm nghiên cứu, thiếu sách tra cứu, tôi phải mò ra khu bán sách cũ gần đường Đặng Thị Nhu. Ở đó chỉ có một sạp duy nhất có quyển “Handbook of Chemical Engineers”, dày cả ngàn trang, giá 4 khoen vàng. Tiền đâu mà mua nổi! Đến nhiều lần, chỉ để tra cứu trong quyển đó, rồi ráng nhớ mấy con số, rời xa xa khỏi sạp là rút sổ tay ghi lại. Đến riết chủ sạp quen mặt, vừa thấy bóng tôi từ xa, đã chỉ tay vào quyển sách: “Cứ cầm lấy đọc thoải mái”. Nơi đó, bây giờ không còn bán sách nữa, chẳng biết ông chủ sạp sách tốt bụng thời khó khăn ấy bây giờ nơi đâu. Cám ơn ông nhiều lắm.

    Những năm tháng sau 75 khó khăn nhiều, từ vật chất đến tinh thần, như loạt bài “Đêm trước đổi mới” đăng trên tờ Tuổi Trẻ dạo nào. Đó chỉ là phần nhỏ, giờ hồi tưởng lại vẫn thấy đầy ắp chuyện, không sao nói hết….

    Sống trong đất nước cộng sản, mà không bạn bè là cộng sản thì mới là điều lạ. Những người bạn mới của tôi có người chơi được, có người không, như mối quan hệ riêng tư ở bất cứ xã hội nào khác, đâu cứ là ở xứ cộng sản mới có người được người không. Có những quan hệ thân tình cả hai chục năm chứ đâu phải ít, mà bây giờ vẫn cư xử thân tình như thế. Khi chén chú chén anh, thỉnh thoảng vẫn có “khắc khẩu” về ý nghĩa cuộc chiến, nhưng ngày mai lại quên. Cái thân tình nặng hơn sự khác biệt quan điểm. Năm tháng, tuổi đời cũng làm những xung đột quan điểm đó hẹp dần lại, thân tình rộng hơn. Cuộc chiến, tùy hoàn cảnh xuất thân, được nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng sự thật chỉ có một, và vòng vây chân lý đang dần dần khép lại.

    Tôi có hai người ở hai bờ chiến tuyến, VTC và NNT, đã rời cõi bụi bặm này rồi. Ở dưới, không chừng giờ này hai thằng đó đang chén thù chén tạc, đọc bài này, chắc chúng cười ầm lên: “Chỉ vẽ chuyện! Vô nghĩa!”

    Cái mốc tháng 4 năm 75 lúc nào cũng làm tôi ngỡ như thời gian cũ còn phảng phất đâu đây, nào ai có biết đó là thời điểm quyết định số phận. Vậy mà đã 37 năm trôi qua. Già đủ kiểu rồi còn gì, đầu hói, tóc bạc, bụng phệ, da nhăn,… Giờ đây bùi ngùi nhớ lại những thằng bạn đã hôn tay Chúa, sờ chân Phật, cũng gần hai chục tên đã lên đường chứ đâu ít. Chết đủ kiểu, chết vì chiến cuộc, vượt biên, tai nạn, chết bệnh,… Thôi yên nghỉ đi, chờ ngày hội ngộ.

    Nhưng trong cõi ta bà này, tháng tư năm nay, tự nhiên tôi muốn nâng ly rượu, hỏi những thằng bạn còn sống: “Những ngày trước 30 tháng tư bảy mươi lăm, hồi đó tụi mày ở đâu?”

    Vũ Thế Thành
    Sài Gòn 27/4/2012

    (*) Rạp xi nê Văn Hoa Sài Gòn được nâng cấp, tân trang lại, có gắn máy lạnh, gần ngày 30/4/75 mới sửa xong và khai trương rạp với tên mới. Vì mới quá, nên tôi chưa kịp nhớ tên, hình như là Capitol thì phải (?). Bạn nào nhớ thì nhắc giùm. (Vtt)


    Nguồn:https://vuthethanh.com


              
Last edited by Hoàng Vân on Thứ ba 25/04/17 20:00, edited 1 time in total.
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5410
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: - 30/04/2017 - tưởng niệm 42 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Bạch Vân »

          




Nhắc nhở 30 tháng 4, ngày Vẹm vào vơ vét. Tranh Babui.

          
Last edited by Hoàng Vân on Thứ ba 25/04/17 20:00, edited 1 time in total.
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5410
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: - 30/04/2017 - tưởng niệm 42 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Chết trong tù




    (Như một nén hương tưởng nhớ các chiến hữu đã chết trong trại tù cải tạo)



    Trong các trại tù, những con bệnh thường xuyên xẩy đến. Mỗi lần có một người nào bị bệnh, các người khác gom góp thuốc lại để cứu chữa. Đến lúc này, hầu như không còn ai còn thuốc nữa. Những viên thuốc cuối cùng không đủ số lượng để cứu vãn tình trạng trầm trọng của Vũ. Hai viên thuốc sau cùng Vũ đã uống sáng nay nhưng bệnh tình vẫn không một chút suy giảm. Hơn cả một tuần nay, anh đội trưởng thường xuyên báo cáo với “ban quản giáo” trại và xin cho Vũ được lên điều trị tại bệnh viện. Lần nào bản quản giáo cũng trả lời “hiện nay không có chỗ nằm và cũng không có thuốc”.

    Trong số bạn bè quen thân chỉ có tôi và Hiệp thường xuyên bên Vũ. Hàng ngày sau giờ lao động, Hiệp phải lấy phần gạo riêng để nấu cháo cho Vũ. Hiệp và tôi vô cùng xót xa thấy Vũ mỗi ngày một kiệt sức. Đôi lúc đến tức bực vì sự bất lực của mình trước con bệnh tầm thường. Tôi và Hiệp đã bàn với anh đội trưởng lên gặp ban quản giáo báo cáo tình trạng nguy ngập của Vũ, cố xin cho Vũ được lên nằm bệnh viện nội ngày hôm nay, chứ tình trạng này Vũ không thể sống được. Mấy tên quản giáo chỉ tỉnh lờ không có chuyện gì quan trọng và chỉ hứa sẽ báo cáo với bệnh viện.

    Khi có được lệnh cho Vũ lên nằm bệnh viện anh em trong đội vô cùng mừng rỡ. Hiệp, tôi và hai người bạn nữa phải đi kiếm một vài tấm ván để làm cáng khiêng Vũ. Hì hục mãi mới gỡ được những tấm ván lót nằm, đóng vội vàng thành một tấm đủ cho Vũ nằm.

    Con đường từ trại lên bệnh viện dài hơn hai cây số. Dọc đường, những tấm ván cứ muốn rơi ra. Bốn người thay nhau vừa khiêng vừa giữ cho Vũ được nằm yên. Bốn người cũng phải vất vã lắm mới đưa Vũ đến được bệnh viện. Lúc này ai cũng cảm thấy yếu sức, vì hầu như gần hai năm nay chưa một ngày nào mà bụng cảm thấy no. Cơ thể như đang rời rã dần mòn.

    Bệnh viện trung đoàn chỉ có vỏn vẹn hai dãy nhà tôn thấp lè tè, nóng bức. Chúng tôi đặt Vũ xuống và đưa giấy tờ cho viên y tá trực. Hắn cầm tờ giấy giới thiệu của ban quản giáo đọc lui đọc tới mãi mới lật cuốn vở học trò ra ghi tên Vũ vào. Hắn nói:

    – Tên này mà Đại úy hả?… Các anh đợi nhé, bệnh này mà đưa lên đây làm gì, ở đây cũng chẳng còn thuốc gì đâu.

    Nói xong, viên y tá lơ đãng bỏ đi làm chuyện khác, dường như hắn đang lăng xăng sửa soạn ống tiêm, nước sôi, băng, bông…

    Bên cạnh bàn nhận bệnh, tôi thấy một tấm bảng nhỏ viết nguệch ngoạc hai chữ “phòng mổ”. Tôi và Hiệp rùng mình ớn lạnh. Phòng mổ được bao quanh bằng một cái mùng muỗi. Ba phía che kín bằng ba tấm nylon.

    Viên y tá trở lại chỗ chúng tôi, nhìn Vũ và bảo chúng tôi khiêng Vũ qua để ở phía cuối góc nhà, chỗ còn trống và vẫn cho nằm yên trên tấm cáng đó.

    – Để cho anh ta nằm đó, đợi chiều nay hay mai có người “xuất viện” mới có giường nằm.

    Nói xong viên y tá bỏ đi. Tôi và Hiệp ở nán lại với Vũ được giờ nào hay giờ đó. Hiệp lấy lon cháo mang theo đút cho Vũ ăn. Vũ lắc đầu:

    – Mày nhớ ngày mai mang lên cho tao thêm một cái gì để đắp. Nếu có thư của nhà tao, mày xin mang lên ngay nhé.

    Chúng tôi thấy Vũ mệt, hai mắt lờ đờ nên không muốn nói chuyện gì thêm. Số người nằm đầy giường, đủ thứ bệnh, nhiều nhất là bị thương vì dẫm phải lựu đạn hoặc mìn. Một người khác chỉ còn bộ xương vì mắc bệnh đái đường. Thấy chúng tôi, anh ra dấu cho anh ta xin một cục đường. Tôi và Hiệp lắc đầu chẳng biết nói sao.

    Khoảng một giờ sau, chúng tôi thấy một chiếc võng khiêng vào để trước phòng mổ. Người nằm trên võng rên la, máu nhày nhụa. Chân được cột lại bằng một cái áo trận rách nát. Tôi hỏi hai người khiêng võng:

    – Anh ấy bị sao vậy?

    – Bị mìn, gãy giò. Một chết còn nằm ngoài đợi đưa đi chôn.

    Những câu trả lời cộc lốc đầy vẻ sợ sệt. Chúng tôi nhìn nhau đầy thông cảm đau đớn. Mọi sự chuyện trò với nhau đều bị cấm ngặt trừ khi cùng tổ đội. Viên y tá đưa tay chỉ hai người kia di chuyển bệnh nhân vào phòng mổ và đuổi họ ra khỏi căn nhà bệnh viện. Nhìn viên y tá cầm một cái cưa vẫn dùng để cưa sắt, hơ qua lại trên ngọn lửa của một cái lò đốt bằng dầu hỏa. Hắn cầm một nhúm bông gòn lau sạch mấy mảng khói bám vào lưỡi cưa. Hiệp nhìn tôi nói nhỏ:

    – Bị cưa chân rồi!

    – Hình như đã chuẩn bị xong, viên y tá đi ra khỏi phòng khoảng mười phút sau trở lại với hai tên bộ đội khác, chúng tôi đoán là bác sĩ giải phẩu.

    Nhìn qua tấm vải mùng, tôi thấy hai tay, hai chân của bệnh nhân bị cột chặt vào thành giường. Mặt trước phủ kín bằng một tấm vải trắng. Tiếng la thất thanh não nuột như muốn đứt hơi. Tiếng lưỡi cưa đưa qua đưa lại nghe như thịt mình bị cắt, chúng tôi phải nghiến răng, rùng mình. Tiếng la hét tắt lịm có lẽ vì ngất xỉu không còn chịu đựng được nỗi đau đớn.

    Vũ mở mắt nhìn chúng tôi hỏi:

    – Gì mà la dữ vậy, đưa tao về dưới, có chết cũng được, chứ nằm ở đây chắc tao chết sớm.

    – Nói dại nào, mày ở đây hy vọng có chút ít thuốc, mày sẽ khỏi. Anh em mình không ai còn thuốc nữa cả. Nhất là thuốc trụ sinh.

    Tôi và Hiệp ra về trời đã về chiều. Buổi chiều mênh mông và hơi nóng còn sót lại trong ngày đang gay gắt. Mấy khi chúng tôi có dịp đi ra khỏi khu mình ở. Không gian bao la, tôi và Hiệp như đua nhau hít thở khí trời trong lành cho thỏa chí. Ngang qua một khoảng đất trống, lô nhô một dãy mộ mới đắp. Tôi nói với Hiệp:

    – Mình ở hoài trong này, có ngày đến lượt mình ra nằm đây, rộng rãi…

    – Tao thấy những thằng đã nằm xuống đây là sung sướng là xong hết mọi chuyện, khỏi phải chịu đói chịu khát, khỏi phải “lên lớp” nghe bọn lãi nhãi nhức đầu nhức óc. Chỉ tội nghiệp vợ con cha mẹ ở nhà đang từng ngày từng giờ mong đợi lo âu.

    – Chưa gì mày đã bi quan rồi.

    Đúng ba ngày sau, được tin Vũ đã chết, anh em trong đội rất xôn sao. Nổi buồn và lo âu phủ trùm xuống số phận những người còn lại. Tôi đứng ngây người hình dung lại khuôn mặt của Vũ.

    Chiếc hòm được chắp ghép bằng những tấm ván ép vụn tháo gỡ từ các thùng đạn cũ. Hai tấm lành duy nhất tháo ra từ cánh cửa. Một tấm lót dưới và một tấm lót phủ trên.

    Tôi, Hiệp và bốn anh em nữa tình nguyện lo an táng Vũ. Chúng tôi không có một tấm vải để liệm. Một bộ áo quần còn sạch mặc vào cho Vũ, kèm thêm ba lá thư của vợ Vũ. Một lá thư mới nhất đã bị ban quản giáo bóc ra. Ở đây, chúng tôi đều biết nội dung tất cả từ gia đình gởi lên đều giống nhau. Nhưng khi được thư ai cũng mừng rỡ vì biết được người nhà vẫn còn sống. Gia đình cũng biết rõ việc thư từ bị kiểm duyệt gắt gao cho nên không dám viết gì đến việc làm ăn hay thay đổi cuộc sống gia đình. Tôi thoáng đọc mấy dòng chữ nghe sao mà xót xa đau đớn:

    – Anh cố gắng học tập tốt, lao động tốt để sớm trở thành người lương thiện, sớm trở về sum họp với em và con. Em và con đang mong đợi anh từng ngày từng giờ…

    Những lời trong thư của vợ Vũ làm tôi nhớ đến Tuấn. Hôm vừa rồi lên hội trường học tập, cho anh em phát biểu, Tuấn đã phát biểu châm biếm chua cay trước mặt mấy tên quản giáo:

    – Sao con vợ tôi từ ngày nó được “giải phóng”, nó ngang ngược khốn nạn quá. Nó viết thư khuyên tôi học tập tốt để trở thành người lương thiện. Nói như vậy nó chửi cha tôi không bằng, nó ám chỉ từ trước đến giờ tôi là thằng bất lương. Tình nghĩa vợ chồng là tình nghĩa bất lương. Bây giờ nó được “Cách mạng” giáo dục kỹ, nó trở mặt dạy bảo tôi như thế…

    Tuấn nói xong, hàng tràng pháo tay vang dậy hội trường. Anh em ai cũng khen Tuấn can đảm. Những tên quản giáo lặng thinh cũng bởi chưa hiểu kịp. Hôm sau, Tuấn bị gọi lên và chuẩn bị hành trang đến đơn vị mới Côn Sơn.

    Sáu người chúng tôi hì hục đào xong huyệt, không cầm được nước mắt trước quan tài Vũ. Những nắm đất đưa tiễn ngập ngừng. Một con người đã bao năm hy sinh chiến đấu cho lý tưởng tự do, không ngã gục trên chiến trường, nay lại chết đau đớn lặng lẽ trong cõi tù đày.

    Hiệp đứng nghiêm trang nói:

    – Vũ, mày chết tao đau đớn lắm. Mày còn linh thiêng phù hộ cho vợ con mày sống hạnh phúc, khỏe mạnh…

    Sau cái chết của Vũ, cả trại xôn xao náo động. Cái bệnh tầm thường nhưng ở đây rất đáng sợ: Bệnh kiết lỵ. Từ phòng này bước qua phòng kia ai cũng bàn tán thứ bệnh đang lan tràn. Người đã bị bệnh và người chưa bị bệnh đều phập phồng lo sợ, mọi người như lên cơn sốt, cả trại tù Trảng Táo này đang lên cơn sốt vì con bệnh dễ truyền nhiễm này. Gần một trăm dãy nhà san sát, trong mỗi dãy nhà chứa cả trăm người. Mỗi người phải tự ép mình thu gọn trong bốn gang tấc, làm sao không khỏi bệnh. Bị bệnh mà không có thuốc chữa, người bệnh và người không bệnh vẫn chen chúc nhau từng chỗ nằm. Con số bệnh đã lên đến hơn một nữa.

