Phan

Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Phan

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Buổi chiều cuộc đời…
    _________________________
    Phan - 21/06/2016



    Hôm qua đi làm ra, tôi vội đến một nhà hàng trong thành phố để gặp gỡ hai người bạn. Lý do gặp nhau, càng nghĩ lòng càng buồn vì anh em không có thời giờ để thăm nhau, chỉ khi có chuyện làm ăn thì ai cũng biết cần gặp ai là đúng người!

    Cảm ơn hai người bạn đã dành cho tôi quá nhiều quyền hạn và quyền lợi trong hợp tác. Nhưng điều tôi cần hơn hai thứ ấy để khỏa lấp sự hụt hẫng trong tôi là tình bạn với nhau. Một người vai anh đã thành công, thất bại đủ rồi, nhưng vẫn không có thời gian cho bạn bè vì những kế hoạch làm ăn của anh ngày càng lớn hơn nên anh cũng ngày càng bận rộn hơn; một người vai em thì dường như có quyền (không ai chối cãi được) là còn trẻ mà không lo làm ăn thì không lẽ đợi già, rồi ngồi đó ngó! Vậy cái người quay qua bên phải thì xưng em nhưng quay qua bên trái thì xưng anh, chỉ có cõi lòng chơi vơi trong tôi hiểu được.

    Cuộc chia tay đượm buồn vì đã lâu không gặp và lần gặp sau rất vô thời hạn hơn cả lần gặp trước tới nay bởi tôi đã từ chối một hợp tác mà tôi được dành cho quá nhiều những điều không cần thiết đối với tôi nữa! Chả phải tôi đã giàu có đến cóc cần làm ăn, nhất là một chuyện làm ăn khả thi và phần mình lại được nhiều ưu đãi. Nhưng ngay trong khi còn ngồi đối mặt với anh em, đầu óc vẫn sáng suốt đưa ra những con số tính nhẩm một cách mau mắn, chính xác để minh họa cho những điều tôi trình bày; chỉ có điều tôi mới biết là suy nghĩ không chỉ xuất phát từ đầu óc mà suy nghĩ đôi khi hình thành ở trong lòng, những suy tư tình cảm thường không mau mắn, chính xác như những con số bởi nó chỉ là những cảm xúc…

    Cuộc chia tay đượm buồn với người bạn trẻ bận đi tìm người khác để hợp tác nên không thể đi nhậu chung được với nhau. Người anh đưa tôi về nhà vì anh em đã lâu không gặp. Cuộc hội ngộ của những người sống trong thời đại thừa mứa tiện nghi nhưng ốc đảo tâm hồn nên cũng chẳng có gì vui. Anh em chỉ có cái không đáng giữ thì ai cũng khư khư như của gia bảo của tình bạn là thời gian quen biết nhau. Thời gian ấy sẽ lâu dài hơn nữa vào năm sau, năm sau nữa. Nhưng tình bạn có gần gũi hơn được tí nào không thì không ai nghĩ tới cả.

    Dòng sống cuốn phăng đi những giá trị thật của đời sống, nhưng bản năng sinh tồn làm cho con người thích nghi tới mức bây giờ cái gì ảo mới là thật. Hai người bạn cụng ly chúc mừng tình anh em của chúng ta đã quá nửa đời người, nhưng chẳng ai tin là trong thời gian từ trẻ tới già quen biết ấy, hai người chỉ là bạn một đôi lần, trong những khoảnh khắc ngắn ngủi của thời gian đồng thuận với nhau về một điều nhỏ nhoi nào đó trong cuộc sống.

    Có lẽ lần tạm biệt người đàn anh của tôi trong trường trung học xa xưa ở Sài gòn lần này là lần thật sự chia tay với mấy mươi năm cứ lầm tưởng tình bạn là thời gian quen biết. Hai phạm trù khác biệt bởi thời gian là thời gian, cái có trước cả vũ trụ và bất biến ở tương lai, trong khi tình bạn là cảm xúc, không có tính thời gian.

    Buổi chiều cuộc đời vương vấn trong lòng tôi tới sáng. Vì từ chối cơ hội lần này là vĩnh viễn không có cơ hội nào khác nữa cho công việc ưa thích của mình. Nhưng làm đến bao giờ đây, làm để làm gì khi quyền hạn và quyền lợi đã hết sức quyến rũ.





    Một ngày mới uể oải đi dự lễ ra trường của thằng con nhỏ trong nhà. Những gương mặt xưa cũ của bạn bè ẩn hiện qua giọt nước mắt chia tay của cô bé học trò bé bỏng kia; vài cọng râu lún phún trên gương mặt chú nhóc nọ nhìn rất buồn cười… Giọt nước mắt sẽ khô nhanh khi cô bé bước vào ngã rẽ mới của cuộc đời, vài cọng râu sớm bạc khi chú nhóc không còn được cha mẹ chu cấp nữa mà phải tự bươn chải với dòng đời. Vài chục năm sau, hai người bạn này gặp lại nhau, cái đáng nhớ nhất là cảm xúc của cái ôm từ giã hôm nay thì không ai nhớ mà họ chỉ nhớ được thời gian đã bao lâu không gặp? Họ lại nhầm tưởng tình bạn tỷ lệ thuận với thời gian xa cách; họ lại quên điều quan trọng, đáng nhớ là cảm xúc cái ôm từ giã hôm nay…

    Thằng bé người Việt nhưng cất tiếng khóc chào đời trên nước Mỹ. Cả nhà đều mong muốn được thấy nó trưởng thành ra sao vì nó là người duy nhất trong gia đình có nơi sinh là Mỹ chứ không phải Sài gòn như cha mẹ, anh nó. Thằng bé đã bước qua ngã rẽ đầu tiên trong đời nó, những ngã rẽ tiếp theo sẽ làm cho đời nó tươi sáng hơn, hay mù mịt hơn rất quan trọng. Chỉ đáng tiếc là cha mẹ không còn nữa để chứng kiến những thành tựu nó đạt được trong đời, và chia sẻ cả những vấp ngã của bản thân nó. Rồi có lẽ nó cũng chỉ nhớ loáng thoáng về hôm nay đôi lần trong đời người…





    Buổi chiều cuộc đời trong căn nhà vắng vì vợ con còn tiếp tục tiệc tùng ở những nơi khác. Tôi đã thấy một ngày khác hết những ngày tôi từng sống trên thế gian này. Thằng con lớn ngồi uống chai bia trong bữa ăn chúc mừng em nó ra trường. Lần đầu tiên tôi thấy con tôi uống bia… nên tôi uống nước ngọt.

    Buổi chiều cuộc đời ra sân sau vắng, ngồi nhìn con sóc lém lỉnh trèo lên cây táo. Những trái táo may mắn còn sót lại sau hai trận mưa đá tơi bời. Con sóc cô đơn gậm nhấm nỗi buồn chứ không phải ăn. Mấy con thỏ dưới gốc cây mới ăn táo thật sự vì chúng đều hướng mắt lên con sóc trên cành với hết hy vọng.






    Quyển sách trên tay tôi đang đọc cũng nói về điều này. Một người hay mơ mộng. Vì mơ mộng nên anh ta dễ dàng đến được những nơi anh ta muốn đến. Một hôm anh đến âm phủ. Diêm vương tiếp đãi ân cần, đưa đi thăm thú âm ty địa ngục của Diêm vương. Anh khách lạ nghe tiếng người ồn ào, rồi cãi nhau to tiếng… thì ra là một bữa ăn dưới địa ngục. Lạ. Cái bàn ăn quá lớn đến nỗi dùng tay không thì không ai bốc được tới thức ăn đều để ở giữa bàn. Nên mỗi người đều phải dùng một cái thìa thật dài thì mới múc được chút đỉnh thức ăn. Nhưng họ lại chẳng thể nào đưa được thức ăn vào miệng vì xoay trở cái thìa quá dài nên không tránh được đụng chạm với những cái thìa dài của nhiều người khác. Cuối cùng chẳng ai ăn được gì, thức ăn trên bàn tuy được múc hết nhưng đều đổ tháo xuống đất. Nguyên nhân của ồn ào và cãi nhau to tiếng là thế! Cuộc đời cũng là cái bàn ăn lớn đến ai cũng phải xài thìa dài. Nhưng chỉ múc được thôi!

    Người khách lạ chào từ giã Diêm vương. Người mơ mộng lang thang vô định – lại tới cửa thiên đường. Nơi không có ai canh gác ngoài cổng, bên trong cũng không người. Nơi yên vắng đến chết được vì buồn chán. Chỉ mỗi cái phòng ăn trên thiên đàng có hấp lực vì nó giống y chang cái bàn ăn dưới địa ngục là quá lớn và những chiếc thìa dài quá cỡ…

    Người khách không mời mà đến buồn bã cho thiên đàng chả khác gì địa ngục. Anh bằng lòng với cái thế giới cô tịch của riêng anh, vui vì hiểu được con sóc cố gậm nhấm nỗi buồn để trở thành bữa ăn ngon miệng cho mấy con thỏ.

