“Ca khúc Trung Quốc ở Châu Âu” của Federico Garcia Lorca, do Ngu Yên chuyển ngữ

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5410
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

“Ca khúc Trung Quốc ở Châu Âu” của Federico Garcia Lorca, do Ngu Yên chuyển ngữ

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    “Ca khúc Trung Quốc ở Châu Âu”
    của Federico Garcia Lorca,
    do Ngu Yên chuyển ngữ




    Cuối tuần, dọn dẹp giấy viết, bất ngờ bắt gặp bài thơ cũ, thấy vui vui. Nhân mấy tuần trước, có anh bạn mới trên FB nói rằng, thơ mà không buồn thì không hay. Tôi không đồng ý. Cái hay không nhất thiết nằm trong cái buồn. Dẫu biết thơ buồn dễ chạnh lòng người, khiến dễ đồng cảm, nhưng cái buồn vẫn khác cái hay. Khác xa là đằng khác. Nhân đó, có hứa với bạn FB sẽ post một bài thơ hay nhưng không buồn cho mọi người đọc. Đó là bài “Ca khúc Trung Quốc ở Châu Âu” của Federico Garcia Lorca, do Ngu Yên chuyển ngữ từ bản tiếng Anh dịch bởi Alan S. Trueblood. Tôi copy và để dành từ năm 2013.

    Trước khi post thơ, xin nói sơ qua về nhà thơ Ngu Yên, và cảm ơn ông đã giới thiệu bài này qua Việt Ngữ.

    Tôi không quen với Ngu Yên, chỉ gặp ông trong buổi họp bạn ở nhà ông Tô Thùy Yên năm ngoái 2016.

    Ông là người đến muộn nhất, và về cũng sớm nhất. Nhà thơ đến rồi đi như một cơn gió. Ào một cái, rồi qua. Cặp vợ chồng Ngu Yên giống như một cặp du ca, rày đây mai đó. Chồng đàn, vợ hát. Sân khấu là cái thùng nhựa đựng đá ở nhà ông Tô Thùy Yên.

    Bây giờ tôi không còn nhớ rõ mặt Ngu Yên nữa. Chỉ nhớ loáng thoáng ông cao, gầy, hơi xấu trai, dáng người khắc khổ, quần áo bạc thếch, tuềnh toàng. Nếu đội thêm cái mũ chóp tre, đeo kiếm tréo sau lưng thì tôi có thể nhầm với nhân vật Hiệp Khách Hành nào đó của Kim Dung là cái chắc.

    Đàn ông được giới thiệu qua mắt một người phụ nữ thì oan quá. Thôi thì để ông tự giới thiệu mình vậy. Lời tự họa này tuy mượn hình thức văn xuôi, nhưng tự thân là một bài thơ “tự chụp” rất rõ nét.

    “Ngu Yên là hai tĩnh từ, Ngu như ngu dại, Yên như yên bình, nghĩa là ngụp lặn phù sinh, ngu cho trí óc tâm hồn yên vui. Ngu không có nghĩa là đui, yên không có nghĩa buông xuôi cuộc đời.

    Ngu Yên nối một danh từ. Nguyên là kết cuộc cũng như khởi đầu, trộn nhào qua cuộc bể dâu, xác tuy sứt mẻ hồn hầu như nguyên, nghĩa là bám chặt nhịp tim, đến giờ hấp hối điềm nhiên nụ cười.

    Ngu Yên không giống động từ, bởi vì linh hoạt giống như im lìm, mới nhìn tưởng ngủ lim dim, nhưng trong thức mộng nỗi niềm xôn xao. Có người giận hỏi tại sao? Thưa, đang theo dõi chiêm bao tuyệt vời.

    Nếu người nào tưởng nói chơi, kề tai ngực hắn nói lời thật tâm, nhưng xin báo trước đừng lầm, thơ theo ngôn ngữ tâm thần ngoài thơ. Nói ra không phải giả vờ, chính ta đây cũng nghi ngờ Ngu Yên.”


    Xin nhắc câu, “trộn nhào qua cuộc bể dâu”, chữ của nguyên bản là “trộn nhào” mà không phải là “lộn nhào” đâu ạ. “Lộn nhào” là thụ động, còn “trộn nhào” là chủ động.

    Ca khúc Trung Quốc ở Âu Châu

    Federico Garcia Lorca (Nguyên tác: Canción china en Europa)
    Ngu Yên chuyển ngữ từ bản tiếng Anh Song of China in Europe dịch bởi Alan S. Trueblood
    • Trích từ Thuviensangtao của nhà thơ Bắc Phong

      Thiếu nữ
      cầm quạt
      qua cầu
      dòng sông vẫn chảy một màu nước sông.

      Áo tây dài
      đám đàn ông
      nhìn theo thiếu nữ sang sông qua cầu
      tròng trành không chỗ vịn nào.
      Thiếu nữ
      cầm quạt
      tìm chồng
      Váy ren trang điểm má hồng về đâu.

      Đám đàn ông đã từ lâu / sánh đôi
      phụ nữ
      chân cao tóc vàng
      chuyện trò ngôn ngữ tây bang.

      Những con dế gáy rộn ràng
      tây phương.

      (Nàng qua
      sân cỏ tìm thương).

      Bầy dế vẫn gáy bình thường
      dưới hoa.

      (Đám đàn ông bỏ đi xa / bắc phương
      quên kẻ vừa qua đoạn cầu).
    • Song of China in Europe

      The young lady
      with the fan
      is taking the bridge
      across the river.