    Đến lúc ai cũng như lì đi, kẻ có mắc bệnh cũng chả sao, chết như Vũ là cùng.

    Những căn nhà vệ sinh lộ thiên cách nhà ở không quá hai trăm thước. Hàng đàn ruồi xanh ngập các phòng. Rau muống luộc là món ăn duy nhất hàng ngày hàng bữa, lại được tưới bằng nước phân lấy từ hầm cầu. Người nào cũng rán lắm mới nhất định chỉ ăn muối rang, chịu đựng cho qua mùa dịch.

    Những con người biết mình đang bị giết chết lần mòn nhưng cũng phải cầm cự chiến đấu, vẫn nuôi hy vọng, nuôi sự sống…

    Phan Việt Thuỷ



    Nguồn:https://sangtao.org



              
Last edited by Hoàng Vân on Thứ ba 25/04/17 19:59, edited 1 time in total.
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20030
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: - 30/04/2017 - tưởng niệm 42 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          






[/audio]
Sài Gòn ơi vĩnh biệt
& Người di tản buồn

Nam Lộc - Bạch Vân



          
Last edited by Hoàng Vân on Thứ ba 25/04/17 19:57, edited 1 time in total.
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5410
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: - 30/04/2017 - tưởng niệm 42 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Nước mắt, nước biển và Thuyền Nhân Việt




    Chiều hôm ngày 30 tháng 3, chúng tôi, 56 người, gặp nhau ở một phi trường nhỏ trong một tỉnh nhỏ, có tên là Hatyai, của nước Thái Lan. Trong 56 người, chỉ có 4 người: vợ chồng tôi, Trùng Dương, anh Michael ở Texas làm cho đài Truyền Hình Saigon-Houston không phải thuyền nhân. Số đông thuyền nhân tham gia là các anh chị đến từ Úc Châu và rất nhiều người đã từng đi Songkla và Bidong hai, ba lần. Anh chị Dương Phục và Vũ Thanh Thủy cũng là thuyền nhân nhưng đây là chuyến đi đầu tiên của anh chị đến đảo Kra. Cô Ngọc Ân, phóng viên của đài Little Saigon-Radio, Kim Hoàng và Chấn Hồng của đài VietFace TV từ Úc cũng có mặt trong chuyến đi này.

    Chúng tôi may mắn có ba Linh Mục , Cha Nguyễn Hùng đến từ Đài Loan, cha Phạm Hồng từ Úc và Phạm Tâm (cũng còn là Bác Sĩ Y Khoa) đến từ Houston, Hòa Thượng Thích Huyền Việt đến từ Houston, Thầy Tây Tạng Geshe Gawa đến từ Úc.

    Trong nhóm còn một Bác Sĩ trẻ nữa là Kenneth Nguyễn đến từ California.

    Trại Tỵ Nạn Songkla

    Chuyến hành hương đầu tiên của chúng tôi, bắt đầu trở lại thăm nền trại tỵ nạn Songkla. Từ thành phố ra tới địa điểm đó khoảng một tiếng lái xe.

    Xe đi ra ngoại ô qua những vùng trồng mía, xoài và rất nhiều cánh rừng trồng cây cọ (Palm) dùng cho việc thủ công nghệ. Nhà cửa giống hệt những vùng quê Việt Nam thời chưa đổi mới. Cũng nhà tôn, nhà lá, thỉnh thoảng chen vào một ngôi nhà ngói, bên cạnh bụi chuối, cây hoa sứ. Cũng những con chó trước cửa sủa bâng quơ, những con gà trống nghiêng đầu ngơ ngác, thằng bé ở trần vừa chạy vừa ngã. Chiếc xe như mang chúng tôi trở về quê xưa ngày cũ.

    Chiếc xe ca chở hơn 50 người đậu lại, biển xanh trước mặt, nắng gắt trên đầu. Mắt mở to, mọi người xôn xao chỉ tay về phía bên phải.

    Cứ đi vào đây, hướng này đúng rồi. Sẽ thấy cái giếng.

    Cái giếng mấy năm trước tôi trở lại còn thấy, bây giờ đã bị biển xâm thực rồi. Biển đã mang thêm cát vào, đã chôn mất miệng giếng, nhưng còn cây đa. Chính nơi này là trại tạm cư cho thuyền nhân chờ được định cư ở đệ tam quốc gia. (mặc dù cây đó trông giống một cây thùy dương hơn là cây đa. Có thể họ muốn gọi như thế để có một chút hơi hướm quê nhà) .

    Vùng bờ biển, nền lều trại dựng ngày trước đã được dọn sạch không còn vết tích, một con đường trải nhựa, chạy song song với biển đã như có sẵn tự bao giờ. Chúng tôi tới gốc cây đa đó, vẫn thấy dấu thờ cúng chưa cũ lắm, có bát cơm đổ nghiêng ngả, hạt cơm vừa khô, có nhang đèn vứt lăn lóc, những bức tượng đổ vỡ, những đồ thờ cúng kiểu Thái cái gẫy, cái bể.


    Tác giả và Miếu Thờ ở Songkhla. Hình: Trùng Dương

    Ba linh mục và nhà sư kêu gọi mọi người tụ họp lại cùng thay nhau đọc kinh, tụng niệm.

    Nhang được thắp lên, nước mắt thi nhau ràn rụa. Tên Chúa, tên Phật được thốt trên môi mọi người, để cầu cho người chết , kẻ lưu vong. Sau phần tụng niệm, cha Hồng bắt đầu giọng cho mọi người hát theo.

    Giữa buổi trưa nắng chang chang, không một ngọn gió, tiếng hát của hơn năm mươi người hát vang vang như muốn át tiếng sóng biển đang đập vào bờ:

    • Tự Do ơi Tự Do, tôi trả bằng nước mắt

      Tự Do hỡi Tự Do, anh trao bằng máu xương

      Tự Do ơi Tự Do, em trả bằng thân xác

      Vì hai chữ Tự Do, ta mang đời lưu vong

      (Nam Lộc)


    Mọi người xúm lại chụp hình. Các anh, chị làm phát thanh, truyền hình bắt đầu công việc của mình. Có người đi tách ra riêng một chỗ thì thầm với biển, với dĩ vãng, với kỷ niệm.

    Bao nhiêu người đã được định cư ở nơi êm ấm? Bao nhiêu xác đã trôi giạt vào bãi bờ này?

    • Nước mắt, nước biển, trôi đi hai hàng oan nghiệt

      Tóc bạc, tóc xanh, chìm sâu một khối tủi hờn.


    Tôi cúi xuống vốc lên một nắm cát, nhặt một chiếc vỏ ốc đã vỡ, quay lưng lại với biển, chân thấp chân cao, vừa đi vừa lau nước mắt.

    Nơi đây cũng đã dánh dấu bao cuộc tình tỵ nạn. Gặp nhau như rong rêu giạt vào bờ, bám lấy nhau rồi lại phải buông nhau ra vì mỗi người phải đi định cư ở hai nơi khác nhau, hay người đi người vẫn ở lại ngóng trông. Tương lai là một trang giấy trắng chờ tay ai vẽ xuống.

    Chúng tôi rời bãi này để tới một bờ khác.

    Tha Sala và 11 Cô Gái Việt

    Trưởng nhóm, anh Hùng Lê cất tiếng:

    Bây giờ Hùng đưa các cô chú đến thăm đền thờ Mười Một Cô.

    Đó là chuyện 11 cô gái Việt, không một mảnh áo quần, bị trói cổ vào nhau, thả nổi trên biển. Xác các cô trôi tới bãi Tha Sala này, được người địa phương thương tình vớt vào chôn cất. Ai nghe cũng phải xót thương, rùng mình, uất hận.

    • Những nàng thiếu nữ như hoa đỏ

      Một sớm theo nhau bước xuống thuyền

      Hoa bỗng rơi ra từng cánh mỏng

      Thả vào lòng biển máu oan khiên


    Tha Sala không chỉ vớt Mười Một Cô, Tha Sala còn vớt thêm bao nhiêu cái xác trôi đơn lẻ, trôi hai ba, trôi năm bẩy, giạt vào bờ.

    Người đàn bà Thái khoảng 60 tuổi, gia đình hiện sống trên bãi đã lập một miếu thờ cho những vong linh này. Mỗi ngày bà mang ra miếu một bát cơm trắng, một chén nước lạnh và mấy cây nhang.

    Đây là câu chuyện của bà: Khi gia đình bà tới ở trên bãi này thì vẫn còn rất hoang vu. Họ đào đất dựng nhà, chạm phải nguyên một chiếc thuyền chôn sâu trong cát. Họ tin là thuyền của người vượt biển bị đắm, sóng đánh vào và cát phủ lên. Bà cũng theo người lớn tuổi hơn ra biển mỗi lần có xác giạt vào. Khi đó tuổi của bà, khoảng tuổi các cô con gái Việt này. Gia đình bà dựng một ngôi đền nhỏ thờ vong linh của thuyền nhân và 11 cô gái. Chiếc thuyền cứ thế để nguyên trước cửa đền. Theo năm tháng, biển xâm thực và bão tố, ngôi đền chỉ còn lại cái nền vỡ và cái thuyền chỉ còn lại một mảnh ván dài, nhưng bà vẫn cơm trắng, nước lạnh và thắp nhang mỗi ngày.

    Người Việt bị người Thái giết, thì cũng chính người Thái thờ cúng những oan hồn người Việt. Có phải đó là sự đền bù của đất trời không?

    Sau Tha Sala, chúng tôi được đưa tới một địa điểm gần bờ biển phía lên đảo Koh Kra.

    Nơi dừng chân là chùa Wat Samphreak, trong chùa còn có một ngôi trường Tiểu Học. Tối hôm đó chúng tôi được ngủ lại trong chùa. Chúng tôi trải chiếu của nhà chùa, nằm bình an trong chánh điện, dưới chân những tượng Phật. Tôi trăn trở vì nóng, vì muỗi hay vì câu chuyện thương tâm của mười một cô gái bất hạnh. Nghe nói tuổi của các cô khoảng từ 19 tới 23. Ôi cái tuổi tinh khôi, mơ mộng và tràn đầy ước vọng!

    • Biển gọi em hay em gọi biển

      Sóng đang reo sao bỗng khóc gọi hồn.


    Nước mắt tôi ứa ra, trái tim tôi thổn thức. Tôi thương các em, thương cha mẹ các em, thương cho dân tộc tôi quá đỗi! Chúa ở đâu? Phật ở đâu?

    Lên thuyền ra đảo Koh Kra

    Bốn giờ sáng ngày mồng 1 tháng 4, từ bãi của làng chài lưới Hua Sai, thuộc Nakhar Si Thammarat, cách đảo Koh Kra 80 cây số, chúng tôi lên thuyền ra biển đi tới đó.


    Tại bãi biển.


    Trên bãi biển tiếng gọi nhau khe khẽ, tiếng chân trên cát, ánh đèn pin lóe lên, dắt tay nhau, chúng tôi leo lên những chiếc thuyền tam bản của dân đánh cá Thái Lan, thuyền không mui, chạy bằng máy đuôi tôm.

    Sao đi sớm thế?
    Giờ này biển êm, không có sóng
    Chạy bao lâu thì tới?
    Khoảng hơn 3 tiếng


    Ngồi sát vào nhau, tám người một thuyền. Bắt đầu tách bờ tiến về đảo Koh Kra.

    Có tiếng nói khẽ cất lên:

    Hồi đi vượt biên, chúng em đi bằng thuyền nhỏ như thế này, gọi là taxi, đưa ra ngoài có thuyền lớn hơn đón.
    Nhưng hồi đó phải ngậm miệng, không được nói, và rất sợ bị bắt lại, cộng thêm nỗi sợ bão biển, sợ hải tặc và chúng em chẳng ai có áo phao mặc như thế này.


    Tôi ngồi co rúm người lại, thuyền đang chạy, nước biển bắn tung tóe lên mặt, những hạt muối mặn trên môi. Trời vẫn tối chưa nhìn tỏ mặt nhau. Biển mênh mông, biển tối om, tôi bắt đầu hiểu mang máng thế nào là nỗi sợ của người vượt biển. Nếu thuyền lật bây giờ, cũng khó lòng mà tìm cứu được nhau trong bóng tối. Đây thực ra mới là vịnh chưa ra tới biển.

    Trời dần sáng. Lên tới bãi san hô của đảo Koh Kra thì sáng hẳn. Bờ biển này không có cát, chỉ toàn những mảnh san hô, nên không thể đi chân trần được. Năm 1979 đã có tới hơn 2000 thuyền nhân bị hải tặc nhốt giam ở đây. Vợ chồng chị Vũ Thanh Thủy và anh Dương Phục cùng nhóm gần 200 người đã trốn hải tặc 21 ngày đêm ở đây. Những con thú mang hình người đã hành hạ thuyền nhân Việt ở mức độ dã man ngoài sự tưởng tượng của một đầu óc bình thường.

    Hàng ngàn người đã bị hải tặc giam cầm trên đảo này, con số người chết ở đây không ai biết rõ là bao nhiêu? Bao nhiêu phụ nữ đã bị hãm hiếp, bao nhiêu người chồng, người yêu, cha mẹ, anh trai, bất lực và bất hạnh trước thảm nạn dưới tay hải tặc. Chỉ có Trời mới biết con số chính xác này.

    Những cô gái nạn nhân này chịu nhiều khổ hạnh khác nhau. Có người bị bắt đi luôn không biết còn sống hay đã chết. Nếu sống, họ có còn muốn tìm về gặp lại những người thân yêu nữa hay không? Hay họ tự coi như cuộc đời cũ đã chấm hết, đã xóa tên họ. Họ đã chấp nhận sống hai đời trong một kiếp.

    Có người khi được cứu đã mang thai nhưng họ can đảm không bỏ đi giọt máu oan khiên đó, nó là một phần xương thịt họ. Họ mang con đến một nơi khuất lấp, xa lánh cộng đồng Việt, không gặp những người thân và tự nuôi con. Họ là những người mẹ vượt lên trên tất cả mọi thử thách mà định mệnh đã đặt vào họ.

    Có cô gái chọn nhảy xuống biển chết thay vì bị hải tặc hiếp, nhưng số phận không cho cô chết, cô sống kẹt trong một khe đá, cô đói, khát, lạnh và bị cá tôm rúc rỉa hai chân cô trong 21 ngày. Khi cứu được cô ra, người ta nhìn thấy hai ống xương chân không da thịt.

    Tôi đau đớn tự hỏi: Nước mắt nào khóc rửa được những vết thương này.

    • Nghe bước chân mình trên đá nhọn

      nghe trăm gai sắc nhói trong tim

      nghe sóng biển đập vào lồng ngực

      nghe em gào khóc nỗi oan khiên.


    Còn bao nhiêu câu chuyện nữa chưa được kể ra. Những người sống sót không ai muốn nhắc lại ký ức đau thương ấy. Họ im lặng, lãng quên đi hay thậm chí đã mất trí nhớ sau những tai nạn khốc liệt cho cả tâm hồn và thể xác ấy.

    Tác giả Dương Phục và Vũ Thanh Thủy đã ghi lại trong hồi ký cả ngàn trang “Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biển” của anh chị một phần nào những thảm cảnh trên đảo Koh Kra, những thảm cảnh mà Việt Nam và Thái Lan ngày nay đều cố tình phủ nhận và lẩn tránh. Tinh thần trách nhiệm và liêm sỉ của một quốc gia là chiếc hộp đen cả hai nước đều né tránh không muốn mở ra, nhìn lại.

