Tết Bính Thân - 2016 -

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20030
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Tết Bính Thân - 2016 -

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          








:flwrhrts:


Mời các bạn bắt đầu chương trình

"Đón Xuân Bính Thân"



:flower: :flower: :flower:




:chatgroup: :drnkbdds: :dancing2: :dancing3: :bow3: :yes2: :bravo: :yes2: :bow3: :dancing3: :dancing2: :drnkbdds: :chatgroup:
          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20030
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Tết Bính Thân - 2016 -

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          


Để mở đầu chương trình,
mời các bạn nghe một ca khúc Xuân của Văn Phụng

:flower:






Xuân vui ca
Văn Phụng - Bạch Vân



          
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5410
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Tết Bính Thân - 2016 -

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           



    Tát đìa ăn Tết






    Đìa là chỗ trũng ngoài đồng có đắp bờ để giữ nước và cá.



    Tục ngữ có câu:
    • Nay tát đầm, mai tát đìa, ngày kia giỗ hậu.

    Truyền thống của người dân vùng sông nước Cửu Long là gần đến Tết, họ tát đìa, dỡ chà, bắt cá tôm, kiếm tiền xài Tết, và có cá để dành tiếp khách. Thời gian tát đìa thích hợp nhất là từ tháng Chạp đến tháng Hai Âm Lịch. Người nông dân tính toán rất sít sao: Dứt lúa tới đìa, dứt đìa tới ruộng, đủ ăn quanh năm.

    Khi tôi bị đi "học tập" tại vùng Đồng Tháp Mười, năm 1976-1977, chỉ cần ra đồng ruộng là nhìn thấy từng đàn cá bơi lội, cá lóc với bầy con ròng ròng, cá rô đồng, những con rùa, và các con rắn xà nẹo trên các bụi cây trên bờ, khi bơi hay chống thuyền trên các sông, rạch. Chỉ cần bước chân xuống ruộng là bắt được cá.

    Tại nơi muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh này, vào những ngày cận Tết, nhà nào tát đìa là cả xóm đến cùng nhau bắt phụ. Mỗi người một việc: be bè, nhét bọng, quăng chà ra khỏi đìa, dùng đăng chặn hết các ngõ ngách không cho cá thoát ra khỏi đìa, rồi dùng gầu, dùng thùng tát đìa.

    Muốn một cái đìa có nhiều cá, thì khi đào nó, phải tôn trọng các nguyên tắc, các kinh nghiệm mà người dân quê đã truyền cho nhau như ngó hướng sông, hướng gió, thế nước, cách mở miệng đìa, sao cho cá vào nhiều trong đìa. Bởi vậy mới có các ông «thầy đìa», chỉ dẫn từng ly, từng tí bí quyết đào mới mong có kết quả sau này.

    Cũng như con người, chết vì danh vọng, của cải, con cá chết vì đìa sâu, rộng, lại ấm, cho nó bơi lội thải mái. Người kinh nghiệm có thể đánh giá một cái đìa có nhiều cá hay không. Thường thì bờ đìa cỏ mọc tùm lum, người ta nằm xuống, lấy tay rờ qua rờ lại coi thành bờ xem nó láng hay sần sùi. Nếu mép bờ đìa láng o, thì đìa có nhiều cá.

    Nghe tiếng cá táp cũng có thể biết cá trong đìa to hay nhỏ. Cá lóc lớn khi táp mồi chỉ nghe một tiếng rất êm, nhẹ. Trái lại những con cá nhỏ lại táp mồi một cách ồn ào hơn. Ngay cả khi nhìn tăm cá trên mặt nước cũng không chắc ăn. Mặt đìa khi cá ăn móng như cơm sôi cũng chưa chắc có nhiều cá.

    Tát đìa thường vào buổi sáng, khi gà vừa gáy. Không khí một buổi tát đìa thường rôm rả khác thường. Kẻ tát, người nghỉ để hút thuốc, nói chuyện trời trăng mây nước, tâm sự vợ con, nhộn nhịp vô cùng. Thường thì những người đứng gầu chỉ làm việc chừng nửa tiếng, sau đó đổi tay. Ngày nay, có khi người ta dùng máy bơm, bơm nước, nhưng làm như vậy, mất hết vẻ quyến rũ của một ngày tát đìa thuở xa xưa, khi ông bà đi mở đất. Thật là một điều đáng tiếc nếu một ngày kia, chiếc gầu dai không còn được sử dụng nơi đồng quê. Số phận của chiếc gầu dai, một ngày nào đó, sẽ giống như số phận của chiếc cối xay gió, mà ông Alphonse Daudet đã ghi lại trong văn học Pháp mà thôi.

    Tát đến khi mặt trời đứng bóng là được phân nửa đìa. Cá bắt đầu động đậy dưới lớp nước đã vơi đi. Ông thầy đìa nhìn mặt nước sôi bọt, đã biết sẽ có nhiều cá lóc hay cá trê. Chừng nửa tiếng sau là cá lóc có con to bằng bắp chuối đã hiện ra, trườn qua, trườn lại, lóc vào các chỗ cạn để tìm đường thoát. Khi đó, người chủ đìa sẽ nhẩy vội xuống bắt ngay mấy con, quăng lên bờ cho mấy cô gái, hối thúc mấy cô này đốt rơm nướng, chuẩn bị cho món cá lóc nướng trui để đãi chòm xóm đã giúp tát đìa.

    Bữa cơm với cá lóc nướng trui ngon và vui hơn đám giỗ. Tiếng cười nói rổn rảng, dân làng quây quần bên nhau, đàn ông con trai ngồi chồm hỗm, đàn bà, con gái, xếp bằng. Thịt cá lóc, gỡ bằng tay, cuốn trong bánh tráng, đọt soài, bông điên điển, khế chua, rau cải trời, chấm mắm, hay nước mắm giầm chanh ớt, cay xé miệng, ăn ngon gì đâu.

    Ăn uống xong họ tát tiếp cho đến khi đìa cạn. Cá phơi lưng ra. Những người đàn ông săn quần nhẩy xuống bắt cá. Đàn bà cầm đuốc để soi sáng và đuổi muỗi, hay chuyển cá lên bờ. Nào cá trê, cá lóc, lươn, rắn, rùa, ốc bươu, lúc nhúc trong lớp bùn lên tới gối, tha hồ bắt. Rắn thì thường là loại rắn hiền, rắn ri voi, ri cá, rắn bông súng. Các con cá lóc bự cắm đầu vào sình non trốn, nhiều khi phải thọc tay vào thật xâu mới kéo được chúng ra. Sau khi chủ đìa đã bắt được khá bộn, những người bắt cá hôi mạnh ai nấy mò, nhiều khi cũng trúng mối. Cá bắt được cho vào bao, cho trâu kéo về. Chủ đìa chia cho các người tát đìa mỗi người một bao dể trả công. Cá được rọng lại để ăn dần qua Tết. Còn dư, đem biếu xóm giềng. Xóm giềng cũng xúm lại giúp, đánh vẩy, móc ruột. Cá nhỏ làm mắm, cá lớn , chết, phơi khô.

    Người dân Đồng Tháp ăn ở với nhau hiền hòa, nhân hậu, thấm đậm tình chòm xóm láng giềng, không giống với người dân thành thị, như hiện nay, tại Sài Gòn, người ta nhiều khi dùng dao chặt tay nhau để cướp đồ.





    _________________

    Tháp Mười gió thổi lao xao.
    Ngàn hoa điên điển rì rào trong đêm.
    Hương ngàn cỏ lạ không tên.
    Dâng từng bông súng, đầm sen ngọt ngào.


    Tôi đã có thời gian sống tại Đồng Tháp Mười tuy tôi được sinh ra tại Miền Bắc. Từ nhỏ đến lớn, tôi là người sống tại thành thị. Ngay khi còn ấu thơ, tôi cũng chỉ về quê, nơi ông bà nội tôi sống, trong những ngày Tết hay trong một thời gian ngắn đi tản cư, những năm cuối thập niên 40. Khi ấy, tôi chưa được 10 tuổi, nhưng cũng còn giữ lại được trong ký ức việc bắt cá nơi thôn quê.

    Tát đìa, ngoài Bắc người ta gọi là tát ao. Nhà ông bà nội tôi có 2 cái ao, và khi gần Tết, cũng có những người đến tát ao để bắt cá. Khác với trong Nam, mỗi khi tát ao như vậy, cảnh tượng cũng y chang Miền Nam, nhưng thay vì bắt được những con cá lóc (ngoài Bắc gọi cá quả), thì người ta bắt được các con cá «chắm», cá mè.

    Con cá mè thì tôi còn nhớ, vì có các vẩy nhỏ li ty như những hột mè, trắng lóng lánh. Còn con cá «chắm», tôi quên mất nó ra làm sao, nhưng tôi còn nhớ một điều là ông nội tôi hay ăn gỏi cá sống, chắc cũng giống như người Nhật ăn món sushi ngày nay. Trong Nam, tôi chưa thấy ai ăn cá sống bao giờ, nhưng người miền Bắc, có ăn cá sống. Tuy nhiên, việc làm gỏi cá sống rất phức tạp, cầu kỳ. Cá phải được tẩm vào các loại thính đặc biệt, và rau để ăn gỏi cá gồm tám hay chín loại gì đó, không hơn, không kém, không gia giảm. Tôi biết điều này vì người làm gỏi cá cho ông tôi thường là mẹ tôi. Trong thời kỳ tôi sống nơi quê nhà, chỉ chừng 1 hay hai năm.

