Tết Bính Thân - 2016 -

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20038
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Tết Bính Thân - 2016 -

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          
... mượn lời ru êm của
Vịnh Nghi
:flwrhrts:

          



[/audio]
Ru em từng ngón xuân nồng
Trịnh công Sơn - Vịnh Nghi


:flower:

          
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5417
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Tết Bính Thân - 2016 -

Bài viết bởi Bạch Vân »

          



  • Lễ Chùa, Xin Lộc Đầu Năm - Nét Đẹp Văn Hóa Việt

    Lam Điền


    Chạm cửa thiền cầu may mắn


    Đối với người Việt Nam, lễ hội vốn là nét văn hóa đặc sắc, thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc và trường tồn. Thế nhưng, cứ mỗi độ Xuân về, dù có hòa mình vào không khí lễ Tết thì nhiều người Việt vẫn không quên lên chùa thắp nhang, cầu cho mình sức khỏe bình an, may mắn và hạnh phúc. Cũng chính vì thế, tục lễ chùa đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa trong mọi giai tầng của xã hội.

    Người Việt tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Hòa vào dòng người đi lễ, mỗi người trong chúng ta sẽ cảm nhận được sự giao hòa của trời - đất. Mùi khói nhang, sắc màu rực rỡ của đèn, hoa cùng với không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản.

    Cũng là lễ chùa đầu năm, nhưng cách thức và nghi lễ ở hai miền Nam - Bắc có những nét khác nhau. Đối với người miền Bắc, khi đi chùa đầu năm thường phải có đồ lễ, hoặc hương hoa. Theo lệ thường, mâm lễ bao giờ cũng đủ cả hương, hoa, tiền vàng và một tờ sớ viết bằng chữ nho, ghi những điều cầu mong của gia chủ cho một năm vạn sự như ý. Đặc biệt, trong lời văn khấn của người miền Bắc thường có vần, có điệu, âm vực thì trầm bổng. Khi thể hiện, lời khấn nghe như thơ, như nhạc ngân nga trong không gian u huyền của đình chùa, tạo nên sự linh thiêng, hư ảo.

    Lễ xong, người đi lễ thường xin nhà chùa một thứ gì đó về làm lộc đầu năm. Còn đối với người miền Nam, việc hành lễ đơn giản hơn, đầu năm đi lễ chùa thường không phải đem theo đồ lễ, nếu có cũng chỉ là hoa quả chứ không bao giờ có đồ mặn (xôi thịt) như người miền Bắc. Lời khấn cũng đơn giản, không câu nệ văn vẻ. Người lên chùa ước gì thì cầu đó, không nhất thiết phải dùng sớ bằng chữ nho. Cách khấn như thế người ta hay gọi là khấn nôm.

    Tuy phong tục tập quán giữa các miền có khác nhau, nhưng lễ chùa đầu Xuân đã trở thành thói quen, thành nét văn hóa tâm linh của tất cả người Việt. Tại đây, mọi ranh giới về tuổi tác, địa vị đều bị xóa nhòa, tất cả gặp nhau ở miền tâm thức linh thiêng.



    Hái lộc Xuân ước phồn thịnh


    Ngoài tục lễ chùa, người Việt còn có tục hái lộc vào đêm giao thừa. Theo quan niệm của người xưa, không có loài nào sinh sôi nảy nở và có sức sống mãnh liệt như loài cây. Mỗi độ Xuân về, những chồi non nhú lên thể hiện sức sống tràn đầy sinh lực. Do đó, người ta đi xin lộc đêm giao thừa là để cầu mong có được sức sống dẻo dai, mạnh khỏe và có ích như loài cây. Vào dịp đầu năm, người dân thường ghé lại các đình, chùa để xin một nhánh non đem về treo trước cửa nhà hoặc chưng trên bàn thờ gia tiên với hy vọng rước được phước lộc về cho gia đình. Cành lộc được chọn thường là loại cây có phong cách, dáng dấp của người quân tử, thể hiện được sự bao dung và nhân ái. Cũng theo phong tục cổ truyền và quan niệm của người xưa, lộc Xuân hái từ những cây như đa, sung, xanh, si sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp nhất. Còn hái lộc từ cây tùng, cúc, trúc, mai sẽ mang lại niềm vui, hạnh phúc và sức khỏe cho mọi người trong gia đình.

    Nếu ngày xưa, việc hái lộc phải từ những cây ở chùa thì hiện nay, tục hái lộc đã đổi khác và có những phá cách mang tính tích cực. Những năm gần đây, người đi hái lộc đầu Xuân thường hái lộc theo nhiều cách chứ không nhất thiết phải bẻ cành, bứt đọt cây. Lộc Xuân có thể là mua một vài quả khế, cây mía hoặc một chậu cây nho nhỏ… đem về nhà trong ngày đầu năm. Tất cả những điều đó làm tôn lên vẻ đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, mãi là một nét chấm phá lung linh trong mùa Xuân của toàn dân tộc Việt Nam!

    Lam Điền



    Nguồn:http://cothommagazine.com
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20038
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Tết Bính Thân - 2016 -

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • T ế t
    _____________




    Sáng hôm mồng một tết,
    Đèn nến thắp xong rồi,
    Bà tôi ngồi trong ổ,
    Mặc áo đỏ cho tôi .

    Ông tôi vừa thức dậy,
    Nằm ngó cổ trông ra .
    Trên ngọn cây đèn bóng,
    Trời lất phất mưa sa .

    Giờ lâu tràng pháo chuột,
    Đì đẹt nổ trên hè,
    Con gà mào đỏ chót,
    Sợ hãi chạy le te .

    Cây nêu trồng ngoài ngõ,
    Soi bóng dưới lòng ao .
    Chùm khánh sành gặp gió
    Kêu lính kính trên cao,

    Từ khi ông tôi mất,
    Bà tôi đã qua đời,
    Tôi mỗi ngày mỗi lớn,
    Nên chẳng thấy gì vui .