    Mỗi người bắt tay vào mỗi việc. Căng lều tập thể, căng lều cá nhân. Người lo dựng tượng Phật, tượng Đức Mẹ, Thánh Giá . Chúa thì phải lắp từng mảnh vào với nhau. (Những tượng này và vật liệu cần thiết đã được anh trưởng nhóm và một vài anh mang tới trước mấy hôm). Người lo mắc võng cá nhân, người lo treo những chiếc đèn lồng từ thân cây này sang thân cây kia. Sửa soạn sẵn cho một đêm hoa đăng trên đảo.

    Chúng tôi xếp ra từ trong hộp những tấm mộ bia có khắc ghi tên tuổi thuyền nhân và những tấm khắc lời tưởng niệm (Được anh trưởng nhóm đặt mang từ Việt Nam sang), sửa soạn gắn những bia này chung quanh một bức tường tượng trưng cho khu nghĩa trang.

    Buổi trưa nắng qua nhanh. Mỗi người được ăn trưa một tô mì gói, trước khi gạch, xi măng được chuyền tay nhau vác lên đồi tôn giáo. Một số người xuống tắm biển, có người leo lên thuyền trở về đất liền mua thêm vật dụng.

    Công việc dựng tượng mới làm được một phần.

    Buổi chiều, mọi người còn đang tất bật thì có hai chiếc thuyền tuần duyên từ đâu rẽ sóng tới, bốn năm người lính Thái có vũ trang nhảy vào bờ. Cô bé Nhung thông ngôn thiện nguyện (sống ở Thái) được gọi ra để trả lời những câu hỏi. Lính Thái bắt chúng tôi chia ra làm hai hàng, bên nam, bên nữ. Chúng tôi vội cho người đi mời mấy vị sư Thái (hiện tu hành trên đảo) xuống, cắt nghĩa rõ ràng là chúng tôi đến dựng tượng và thăm mộ thân nhân. Đất Thái là đất Phật, đi đến mỗi góc đường đều có am, miếu, thờ cúng, nên người dân Thái rất nể trọng các vị sư. Họ bắt chúng tôi cầm thông hành của mỗi người lên ngang mặt để họ chụp hình trước khi họ xuống thuyền. Sau khi nói chuyện với các nhà sư xong họ mới chịu xuống thuyền, rời bãi.

    Khi họ đi rồi, một nỗi hoang mang dậy lên trong lòng những cựu thuyền nhân: Họ nói, không ai có thể biết được hải tặc có thông đồng với lính tuần duyên hay không? Nhưng chúng ta nhờ có các sư và hiện mang thông hành ngoại quốc nên tương đối an toàn.

    Buổi chiều, cơn mưa to ập xuống, dù lều được dựng dưới những tán lá cây, nước mưa vẫn làm ướt đầm chúng tôi. Khổ nhất là công việc dựng tượng và gắn bia cho người đã chết không tiến hành được, cả những tấm ghi dòng tưởng niệm, cũng phải xếp vào thùng. Nhang đèn, gạch, xi măng, phải che chắn lại. Đêm “Hoa đăng tưởng niệm” như dự tính đã không thành.

    Buổi tối vẫn còn mưa. Trong tình cảnh, dưới lưng là những mảnh san hô lớn, nhỏ, mấp mô, rồi nước chảy vào thành từng vũng, quần áo, dày dép ướt sũng. Nhưng các anh em cũng kéo nhau ra lều tập thể hát dưới những giọt mưa.

    Tiếng hát hòa đồng với tiếng mưa. Trong ánh lửa nến nhỏ nhoi xoi không tỏ mặt người, họ hát cho nhau nghe, cho hồn ma bóng quế cùng nghe.

    Có hay không! Những hồn ma bóng quế đang rủ nhau cùng về ngồi trong lều với những người đồng hương của mình?

    Đêm vẫn rào rào đổ mưa xuống, nhóm 8 người chúng tôi, nằm giữa một tấm bạt to, gấp đôi lại, nửa trải dưới đất, nửa căng trên đầu, buộc hai góc bạt vào hai thân cây. Frank nằm sát ngoài cùng phía bên phải lều, rồi Tú, Trâm, Nguyệt, Trùng Dương, Thủy, Phục và ngoài cùng là Cha Tâm bìa bên trái. Tội nghiệp Cha Tâm và Frank là hai người nằm ngoài bìa lều, ướt như chuột từ đầu tóc, quần áo, đến giày dép.

    Chắc chắn những nhóm khác, trong những chiếc lều nhỏ kiểu cắm trại, cũng ướt không kém gì chúng tôi. Nhưng may, sáng ra trời tạnh, phải dậy thu dọn và ra lều tập thể ngay để làm lễ liên tôn cho các vong linh trên đảo.


    Lễ Cầu Siêu Trên Đảo Koh Kra.

    Các vị chủ tế cùng mọi người cùng quay lưng ra biển, mặt hướng về phía trong đảo, nơi có những nấm mồ của hơn 100 thuyền nhân được biết và thêm bao nhiêu mồ không được biết đích xác, được chôn vùi từ những ngày tháng đó của mấy ngàn thuyền nhân bị hải tặc lùa vào đây.

    Chương trình hành lễ được Cha Tâm đề nghị, bắt đầu làm lễ với các Sư Thái đang ở đảo được mời tới cử hành đầu tiên bằng tiếng Phạn, sau đó đến Hòa Thượng Thích Huyền Việt và phần cuối là Cha Hùng, Cha Tâm Cha Hương chia nhau dâng lời nguyện.

    Vừa xong hai phần về Phật Giáo, tiếng các Cha bên Công Giáo chưa cất lên thì có tiếng hốt hoảng gọi vào lều.

    Xin chấm dứt và sửa soạn ra về ngay, vì có tin báo bão sẽ tới lúc 3 giờ.

    Mọi người hấp tấp đứng dậy chạy ra khỏi lều để thu dọn hành lý, riêng các Cha, Hòa Thượng và những người Công Giáo vẫn ở lại.

    Cha Hùng vừa cất tiếng lên đã nghẹn ngào:

    Giữa biển khơi lồng lộng gió bốn phương

    Chúng tôi những người sống sót trong cuộc chiến tranh huynh đệ đau thương, cùng nhau về đây chiêu hồn lưu xứ.

    Xin những đấng tối cao mở lòng đón nhận, vớt lên giữa bọt sóng lênh đênh những oan hồn, uổng tử.

    Xin hãy mang hồn vào giấc ngủ ấm yên

    Vòng tay Đức Mẹ, vòng tay Phật Bà xin hãy là những tấm khăn mềm thấm khô ngàn máu lệ.

    Chúng tôi cúi đầu gửi lời kinh tiếng kệ

    Tiếng chuông tiếng mõ gọi hồn về.

    Giọng Cha trầm trầm, bi thương, nghẹn ngào, Cha đọc hết bốn trang bài “Văn Tế Muộn Màng.”

    Rồi các Cha thay nhau đọc tên từng người trên những mộ bia mới làm. Sóng cứ nhô cao, bão cứ tới, mọi người vẫn bình tâm với những dòng kinh nguyện.

    • Chính lúc thứ tha là khi được tha thứ

      Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời

      (Kinh Hòa Bình-Thánh Francis)


    Chiếc lều cuối cùng được kéo xuống, gấp lại, gấp cả những giọt nước mưa còn đọng đêm qua. Tôi lấy tay quẹt trên giọt nước, nếm thấy mặn như những giọt lệ.

    Những chiếc thuyền tam bản, không mui, rẽ sóng trở lại đất liền. Trời không nắng, âm u, nước biển bắn tung từng đợt lên mặt mũi, quần áo. Trưởng nhóm Hùng khóc rưng rức nhìn hòn đảo Koh Kra chìm dần vào những đám mây đen đang từ từ kéo tới. Anh khóc vì nhiệm vụ chưa hoàn tất. Chúng tôi phải mỗi người nói một câu an ủi anh, nhưng thật sự trong lòng chúng tôi cũng đang thổn thức. Mây đen kéo mỗi lúc một dầy sau lưng chúng tôi, hòn đảo như chìm từ từ xuống biển, tiếng kêu của những vong linh không vọng được lên trên tiếng sóng. Hòn đảo như biến mất, giữa kẻ chết và người sống một đường vạch dài và đen chia đôi.

    Bidong và Những Ngôi Mộ Tập Thể Ở Mã Lai

    Xe ca đi từ Thái Lan sang Mã Lai, mất 8 tiếng, qua những chặng đường biên giới, phải làm thủ tục nhập cảnh. Chúng tôi tới Mã Lai thì đã trời chiều.

    Phụ nữ ở đây đa số mặc quốc phục nhiều màu sắc, khăn chùm đầu của họ rất đẹp, đủ màu, đủ kiểu quấn khác nhau chung quanh khuôn mặt. Bạn tha hồ ngắm mắt môi và nguyên khuôn mặt thân thiện, hay cười của họ. Hiếm hoi lắm mới thấy một vài bà đứng tuổi quấn mình kín mít trong tấm vải đen chỉ để lộ hai con mắt đủ nhìn bước chân mình. Đàn ông cũng thân thiện không kém, ông tài xế taxi hay nói về đời sống gia đình cho bạn nghe, về việc họ vẫn cầu nguyện năm lần một ngày, mỗi lần bảy phút.

    Mã Lai là nước đã nhận gần 300 ngàn người tỵ nạn Việt Nam trong hai thập niên 1975-1995. Những thuyền nhân đi trong nhóm kể lại: nạn hải tặc Mã ít hơn hải tặc Thái rất nhiều. Lính Mã ban đêm có vào trại kiếm những cô vừa mắt mang về làm vợ, không ai can thiệp được. Nhưng lính Mã không hiếp phụ nữ và giết người ngay trước mặt mình.

    Mã Lai cũng là nơi có nhiều xác thuyền nhân tạt vào bờ nhất nên cũng là nơi duy nhất có nhiều mộ tập thể. Những người bạn thuyền nhân trong nhóm nói có khi thuyền gần vào tới bờ vẫn bị lật như thường, người đến trước trên bờ có thể nhìn thấy người chết chìm trước mặt mà không làm gì cứu được. Về sau được người địa phương cho biết là khúc biển gần vào đến bãi, dọc biển đó có nhiều vũng xoáy, có khi thuyền vào trúng chỗ xoáy mà không biết, gặp biển êm thì thoát, khi biển lúc đó động thì chỗ xoáy hút thuyền vào, thuyền lật, không cách nào cứu được. Đó là trường hợp của rất nhiều chiếc thuyền đã nhìn thấy bờ mà không vào được bến.


    Viếng Ngôi Mộ Tập Thể Đầu Tiên Ở Kelanta.

    Mã cũng là quốc gia duy nhất có nhiều mộ tập thể của thuyền nhân, có đầy đủ lý lịch, vì họ chết gần bờ.

    Ngôi mộ tập thể số 1 chúng tôi tới ở Balai Bachock thuộc tỉnh Terengganu, mộ đó có 46 người, trong đó có 3 em nhỏ.

    Lần đầu tiên trong đời người, đứng trước một ngôi mộ tập thể. Ngôi mộ chơ vơ trên đồng đất nước người với những cái tên Việt Nam, tôi không cầm nổi lòng mình, nghe nôn nao, quặn đau trong ruột, nước mắt ràn rụa. Từ bao lâu nay chỉ nghe tiếng “Thuyền Nhân” chỉ nhìn “HìnhThuyền Nhân”, cái thương cảm đó có đấy, nhưng chỉ thoáng ngậm ngùi như vết xước ngoài da. Phải tới đó, trên một đất nước xa lạ nhìn thấy nấm mộ đó mới hiểu được tình người trong một nước nó sâu đậm đến đâu, mới hiểu rõ hai chữ “Đồng Bào” cùng một cội nguồn dân tộc với nhau. Mình bỗng chốc thấy thương dân, thương nước mình quá đỗi! Vì đâu, vì ai , vì nghiệp lực nào mà chết thảm, chết khổ, đến thế này! Cá nhân mình có lãnh một phần trách nhiệm nào trong đó không?

    Nhang, nến, thắp lên, lời kinh hòa đồng, Phật, Chúa có nhìn xuống chúng sinh không?

    Tôi nghĩ tới lời Sư Huyền Việt nói với tôi: Nghiệp lực làm khổ nhau. Cái khổ phải xảy ra một lần trong cuộc đời và cái khổ vẫn tiếp tục xảy ra.

    Ngôi mộ thứ hai tại Cherang Ruku, cách nơi này không xa còn to hơn nữa, còn nhiều người hơn nữa, nó cho ta cái cảm tưởng đây là một cái nghĩa trang nhỏ chứ không phải là một nấm mồ. Mộ chôn 123 người, sau nhận thêm 5 người nữa chôn ở nơi khác được đưa về. Tổng cộng là 128 người. Những ngôi mộ tập thể đã được chôn chung như thế nào? Đây là lời kể của bà vợ ông Alcoh Wong Yahao (Sẽ nói đến vị ân nhân này sau)

    “Chúng tôi xếp xác từng lớp, không phân biệt nam nữ, tuổi tác. Cứ một lớp xác người xếp lên một lớp khăn liệm, rồi lại tiếp một lớp xác người khác, trên cùng chúng tôi đặt một lớp ván ép, rồi xúc đất đổ lên. Thế là thành một ngôi mộ lớn.

    Ngôi mộ thứ hai này và ngôi mộ thứ nhất với 46 người, cộng thêm 5 người mang tới sau, họ cùng đi với nhau trên chiếc tàu khởi hành từ Mỹ Tho, tên tàu là MT- 065, khỏi hành ngày 1 tháng 12, tới gần biển Mã Lai ngày 4 tháng 12 thì bị lật chìm. Tổng số người đi trên thuyền là 300 người.


    Mộ Tổng Cộng 128 Người.


    Chúng tôi cúi đầu khấn nguyện Chúa, Phật, cầu xin các vong linh về chứng giám cho lòng thành của chúng tôi. Chúng tôi, những phụ nữ dựa vào vai nhau mà đẫm lệ.

    Sau đó cha Tâm đề nghị mỗi người cầm nhang đi chung quanh ngôi mộ cắm xuống. Mỗi nén nhang có mang theo những giọt nước mắt.

    • Hỡi hồn bập bềnh trên biển

      Về đây nghe lời kinh an

      Trăm ngàn mảnh hồn ướt sũng

      Muối nào trong lệ không tan.


    Mắt Nào Không Lệ Chảy.


    Đừng khóc vội, tôi xin kể một câu chuyện liên quan đến nấm mộ to như một nghĩa trang nhỏ này.

    Trong mấy ngày hôm sau khi chúng tôi đi thăm những nghĩa trang có chôn rải rác thuyền nhân, tôi thấy xuất hiện trong đoàn một thanh niên rất trẻ, tôi hỏi chuyện làm quen, khi em giúp nắm tay tôi dắt bước qua những mô đất. Em tên là Alex Trần, 28 tuổi, em đi thăm mộ ông bà ngoại và các chú, bác, của mẹ em. Vì thời khóa biểu không trùng hợp với nhóm nên em đến chậm một đôi ngày, em phải đi thăm ông bà ngoại một mình.

    Tại sao mẹ không đi với con?
    Mẹ sợ , mẹ không dám nhìn lại.


    Em nói tiếng Việt rất giỏi, rất lễ phép, chứng tỏ em được lớn lên trong một gia đình tốt. Em kể:

    Gia đình của mẹ con, tất cả 18 người đi trên chiếc tàu MT-065 này. Lúc đó mẹ con là một cô bé 12 tuổi, dì của con lên 10. Khi tàu lật, họ kẹt trong khoang, dì con 10 tuổi dùng đầu đập vào cửa kính thuyền, hai chị em chui được ra bên ngoài. Cả hai chị em cùng không biết bơi, ngất xỉu. Sóng đánh họ giạt vào bờ, được cứu sống. Cả gia đình chết 13 người, còn lại 5 người trong đó có mẹ con, dì con và ba người họ hàng.