    Ông tôi may mắn chết trước khi Cộng Sản phát động cuộc cải cách ruộng đất, nên các cụ thoát được cuộc Tố Khổ chỉ xẩy ra ít năm sau đó. Cảnh tượng tát ao ăn Tết vẫn là một kỷ niệm rất đặc biệt, rất êm đẹp của thời thơ ấu, khi tôi còn trong nước.

    Hiệp Định Genève đưa tôi vào Miền Nam năm 1954. Tôi sống tại Sài Gòn, Cần Thơ. Mãi tới sau 1975 mới biết đến Đồng Tháp Mười, khi bị bọn giặc Cộng sản xâm lấn, dùng vũ khí ngoại bang, chiếm đoạt Miền Nam: VNCH, và đầy ải chúng tôi đến vùng đất xa xôi này. Trong cái rủi, có cái may, là nhờ đó tôi biết khá nhiều về Đồng Tháp Mười, biết thế nào là đỉa, là muỗi, là chim bìm bịp, là cá thác lác, là cây bần, cây chàm, cây dừa nước, là rừng sậy…v.v

    Và tôi biết được thế nào là người dân Đồng Tháp. Họ hồn nhiên, hiền hòa, và không cần ai "giải phóng".

    Hãy đọc đoạn văn này của một người bạn gốc gác tại vùng này, nay đang sống đời lưu vong tại hải ngoại, vì giặc Công Sản:

    • "Đời nọ sang đời kia, ông cha chúng ta cầy cuốc, lấy mồ hôi nước mắt đổi miếng ăn, có cướp giựt ai đâu.
      Đất Nam Việt của người Nam Việt, giải phóng cái con khỉ gì ??…..
      "Cám ơn bác, cám ơn đảng", chúng tôi luôn nhớ ông bà cha mẹ chúng tôi dân đồng chua, nước mặn, ăn chắc mặc dầy….«phỏng trán» chai tay dựng nên Miền Nam Nước Việt: VIỆT NAM CỘNG HÒA.


    Đó chính là đoạn tôi đọc được trong tác phẩm «Chiều chiều, ra đứng ngõ sau» của nhà văn Nguyễn Phương, Paris. Tôi đọc tác phẩm này khi ngồi tại Montréal trong mùa Đông năm 2014, thời tiết bắt đầu lạnh, và chỉ ít bữa nữa thôi, tuyết trắng sẽ rơi đầy. Biết bao giờ tôi mới được tham dự thêm một lần buổi Tát Đìa ăn Tết tại Đồng Tháp Mười ???.

    Tất cả đã đi vào dĩ vãng, kể cả nơi chốn, và con người: những dân quê hiền lành, chất phác, nhìn con trăng hạ tuần tháng chạp, nghe gió bấc lao sao thổi về, nghĩ tới chuyện Tát Đìa Ăn Tết.



    Trần Mộng Lâm.
    Tham Khảo:
    • – Wikipedia,
      – Mạng,
      – Chiều chiều ra đứng ngõ sau….
      (Tập Truyện Nguyễn Phương)


    https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg

              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5410
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Tết Bính Thân - 2016 -

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           
    Hình ảnh người phụ nữ xưa
    trong bài thơ "TẾT CỦA MẸ TÔI" của Nguyễn Bính



    Đi vào thế giới thơ ca của Nguyễn Bính ta bắt gặp rất nhiều những hình ảnh về mùa xuân, ngày tết và có lẽ những người mê thơ ông đều thuộc làu những bài thơ bất hủ như Mưa xuân, Xuân tha hương, Rượu xuân...vì nó chứa đựng cái men của ái tình muôn thuở . Nhưng nếu cũng là đề tài này mà ta bỏ quên thi phẩm Tết của mẹ tôi thì quả là một điều thiếu sót . Tết của mẹ tôi là một bức tranh toàn cảnh mẫu mực về đức hi sinh, chịu thương chịu khó, vất vả gian lao và đầy phẩm hạnh của người phụ nữ Việt Nam xưa. Mỗi độ xuân về tết đến thì nhà nhà rộn ràng, người người náo nức để chào đón những niềm vui hạnh phúc đầu năm với nhà cửa khang trang, quần là áo lượt, rượu thịt hoa trái đủ thứ trên đời, nhưng khi hưởng thụ những niềm vui ấy có mấy ai nghĩ đến những cái đó có từ đâu, ai làm ra nó ! Tất cả đều từ bàn tay tảo tần của người mẹ, từ cái chắt chiu bé nhỏ của mẹ ở những ngày lam lũ mà ra. Nguyễn Bính đã thấy được và thay ta nói lên những điều đáng kính đó.
    • Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều
      Mẹ tôi lo liệu đủ trăm điều

    Đầu tiên là trang hoàng lại nhà cửa bên ngoài cho sạch sẽ khang trang và làm những nghi thức tín ngưỡng của dân gian làng quê xưa để mong cho cả nhà được bình an vô sự từ những ngày đầu của năm mới
    • Sân gạch tường vôi người quét lại
      Vẽ cung trừ quỷ, trồng cây nêu.

    Để những ngày tết cả nhà có được miếng ăn ngon, khách khứa đến có cái đãi đằng, chồng con nở mày nở mặt thì người mẹ phải lo toan, tính toán từ những ngày não ngày nào
    • Nuôi hai con lợn tự ngày xưa
      Mẹ tôi đã tính " tết thì vừa"
      Trữ gạo nếp thơm, mo gói bó
      Dọn nhà, dọn cửa, rửa bàn thờ.

    Những ngày càng giáp tết người mẹ càng tất bật và vất vả hơn, phải đi chợ búa sắm sửa, lo toan từ vật chất đến tinh thần cho chồng con
    • Nay là hăm tám tết rồi đây
      ( Tháng thiếu cho nên hụt một ngày)
      Sắm sửa đồ lề về việc tết
      Mẹ tôi đi chợ buổi hôm nay.
      Không như mọi bận người mua quà
      Chỉ mua pháo chuột và tranh gà
      Cho các em tôi đứa mỗi chiếc
      Dán lên khắp cột đốt ing nhà.

    Mọi thứ vật chất lo chu toàn xong thì cũng là giờ phút thiêng liêng của đêm giao thừa đã đến, người mẹ lại thành tâm ngồi cầu kinh cho gia đạo bình an. Quả là trong cái đức tin của người mẹ bao giờ cũng có nhà cửa gia đình, chồng con
    • Suốt đêm giao thừa mẹ tôi thức
      Lẫm nhẫm cầu kinh Đức Chúa Bà.

    Sau sự vất vả lo toan ấy là sự chăm sóc dạy dỗ những đứa con từ cách cư xử đến lễ nghi, hiếu thảo, tôn kính ông bà tổ tiên. Mẹ mong cho các con lanh lợi, may mắn suốt năm, luôn nhớ cội nhớ nguồn nội ngoại
    • Mẹ tôi gọi cả các em tôi
      Đến bên mà dặn: " Sáng ngày mai
      Các con phải dậy cho thật sớm
      Đầu năm năm mới phải lanh trai
      Mặc quần mặc áo lên trên nhà
      Thắp hương thắp nến lễ ông bà
      Chớ có cãi nhau, chớ có quấy,
      Đánh đổ đánh vỡ như người ta..."

    Sáng mồng một tết mẹ không cho các con ra đường vì sợ ai đó lỡ mồm lỡ miệng quở bậy sẽ bị xui xẻo cả năm .Và để các con mừng mẹ lì xì mở hàng cho các con mỗi đứa năm xu rưỡi. Quả thật Nguyễn Bính rất tinh ý ở chỗ này, sao không lì xì năm xu hay sáu xu mà lại là năm xu rưỡi! Vì mẹ lì xì cho các con ngoài mục đích để tiêu xài còn có ý nghĩa là lấy hên nữa, cái rưỡi ấy mang một ý nghĩa tượng trưng cho sự thừa thãi, phong phú, dồi dào về vật chất cũng như may mắn cho các đứa con.
    • Sáng nay mồng một sớm tinh sương
      Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường
      Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi
      Rửa mặt hoa mùi nước đượm hương

    Tấm lòng người mẹ không những thương yêu, chăm sóc cho những thành viên hiện hữu trong gia đình mà còn thành kính mà còn mong muốn sự hiển linh của ông bà tổ tiên về ăn tết vui vẻ với con cháu. Sự sum họp, chan hòa giữa người đã khuất và người còn đây
    • Mẹ tôi thắt lại chiếc khăn sồi
      Rón rén lên bàn thờ ông tôi
      Đôi mắt người trông thành kính quá
      Ngước xem hương cháy đến đâu rồi.

