Đọc truyện Tàu

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Đọc truyện Tàu

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Đọc truyện Tàu






    Hôm rồi tôi đi show bên Mỹ, có gia đình gồm ba mẹ con gặp tôi và nói:

    – Chú Ngạn ơi! Hồi tháng 5, ở chỗ cháu tổ chức buổi họp mặt nhân ngày Mother Day. Cháu bận coi nhà hàng nên không dự được. Nhưng cháu có ủng hộ tiền và thức ăn. Sau đó Ban Tổ Chức gửi thư cám ơn tất cả những người cho tiền, gọi là “các vị Mạnh Thường Quân”, trong đó có tên tiệm phở của gia đình cháu. Mạnh Thường Quân là gì, chú Ngạn?

    Tôi nhớ cách đây mấy năm cũng có người hỏi tôi một câu tương tự và vì không có nhiều thời gian nên tôi chỉ trả lời rất vắn tắt. Dĩ nhiên đó là những người trẻ. Thế hệ lớn tuổi như tôi thường đọc truyện Tàu nên ai cũng biết qua về Mạnh Thường Quân. Thế hệ sau này sống ở Mỹ, ở Canada, ai còn bận tâm đến truyện Tàu làm gì, nên ba chữ Mạnh Thường Quân thường chỉ được hiểu cách đơn giản là những người hảo tâm đóng góp tiền bạc hoặc tặng vật cho một buổi sinh hoạt nào đó trong cộng đồng, hoặc giúp đỡ người nghèo. Thí dụ: Tiệc tất niên Hội Cao Niên, nếu tôi gửi biếu các cụ ít tiền lì xì đầu năm cho vui thì Ban Tổ Chức cũng sẽ gọi tôi là một Mạnh Thường Quân!

    Câu hỏi đặt ra là gọi như thế có chính xác không? Những người đóng góp tài chánh hoặc tặng vật cho sinh hoạt cộng đồng, hoặc góp công của cho quỹ từ thiện, chúng ta kêu họ là “những Mạnh Thường Quân” có đúng hay không?

    Theo cái nhìn riêng của tôi thì tôi có thể trả lời ngay là không đúng, nhưng mọi người gọi như thế đã quen rồi, vả lại gọi như thế thật ra cũng chả có hại gì nên cứ gọi cũng không sao!

    Câu chuyện xuất phát từ thời Đông Châu Liệt Quốc bên Trung Hoa. Xin mở dấu ngoặc ngay để giải thích một số từ trong sử Tàu giúp các bạn trẻ dễ hiểu hơn: Nhà Chu (hay Châu) là một triều đại lớn, lúc đầu đóng đô ở Tràng An, phía Tây, gọi là Tây Chu. Hơn 300 năm sau rời sang phía Đông để tránh rợ Khuyển Nhung, đóng đô ở Lạc Dương từ năm 770 trước công nguyên. Từ đó gọi là Đông Chu. Nhà Chu là Thiên Tử, tức là vua của cả nước Trung Hoa, nhưng phía dưới có rất nhiều nước nhỏ nên gọi là “liệt quốc”. Liệt là nhiều, là đông. Tuy nhà Chu là Thiên Tử nhưng chỉ xưng tước Vương, chẳng hạn Chu Thành Vương. Thời ấy chưa có chữ Đế. Trong tiếng Việt của chúng ta thì dù Đế hay Vương cũng chỉ được dịch thành một chữ là Vua. Nhưng trong tiếng Tàu thì cần phân biệt, nếu không khi đọc truyện Tàu hay xem phim bộ cổ trang của Tàu dễ bị nhầm lẫn. Cuối đời Đông Chu Liệt Quốc, khi Tần Thủy Hoàng thống nhất nước Tàu và lên ngôi, ông nhìn lại lịch sử Tàu, thấy có các đời Tam Hoàng và Ngũ Đế, ông cho là mình vĩ đại hơn tất cả những vua trước nên ông gộp chung hai chữ Hoàng và Đế lại để tự xưng mình là Hoàng Đế. Chữ Hoàng Đế bắt đầu có từ đấy. Vua là Đế. Các con trai hoặc anh em của vua sẽ được phong tước Vương. Tần Thủy Hoàng cũng qui định Hoàng Đế sẽ xưng “Trẫm” và gọi thần dân là “Khanh”. Thần dân sẽ xưng “Thần” và gọi Hoàng Đế là “Bệ Hạ”. Từ đó, các triều đại nối tiếp đều dùng cách xưng hô của Tần Thủy Hoàng. Bên Việt Nam ta cũng thế, mặc dầu đối với Tàu thì các vua Việt của chúng ta chỉ được phong tước Vương (An Nam quốc vương) chứ không được lên Đế. Đế thì xưng Trẫm, nhưng Vương không được xưng Trẫm mà vẫn xưng là “Cô” hoặc “Quả Nhân” ý nói mình cô độc cần cầu hiền!