    Tết đến tôi càng khổ,
    Tôi nhớ bức tranh gà,
    Chiếc phong bao giấy đỏ,
    Bánh pháo tép ba xu .





    Đoàn Văn Cừ
    1939





    nguồn: chimviet.free.fr
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5417
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Tết Bính Thân - 2016 -

Bài viết bởi Bạch Vân »

          


[youtube][/youtube]
.:flower:

          
Last edited by Bạch Vân on Thứ ba 19/01/16 19:12, edited 3 time in total.
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5417
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Tết Bính Thân - 2016 -

Bài viết bởi Bạch Vân »

          



Chào Nguyên Xuân


Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường(1) phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng

Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người

Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con
Thưa rằng: những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau

Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây

Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu

Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà
Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân

Bùi Giáng

(1)Miên trường: giấc dài, cõi chết.


Nguồn: http://vannghesontay.com

          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20038
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Tết Bính Thân - 2016 -

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • ... Cười, cười, cười ...
    __________________





    Ngăn ngừa

    Hai vợ chồng đi cùng một cô gái xinh đẹp vào chiếc thang máy nhỏ. Người chồng ghé sát cô gái. Bổng nhiên cô này quay phắt lại, tát vào mặt ông ta mà mắng:
    • _ Chừa cái thói sờ phụ nữ trong thang máy đi nhé!

    Ra ngoài, ông chồng nhăn nhó với vợ:
    • _ Khổ quá, anh có sờ cô ta đâu cơ chứ!

    Bà vợ cười mỉm:
    • _ Là tôi đấy! Tôi làm thế cho anh khỏi dở trò ...



    :lol2:




    Yên ngay

    Trong toa xe lửa có 2 bà cải nhau và 1 ông ngồi đọc báo.
    Anh soát vé bước vào thì bà A níu ngay.
    • _ Anh làm ơn hạ cửa sổ toa này xuống, vì đóng kín thế này thì trong vòng 1 phút tôi sẽ chết ngộp ..

    Bà B không vừa:
    • _ Anh mà hạ cửa sổ xuống thì trong vòng 1 phút tôi sẽ chết vì trúng gió ..

    Anh soát vé quay sang ông C (giấu mặt sau tờ báo):
    • _ Ông nghĩ thế nào ?
      _ Tôi nghĩ anh nên giữ cửa sổ đóng trong vài phút, rồi mở nó ra trong vài phút .. là yên ngay ..



    :lol2:




    Có đầu có đuôi

    Vợ đi xa điện thoại về cho chồng
    • _ Anh yêu, con cún của chúng ta thế nào rồi ?
      _ Chết rồi em ạ
      _ Trời .... Chết thế nào ? Làm sao mà chết ? Anh phải cho tin rõ ràng, có đầu có đuôi, có ngọn có ngành, chứ báo hung tin mà sỗ sàng như vậy thì em có mà đứng tim chết theo ..
      _ Vâng, là thế này. Hôm ấy thằng Tí quên xập cửa, nên con cún lẻn ra ngoài rồi rớt cầu thang mà chết ..
      _ Vâng, em hiểu .. thế còn mẹ của em có khỏe không ?
      _ Vâng, hôm ấy anh quên xập cửa ...



    :lol2:




    Linh tính

    • _ Mẹ ơi, lúc nãy con mang về nhà 3 cô bạn gái ra mắt mẹ. Thế thì mẹ thấy cô nào được nhất ?
      _ Trước khi mẹ chọn thì mẹ muốn hỏi con: có phải là con thích con bé áo xanh nhất ?
      _ Ồ .. mẹ có linh tính thật bén nhậy .. Làm sao mà mẹ biết ?
      _ Vì đó là con bé mà mẹ không ưa ...



    :lol2:





    Cùng một loài

    Đoàn thanh tra sắp đến thanh tra một sở thú nọ, thì con sư tử bổng lăn ra chết .
    Anh trông chuồng sợ bị khiển trách bèn lột da của nó ra rồi đóng giả con vật xấu số ..
    Sư tử giả đi đi lại lại trong chuồng thì bổng dưng một con báo đen từ đâu xuất hiện, mon men đến gần. Anh sư tử sợ muốn tè ra quần, thì anh báo nói:
    • _ Đừng sợ, tớ là thủ quỹ đây, cậu còn thuốc lá không ?
      Cái con voi chết tiệt hút sạch gói thuốc của tớ rồi ..



    :lol2: :lol2: :lol2:

    nguồn: nét
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5417
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Tết Bính Thân - 2016 -

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Mùa Xuân trở lại



    1. Những ngày cuối năm không khí trong nhà tôi không có gì khác lạ. Nếu như những gia đình khác lục đục mua sắm Tết, dọn dẹp nhà cửa đón Xuân mới về thì nhà tôi vẫn mỗi người một nơi. Mẹ tôi làm việc từ sáng đến tối tại cửa hàng ăn gia đình, chị em tôi tiếp tục với đống bài vở hẹn trả thầy cô ngay sau Tết. Còn bố tôi vẫn ở phương xa chưa có lịch hẹn về đoàn tụ cùng mẹ con tôi những ngày Tết sắp tới. Tết là đoàn viên, là sum họp, nhưng với tôi, những ngày Tết như những ngày nghỉ dài, không có gì đặc biệt.

    - Năm nay nhà mình mua cành đào, một ít bánh kẹo tết, cũng không cần nhiều con nhỉ?