    Hương cháy trọn cây, tàn vẫn không đổ là ông bà chứng giám. Nếu ngày tư ngày tết vong linh ông bà cũng về vui vầy chứng giám cùng con cháu thì quả là hạnh phúc. Đó cũng chính là phong tục, tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc ta.... Từ đầu bài thơ đến giờ chúng ta chỉ thấy toàn sự lo toan khổ cực của người mẹ mà không thấy người được hưởng gì về cái hương vị của tết cả. Thật tình mà nói ngày trước cứ mỗi lần lễ lộc tết nhứt thì là mỗi lần người phụ nữ phải thêm phần vất vả, chứ có sướng vui gì. Nếu có sướng vui chăng cũng chẳng qua là vui lây từ chồng con mà thôi, họa hằng có được vui thì cũng rất ngắn ngủi
    • Mẹ tôi uống hết một cốc rượu
      Mặt người đỏ tía vì hơi men
      Người rủ cô tôi đánh tam cúc
      Cười ầm tốt đỏ đè tốt đen.

    Ba ngày tết thoáng chốc đã qua, sự mệt nhọc kia chưa hết thì người mẹ lại tiếp tục với cuộc sống " Đầu tắt mặt tối nuôi chồng con".... Cũng như Đường về quê mẹ của Đoàn Văn Cừ, hình ảnh người phụ nữ trong Tết của mẹ tôi là một điển hình mẫu mực. Một người mẹ sớm hôm tần tảo, quán xuyến mọi công việc nhỏ lớn trong gia đình, hết lòng chăm sóc chồng con, hiếu thảo tôn kính đối với ông bà tổ tiên, cha mẹ đôi bên và đặc biệt giữ gìn, dạy dỗ con cái theo thuần phong mỹ tục của dân tộc. Người mẹ ở đây không những đẹp về phẩm hạnh mà còn đẹp một cách giòn giã trong cách nhìn của con cái, một người mẹ mẫu mực.

    Nguyễn Bính là một nhà thơ bất hạnh, mẹ ông mất khi ông mới lọt lòng. Có thể ông không bao giờ thấy được mặt mũi vóc dáng người mẹ đáng kính của mình, nhưng thông qua những gì của dòng họ kể lại cùng với trái tim đầy mẫn cảm ông đã xây dựng lại hình ảnh người mẹ đẹp đẽ, đáng tôn kính vô bờ bến. Người mẹ ấy không chỉ của riêng ông mà là biểu tượng ngàn đời của dân tộc Việt. Người phụ nữ Việt Nam là vậy, vui thì vui chung nhưng cực khổ thì riêng mình gánh chịu, không một tiếng thở than. Thi sỹ Nguyễn Bính là một người chẳng những rất tài hoa mà còn là một người lưu giữ hồn xưa của đất nước, ông đã thay ta nói lên cái tưởng như rất đỗi bình thường nhưng lại vô cùng vĩ đại. Ngày nay xã hội đã phát triển hơn, cuộc sống của nhiều người đã khá giả hơn và không vất vả như trước, nhưng ta hãy mở rộng tâm hồn mà nhìn đâu đó quanh ta thật kỹ thì ta vẫn thấy hình ảnh cái Tết của mẹ tôi cũng mênh mang trong xa vắng ngậm ngùi. Chúng tôi không dám luận nhiều hơn, chỉ xin cúi đầu thán phục :
    • Cô gái Việt Nam ơi !
      Nếu chữ hi sinh có ở đời
      Tôi sẽ nạm vàng muôn khổ cực
      Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.
      ( Hồ Dzếnh)


    ĐÀO THÁI SƠN
    CLB thơ văn Tân Châu

    Nguồn: http://chimviet.free.fr

              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5410
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Tết Bính Thân - 2016 -

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Nét Đặc Thù của Tết Việt




    Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam từ hàng ngàn đời nay, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới; giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây.
    Tết nguyên đán Việt Nam từ buổi "khai thiên lập địa" đã tiềm tàng những giá trị nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa xuân – hạ - thu - đông… Đó là những ngày khởi đầu một năm âm lịch mới mà mỗi năm cầm tinh một con vật trong 12 con giáp theo chu kỳ.

    Cũng như mọi ngày, nhưng ngày Tết đối với người Việt Nam rất linh thiêng, dù trải qua bao nhiêu giai đoạn khác nhau, ít nhiều phong tục Tết có thay đổi, từ vấn đề kiêng cữ, tập tục cho đến sinh hoạt, ăn uống, sắm Tết đều có những nét Việt rất riêng. Tết Việt Nam mang đậm nét tâm linh, đoàn tụ và gần gũi nên dù cho cuộc sống có thay đổi, phát triển đến mức độ như thế nào, Tết là dịp để mọi người Việt Nam dù ở bất cứ phương trời nào đều dành thời gian tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, nguồn cội; giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" và tình nghĩa bà con, xóm giềng…

    Ngày Tết của dân tộc Việt Nam có nhiều những "thuần phong" đáng được duy trì và phát triển như khai bút, khai danh, hái lộc, chúc Tết, du xuân, mừng thọ…

    Tục tiễn Ông Táo về trời

    Ông Táo hay Thần Bếp là người mục kích việc làm ăn của mọi nhà. Theo tập tục hàng năm, ông Táo phải thu xếp về trời vào ngày 23 tháng chạp để tâu bày mọi việc dưới trần thế với Ngọc hoàng. Ngày ông Táo về trời được coi như ngày đầu tiên của Tết nguyên đán. Sau khi tiễn đưa ông Táo về trời, người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối và cắm hoa ở những nơi trang trọng để đón Tết.

    Bàn thờ tổ tiên

    Tết trên bàn thờ tổ tiên của mỗi gia đình, ngoài các thứ bánh trái đều không thể thiếu mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả ở miền Bắc thường có nải chuối xanh, bưởi, cam, quýt, hoặc hồng, quất. Còn ở miền Nam, mâm ngũ quả là dừa xiêm, mãng cầu, đu đủ, xoài xanh, nhành sung… Ngũ quả là lộc của trời, tượng trưng cho ý niệm khát khao của con người vì sự đầy đủ, sung túc.

    Cách sắp xếp bàn thờ, cách định hướng hay việc quyết định thờ cái gì tất cả đều ở tâm hướng thiện. Người Việt Nam mong muốn hướng tới cuộc sống tốt lành, thịnh vượng và bày tỏ sự thành kính của người sống với người đã khuất. Đó là vẻ đẹp văn hoá thấm đẫm chất nhân văn của con người Việt Nam.

    Cành đào, cây mai

    Cùng với tranh dân gian, cây cảnh là yếu tố tinh thần cao quý và thanh khiết của người Việt Nam trong những ngày đầu xuân. Miền Bắc có hoa đào, miền Nam có hoa mai. Cành đào và cây mai tượng trưng cho phước lộc đầu xuân của mọi gia đình Việt Nam. Ngoài cành đào, cây mai, người ta còn "chơi" thêm cây Quất chi chín vàng mọng đặt ở phòng khách như biểu tượng cho sự sung mãn, may mắn, hạnh phúc.

    Lễ trừ tịch (Lễ giao thừa)


    Trừ tịch là giờ phút cuối cùng của năm cũ và khởi đầu của năm mới. Người dân Việt Nam theo cổ lệ làm lễ Trừ tịch với ý nghĩa đem bỏ hết những gì xấu xa trong năm cũ (còn gọi là lễ "khu trừ ma quỷ") và đón nhận những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ Trừ tịch cử hành vào lúc giao thừa nên còn gọi là Lễ Giao thừa. Lễ Giao thừa được cúng ở ngoài trời.
    Các cụ ta tin rằng mỗi năm có một ông hành khiển coi việc nhân gian, trong lúc bàn giao công việc vào lúc giao thừa quan quân sẽ không kịp ăn uống gì nên đặt đồ cúng lễ ngoài trời với lòng thành tiễn đưa người nhà trời cai quản năm cũ và đón người nhà trời xuống hạ giới cai quản năm mới.

    "Tống cựu nghênh tân"

    Cuối năm quét dọn sạch sẽ nhà cửa, trang trí bàn thờ. Con cháu trong nhà từ giờ phút giao thừa trở đi được nhắc nhở kiêng không được cãi cọ, nghịch ngợm… anh chị, cha mẹ không quở mắng, tra phạt con em. Ai nấy đều tay bắt mặt mừng, vui vẻ niềm nở, chúc nhau những điều tốt lành nhất.

    Hái lộc, xông nhà, chúc Tết, mừng tuổi

    Ai ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khoẻ, thành đạt hơn năm cũ. Nhiều nhà rủ nhau đi hái lộc ở đình, chùa. Gia chủ tự xông nhà hay dặn trước người "nhẹ vía" mà mình muốn đến xông nhà. Sau giao thừa có tục mừng tuổi Tết.

    Trước hết, con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Ông bà cũng mừng tuổi con cháu và họ hàng thân thích, bà con láng giềng. Mọi người chúc nhau bằng những lời chúc sức khoẻ, phát tài phát lộc. Những người năm cũ gặp rủi ro thì chúc "tai qua nạn khỏi" hay "của đi thay người", trong hoạ cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành. Kiêng cữ nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa.