    Trong thời Đông Chu Liệt Quốc, vua các nước nhỏ trên nguyên tắc đều được phong tước Hầu. Cho nên người ta gọi chung các nước ấy là “chư hầu”. Thí dụ 800 chư hầu đã họp lại để đánh vua Trụ. Tựu trung, có lúc số chư hầu lên đến trên 1000. Cũng có nước đòi nhà Chu phong tước Công, trên tước Hầu, chẳng hạn Tề Hoàn Công. Có nước lạm xưng tước Vương, ngang với Thiên tử nhà Chu, chẳng hạn Tề Mân Vương. Nước chư hầu nào mạnh nhất thì xưng “Bá”, tức có quyền thay mặt thiên tử nhà Chu, sai khiến các chư hầu khác. Nhà Chu trên danh nghĩa vẫn là Thiên tử nhưng càng ngày càng yếu, chỉ ngồi làm bù nhìn mà thôi. Hơn 1000 chư hầu đánh giết lẫn nhau mấy trăm năm, cuối cùng chỉ còn lại 6 nước, sử gọi là “Lục quốc phân tranh”, trong đó Tần mạnh nhất. Rồi Tần dẹp luôn mấy nước kia, thống nhất nước Tàu, lên ngôi là Tần Thủy Hoàng.

    Trở lại thời Đông Chu Liệt Quốc, một số nhân vật có quyền lực và tài sản, gọi chung là khanh tướng và chư hầu, thường nuôi khách ở trong nhà. Việt Vương Câu Tiễn, Tín Lăng Quân, Bình Nguyên Quân, Mạnh Thường Quân, Lã Bất Vi, Thái tử Đan, Điền Hoành v.v…đều bỏ tiền ra nuôi khách. Có người như Điền Hoành chỉ nuôi 500 tân khách. Có người như Câu Tiễn nuôi 6000 người. Còn trung bình như Mạnh Thường Quân là 3000.

    Cần nhấn mạnh một điều quan trọng: Họ nuôi khách trong nhà không phải vì lòng tốt, không phải để làm từ thiện mà vì mục tiêu lợi ích cá nhân: Tạo thêm vây cánh, kéo bè kết đảng, dùng những người khách này làm mưu sĩ, làm những các loa vận động tuyên truyền, đánh bóng tên tuổi giùm họ và nhất là để được tiếng với đời là “chiêu hiền đãi sĩ”. Thời đó là thời loạn, pháp luật lỏng lẻo, chư hầu đánh giết lẫn nhau, những người ôm chí lớn lại có điều kiện tài chánh và quyền lực, lúc nào cũng cần có một đội ngũ những người trung thành đứng sau lưng mình. Mà người xưa lại rất trọng chữ “nghĩa” nên những tân khách được chủ nuôi dưỡng sẽ sẵn sang cống hiến hết khả năng và đôi khi cả mạng sống cho chủ. Thí dụ Điền Hoành nước Tề có 500 tân khách. Khi nước Tề mất, Hán Cao Tổ Lưu Bang mời Điền Hoành về hợp tác sẽ phong chức lớn. Điền Hoành không nỡ thờ chúa mới nên đâm cổ tự tử. Lập tức 500 người khách cùng đâm cổ chết theo! Sử gọi 500 người ấy là những “nghĩa sĩ” chết theo Điền Hoành.