    Nhưng bỗng có tiếng những bước chân, rồi nhiều vị thần tiên từ nhiều lối đi trên thiên đàng cùng tụ về phòng ăn. Lạ. Trên thiên đàng cũng cái bàn ăn quá lớn và những cái thìa quá dài, nhưng không có thức ăn vương vãi xuống đất, mọi người vui vẻ ăn chung, nói cười, trò chuyện với nhau trong bữa ăn. Họ ăn được hết thức ăn trên bàn lớn bằng những cái thìa dài vì người này múc thức ăn cho người khác!





    Hóa ra thiên đàng là ở đây. Anh mơ mộng là người đầu tiên trong nhân loại đã tới thiên đàng vì đang sống chung với con sóc hái trái cho thỏ ăn… Nhưng không ở đâu có đối xử tệ hại như ở đời nên người mơ mộng liền bị đẩy xuống địa ngục bởi anh ta gấp sách lại như khép lại một buổi chiều trong cuộc đời lê thê mơ mộng bằng tiếng vỡ ly miểng chứ có cuốn sách nào trên tay đâu, chữ nghĩa trong ly văng tung toé làm con sóc hoảng sợ, chuyền cành tẩu thoát, mấy con thỏ ngây ngô chở thất vọng về rừng…

    Bóng tối phủ trùm lên thiên đàng… thành địa ngục.



    Phan
    nguồn: thoibao.com
Hình đại diện
nắng thủy tinh
Bài viết: 3530
Ngày tham gia: Thứ sáu 15/05/15 06:14

Re: Phan

Bài viết bởi nắng thủy tinh »

Ông Phan này có thời gian Nắng cũng thích đọc bài ông ấy lắm anh Hoàng Vân, hong nhớ ông ta bắt đầu viết cho TB bao lâu nhưng chắc khoảng 10 năm trở lại đây, tờ TB khổ lớn sau này bán từ 2 lên 3 tì nên đã lâu Nắng hong mua báo nữa, mà thời gian đọc trên net cũng không đủ nên giờ đâu mà đọc báo.
Ông ta viết nhiều bài hay lắm. Cám ơn anh Hoàng Vân mang về :kssflwr:
Hình đại diện
Vịnh Nghi
Bài viết: 1224
Ngày tham gia: Thứ năm 14/05/15 20:59

Re: Phan

Bài viết bởi Vịnh Nghi »

Buổi chiều cuộc đời…
_________________________
Phan - 21/06/2016

..... Thời gian ấy sẽ lâu dài hơn nữa vào năm sau, năm sau nữa. Nhưng tình bạn có gần gũi hơn được tí nào không thì không ai nghĩ tới cả.

Dòng sống cuốn phăng đi những giá trị thật của đời sống, nhưng bản năng sinh tồn làm cho con người thích nghi tới mức bây giờ cái gì ảo mới là thật....


Nghi kết nhất hai câu này. :allright2:

Bóng tối phủ trùm lên thiên đàng… thành địa ngục.


Bóng tối phủ trùm lên thiên đàng (tâm hồn)....thành địa ngục. Nặng nề cảm xúc nên tác giả giam mình trong 'ốc đảo tâm hồn', nhìn 'buổi chiều cuộc đời' quá ảm đạm, đến quên hết mọi cái vô hình & hữu hình, sờ mó được & không sờ mó được, vẫn đang hiện hữu rất sống động chung quanh. Cuộc đời càng thú vị (và rất challenge) bởi những trầm mặc biến ảo như có như không này. Nghi nhớ có 1 câu đọc được từ đâu đó rất chí lý, đại khái rằng hễ "tìm sẽ thấy". :yes2:

Đọc bài văn này rồi, cảm xúc từ ý văn cứ lãng đãng như sương, nên Nghi....buộc miệng vớ vẩn vài câu cục mịch thô thiển giúp vui; cũng có những bài viết, đọc rồi cứ nghệch ra mãi bởi vì...hổng thể 'nắm bắt' được cái gì hớt :mrgreen:
Carpe diem
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Phan

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • anh nghĩ là bữa vầy bữa khác .. :giggles: ..
    hôm đó chắc Phan buồn tình chuyện gì, rồi nhìn "chiều" buồn luôn ... nhờ vậy mà Phan có ý viết ra bài .. :D ..
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Phan

Bài viết bởi Hoàng Vân »

nắng thủy tinh đã viết:Ông Phan này có thời gian Nắng cũng thích đọc bài ông ấy lắm anh Hoàng Vân, hong nhớ ông ta bắt đầu viết cho TB bao lâu nhưng chắc khoảng 10 năm trở lại đây, tờ TB khổ lớn sau này bán từ 2 lên 3 tì nên đã lâu Nắng hong mua báo nữa, mà thời gian đọc trên net cũng không đủ nên giờ đâu mà đọc báo.
Ông ta viết nhiều bài hay lắm. Cám ơn anh Hoàng Vân mang về :kssflwr:
  • yeah .. Ô. Phan viết hay, nhưng mỗi lần thấy "Góc của Phan" anh lại nhớ đến "Góc nhìn Alan Phan" mà buồn .. :sad3: ..
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Phan

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Báu…





    Ông Báu đã làm ở chỗ tôi cả tháng. Biết nhau là người Việt nhưng chỉ chào hỏi qua loa khi chạm mặt chứ chưa có thời giờ nói chuyện nhiều với nhau vì giờ ăn, giờ nghỉ khác nhau. Tôi làm lâu năm nên đã vô chính thức, lên thợ, còn ông mới vô nên còn phụ việc cho thợ để học hỏi từ từ.

    “Công việc ở hãng này nhiều thật, nhưng kiếm một chân thợ để vô chính thức lại không dễ chút nào!” Tôi hối hận mãi khi nói thật với ông như thế trong một lần cúp điện, mọi người đều phải tập trung về phòng ăn. Ông hỏi tôi ở hãng này, ông làm bao lâu thì được cho vô chính thức? Tôi hiểu ngay ý ông là ông cần bảo hiểm sức khỏe để độ thân vì nhìn ông hom hem quá, lại tránh được phạt vạ của ObamaCare với những người không có bảo hiểm sức khoẻ.

    Chính vì hiểu nên tôi nói thật để ông đi tìm việc khác, biết đâu ông gặp may chứ ở đây thì tôi biết quá rồi! Nhưng sao cứ áy náy với lời thật của mình đã làm ông buồn thấy rõ…

    Đến hôm ông dò hỏi tôi có đường ngang ngõ tắt nào để ông có thể vô chính thức sớm được không? Tôi giận lắm vì ông nghĩ tôi là loại người nào mà đi hỏi tôi những chuyện đi ngang về tắt như thế chứ? Tôi giận đến vác gương mặt đưa đám về nhà. Làm vợ tôi lo. Hỏi mãi tôi mới nói cho qua chuyện. Vợ tôi lại thương cảm cho người làm tôi giận mới lạ, “… người khó thì kể sao cho hết. Cho dù người giàu có trút hết của cũng không cứu hết được người khó. Nhưng bố nó có nghĩ, người khó lại giúp người ít khó hơn như mình là thấy họ khó quá, mình lại thấy mình bớt khổ… Thôi thì bố nó giúp ông ấy được gì thì giúp cho người ta với.”

    Ơ! Cái bà nhà tôi ấm ớ thế mà ăn nói ra lý lẽ đấy chứ! Nhưng tôi cũng chỉ bình thường lại được tới mức chào hỏi ông khi gặp. Còn việc hãng thì tôi giữ thân tôi thêm tháng nữa để về hưu non còn chưa biết có giữ nổi không, nói gì tới giúp người khác. Hãng xưởng bây giờ người trẻ, giỏi computer, thông thạo tiếng Anh còn mất việc như cơm bữa thì lớp già như chuông treo chỉ mành.

    Thế mà hôm tôi có việc, phải lên văn phòng để ký giấy tờ chuẩn bị về hưu. Tôi về muộn hơn mọi người chừng nửa tiếng. Nhưng ra bãi đậu xe vắng hoe thì ông Báu vẫn đứng lên ngồi xuống, nhấp nhỏm chờ… Tôi hỏi, “Anh chờ người đón à! Có muốn thì lên xe. Tôi chở về dùm cho?”

    Khi yên vị trong xe rồi anh ta mới nói cảm ơn tôi. Anh ta nói địa chỉ nhà cho tôi bấm GPS mà lái. Tôi lại hoang mang sao anh có nhà ở khu không tệ mà lại không có xe để đi làm. Từ từ tôi nghe ra, anh nhờ một người khác đưa rước anh đi làm, mỗi tuần anh gởi họ ba mươi đồng tiền xăng. Nhưng hôm nay xe họ hư dọc đường nên anh cũng không biết cách nào để về nhà ngoài đi bộ mà anh đã quyết định khởi bước thì gặp tôi.