    Khai trương Mở tiệm

    Cũng như xa xưa, vào dịp đầu xuân là người có chức tước khai ấn, học trò, sĩ phu khai bút, nhà nông khai canh, người buôn bán mở hàng lấy ngày. Sĩ, Công, Nông, Thương của dân tộc ta vốn cần cù, ai cũng muốn năm mới vận hành thông, làm ăn suôn sẻ. Ngày nay, sau ngày mùng Một, dù có mải vui tết nhưng bà con làm ăn buôn bán ai cũng chọn ngày "Khai trương Mở hàng" để tiếp tục một năm mới cần cù, chịu thương, chịu khó như bản chất của người Việt Nam

    Nguyễn Can sưu tầm


    Nguồn:http://chimviet.free.fr
              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5410
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Tết Bính Thân - 2016 -

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Chuyện Khỉ năm Thân




    Miệt Bặc Liêu, Cà Mau có câu hát, về sau phổ biến khắp miền Nam, rồi lan truyền khắp nước :
    Tháng ba cơm gói ra Hòn,
    Muốn ăn trứng nhạn phải lòn Hang Mai.

    Nhiều người không hiểu chính xác, cho rằng Hang Mai có nhiều hoa mai thơ mộng, hay nhiều rắn hổ mai tàn độc. Thật ra, " mai " tiếng địa phương có nghĩa là " khỉ ". Hang Mai tức là " hang của loài khỉ ". Phi Vân đã giải thích như vậy, ngay trang mở đầu cuốn phóng sự Đồng Quê, giải thưởng hội Khuyến Học Cần Thơ năm 1943. Và ông ấy miêu tả căn cơ :
    • " Kinh Hang Mai ở làng Khánh Lâm, Cà Mau, bắt đầu từ kinh Biện Nhi trổ ra Tiểu Dừa. ( ... ) Ở hai bên bờ người ta có thể gặp những con trúc, rái, kỳ đà, chồn, ong mật và vô số cá " (1).

    Dĩ nhiên là nhiều khỉ. Từ điển phương ngữ Nam Bộ của Nguyễn văn Ái, 1994, cũng có ghi chữ mai nghĩa là khỉ.

    Không biết vì lý do gì, và từ thời nào, trong tiếng Hán Việt, người ta phát âm chệch từ khỉ thành khởi (cũng như quý thành quới) :
    • ngày nay ta nói khởi nghĩa, khởi hành,
      nhưng các từ điển xưa ghi là khỉ hành, khỉ nghĩa.
    Trong khi đó, trong tiếng thuần Việt, thành ngữ dân gian vẫn nói :
    • khỉ khô khỉ mốc, khỉ ho cò gáy, rung cây nhát khỉ.
    Và thơ Tú Xương có câu :
    Ới thi ơi là thi
    Ới khỉ ơi là khỉ

    Không rõ từ khỉ phát âm chệch thành khởi có liên quan gì đến tên loài động vật không. Chỉ biết rằng ở Việt Nam, khi đưa ra lý thuyết khỉ là thủy tổ của loài người, thì có sử gia đã dùng từ " hầu nhân " để tránh chữ chính xác là " người khỉ " - ngày nay người ta dùng chữ " người vượn " - thân thuộc hơn, nhưng cũng là tránh chữ Khỉ.



    Hầu là Khỉ, giai thoại kể lại:
    • vào thời Trịnh Khải, 1783, thế lực Chúa Trịnh đang suy tàn, nhưng vẫn còn kẻ nịnh bợ. Đặng Kim đã làm đến tước hầu, mà còn xin làm con nuôi nhà Chúa, đổi tên là Trịnh An. Một hôm, trên tường vôi nhà Hầu, có người đến vẽ một cây cổ thụ đang xiêu đổ, lá cành trơ trụi, gốc rễ ngả nghiêng. Trên chạc có con khỉ đang nằm ngủ, bên cạnh câu thơ nôm :
      Khỉ ơi tỉnh dậy đi thôi
      Đừng chờ cây đổ, đi đời nhà mi.

      Hầu tỉnh ngộ, từ quan, lấy lại tên cũ. Về sau, khi Trịnh Khải đổ, ông tránh khỏi nạn cháy nhà vạ lây.




    Trong thi ca, từ khỉ ít được dùng, vì không " thi vị ", gợi ý mắng mỏ. Thỉnh thoảng mới gặp một câu hiện thực như trong cảnh chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp : bao nhiêu là khỉ ngồi.

    Đinh Hùng tiếp xúc với rừng núi Việt Bắc, vùng Bắc Kạn đã tả không khí hoang dã thời 1940 :
    Ta mê tiếng vượn sầu muôn kiếp
    Chim núi cầm canh, hoẵng gọi bầy
    ( ...)
    Rồi những đêm sâu, bỗng hiện về
    Vượn lâm tuyền khóc rợn trăng khuya

    Hoặc tiếng vượn có tính cách tượng trưng, trong hoang tưởng một trời tình thái cổ :
    Trải sông nước vượt qua từng châu thổ
    Ta đến đây nghe vượn núi kêu sầu.


    Tính cách tượng trưng còn rõ nét hơn nữa ở hình tượng Đười Ươi trong thơ Bùi Giáng, có khi ông tự xưng là Đười Ươi Thi Sĩ. Đười Ươi ở đây, là hoài vọng con người tiền sử, tâm hồn " dã nhân " chưa tiêm nhiễm tập tục, lề luật và thành kiến :
    Đi về giũ áo đười ươi
    Đăm chiêu khách địa từ người tặng ta

    Nhưng rồi trong một hoàn cảnh xã hội khác, Bùi Giáng lại mặc lại xiêm lốt đười ươi :
    Ấy là thơ thuở chưa điên
    Ở trong dấu ngoặc quàng xiêng reo cười
    Bây giờ xoang điệu đười ươi
    Diệu hoa lầu các ngậm ngùi dấn thân





    Trong trí tưởng sáng tạo của nhà văn, con vượn có khi là một hình tượng đẹp. Trong Chùa Đàn, 1946, mà nhiều người xem như là đỉnh cao của nghệ thuật Nguyễn Tuân, người phụ nữ lý tưởng tên là Sấu Viên ... Vượn Gầy. Nàng chết sớm trong một tai nạn xe lửa, trên chuyến xe vu quy về nhà chồng, làm chủ ấp Mê Thảo. Người chồng tuyệt vọng, cho cất một thứ rượu tên Mê Thảo Hầu, rồi một thứ rượu khác tên Ức Sấu Viên - Nhớ Vượn Gầy - và cuồng điên trong men Rượu Tương Tư. Nàng tên như thế vì có đôi cánh tay dài. Và có lẽ từ đó mà về sau nhân vật Cổ Giả Trường, người hùng trong vở kịch Thành Cát Tư Hãn, 1961, của Vũ Khắc Khoan, đã có đôi " tay vươn ra như tay vượn" : Vũ Khắc Khoan thân thiết và chịu ảnh hưởng Nguyễn Tuân.


    Trong văn học Việt Nam cổ điển, tên Vượn đã xuất hiện rất sớm, tự bình minh của chữ Nôm đời Trần, trong bài Phú vịnh chùa Hoa Yên trong Thiền Tông Bản Hạnh. Bài này được gán cho thiền sư Huyền Quang (1254-1334), tả cảnh chùa ở núi Yên Tử :
    Chim óc (=gọi) bạn, cắn hoa nâng cúng
    Vượn bồng con, cời cửa nghe kinh

    Cảnh Vượn bồng con là một hình ảnh văn chương, nhưng cũng có thể có thực, vì núi rừng thời ấy nhiều khỉ. Nhà thơ khoa bảng Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) cùng thời đã tả cảnh Chùa Long Động núi Yên Tử :
    Cách lâm hữu hận viên đề nguyệt (a)
    Ỷ tháp vô ngôn tăng đối san (b)
    Dịch : Tựa tháp không lời ... sư ngắm núi (b)
    Cách rừng u hận, vượn gào trăng (a)

    Bài phú cổ ấy trong Thiền Tông Bản Hạnh, còn có một hình ảnh vượn khác, nhưng lần này có tính cách điển cố :
    Chẳng những vượn hạc thốt thề
    Lại phải cỏ hoa thuể thỏa

    Vượn và hạc biểu trưng cho tâm hồn quân tử, theo chuyện Dương Hựu đời Tống , một người phóng khoáng chỉ làm bạn với vượn và hạc ở chốn lâm tuyền, nơi tu hành, ẩn dật.


    Trong tập thơ Nôm đầu tiên của nước ta, Nguyễn Trãi (1374-1442) đã tả cảnh nhà mình :
    Cửa song giãi xâm hơi nắng
    Tiếng vượn vang kêu cách non

    Như vậy, thời ấy trong thực tế, vượn còn sống gần với người. Và cạnh đó, Nguyễn Trãi nhiều lần dùng chữ viên hạc theo điển cố :
    Thề cùng viên hạc trong hai ấy
    Thấy có ai han chớ đãi đằng
    Han : nghĩa là hỏi han
    Ý nói : chớ có thiết tha với những quan hệ xã hội



    Vào giữa thế kỷ XVI, trong một bài phú tả cảnh ẩn dật miền rừng núi Tuyên Quang, Nguyễn Hãng cũng đã dùng chữ vượn theo nghĩa hiện thực :
    Vượn chào, hòa khướu hót, cách ngàn đưa khúc xướng khúc ca

    Và theo điển cố :
    Bạn viên hạc quen tìm, hoa cười đón khách
    ( Tịch Cư Ninh Thể Phú)



    Mà không cứ gì miệt núi rừng Yên Tử, Côn Sơn, Tuyên Quang mới có khỉ, vượn. Vào cuối thế kỷ 18, giữa kinh thành Thăng Long,
    • " mỗi khi đêm thanh cảnh vắng, tiếng chim kêu vượn hót ran khắp bốn bề "
      theo Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ (1768-1839).
    Nhưng đây là vượn do Chúa Trịnh nuôi trong phủ Chúa.
    Tuy nhiên, mãi đến đầu thế kỷ 19, Nguyễn Công Trứ (1778-1858) còn tìm thấy " đất kinh kỳ riêng một áng lâm tuyền " rồi tự vấn, bùi ngùi :
    Nào vương cung đế miếu ở đâu nào
    Mỉa mai vượn hót oanh chào

    Oanh, vượn ở đây có thể hiểu theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.