    Thái tử Đan của nước Yên cũng vậy. Ông thấy nước Tần mạnh quá, không nước láng giềng nào chống nổi. Tần Chính vương (tức là Tần Thủy Hoàng sau này) là người nuôi đầy tham vọng, muốn thôn tính hết các nước chung quanh, giống như Tập Cận Bình bây giờ! Thái tử Đan thấy chỉ còn cách ám sát vua Tần là thượng sách. Nếu giết được vua Tần thì nước Tần sẽ loạn và các chư hầu sẽ nhân dịp này vùng lên đòi lại đất đã bị Tần chiếm. Khách của thái tử là Điền Quang, tiến cử Kinh Kha đảm nhận công việc sát thủ. Thái tử mừng lắm mới dặn Điền Quang:

    – Việc này chỉ có mình tiên sinh biết mà thôi. Xin đừng tiết lộ với ai!

    Điền Quang gật đầu lui ra gặp Kinh Kha để kể cho Kinh Kha biết là ông đã giới thiệu Kinh Kha cho thái tử. Rồi Điền Quang nói:

    – Thái tử dặn tôi giữ kín. Dặn như thế tức là đã có ý nghi ngờ tôi sẽ làm lộ chuyện. Như vậy chỉ còn cách tôi chết đi để thái tử an lòng!

    Dứt lời rút gươm đâm cổ chết!

    Vì ngày xưa có câu “người quân tử chết vì tri kỷ”, cho nên những người tự coi mình là kẻ sĩ rất dễ bị lợi dụng, đôi khi chết một cách không cần thiết!

    Những người như Bình Nguyên Quân, Tín Lăng Quân, Lã Bất Vi, Điền Hoành v.v… thường kén chọn tân khách khi đón vào nhà. Tiêu chuẩn căn bản phải là kẻ sĩ tức là những người có học nhằm bàn mưu tính kế cho mình. Công tử Thắng nước Triệu, tức Bình Nguyên Quân, nuôi cả ngàn tân khách, trong đó có một người què, chân đi cà nhắc rất khó khăn. Một hôm ông ta từ trên thềm bước xuống sân bị trượt chân té. Trên lầu căn nhà đối diện là nơi ở của những mỹ nữ hầu thiếp (vợ bé) của Bình Nguyên Quân. Một người hầu thiếp yêu quí của Bình Nguyên Quân nhìn thấy ông què trượt chân, vô tình bật cười. Ông này đứng dậy, trông thấy cô gái cười, bất bình chạy đi báo với Bình Nguyên Quân:

    – Mỹ nhân của ngài cười tôi! Xin ngài trị tội!

    Bình Nguyên Quân vội vàng xin lỗi và hứa sẽ trách phạt cô gái. Nhưng dĩ nhiên Bình Nguyên Quân chẳng làm gì bởi đó là người mỹ nữ ông yêu quí, chả lẽ lại trách mắng chỉ vì một ông què!

    Một tháng sau, ông què bỏ đi rồi tân khách lũ lượt bỏ đi theo. Bình Nguyên Quân lấy làm lạ hỏi thăm thì có người nói:

    – Hầu thiếp của ngài dám cười kẻ sĩ. Ngài không giết cô gái ấy tức là ngài trọng mỹ nhân hơn kẻ sĩ, nên mọi người bỏ đi!

    Bình Nguyên Quân vội chạy đi tìm ông kẻ sĩ què rồi lôi cô vợ bé ra đâm chết để tạ lỗi! Các tân khách đã bỏ đi, giờ được tin Bình Nguyên Quân giết mỹ nhân, vội ùn ùn quay trở lại ăn nhậu tiếp và đồng thanh ca ngợi Bình Nguyên Quân là người biết trọng kẻ sĩ và coi thường nữ sắc!