    Tôi đưa anh đến nhà đã biết ngay là anh ở share phòng vì một căn nhà bình thường thì không thể nhiều xe như thế! Tôi càng khó hiểu khi anh ngồi trong xe tôi, điện thoại của anh cứ reo tới reo lui nhiều lần. Mà lần nào anh cũng nhỏ giọng ra vẻ yêu thương chứ không phải không muốn cho tôi nghe được; lần nào cũng “thưa ba” từng câu. Thưa ba. Thưa ba… xe anh Hiếu hư nên không đón được con… Thưa ba, bạn con đang chở con về; Thưa ba, ba ăn cơm trước đi, đừng để ba đói bụng… Nghe anh “thưa ba” từ bực mình tới tôi thương anh luôn vì tóc anh bạc nhiều hơn cả tôi mà còn lễ phép với cha già như thế thì hiếm đấy!

    Rồi cả nể nên tôi cũng bước xuống xe để vào chào cha anh một cái. Đúng là cha con anh ở share phòng nhà người ta. Hai cha con một căn phòng nhỏ xíu. Cha có tấm nệm đơn ở góc phòng, anh trải tấm comforter gấp đôi làm hai lớp dưới nền gạch chứ trải một lớp sẽ hết lối đi. Nhưng tuyệt đối ngăn nắp và sạch sẽ.

    Bác trai đã ngoài tám mươi, dáng người nhỏ choắt lại tật nguyền, chỉ đôi mắt còn tinh. Bác tự hào giới thiệu nơi ở của hai cha con, tự hào hơn nữa khi mời tôi dùng bữa chiều.

    Tôi qua Mỹ lâu rồi nên quên luôn hình ảnh chiếc bàn ăn tróc lở vẹc-ni, những ghế ngồi không ngại nhiều mũi đinh, ốc vít bắt chằng chịt miễn sao đủ cứng cáp để ngồi là được. Trên bàn ăn vỏn vẹn nồi cơm nhỏ, hai quả trứng luộc chưa giằm nhưng nằm sẵn trong dĩa nước mắm chua ngọt khá hấp dẫn, tỏi ớt đậm đà. Tô nước bắp cải luộc với cà chua, dĩa bắp cải luộc thấy đã muốn ăn vì nghĩ tới độ giòn chín tới của người khéo luộc bắp cải.

    Tôi đang đói lại càng đói với bữa chiều hấp dẫn nên không khách sáo, mời là ăn thôi. Ba chúng tôi ăn sạch sẽ mọi thứ trên bàn. Bác trai vui lắm nên nói luyên thuyên, trò chuyện hơi khó nhưng cố nói vì vui. Bác dọn bàn nhưng không cho tôi hay Báu rửa chén. Cứ, “để đó bác, để đó bác lo… nhà này tuy ở bốn năm người share phòng, nhưng ai cũng thương bác nên chả ai than phiền đâu mà lo.” Bác đi đứng khó nhưng nhanh nhẹn vô phòng, lấy ra chai cognac còn hai phần ba chai, hai cái chung nhỏ (vì không có cái thứ ba). Bác đưa hết ra patio, nơi có bàn ghế sắt để cùng ngồi chơi chiều thu đã về man mác. Bác bảo Báu tiếp tôi đi, bác rửa bát xong sẽ ra…

    Tôi với Báu không thân, không xa, cũng không gần. Nhưng một tiếng “thưa ba” mỗi lời chiều nay của Báu làm tôi quý mến anh. Khi gặp bác trai tôi càng quý mến hơn người cha tật nguyền nhưng hết lòng thương con; tôi quý Báu hơn với đôi đũa chỉ biết gắp cho cha, dù thức ăn đạm bạc. Giờ nghe anh nói càng thấy mình nhỏ nhoi, “Xin lỗi anh nhiều, tôi biết tôi đã làm phiền anh. Mong anh thông cảm cho tôi cần có bảo hiểm sức khỏe vì bệnh của tôi chứ ba tôi có medicare, không phải lo. Tôi chỉ sợ tôi đi trước ba tôi thì ai lo cho ông… Chúng tôi chỉ còn hai cha con.”

    Tôi xin lỗi Báu. Rồi uống tì tì. Uống hoài không hết xấu hổ. Tôi gọi về nhà cho vợ tôi yên tâm. Tôi bảo đưa điện thoại cho con gái út của tôi vì giờ này thì tôi biết cháu đã về nhà, “bố sẽ nhắn tin cho con địa chỉ nhà bạn bố. Con đưa hết những thứ bố đã dặn mẹ đến đây cho bố. Giúp bố nha con gái. Cảm ơn con.”

    Con gái út tôi đưa đến chai rượu của thằng rể – chồng của con gái lớn tôi tặng bố vợ từ năm rồi mà tôi đâu có uống. Nhiều thức nhắm mà vợ tôi gom hết trong tủ lạnh cho tôi. Bác trai cũng vừa rửa chén bát xong. Ba chúng tôi nhậu một bữa đã đời với hai cái chung rượt đuổi mới vui tới bến. Ông già tám ba mà chịu chơi như hồi ba tám. Ông qua hết tình đời nên ráo hoảnh – như kể chuyện vui,

    “… hồi sau hòa bình khổ thấy mồ. Bác làm thợ hồ mà người ta ăn còn không có thì ai xây nhà mà bác có việc để làm. Chút tiền dành dụm được nhờ má tụi nhỏ khéo lo xa thì bả bệnh một cú là vừa đủ chôn cất cho bả luôn. Hết sạch luôn con ơi! Bác đi vác mướn ở bến ghe, bến tàu nuôi con chớ tụi nhỏ chưa đủ lớn làm sao tự sống. Ai dè gặp má thằng Báu, chồng chết tai nạn trong hãng quốc doanh thời đó thì bồi thường không đủ ma chay. Gánh trái cây của bả cũng làm sao nuôi nổi bầy con nhỏ. Rổ rá cạp lại để đói chung cho vui. Bác thương thằng Báu mới mười mấy tuổi đầu mà nó nói với bác, bây giờ ba là ba của con. Con là con của ba. Ba nói sao con làm vậy vì con thấy ba thương má con thiệt tình. Con thương ba lắm!

    Nó còn con nít mà nói nghe đứt ruột. Bác với nó làm như chó như trâu với bên bác sáu đứa con, bên má nó bảy đứa. Hai vợ chồng nữa là mười lăm miệng ăn. Đâu có dễ đâu con trong thời cả nước ăn bo bo. Vậy mà bác với thằng Báu có cách cho tụi nhỏ đi quá giang ghe vượt biên.

    Nhưng gia đình qua hết bên đây là sai lầm. Tụi nhỏ không khổ nên không biết thương người thân. Từng đứa lớn lên là ra đi không về vì tụi nó cần tới những chỗ sang trọng hơn. Tới má thằng Báu còn vô tình trước nhà cao cửa rộng. Bả chết rồi nên bác buồn thôi tại còn thương chứ giận lắm! Bác bị đột quỵ ai mà biết trước. Đi không được, nói không được. Bả tống bác vô nhà dưỡng lão cho chết sớm, cho xong chuyện, để bả còn vui với cháu nội, cháu ngoại, xe hơi, nhà lớn… Một thằng Báu nó không cam lòng, thân nó bệnh hoạn, thất nghiệp triền miên… vậy mà nó vô nhà già lượm bác về để nó lo. Tưởng sao, con vợ nó dắt hai đứa con đi luôn, “ổng đâu có ruột thịt gì với anh đâu mà anh đem về nhà để làm khổ em. Tiền em làm đâu có dễ, em làm cho con em thôi chứ mắc gì tới ổng mà bắt em lo…”


    Vậy đó. Hết đời một già một trẻ lo cho mọi người quên mình nên mình bị quên khi còn sống. Nhờ nó mạnh ý. Nó tập cho bác riết bác mới nói lại được, đi lại được. Giờ nấu được nồi cơm cha con ăn là vui rồi. Thiệt là thằng con không đẻ mà thương. Thỉnh thoảng bác nhờ mấy người ở chung nhà share phòng này mua cho chai rượu. Hôm nào thằng Báu lãnh lương, mua chút thức ăn ngon về nhà thì cha con làm vài chung cho vui.

    Buồn nào cũng cũ quá rồi nên quên đi. Bệnh nào cũng bất trị thì nhớ làm chi cho mệt mình…”


    Tạm biệt bác trai với Báu. Con gái tôi đã đến để đưa bố về. Cháu nghe không hết đầu đuôi câu chuyện nhưng cũng xúc động mà xui bố làm một việc tôi chưa từng làm bao giờ là đi xin xỏ để được hướng dẫn (training) cho chú Báu lên thợ và đứng vào chỗ tôi sau khi tôi về hưu.

    Mong cho anh sớm được vô chính thức để có bảo hiểm sức khoẻ, để còn song hành chặng cuối với người cha dượng tình sâu nghĩa nặng.

