Thanh Tịnh và Tôi Đi Học

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Thanh Tịnh và Tôi Đi Học

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Thanh TịnhTôi Đi Học
    ________________________________
    Nguyễn Mạnh Trinh -12/02/2016





    Chân dung nhà văn Thanh Tịnh



    Thanh Tịnh là một tên tuổi lớn của văn học Việt Nam thời tiền chiến. Truyện ngắn của ông tràn đầy chất thơ và đã tạo ra được một không gian văn chương riêng biệt. Đó là dòng văn chương trữ tình đầy chất lãng mạn và đã được Hồ Dzếnh trong một bài thơ cảm tác khi nghe tin tác giả “Quê mẹ” vừa lìa đời năm 1988:

    • “Đời xếp anh, tôi và Thạch Lam
      ngồi chung một chiếu hội văn đàn
      chao ôi! Chiếu đã hai lần lạnh
      còn lại mình tôi với thế gian

      dẫu biết đường đi chỉ có chừng
      gió chiều sao vẫn ớn trên lưng?
      Trái tim bỗng dội niềm xao xuyến
      Tàu rẽ vào ga. Chặng cuối cùng
      Thôi nhé anh về vui bạn cũ
      Tôi chờ đến hẹn lại thăm anh
      Lòng ta như nước sông Hương ấy
      Vời vợi trời thu dáng núi xanh.”


    Thời kỳ 1930 –1945, Thanh Tịnh đem thi ca trộn lẫn vào văn xuôi để có được những áng văn đẹp như một bài thơ và cũng bàng bạc những nỗi niềm của một quá khứ đã xưa nhưng vẫn còn gợi lại trong ký ức những bàng bạc xao xuyến của những điều đã mất đi và khó tìm lại được. Cái không gian và thời gian của làng quê mang tên Mỹ Lý có lẽ chỉ trong tưởng tượng nhưng là của một sự thay đổi từ những cuộc đời cổ xưa êm ả đến những buổi giao thời giữa cái mới và cái cũ. Trong đời sống chao đảo mà cũ mới đối nghịch nhau, Thanh Tịnh tuy vẫn phê phán những tục lệ cổ hủ nhưng vẫn nâng niu và bênh vực những tập quán tốt đẹp của ngày trước, của những đời sống yên bình đã kéo dài từ lâu.

    Khi trả lời phỏng vấn của tạp chí Sông Hương, Thanh Tịnh cho biết là ông rất yêu thích hai tác giả Alphonse Daudet và Guy De Maupassant của văn chương Pháp và cũng yêu thích Thạch Lam và Nguyễn Công Hoan của văn học Việt Nam. Trong tác phẩm Quê Mẹ, có phảng phất ảnh hưởng. Như khi ông tả nỗi bâng khuâng ngậm ngùi của một người nhớ nhung và hồi tưởng lại đời sống êm ả của một làng quê nghèo khi chưa bị tiếng còi tàu của văn minh làm náo động, làm người đọc nhớ tới cùng một phong cách của Alphonse Daudet. Cũng như khi ông phác họa những nhân dáng nghèo hèn với những nỗi khổ tâm riêng làm nhớ tới Guy De Maupassant.

    Thạch Lam đã có một nhận xét khá xác đáng về thơ và văn Thanh Tịnh thời tiền chiến “truyện ngắn nào hay của ông đều có chất thơ bên trong và bài thơ nào hay cũng đều có cốt truyện lồng theo”. Chất hài hòa đã làm cho văn chương ông có nét riêng, thơ mộng và lãng mạn.

    Trong giáo trình lịch sử văn học được giảng dạy tại các trường trung và đại học ở Việt Nam hiện nay, Thạch Lam, Hồ Dzếnh và Thanh Tịnh được xếp vào một chi phái trong văn xuôi lãng mạn xu hướng văn xuôi trữ tình.