    • Em thơ dại sao mà em may mắn

      Cả một thuyền chết hết chỉ còn em


    Sau đó hai chị em được một gia đình Mỹ bảo trợ, nuôi ăn học, cho tới lúc lập gia đình. May mắn gia đình đó ở Orange County, California ngay trung tâm của người Việt nên hai cô bé đó đã vẫn giữ và nói tiếng Việt. (Khi làm mẹ, cô cũng cho con đi học tiếng Việt).

    Hai chị em cô bé này quả thật trong bất hạnh có lồng may mắn. Hai cô được cha mẹ Mỹ cho đi học tiếng Việt và lớn lên với cộng đồng Việt.

    Nhìn cậu thanh niên khôi ngô, đĩnh ngộ, lớn lên ở Mỹ, nói tiếng Việt rõ ràng, lễ phép trong một gia đình có hoàn cảnh như thế, tôi thấy mình không khóc được nữa. Tôi đứng sững nhìn cậu, nghe cậu kể lại câu chuyện nhiều lần (vì nhiều người hỏi). Tôi hình dung ra mẹ và dì của cậu như những viên ngọc lăn rơi xuống từ những mỏn đá cao và sắc mà không hề xây xát. Không có viên ngọc nào có thể đẹp hơn nữa.

    Tôi nghĩ đến đôi ngày vừa qua, khi cậu một mình đứng trước ngôi mộ tập thể, cậu chạm tay mình lên trên tên ông bà ngoại, tôi biết chắc cậu đã khóc bằng đôi mắt của mẹ mình.


    Một Mộ Bia Tập Thể Của Người Việt Trên Đất Mã Lai.


    Người Chủ của Những Ngôi Mộ Thuyền Nhân

    Một khu nghĩa trang của người Hoa cũng ở Terengganu với những ngôi mộ xây theo hình vòng cung như cái bào thai của người mẹ (Người Hoa nói đó là tượng trưng cho ta trở về nơi ta đã từ đó ra đi) Trong nghĩa trang này có 4 khu A, B,C,D. Khu A có hơn 400 thuyền nhân được chôn ở đây. Khu B,C,D có hơn 200. Mộ chôn rải rác, khi thì một người, khi thì ba hay bốn người, tùy theo có bao nhiêu giạt vào bờ lúc đó. Có mộ thấy lên tới bảy người, mười người.

    Hỏi anh Lưu Dân, một thuyền nhân ở Úc đã tổ chức tới đây nhiều lần, có gia đình nào về lại Mã Lai cải táng thân nhân đem đi không? Anh nói, có một người đã làm được. Nhưng người Mã ở thành phố này, không muốn cho người Việt đến cải táng mang đi. Họ nêu ra ba lý do:

    Thứ nhất, đã chết ở Mã là người Mã.

    Thứ hai, mộ ở đây lâu năm đã thành mộ bạn.

    Thứ ba, nếu người Việt ai cũng cải táng thì đâu còn ai tới thành phố này (Terengganu là một thành phố cần du khách)


    Cha Tâm mặc áo lễ, dâng bánh Thánh ngay trong nghĩa trang này. Tôi và Vũ Thanh Thủy, Ngọc Hân cùng cất tiếng hát: Chúa nhân từ xin lắng nghe linh hồn con tha thiết. Ăn năn kêu van, lạy Chúa xin dủ thương, ban xuống niềm tin ấp ủ cho tâm hồn.


    Hình Cha Tâm Dâng Lễ.


    Nắng rát da, trời cao vời vợi, những hạt nước mắt rơi trong tiếng hát, rơi nhòe trên trang giấy hát.

    Hòa Thượng Huyền Việt đã rời Thái lan sau khi ở Koh Kra về, nên anh Ngô Đức Hữu từ Úc đại diện Phật Giáo mỗi lần tới các phần mộ, anh phụ trách khấn nguyện. Tiếng Việt miền Nam của anh nhẹ nhàng, ấm áp, bài kinh anh rút ra từ đạo Ông Bà, nghe thật cảm động, xin trích một đoạn:

    Cầu Thượng đế từ bi hỉ xả. Cho linh hồn ổn thỏa nghe kinh. Cầu xin giảm bớt tội tình. Cho vong nhàn hạ nhẹ mình thảnh thơi. Cảnh ly biệt hỡi ôi thê thảm. Đức Thần Minh phất phưởng tràng phan. Cho hồn noi đó nhẹ nhàng. Trở về cứu vị an nhàn hưởng vui…..

    Sau lễ chúng tôi đi thắp nhang trên các ngôi mộ, không phân biệt Hoa, Việt, người địa phương hay thuyền nhân. Nghi thức hóa vàng mã tiếp theo rất phong phú, các anh chị trong nhóm mua ngay tại địa phương nên mua được rất nhiều ( Theo thống kê năm 2010 Mã Lai có 19.8 % theo đạo Phật).

    Chúng tôi hóa vàng xong thì xuất hiện một người đàn bà Hoa, được những người trong nhóm giới thiệu đó là bà Alice Wong, vợ của ông Alcoh Wong một vị ân nhân chôn cất gần như là hầu hết những xác thuyền nhân trôi vào bờ bãi Mã Lai.


    Chân Dung Ông Wong và Bia Công Đức.


    Ông chính là người đã chôn cất những ngôi mộ Tập Thể, hơn thế nữa bao giờ có xác táp vào bờ là người ta đi gọi ông. Ông in ra cuốn sách The Vietnamese Boat People (VBP) along The East Coast Of Malaysia Peninsula để hướng dẫn những người đi tìm mộ thân nhân dọc theo bờ biển phía đông vùng biển Mã Lai. Vùng biển phía đông Mã Lai đối diện với mũi Cà Mau là nơi thuyền nhân tới đông nhất và cũng chết đắm nhiều nhất.


    Chân Dung Ông Wong và Bia Công Đức.

    Ông để hết thời gian của mình chỉ để lo cho những cái xác của thuyền nhân Việt Nam trôi giạt vào vùng bãi biển Mã Lai, gần nơi ông cư ngụ. Chiếc thuyền đầu tiên của người Việt tỵ nạn ông Wong được nhìn thấy vào ngày 23 tháng 11 năm 1978 đã vào gần tới bãi nhưng chưa được lên bờ. Ông nhìn thấy những khuôn mặt hốc hác, sợ hãi nhưng tràn đầy hy vọng. (Về sau ông được Hội Hồng Nguyệt Red Cresent cho biết, chiếc thuyền đó đã bị lật trong khi được hướng dẫn vào bờ ngay trong cùng ngày. Cả thuyền 137 người bị chết đuối).

    Ông và những người bạn của ông ngoài việc chôn cất, còn đi tìm những phần mộ của thuyền nhân rải rác trên đất Mã đem về gần nhau.

    Những nấm mộ thuyền nhân tập thể được nhìn như “Mồ vô chủ” thì trên một ý nghĩa nào đó, ông Wong chính là “Chủ” những nấm mồ này.

    Cho tới khi ông mất, năm 2006 trước đó một tuần ông vào nghĩa trang thăm mộ thuyền nhân ông đã hát bài “I will follow you forever.”

    Nói theo nhà Phật, kiếp trước ông có nợ người Việt Nam hay chính ông là một người Việt Nam trong tiền kiếp?

    Tấm lòng của ông Wong đối với thuyền nhân từ năm đầu tiên 1978, khi ông nhìn thấy chiếc thuyền tị nạn 137 người kéo vào vùng vịnh Kuala Terengganu, tới năm ông qua đời 2006 là 28 năm dài.

    Đảo Bidong và Những khu mộ

    Chúng tôi cũng tới đảo Bidong bằng thuyền. Thuyền này chạy bằng máy cao tốc và từ đất liền ra tới đảo khoảng 20 phút. Đi giữa trưa nắng gắt.

    Từ năm 1975- 1991 đã có 250,000 thuyền nhân sống sót tạt thuyền vào sinh sống ở đây. Nhiều người chờ bảo lãnh có thể ở trên đảo từ hai tới bốn năm, nhiều người bị trả lại. Có người bệnh chết, có người tự tử. Họ được mang lên đỉnh đảo chôn cất.

    Mộ chia ra từng khu A, B, C… Khu cho trẻ em riêng. Khu F được coi là đông nhất tới hơn 200 ngôi mộ. Chúng tôi kéo nhau lên đó. Bước thấp, bước cao, chống gậy, cầm dao, vừa leo vừa phạt cây rẽ lối. Cuối cùng cũng lên tới tấm bia có ghi 151 người (có bia mộ) Thật ra số mộ ở đây trên con số 200.

    Đồi Tôn Giáo nơi trước đây có nhà thờ Công Giáo, Tin Lành, Cao Đài và Chùa thì nay đã vừa bị phá, vừa xụp đổ theo thời gian, trông vô cùng hoang phế. Đau lòng hơn nữa những tượng Phật, tượng Đức Mẹ đều bị chém cụt đầu (vì một số người cuồng tín tin là mất đầu thì không còn linh thiêng nữa) Thánh giá Chúa thì chỉ còn dấu vết trên tường mà thôi.

    Tôi và Thái hai chị em đi lang thang chung quanh đồi, Thái lo chụp hình, tôi lo… buồn. Tôi đứng trên cao nhìn mông lung bao quát bãi cát dưới chân đồi.

    Nơi đây bao nhiêu người dân Việt của tôi giạt vào, giạt vào bằng thân xác còn thở được, còn hy vọng sẽ được chuyển tới một quốc gia nào đó để gây dựng lại cuộc đời cho con,cháu hay chính bản thân mình? Bao nhiêu người chỉ còn là những cái xác bập bềnh giạt vào bờ? Bao nhiêu cảnh chia ly của những mối tình vừa nhận được sau những đau thương mất mát? Bao cảnh đời uất hận bị gửi trả về nơi mình đã không sống được phải bỏ đi? Bao nhiêu người đã phải ở đây cả ba, bốn năm trong hy vọng, trong tuyệt vọng trước khi được rời nơi này?

    Biển dưới kia đang ập vào từng đợc sóng, nước mắt của mấy mươi năm về trước còn giọt nào pha trong muối đại dương?

    Biển phải làm gì để giữ mãi được những giọt lệ, những tiếng khóc, tiếng cười, hy vọng và tuyệt vọng của một dân tộc luôn luôn “Đi không yên ổn, ngồi không vững vàng” ngay trên chính đất nước mình.

    Chúng tôi xuống đồi để sửa soạn quay về đất liền. Xuống đến chân đồi ngoái đầu nhìn lại, một cánh bướm đen thật lớn từ trên đồi bay xuống lượn vòng ngay sau lưng tôi. Một thoáng rùng mình, một thoáng rưng rưng, tôi dừng lại, nói thầm trong cuống họng mình. “Thôi nhé, tôi về, nhớ mãi hôm nay.” Giơ tay áo lên, quẹt ngang dòng nước mắt. Cánh bướm bay mất hút lên đồi.

    Sau một đêm mắc võng, chùm chăn (cho khỏi muỗi) ngủ lăn lóc trên cầu tàu, chúng tôi trở về đất liền, tiếp tục cuộc hành trình tìm mộ thuyền nhân.

    Rải Rác Mộ Thuyền Nhân Dọc Đường


    Trên đường sang Kuala Lumpur, trong tỉnh Dungun có hai nghĩa trang. Hai nghĩa trang này có biển trước mặt nên khi xác thuyền nhân giạt vào được vớt lên chôn ngay tại đây. Khi họ vớt được 1 xác, khi được 2,3, khi được 5,7. Có khi cả trên 10 xác vào một lúc.

    Nghĩa trang thứ nhất lối vào có đền thờ với hàng chữ Tao Yan Dian Temple, có 80 ngôi mộ thuyền nhân, trong đó 38 mộ có tên. Một ngôi mộ tập thể nằm dưới gốc một cây bàng lớn, chôn trên 100 người, được khắc chung một tấm bia. Bia được Văn Khố Thuyền Nhân xây ngày 23 tháng 3 năm 2007.

    Những ngôi mộ trong khu thứ hai được đặt trong một nghĩa trang đặc biệt do nhà thờ Công Giáo St.Thomas trông coi. Những thân xác thuyền nhân được bao quanh bởi ba ngôi thánh đường của: Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo và Hồi Giáo. Còn được gọi là Migrants Cemetery.

    Những linh hồn này thật được chúc phúc an ủi biết bao!

    Nhang được thắp lên, lời kinh được cất lên, nước mắt lại chảy xuống, Chúa, Phật trên cao được mời xuống dự tiệc bi ai của nhân loại.

    Viết tới đây. Tôi tưởng tượng ra, tôi là người dân Mã Lai sống dọc theo miền đông biển Mã Lai, mỗi sáng trở dậy nghe tiếng gọi nhau ơi ới bên ngoài cánh cửa: Ra vớt xác thuyền nhân Việt đang giạt vào bờ. Không phải một xác, hai xác, mà vô số xác. Rồi cùng nhau tẩm liệm, chôn cất, có khi lập miếu thờ.

    Tôi tưởng tượng ra trong những cái xác bất hạnh đó, một cái xác của chính mình.

    Những cái xác của đồng bào mình (hay của chính mình) đã được những người không cùng chủng tộc xót thương, được ghi lại in thành sách (như sách của ông Wong) để sau chính những người Việt về tìm lại.

    Chôn cất cả trăm, ngàn, nấm mộ không phải là chuyện giản dị. Việc xây cất làm sao chu đáo được. Theo thời gian, mưa nắng những ngôi mộ không tồn tại được.

    May mắn thay Văn Khố Thuyền Nhân của người Việt (Do ông Trần Đông, từ Úc-Sáng lập 2004), đã tới Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương trùng tu lại hầu hết những nấm mộ này. (Theo VKTN-Trong vùng Đông Nam Á có hơn 2000 nấm mộ vừa tập thể vừa cá nhân).

    Tôi Đọc Tên Tôi

    Hội Hồng Nguyệt ( Malaysian Red Cresent Societ - Hồng Thập Tự Mã Lai) đã lưu trữ hai trăm ngàn (200,000) hồ sơ của những người sống sót. Để hôm nay những thuyền nhân trong nhóm chúng tôi đến tìm lại. Mỗi khi tìm được tên của mình hay thân nhân mình, họ òa vỡ ra cùng một lúc tiếng cười và giọt lệ:

    • Tôi vừa đọc tên tôi trên tấm thẻ

      Có phải tôi không trên lý lịch này

      Ngày tháng đó tưởng vùi chôn đáy biển

      Bỗng sóng đánh vào bờ sáng hôm nay


    Khi chúng tôi tới viếng Hội, câu chào hỏi đầu tiên của ông Dato’ Sayed A. Rahman,Tổng Thư Ký hội Hồng Nguyệt là: “Chúng tôi không cần biết anh là người nước nào, chúng tôi chỉ biết giúp đỡ một con người.” Nghe mà ứa nước mắt.

    Ông Misnan, nhân viên điều hành của Hội, nói được vài câu bằng tiếng Việt rất thân tình. Đặc biệt là ông hát cho chúng tôi nghe bằng tiếng Việt, bài hát “Bài Tình Ca Cho Em” của Vũ Thành An thật hay. Hay một cách bất ngờ!

    Thế gian đầy quỷ dữ, nhưng Trời cũng ban phát xuống những thiên thần cứu trợ.

    Sau 42 năm nhìn lại, chúng ta có rất nhiều những trang Sử mới. Trên hết, mỗi một cái chết của thuyền nhân, của tù cải tạo, của người Quốc Gia chết cho Tự Do là một trang Sử mới được cộng vào.

    Tất cả con dân Việt đều phải học Sử Việt.