    Thái tử Đan cũng vậy. Ông đãi tiệc Kinh Kha trước khi tiễn người đi làm thích khách giết vua Tần. Thái tử có người hầu thiếp cực đẹp lại đàn giỏi. Biết Kinh Kha mê âm nhạc, thái tử gọi cô ra đánh đàn cho Kinh Kha nghe. Kinh Kha buột miệng khen: Đôi bàn tay đẹp quá!

    Lập tức Thái tử chặt hai bàn tay cô gái, đặt trong đĩa ngọc để tặng Kinh Kha! Bởi vì người đẹp thì dễ tìm, dũng sĩ mới khó kiếm! Vả lại, người quân tử phải biết coi thường mỹ nhân!

    Trong khi đa số các đại gia đều chỉ nuôi kẻ sĩ thì Mạnh Thường Quân là người duy nhất đón vào nhà mình 3000 khách gồm đủ thượng vàng hạ cám kể cả những đứa du thủ du thực đầu trộm đuôi cướp. Chủ đích của Mạnh Thường Quân là loại người nào cũng có lúc ông phải dùng đến.

    Về sau, thi sĩ Tô Đông Pha viết sách “Đông Pha Chí Lâm” cực lực phản đối việc nuôi kẻ sĩ trong nhà. Nuôi kẻ sĩ tức là giới trí thức làm môn khách, Tô Đông Pha còn không chấp nhận, thì nói gì đến việc nuôi cả du đãng như Mạnh Thường Quân! Ông viết: “Khanh tướng chư hầu tranh nhau nuôi kẻ sĩ. Nhìn qua sử sách thì thấy cái đám ấy đông hơn cả quan lại. Đó đều là bọn gian tà làm hại nước hại dân, dân làm sao nuôi nổi mà nước làm sao chịu được”!

    Đúng như thế! Làm quan làm tướng của triều đình mà ngày ngày nuôi mấy ngàn miệng ăn thì tất nhiên phải tham ô nhũng lạm chứ tài sản riêng ở đâu ra mà chu cấp cho đủ! Huống chi để nuôi 3000 người trong nhà thì còn phải thuê thêm bao nhiêu gia nhân nấu nướng, giặt giũ và dọn dẹp!” Tô Đông Pha nhận xét thật chí lý, nhưng vào thời chiến quốc người ta chỉ khen chứ không ai chê việc này. Họ coi đó là “chiêu hiền đãi sĩ”, tác phong đáng quí của người quân tử.

    Mạnh Thường Quân tên thật là Điền Văn. Họ Điền là gia tộc lớn nhất ở nước Tề. Điền Văn là con của Điền Anh, tướng quốc (thủ tướng) nước Tề. Đàn ông bình thường ngày xưa còn lấy nhiều vợ, huống chi làm tới tướng quốc. Điền Anh có đến 40 con trai. Điền Văn chỉ là con của một người tì thiếp tầm thường, lại sinh đúng ngày mùng 5 tháng 5. Điền Anh gay gắt bảo người tì thiếp:

    – Ngày 5 tháng 5 là ngày hung! Nuôi thằng này sẽ tán gia bại sản. Một là giết đi, hai là đem cho người khác, ta không muốn để nó một ngày nào trong nhà ta!

    Mẹ nào nỡ giết con! Người tì thiếp giấu kín Điền Văn đến năm 5 tuổi mới dẫn con lại thú thật với Điền Anh. Điền Anh đùng đùng nổi giận nhưng thằng bé 5 tuổi, vập đầu thưa:

    – Vì cớ gì cha nỡ bỏ con?

    Chẳng biết nghe lời thầy bói nào xúi, tướng quốc Điền Anh mắng:

    – Mày ra đời vào ngày hung. Lớn lên sẽ cao lêu khêu bằng cái cổng, chỉ tổ bất lợi cho cha mẹ!
    Điền Văn đáp:

    – Người ta sinh ra thụ mệnh ở trời. Nếu con có cao bằng cái cổng thì phụ thân chỉ việc xây cái cổng cao hơn con chứ sao lại định giết con!