    Mẹ tôi gón gọn mấy từ đơn giản, vừa ghi chép sổ sách bán hàng vừa nhắc nhở tôi. Hai mươi bảy Tết, nhà tôi vẫn bình chân như vại. Bởi hai mươi tám mẹ tôi mới bắt đầu nghỉ công việc ở cửa hàng để chăm lo cho gia đình. Chị em tôi ở nhà giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, cuộc sống đơn giản của ba mẹ con vẫn trôi qua đều đặn như thế kể từ ngày bố tôi đi. Đã có lúc tôi nghĩ, bố tôi đừng bao giờ trở về với cuộc sống bình yên của tổ ấm khuyết này thêm một lần nào nữa. Đã có lúc tôi nghĩ, mẹ con tôi cứ ấp ủ những điều nhỏ nhặt nhất cũng có thể tự mang lại hạnh phúc. Người đàn ông trong gia đình chỉ có ý nghĩa khi trở thành một chỗ dựa đáng tin cậy. Mà điều ấy, bố tôi đã lỡ tay đánh mất từ trong quá khứ.

    Tôi mang đống xoong nồi ra cọ rửa, trong đầu hiển hiện lại rõ nét từng chi tiết, từng lời nói của ngày mà bố tôi ra đi. Hôm đó là một buổi chiều muộn mùa Đông, gió lạnh thổi se sắt từng đợt. Mẹ tôi ngồi chở bố tôi và tôi phía sau, bàn tay run rẩy bấu chặt vào tay ga xe máy. Tôi không còn nước mắt để khóc cho những sự việc đau lòng lặp đi lặp lại. Bố tôi tiếp tục rơi vào những vết chân cũ mà bố từng đi qua, giẫm nát những mầm hy vọng nhỏ nhoi đang cố gắng vươn lên sống trong trái tim khô cằn của mẹ.

    - Nếu có thể, bố đừng về nữa! Bố để cho mẹ con con bình yên!

    Xe máy chở ba người chúng tôi bị ngã xõng xoài trên đường, mẹ tôi run rẩy với những giọt nước mắt ướt mèm trên mặt, tôi phủi bụi ở vết thương trên đầu gối, nhanh chóng đứng dậy đỡ mẹ, dựng xe và lên trước cầm lái để chở bố mẹ tôi về nhà. Đó là câu nói của tôi trong lúc tức giận, cũng là câu nói cuối cùng tôi nói với bố mình trước khi ông ra đi. Kể cả sau này, thi thoảng bố tội gọi điện về nhà hỏi han ba mẹ con, tôi không một lần nào nói chuyện điện thoại cùng ông, hỏi han ông giống như cách mà đứa em trai mình vẫn làm. Tôi biết, vết thương trong tôi ngày một lớn dần, tôi càng cố chấp quay đầu đi, vết thương càng mở miệng rỗng hoác. Những ngày bố tôi đi cũng là những ngày giáp Tết của một năm nào đó. Ông đi đến một nơi đủ xa để làm lại cuộc đời mình, dù muộn màng, dù đau xót, tôi cũng chỉ mong ông có một cuộc sống bình yên và không còn nhiều khổ cực, day dứt nữa.




    2. Hai mươi tám Tết, mẹ tôi cho hai chị em tôi cùng đi chợ. Vốn đã là đứa con gái hai mươi hai tuổi đầu, tôi không quá háo hức cho những bộ quần áo mới, những món bánh kẹo đồ ăn vặt như ngày còn bé nữa. Tôi có thể đi làm thêm, tự dành dụm được mỗi tháng một ít tiền, có thể tự mua sắm lặt vặt cho bản thân. Mẹ tôi nói, tôi hãy cứ đi chợ cùng em trai, cùng mẹ chọn đồ cho nó. Em trai tôi học lớp tám, là một đứa rất yêu bố nhưng không bao giờ thể hiện ra trước mặt tôi. Nó vẫn nghĩ, tôi ghét bố, và nếu nó thể hiện ra, tôi cũng sẽ ghét nó.

    - Tết nhất đến nơi mà chẳng đứa nào đòi quần áo mới. Ô hay mấy đứa nhà này lạ nhỉ?

    Mẹ tôi vừa đi vừa nói, bà dắt tay cậu em tôi đi vào thẳng trong chợ. Dù làm lụng một năm vất vả, một mình nuôi nấng và săn sóc hai đứa con tuổi ăn tuổi lớn không có chồng bên cạnh, mẹ tôi vẫn chăm chút và lo lắng để chị em tôi không thua thiệt điều gì so với bạn bè cùng trang lứa. Tết đến, mẹ tôi vẫn giữ quan niệm của một người lớn tâm lý, muốn mua cho các con những bộ quần áo mới, muốn cho nhà cửa có chút lộc lá sum xuê. Tôi bằng lòng đi chợ với mẹ, chọn quần áo cho em trai. Lúc nhìn những bộ quần áo ướm trên người em mình không phải là những bộ đồng phục trường mà nó hay mặc, tôi mới nhận ra rằng em trai tôi lớn quá rồi. Bây giờ, nó trở thành người đàn ông của gia đình chứ không chỉ là một đứa trẻ út ít được cả nhà chăm bẵm. Tôi nhoẻn cười với nó, vỗ vai khi thấy nó ngượng ngùng thử những bộ quần áo mới. Em tôi giống bố như đúc, lúc nó cười, lúc nó dùng tay hất tóc, thậm chí cái dáng đi cũng khiến tôi hình dung ra bố đang ở trước mặt, cùng mẹ con tôi đi chợ. Tết đến, tôi không biết bố tôi có bộ quần áo mới nào hay không?

    Buổi chiều muộn, tôi cùng mẹ mua những thứ thực phẩm dự trữ trong kỳ nghỉ Tết. Mẹ tôi có phương châm làm lụng mọi thứ trọn vẹn trước thời khắc giao thừa để khi năm mới vừa sang có thể dành thời gian đưa chúng tôi đi thăm họ hàng, chúc tụng ngày Tết, không phải lo nghĩ đến chuyện thức ăn đồ uống hay nấu nướng lách cách gì khác. Tôi cùng mẹ đi vòng quanh chợ, mua cân thịt, mua bó lá dong, ngắm nghía cành đào. Bất giác tôi sờ tay vào một nụ hoa đào phai màu hồng nhạt, hỏi mẹ.

    - Mẹ, tết này bố có về không?