    Trong văn học dân gian, có truyện nôm Bạch Viên Tôn Các, còn gọi là Lâm Tuyền Kỳ Ngộ, kể chuyện tình duyên giữa chồng người vợ vượn, một tiên nữ giáng trần dưới hình dạng một con vượn trắng. Nội dung dựa vào một truyện cổ tích đời Đường bên Trung Quốc. Đây là một truyện nôm xuất hiện sớm, vào thế kỷ 17 vì còn làm theo thể thơ Đường Luật, gồm có 146 bài thất ngôn bát cú. Một chuyện tình lãng mạn vượt ra khỏi thành kiến, giáo điều. Nhiều câu thơ bây giờ đọc còn thấy hay, ví dụ đoạn Bạch Viên khi trở về Thiên Đình nhớ chồng và hai con nơi hạ giới :
    Một mối thắm nồng, nguyền chửa phỉ
    Hai phen nâng bế, nghĩa nào nguôi
    Nhớ xuân dễ khiến hoa rơi lệ
    Tủi phận cho nên nguyệt ngậm ngùi

    Và nàng xin trở lại trần gian sống đoàn tụ với chồng con. Tình mẹ con nhắc đến câu ca dao :
    Con vượn thương con lên non hái trái
    Anh thương nàng phận gái mồ côi



    Nhưng chuyện Vượn, trong tình mẹ con làm tôi cảm xúc và nhớ đời, là một bài tập đọc lớp Ba, bậc tiểu học, cách đây hơn nửa thế kỷ. Chuyện kể có người thợ săn muốn bắt sống một chú vượn con, đã dùng tên độc để giết vượn mẹ :
    • "Vượn mẹ bị tên, biết mình không thể sống được bèn vắt sữa ra rừng cho con uống. Xong rồi lăn ra chết.
      Người thợ săn quay về phía vượn con, cầm roi quất vào xác vượn mẹ. Vượn con thấy thế, kêu gào thương xót, chạy ngay lại gần, người đi săn bắt sống được.
      Lúc về nhà, cứ đêm đêm, vượn con nằm phục bên xác mẹ thì mới yên; một hai khi lại ôm lấy kêu gào, vật vã, rất thảm thiết. Không được mấy hôm, vượn con cũng chết(2)
      *.



    Năm Thân là cầm tinh con Khỉ nói chung.
    • Từ chú khỉ con đến khỉ đột, đười ươi và con vượn tiền thân của loài người, khoa học gọi là Homo Erectus.
      Tại Việt Nam, từ Bắc vào Nam, nhiều nơi còn di tích Người Vượn với những công cụ, bằng đá, tại Núi Đọ (Thanh Hóa), Xuân Lộc ( Đồng Nai). Tại Thẩm Ồm (Nghệ An), Hang Hùm (Yên Bái) đã có những di chỉ chứng tỏ thời kỳ Người Vượn chuyển sang thành Người Khôn (Homo Sapiens) cách chúng ta khoảng 100 000 năm.



    Trong mười hai con giáp,
    • Rồng là biểu tượng gần chúng ta nhất về mặt tâm linh, tình cảm. Gần mà xa, vì con Rồng, tổ tiên dân tộc, chỉ là huyền thoại.
      Khỉ là biểu tượng gần chúng ta nhất về mặt vật chất, thân xác. Gần mà xa vì không mang ý nghĩa " dân tộc ", tín ngưỡng và phong vị lãng mạn.


    Năm Khỉ, nói chuyện khỉ, tuy là để vui Xuân,
    nhưng nói từ đầu đến đuôi, cũng là không đơn giản,
    quả là khỉ.





    Đặng Tiến
    Orléans, Xuân Giáp Thân 2004
    (1) Phi Vân, Đồng Quê, 1943, tr. 4. Sud Est Asie, tái bản 1981, Paris.
    (2)Tình Mẹ Con, Sách Tập Đọc Lớp Ba, tr. 10, một Nhóm Giáo Viên, 1949, Sài Gòn..

    Nguồn:http://chimviet.free.fr
              
Last edited by Bạch Vân on Chủ nhật 10/01/16 16:26, edited 1 time in total.
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5410
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Tết Bính Thân - 2016 -

Bài viết bởi Bạch Vân »

          


  • Tết Việt Nam và phong tục ngày tết




    Tết Nguyên Đán ở Việt Nam

    Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Tết Cả, là lễ hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến rộng nhất, từ Nam Quan đến Cà Mau và cả vùng hải đảo, tưng bừng và nhộn nhịp nhất của dân tộc. Từ những thế kỷ xa xưa thời Lý, Trần, Lê, ông cha ta đã cử hành lễ Tết hàng năm một cách trang trọng.

    Tết Nguyên Đán là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội Việt Nam, mà phần “lễ” cũng như phần “hội” đều rất phong phú cả nội dung cũng như hình thức, mang một giá trị nhân văn sâu sắc và đậm đà.

    Việc ông cha ta xác định Tết Cả đúng vào thời điểm kết thúc một năm cũ, mở đầu một năm mới theo âm lịch, là một chu kỳ vận hành vũ trụ, đã phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người với thiên nhiên (Đất-Trời-Sinh vật), chữ NGUYÊN có nghĩa là bắt đầu, chữ ĐÁN có nghĩa là buổi ban mai, là khởi điểm của năm mới. Đồng thời, Tết cũng là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ, thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ tri ơn ông bà, tổ tiên.

    Xét ở góc độ mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Tết – do tiết (thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chu chuyển lần lượt các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông – có một ý nghĩa đặc biệt đối với một xã hội mà nền kinh tế vẫn còn dựa vào nông nghiệp làm chính. Theo tín ngưỡng dân gian bắt nguồn từ quan niệm “Ơn trời mưa nắng phải thì”, người nông dân còn cho đây là dịp để tưởng nhớ đến các vị thần linh có liên quan đến sự được, mất của mùa màng như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời… người nông dân cũng không quên ơn những loài vật, cây cối đã giúp đỡ, nuôi sống họ, từ hạt lúa đến trâu bò, gia súc, gia cầm trong những ngày này.

    Về ý nghĩa nhân sinh của Tết Nguyên Đán, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trước hết đó là Tết của gia đình, Tết của mọi nhà. Người Việt Nam có tục hằng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, kể cả những người xa xứ cách hàng ngàn kilômét, vẫn mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, nhìn lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà, nơi mà gót chân một thời bé dại đã tung tăng và được sống lại với bao kỷ niệm đầy ắp yêu thương ở nơi mình cất tiếng chào đời. “Về quê ăn Tết”, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về nơi cội nguồn, mảnh đất chôn nhau cắt rốn.

    Theo quan niệm của người Việt Nam, ngày Tết đầu xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho cả xã hội: tình gia đình, tình thấy trò, con bệnh với thầy thuốc, ông mai bà mối đã từng tác thành đôi lứa, bè bạn cố tri, con nợ và chủ nợ…

    Tết cũng là dịp “tính sổ” mọi hoạt động của một năm qua, liên hoan vui mừng chào đón một năm với hy vọng tốt lành cho cá nhân và cho cả cộng đồng. Nhưng rõ nét nhất là không khí chuẩn bị Tết của từng gia đình. Bước vào bất cứ nhà nào trong thời điểm này, cũng có thể nhận thấy ngay không khí chuẩn bị Tết nhộn nhịp và khẩn trương, từ việc mua sắm, may mặc đến việc trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, cỗ bàn, đón tiếp người thân ở xa về… Đối với các gia đình lớn, họ hàng đông, có quan hệ xã hội rộng, đông con cháu, dâu rể, thì công việc chuẩn bị càng phức tạp hơn.

    Theo tập tục, đến ngày 23 tháng chạp là ngày đưa tiễn ông Táo về trời để tâu việc trần gian, thì không khí Tết bắt đầu rõ nét. Ngày xưa dưới thời phong kiến, từ triều đình đến quan chức hàng tỉnh, hàng huyện đều nghĩ việc sau lễ “Phất thức” (tức lễ rửa ấn, rửa triện). Ở cấp triều đình, trong lễ nầy có sự hiện diện của nhà vua, các quan đều mặc phẩm phục uy nghiêm. Xem thế đủ biết rằng ngày tết được coi trọng như thế nào.

    Sau đó, các quan cất vào tủ, niêm phong cẩn thận. Không một văn bản nào được kiềm ấn, mọi pháp đình đều đóng cửa. Con nợ không thể bị sai áp, các tội tiểu hình không bị trừng phạt, tội nặng thì giam chờ đến ngày mồng 7 tháng giêng (lễ khai hạ) mới tiến hành giải quyết. Như vậy, Tết Cả kéo dài từ ngày 23 tháng chạp (một tuần trước giao thừa) đến mồng 7 tháng giêng (một tuần sau giao thừa).