    Trần mộng Tú

    Ngày 20 tháng 4 năm 2017
    Viết trong cuộc hành trình về Trại Tỵ Nạn Songkhla, đảo Koh Kra và Trại Tỵ Nạn Bidong từ 30 tháng 3 tới 16 tháng 4-2017


    (*) Những câu Thơ trong bài của tác giả Trần Mộng Tú

    Nguồn:http://www.voatiengviet.com



              
Last edited by Hoàng Vân on Thứ tư 26/04/17 20:37, edited 1 time in total.
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5410
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: - 30/04/2017 - tưởng niệm 42 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Viết cho Ngày Quốc Hận:



    Hãy Trân Trọng Ngày Quốc Hận



    Đôi lời tâm tình:

    Từ 37 năm nay, từ 11 giờ sáng của ngày 6/6 năm 1980, từ ngày đáp xuống phi trường Orly, trong chuyến bay Air France lần cuối của đời một người mang quốc tịch Việt Nam Cộng Hòa, nay đã biến thành một người Vô Quốc Tịch, một người Vô Tổ Quốc – Apatride vào chẳng bao lâu mang quốc tịch Pháp. Ngày hôm trước, chúng tôi rời Tân Sơn Nhứt trong một không khí buồn tẻ, nhục nhằn của một người bị trục xuất, từ nay mất nhà, mất đất, mất quê hương, vĩnh viễn sẽ không gặp lại cha mẹ nữa. Chúng tôi đành rời bỏ cái phi trường của thành phố nơi chôn nhao cắt rún, từ năm năm nay đã bị xóa tên. Vĩnh viễn rời bỏ, cái phi trường lớn nhứt của một cựu thủ đô của cựu nước Việt Nam Tự Do thân yêu! Giả từ, Adios, thôi không trở lại nữa!

    Mừng, mừng, tùi tủi, ngở ngở, ngàng ngàng, gặp lại cô vợ, gặp lại thằng con sau 5 năm gởi người nuôi nấng. Và cũng kể từ ngày đó, chúng tôi nguyện suốt đời tỵ nạn, lưu vong của chúng tôi, gia đình chúng tôi PHẢI luôn luôn giữ những tập tục truyền thống văn hóa Việt Nam. Chẳng những giữ lễ nghĩa của Ba Ngày Tết, để thờ cúng Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ. Chúng tôi, từ nay, PHẢI giữ thêm cái tưởng vọng các anh linh các chiến hữu quân dân cán chánh của Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa đã hy sanh vì Độc Lập, Tự Do, Dân Chủ. Tóm lại, vì Chánh Nghĩa!

    Tuần cuối cùng của mỗi Tháng Tư Đen, từ năm 1981 đến nay, gia đình chúng tôi ăn chay. Ăn chay là ăn toàn rau xanh, không thịt cá thế thôi - không màu mè tương chao, đậu hủ, giả cầy, giả cá gì cả! Ăn qua loa để nhớ cái gốc lưu vong, cái gốc gác của đời tỵ nạn. Ăn chay – nói theo quan niệm riêng của chúng tôi dạy cho con cháu – là ăn qua loa, ăn để mà sống. Cơm khoai, bánh mì, rau xanh xà-lách, trái cây … tóm lại, nói theo Tây là ăn carême, ăn végétarien. Gia đình chúng tôi cố giữ phong tục một gia đình ly hương để không quên quê hương nguồn gốc. Giữ truyền thống, phong tục. Trong nhà chúng tôi cố giữ cái Đạo Việt, vì chúng tôi đi Đạo Cơ Đốc nên không có bàn thờ hình Chúa hay Thánh Giá, nhưng lập và thắp sáng cái Bàn thờ Tổ Tiên. Riêng tuần Quốc Hận, thắp sáng bàn thờ Tổ Quốc, tưởng niệm các tử sĩ bỏ mình cho Tự Do!

    Đối với chúng tôi, Tôn giáo, Đức Tin phần tâm linh là của mỗi cá nhơn. Tuy là Giáo Sĩ trách nhiệm mục vụ tại một Hội Đoàn Giáo dân vùng, chúng tôi không làm phép rửa tội bốn đứa con chung tôi, chúng tôi đã giáo dục truyền giảng giáo lý Cơ đốc giáo cho các con, nhưng để các con hoàn toàn lựa chọn Tôn Giáo và Đức Tin khi trưởng thành và biết trách nhiệm lựa chọn con đường tâm linh của mình! Tôn Giáo thường gọi là Đạo, (con đường giữ người) là cá nhơn. Cá nhơn chúng tôi, có Đức Tin và phần tâm linh là Cơ Đốc Giáo, tập tục lễ nghĩa theo hệ thống Nhà thờ Liên Hiệp Tin Lành Luther và Cải Cách. Nhưng truyền thống gia đình chúng tôi, là văn hóa lễ nghĩa chung của nguồn gốc cộng đồng người Việt và người Pháp. Vì ở Pháp, vì nửa gia đình gốc Pháp, gia đình chúng tôi cố giữ truyền thống đất nước Việt Nam làm nguồn gốc chung, chúng tôi chọn là Đạo (Con đường xử thế) Việt. Vì lẽ ấy Bàn Thờ Tổ Tiên phải có. Bàn thờ Tổ Tiên họ PHAN để nhớ nguồn gốc, thờ phượng Cha mẹ, Tổ Tiên, Đất Nước, Đồng Bào!

    Hằng năm hai lần, trong gia đình chúng tôi, Bàn Thờ Tổ Tiên được thắp sáng.

    Lần đầu, từ ngày 15 tháng 12 dương lịch là ngày mất của Cha chúng tôi, từ nay là Ngày Hiệp Kỵ dòng họ Gia đình họ PHAN chúng tôi, gốc Thừa Thiên-Huế, làng Mậu Tài-Phú Vang, đến ngày mồng 10 tháng giêng âm lịch, ra Tết.

    Lần thứ hai là thắp sáng từ ngày 30 tháng ba là Ngày Huế thất thủ – quê quán gốc của dòng họ Phan – đến ngày 30 tháng tư là Ngày Sài gòn thất thủ và đất nước tiêu tùng.

    Một năm hai lần, một lần Vọng Nhớ Tổ tiên, Nguồn gốc, Cha mẹ – Ơn Đất Nước, Ơn Tổ Tiên. Một lần Nhớ Ngày Tang Dân tộc, Ơn Đất Nước Nghĩa Đồng Bào.

    Đó là Tứ Ơn: Đất Nước, Tổ Tiên, Đồng Bào và Trời Đất-Tôn Giáo.

    Chúng tôi dạy con dạy cháu chúng tôi, truyền thống Việt Nam, giữ Tứ Ơn: Bốn Ơn Phước: Nhứt, Đất Nước Việt Nam, thứ đến Tổ Tiên Việt Nam, rồi đến Đồng Bào Việt Nam, còn Ơn cuối cùng, Ơn thứ tư là Ơn Tâm Linh-Tôn Giáo - Đức Tin tùy cá nhơn con cháu, Phật Chúa đều quý cả, kể cả Không Có Đức Tin – Athée, hay Không Tin- Agnostique - vì đó là Đạo, đó cũng là Đức, là Con đường xử thế, con đường giữ mình hằng ngày. Như vậy, Con người Việt gồm có Ba Ơn của Đạo Việt, và Đức Tin Tôn giáo cá nhơn để tu thân giữ mình.

    1/ Ngày Quốc Hận PHẢI là Biểu Tượng Của Người Quốc Gia:

    Chúng ta, người Việt tỵ nạn Cộng sản từ trên 40 năm nay, sống đất người, hội nhập ít nhiều đất người, ngày nay sanh sống rải rác khắp nơi trên thế giới, tùy phong, tùy tục, nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục, sống sao cho hợp cảnh, hợp tình, hợp với lòng người, sống sao cho phải đạo mình, đó thôi! Có nơi có may mắn, tụ họp đông đủ được một cộng đồng, tạo lập được những nơi sanh hoạt giữ nề giữ nếp Việt, phong Việt, tục Việt, Việt văn, Việt hóa. Nhưng cũng có vài nơi xa xôi, vắng vẻ, nhưng nhờ đất lành chim đậu, vẫn dễ dàng để người Việt chúng ta sanh sống, sanh con đẻ cái.

    Sanh hoạt hằng ngày có vẻ như người bản xứ nhưng về nhà vẫn cố giữ tục, giữ hồn người Việt. Hồn Người Việt là Tứ Ơn. Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ đã truyền dạy Giáo dân Phật Giáo Hòa Hảo. Chúng tôi tuy Tôn giáo Tin Lành, đọc Thánh Kinh, giữ lời Chúa, nhưng rất ngưỡng mộ lời dạy Đức Thầy, lấy Tứ Ơn làm kim chỉ nam giữ Đạo Việt, giữ hồn người Việt. Lời Chúa là Tâm Linh giữ Đạo, giữ Đức. Tôn giáo là Đức Tin, là lòng dạ cá nhơn, là lương tâm cá thể chỉ là một trong Tứ Ơn. Ba Ơn còn lại Ơn Tổ Tiên-Cha mẹ, Ơn Đất Nước- Quê hương, Ơn Đồng Bào ấy là linh hồn Việt.

    Chúng tôi thường ngưỡng mộ hai dân tộc và cách sống của họ:

    Thứ nhứt là dân tộc NHỰT BỔN, ngày ra đường họ mặc âu phục làm việc, tổ chức làm việc rất Âu Mỹ. Tối về nhà, trong gia đình họ là người Nhựt, kimono, ngủ sàn. Dù Đạo Phật hay Đạo Chúa, nhưng vẫn thờ vái, cúng bái, tin tưởng những Kami, tổ tiên truyền thống…Sanh hoạt văn minh Âu Tây, nhưng linh hồn, văn hóa thì vẫn Nhựt Bổn.

    Dân tộc thứ hai là dân DO THÁI. Đạo Do Thái, có từ ngàn xưa, Thờ Chúa, Đấng Yê–Hô–Vah, giữ Đạo theo lời Chúa, nhưng có những tục lệ nề nếp để nhớ Ơn Xưa. Ngày nay dù 70 năm đã qua, người Do Thái vẫn hằng năm tưởng niệm Shoah Holocaust về những người Do Thái Âu Châu từng bị Nazi Đức sát hại.

    Vì vậy ta phải trân quý Ngày quốc Hận như người Do Thái trân quý Shoah vậy!

    2/ Phải Trân Quý Lá Cờ Vàng Ba Sọc Chữ Càn:

    Chúng ta phải trân quý BA SỌC SONG SONG màu Đỏ - Chữ CÀN Đỏ như người Do Thái đã trân quý Ngôi Sao David của họ vậy! Ba Sọc Song Song - chữ Càn trong Kinh Dịch cũng là tượng trưng Tam Tài Thiên-Địa-Nhơn,
    Vì chữ CÀN (ba sọc song song) chỉ hướng ĐÔNG. Từ nay, thoát khỏi cái suy nghĩ NAM. Hướng Nam, để đối với hướng Bắc, là một quan niệm, có từ thời Hán Thuộc lần thứ Nhứt, phía Nam của một vùng ảnh hưởng Triều đình Hán nằm ở hướng Bắc – Beijing, BẮC kinh. Nam cũng đến từ tên nước NAM Việt từ Triệu Đà cướp nước Âu Lạc của An Dương Vương. Thăng Long thủ đô của nước Đại Việt, cũn

    Trước Nam Việt tên nước ta là Văn Lang, là Âu Lạc… Sau Nam Việt, tên nước là Đại Cồ Việt, là Đại Việt… dù anh hùng Lý Thướng Kiệt đã dùng từ Nam để phân biệt Nam Bắc. Tên Việt Nam ngày nay của ta cũng do Nhà Thanh đế nghị với Vua Gia Long. Vua Minh Mạng quá HÈN NHÁT, lại đổi thành ĐẠI NAM, vì quá sợ rằng tên VIỆT sẽ làm Mất lòng Vua Tàu chăng ?

    3/ Ngày Quốc Hận, NGÀY GIỖ Các Anh Hùng Bỏ Mình Vì Tự Do:

    Đối với người Việt Nam chúng ta, ngày Quốc Hận 30 tháng 4, đồng nghĩa với Shoah Do thái! Thế mà có người – tuy là cựu nạn nhơn – vẫn đòi bỏ lên bỏ xuống! Thay tên, vì mắc cở ? Thay tên, vì hòa hợp, bán nước ?
    Ngày mai, chế độ độc tài Công sản thế nào cũng phải bị thay thế, phải nhường quyền cho một chế độ Dân Chủ Pháp Trị. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong ước rằng:

    Ngày Quốc Hận cũng phải được duy trì và trân trọng. Dù rằng trong Nước, tuy không còn bóng dáng bọn Cộng Sản Bán Nước nữa. Nhưng một Quảng Trường, một Tượng Đài kỷ niệm Ngày Quốc Hận phải được Dựng lên để Tưởng Niệm. Để Nhớ Ơn Tất Cả những người Đã LỰA CHỌN: HY SANH Vì Chánh Nghĩa, Đã Nằm Xuống Vì Nghĩa Vu Bảo Vệ Non Sông, hay đã HY SANH Bỏ Mình Trên Con Đường Đi Tìm Tự Do.

    Ngày Tang, ngày Đau, ngày Buồn ấy, sẽ là Ngày Giỗ Tổng hợp cho những cái đau thương của đất nước. Ngày Hiệp Kỵ, Hiệp Giỗ, cho tất cả những nạn nhơn của tất cả những cái tang tóc đau buồn đã qua: Cải cách Ruộng đất, Mậu Thân Huế, Hoàng Sa, Trường Sa, các nạn nhơn của những cuộc pháo kích bừa bãi của Việt Cộng, những nạn nhơn đã bỏ mình, nạn nhơn của những cuộc chạy nạn, trong nước: đại lộ kinh hoàng năm 72, đường 19 năm 75, nạn nhơn của cuộc vượt biên khổng lồ trên biển hay trên đường biên giới, nạn nhơn của những trại tập trung sau ngày mất nước, hay nạn nhơn của cả cuộc chiến Việt Cộng-Tàu Cộng năm 1979… để Nhớ, để không Bao giờ Quên, để không Bao giờ Lặp lại. Tưởng niệm Ngày Quốc Hận 30 tháng Tư để hằng năm Xá Tội Vong Nhơn, Tha Tội Lẫn Nhau.

    Kết Luận:

    Nhìn lại, trên 40 năm cầm quyền cả nước thống nhứt trong Hòa Bình, Đảng Việt Cộng đáng lý phải Xây Dựng và Phát Triển đất nước, chỉ biết Trị dân và Bán Nước.

    Chừng nào còn Đảng Việt Cộng, thì người Việt vẫn còn nô lệ. Muốn Phát triển và XâyDựng, phải có Tự Do Độc Lập, Dân Chủ. Muốn có Tự do, Độc lập, Dân chủ phải Thoát Cộng!

    Tất cả những vấn nạn hiện tại hay tương lai, như Hán Hóa, như mất hải đảo, mất Biển Đông đều do Đảng Công sản Hà nội cầm quyền tạo thành.

    Thoát Cộng sẽ giải quyết tất cả. Môt chế độ dựng lên bằng cướp chánh quyền, bằng tuyên truyền láo khoét, bằng giáo dục dỏm, bằng bằng cấp mua, bằng ngoại giao xin cho, thì phải dẹp bỏ. Dẹp bỏ xong cái chế độ ấy, người Việt Nam mới tìm thấy lại những sự thật.

    42 năm đủ rồi! Đã quá dài! Mong rằng tất cả người dân Việt thấy được sự thật để mà vứt bỏ mầm nguy hại nầy!

    Mong lắm!