    Phan


    Nguồn:http://thoibao.com

              
Hình đại diện
nắng thủy tinh
Bài viết: 3530
Ngày tham gia: Thứ sáu 15/05/15 06:14

Re: Phan

Bài viết bởi nắng thủy tinh »

Cám ơn Bạch Vân mang về, chuyện đọc nghe nhiều xúc cảm tình người. :flwrhrts:
Ở Thời Báo có một cây viết nữ chuyên viết truyện ngắn. Viết dựa theo chuyện đời thật. N. quên mất tên chỉ nhớ tên Bình. Cũng nhiều bài đọc hay lắm BV.
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Phan

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Chúc chị ngủ ngon…




    Nếu Sơn không có cái bớt màu xanh lá cây nơi cổ anh ta thì tôi không thể nào nhận ra một người bạn đã lâu lắm rồi không gặp. Tôi đến chào hỏi anh trong tiệm phở. Nhưng khi đã yên tâm được đúng là “Sơn thẹo” thì tôi mừng gặp lại Sơn hơi cắc cớ: “Sơn ráng nhớ ra xem anh là ai?”

    Sơn chịu thua, nhưng vợ anh ta lại nhận ra tôi – trong khi tôi không nhận ra “con nhỏ quậy” nhất tiệm ngày xưa, không ngờ cuối cùng “quậy” lại gả cho Sơn thẹo.

    Bạn cũ gặp lại thì kể đến bao giờ cho hết chuyện, thăm hỏi không hết những bạn bè đã lâu không gặp. Sơn ngày xưa đen đúa, gầy nhom. Nay trắng trẻo, bụng phệ. Tuyết ngày xưa điệu lắm, nhưng quậy mới đáng nhớ, Tuyết quậy vui nên hết anh chị em trong tiệm đều thích Tuyết, chỉ Sơn thẹo không ưa con nhỏ quậy, thì ra là anh thương Tuyết điệu, Tuyết quậy. Nhưng Tuyết đẹp quá trời, làm sao Sơn với tới, nên Sơn ghét người đẹp để động lòng trời là ghét của nào thì trời trao của nấy!

    Tôi rất vui gặp lại hai người bạn trẻ. Ngày xưa họ còn độc thân, nhưng nay đã có ba đứa con. Thời gian đã nhuộm tóc Sơn thành muối tiêu, vết chân chim đã đậu lại khóe mắt con nhỏ quậy từ nhà trên xuống nhà dưới. Có lẽ trong bạn bè, Tuyết chẳng bao giờ có tên, có tuổi vì trong ký ức mọi người, “con nhỏ quậy” là hằng hà kỷ niệm vui.

    Nhưng tạm biệt Sơn với Tuyết. Tôi rất nhớ chị bạn có nụ cười luôn nở trên môi của chúng tôi. Cả quá khứ hiện về trong tôi những ngày cực khổ ơi là cực khổ, nhưng vui nhiều hơn buồn vì còn trẻ và chưa bon chen…

    Lâu lắm rồi, tôi nhận lời giúp ông bạn đi Việt nam là đến tiệm ông ta để giúp con ông ta một tay. Tôi tưởng chỉ cần có mặt như một người để sai vặt, hay tính tiền khách hàng thì tôi làm được. Ai dè ứ hự với tiệm bán thức ăn nhanh, lại bán đồ biển mới nhiêu khê với quá nhiều công đoạn.

    Cái tiệm bé tí mà khách hàng liên tục gọi điện thoại đặt phần ăn; tiếp theo là hàng xe dài ngoằn nối đuôi nhau đến lấy. Con ông bạn nhưng chỉ thua tôi ít tuổi, anh ta cũng đã có vợ con và đặc biệt là chịu chơi như bố. Đó cũng là lý do tôi ráng giữ lời hứa với bố anh chàng tuổi trẻ tài cao.

    Dạo đó, hãng tôi cũng nhiều việc nên tôi phải dậy 5 giờ sáng để đến hãng 6 giờ. Làm việc hãng tới 5 giờ chiều thì tôi lái luôn tới tiệm bán thức ăn nhanh của ông bạn là gần 6 giờ vì giờ chiều trong trung tâm thành phố thường kẹt xe. Tôi làm việc ở tiệm tới 12 giờ đêm, lái về nhà phải hơn nửa tiếng nên lên giường được sớm lắm cũng 1 giờ đêm, sáng 5 giờ lại phải mò dậy đi làm. Tôi bỏ ý muốn thử sức xem mình chịu được bao lâu nên chỉ trông từng ngày cho hết tháng, trông ông bạn đi Việt nam về để trả việc vì mỗi ngày chỉ ngủ được bốn tiếng. Tôi buồn ngủ suốt ngày, suốt tuần, suốt tháng nhớ đời đó.

    Trong khi trong số những nhân viên của tiệm, tôi phục sát đất một chị phụ nữ, năm đó chị mới ngoài ba mươi, người Cần Thơ. Thời khóa biểu của chị là 11 giờ 30 đêm ở tiệm, chị chào mọi người và xin lỗi không thể ở lại phụ dọn dẹp, vì chị vô ca ở hãng điện tử là 12 giờ đêm. Công việc của chị ở hãng điện tử đến 8 giờ sáng nhưng ngày nào chị cũng làm thêm giờ phụ trội tới 10 giờ, có hôm đến 12 giờ trưa vì công việc thời điện tử cực thịnh có làm hết hơi cũng không hết việc.

    Trong khi tiệm bán thức ăn nhanh mở cửa lúc 12 giờ trưa, mọi người du di với chị có đến trễ nửa tiếng vì lái xe cũng không sao. Điều đáng nể là chị luôn bước vô tiệm với tiếng cười, lời chào hỏi mọi người rôm rả, và bắt tay vô việc ngay tức thì bởi giờ đó là giờ ăn trưa, tiệm đông khách đến nhân viên có muốn đi nhà vệ sinh cũng không đi được. (Tôi nghe kể thôi chứ đâu gặp chị giờ đó). Tới 6 giờ chiều tôi mới gặp chị. Và một ngày như mọi ngày, tôi thấy chị liền tay làm việc như người máy.…

    Rồi tối nào cũng giấc 9 giờ, chồng chị lái chiếc xe van, mang bảng số của người khuyết tật, chở bốn đứa con đến tiệm bán thức ăn nhanh để thăm mẹ. Cảnh líu lo thăm hỏi, hôn hít của mấy mẹ con thật cảm động.

    Anh chồng thì ngồi miết trong xe vì anh bị liệt hai chân nên chúng tôi có rảnh thì lại cửa xe trò chuyện với anh, nhưng anh không thuộc loại người hài hước cho đỡ mệt nên cũng chán phèo.

    Anh chỉ giỏi dỡ cơm cho vợ rất tươm tất, trong giỏ cơm cho chị có cả bộ quần áo sạch. Nghe chị nói, vì anh không đi làm được nên ở nhà trông con, nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ… cho chị đi làm.

    Ngày nào anh cũng dỡ cơm và bỏ vô giỏ đi làm cho vợ bộ quần áo sạch để giờ nghỉ trong hãng thì chị tắm rửa, ăn cơm. Với tôi, thật khó hình dung ra một người phụ nữ giấc về sáng mà đi tắm gội trong hãng, rồi ăn cơm. Đời sống ở Mỹ với tôi không còn xa lạ nhưng cũng không dám hỏi. Chỉ đứng nhìn một gia đình mà người cha lái xe có cái thắng tay vì hai chân anh hoàn toàn không sử dụng được. Người con trai của bạn tôi thấy tôi suy tư, anh ta nói: “Em biết anh đang nghĩ gì!”

    Thật tôi có vơ vẩn, nhưng làm sao dám hỏi chuyện đời tư người khác. Nên chỉ hỏi chị có buồn ngủ không? Chị ấy trả lời: “đã quen.”

    Tôi cũng bán tín bán nghi vì không tin một người không ngủ mà sống được! Rồi trong phần hoài nghi có phần khả tín là thấy chị ấy hoàn toàn mạnh khỏe, thậm chí có phần trẻ trung so với tuổi tác và dù gì cũng đã là mẹ của 4 bé gái xinh xắn, sạch sẽ.…

    Đến hôm tôi thấy trên báo Dallas Morning News đưa tin về một người Việt nam, (mới 28 tuổi). Cô ta tham việc của những hãng điện tử thời đó, làm việc bất kể thời gian để kiếm tiền bảo lãnh gia đình qua Mỹ, (tin trên báo viết vậy thì biết vậy). Nhưng cô ta đã lái xe trên xa lộ 635 – chỗ giao lộ với xa lộ liên bang 35, tin đưa là người lái ngủ gục nên xe lao qua khỏi lan can cầu lúc nửa đêm về sáng, người lái tử vong.

    Tôi cầm luôn tờ báo trong phòng ăn của hãng vì chiều rồi thì ai đọc nữa mà sợ mình kỳ. Tôi có ý chiều nay đi làm tiệm bán thức ăn nhanh thì đưa cho cô Cần Thơ xem để cảnh giác, nhưng suy nghĩ rồi thôi vì mỗi người mỗi hoàn cảnh.…

    Nếu gọi là quan tâm, chia sẻ với đồng hương thì cần hành động giúp đỡ cụ thể hơn là đưa tờ báo khủng bố tinh thần này. Tôi không đưa báo cho chị xem, nhưng thỏa hiệp với Sơn thẹo, Tuyết quậy, và vài anh chị em khác nữa là từ 6 giờ chiều đến 12 giờ đêm. (Chúng tôi đều đồng ý với nhau là chị rất biết điều, thay vì không thể ở tiệm tới 12 giờ đêm để cùng mọi người dọn dẹp thì giấc sau 10 giờ, tiệm đã vãn khách, cánh đàn ông chúng tôi thường ra ngoài sau tiệm uống bia, hút thuốc… thì chị xuống bếp dọn rửa liên tục tới 11 giờ 30, chào mọi người để đi làm.)