    Điền Anh không biết nói sao, lại thấy con mình tuy mới 5 tuổi mà đã biết đối đáp nhanh nhẹn như thế thì chắc không phải là đứa tầm thường nên đổi giận làm vui và tha cho Điền Văn. Nhà tướng quốc lúc nào cũng đông đảo khách khứa tới lui. Mười tuổi, Điền Văn đã biết thay cha tiếp khách, hầu chuyện người lớn khiến ai cũng khen phục. Điền Anh gạt bỏ hết mấy chục đứa con trai kia, quyết định chọn Điền Văn làm thế tử, cho nối dòng Tiết Công triều đình ban cho ông. Từ đó Điền Văn được gọi là Mạnh Thường Quân. Có điều đáng nói là trái hẳn với lời tiên đoán của thầy bói, Điền Văn chẳng những không “cao bằng cái cửa”, mà trái lại, ông thuộc loại nhỏ nhắn, thấp hơn mức trung bình của đàn ông.

    Rồi tướng quốc Điền Anh qua đời, Mạnh Thường Quân thừa kế sự nghiệp, xây từng dãy nhà lớn đón tân khách 3000 người về nuôi, bất kể sang hèn.

    Một hôm trong bữa ăn tối, vì đèn không đủ sáng, có người khách ngồi ăn chung bàn với Mạnh Thường Quân bỗng buông đũa bát đứng dậy đòi bỏ đi. Mạnh Thường Quân ngạc nhiên hỏi nguyên cớ:

    – Tiên sinh có điều gì buồn phiền?

    Người ấy nói:

    – Ngài tuy ngồi chung mâm với tôi nhưng ngài ăn cơm gạo trắng, còn tôi ăn gạo hẩm. Như thế mà gọi là hiếu khách sao? Ngài cố tình thắp đèn mờ, tưởng tôi không thấy hay sao?

    Mạnh Thường Quân vội sai người đốt đuốc thật sáng lên rồi đưa bát cơm của mình cho người kia ăn thì quả thật là cùng một loại gạo như nhau. Người khách tạ lỗi và cảm động nói:

    – Tôi nghi ngờ ngài như thế quả thật là đáng tội. Tôi còn mặt mũi nào nhìn ngài nữa!
    Dứt lời đâm cổ tự tử chết ngay tại chỗ!

    Mạnh Thường Quân ôm xác khóc mãi không thôi!

    Từ đó tiếng tăm cùa Mạnh Thường Quân càng nổi như cồn, thiên hạ theo về càng đông. Bản thân ông không phải người có mưu lược xuất chúng, nhưng ông gần gũi môn khách, lại có tài thuyết phục và nhất là ông biết nghe lời các mưu sĩ. Khi làm tướng cầm quân đi đánh giặc cũng như làm tướng quốc ở trong triều, ông luôn luôn có các mưu sĩ bên cạnh và ông biết lắng nghe nên hầu như lúc nào cũng thành công.

    Mỗi lần Mạnh Thường Quân đi đâu thường đem theo đoàn tùy tùng cả ngàn người từ mưu sĩ tới những tay du đãng để tùy việc mà dùng. Vua Tần nghe tiếng Mạnh Thường Quân, muốn mời sang phong làm Tướng Quốc. Xin nhớ, thời ấy là thời Chiến quốc, nghĩa là bao nhiêu tiểu quốc xâu xé lẫn nhau, nước nào có mưu sĩ giỏi thì mới hy vọng làm bá chủ. Những vị quân sư đưa nước Tần lên, đa số đều từ nước khác đến. Họ không được trọng dụng tại đất nhà, hoặc có chuyện bất mãn với nước mình nên bỏ sang Tần và thường được các vua Tần tin dùng.