    3. Mẹ tôi cũng giống em trai tôi, không mấy khi nhắc đến bố trước mặt tôi. Mọi người đều biết tôi bị ám ảnh bởi những lần bố làm cả nhà phải long đong lận đận. Vì thế nên hầu như tất cả mọi người đều cố ý né tránh việc nhắc đến bố tôi như một thói quen. Khi tôi hỏi về bố và dự định ăn Tết của bố ở nơi xa, mẹ tôi ngạc nhiên quay lại nhìn tôi. Mẹ tôi dặn dò.

    - Bố có thế nào cũng là bố của con.Con đừng trách bố, nhé!

    Tôi lẳng lặng đi trước. Vết thương trong tôi đã lành da, chỉ còn lại những vết sẹo mờ mà thời gian phủ lấp. Nhìn những gia đình khác đoàn tụ bên nhau hạnh phúc, tôi không khỏi chạnh lòng. Việc ba mẹ con tôi nương tựa vào nhau để sống đã là quá sức khó khăn. Chỉ có một mình bố tôi tự tựa vào thân mình để sống còn khó khăn hơn nhiều lần. Tôi không trách bố, từ lâu đã không trách bố, thay vào đó là lo lắng cho ông. Tuy vậy, tôi cũng không dễ dàng học được cách bộc lộ cảm xúc của mình.

    Hai mươi chín Tết, mẹ bảo hai chị em tôi mặc quần áo mới được mẹ mua cho rồi cùng mẹ đi đến một nơi. Tôi ngồi trên xe taxi nghĩ mông lung, đã mường tượng ra điều gì đó sắp xảy ra. Mẹ tôi từ ngày được nghỉ Tết và sau khi nghe điện thoại của bố đã thấy nét cười tươi tắn trên khuôn mặt. Tôi nói chuyện với bác làm cùng mẹ tôi thì được nói cho biết rằng mấy ngày sắp được nghỉ, mẹ tôi cứ hay cười tủm tỉm ra điều vui vẻ lắm. Tôi nhún vai. Vậy là bố tôi sắp về!

    Bố về nhà khác hơn so với ý nghĩ của tôi. Tôi chào bố thân mật, chạy lại xách vali cho bố ra dáng đứa con gái hai mươi hai tuổi đã lớn và trưởng thành. Tôi hỏi han bố, nhìn ra sự thay đổi từ những sợi tóc bạc trên đầu, với gò má nhô cao, với nước da đen sạm. Bố tôi hẳn là đã vất vả phong sương ngoài phương xa nhiều lắm, thời gian bạc bẽo hằn dấu lên dáng gầy lênh khênh của bố. Lúc cả nhà ngồi vào taxi ra về, nghe giọng bố thân thuộc vang lên hỏi han mẹ và em trai, tôi thấy sống mũi mình cay cay. Tôi thương bố!

    Bố về dọn dẹp lại nhà cửa một lần nữa quạnh quẽ trước sau, sân vườn cây cối đều được bàn tay bố chăm sóc cẩn thận. Bố cũng là người nội trợ vào bếp cùng mẹ tôi nấu những bữa cơm ngon. Tôi lân la hỏi bố công thức nấu ăn, rồi bố con cặm cụi vào bếp tranh phần của mẹ. Nhà tôi cũng gói bánh chưng, có dưa hành cho ngày Tết.

    Cách ít ngày trước Tết, tôi không nhận ra sự thay đổi của đất trời, đi chợ với mẹ như một nghĩa vụ, thở dài cảm thán những ngày Tết buồn chán tẻ nhạt chỉ như những ngày nghỉ dài. Nhưng có bố về mọi chuyện lại khác. Tôi cảm nhận rõ rệt không khí mừng Xuân mới nhộn nhịp từ trong nhà ngoài ngõ, lúc đi dạo trên phố còn mê say ngắm nhìn những cành đào, cây quất trên tay người người về nhà họ để cùng họ đón một năm mới sum vầy. Nhà tôi cũng tấp nập tiếng nói cười chào hỏi. Nhà tôi có Tết về, giữa một mùa Xuân tổ ấm không còn khuyết dáng gầy của bố. Nhà tôi có ánh mắt hiền rạng ngời hạnh phúc của mẹ, có sự chờ mong của cậu em trai, có cả lòng thành từ trong sâu thẳm tim tôi dành cho bố.

    Ngày bố về, bố mang mùa Xuân trở lại…



    Sưu Tầm

              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20038
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Tết Bính Thân - 2016 -

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Tết Bính Thân nói chuyện Hầu Quyền
    __________________________________
    Võ sư Trương Văn Bảo - 19/01/2016








    Năm Bính Thân là năm con khỉ.
    Đảo một vòng qua các cửa hiệu sách và văn hoá phẩm thành phố Đà Lạt, ít thấy hình ảnh, bóng dáng của “hầu vương” xuất hiện trên lịch tường, lịch bàn chuẩn bị ngày Tết. Thật tội nghiệp, vì khỉ cũng là loài vật bình thường như những con vật khác. Hay là con người sợ hình ảnh khỉ xuất hiện đầu năm vì những “trò khỉ” mà khỉ đã làm, gây những điều phiền toái trong đời sống chung giữa con người với khỉ. Nhưng trong lãnh vực Võ thuật cổ truyền, khỉ là ‘hầu vương”. Khỉ có riêng một khung trời bao la, bát ngát, một môn phái võ đàng hoàng, tên gọi là “Hầu quyền”.

    Nói về khỉ, không ai xa lạ, khỉ là giống thú cao cấp rất gần với người, bàn tay, bàn chân có thể cầm nắm được, khả năng leo trèo và đánh đu rất giỏi, các vận động viên thể dục thể thao, thấy khỉ đánh đu phải tâm phục khẩu phục vì thao tác nhẹ nhàng, khoan thoai, linh hoạt, chính xác, tinh thần tự tại, an nhiên, đu mà như không đu, loài người không dễ gì bắt chước.