    Bây giờ chúng tôi quyết định giúp chị là nói chị ra xe ngủ từ 10 giờ tới 12 giờ khuya, rồi đi làm. Công việc dọn rửa dưới bếp cứ bỏ đó… để con ông chủ tiệm lo.

    Nhìn lại, ai cũng thông cảm cho hoàn cảnh của chị. Phải nói là một thời tối tăm mặt mũi, lúc nào cũng chỉ biết việc làm, làm việc. May mắn là được làm chung với mấy anh chị em tử tế nên công việc cũng bớt nặng nhọc và buồn chán, đỡ dài giờ với những cơn buồn ngủ kéo về mí mắt bất kể sớm tối.

    Rồi hơn 10 năm sau, tôi tình cờ thấy cái xe mang bảng số khuyết tật nên đậu vào ô đậu xe ưu tiên cho người khuyết tật. Có điều người phụ nữ lái xe đã xuống xe nhanh nhẹn, đi như chạy vào chợ, làm tôi hơi chướng mắt. Tôi hoàn toàn không nhìn ra chị bạn luôn có nụ cười trên môi năm xưa. Nhưng nhìn lại chiếc xe, có người đàn ông ngồi trong đó. Chính là người chồng khuyết tật của chị bạn tôi năm xưa. Anh không già đi gương mặt nhưng tóc bạc nhiều. Tôi đến chào anh, nói chuyện thăm hỏi và thật mừng cho mấy đứa con anh vẫn ngoan ngoãn, lễ phép, bọn trẻ lớn bộn rồi. Đến khi chị đi chợ ra, tôi lại chào hỏi chị. Có điều tôi và chị ấy nếu gặp nhau trong chợ thì không nhận ra nhau vì ai cũng đã thay đổi nhiều.

    Chia tay sau lời chúc nhau may mắn, tôi nhớ hoài lời chị hôm ấy là chị đã biết buồn ngủ, thèm ngủ, nhưng phải chừng 5 năm nữa mới được ngủ, khi những đứa con đã khôn lớn, tự sống được. Công việc của chị bấy giờ là làm quản lý một tiệm bán thức ăn nhanh của ông bạn tôi. Ông ấy bấy giờ đã có cả hệ thống tiệm tôm, cá chiên ở nhiều thành phố. Chị làm quản lý để được chia thêm tiền thôi chứ làm việc như cũ. Chị làm tiệm từ 12 giờ trưa tới 12 giờ đêm; làm hãng điện tử từ 12 giờ đêm đến 10 giờ sáng hôm sau. Hai tiếng từ sau khi ra khỏi hãng đến giờ mở cửa tiệm thì lái xe đã hơn nửa tiếng, chị chợp mắt trong xe hơn tiếng đồng hồ mỗi ngày. Nhưng nay phải lo nhân sự trong ngày, chuẩn bị các thứ cho một ngày buôn bán, là công việc của viên quản lý, chị lãnh tiền thêm thì phải làm thêm việc. Chị hết giờ chợp mắt, nhưng chị vui có việc để kiếm thêm tiền cho xấp nhỏ đã lớn, có nhu cầu hơn; chị vui con cái biết nghe lời, học giỏi. Tôi chỉ thấy chị vẫn hiền lành và vui vẻ như xưa, vẫn chưa có thời giờ để ngủ.

    Sau khi chia tay anh chị đã lâu không gặp, tôi ước gì 5 năm thời gian qua mau để chị bạn được ngủ giấc phục sinh vì hôm ấy trông chị đã kiệt lực lắm rồi.

    Nhưng nay chị đã ngủ giấc vĩnh hằng, theo lời Tuyết kể cho tôi nghe trong tiệm phở: “Hồi đó, anh làm có một chút buổi tối, rồi chú Hùng đi Việt nam về là anh nghỉ mất tiêu. Anh đâu biết mấy chuyện đàn bà, ai cũng nói chị Hương dại dột, thân một mình, tiền rủng rỉnh, mà chị Hương đẹp gái nữa chứ! Rồi tự nhiên đi thương người chồng của bạn chị ấy. Anh ta bị tai nạn lao động trong hãng thép, bị liệt hai chân. Người vợ thấy tiền bồi thường nhiều quá nên không thèm đi làm hãng với chị Hương nữa. Ở nhà rảnh mà lại nhiều tiền nên đi sòng bài, cặp bồ nhí, đến hết tiền bồi thường của hãng trả cho anh chồng thì trốn đi luôn, bỏ cho anh liệt 4 đứa con còn nhỏ xíu với nợ nần vô phương trả nổi. Chị Hương ra tay giúp riết rồi không bỏ được vì chị thương mấy đứa nhỏ chứ vợ chồng gì đâu với anh liệt. Chị đi làm quên thở để nuôi cha con anh, nhiều năm không ngủ đến kiệt sức mà chết. Tội nghiệp chị quá!”

    Tôi ngồi nghe Tuyết kể chuyện chị Hương trong tiếng ồn của nhà hàng, nhưng mắt tôi mờ đi cả trời thu lặng lẽ nghĩa trang, người đàn bà hư đốn, bỏ chồng, bỏ con đi cờ bạc, theo trai đang bị những con quạ đen rỉa rói một thây ma vô thừa nhận. Bởi bốn người thiếu nữ tuổi trưởng thành cùng đẩy cái xe lăn mà trên đó là người cha khuyết tật của họ. Năm người họ đến thăm một mộ phần, đặt vòng hoa, đặt lòng biết ơn chân thành xuống nấm mồ người không ngủ – mà hôm nào tôi cũng sẽ đi thăm viếng chị Hương. Chúc chị ngủ ngon.


    Phan


    Nguồn: http://thoibao.com

              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Phan

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           




    Chiều đã lười trải nắng, tôi ngồi bên đây đường, nơi một quán xá dửng dưng ở Việt Nam, nhưng nhìn qua bên kia đường là nhà tôi xưa cũ. Nơi tôi đã mang dấu ấn tuổi thơ suốt cuộc đời. Ở đó không có gì ngoài những nỗi buồn trẻ thơ nhưng khó quên. Ở đó là một con đường đất đỏ dài chừng cây số, chỉ đủ hai chiếc xe đạp ngược chiều không cần giảm tốc độ khi gặp nhau, nhưng xe gắn máy thì đã phải cẩn thận, còn xe hơi thì tôi chưa hề thấy trên con đường thân quen ấy……

    Người chủ quán chiều nay rất tinh ý, dù tôi không nói gì hơn xin cô cho chai bia thì cô cũng nhận ra tôi không phải người ở đây; chẳng qua tôi ở đây khi cô chưa đến đó thôi. Cô thấy tôi ngồi một mình nên thương cảm. Nhưng dù sao tôi cũng cảm ơn cô chủ đã tiếp đãi tôi bằng ngôn ngữ khác hơn ngôn ngữ cô dùng với khách quen của cô.

    Thế là những hớp bia vơi theo chiều, tôi hình dung lại những năm năm mươi, sáu mươi của thế kỷ trước. Cả vùng này hoang vu, ngay ngọn lúa cũng không có mà chỉ toàn cỏ dại, rùa, rắn… Rồi người lớn nói với tôi rằng ông Diệm đốt nhà khu ổ chuột bên Hãng phân, tức khu Cư xá Khánh Hội sau này. Thôi thì chuyện người lớn để lịch sử trả lời vì người lớn của tôi cũng là những người có tuổi còn hiểu biết của họ là chuyện tôi không rành. Nhưng đó lại là lý do tôi biết vùng đất này vì gia đình tôi đã về đây sau vụ cháy nhà lớn bên quận tư, mà mãi khi ra hải ngoại tôi mới đọc được trên vài tài liệu về vụ cháy nhà thời tổng thống Diệm. Nhưng đến năm 1968 thì tôi nhớ rõ tết Mậu Thân. Năm đó, Việt cộng pháo kích dữ. Nhà nào cũng đào hầm và tập cho con nít cách tuột xuống hầm nhanh nhất khi nghe tiếng rocket xé toạc vùng trời bình yên. Có những gia đình khốn khổ hơn gia đình tôi-dù gì cũng đã ổn định là những gia đình dưới miền tây chạy giặc lên ngoại vi Sài gòn lánh nạn. Họ là những gia đình nạn nhân cũng có mà cộng sản nằm vùng cũng nhiều vì sau 1975, nhiều gia đình ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản mới lộ diện, thọ ơn bà con láng giềng giúp đỡ khi họ đến đây nhưng tình cạn nghĩa tuyệt sau biến cố 75. Có cả những gia đình chạy giặc ngoài trung vào sau mùa hè đỏ lửa 1972.