    (…)




    1

    Một buổi sáng cuối tuần, nằm trong chăn ấm, với những cuốn sách quen thuộc chung quanh, tự nhiên tiếng mưa ngoài trời gợi lại cho tôi một diều gì bâng khuâng khó tả. Có những cảnh ngộ, khi trải qua rồi mới thấu hiểu được. Tôi nghĩ đến bài phỏng vấn nhà văn Thanh Tịnh của tạp chí Sông Hương xưa kia với bài thơ mà nhà văn tiền chiến tâm đắc nhất. Bài “Gặp lại“ như một nỗi niềm khi trở về Huế nhìn lại cảnh cũ nhưng với nhiều trái ngang:

    “người cũ đây rồi bạn cũ đây
    cầm tay lại nói chuyện chia tay
    ba mươi năm chẵn xa lâu nhỉ
    mà tưởng cách nhau có mấy ngày
    giòng giòng kỷ niệm tuôn xuôi ngược
    lẫn lộn vui buồn dệt ngổn ngang
    cũng quên khóc trước hay cười trước
    chỉ nhớ bên song nắng trải vàng
    chuyện dài chưa hết bỗng ngồi yên
    biết nói làm sao hết nỗi niềm
    tóc bạc ngỡ ngàng hai mái tựa
    thẹn thùng như buổi gặp đầu tiên.”


    Bài thơ có những điều thiết tha, của một tâm tư lẫn lộn vui buồn. Ngôn ngữ bình dị, nhưng chuyên chở được nỗi xúc động hiện có. Tôi nghĩ bài thơ hay vì nỗi chân thành mà tác giả mang vào vần điệu…

    (…)

    Cùng với Thạch Lam, Hồ Dzếnh, ông được xếp vào cùng một trường phái văn chương vị nghệ thuật. Những truyên ngắn của ông tràn ngập ý thơ, với một tâm hồn vừa lãng mạn vừa sâu sắc. Một thế giới được tạo dựng lại với sự rung cảm tột độ khi diễn tả. Thời đó, không gian ấy đã xa lạ, đã là những ký ức đã qua, thì với bây giờ, sao đọc lại mà vẫn thấy hiển hiện những cảm nghĩ mồn một những xúc động.

    Thanh Tịnh viết về ngôi làng của mình, làng Mỹ Lý trong cái thời gian mới cũ giao thời. Chữ Nho cổ xưa dần dần được chữ Pháp và Quốc ngữ thay thế. Phong tục trong làng cũng theo thời mà thay đổi. Hình ảnh ông đồ của thơ Vũ Đình Liên cũng phảng phất trong truyện ngắn Thanh Tịnh. Những ông đồ nho của một thời thất thế.

    Như hình ảnh ông Hậu con của ông Hoàng chủ nhân của một dinh cơ nguy nga của một thời lừng lẫy phải viết câu đối tết ở phiên chợ cuối năm để sinh nhai, dù “chữ của ông ta viết đẹp lắm“ nhưng chỉ là hình ảnh gợi trí tò mò của những lũ trẻ con xúm nhau vây quanh nhìn ông ta viết một cách lơ đãng không hứng thú. Hay như nhân vật trong “Chú tôi”, một thầy đồ của thời cũ sót lại, với những câu văn hoa buồn cười và lối sống hủ lậu đang dần dần tàn tạ. Trong buổi giao thời, mọi giá trị bị thay đổi. Nhưng trong lòng những tâm hồn hoài cổ chắc không tránh khỏi nỗi ngậm ngùi.

    Thanh Tịnh có những trang viết về tuổi học trò vẽ lại được một thời kỳ đã qua với nhiều sinh động. Những trường học mái ngói đỏ au dần dần đã thay đổi những lớp ê a câu Tam Tự kinh, những thầy giáo, những ông đốc mang ánh sáng văn minh đến tuổi học trò đã thay thế những cụ đồ già của thời cổ xưa ngồi trên phản ôm xe điếu với những câu chi hồ giã dã.





    2

    Những đứa trẻ lớn lên, say sưa với những biểu tượng của thời đại mới, thích thú với những cầu thủ của “đội banh nhà quê”, nhìn những chuyến tàu đi qua làng với cái háo hức tìm kiếm từ phương xa mang lại. Lúc ấy, đã xa lắm những lề tục hủ lậu, và đời sống đã có những cựa mình thay đổi. Những màn cúng tế, những buổi họp làng họp tổng, không còn là nỗi chú tâm của tuổi thơ.