    Vua Tần ngỏ lời mời, Mạnh Thường Quân không đi không được nhưng mời làm Tướng Quốc thì ông nhất định từ chối. Vua Tần định giết, nhưng nhờ mưu sĩ xúi ông đút lót cho người thiếp yêu của vua Tần là Yên Cơ để nàng khuyên vua tha cho Mạnh Thường Quân. Ông mới thoát nạn trốn về. Khi ra tới Hàm Cốc, cửa quan ở biên giới còn đóng chặt, cả đoàn nôn nóng đứng chờ chỉ sợ vua Tần đổi ý cho lính đuổi theo bắt lại. Bấy giờ đã quá nửa đêm. Lính gác cổng nói: Khi nào gà gáy mới được mở! Chờ một lúc, có người môn khách của Mạnh Thường Quân giả tiếng gà rất giỏi, bèn gáy lên thật to. Tức thì tất cả gà ở những căn nhà chung quanh nghe được liền gáy theo. Lính canh theo thói quen, hễ nghe gà gáy là mở cổng. Phái đoàn Mạnh Thường Quân mừng rỡ chạy lao ra khỏi cửa quán, ngoài lãnh thổ nước Tần!

    Bình Nguyên Quân tức Công tử Thắng ở nước Triệu nghe tin Mạnh Thường Quân từ Tần ghé qua nước mình trên đường về, vội đưa đoàn tùy tùng ra đón rước long trọng. Dân nước Triệu cũng nghe danh Mạnh Thường Quân từ lâu nên ùa ra xem rất đông. Khi Mạnh Thường Quân bước xuống xe, đám đông xầm xì với nhau rồi cùng che miệng cười vì cứ tưởng Mạnh Thường Quân phải là người cao lớn bệ vệ, hóa ra ông nhỏ loắt choắt!

    Đêm hôm ấy, tất cả những người cười Mạnh Thường Quân đều bị giết hết! Bình Nguyên Quân biết đó là môn khách của Mạnh Thường Quân ra tay, nhưng không dám hỏi!

    Truyện Đông Chu Liệt Quốc chỉ kể sơ sài như thế, nhưng cuốn “Lưu Manh Sử” của Lục Đức Dương, trích dẫn đoạn văn trong cuốn “Mạnh Thường Quân Liệt Truyện” viết rõ hơn:

    “Mạnh Thường Quân nghe thấy (dân chúng chê ông loắt choắt) tức giận cùng tân khách giết mấy trăm người, đốt cháy cả huyện rồi bỏ đi”!

    Mạnh Thường Quân cứng cỏi như thế mà lại vướng một chuyện rất cay đắng, là trong đám môn khách thượng vàng hạ cám mà Mạnh Thường Quân nuôi đầy nhà đến nỗi có lúc gần phá sản, có kẻ vô ơn bội nghĩa đã tán tỉnh rồi gian dâm với vợ Mạnh Thường Quân. Chiến Quốc Sách kể:

    “Xá nhân của Mạnh Thường Quân có người gian díu với phu nhân của ông. Có người biết chuyện, nói với Mạnh Thường Quân: Đã là xá nhân của ngài mà dám gian díu với phu nhân là quá bất nghĩa, xin đem giết đi! Mạnh Thường Quân nói: Thấy mặt mà ưa thích, đó cũng là tình người, cái lỗi ấy xin đừng nói ra”!

    Thái độ của Mạnh Thường Quân thật là lạ! Người ta chỉ chê mình nhỏ con mà nổi giận giết cả mấy trăm người và đốt nguyên một huyện. Vậy mà môn khách mình nuôi trong nhà dám tư thông với vợ mình thì lại bảo đó là chuyện thường tình!

    Theo tác giả cuốn Lưu Manh Sử thì chỉ có một cách giải thích là bọn du thủ du thực mà Mạnh Thường Quân nuôi, bấy giờ đã trở thành một lực lượng hung dữ, giống như kiêu binh của chúa Trịnh, khiến chính Mạnh Thường Quân cũng phải kiêng nể không dám trừng trị! Nhưng cũng có thể ông biết kẻ gian dâm với vợ ông là đứa mà ông cần dùng cho những việc khó khăn sau này nên ông không muốn giết! Ông vốn là người có chí lớn, cắn răng hy sinh chuyện đàn bà cũng dễ hiểu thôi! Kinh nghiệm cho ông thấy, chuyến đi qua nước Tần, nếu không có những môn khách thuộc loại đầu trộm đuôi cướp thì có thể ông đã không thoát nạn. Rồi khi ghé qua nước Triệu, nếu môn khách của ông chỉ toàn là kẻ sĩ thư sinh thì làm sao đủ sức giết mấy trăm người đã dám chê ông nhỏ con! Nghe chuyện vợ ngoại tình, ông bảo “Cái lỗi ấy xin đừng nói ra” chỉ là câu nói giả vờ để tỏ ra mình rộng lượng, kỳ thực một người tiếng tăm lừng lẫy như ông lại đang quyền cao chức trọng, làm sao mà nuốt nhục được khi đàn em cả gan gian díu với vợ mình!