    Chiều tan dần vào phố xá đã lên đèn, có gió sông ngoài kia thổi về mùi hôi tanh của dòng sông tuổi nhỏ trong veo những trưa hè; nhưng nay chỉ còn là con rạch ứ tắc, nước trôi không nổi rác rưởi đời thường do người ta tuôn đổ, chỉ tội những người tìm về bến sông xưa. Không biết bạn bè thuở ấy có ai về lại; ai nghĩ gì khi thấy lại mình trên dòng tức tưởi. Riêng tôi nhớ những cặp cá bống sao rẽ nước mà đi như hai mũi tên đã biệt tăm mất tích. Loài cá luôn đi cặp và nghe nói khi con này chết thì con kia cũng chết buồn. Không biết người yêu của lớp đàn anh tử trận ngày xưa bây giờ ra sao, chỉ thấy bến sông như hiện về cây cầu làm bằng mấy tấm vỉ sắt đáp trực thăng với mớ cột là cây tràm, cây đước. Chiều chiều, các chị gánh nước, giặt đồ, trẻ con bơi lội bì bõm, đàn anh vượt sông sang cù lao như người đi khai phá, những nhà thám hiểm……

    Bên cù lao tranh kia, ông già chăn vịt với chiếc xuồng ba lá đã thành cổ tích những đêm mưa ở một nơi xa mù cố thổ, vẫn có những đứa trẻ đã già thấy được bóng đèn hoài niệm trên bến sông xưa. Ông thắp bóng đèn bão màu đỏ cho trực thăng đừng bắn nhầm vì tưởng ông là Việt cộng, đêm đêm mò về phá rối dân tình. Rồi khúc quanh cùi chõ của con sông là cả một vùng trời bí hiểm với rừng đước bạt ngàn đã bị sức người tàn phá đến cạn kiệt màu xanh của lá. Những đàn chim bay đi để nhường chỗ cho những ngôi nhà mọc lên loang lổ bầu trời, hoen ố không gian thoáng đãng mà nhiều người đã tìm về vô vọng. Cuối tầm mắt tôi là hư vô bên bờ ảo vọng, không có ngày xưa nữa, dù chỉ là giấc ngủ ngồi, ngủ gục dưới gốc cây mãng cầu, dù chỉ là ngồi chơi với bông mướp đực rụng vàng trên mặt đất……

    Ngôi nhà lầu bốn tầng bên kia đường là nhà tôi xưa cũ, căn nhà mênh mông gió vì đồng không mông quạnh. Từ ngoài ngõ vào lót chục miếng đan, đến hàng râm bụt, rồi giậu hoa dài suốt theo mùa rực rỡ những bông hồng, bông trang, bông cúc, bông vạn thọ… đến miếng sân phơi lúa tráng xi măng nên trở thành nơi hội tụ những tiếng hát cây nhà lá vườn một thời đã xa. Bước vào cửa lớn nhà tôi là thấy ngay bàn thờ gia tiên trang nhã, căn phòng khách rộng rãi đến kê được mấy bàn ăn lớn khi nhà có đám giỗ. Bên trái là bộ ván một miếng, không biết từ đâu có miếng ván to lớn đến có thể làm được bộ ván với chỉ một miếng. Thông thường bộ ván ở những nhà hàng xóm được ghép lại từ ba, bốn miếng ván và mỏng chừng gang tay. Trong khi bộ ván nhà tôi chỉ một miếng to lớn và dày đến ba gang tay nên ngay bên dưới gầm bộ ván là hầm trú pháo kích. Bộ ván được kê vô góc nhà, chung quanh tấn bao cát và đào sâu xuống để chứa những giấc mơ tuổi nhỏ, giai thoại tưởng tượng về thần cây cổ thụ đã chết khi người ta xẻ gỗ để làm bộ ván này, máu ông loang ra những vùng đỏ nâu ngộ nghĩnh hơn là thớ cây, xớ cây… những ký ức chiến tranh và hòa bình. Chiến tranh thì nhanh chân còn mạng, nghe pháo rít trên đầu là nhào xuống hầm ngay. Nhưng hòa bình thì không nơi trú ẩn vì cán bộ tịch thu nhà, tịch thu bộ ván chở đi đâu mất.

    Tôi chỉ còn trong ký ức bên phải bàn thờ gia tiên là cầu thang lên lầu để ngủ. Dưới chân cầu thang là chỗ ngủ của con chó mực trung thành. Xuống nhà dưới là phòng ngủ của cha mẹ, xuống tiếp đến nhà bếp thì có bàn ăn dài như trại lính. Bên phải, đi xuống bếp, rẽ trái ra chuồng heo, chuồng gà. Bên trái ra sàn nước, khu nhà tắm, nhà vệ sinh, có hàng lu đếm tới hết ngón tay cũng không hết lu nước. Hàng lu im lặng dưới hàng cây mãng cầu xiêm ngọt lịm những trưa hè. Trong khi bị bắt lên lầu ngủ trưa thì chỉ tìm cách hái vú sữa ở phía bên kia nhà. Hóa ra có thật một ngôi nhà lý tưởng mà từ đó ra đi để không tìm gặp bất cứ ở đâu.

    Tôi về lại nhà đã nhiều năm sau thời không hộ khẩu ở quê nhà, ngôi nhà, người thân, cả xóm làng đã bị cướp ngày làm tan hoang hơn cả chiến tranh. Con đường đất đỏ ngày xưa đã có một thời xe nhà binh chạy rầp rập khi lính Mỹ và lính Nhảy dù về đây lập căn cứ để bảo vệ Sài gòn sau tết Mậu Thân. Con đường đã thiếu dấu chân qua, thu hẹp lại như đường mòn vì cỏ dại, chỉ có dấu bánh xe đạp lẻ loi tôi về thăm nhà lần ấy. Cả xóm làng đã bị lùa đi kinh tế mới, hồi hương về miền tây, miền đông… nhà tôi chỉ còn lại chục miếng đan cỏ lấp, sân phơi lúa nứt nẻ những vết hằn năm tháng, giậu hoa um tùm cỏ mực vô ưu… bàn bếp bằng xi măng như thềm xưa kỷ niệm.

    Tôi ngồi đó đến đêm về lần cuối trong đời, lảng vảng những bóng người nhếch nhác ngoài bắc vào lập nghiệp. Họ sửa sang lại những ngôi nhà hoang đổ để ở, họ trồng cấy lại những mảnh vườn trù phú ngày xưa, nhưng chỉ rặt khoai mì với khoai lang. Mấy chục năm xã hội chủ nghĩa miền bắc không ai trồng cây trái ăn chơi mà người ta chỉ trồng củ để ăn no. Ở một nghĩa tối nào đó thì người dân trong Nam xem họ là kẻ cướp. Đợt di cư thứ hai của người bắc sau 1975 lại không phải là chạy nạn cộng sản mà là “giải phóng miền nam”. Những cụm từ mị dân của một tập đoàn làm cho người dân miền bắc bị hàm oan vì họ chỉ di cư theo cái bao tử. Sự đói nghèo do thiên nhiên miền bắc đã tạo ra những đợt di dân, là hình ảnh nam tiến xa xưa được khoác áo mở cõi. Tôi không hình dung được mấy mươi năm xa cách, những người trố mắt nhìn người khác không chào hỏi này đã bằng cách nào mà phát triển khu nhà quê đổ nát bởi chiến tranh, tàn tạ vì hoà bình này trở nên khu thị tứ sầm uất. Theo người chủ quán cóc lề đường cho tôi biết là Đài Loan đầu tư vào đây khu chế xuất; Đại Hàn đầu tư khu du lịch… làm cho đất ruộng trở thành bạc triệu đô la. “Ngày em theo gia đình vào nam thì khu này còn đồng lúa nhưng hoang phế sau đó vì thủy lợi, người ta bỏ đi kinh tế mới hoặc về quê…” Một cô bé không chừng tôi có biết trong những ngày ngập ngụa hận thù.

    Đêm tàn buông làn sương khuya khoắt xuống, tầng một của ngôi nhà bốn tầng là tiệm bán quà lưu niệm đã đóng cửa. Tầng hai là những văn phòng công ty cũng vắng bóng người. Tầng ba, đèn phòng tắt dần cho người ta đi ngủ. Nhưng trên tầng bốn có người làm việc khuya, thỉnh thoảng lại hắt xuống phố phường những câu tục tĩu. Những giọng bắc chưa phai đang miệt mài suốt canh thâu để rang cà phê lậu. Cô chủ quán không hiểu tại sao công an phường không biết, công an kinh tế, quản lý thị trường không hay khi mùi thơm cà phê bay, lan tỏa đến nhức mũi, nhảy mũi vì mùi hóa chất… Không biết cô có ngây thơ thật không, ước gì cô nói thật để tôi tin là có người Bắc đã vào Nam sau 75 nhưng không giống người Bắc mà người trong Nam gọi là Bắc 75.