    Môn phái Võ Thiếu Lâm nổi tiếng có Ngũ hình quyền:
    • Long (rồng), Hổ (cọp), Xà (rắn), Hạc (hạc), Báo (beo).
    Có môn chọn
    • Long (rồng), Hổ (cọp), Xà (rắn), Hầu (khỉ), Báo (beo)
    Thành Long, diễn viên điện ảnh Hồng Kông, diễn bài Ngũ hình quyền Long, Hổ, Xà, Hầu, Báo rất thành công.
    Trong Thập hình quyền Thiếu Lâm có:
    • Long (rồng), Xà (rắn), Hổ (cọp), Báo (beo), Hạc (hạc), Sư (sư tử), Tượng (voi), Mã (ngựa), Hầu (khỉ), Điêu (chim).
    Như vậy thấy rằng khỉ cũng có vị trí quan trọng trong làng Võ thuật cổ truyền bởi tính cách đặc thù tự tồn giữa thiên nhiên hoang dã.

    Hầu quyền là tượng hình quyền, hay còn gọi là hình ý quyền linh thú,
    được giới võ yêu chuộng vì diễn luyện Hầu quyền đòi hỏi không những thể hiện được các động tác của loài khỉ mà còn làm sống được cái thần thái, thần khí của loài vật này. Việc luyện tập Hầu quyền mang lại sự nhẹ nhàng, thanh thoát cho cơ thể, nhặm lẹ trong động tác, chạy, nhảy, tránh, né, cầm, bắt với những tư thế mà con người bắt chước đưa vào ứng dụng để phòng thủ hoặc tấn công trong võ thuật, nhất là có được sức khoẻ bền bỉ, dẻo dai.

    Môn võ nào cũng có nguồn gốc, chủ yếu do con người sáng tạo dựa trên kinh nghiệm đời sống với thiên nhiên, hoặc tranh sống cùng những loài động vật khác, mà chính con người cũng là động vật. Đối với Hầu quyền, tài liệu sách vở vẫn còn trong vòng nghiên cứu, dù rằng Hầu quyền rất nổi tiếng, song hậu thế thường trước tác rồi gán ghép ánh hào quang bí kíp võ công để tô vẽ, giương oai, quảng cáo cho cá nhân mình không đúng với thực tế.

    Theo “Thượng thư” (Trung Quốc cổ thư), những tư thế mô phỏng dáng điệu, động tác của muông thú được gọi chung dưới tên “Bách thú vũ”. Sau kết hợp động tác với kỹ thuật chiến đấu thành một thể loại võ thuật là “Hình tượng quyền”.

    • Hầu quyền là “Hình tượng quyền” được biết đến từ thời nhà Hán (206 trước Công nguyên) với điệu “Mi hầu vũ”. Thời Tây Hán, một viên quan trong buổi đại yến, lúc ngà ngà say đã trình diễn vũ điệu Mi hầu.
    • Thời Hậu Hán (25 - 220) và Tam quốc phân tranh (220 - 260), danh y Hoa Đà sáng chế “Ngũ cầm hí” gồm: Hổ (cọp), Lộc (nai), Hùng (gấu), Viên (vượn) và Điểu (chim) để luyện tập cơ thể.
    • Đời nhà Minh (1368 - 1644), Hầu quyền đã nổi tiếng và phổ biến rộng trong giới võ lâm. Thích Kế Quang, danh tướng đương thời, đã viết “Kỷ hiệu tân thư”, nói rằng Tống Thái Tổ không những có Tam thập nhị thế Trường quyền mà còn có Lục bộ quyền, Hầu quyền và Ngoa quyền.
    • Theo “Giang Nam kinh lược”, sách được in vào năm Long Khánh thứ ba (1569), Trịnh Nhược Tăng đã chép rằng có 36 đường Hầu quyền, điều này cho thấy Hầu quyền đã phát triển mạnh vào thế kỷ 16.
    • Cuối đời nhà Thanh (1644 - 1911), tại địa khu Cao Sơn, thuộc huyện Nhạc, tỉnh Thiểm Tây, lưu truyền một loại hình quyền thuật với tên gọi “Diêu tử Cao Sơn đấu luyện quyền”, môn luyện này giống với Hầu quyền ngày nay.


    Thực tế, khi nói đến Hầu quyền vang danh thiên hạ, thường được nhìn qua lăng kính để thấy hình ảnh của một Hầu vương mà các nhà nghiên cứu võ học cho rằng nhờ vào tác phẩm Tây du ký của Ngô Thừa Ân cảm tác nhân vật Tôn Ngộ Không đưa Hầu quyền trở thành tuyệt kỹ công phu võ học. Nhưng dù truyền thuyết hay lý luận thực tiễn thì có một điều không thể phủ nhận đó là tính cách đặc thù của loài khỉ trong chiến đấu của võ thuật truyền thống tượng hình quyền.

    Đặc điểm của Hầu quyền là
    • lấy nhu chế cương,
      kết hợp sự linh hoạt trong các động tác chạy, nhảy, nhào, lộn, tránh, né, chụp, bắt
      rồi tấn công vào yếu huyệt trên cơ thể đối phương.
    Người luyện tập Hầu quyền thân thủ cao diệu, các động tác được phối hợp giữa thân pháp, thủ pháp, cước pháp, nhất là nhãn pháp phải xuất thần. Để thể hiện đúng ý nghĩa Hầu quyền, phương pháp thở cũng vô cùng quan trọng, bởi các động tác, thế võ Hầu quyền uyển chuyển, nhẹ nhàng mang tính cách của khinh công và khí công.