    Nước Tề thời ấy rất cường thịnh, lấn át nhiều chư hầu. Tề Mân Vương muốn lật đổ nhà Chu để lên thay. Mạnh Thường Quân can không được lại bị vua Tề cách chức và đuổi đi. Ông sang Ngụy ở nhà công tử Vô Kỵ và giới thiệu Bình Nguyên Quân cho Vô Kỵ. Từ đó ba người rất thân nhau.

    ***


    Những điều chúng ta biết về Mạnh Thường Quân qua các tài liệu để lại, là như thế. Ông không làm từ thiện, không phóng tay giúp đỡ người nghèo hoặc đóng góp gì cho xã hội đương thời. Ông đón người về nuôi hoàn toàn chỉ để cầu lợi cho cá nhân, nghĩa là ông bỏ gạo thóc ra đầu tư chứ không phải cứu đói. Có lẽ chúng ta thường chỉ nghe loáng thoáng là Mạnh Thường Quân lúc nào cũng nuôi 3000 người trong nhà, rồi lầm tưởng rằng ông ta mở cửa đón người nghèo vào cho ăn free, cho nên từ đó, coi ông là người từ tâm hào phóng. Và cũng từ đó hễ ai đóng góp tiền bạc hoặc phẩm vật cho cộng đồng thì được gọi là một “vị Mạnh Thường Quân”! Mà chẳng phải chúng ta chỉ nghe loáng thoáng về ông, cuốn Điển Tích Xưa của Hồng Phương viết rất minh bạch như sau:

    “Mạnh Thường Quân là một điển tích được dùng rất phổ biến trong văn chương, để chỉ việc làm nghĩa cử, giúp đỡ người khác lúc khó khăn mà không vụ lợi”!

    Rõ ràng tác giả khẳng định Mạnh Thường Quân là người chuyên làm charity! Tác giả cắt nghĩa thêm:

    “Mạnh Thường Quân là người nước Tề, vốn giàu có, nhưng tính hiếu khách, trọng người hiền, suốt đời làm chuyện chiêu hiền đãi sĩ, ai bị đói khổ đều đến nhờ Mạnh Thường Quân giúp đỡ và Mạnh Thường Quân không từ chối một ai…”

    Tác giả kết luận:

    “Đời sau, khi nói đến người làm việc nghĩa, giúp đỡ kẻ nguy khốn, đều ví với Mạnh Thường Quân”.

    Nếu chỉ đọc những dòng trên đây, tất nhiên ai cũng tin rằng Mạnh Thường Quân là người có tấm lòng bao la đối với những người cần giúp đỡ. Nhưng tác giả Hồng Phương đã không viết đầy đủ về ông, về cái chủ tâm đích thực của ông khi đón khách vào nhà. Dĩ nhiên ông không làm gì xấu, nhưng ông là một nhà chính trị có tính toán sâu sắc.

    Quan Công là biểu tượng của tín nghĩa thì hoàn toàn đúng. Nhưng Mạnh Thường Quân thì không hẳn là biểu tượng của từ thiện. Cho nên trong các buổi văn nghệ, nếu ban tổ chức nhờ đọc danh sách “Những vị Mạnh Thường Quân”, tôi thường đổi thành “những người đóng góp tài chánh” hoặc “những nhà bảo trợ” thì thấy hợp lý hơn.


    Nguyễn Ngọc Ngạn



    Nguồn:http://vietluan.com.au



              
Trả lời

Quay về “Thời luận - Xã luận - Phiếm luận - Tạp ghi”