    Hồi Nhơn Sơn, Ngày Quốc Hận thứ 43

    Phan Văn Song


    Nguồnhttps://vietbao.com



              
Last edited by Hoàng Vân on Thứ tư 26/04/17 20:31, edited 1 time in total.
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5410
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: - 30/04/2017 - tưởng niệm 42 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Nỗi Buồn Tháng Tư




    Năm nào cũng thế, cứ đến tháng Tư là lòng tôi lại cảm thấy buồn buồn, một nỗi buồn rất khó tả. Đôi khi cái buồn gây ra sự chán nản, lười biếng, lại có lúc nó làm cho tâm hồn tôi bải hoải, trí não u sầu, người đâm ra đờ đẫn. Trong cuộc sống, không phải thời gian lúc nào cũng là liều thuốc mạnh để tôi quên đi những kỷ niệm, những chuyện buồn ngày cũ một cách dễ dàng. Nhất là khi đang sống ở một nơi xa quê hương, xa cộng đồng người Việt và tôi lại làm việc trong môi trường trẻ thơ. Một môi trường mà tôi đã gắn bó nhiều năm ở quê nhà trước khi tôi ra đi. Tôi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ bạn bè, nhớ những lần đi chơi sở thú với trẻ, nhớ mỗi buổi sáng cô trò cùng tập thể dục trên sân, nhớ những giờ tập hát ... Tôi nhớ nhiều, nhiều lắm… Nỗi nhớ như còn đan chồng lên ký ức tôi trong mỗi cử động va chạm vào từng đồ vật ở lớp. Từ sắp xếp những chiếc ghế nhỏ chung quanh cái bàn thấp, đến lấy hộp bút màu, sửa cái giá vẽ, quay sang những đồ chơi đầy màu sắc vô tri…Mọi thứ, đều gợi lại cho tôi khung trời học đường nhỏ bé một thời ở Việt Nam.




    Tháng Tư nơi thành phố tôi ở đang khoác lên chiếc áo màu xanh non của ngày đầu xuân. Lá trên cây đã đua nhau mọc tươi mơn mởn. Cây lê, cây đào và cây mơ sau vườn nhà tôi đang nở đầy hoa trên những nhánh gầy mỏng manh, nhẹ rung theo gió. Mùa xuân tháng Tư đem lại niềm vui ấm áp cho mọi người sau những ngày đông tuyết phủ lạnh giá. Nhưng với tôi, niềm vui ấm áp vẫn không xoa dịu được nỗi buồn đang đặc cứng trong lòng.

    Tháng Tư, tháng Tư. Ôi, buồn, đau, hận, chán. Những cảm xúc ấy đã lấy hết sinh khí của tôi rồi! Tôi vật vờ trong nỗi hồi tưởng cay đắng về một ngày "mùa xuân đại thắng" trên quê hương bốn mươi năm trước. Một ngày đã bắt đầu thảm họa đói nghèo, rách nát với nhiều bi kịch xảy ra trong mỗi gia đình, mỗi cuộc đời, kéo theo nỗi lo âu sợ hãi cho cả những người đã phải xa rời quê hương miền Bắc vì sự tàn bạo của CS từ ngày chia đôi đất nước. Bà tôi đã là một trong hàng triệu người tản cư thời đó, và là nạn nhân của nỗi lo sợ, kinh hoàng trong ngày "chiến thắng" năm 75. Tôi còn nhớ rất rõ ánh mắt già nua, lèm nhèm nước mắt của bà, ẩn chứa một sự buồn bã sâu xa lẫn thất vọng chán chường, kéo dài suốt mấy năm sau ngày hòa bình, cho đến khi bà tôi nằm xuống, nỗi buồn đau ấy vẫn không khép lại được.

    Dù mấy chục tháng Tư đã trôi qua, sự khổ cực của thời kỳ nghèo đói vẫn là nỗi ám ảnh theo tôi dai dẳng như một bóng ma quái ác. Nếu sự nghèo đói năm xưa đã giết chết bao sinh mạng và niềm hy vọng, thì ngày nay nó còn đánh gục cả nhân phẩm, lương tâm, đạo đức con người trên bước đường sinh nhai. Đó là số phận của bao cô gái trẻ Việt Nam, đã phải hạ nhân phẩm của mình xuống chỗ thấp hèn, vào hàng chờ đợi để được tuyển chọn cho một tấm chồng nước ngoài. Là những tổ chức "cái bang" bất lương, lợi dụng người già, em bé tàn tật đi xin ăn về nuôi họ, là nhiều chuyện chém giết nhau hằng ngày vì tranh chấp tiền bạc, làm ăn. Là cả một khối người cầm quyền làm giàu trên xương máu của dân nghèo, rồi trở thành vua một cõi ở mỗi triều đại làng mạc. Họ mặc trên người chiếc áo sang trọng, tỏ vẻ quyền uy, bề thế, mà phong cách lãnh đạo lại quá nghèo hèn, phẩm hạnh tả tơi, coi thường chữ tình đối với dân. Công bình xã hội bị họ chà đạp, bán mua…

    Tôi đã từng ấp ủ ước mơ trở về quê hương Việt Nam một ngày nào đó để được tiếp tục công việc dạy học cho trẻ em nghèo. Để sống giản dị bên cạnh cuộc đời của những dân nghèo thành thị, để cùng hít thở không khí bình an, thanh bạch ở cuối đời... Nhưng rồi, mỗi ngày đọc tin tức từ trong nước về bao nhiêu chuyện đàn áp dân, chuyện cưỡng chế thu hồi đất, chuyện bắt bớ, giam cầm những người trẻ tuổi yêu nước. Những theo dõi, sách nhiễu của nhiều tay “an ninh” tàn ác đối với người dân nào dám chống lại công quyền …Tôi lại càng thêm đau lòng, ước mơ trở về đã dần dà lịm tắt. Thương cho dân lao động nghèo mất đất, mất tiếng nói, mất quyền làm người. Ôi, nói làm sao hết được thảm cảnh của quê hương Việt Nam ngày nay… Đất nước đã thanh bình suốt ba mươi mấy năm dài, sao không khí an lành vẫn chưa hiện diện trong đời sống cho toàn dân? Cảm giác bất an luôn rình rập những thanh niên yêu nước, không khí gông xiềng, tù tội lan rộng khắp nơi, bất chấp mọi sự lên án và can thiệp của các tổ chức nhân quyền thế giới.Thanh bình lâu rồi, sao trẻ thơ nghèo thất học ngày càng nhiều theo hệ số nhân ở các tỉnh thành ngoại ô? Hình ảnh "Khi đất nước tôi không còn giết nhau, trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường..." (1) sẽ mãi là điều hoang tưởng trên một đất nước không còn tình người, không có sự quan tâm đến trẻ thơ và đang dần tiến đến con đường nô lệ ngoại bang dưới một chính quyền tàn bạo, độc tài.

    Tháng Tư, nỗi buồn lịch sử, nỗi đau chung của triệu người Việt lưu vong, trong đó có tôi đang ngồi đây gõ trên phím những dòng cảm xúc buồn về tháng Tư. Những tưởng, mình sẽ nhớ hết nhiều chuyện đã cố quên mà không thể, sẽ nói được trọn vẹn bao điều tôi muốn nói. Dù đã cố, tôi vẫn không tiếp tục nổi trong sự nghẹn ngào quá đỗi khi tôi thấy lung linh mờ ảo trên màn hình, lần lượt hiện ra khuôn mặt buồn rầu của cha tôi, ánh mắt tuyệt vọng của bà ngoại, và thân thể gầy còm của mẹ với hơi thở nặng nhọc vào giờ hấp hối.
    Bi kịch trong gia đình tôi đã xảy ra cũng bắt đầu từ một ngày tháng Tư "đổi đời" năm xưa ấy...




    Những năm tháng vắng cha

    Cuối tháng 4 năm 1975, bùng nổ một sự kiện lịch sử đầy sợ hãi và lo lắng cho người dân miền Nam: Việt Cộng chiếm miền Nam!!! Ngay cả tôi, một con bé vừa tròn mười lăm tuổi, đâu đã hiểu biết gì nhiều về cuộc chiến tranh hôm qua, cũng đã cảm thấy một thất vọng não nề, một bầu trời u ám, một tương lai tối đen cho gia đình tôi nói riêng, và cho cả miền Nam nói chung. Cái bóng đen kinh hoàng ấy đã bao trùm xuống gia đình tôi từ lúc cha tôi bị đi cải tạo. Mẹ tôi đã phải chống chọi với mọi khó khăn trong thời điểm mở đầu rất khắc nghiệt của chế độ Cộng Sản, lao vào cuộc sống mới giành giật từng miếng cơm manh áo cho tất cả mười đứa chúng tôi và một bà ngoại già yếu. Thế nhưng, với hai bàn tay trắng, không chút kinh nghiệm gì với sự bương chải ngoài đời, và cũng không có một sự giúp đỡ nào từ phía họ hàng, người thân hay bè bạn. Mẹ tôi dù đã cố gắng hết sức mình vẫn không kéo được chúng tôi qua khỏi con vực nghèo đói của cuộc đời. Cái nghèo đói tấn công vào gia đình tôi rất nhanh, mỗi ngày tôi đi học với cái bụng rỗng cồn cào đến run rẩy, để chán ngán ngồi nghe những bài giảng về tập thơ “Nhật Ký Trong Tù”của Hồ Chí Minh, để mệt mỏi với những bài ngợi ca về cuộc chiến thắng vĩ đại thống nhất đất nước. Đầu óc tôi bấy giờ chỉ nghĩ đến khi nào thì cha tôi sẽ được nhà nước Cộng Sản thả về? Và khi nào thì gia đình tôi sẽ được trở lại một đời sống bình thường đủ ăn, đủ mặc. Tinh thần tôi suy sụp theo cơn đói và nhất là mỗi khi đi học về tôi lại nghe tiếng gào khóc của em bé tôi trong cơn khát sữa. Tôi chán học, chỉ muốn đi làm kiếm tiền để giúp mẹ. Sau mấy ngày trốn học đi lang thang tìm việc làm, tôi đã chẳng tìm được việc gì ngoài việc làm cho mẹ tôi buồn và khóc. Mẹ đã năn nỉ tôi đi học lại, và mẹ bảo tôi, thử nghĩ xem cha tôi sẽ đau khổ biết chừng nào khi cha trở về trong cảnh gia đình tan nát, các con hư hỏng, bỏ học hành. Nghe mẹ nhắc đến cha, tôi thấy lòng mình ấm lại, mẹ tôi nói đúng, tôi phải đi hết con đường học vấn dù có nhiều chông gai trở ngại, dù phải ngồi hàng giờ, hàng tháng nghe những bài giảng chính trị khô khan, phải cần mẫn với những công tác lao động trong trường, tôi vẫn phải, và luôn phải cố gắng để không phụ lòng cha mẹ tôi.

    Vào những năm đầu ấy, nhà nước “phát động phong trào bài trừ văn hóa đồi trụy” Nhà nào có sách cũng phải đem ra nộp cho văn hóa phường, sách của cha tôi rất nhiều. Trước khi dọn nhà lên Đà Lạt làm việc, cha tôi đã gửi toàn bộ những tủ sách của cha ở nhà cô, chú tôi, đa số là sách khoa học, một số là sách tâm lý giáo dục và sách lịch sử. Nhưng những người cán bộ phường ấy đã không phân biệt được các loại sách hay và giá trị của từng cuốn sách. Sách nào cũng bị xếp vào loại “ văn hóa đồi trụy” hoặc là mang tư tưởng “tiểu tư sản, phản động”, họ buộc phải đem nộp để hủy bỏ. Tôi nhìn những cuốn sách mang đầy kỷ niệm của cha tôi rơi vào tay họ mà buồn đến chảy nước mắt. Sau lần kiểm kê sách đó; tôi cảm thấy chán ghét chế độ đã ngăn cách cha con tôi lại còn cướp đi những giá trị tinh thần quí báu của cha tôi để lại. Tôi càng cảm thấy thất vọng hơn khi nhìn ra con đường tương lai u tối trước mặt mà tôi sẽ phải sống, phải học, rồi trưởng thành dưới tư tưởng của họ.

    Tháng 6/1977, sau khi tôi đã thi đậu xong bằng tốt nghiệp lớp 12, tôi cứ tưởng là đã trút được gánh nặng sách vở để bắt đầu đi tìm việc làm. Vậy mà không, mẹ tôi lại muốn tôi thi vào đại học sư phạm. Thật tình, tôi đã chẳng còn muốn đi học lên làm gì nữa, tôi cố trình bày với mẹ những điều tôi được biết về chuyện thi cử rằng: Vào đại học sư phạm không phải là chuyện dễ, học sinh phải có lý lịch trong sạch đến 3 đời. Đó là chưa kể đến diện ưu tiên cho những thí sinh thuộc thành phần đi bộ đội, những gia đình có công với cách mạng, gia đình bần nông hay công nhân… Hơn nữa tôi cũng không muốn trở thành một giáo viên dạy văn dưới chế độ Cộng Sản khi chính trị đã xen lẫn vào văn học. Tôi còn đưa ra gương điển hình của anh trai tôi đã thi rớt đại học năm trước dù rằng anh học rất khá và rất chăm chỉ. Song, những lý lẽ của tôi vẫn không thuyết phục được mẹ, và mẹ tôi với một thái độ vừa cương quyết, vừa nhẹ nhàng, vừa động viên, vừa năn nỉ đã làm tôi không thể trái ý mẹ. Tôi không muốn mẹ tôi lại khóc lần nữa vì chuyện học hành của tôi. Thế là tôi ngoan ngoãn lên đường ứng thí cho mẹ vui lòng sau khi biết chắc rằng tôi sẽ không bao giờ thi đậu. Những tháng hè chờ đợi kết quả là những tháng ngày hồi hộp và lo lắng nhất, khi trong phường tôi ở rầm rộ lên phong trào “nghĩa vụ lao động” và “thanh niên xung phong.” Thanh niên nam nữ, ai ai cũng phải tham gia một trong hai công tác đó nếu không có công ăn việc làm. Anh lớn của tôi đã phải đi thanh niên xung phong từ năm ngoái vì anh đã thi rớt đại học và cũng không thể tìm được việc gì để làm. Trong thư viết về nhà anh có nói: “Môi trường thanh niên xung phong rất cực khổ và tạp nhạp, không thích hợp cho con gái đâu”, bởi thế mẹ và tôi rất lo sợ nếu tôi không có ngay một việc làm ổn định, tôi phải có nghĩa vụ đi lao động để xây dựng đất nước, đi đào kênh, đi thủy lợi, đi thanh niên xung phong, cái nào cũng ghê!! Tôi không muốn xa mẹ, xa em, tôi chạy vạy mọi nơi tìm việc, trong khi mẹ con tôi đang bối rối thì tôi nhận được giấy báo đi tập trung lao động thủy lợi vào tuần tới. Mẹ và tôi cùng quýnh quáng, mẹ dắt tôi lên phường năn nỉ họ xin gia hạn cho tôi thêm thời gian đi lao động vì tôi đang chờ kết quả thi đại học. Mẹ tôi cũng hỏi có cách nào cho tôi được miễn không, người cán bộ phường nói:

    “Nếu không đi thì phải đóng tiền, nhưng việc đóng tiền chỉ dành cho những người sức khoẻ kém, hoặc ở tuổi trung niên, con chị là thanh niên thì phải thi hành nghĩa vụ.”



    Mẹ con tôi ra về trong nỗi buồn lo đến méo xẹo mặt mũi. Ngày hôm sau, mẹ dắt tôi vào hợp tác xã may mặc chỗ mẹ đang làm cố xin ông tổ trưởng xếp cho tôi một công việc gì cũng được để tôi có thể trì hoãn việc đi lao động.Thương tình mẹ con tôi ông xếp tôi vào tổ làm khuy áo, tổ này đang thiếu người. Tuy nhiên, ông chỉ nhận tôi vào làm công nhật chứ không nhận như một tổ viên hợp tác xã chính thức, vì thế công việc này cũng không thể bảo đảm cho tôi “thoát” được “nghĩa vụ lao động.” Thôi đành chịu vậy, tôi cũng phải làm một cái gì đó để đỡ đần cho mẹ hơn là không làm gì hết, còn chuyện đi lao động, cứ mặc kệ tới đâu hay tới đó.