    Võ tăng Chùa Thiếu Lâm truyền nhau từ đời này qua đời khác công phu “Nhị thập nhị Hầu quyền yếu lĩnh - 22 yếu lĩnh Hầu quyền”:
    • Cương (cứng),
      Nhu (mềm),
      Khinh (nhẹ),
      Linh (linh hoạt),
      Miên (dai dẳng),
      Xảo (khéo léo),
      Đoá (ẩn náu),
      Thiểm (nghiêng mình),
      Thần (thần khí),
      Thúc (đeo ghì),
      Trảo (gãi, chộp lấy),
      Toái (vung tay),
      Thỉa (hái),
      Thiết (cắt),
      Điêu (gò, kềm bằng cổ tay),
      Nã (bắt lấy),
      Khấu (giằng bằng hai tay),
      Đính (khiêu, chọc),
      Triền (quấn quanh),
      Đặng (ngơ ngác),
      Đoán (giậm gót chân hoặc đá ra sau bằng gót chân),
      Đàn (đá rút chân nhanh).
    Quyền pháp Hầu quyền còn yêu cầu người tập phải “tĩnh tại nhãn, khí tại khứu, thần tại tâm”.
    • Ca quyết Hầu quyền:
      • Khiêu dược toàn chuyển khoái như phong;
        Tam thiểm lục đóa mật lâm trung;
        Gian hiểm hoàn cảnh năng thiên ứng;
        Cơ cảnh mẫn tiệp thể khinh tông;
        Thái trích tiên đào tập như thường;
        Tứ xứ khuy vọng thiện đoá tàng;
        Trảo đả câu quải hiển linh khí;
        Hầu quyền thần kỹ kham tán dương.
      • Dịch nghĩa (người viết dịch):
        Nhảy múa quay cuồng như gió lốc;
        Ba lần nghiêng tránh, sáu lần che;
        Hoàn cảnh khó khăn nào cũng vượt;
        Nhẹ nhàng thân thể khéo biến di;
        Thành thạo hái đào như thường lệ;
        Ẩn mình khéo léo bốn phương trông;
        Chộp, đánh, móc, treo linh hoạt khí;
        Hầu quyền tài nghệ đáng khen thay.



    Cũng như những tượng hình quyền khác, luyện tập Hầu quyền có những nguyên tắc mô phỏng động tác, diễn cảm, tập trung tinh thần không sơ hở trong đòn thế, bộ pháp nhẹ nhàng, thân pháp linh hoạt, nhãn pháp xuất thần, đó là “Hầu quyền Ngũ cú kinh” gồm Hình tượng, Ý chân, Pháp mật, Bộ khinh và Thân hoạt.

    Căn bản của Hầu quyền là
    • “Thủ nhãn thân pháp bộ, tinh thần khí lực công”
      (tay linh hoạt, mắt lộ thần, thân thể tráng kiện, kỹ thuật chiến đấu hiệu quả, chân di chuyển khéo léo kết hợp với tinh thần khí lực và công phu).
    Người luyện Hầu quyền luôn tâm niệm câu
    • “Thủ đáo nhãn bất đáo, đẳng ư hạt triêu náo”
      (tay đã đạt đến sự linh hoạt mà mắt không đạt đến việc lộ thần thì sự thành công ở thủ pháp không còn đáng kể nữa”.
    Chính vì vậy đôi mắt trong Hầu quyền vô cùng quan trọng.


    Một số chiến thuật giao đấu của Hầu quyền:
    • - Lực tranh chủ động, kích đả nhược điểm;
      - Thức phá ý đồ, tiên phát chế nhân;
      - Đa đầu tiến công, nhất điểm đột phá;
      - Lợi dụng quy luật, điều động đối thủ;
      - Nhược điểm dụ hoặc, kiềm chế đối thủ;
      - Chuyển di mục tiêu, bãi thoát đối thủ.


    Hiện nay,
    • ở Hà Nội có Hầu quyền của các Môn phái Thiếu Lâm Sơn Đông, Bình Định Gia, Võ phái Nam Long Quyền với những bài quyền và binh khí rất xuất sắc;
    • Huế có Hồng phái Hầu quyền đạo Việt Nam, thành lập năm 1975, phát triển năm 1980, dựa trên nguyên lý âm dương tương tế, đặc trưng nhu nhuyễn âm kình.
    • Tại Sài Gòn có Hầu quyền của Thiếu Lâm Châu Gia do Lão võ sư Trần Lâm truyền dạy và kế thừa là võ sư Hầu quyền Trần Cửu nổi tiếng trong võ lâm Việt Nam.

    Môn phái Thiếu Lâm Phật Gia Quyền, Võ đường Trần Hưng Đạo Đà Lạt, có các bài:
    • Hầu vương quyền pháp (quyền pháp của vua khỉ),
      La hán Hầu quyền (quyền pháp La hán với Hầu quyền),
      La hán Hổ Hầu quyền (quyền pháp La hán với Hổ quyền và Hầu quyền),
      Hầu quyền Đường lang thủ (quyền pháp Hầu quyền với Đường lang quyền - Bọ ngựa),
      Hầu Hạc song hình quyền (Hầu quyền và Hạc quyền)…

    Thực tế chiến đấu, nếu đơn phương chỉ sử dụng Hầu quyền sẽ có nhiều khiếm khuyết, bởi các môn võ có nhiều môn rất dũng mãnh, hội đủ các yếu tố nhanh, mạnh, khéo léo, hiểm hóc, nên các môn như Hầu quyền, Đường lang quyền, Xà quyền, Hạc quyền ngay cả Long quyền, Hổ quyền, Báo quyền cũng đều kết hợp với La hán quyền để có được những kỹ thuật thích hợp trong nhiều tình huống giao đấu khác nhau.