    Không biết Tết cổ truyền của dân tộc xuất hiện từ bao giờ, nhưng đã trở nên thiêng liêng, gắn bó trong tâm hồn, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam. Những tục lệ trò vui trong dịp Tết, chiếc bánh chưng xanh, mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên, cành đào, chậu quất khoe sắc trong mỗi gia đình đã trở thành một phần hình ảnh của quê hương để mỗi người Việt Nam dù sống ở nơi đâu mỗi độ xuân về lại bồi hồi nhớ về đất nước với bao tình cảm nhớ nhung tha thiết. Làm sao quên được thuở ấu thơ cùng đám trẻ con ngồi vây quanh nồi bánh chưng sôi sùng sục chờ giờ vớt bánh! Làm sao có thể quên được những phiên chợ Tết rợp trời hoa!



    Ngày Tết chính thức bắt đầu từ giao thừa. Đây là thời điểm thiêng liêng nhất trong năm, thời điểm giao tiếp giữa năm cũ và năm mới, thời điểm con người giao hòa với thiên nhiên, Tổ tiên trở về sum họp với con cháu. Cúng giao thừa xong cả nhà quây quần quanh mâm cỗ đã chuẩn bị sẵn, uống chén rượu đầu tiên của năm mới, con cái chúc thọ ông bà cha mẹ, người lớn cho trẻ em tiền quà mừng tuổi đựng trong những bao giấy đỏ.




    Sau lễ giao thừa còn có tục đi đến đền chùa làm lễ sau đó hái về một nhánh cây đem về gọi là hái Lộc, hoặc đốt một nén hương rồi đem về cắm trên bàn thờ gia tiên gọi là Hương Lộc. Họ tin rằng xin được Lộc của trời đất thần Phật ban cho thì sẽ làm ăn phát đạt quanh năm. Sau giao thừa người nào từ ngoài đường bước vào nhà đầu tiên là người “xông nhà”, là người “tốt vía” thì cả nhà sẽ ăn nên làm ra, gặp nhiều may mắn, vì vậy người xông nhà thường được chọn trong số những người bạn thân.

    Tết là dịp để con người trở về cội nguồn. Ai dù có đi đâu xa vào ngày này, cũng cố trở về quê hương để được sum họp với người thân dưới mái ấm gia đình, thăm phần mộ tổ tiên, gặp lại họ hàng, làng xóm. Ngày Tết cũng làm cho con người trở nên vui vẻ hơn, độ lượng hơn. Nếu ai có gì đó không vừa lòng nhau thì dịp này cũng bỏ qua hết để mong năm mới sẽ ăn ở với nhau tốt đẹp hơn, hoà thuận hơn. Có lẽ đó là ý nghĩa nhân bản của Tết Việt Nam.




    Mấy Tục Lệ Trong Ðêm Giao Thừa

    Toan Ánh


    Trong Ðêm Giao Thừa, sau khi làm lễ giao thừa xong, có những tục lễ riêng mà cho tới ngày nay từ thôn quê đến thành thị vẫn còn nhiều người theo giữ.

    Lễ chùa, đình, đền: Lễ giao thừa ở nhà xong, người ta kéo nhau đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầy phúc cầu may, để xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và cho gia đình. Và nhân dịp người ta thường xin quẻ đầu năm.

    Kén hướng xuất hành: Khi đi lễ, người ta kén giờ và kén hướng xuất hành, đi đúng hướng đúng giờ để gặp sự may mắn quanh năm. Ngày nay, người ta đi lễ nhưng ít người kén giờ và kén hướng.

    Hái lộc
    : Ði lễ đình, chùa, miếu, điện xong, lúc trở về người ta có tục hái một cành cây mang về ngụ ý là lấy lộc của Trời đất Phật Thần ban cho. Trước cửa đình cửa đền, thường có những cây đa, cây đề, cây si cổ thụ, cành lá xùm xòa, khách đi lễ mỗi người bẻ một nhánh, gọi là cành lộc. Cành lộc này mang về người ta cắm trước bàn thờ cho đến Với tin tưởng lộc hái về trong Ðêm giao thừa sẽ đem lại may mắn quanh năm, người Việt Nam trong buổi xuất hành đầu tiên bao giờ cũng hái lộc. Cành lộc tượng trưng cho tốt lành may mắn. Về tục xuất hành cũng như tục hái lộc có nhiều người không đi trong Ðêm giao thừa, mà họ kén ngày tốt giờ tố trong mấy ngày đầu năm và Ði đúng theo hướng chỉ dẫn trong các cuốn lịch đầu năm để có thể có được một năm hoàn toàn may mắn.

    Hương lộc
    : Có nhiều người trong lúc xuất hành đi lễ, thay vì hái lộc cành cây, lại xin lộc tại các đình đền chùa miếu bằng các đốt một nắm hương hoặc một cây hương lớn, đứng khấn vái trước bàn thờ, rồi mang hương đó cắm tại bình hương bàn thờ Tổ tiên hoặc bàn thờ Thổ Công ở nhà. Ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt. Lấy lửa tự các nơi thờ tự mang về, tức là xin Phật Thánh phù hộ cho được phát đạt tốt lộc quanh năm. Trong lúc mang nấm hương từ nơi thờ tự trở về, nhiều khi gặp gió, nấm hương bốc cháy, người ta tin đó là một điềm tốt báo trước sự may mắn quanh năm. Thường những người làm ăn buôn bán hay xin hương lộc tại các nơi thờ tự.

    Xông nhà: Thường cúng giao thừa ở nhà xong, người gia chủ mới đi lễ đền chùa. Gia đình có nhiều người, thường người ta kén một người dễ vía ra đi từ lúc chưa đúng giờ trừ tịch, rồi khi lễ trừ tịch tới thì dự lễ tại đình chùa hoặc ở thôn xóm, sau đó xin hương lộc hoặc hái cành lộc về. Lúc trở về đã sang năm mới, người này đã tự xông nhà cho gia đình mình, mang sự tốt đẹp quanh năm về cho gia đình. Ði xông nhà như vậy tránh được sự phải nhờ một người tốt, vía khác đến xông nhà cho mình. Nếu không có người nhà dễ vía để xông nhà lấy, người ta phải nhờ một người khác trong thân bằng cố hữu tốt vía để sớm ngày mồng một Tết đến xông nhà, trước khi có khách tới chúc Tết, để người này đem lại sự dễ dãi may mắn lại.

    Trích “Tín Ngưỡng Việt Nam” - Toan Ánh





    Bánh chưng, bánh tét, bánh dày, xôi và cốm


    Huỳnh Ngọc Trảng

    Bánh tét là một lễ vật được làm theo tín lý phồn thực của cư dân nông nghiệp, cụ thể là cư dân cấy (tỉa) lúa (nếp). Phải chăng, tín lý phồn thực có tuổi đời cổ xưa hơn quan niệm về “trời tròn đất vuông” của sự tích bánh dày và bánh chưng?...

    Sự tích suy nguyên về bánh chưng và bánh dày mà ngày nay chúng ta đều biết và xác tín là do Tiết Liêu/ Lang Liêu - một trong các người con của vua Hùng - làm ra là câu chuyện được ghi chép trong Lĩnh Nam Chích Quái (thế kỷ XV).
    Truyện kể rằng: Sau khi vua Hùng Vương phá được giặc Ân, nhân quốc gia vô sự, muốn truyền ngôi cho con, bèn triệu hai mươi vị quan lang và công tử lại mà phán rằng: “Ta muốn truyền ngôi cho kẻ nào làm ta vừa ý, cuối năm nay mang trân cam mỹ vị đến để tiến cúng tiên vương cho ta được tròn đạo hiếu thì sẽ được ta truyền ngôi”.
    Thế là các con đều đua nhau đi tìm của ngon vật lạ khắp trên cạn dưới bể, nhiều không sao kể xiết. Duy có vị công tử thứ 18 là Tiết Liêu, bà mẹ trước kia vốn bị vua ghẻ lạnh, mắc bệnh mà chết, tả hữu ít người giúp đỡ, khó xoay xở, nên đêm ngày lo lắng, mộng mị bất an. Một đêm kia mộng thấy thần nhân tới nói rằng: “Các vật trên trời đất và mọi của quý của người không gì bằng gạo. Gạo có thể nuôi người khỏe mạnh và ăn không bao giờ chán, các vật khác không thể hơn được. Nay đem gạo nếp làm bánh, cái hình vuông, cái hình tròn để tượng trưng hình đất và trời rồi dùng lá bọc ngoài, ở trong cho mỹ vị để ngụ ý công đức sinh thành lớn lao của cha mẹ”. Tiết Liêu tỉnh dậy, mừng rỡ mà nói rằng: “Thần nhân giúp ta vậy!”.
    Nói rồi bèn theo lời dặn trong mộng mà làm, chọn thứ gạo nếp trắng tinh, lặt lấy những hạt tròn mẩy không bị vỡ, vo cho sạch, lấy lá xanh bọc chung quanh làm hình vuông, cho trân cam mỹ vị vào bên trong để tượng trưng cho việc đại địa chứa chất vạn vật rồi nấu chín, gọi là bánh chưng. Lại lấy gạo nếp nấu chín, giã cho nát, nặn thành hình tròn, tượng trưng cho trời gọi là bánh dày.
    Đến kỳ, vua vui vẻ truyền các con bày vật dâng tiến. Xem qua khắp lượt, thấy không thiếu thức gì. Duy có Tiết Liêu chỉ tiến dâng bánh chưng và bánh dày. Vua kinh ngạc mà hỏi, Tiết Liêu đem giấc mộng thuật lại. Vua đem nếm, thấy ngon miệng không chán, hơn hẳn các thức của các con khác, tấm tắc khen hồi lâu rồi cho Tiết Liêu được nhất.
    Đến ngày Tết, vua lấy bánh này dâng cúng cha mẹ. Thiên hạ bắt chước (1).