      The gentlemen
      in frock coats
      are looking at the bridge
      with no railings.

      The young lady
      with the fan
      and the flounces
      seeks a husband.

      The gentlemen
      are married
      to tall blondes
      of white speech.

      Westward
      crickets chirp.

      (The young lady
      walks the green).

      Crickets chirp
      under flowers

      (Northward
      the gentlemen go).
    Cái khéo của Ngu Yên trong bài để cho người hiểu cái từ “tìm” trong bài khác với chữ “kiếm” đấy nhé. Cô nàng tìm thương, không phải đi kiếm ông chồng đi lạc đâu đây. Bởi vì “tìm chồng” câu trên, “tìm thương” câu dưới, xác định nàng có ý đi tìm “một nửa” của mình.

    Mà tìm ở đâu? Ở Châu Âu. Một địa bàn xa lạ. Không phải là xứ Á Châu nào.

    Không thèm nhờ mai mối như tục lệ Trung Quốc, không nhờ Facebook hay các trang mạng xã hội, nàng tự mình tìm lấy. Rất can đảm. Bái phục.
    • “thiếu nữ, cầm quạt, qua cầu”

      “thiếu nữ, cầm quạt, tìm chồng”
    Cái quạt này được nhắc tới hai lần cơ. Nhấn mạnh nó là đồ trang sức của tiểu thơ quý phái, không phải hạng dân dã tầm thường đâu đấy.

    “Váy ren trang điểm má hồng về đâu?” Nàng diện rất kỹ.

    Lại còn “tròng trành không chỗ vin nào” diễn tả dáng đi như liễu.

    Điệu đà quá thể, hệt như câu “Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu”

    Tự chiêu hàng như thế thì quân tử Tàu hay quân tử Tây cũng phải xốn xang thôi,
    • “Áo tây dài
      đám đàn ông
      nhìn theo thiếu nữ sang sông qua cầu”
    Không những nhìn bằng mắt, mà còn bình bằng lời nữa chứ,

    “chuyện trò ngôn ngữ tây bang.

    Những con dế gáy rộn ràng tây phương”

    Ôi, Nàng mới dễ thương làm sao!

    (Nàng qua
    sân cỏ tìm thương).

    Bầy dế vẫn gáy bình thường
    dưới hoa.


    Vậy mà, sau khi nhìn ngó, bàn tán đã đời rồi,… Ai dè,

    “(Đám đàn ông bỏ đi xa / bắc phương
    quên kẻ vừa qua đoạn cầu).”

    Bài thơ kết thúc bằng hai chữ, “Nothing happened”



    LIA MỘT ĐƯỜNG THƠ

    Cách đây ít hôm, tôi có đọc một đoạn trên Facebook như vầy, “Giới văn nghệ sĩ sáng tác lúc nào cũng lớn tiếng kêu gào hai chữ tự do. Tự do sáng tác, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do chỉ trích,… Nhưng khi phê bình thì họ độc đoán vô cùng. Nhất là thơ.”

    Chê tranh xấu, họa sĩ cười. Chê văn dở, nhà văn cũng cười. Nhưng phê thơ dở, coi chừng đấy.

    Vợ chồng mà chê thơ nhau cũng không chấp nhận được, nữa là.

    Giỡn mặt với súng đạn, gươm giáo bất quá chỉ chết một lần. Nhưng giỡn với thơ, thi sĩ vung vút, lia một đường thơ, bạn thơ chết chắc. Mỗi khi câu thơ vang lên, bạn thơ lại chết một lần nữa. Cứ chết đi, chết lại nhiều lần như thế kể cả sau khi chính bạn đã qua đời. Bằng chứng ư? Tố Hữu là một ví dụ hết sức cụ thể

    Nhà thơ thù dai hơn… các “nhà” khác chăng?

    Không hẳn.

    Bởi vì về bản chất, “thi ca vốn là tiếng than của nhân loại”. Kể cả những bài thơ vui, ít nhiều cũng ẩn chứa những nỗi buồn của con người. Bài “Ca khúc Trung Quốc ở Âu Châu” là một ví dụ điển hình.

    Khi đăng bài này trên Facebook, tôi chỉ giới thiệu theo nghĩa đen. Hai ngày đăng bài, không ai lên tiếng về sự thiếu sót ý chính. Người ta sợ phê bình đấy nhé. Giới thiệu vui vui làm người ta cười. Có người thấy lạ, có người nín thở, có người phát hoảng vì tiếng chửi cuối bài. Mặc dù tiếng chửi đó chỉ đễ diễn tả sự thất vọng, ngỡ ngàng đến cực điểm của cô gái. Nhưng đằng sau tiếng chửi, đằng sau nụ cười, bài thơ chỉ ra cái hố sâu ngăn cách hai nền văn hóa Đông Tây. Sắc như thế. Tình như thế. Vậy mà vẫn không nối được nhịp cầu duyên kiếp.

    Cái tài hoa của tác giả lẫn dịch giả đã khéo léo ngụy trang cái hố ngăn cách đó bằng những lời lẽ nhẹ nhàng, thơ như tranh họa. Nhất là khi đọc bằng nguyên bản vẫn không sao thấm cho bằng ngôn ngữ của Ngu Yên.


    June 12/2017

    Nguyễn Thị Thảo An



    Nguồn:https://vandoanviet.blogspot.com.au

              
Trả lời

Quay về “Thời luận - Xã luận - Phiếm luận - Tạp ghi”