    Một số tên thế võ Hầu quyền:
    • - Kinh hầu đào thoán (khỉ sợ bỏ chạy);
      - Hầu nhi thỉa đào (khỉ con hái đào);
      - Viên hầu ba thụ (khỉ vượn trèo cây);
      - Linh hầu phi chuyển (khỉ khôn bay chuyển);
      - Hầu tử thu đào (con khỉ hái đào);
      - Toạ hầu nghinh tân (khỉ ngồi đón khách);
      - Hầu vương trá tẩu (vua khỉ giả chạy);
      - Lão hầu toạ thạch (khỉ già ngồi trên đá)…


    Tết Bính Thân nói chuyện Hầu quyền nhưng vương vấn lòng người có lẽ là hình ảnh Tôn Ngộ Không trong Tây du ký của Ngô Thừa Ân. Một con khỉ tài ba lỗi lạc, thông minh đỉnh đạc có nhiều “trò khỉ” cộng với
    • 72 phép thần thông biến hoá,
      cân đẩu vân,
      thiên lý nhĩ,
      thiên lý nhãn,
      đánh võ Hầu quyền bách chiến bách thắng,
      sử dụng Như ý côn gió cuốn mây bay,
      xuất quỷ nhập thần,
    nhất tâm phò Đường Tam Tạng thỉnh kinh nơi xứ Phật.

    Chỉ có “con khỉ mang tâm Bồ tát” Tôn Ngộ Không - Tề thiên Đại thánh, mới có khả năng nhìn ra đâu là Phật thật, Phật giả, đâu là con người, đâu là ma vương, quỷ sứ mà chính Đường Tam Tạng, Sa Tăng, Bát Giới đôi khi không phân biệt được thật hư, chân giả.

    Cả một đời người sống để đi tìm chữ “Ngộ”, khi ngộ rồi thấy được chữ “Không” - “Sắc sắc không không”. Đó là điều trân quý như bảo ngọc trong câu chuyện Hầu quyền nhân Tết Bính Thân giữa cõi Ta bà này.



    Bính Thân 2016 - TVB
    nguồn: vocotruyenvn.net
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5417
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Tết Bính Thân - 2016 -

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Món Ngon Ba Miền Ngày Tết


    Không chỉ để no lòng, món ăn ngày Tết còn là một nếp văn hóa thể hiện qua dấu ấn ẩm thực của đất nước ta. Tùy vào mỗi vùng miền khác nhau, thói quen ẩm thực cũng có nhiều điều không giống nhau. Tuy nhiên sự khác biệt ấy chỉ góp phần mang thêm phong vị đầy đa dạng của mỗi nơi, để khi có dịp thưởng thức qua, người ta lại có cảm giác như tìm thấy một vùng đất mới, của những tinh hoa trời đất và bàn tay chăm chỉ, sáng tạo của con người.

    MIỀN NAM

    Ở vùng Nam bộ nói chung, ngày Tết là dịp để mọi người được bận rộn. Sự bận rộn ấy thể hiện một mối quan hệ khăng khít trong làng xóm và gia tộc. Chỉ nói riêng việc ăn uống, Nam bộ đã là là một vùng đất mang nhiều phong vị rất riêng, trong nếp ẩm thực ngày xuân

    Bánh tét



    Từ những ngày trước Tết (khoảng ngày 27 đến 29 Tết), ở những vùng quê lẫn thành thị, nhà nào rộng rãi và điều kiện đều nấu một nồi bánh tét để làm quà biếu hàng xóm. Ở Nam bộ bánh tét được dùng khá phổ biến để thờ cúng tổ tiên, ông bà. Bánh tét có rất nhiều loại, bánh tét nhân mặn, nhân ngọt và có cả bánh tét chay. Nếu so với bánh tét chay không nhân, chỉ có đậu đen, dừa nạo trộn với nếp hay bánh tét ngọt có nhân làm bằng đậu xanh xào đường hoặc nhân chuối, thì đòn bánh tét mặn được chế biến công phu hơn nhiều. Người ta trải gạo nếp trên lá chuối, rải lớp đậu xanh, rồi mới đặt một miếng thịt mỡ to gần bằng ngón chân cái chạy dài suốt đòn bánh. Sau đó. cuộn tròn lại, buộc lạt thật chặt rồi đem nấu. Khi bóc ra, khoanh bánh tròn trịa nằm gọn trong đĩa, nhân đậu xanh chín vàng ươm, miếng thịt heo đỏ hồng tươm cả mỡ trông rất đẹp mắt. Món này thường được ăn kèm với kiệu chua hoặc củ cải ngâm nước mắm thì ngon tuyệt.

    Dưa giá

    Dưa giá là món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết dùng để ăn chung với thịt kho hoặc cuốn bánh tráng. Đây là món ăn kèm giúp cho các món ăn chính trong ngày Tết thêm hương vị, mà cũng là thể hiện sự thông minh vô cùng trong việc kết hợp món ăn của ông cha ta. Vì ngày Tết món ăn nào cũng nhiều dầu mỡ, món dưa giá đơn sơ này sẽ có tác dụng làm "cân bằng". Vì thế, món dưa giá từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc trên bàn tiệc ngày Tết ở miền Nam.

    Dưa cải chua


    Là món ăn phổ biến trong mọi gia đình, nhất là vào dịp Tết. Món ăn này không cầu kỳ chỉ cần làm sạch cải (cắt rễ), phơi héo, trụng sơ và để ráo, sau đó xếp vào khạp hoặc hủ sành, rồi cho hỗn hợp nước muối, đường, phèn chua là được. Khi ăn, cho dưa cải ra đĩa, ăn kèm với thịt kho trứng và cơm nóng thì tuyệt vời. Cái vị chua chua giòn giòn như còn đọng lại trên đầu môi mỗi khi nhắc đến.

    Củ kiệu ngâm chua

    Bên cạnh hai món dưa giá và cải chua, củ kiệu là món không thể thiếu trong mọi gia đình, người ta có thể mua ở chợ, siêu thị, nhưng ngon nhất vẫn là do tự tay làm lấy. Trước hết, kiệu phải được ngâm nước tro khoảng 1 đêm cho bớt mùi hăng, sau đó làm sạch rễ và lá, phơi héo khoảng 4 giờ rồi ướp đường, cho vào keo thủy tinh sạch. Nếu muốn lọ kiệu thêm đẹp, bạn có thể trang trí thêm củ cải đỏ cắt hoa. Sau đó cho nước giấm nấu đường để nguội vào. 10 ngày sau là dùng được.