    Tôi lủi thủi về nhà với bao nhiêu rối rắm trong lòng… Rồi một sự may mắn tình cờ đã đến, tôi nhận được thư báo của trường đai học sư phạm ngay khi tôi vừa bước chân vào nhà. Trong thư, nhà trường cho tôi biết là tôi đã không đủ điểm đậu vào đại học sư phạm (tôi đã biết chắc điều này rồi) nên họ chuyển tôi xuống trường trung học sư phạm Mẫu Giáo, và có lẽ vì thành phần lý lịch của tôi không được rõ ràng, nên tôi chỉ được nhận vào học khoá cấp tốc 3 tháng, thay vì học khoá chính quy 1 năm. Tôi hết sức mừng rỡ, càng tốt, chỉ cần học thêm có 3 tháng nữa thôi là tôi đã có một công việc hẳn hoi để giúp mẹ, và cái may trước mắt là tôi đã không phải đi lao động thủy lợi, vì theo thông báo trong thư tôi phải có mặt ở trường thứ hai tuần tới. Tôi bỗng tưởng tượng đến sự vui mừng hiện trên khuôn mặt của mẹ, tôi phải rất cám ơn mẹ tôi về chuyện này, nếu tôi không chịu đi thi đại học như lời mẹ khuyên bảo, thì làm sao tôi có thể tìm đuợc việc làm với mảnh bằng tốt nghiệp lớp 12, lại chưa biết một nghề chuyên môn nào cả. Tôi cũng không nhanh nhẹn như các em tôi để theo những người buôn thuốc tây ngoài chợ trời sau giờ học. Mẹ tôi đã nhìn thấy tôi là một đứa con chậm chạp, không có khả năng lăn lộn với cuộc sống bán buôn và càng vụng về hơn trong những công việc tỉ mỉ chân tay. Bấy giờ tôi mới hiểu vì sao mẹ tôi quan niệm cuộc đời là một bài toán, một bài toán thật hóc búa! Vào thời điểm đó không ai đã có thể tìm ra một đáp số chính xác cho bài toán của cuộc đời mình.

    Ngôi trường trung học sư phạm Mẫu Giáo nằm trên con đường đã được đổi tên sau tháng 4/1975 là đường Tôn Đức Thắng (tôi thật sự không nhớ tên đường trưóc 75). Hệ thống giáo dục của trường trong năm học 1977-1978 chia làm 3 hệ đào tạo: Khối A là hệ chính qui học một năm, còn gọi là hệ 12+1, khối B là hệ đào tạo ba năm cho những học sinh vừa tốt nghiệp xong lớp 9, còn gọi là hệ 9+3, và hệ sau cùng là khối C, hay còn gọi là hệ cấp tốc. Thành phần nhân viên trong trường từ các giáo sư, đến khối văn phòng, học sinh toàn là phụ nữ, và tất cả học sinh trong trường đều được gọi là giáo sinh. Trong khi đó cạnh sát bên trường là xưởng đóng tàu “Ba Son” lại toàn là công nhân Nam. Khi vào học khối C, tôi mới biết rằng đại đa số giáo sinh trong khối C là những chị sinh viên đang học dở dang đại học Văn Khoa trước năm 1975, lý do là nhà nước “giải thể” trường đại học Văn Khoa, buộc các sinh viên phải chuyển sang đại học hay trung học sư phạm. Các chị sinh viên ấy đa phần thuộc gia đình “Ngụy Quân, Ngụy Quyền”. Tôi gặp N.A là con gái của một vị giáo sư cùng dạy ở trường Võ Bị Đà Lạt với cha tôi. Chúng tôi được coi như là số ít trong số những học sinh trung học lọt vào khối C của trường này. Mỗi giáo sinh đều có tiêu chuẩn lãnh nhu yếu phẩm hàng tháng như vài ký gạo, một ký đường, hai hộp sữa, và một ít tiền học bổng. Điều này làm tôi thấy yên tâm là tôi có thế tự lo tiền sách vở để bớt đi chút gánh nặng cho mẹ. Tôi lại tiếp tục cắp sách đi bộ đến trường mỗi ngày, lần này con đường đến trường dài hơn con đường hồi còn ở trung học. Sáng nào tôi cũng khởi hành từ nhà lúc năm giờ bốn mươi lăm, và đặt chân đến cổng trường thì vừa đúng lúc còi của xưởng Ba Son hụ bảy giờ, rồi tiếng chuông reo vào học của trường tôi vang theo. Ngày ngày, cơn đói vẫn hành hạ tôi trên đường đi học, tôi cứ phải đếm từng bước chân mình để cố quên cái đói, để nuôi sự kiên nhẫn, và tự nhủ: phải ráng cố gắng, chỉ ba tháng thôi, thời gian sẽ qua nhanh, không bao lâu nữa mình sẽ kiếm được tiền.



    Chương trình học thì không có gì là căng thẳng lắm, chỉ có điều kỷ luật của trường quá khắt khe khiến cho tôi chán nản.Thí dụ như khi chuông reo vào học bảy giờ là nhà trường sẽ đóng cửa, học sinh nào đến sau bảy giờ thì coi như vắng mặt. Học sinh không đeo phù hiệu thì bị đuổi về… còn rất nhiều những luật lệ khó khăn khác mà tôi không nhớ hết. Vì là khoá cấp tốc nên thời gian học cũng gấp rút, chúng tôi học từ bảy giờ sáng cho đến bốn giờ chiều, nghỉ một tiếng rưỡi giữa trưa…

    Thấm thoát thời gian ba tháng trôi qua, tôi háo hức chờ đợi nhà trường ra thông báo ngày đi thực tập và ngày tốt nghiệp. Bỗng nhiên, một sự kiện lớn đã làm tan biến bao niềm háo hức trong tôi. Nhà nước đưa ra kế hoạch “đánh tư sản” từ cấp phường đến cấp quận, họ dùng các phương tiện báo chí, truyền thanh đế tuyên truyền, lên án, đả kích thành phần tư sản rất ghê gớm.Theo sắc lệnh của nhà nước, tất cả các học sinh trung học chuyên nghiệp, sinh viên đại học khắp nơi đều phải tham gia công tác “kiểm kê chống tư sản”. Và thế là cả khối C của chúng tôi đều bị huy động đi công tác này thay cho việc đi thực tập. Nếu giáo sinh nào mà không tham gia thì sẽ không được ra trường, công tác này cũng tính điểm như điểm đi thực tập vậy. Hôm đó tôi về nhà báo cho mẹ biết chuyện tôi bị bắt buộc đi công tác “đánh tư sản” với sự bực tức hậm hực, mẹ tôi ôn tồn bảo: “ Thôi ráng đi con, gió chiều nào thì phải theo chiều ấy, chống cự làm sao được.” Tôi vẫn không hiểu đánh tư sản là gì? Và tại sao phải đi đánh tư sản? Buổi chiều, tôi được lệnh tập họp ở trường vào khoảng 5 giờ cùng với các chị bạn, chúng tôi bàn tán đủ điều. Ai cũng lo lắng không biết mình sẽ làm gì? Đi đâu? Và điều kiện ăn ở thế nào? Khoảng một tiếng đồng hồ sau có mấy chiếc xe cam nhông đến, người tài xế thúc giục chúng tôi lên xe một cách bí mật. Những chiếc xe cam nhông ấy đã thả từng nhóm học sinh chúng tôi xuống những địa điểm khác nhau, tôi bị thả xuống sau cùng với một nhóm người lạ hoắc ở một khu phố chẳng biết là đâu. Có hai người đàn ông trung niên đón nhóm người lạ và tôi ngay ở đầu xe; họ điểm danh, đếm số rồi dắt chúng tôi vào một ngôi nhà rộng. Tôi thật lo sợ khi nhìn thấy rất nhiều người đàn ông, đàn bà đủ mọi lứa tuổi ngồi chật cả căn phòng, tôi thầm hỏi: “Người ở đâu mà nhiều vậy kìa?” Tiếng nói chuyện ồn ào và hơi người nồng nặc khiến tôi phải bước ra ngoài hiên. Tôi nghe tiếng gào rất to của một trong hai người đàn ông trung niên lúc nãy cố át tiếng ồn thông báo rằng: “Chúng ta có lệnh phải chờ đến sáng sớm mai mới có phân công cụ thể”. Chờ nữa, sao tôi chán ghét chữ chờ quá, tôi cứ đi quanh quẩn trước hiên nhà, rồi thì trời tối dần, muỗi bắt đầu vo ve, tôi đành phải vào nhà, nhìn chung quanh thấy đã có mấy người trải báo ra nằm, đàn ông, đàn bà, con trai, con gái người nằm, kẻ ngồi san sát bên nhau, trông hỗn tạp làm sao, dễ sợ làm sao! Tôi cố tìm cho mình một chỗ nghỉ qua đêm. Nhìn mãi tôi mới chọn được một góc nhà chật hẹp khuất sau cái cột gỗ, phía trước cái cột có một người đàn bà đang ngồi ngủ gục. Đêm ấy tôi không dám nằm xuống cứ ngồi bó gối nhìn mọi người, lúc nào mệt thì gục đầu trên hai cánh tay. Mới xa nhà có mấy tiếng đồng hồ mà tôi đã thấy nhớ nhà, tôi nhớ mẹ, tôi nhớ bà ngoại, tôi nhớ đến em bé út của tôi, không biết tối nay em sẽ vòi ai quạt cho em ngủ. Tội nghiệp cho em tôi đã hai tuổi rưỡi rồi mà em vẫn chưa biết nói, chỉ ngọng nghịu từng từ một. Rồi mơ màng trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, tôi thấy cha tôi trở về nhà với một bao gạo to trên vai, chị em tôi chạy ra mừng rỡ, thi nhau reo hò: “A, bố về, bố về, bố đem gạo cho tụi mình kìa!””. Cha tôi xoa đầu từng đứa và bế em bé út tôi trên tay, rồi cha bảo: “Bố chỉ được về có một tí thôi phải đi bây giờ?” Tôi hỏi cha: “Bố đi đâu?” Cha buồn rầu nói: “Đi vào trại cải tạo”, ngay lúc ấy có hai người bộ đội tới kéo cha tôi đi. Chúng tôi gào khóc: “Không, không, bố không đi đâu, thả bố tôi ra…” trong sự giằng co, xô xát, bao gạo đã đổ ra tung toé trên sân nhà, cha tôi không dám quay lại nhìn đàn con… Tôi đau xót trong cơn mê, cảm thấy đầu mình nặng trên cánh tay và hai đầu gối ướt sũng…Tôi nhớ cha tôi tha thiết…

    Sáng hôm sau tôi được phân công về vùng Hậu Giang, Chợ Lớn. Nơi đây tôi phải dự môt cuộc họp với ban lãnh đạo công tác để biết mình phải làm những gì trước khi “ra trận.” Trong buổi họp tôi gặp lại nhiều chị bạn quen học chung khối, tôi rất vui mừng và thấy mình bớt lẻ loi, cô độc giữa đám đông xa lạ. Ban lãnh đạo công tác gồm hai người đàn ông, một người là cụm trưởng khoảng 40 tuổi, nói giọng Nghệ Tĩnh, còn người cụm phó thì trẻ hơn độ khoảng trên dưới 30 nói giọng nam. Anh ta có đôi mắt sắc bén với cái nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống người đối diện. Cả hai đều là đảng viên của trường đảng Nguyễn Ái Quốc được bổ sung về điều hành công tác “đánh tư sản” này. Một cụm thì khoảng từ 10 đến 15 nhà, mỗi nhà hai ông “đảng viên” xếp ba người vào “đóng chốt”, cứ một học sinh thì đi kèm với hai người dân địa phương. Tôi “bị” đưa vào một nhà tư sản đã từng là đại lý bán trà. Cũng như số phận của bao nhiêu giáo sinh khác, tôi phải giữ chức tổ trưởng để thực hiện công việc kiểm kê trên giấy tờ, và báo cáo hằng ngày cho hai ông trrưởng, phó. Hai người địa phương cùng đi chung với tôi cũng còn trẻ, một cô gái và một anh chàng thanh niên chắc chỉ hơn tôi vài tuổi. Chúng tôi được lệnh phải “canh gác”, “theo dõi” mọi thành viên trong nhà. Khi người trong nhà đi ra ngoài phải cho chúng tôi biết là đi đâu, và nếu họ có xách theo giỏ thì phải khám xét phòng khi họ dấu diếm tài sản để tẩu tán đi nơi khác.Tôi cảm thấy hổ thẹn cho công việc mình đang làm, và tưởng như mình là kẻ đồng loã với một tổ chức ăn cướp rất lớn của chính phủ.


    Gia đình tư sản mà tôi đã được đặt chân vào hơi giống như một tiệm bán thuốc bắc. Vừa bước qua cái cửa sắt là tôi đã thấy ngay môt cái quầy gỗ cong cong hình chữ C, đằng sau quầy là một cái tủ lớn có những ngăn kéo nhỏ. Hai bên phải và trái của cái tủ lớn là những kệ chất đầy thùng sắt tây rỗng sơn đen. Nhìn quanh nhà, tôi không thấy có cái vẻ gì là “tư sản”. Bà chủ nhà là một bà già người Tiều, luôn mặc bộ đồ sẩm màu xanh dương, bà có mái tóc ngắn đã bạc nhiều. Khi tôi đặt chồng giấy tờ trên quầy và ngượng nghịu hỏi bà những câu hỏi về sự thu nhập buôn bán, cùng tài sản của gia đình để tôi ghi vào giấy. Tôi đã đọc được sự đau khổ trên khuôn mặt bà, và nhận ra sự thành khẩn trong lời nói:

    “Chời ơi! ngộ nói thiệt cho nị nghe, ngộ nghỉ páng lâu dzồi. Lúc trước puông páng cũng nhỏ thôi, đủ hai bữa cơm qua ngày, đâu có tiền pạc gì nhiều đâu mà khai páo”, rồi bà quay sang phía sau cái quầy vói tay lấy một thùng sắt tây xuống và mở ra cho tôi xem bên trong cái thùng rỗng: “Đây, đây nị coi nè thùng không mà, đâu có trà nữa đâu mà páng”

    Tôi ái ngại nhìn bà, thấy tội nghiệp bà quá, tôi gật đầu và hỏi:

    “Con tin bà rồi, nhưng nếu bà không buôn bán nữa, sao họ tìm ra thuế môn bài có tên bà?”

    Bà chủ nhà chặc lưỡi:

    “Ậy, cái thuế môn bài đó là cũ lắm dzồi. Mấy ông cách mạng đó không có chịu nhìn cái năm, cái tháng cho dzõ một chút.”

    Tôi thở dài nói:

    “Thiệt tình con cũng không muốn làm khó bà đâu, người ta bắt con làm thôi, hay bà cứ nói đại con số nào cũng được để con ghi vào đây?”
    Bà chủ nhà lắc đầu:

    “Ngộ giờ già dzồi, đâu có nhớ páng lời lỗ pao nhiêu mà nói, pỏ páng lâu dzồi”

    Tôi bối rối nhìn tập giấy, những hàng, những cột sao mà rắc rối quá, không biết mình phải ghi làm sao đây để báo cáo mỗi ngày cho hai lão đảng viên dễ ghét kia. Bất chợt tôi nhìn vào cột tài sản, rồi nhìn những thùng sắt tây đen rỗng trên kệ, nhà bà có còn cái gì đâu ngoài những thùng sắt tây này. Một ý nghĩ loé lên trong đầu tôi:

    “Thôi vậy đi, bây giờ con với bà sẽ đếm hết những thùng sắt tây này, bà còn nhiều thùng như vậy không, con sẽ ghi vào cột tài sản số thùng rỗng mà hiện giờ bà đang có”

    Hình như tôi nói hơi nhanh nên bà chủ nhà ngơ ngác hỏi lại: “Là làm sao, cột tài sản gì?”

    Tôi ghé vào tai bà chậm rãi nói: “Tài sản của bà là những thùng sắt tây rỗng này, mình sẽ đếm nó và ghi vào giấy.”

    Bà mừng rỡ gật đầu:

    “Ồ dzậy thì phải, cám ơn nị nghe, ngộ còn nhiều thùng ở chên gác kìa!”