    Đêm xuống sâu hơn, mang khối sương khuya về đánh thức ban mai. Quê tôi bây giờ không có ngủ, còn khách là hàng quán còn bán. Nhưng ai bán tôi mua chục miếng đan khuất lấp dưới cỏ dại, giậu bông xơ xác, tả tơi, thềm xưa rêu phủ nhạt nhoà bên kia đường… cô chủ quán bảo tôi say rồi! Bác về nghỉ đi. Chẳng qua tôi ở đây bằng tuổi thơ của một đời người nên thấy được xóm làng xưa cũ và một gia đình đã muôn phương theo vận nước; tôi không ở đây bằng ước vọng thôn tín miền Nam, làm chủ căn nhà bốn tầng, nên buồn tủi về già như cô với cái quán cóc lề đường ọp ẹp. Tôi chào cô không hận thù như xưa, một chút ngậm ngùi với người bỏ xứ ra đi như nhau thì ở đâu có cơm ăn-nơi đó là quê hương, còn quê nhà thì đã mất vĩnh viễn……

    Phan


    Nguồn: http://thoibao.com


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Phan

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Tôi Phải Về Cho Mẹ Tôi Ăn…



    Hình do tác giả gửi theo bài.


    Câu trả lời của anh bạn lớn tuổi làm tôi chưng hửng vì nhiều lý do. Thứ nhất là muốn tìm vài sợi tóc đen trên đầu anh không dễ. Không lẽ anh còn mẹ? Thứ hai là tôi chỉ nghe bạn bè từ chối rủ đi uống bia với ba lý do thường nhất: Thứ nhất là “vợ tôi nhằn quá ông ơi!” Thứ hai là “sợ cảnh sát quá ông ơi!” Và thứ ba là lý do sức khoẻ, “tôi đang uống thuốc ông ơi!”

    Tôi như người lâu quá không được nghe những lời tử tế nên hụt hẫng với lời tử tế khi được nghe. Dĩ nhiên không ai biết trên đời còn bao nhiêu người con hiếu thảo, nhưng tôi thì biết có một người mẹ già đang hạnh phúc.

    Trên đường tôi lái về nhà vì anh bạn đã từ chối lời mời ngắn gọn, không khách sáo gì nhiều của tôi: “Già Nguyên. Chiều nay trời đẹp. Ghé Wing Stop làm vài ly bia hơi không?”

    Anh trả lời: “Sao hôm nay chú phá lệ thế? Chưa đến cuối tuần mà!”

    Tôi đâu dám nói lời khó nghe trong hãng là tôi đã hay tin sáng mai anh vô hãng làm gì nữa cho mất công dậy sớm, vì anh đã có tên trong danh sách hãng cho nghỉ bớt công nhân theo tình hình ít việc nên dư người. Cũng vì thế mà tôi phá lệ, mời anh đi uống cốc bia tạm biệt những ngày vui từ hôm anh vô làm chung với tôi được vài tháng nay.

    Nhưng lại đến anh gọi tôi qua điện thoại: “Hay chú ghé nhà tôi đi. Tôi cho mẹ tôi ăn… chay chiều nay. Nhanh thôi! Rồi anh em mình nhậu.”

    Tôi trả lời anh: “Nói hay. Làm ơn ghé đâu đó, nhắn tin cho tôi địa chỉ nhà anh. Đừng vừa lái vừa nhắn tin nha anh!”
    Tôi đến nhà anh lần đầu. Hoá ra anh không nói chơi mà là chuyện thật, sau khi chị nhà mở cửa cho tôi. Trong mắt tôi là người đàn ông đã làm ông ngoại từ mười năm qua. Nhưng tay anh bưng bát cơm, tay cầm thìa cơm, chạy xình xịch quanh ghế mẹ ngồi là bà cụ ở tuổi chín mươi. Cụ chúm chím cười, liếc mắt theo tàu hoả là thìa cơm không ra cơm mà cháo không ra cháo; Bà cụ đợi tàu hoả tài tình là hễ nó tới miệng thì cụ mở miệng ngay chứ không để nó chạy qua…

    Có lẽ, hơn sáu mươi lăm năm trước, cụ là chiếc tàu hoả chở thìa cơm cho cậu con trai một tuổi. Rồi tôi rùng mình khi chợt nghĩ tới, nếu anh tử trận ở Cổ Thành vào mùa hè đỏ lửa 1972 thì bây giờ ai đút cơm cho mẹ anh ăn? Suy ra có bao nhiêu bà mẹ không có con trai đút cơm cho ăn khi về già vì các anh đã tử trận trên nhiều “địa danh tên vẫn chưa quen người dân thị thành” ở Việt Nam. Hôm nay lại tháng Năm đã về với ngày lễ “Chiến sĩ trận vong”, không biết trên thế giới có bao nhiêu bà mẹ tuổi già cô quạnh vì con trai đã chết bởi chiến tranh?

    Tôi bị thôi miên bởi người lính cũ tóc đã bạc trắng vẫn phải đi làm. Đau đớn thay khi ngày mai là ngày anh mất việc, mà cũng không được biết trước “Ai là anh em tôi” theo tinh thần Công giáo của người anh sùng đạo. Người ngoại đạo tôi chăng? Những người được nghỉ lễ Chiến sĩ trận vong có hưởng lương đang làm gì nhỉ? Một vài người ngồi soạn ra cái danh sách những người hãng không còn cần mướn nữa vì hết việc. Sao người lính cũ này lại mất việc vào một ngày tháng Năm, vào mùa lễ nhân loại nhớ ơn người chiến sĩ…! Có quá nhiều câu hỏi trong tôi tới rối trí, rồi thành khiếm nhã vì cứ đứng trân ra đó, thay vì thăm hỏi mọi người.

    Chị nhà xin lỗi đang dở tay trong bếp. Anh nhà với tôi thì đã quen nên khỏi khách sáo. Anh nói với tôi: “Bia trong tủ lạnh đó chú em. Làm trước một chai đi. Anh cho mẹ anh ăn xong thì mình nhậu.”

    Tôi mới xuống tới cửa bếp để mở tủ lạnh lấy bia thì chị nhà đã trao cho tôi chai bia được chị tiện tay khui sẵn luôn cho tôi. Chị nhà có vẻ ít nói, nên những vết chân chim nơi khoé mắt sâu hơn người hay cười. Nhưng chị trông hiền, mẫu người kín kẽ…

    Tôi đứng luôn ở cửa bếp để thăm hỏi chị. Mắt nhìn anh bạn đang làm trò trên phòng khách để dỗ mẹ anh ăn cơm chiều.

    Dưới cửa bếp, chị nhà trò chuyện với tôi: “Nghe anh nói về chú, chị cũng mừng. Cảm ơn chú…”

    “Nghe anh nói về chị, em cũng mừng. Cảm ơn chị.”

    Tôi còn điều nhớ mãi sau xã giao dở tệ của mình khi nghe chị nói, “…đúng ra là việc của chị. Nhưng thậm chí từ hồi bà ngoại tụi nhỏ nhà chị nằm một chỗ, cũng một tay anh lo chứ chị làm được gì đâu. Nay tới bà nội, anh ấy cực quá mà chị cũng không giúp được gì…”

    Tôi nói: “Hình như em thấy bà kém trí nhớ nhiều rồi, phải không chị?”

    “Sao chú biết? Anh kể à?”

    “Dạ không. Chỉ là ban nãy, em thưa bác lúc em đến. Bác nhìn em lạ lắm! Em không biết diễn tả. Xin lỗi chị.”
    Phía nhà trên. Tàu hoả đã biến thành máy bay đầm già. “Còn vài thìa nữa thôi mẹ ạ! Bây giờ mình chơi máy bay đầm già cho mau hết nhá? Mẹ nuốt hết đi. Con bay nhanh lắm đó!”

    Máy bay ông già tóc bạc chứ đầm già gì, ông bay từng thìa cơm cho mẹ đến vã mồ hôi trán.

    Tôi không thể nào báo tin cho anh hay là ngày mai anh khỏi cần dậy sớm để vô hãng vì tôi đã được xem qua danh sách. Thôi thì chuyện của ngày mai. Nói chi sớm với người đã sáu mươi sáu tuổi. Chuyện gì tới cứ để Chúa, Phật độ trì cho anh…

    Cảm ơn anh về chuyện kể của người lính cũ trong mùa Chiến sĩ trận vong không có mùi thuốc súng, trong mùa lễ mẹ không phải vất vả “đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười” vì mẹ già đễnh đãng chỉ cần thìa cơm không chan nước mắt, chỉ cần vừa ăn vừa cười đã là hạnh phúc tuổi già.