    MIỀN TRUNG

    Bếp lửa miền Trung thường náo nức chào Xuân với hương thơm của bánh tét, của dưa món, của nem chua, của tré, của thịt giầm bên cành mai vàng sắc nắng. Không những vậy, đến vùng đất kinh thành Huế, du khách còn có dịp thưởng thức món bánh tét Huế, mang màu xanh thẫm và dậy hương nếp cái nhờ nước cốt lá ngót ngâm gạo. Ngoài ra còn có món bò bắp giầm nước mắm xắt lát, ăn kèm với dưa món chua chua, ngọt ngọt.


    Giò heo hon miền trung



    Được làm từ thịt chân giò (giò heo), có màu vàng nghệ, hương thơm đặc trưng, là món rất được ưa dùng trong những ngày Tết ở miền Trung. Thịt giò cắt miếng vuông bằng đốt tay cái, ướp chung với nghệ tươi giã nát, nước mắm, muối, đường và nhất là không được thiếu chút ruốc Huế cho đậm đà. Rồi cứ việc đảo cho săn, cho chút nước xâm xấp, kho riu riu đến khi thịt mềm, cho thêm đậu phộng luộc chín, bóc vỏ. Ai thích ăn cay có thể gia thêm chút ớt bột, hay trái ớt giã nhuyễn, và cũng đừng quên cho vào một ít xả giã nhuyễn để nồi thịt thêm thơm nồng.

    Tôm chua Huế

    Tôm chua có ở nhiều nơi, nhưng ngon vào bậc nhất phải kể đến món tôm chua xứ Huế. Khi chế biến, người ta chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu như tôm, măng, tỏi xắt lát mỏng, củ riềng, ớt trái xắt lát dài. Đối với tôm, phải chọn loại tôm tươi, cắt râu, rửa sạch để ráo, ngâm với rượu cho đến khi hết mùi rượu, vớt ra, sau đó trộn đều tôm, măng, tỏi, ớt, riềng, nước mắm ngon hoặc muối, cho vào lọ thủy tinh hoặc lọ men, lấy vài thanh tre mỏng gài lại và đậy nắp, để nơi có nắng ấm độ 3 ngày rồi đưa vào nơi khô ráo và mát. Từ 5 đến 7 ngày, bạn đã có một lọ mắm tôm rực màu đỏ hồng, thơm phức. Gói trọn trong món tôm chua Huế là vị ngọt bùi của tôm, vị béo của thịt, vị cay, thơm của riềng, tỏi ớt, vị chua của khế, vị chát của vả, hương thơm của rau... tất cả sẽ mang đến cho bạn hương vị một ngày tết rất Huế, rất ngon.



    MIỀN BẮC

    Bên cạnh hai loại bánh truyền thống là bánh chưng và bánh dày. Món Tết miền Bắc rất đa dạng. Trong đó, phải kể đến các món như dưa hành, thịt đông, thịt bò kho quế...

    Dưa Hành


    Đây là món ăn khá phổ biến trong ngày tết, và đi vào kho tàng ca dao "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh" mỗi khi nhắc về ngày Tết. Trước hết, bạn cần lựa loại hành già, củ chắc, cắt bỏ phần đuôi chỉ chừa lại phần rễ. Sau đó, ngâm hành vào trong nước tro có pha hàn the trong khoảng thời gian 2 ngày 2 đêm. Tiếp theo, vớt hành ra, cắt bỏ rễ, lột vỏ chỉ còn lại khoảng 5cm rồi xếp hành vào khạp, rải muối, bỏ một lớp mía chẻ mỏng, rồi đến lớp hành gài lại bằng những vỉ tre. Sau 2 tuần, bạn có thể lấy hành ra cho vào keo thủy tinh, rồi nấu nước dấm đường để nguội cho vào. Khoảng 3 ngày là ăn được.

    Thịt đông

    Thịt đông là món riêng có của mùa xuân Bắc bộ. Trong là không khí lạnh, thịt đông trở nên ngon hơn. Món này được làm từ thịt heo ba chỉ, đôi khi được sử dụng cả gà, cộng thêm một mảng bì lợn. Tất cả đều được ninh nhừ. Sau khi nấu xong, bạn lấy khỏi bếp và đặt nồi thịt ra ngoài sân, đậy kỹ cho nó ăn gió uống sương, thu lấy cái rét mướt từ trời cao và đất thấp vào mình để sớm hôm sau, nhà ta đã có nồi thịt đông kỳ diệu. Trên mặt của nồi thịt đông là lớp ván mỡ có màu trắng như tuyết pha sắc vàng mịn như mặt hồ không gợn sóng. Một miếng thịt đông kèm một củ dưa hành, thì thật đúng nghĩa Tết bắc.

    Thịt bò kho quế

    Thông thường, món này được chuẩn bị từ ngày 29 Tết để kịp cúng trưa 30 và mấy ngày Tết. Để làm món này, người ta chọn loại thịt bò nạm. Sau đó ướp với chút nước cốt tỏi, chút mắm muối rồi cho thịt ba chỉ cắt mỏng vào giữa, cuộn tròn lại, dùng lạt buộc chặt rồi chiên sơ trước khi cho vào nồi kho. Tiếp theo bạn có thể thả miếng thịt bò vào nồi nước sôi đã có sẵn nước tương, chút đường và một miếng quế nhỏ rang thơm, nấu cho đến khi thịt mềm thì vớt ra, để nguội. Gỡ bỏ những cọng lạt và cắt thịt thành khoanh, miếng thịt bò mềm mà chắc chứ không nát, lẫn vào mầu nâu của thịt bò là màu trắng của mỡ heo. Món này bạn có thể ăn kèm với bánh chưng hay cơm nếp vào ngày Tết thì tưởng như không có gì ngon bằng.


    Như Phong sưu tầm


    Nguồn: http://chimviet.free.fr

              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20038
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Tết Bính Thân - 2016 -

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          

          
Trả lời

Quay về “Chuyên đề”