    Một buổi chiều có cuộc họp lớn giữa các cụm với nhau, tôi nghe tin một chị nào đó đã tìm ra mấy cây vàng của chủ nhà giấu trong những nắm than đá. Công trạng ấy đã được xem như một chiến tích lớn lao trong công tác “đánh tư sản”, và càng được thổi phồng khắp nơi trong các cụm, cũng nghe đồn chị đã được kết nạp vào đảng ngay tại hiện trường. Một thành tích dữ dội khác là những thành viên địa phương ở nhà nào đó đã khám phá ra nhiều vải vóc, và những tài sản quí giá được chủ nhà dấu đằng sau bức tường trong nhà. Sau lần nghe những thành tích “nổi cộm” ấy, ông cụm trưởng của tôi không ngớt thúc hối chúng tôi phải kỹ lưỡng hơn trong việc theo dõi chủ nhà, phải cố tìm tòi cho ra những tài sản mà chủ nhà giấu diếm. Ông ta còn ra lệnh mỗi ngày chúng tôi phải báo cáo thêm về diễn tiến của sự tìm tòi, khai thác. Tôi bắt đầu thấy sợ những buổi họp báo cáo, vì nhà tư sản mà tôi đang “đóng chốt” chẳng có gì để khai thác. Chiều nào đi họp báo cáo, tôi cũng lắc đầu cho qua chuyện. Ông đảng viên cụm trưởng rất bực mình tôi, ông xem lại mớ giấy tờ kiểm kê của nhà tư sản bán trà lẻ, dựa trên giấy tờ tôi làm ông không tin bà chủ nhà đã khai báo thành thực; và tôi đã bị ông khiển trách về sự lơ là trong công việc Ngày hôm sau ông cầm xấp giấy đến nhà bà gặng hỏi: “Sao bà chủ, còn bao nhiêu trà nữa khai ra hết đi, giấu diếm làm gì?” Vẫn khuôn mặt đau khổ và giọng nói thành khẩn, bà cố thanh minh cho cái nghề buôn bán trà lẻ rằng đã chấm dứt, nhưng cái lão đảng viên vẫn tiếp tục tra hỏi. Tôi đã muốn bịt lỗ tai lại để không còn nghe thấy những câu “khảo của” hèn hạ của lão đảng viên ấy.



    Mấy ngày sau, tôi bị đơn phuơng chuyển đến một nhà tư sản khác để tiếp tục làm công tác kiểm kê. Lần này nhà tư sản là một tiệm tạp hoá, thật khôi hài vô cùng! Nhìn thấy bà chủ tiệm với vẻ hiền hậu, chân chất, tự nhiên tôi thấy thương cho số phận của những người tiểu thương buôn bán lặt vặt đã bị liệt vào thành phần “ tư sản mại bản” “ bóc lột” nhân dân. Không biết họ đã bóc lột nhân dân nào? Tôi vốn không thích những con số từ hồi còn đi học, mà bấy giờ tôi phải ngồi đếm từng mặt hàng trong cửa tiệm để ghi, để cộng, chán chường quá! Sau hai ngày quay cuồng với giấy tờ kểm kê, tôi đề nghị với bà chủ tiệm là tôi sẽ chỉ kiểm những món hàng lớn nào mà bà muốn tôi ghi vào giấy thôi, còn cả bao nhiêu món hàng linh tinh khác tôi phải chịu thua vì quá nhiều., bà chủ tiệm cũng đồng ý với tôi như thế.

    Khi công tác “đánh tư sản” hoàn thành, tôi vui mừng đươc trở lại trường để tiếp tục cho xong cái sự nghiệp “trồng người” cấp tốc. Thế mà có xong được đâu, một công tác khác được bí mật thông báo trong nội bộ: công tác “đổi tiền”. Tôi may mắn hơn các chị bạn khác là đã bị lọt sổ ra ngoài chuyến đi đó. Không tham gia công tác thì ngày nào tôi cũng phải đến trường làm những công việc lao động lặt vặt để có điểm thực tập cho mình.Tôi không biết, càng không hiểu nổi là tôi đang được đào tạo trong một hệ thống giáo dục mầm non kiểu gì đây? Đáng lẽ ra tôi đã phải học xong từ ba tháng trước, nhưng khoá học kéo dài đền gần hết một niên khoá rồi, học sinh chúng tôi cứ còn bị cột chặt vào những công tác này, công tác nọ đến bao giờ nữa?...Trong thời gian đó, rất nhiều người đi vượt biên, nhà nước cũng đã tịch thu được rất nhiều nhà vắng chủ. Họ chưa biết sử dụng những căn nhà đó để làm gì, thì vừa khi công tác đổi tiền kết thúc, toàn bộ học sinh khối C chúng tôi lại bị “lùa” đi công tác “giữ nhà” cho nhà nước, họ gọi công tác này bằng cái tên rất hoa mỹ là “thanh lý nhà cửa”. Lần đó, chúng tôi đi chung với những công nhân “Cục Đường Biển”. Trở lại khu Chợ Lớn quen thuộc, chúng tôi được chia ra nhiều nhóm nhỏ rồi thì cứ ba người lại vào một nhà, nhiệm vụ của chúng tôi là phải kiểm kê những tài sản chủ nhà bỏ lại, thí dụ như: T..V, tủ lạnh, nồi cơm điện, quạt…và còn phải trông coi căn nhà đó cho đến khi nhà nước có lệnh dùng căn nhà ấy vào việc gì thì chúng tôi được ra về. Công tác này có vẻ nhàn hạ đến nhàm chán và lại kéo dài hơn công tác “đánh tư sản”. Theo qui định của công tác “thanh lý”chúng tôi không đuợc phép mang ra khỏi nhà bất cứ thứ gì. Trong căn nhà tôi đã bị vào “thanh lý”, tôi tìm thấy rất nhiều sách chữ Tàu.; tôi nghĩ bụng nếu tôi gửi được cho cha tôi những sách này chắc là cha phải thích lắm. Cha tôi đang tự học thêm chữ Tàu trong tù để giết thời giờ, và lần nào có dịp thăm nuôi, cha cũng bảo mẹ tôi mua báo Tàu cho cha đọc. Nhắc đến đây, tôi chợt nhớ một anh Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị, người đã từng ở tù chung với cha kể rằng; anh đã học được ở cha tôi chữ “quân tử” từ hai câu: “Bần tiện bất năng duy” nghĩa là dù nghèo mà không tham lam, và “uy vũ bất năng khuất”, gặp cường quyền cũng không khuất phục. Theo anh, điều đã làm anh rất mến phục cha tôi là chỗ, dù sống trong cảnh khổ nào cha vẫn không đánh mất tư cách, và phẩm chất của người quân tử.

    Công tác “thanh lý” đã chiếm gần hết cả mùa hè, sau khi chúng tôi trở về trường lại, nhà
    trường đã gấp rút tổng kết điểm, và hoàn tất thủ tục ra trường để kịp gửi toàn thể giáo sinh khối C về các quận, huyện nhận nhiệm sở trước ngày nhập học. Tôi đã thực sự bước vào nghề dạy trẻ từ năm học 1978-1979 Năm đó, sở giáo dục ra chỉ thị mở rộng ngành nhà trẻ mẫu giáo xuống từng phường xã. Mỗi phường phải có một trường mẫu giáo và một nhà trẻ riêng biệt, và để bảo đảm cung cấp đầy đủ số lượng giáo viên mẫu giáo cho từng phường xã, chúng tôi được thông báo là giáo sinh ở phường nào thì về phường đó dạy. Tôi nhận nhiệm sở về phường 4, quận 3 nơi tôi cư ngụ. Ngày tôi tìm đến trường để trình diện, một cảm giác lo âu lẫn thất vọng dậy lên trong lòng tôi khi gặp bà hiệu trưởng (một người phụ nữ sinh hoạt phường khóm chưa hề qua một lớp sư phạm nào), bà đón tôi với cái nhìn từ đầu đến chân không mấy thiện cảm cho lắm. Có lẽ bà “kỳ thị” tôi vì cái vóc dáng nhỏ bé gầy gò với bộ quần áo nghèo nàn. Sau này tôi mới biết rằng bà không thích nhận giáo sinh khốc C, vì bà nghi ngờ khả năng chuyên môn của hệ đào tào cấp tốc. Bà đâu có biết trong khối C là khối tập trung những nhân tài, những tinh hoa tri thức của trường Đại Học Văn Khoa ngày trước. Còn về trường lớp, đó không hẳn là một ngôi trường mà chỉ là một căn phòng dài được mượn từ cơ quan phường đội ở trên lầu. Căn phòng ấy được ngăn làm hai lớp, tôi là một trong hai giáo viên sẽ dạy lớp bên trong, và một người bạn khác học chung khối C với tôi sẽ phụ trách lớp bên ngoài.


    Những ngày đầu đi làm của tôi cũng thật là chua chát, đắng cay. Tôi luôn chịu sự đối xử bất công của bà hiệu trưởng so với T. bạn dạy chung, mặc dù tôi rất chăm chỉ, đi làm đúng giờ, soạn giáo án đúng ngày. Nhưng hình như bà không bao giờ hài lòng với mọi sự cố gắng của tôi. Có nhiều hôm, vì cơn đói vật vã, khiến tôi mệt mỏi và không có sức để đi tới đi lui nhiều. Giờ vui chơi, tôi chỉ ngồi một chỗ bất động nhìn học trò chạy nhảy như chong chóng. Bà đã bực dọc la lối tôi như một đứa trẻ: “Em làm cô giáo gì mà thụ động quá vậy hả, chẳng biết dạy học trò cho ra nề nếp gì hết, đâu phải đi vô dạy là cứ ngồi đó hoài để lãnh tiền đâu?” Bà không biết mà chắc cũng chẳng cần biết là gia đình tôi đã không có cơm ăn gần cả tuần rồi, chỉ toàn ăn cháo độn rau muống. Hai hôm trước cháo cũng không có mà ăn, phải ăn rau muống luộc không. Tôi đang thấp thỏm chờ tháng lương đầu và chút nhu yếu phẩm đem về cho mẹ đổi lấy gạo nấu cơm. ..

    Một buổi sáng, tôi đến trường trong cái mệt và đói lả người, tôi cố lết vào lớp tìm một cái ghế ngồi phịch xuống. Hôm đó, T không đến trường, cũng không thấy bóng dáng bà hiệu trưởng đâu, bà thường viện cớ cho sự vắng mặt của bà là phải đi xuống phường thường xuyên đốc thúc họ cấp nhà cho trường mẫu giáo, chứ trường ốc như hiện giờ ai mà thèm cho con đi học. Tôi nhìn những đứa bé học trò trong lớp toàn là con nhà nghèo, đứa nào mặt mũi cũng lem luốc, mũi dãi chảy lòng thòng.Có đứa mang chân không đi học, tôi chợt xót xa nghĩ đến hình ảnh của các em tôi có khác gì những đứa bé nhà nghèo này đâu.Tôi mong cơn đói sẽ qua đi, để tôi đứng dậy phát tập cho học trò tô màu. Cái đói đã làm tê liệt cả não bộ của tôi, cả tứ chi tôi không buồn nhúc nhích. Nếu bà hiệu trưởng có mặt ở đây thì chắc chắn tôi sẽ bị trách móc về chuyện đi vô dạy mà cứ ngồi hoài…Bất chợt, em trai kế của tôi từ nông trường lao động ghé qua trường thăm tôi. Thấy bóng em, tôi vịn thành ghế đứng lên, chầm chậm bước ra cửa, nhìn em tôi đen đủi và già đi rất nhanh so với tuổi muời tám của em, tôi cười trong nước mắt. Không đợi tôi hỏi, em tôi nói ngay một hơi:

    “Em mượn xe đạp của thằng bạn chạy về đưa nhu yếu phẩm cho bà, không thấy Mai ở nhà, mấy đứa nó nói Mai đi dạy ở đây. Em ghé qua thăm Mai một chút rồi phải đi liền, Mai xanh quá à”

    Tôi cảm động không nói được, nước mắt cứ rơi. Tiếng em tôi hỏi:

    “Sao Mai khóc vậy? Bộ dạy ở đây cực lắm hả?”

    Tôi lắc đầu, ngập ngừng nói:

    “Chị… chị .. đói quá, nhà mình mấy hôm nay ...khổ lắm. Mẹ chạy không nổi hai bữa cơm cho cả nhà, mà chị thì ...chẳng phụ gì được cho mẹ…đi làm cứ mong luơng hoài mà chưa có...”

    Tôi sụt sịt gạt nước mắt, em tôi ngắt lời:

    “Em biết cái khổ của nhà mình, bởi vậy em không dám ở nhà lâu. Không biết chừng nào bố mới về cho tụi mình đỡ khổ…”. Em tôi chợt ngừng nói và móc túi áo lấy ra một gói nhỏ đưa cho tôi:
    “Em cho Mai nửa cục đường tán nè, Mai ăn đi đỡ đói lắm đó. Ở chỗ em mỗi lần đi lao động mệt đứa nào cũng phải thủ cục đường để ngậm cho khoẻ”

    Mắt tôi sáng lên: “Vậy hả? Sao Thái không để dành mà ngậm cho chị làm gì?”

    “Mai đang đói ngậm liền đi cho khoẻ, em đã ăn nửa cục rồi mới có sức đạp mười lăm cây số về đơn vị bây giờ chứ”

    Tôi cầm nửa cục đường thẻ nhìn em nghẹn ngào… Em tôi nói:

    “Thôi, em phải đi đây, Mai ngậm liền đi cho khoẻ để có sức la hét tụi nhỏ”

    Nói rồi em đạp xe đi nhanh. Tôi ngẩn ngơ nhìn theo em, vừa run rẩy bỏ cục đường vào miệng. Vị ngọt của đường, và vị mặn của nước mắt pha lẫn vào nhau trong cổ họng tôi như tắc nghẽn lại…

    Đúng như lời em trai tôi nói, chỉ vài phút sau tôi bỗng thấy mình khoẻ hơn một chút. Tứ chi tôi đã muốn hoạt động trở lại để tôi có thể chơi đùa với những đứa bé ngây thơ trong lớp. Sau giờ học, bà hiệu trưởng tạt qua trường đem cho tôi một tin thật khủng khiếp: phòng giáo dục không có tiền trả luơng cho giáo viên trong 3 tháng, chúng ta sẽ được “truy lãnh” 3 tháng luơng vào tháng 12. Tai tôi như ù đi, tôi tưởng như con ma đói đang cào bụng tôi đến chảy máu. Trời ơi, ba tháng không lương! Tôi sẽ phải làm sao để giúp gia đình tôi trong cơn túng quẫn này?? Ba tháng không lương, tan nát hết bao nhiêu hy vọng của tôi rồi. Tôi không biết tôi còn được bao nhiêu sức lực để vượt qua những cơn đói dài trong những ngày tháng tới? Ba tháng không lương, có ai tin được đó là sự thật dưới chế độ cộng sản? Đảng và nhà nước đã làm được gì cho nhân dân sau khi hòa bình, ngoài sự phát triển cái ghèo, đói và bệnh hoạn, ngoài việc hô hào dân chúng là đất nước hãy còn khó khăn, mọi người dân chúng ta phải biết khắc phục, còn phải khắc phục đến bao giờ? Thật là một nền hoà bình trong ai oán và uất hận. Trên đường về nhà tôi cứ lẩm bẩm mãi câu: “ba tháng không lương” như một người khùng, rồi tôi bật khóc tức tưởi…

    Bây giờ ngồi đây tôi vẫn còn khóc, khóc mãi trong suốt cuộc hành trình ngược dòng thời gian về một quãng đời đen tối của sự nghèo đói sau chiến tranh. Còn biết bao nhiêu điều tang thương đã xảy ra trong gia đình tôi. Những năm tháng vắng mặt cha, có những khúc quanh trong cuộc đời gợi cho tôi nhiều xúc cảm quá đớn đau, quá xót xa, đến độ tôi không tài nào nhấc bút lên viết hết
    được, và phải dừng lại nỗi nhớ của mình …

    Thiên Lý
    (Trích hồi ký “Ngược dòng Thời Gian")

    (1) Bài hát "Tôi Sẽ Đi Thăm" của Trịnh Công Sơn


    Nguồn:http://gocnhosantruong.com

              
Trả lời

Quay về “Tưởng niệm ngày Quốc Hận 30/04/1975”