    Anh nói với tôi: “…Em bước vô phòng bố mẹ anh mà xem. Anh kê hai cái giường đơn vì hai người già không thể ngủ chung một cái giường. Bởi người này ngủ thì người kia lại thức, phá giấc của nhau. Nhưng bố anh chăm sóc cho mẹ anh kỹ lắm từ ngày mẹ anh mất trí nhớ hoàn toàn. Chỉ ông trời oái oăm là cho bố anh đang mạnh khoẻ, tỉnh táo, nhưng cảm cúm một trận rồi đi luôn trong vài ngày. Từ đó, mỗi sáng khi anh vào phòng để lo cho mẹ anh trước khi anh đi làm, Mẹ anh hay hỏi, có thấy ông nhà tôi đâu không? Anh cứ nhớ bố anh hay trả lời khôi hài để mẹ anh cười, Ông nhà bà đi mua hoa về tặng cho ngày sinh nhật của bà rồi! Bà phải đẹp cho ông nhà vui đấy! Bà phải nghe tôi: đánh răng, tắm rửa, thay quần áo, cho thật đẹp vào… Những lúc ấy anh nghĩ mà ân hận với bố của anh lắm! Thường cha với con trai đâu có gần nhau trong đời sống gia đình, rồi con trai lớn lên thì cha lại già đi nhiều hơn lo nuôi cơm là lo lắng vì thời anh lớn lên là đi lính. Sự cách biệt tuổi tác, khoảng cách thế hệ nên suy nghĩ, lối sống, quan điểm, sở thích… càng xa đến như không có liên hệ gì với nhau! Nhưng thực sự là tình sâu nghĩa nặng, chỉ đàn ông không nói ra được tình cảm của mình với người cùng phái thôi!

    Anh đi tù mất mấy năm về, hai món kỷ niệm anh làm được trong trại tù cải tạo là cái tẩu cho bố anh, vì anh biết bố anh thích hút thuốc tẩu hơn thuốc lá; Vật thứ hai anh làm được trong tù là cọng dây điện thoại anh nhặt được thì ngồi uốn nắn thành tên của vợ anh. Những năm ấy mẹ anh, vợ anh đi thăm nuôi anh, nhưng từ tiền đò xe, tới chút đường thẻ, chút mắm ruốc xào sả ớt cũng một tay bố anh tiện tặn cho con lúc nó ngặt nghèo. Thế mà anh chưa bao giờ nói với bố anh được một tiếng cảm ơn, nói một lần cũng đủ là con thương bố lắm! Nhiều khi anh như thoáng thấy bố anh vẫn ra vô căn phòng này để chăm sóc cho mẹ anh. Anh muốn chận đường ông cụ chỉ để nói một lời, con cảm ơn bố! Nhưng đó chỉ là những lúc áp huyết anh lên cao quá nên hoa mắt thôi, ngồi nghỉ một lát sẽ rõ ràng lại. Chỉ ân hận trong lòng mình râm ran mãi...

    Có những hôm mẹ anh thức dậy, nói một mình: đi đâu nữa rồi…? Mắt mẹ anh nhìn đăm đăm vào cái giường trống của bố anh. Nhưng chỉ một lát, một chút, một khoảnh khắc thời gian cũng có thể đúng. Vì sau đó là tình trạng mất trí nhớ trở lại ngay. Cụ không xuất thần nữa! Nhưng thoáng buồn đọng lại một chút trên gương mặt mất trí nhớ rồi mới tan hết…”

    “Thế anh có cho bác sĩ hay không?” Tôi hỏi.

    Anh trả lời tôi: “Theo bác sĩ, có thể sau giấc ngủ thì cụ tỉnh được một chút. Một chút thôi, không đủ để nhớ ra được một việc, một chuyện. Chỉ là một thoáng nhớ, mơ hồ…”

    “Nhưng có hy vọng phục hồi lại trí nhớ cho cụ không?”

    “Không. Người nhà còn không tin, nói gì tới bác sĩ. Anh chị thử mẹ anh nhiều lần lắm rồi! Cứ đem những vật mẹ anh yêu thích suốt cả đời ra để gợi nhớ. Nhưng cụ không nhớ hoàn toàn. Đem cho mẹ anh những món ăn mẹ anh thích nhất. Cụ cũng dửng dưng như không màng tới, thậm chí không thèm nhìn… Bây giờ cụ ăn như bản năng sống, vậy thôi. Anh nghĩ là cụ cũng không thưởng thức được hương vị gì nữa nên cụ lười ăn lắm!”
    Anh em tôi ra bàn ăn ngoài sân sau nhà, ngồi bù khú với nhau rôm rả chuyện đời xưa ở quê nhà; từ thuở miền nam còn bình yên tới thời khói lửa mịt mù; rồi cuộc triệt thoái oan khiên mà hệ lụy sẽ không bao giờ hết cho tới hôm nay…

    Chúng tôi im lặng khá lâu sau đó. Có lẽ mỗi người suy nghĩ riêng. Rồi chị nhà bưng ra cho đĩa trái cây và dọn đi những món mặn.

    Tôi kể cho anh nghe…

    “Hồi lâu rồi. Em bị mất việc trong hãng nên đi giao pizza trong thời gian chờ việc mới gọi mình đi làm. Em còn nhớ cái nhà già ở góc đường Coil. Rd với đường 15. Rd trên thành phố Plano. Em đem pizza cho mấy cô y tá ăn trưa. Nhưng em chứng kiến một ông cụ Mỹ trắng cự nự mấy cô y tá không cho ông đẩy xe lăn của một bà cụ Mỹ trắng. Em nghe ông dõng dạc nói: Vợ tôi không còn nhớ tôi. Nhưng tôi còn nhớ bà ấy là vợ tôi. Không ai đẩy xe cho vợ tôi an toàn hơn tôi đâu! Sao các người không cho phép tôi?

    Ông cụ nói rồi khóc. Khóc bất lực với luật lệ khi phải trao tay cái xe lăn cho anh chàng hộ pháp người Mỹ đen to lớn. Làm em tò mò! Em hỏi cô y tá quen, Nếu họ là vợ chồng, thì làm khó họ chi?

    Cô y tá trả lời cho em: Bạn không biết! Tuy họ là vợ chồng. Nhưng khi đã vào đây thì ông được chăm sóc riêng bên khu nam, bà được chăm sóc riêng bên khu nữ. Họ chỉ được trò chuyện, gặp nhau trong giờ xem tivi chung ngoài đại sảnh. Ai không khoẻ thì xem tivi nhỏ trong phòng riêng. Họ chỉ được gặp nhau trong giờ phơi nắng ngoài trời. Nhưng để cụ ông đẩy xe cho cụ bà, nhỡ xảy ra tai nạn thì trách nhiệm lại thuộc về chúng tôi vì chúng tôi chịu trách nhiệm đẩy xe lăn cho cụ bà chứ không phải cụ ông…

    Từ đó, mỗi lần tới nhà già, em ưa để ý cụ ông. Em có cảm tưởng ông ấy luôn để mắt tới vợ ông khi có thể vào những lúc được gặp nhau. Vì em bắt gặp ông rất ranh mãnh, ông đi đến chỗ vợ ông thì bị cô y tá nhắc nhở ông đừng có đẩy xe của bà. Ông cãi là ông đi bỏ rác mà. Nhưng ông cụ cũng lượn ngang xe lăn của bà vợ, đẩy đẩy vài cái cho đỡ ghiền hay sao đó! Rồi cười trừ với cô y tá khi cô ấy đến tháo tay ông ra khỏi xe lăn của bà…”

    “Ừ. Phải như hồi trẻ thương vợ được một phần thôi thì mấy bà cũng đỡ. Bố anh chăm sóc cho mẹ anh cả chục năm chứ ít đâu. Lúc mẹ anh tuy mất trí nhớ nhưng còn khoẻ, bố anh lấy sợi dây xích chó xích tay ông một đầu dây, tay bà một đầu dây, rồi dắt bà đi bộ thể dục. Ai thấy cũng phải cười. Có những chiều anh đi làm về tới xóm nhà mình, nhìn bố mẹ anh xích tay nhau bằng sợi dây xích chó, anh cũng bật cười, nhưng mắt cay sè…

    Khi mẹ anh yếu nhiều vì không ăn ngủ được. Bố anh gõ mõ tụng kinh cả đêm. Con cháu gì chạy hết, có đứa nào ở nhà nữa đâu. Chúng nó làm sao mà ngủ thì làm sao đi làm! Nhưng bố anh tin là nghe kinh thì mẹ anh ngủ được. Chuyện thật ra là ông ngủ gục chứ bà có ngủ đâu! Nhưng ông cứ tin là bà ngủ. Đó là đoạn bố anh hết sức. Ông mất sau khi đuối sức không lâu. Nhắc lại chuyện thấy thương bố anh quá!”

    Tiếng chị nhà gọi anh vô giúp mẹ. Tôi sẵn cáo từ ra về vì trời đã nhá nhem tối. Nghĩ đến từ mai anh được ở nhà suốt ngày để chăm sóc mẹ, cũng đỡ vất vả cho anh. Nhưng eo hẹp tài chánh cũng khó lắm vì anh chị với mẹ sống chung nhà thì chỉ mình anh đi làm. Sáu mươi sáu tuổi còn đi làm đã đủ biết chính phủ và con cháu không giúp đủ cho những người già cần giúp đỡ. Chỉ còn Ơn trên giúp được họ, nhưng họ mới chỉ là một hoàn cảnh, còn bao hoàn cảnh khó khăn hơn nữa. Trong khi Ơn trên chỉ có một thượng đế, lại ở xa…

    Phan


    Nguồn:https://vvnm.vietbao.com

              
Trả lời

Quay về “Thời luận - Xã luận - Phiếm luận - Tạp ghi”