    Câu chuyện này có một số chi tiết cần phải xem xét:

    1. Trước hết, khái niệm “trời tròn đất vuông” vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc (2). Từ thế kỷ thứ X, An Nam dần dần thoát ly khỏi uy quyền phương Bắc, và đến triều Lý (1009-1225), nước Đại Việt mới thực sự là một quốc gia độc lập. Phật giáo được coi là quốc giáo, Tăng lữ tham gia vào hàng ngũ quan lại, và một số vị vua thời Lý, Trần đã tự mình đứng ra thành lập các tông phái, thiền phái (Lý Thánh Tông mở phái Thảo Đường, Lý Cao Tông tự xưng là Phật, Trần Nhân Tông là sơ Tổ Trúc Lâm yên Tử, được tôn là Điều Ngự Giác Hoàng). Tuy vậy, về mặt quản lý nhà nước, do tiếp nhận văn hoá phương Bắc, nước Đại Việt độc lập vẫn tổ chức theo quan niệm vương quyền Nho giáo. Ngoài các khái niệm Thiên Vương, Phật-Vua, vẫn còn thừa nhận khái niệm Thiên Tử (Ông vua Con Trời). Như vậy, vua vẫn phải lưu tâm đến việc tế cáo "Cha Trời, Mẹ Đất" cũng như phong thần các xứ (Thiên Tử phong bách thần) để tỏ rõ uy quyền với các thần linh trong nước. Đàn Xã Tắc lập năm 1048 và đàn Viên Khâu (Gò đất hình tròn, theo nguyên tắc đàn xây ở phía Nam kinh thành để tế trời, gọi là đàn Nam Giao), đàn Vu ở phía Nam kinh thành được nhắc tới vào các năm 1137-1138 (3). Nói chung, việc tế Trời-Đất đến thời Lê mới thực sự hoàn bị theo nghi lễ Nho giáo. Song kể từ thế kỷ XI, việc dựng đàn tròn, đàn vuông để tế "Cha Trời, Mẹ Đất" đã cho thấy khái niệm “trời tròn đất vuông” đã tồn tại trong nếp nghĩ của người dân nước ta từ lâu

    2. Các tác giả Lĩnh Nam Chích Quái sau đó đã khuôn công năng của hai loại bánh này vào việc cúng tổ tiên, tôn vinh chuẩn mực hiếu đạo, một giá trị luân lý cốt lõi của Nho giáo; để vua Hùng nói: “Tiến cúng tiên vương cho ta tròn đạo hiếu”, và cuối truyện xác định: “Đến ngày Tết vua lấy bánh này dâng cúng cha mẹ. Thiên hạ bắt chước…”. Tục cúng bánh chưng, bánh dày vào ngày Tết được mô tả từ câu truyện này, về sau được xác tín là tập tục ra đời từ thời Hùng Vương.

    Nhưng Tết, xét từ nguyên uỷ là lễ thức, lễ hội được tiến hành sau mùa gặt hàng năm hay bắt đầu mùa gieo cấy. Thời điểm này tùy thuộc vào điều kiện khí hậu và tập quán canh tác của mỗi tộc người. Tết như vậy có chức năng kép: tạ ơn thần linh và tổ tiên về kết quả vụ mùa đã qua và cầu mong kết quả cho vụ mùa năm tới. Nói chung, các cư dân nông nghiệp luôn tiến hành một loạt nghi lễ theo các tiến trình phát triển của cây lúa. Với những lễ vật tương ứng.

    • - Lúa vừa chín tới: lễ cúng ăn cốm.
      - Lúa chín gặt: lễ cúng cơm mới.
      - Gặt xong đưa vào kho: lễ mừng lúa mới, với lễ vật là các thứ chế biến từ gạo tẻ và nếp như: cơm, xôi, bánh…


    Cốm là lễ vật phổ biến trong lễ cúng mừng lúa lúc đã cứng hạt. Cốm là sản phẩm chế biến bằng cách rang lúa nếp, giã cho dẹp lại và sàng sảy để bỏ trấu đi. Dữ liệu của nhà dân tộc học Từ Chi viết về loại cơm chul (cơm chùn), lễ vật trong dịp Ăn cơm mới của người Mường, tuồng như đã hé mở cho chúng ta biết về nguyên ủy của cốm: lúa gặt về còn ướt sũng, không có thời gian phơi khô, mới được làm thành lễ vật dâng cúng ngay để mọi người bắt tay vào gặt. Chỉ còn một cách là đem “rang” (có hạt bung ra) rồi giã nhẹ để tách vỏ. Gạo đó chế thành cơm chul (4). Lúa nếp rang nở bung ra mà người miền Bắc gọi là bỏng thì ở Trung Bộ (kể cả Nam Bộ) gọi là nổ. Bánh nổ là lễ vật truyền thống vào dịp Tết ở Trung Bộ, và nổ là lễ vật bắt buộc trong nhiều đám cúng việc lề ở Nam Bộ. Phải chăng đó là di duệ của cốm, và xa xưa hơn là cơm chul?

    Cơm là lễ vật bắt buộc trong lễ cúng cơm mới của nhiều tộc người, và cũng là lễ vật của nhiều lễ cúng khác. Tuy nhiên, vì sự bình dị của nó mà cơm không được người ta coi là lễ vật thực sự như xôi. Rõ ràng trong nếp nghĩ phổ biến của nhiều tộc người, xôi là lễ vật bởi nó phải có trong các cuộc lễ mà hiếm hoi trong bữa ăn thường ngày. Gạo nếp quý hiếm hơn gạo tẻ, và vì có hương thơm nên được chọn làm lễ vật dâng cúng. Nói chung, gạo là thức ăn chính của con người nên nó có ý nghĩa thuộc về nghi lễ. Lúa gạo luôn được coi là có nguồn gốc thiêng liêng, là hạt ngọc trời; nó biểu trưng cho sự sung túc, sự sinh sản dồi dào, nhờ trời mới có và sự thanh khiết nguyên sơ. Người Thái đồ, nấu xôi có nhuộm màu: xôi đỏ tượng trưng cho Mặt Trời, xôi vàng tượng trưng cho Mặt Trăng (Tết Cầu mùa: Xíp Xì)(5). Người Nùng làm xôi bảy màu để “tượng trưng cho chặng đường lịch sử bảy tháng đầy ý nghĩa trong một năm đất trời xoay chuyển, nhưng gắn liền với lịch sử dân tộc” (mỗi màu tượng trưng một tháng, từ tháng Giêng đến tháng Bảy)(6). Cơm cúng đơm vào chén, bát, thậm chí còn nèn, gọi “chén cơm in”. Còn xôi đơm ra đĩa hay mâm, phổ biến từ “mâm xôi”, luôn gợi cho ta hình ảnh của một sự vun cao lên tròn trịa và sung mãn, biểu thị cho sự phồn thực.

    Từ xôi đến bánh dày chỉ là một bước ngắn: lấy xôi nếp giã nát ra và vun lên thành mâm bánh dày. Loại bánh làm bằng nếp như vậy vẫn là lễ vật “thanh khiết nguyên sơ” như xôi. Với người Chăm, lễ vật trong Tết Rija Nưga của họ có xôi, bỏng (nổ) và bánh đúc(7). Với người Dao, trong Tết nhảy của họ có lễ vật không thể thiếu là bánh bằng bột gạo nắn tròn, treo tòng teng trên những cây mía đặt ở gian giữa bàn thờ Bàn Vương(8). Đó là hai ví dụ về hai loại bánh “tròn đầy”, thuộc thứ lễ vật được chế biến bằng bột gạo có phần kỳ công hơn bánh dày. Bánh dày không chỉ là đặc sản của người Việt, mà nó còn là thứ lễ vật bắt buộc, đã thành tục lệ trong văn hóa của nhiều tộc người. Tết của người H'mông là một ví dụ: “Bánh dày là hương vị không thể thiếu, một biểu tượng trên bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết của người H'mông”(9). Ở người H'mông Hang Kia, Pà Cò cũng có truyền thuyết suy nguyên về bánh dày của dân tộc mình. Nội dung truyền thuyết hoàn toàn khác với sự tích bánh chưng bánh dày của người Việt, mà chủ ý là nói về nguồn gốc lúa nếp: ông Tổ người Hmông lấy được từ xứ sở của người tí hon dưới lòng đất, và hàng năm, người Hmông làm bánh dày để tưởng nhớ tổ tiên và tạ ơn con chim đại bàng đã cứu ông Tổ mình ngày xưa(10). Một tập tục liên quan đến loại bánh dày này là trong mấy ngày đầu năm phải ăn bánh dày trắng, tuyệt đối không được nướng bánh dày. Nếu nướng, người H'mông cho rằng năm đó nương rẫy sẽ bị hạn hán(11). Điều này cho chúng ta thấy: bánh dày theo quan niệm của người H'mông là biểu thị nương rẫy, là đất, nói rộng ra là “không gian sinh tồn” .