    Háo hức với sự thay đổi như thế, tâm lý con người như bị những lực đối kháng. Một mặt, chê bỏ những điều cũ kỹ, nhưng một mặt, vẫn thấy bâng khuâng ngậm ngùi trước những vần xoay thay đổi.

    Những hình ảnh tràn đầy trong truyện Thanh Tịnh là những con tàu và những sân ga. Khác với trong truyện ngắn Thạch Lam, con tàu và sân ga là những vật thể tượng trưng cho năng động và đổi thay (như truyện ngắn “Hai Chị Em”), trong “Quê Mẹ“ là hình ảnh buồn rầu của một ga tạm mới dựng với những đoàn tàu sắt đi qua không ghé lại. Cũng có khi là những đoạn đường sắt song song giũa những cánh đồng cỏ hoang vu, hoặc tiếng còi tàu vang lên ngạo nghễ trong cái không gian im ắng vô vọng. Đại diện cho cơ khí trong một xã hội còn nhiều nét cổ lỗ phong kiến, những con tàu sắt là một biểu hiện cho văn minh mà Thanh Tịnh đã nhìn ngắm với nhiều chủ đích. Trong hình ảnh, chứa đựng những tâm cảm lẫn lộn giữa náo nức và ngậm ngùi.

    “Quê Mẹ” là những chuyện “làng” tên Mỹ Lý. Ở đó có giòng sông, có những bến đò, có bờ sông xanh ngắt cây cỏ. Có những con người bình dị với những hoài vọng âm thầm, những tình ca ngập ngừng, những điệu hò mái đẩy đìu hiu. Quê hương của ông là nơi chốn của thơ mộng huyền ảo, của những lãng mạn thăng hoa thành ngôn ngữ. Đọc lại, những câu văn mang mang âm hưởng thi ca với văn phong tùy bút sang cả làm cho trí tưởng tượng như bị kích thích và đi xa hơn những phong cảnh thường nhật. Có mấy ai, không nghĩ về những phương trời cũ, về ngõ lối xưa khi tiếp nhận những hình ảnh ấy, tầm thường quen thuộc nhưng lại gợi biết bao nhiêu nỗi niềm…

    ( …)

    Tôi đã đọc nhiều bài viết tưởng niệm ông và nghĩ rằng ông được nhiều bạn bè cũng như những người đi sau nể trọng. Tôi nghĩ một cách chủ quan, dù cố thay đổi nhưng con người của thời Quê mẹ, thời mà ba người đồng hành Thạch Lam, Hồ Dzếnh, Thanh Tịnh cùng vào trường văn trận bút, vẫn không thay đổi. Dù trong cảnh huống nào, vẫn là cậu học trò bỡ ngỡ đến trường vào buổi đầu thu, vẫn là một con người có trái tim văn chương (…). Trong những trang Quê Mẹ, vẫn còn đất nước dấu yêu của mùi hương dù trong tưởng nhớ nhưng cũng làm ngây ngất nhiều người…

    Thơ Thanh Tịnh bình dị, truyện ngắn Thanh Tịnh sâu sắc, và hình như trong tất cả văn mạch của ông phảng phất những nỗi buồn.

    Hình ảnh ông đồ của thơ Vũ Đình Liên hình như cũng thấp thoáng trong ngôn ngữ và hình tượng văn chương của ông. Tấm lòng hoài cổ phát xuất từ niềm yêu thương quê hương thiết tha đã tạo thành nỗi rung động cho người đọc.

    Dù mấy chục năm qua đi, dù thời thế xoay vần lưu chuyển, vẫn còn âm vang vẳng lại những câu tập đọc của bài Tôi Đi Học:

    Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh….






    Nguyễn Mạnh Trinh
    nguồn: nguoitinhhuvo.wordpress.com
Trả lời

Quay về “Nguyễn mạnh Trinh”