    3. Nói chung, bánh dày là một lễ vật được hình thành trong một quá trình nhất định, khuôn theo một tâm thức thuần khiết từ quan niệm thiêng về gạo (tẻ và nếp) của cộng đồng các cư dân trồng / tỉa lúa. Nó vừa là nhân vừa là quả của nền văn hóa lúa; ở đó, nó là biểu tượng của tín lý phồn thực hơn là tín lý tư biện về vũ trụ. Điều này cũng có phần tương tự đối với cái bánh chưng.

    Xét về chất lượng, nội dung thì bánh chưng và bánh tét là một, chúng chỉ khác nhau ở hình thức: một là hình vuông và một là hình ống-dài.

    Rảo qua các dữ liệu dân tộc học, chúng ta thấy bánh chưng có ở người Việt miền Bắc, người Mường (gọi là pênh pang), người Thái (gọi là kháu tốm kích), người Tày, người Khmú (gần như bánh chưng tròn của người Tày)…
    Bánh tét có ở người Việt miền Trung, miền Nam, người Thái (cũng có bánh tét gọi là kháu tốm boóng cựa), người Hrê (gọi là bánh mau nhich), người Kadong, người Xinh mun… (12).

    Có thể nói, bánh chưng và bánh tét cùng tồn tại trong đại gia đình các dân tộc ở nước ta, thậm chí cụ thể ngay trong từng tộc người (Thái, Việt…). Vấn đề đặt ra là tại sao cùng là một thứ chất liệu mà gói theo hai kiểu (thậm chí là ba kiểu - nếu kể thêm bánh ú, gói theo kiểu bánh ít “nóc chùa”) để làm gì, và kiểu nào ra đời trước?

    Bánh chưng được gói theo hình vuông, tượng trưng cho trời (Lĩnh Nam chích quái). Bánh tét gói theo hình ống, tròn, dài, biểu tượng sinh thực khí nam, bản nguyên sức mạnh của sự sinh sản(13). Trong thời gian điền dã ở vùng Khmer Nam Bộ, tôi được một vị à-cha (thầy lễ) nói nhỏ vào tai rằng bánh tét là “cái đó của Preah Ầy-Xô” (Preah Ầy-xô là thần Siva).
    Bánh tét là một lễ vật được làm theo tín lý phồn thực của cư dân nông nghiệp, cụ thể là cư dân cấy (tỉa) lúa (nếp). Phải chăng, tín lý phồn thực có tuổi đời cổ xưa hơn quan niệm về “trời tròn đất vuông” của sự tích bánh dày và bánh chưng?...

    Huỳnh Ngọc Trảng (theo Văn hóa Phật giáo)

    Chú thích:
    (1) Vũ Quỳnh - Kiều Phú, Lĩnh nam chích quái, Đinh Gia Khánh chủ biên, Nguyễn Ngọc San biên khảo-giới thiệu, In lần thứ hai. NXB Văn Học, H., 1990, tr. 56-58.
    (2) Việc này được nói trong nhiều sách vở. Ở đây, xin xem:
    - Thời cổ Trung Quốc có những lý luận chủ yếu nào về vũ trụ, trong sách Lịch sử văn hóa Trung Quốc, NXB Cổ Tịch Thượng Hải (Bản dịch của Trần Ngọc Thuận, Đào Duy Đạt, Đào Phương Chi, NXB Văn Hóa Thông Tin, H; 1999, tập II, tr. 110-114.
    - Tiêu Mạc, Kiến trúc Trung Quốc, Tủ sách Văn hóa Nghệ thuật Trung Quốc (Bản dịch của Mai Chi, NXB Thế giới, H, 2002).
    (3) Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh, Bản dịch của Trịnh Đình Rư, NXB Văn học, H, 1972, tr. 47 (truyện Thiên tổ địa chủ xã tắc đế quân); tr 81-82 (truyện Ứng thiên hóa dục nguyên trung hậu thổ điạ kỳ nguyên quân).
    (4) Trần Từ, Người Mường ở Hoà Bình, Hội KHLS, H, 1996, tr. 193; 341. (phụ chú P1)
    (5) Vũ Thị Hoa, Lễ hội cầu mùa của người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, NXB VHTT, H, 1997, tr. 88-89.
    (6) Trần Hữu Sơn (chủ biên), Lễ hội cổ truyền Lào Cai, NXB Văn hóa Dân tộc, H; 1999, tr. 84-85.
    (7) Ngô Văn Doanh, Tết năm mới cổ truyền của người Chăm (lễ hội Rija Nưgar), trong Tết năm mới ở Việt Nam, NXB VHTT, H; 1999, tr. 141.
    (8) Nguyễn Hữu Thức, Xuân Tết với ngưới Dao Đeo Tiền (Hòa Bình), trong Tết năm mới ở Việt Nam, sđd, tr. 151.
    (9) (10) Nguyễn Hữu Thức, Tết cổ truyền của người Hmông tỉnh Hoà Bình, sđd, tr. 171-172.
    (11) Nguyễn Hữu Thức, bài đã dẫn, tr 184.
    (12) Chúng tôi dựa vào và đối chiếu từ các dữ liệu của một số sách, bài báo đã công bố. Ở vấn đề này, xem Vũ Thị Hoa, sđd, phần người Thái (tr. 75-76) và phần phụ lục (tr. 171-275).
    (13) Xem J. Chevalier và A. Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng, 1997, tr. 92; 265; 534-538; 778-779.



    Nguồn:http://cothommagazine.com

          
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5410
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Tết Bính Thân - 2016 -

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           
    Truyện vui ngày Tết





    Mừng hụt

    Thấy bố mẹ vừa về đến ngõ, cu Tý chạy ra hớn hở khoe:
    • – Mẹ ơi! Sáng nay có cô Mười ở bên Mỹ mới đến nhà chơi. Cô tặng cho nhà mình một món quà và nói rằng: “Món quà của cô tuy nhỏ nhưng cũng đủ cho gia đình cháu dùng trong một năm”

    Nghe thế, mẹ cu Tý mừng quýnh, hỏi ngay:
    • – món quà gì thế con?
      – Dạ, một quyển lịch!


    :lol2:

    Thưởng Tết của sếp

    Cuối năm tổng kết công ty, sếp vui vẻ thông báo:
    • – Năm nay các bạn làm việc rất tốt. Lợi nhuận của công ty đã tăng một cách đáng kể. Để thưởng cho các bạn, tôi sẽ phát cho mỗi người một tấm séc trị giá 5 triệu đồng…

    Tất cả nhân viên công ty vỗ tay rào rào tán thưởng. Sếp tiếp lời:
    • – Nếu năm sau các bạn vẫn làm việc nhiệt tình như thế này, hãy đem tờ séc đó đến gặp tôi và tôi sẽ… k‎ý chúng.


    :lol2:


    Chẳng còn nhìn thấy


    Ngày tết, hai bạn thân gặp lại nhau sau một thời gian dài xa cách. Chuyện trò hồi lâu, chợt một người hỏi:
    • – À mối tình của cậu và con nai vàng bây giờ ra sao rồi?

    Người kia thoáng buồn rồi đáp:
    • – Hết rồi cậu ạ! chẳng nhìn bóng dáng con nai vàng đâu cả!
      – Sao vậy?
      – Mình đã cưới nó rồi! Bây giờ, nó đã hoá ra con sư tử!


    :lol2:


    Tôi thấy lạ lắm


    Đêm 30 tết, cảnh sát trực nhận được cú điện thoại của một người đàn ông say rượu:
    • – Xin các ông đến gấp, chỉ đường hoặc đưa tôi về nhà. Tôi không còn biết phương hướng!
      – Nhưng ông đang ở đâu?
      – Tôi chỉ còn biết mình đang đi trên một con đường.
      – Đường số mấy, ông thử cố nhớ xem con đường ấy có đặc điểm gì?
      – Không rõ là đường số bao nhiêu, nhưng con đường này tôi thấy lạ lắm, nó được lát bằng ngói.


    :lol2:


    sưu tầm


          
Last edited by Bạch Vân on Thứ hai 11/01/16 18:51, edited 2 time in total.
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5410
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Tết Bính Thân - 2016 -

Bài viết bởi Bạch Vân »

          





Ông Đồ


Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
‘’Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay’’.

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiêng sầu…

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay.

Năm nay hoa đào nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Vũ Đình Liên


Nguồn: http://vannghesontay.com

          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20030
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Tết Bính Thân - 2016 -

Bài viết bởi Hoàng Vân »

Bạch Vân đã viết:...
  • – À mối tình của cậu và con nai vàng bây giờ ra sao rồi?
    – Hết rồi cậu ạ! chẳng nhìn bóng dáng con nai vàng đâu cả!
    – Sao vậy?
    – Mình đã cưới nó rồi! Bây giờ, nó đã hoá ra con sư tử!

...
... :rotfl: :allright3: ...
          
Trả lời

Quay về “Chuyên đề”