Ðêm khuya, đọc lại Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5417
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Ðêm khuya, đọc lại Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           



    Ðêm khuya, đọc lại
    Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến




    Ðêm đã thật khuya. Cuốn sách trên tay. Ðọc mê mải. Quá khứ như hiện về, những ngày tháng đã qua dường như hồi sinh lại. Ði tìm thời gian đã qua chứ không phải đã mất, những bài thơ vẫn còn trong tiềm thức một lúc nào ào ra, mãnh liệt.Thơ của chiến tranh, ngày nào đã gần bốn chục năm mà tưởng như mới hôm qua. Những câu thơ của một thời.

    Tôi thấy mình thiếp đi trong cơn phiêu du. Những giấc mơ lẫn lộn giữa cái mình đã sống và cái mình đã cảm. Giở những trang sách, cảm nghĩ ùa tới. Thấy mình, thấy người, thấy những số phận đã buộc trói vào nhau trong cơn cuồng loạn của chiến tranh.

    “Thơ Miền Nam Thời Chiến” là bộ sưu tập do hai người lính VNCH năm xưa thực hiện và cũng là hai nhà văn đã viết trong khoảng thời gian ấy. Nhà thơ Trần Hoài Thư và nhà văn Phạm Văn Nhàn.

    Những công trình gom góp lại từ 263 thi sĩ, trải qua bao nhiêu cuộc biến thiên, bao nhiêu lần phần thư khốc liệt. Có một thời, thơ Miền Nam đã bị những âm mưu xóa nhòa trong văn học sử để thay vào đó là những cây bút sống chui rúc trong rừng trong bụi hay những người từ miền Bắc trở vào đội danh cải lốt.
    Những người chủ trương Thư Án Quán đã khởi đi trong tro tàn để sưu tập cho được những chân dung thi sĩ đã một thời tạo nên những sinh hoạt văn chương đẹp đẽ và nhiều thời đại tính.

    Ðọc bài giới thiệu của nhà văn Ðặng Tiến, một bài văn viết đạt chỉ tiêu của một người phản chiến, sống và lớn lên ở miền Nam được hưởng những ưu đãi của chế độ VNCH nhưng lại đào ngũ và trở thành một Việt kiều yêu nước. Tôi vẫn thắc mắc. Tại sao một công trình văn hóa có ý nghĩa như bộ sưu tập “Thơ Miền Nam Thời Chiến” lại do một tên đào ngũ viết bài tựa. Trong lý luận Ðặng Tiến có sự chủ quan của những người đã viết những câu thơ xưng tụng ngày đen tối của lịch sử, ngày 30 tháng tư năm 1975 như bài thơ “nói với con Nhất Lập” hay những bài ký với bút hiệu Nam Chi viết khi ông trở về Việt Nam năm 1977 với thái độ xu nịnh rõ rệt.

    Nhà văn này lại có một thời sinh sống khá lâu ở bên Pháp và có lập trường chính trị đáng ngờ vực mà hiểu rõ được những sinh hoạt văn học ở miền Nam để giới thiệu “những trang thơ được sưu tập từ một thời kỳ đen tối của quê hương, khởi điểm bằng lệnh tổng động viên và chấm dứt bằng ngày 30 tháng tư năm 1975” không? Ðó là một điều bất ngờ. Hơn nữa, ông phê bình văn học này không phải là người lính chiến mà mà là người phản chiến lại có những lời giới thiệu thật nồng nàn và nhiều chia sẻ! (Chia sẻ cái nhìn bất công với những người lính VNCH chăng?) Ðó cũng là điều bất ngờ thứ hai?

    Ðọc trong bài giới thiệu, thấy có đoạn văn làm tôi hơi ngờ ngợ vì sự chính xác của nó. Nhà văn Ðặng Tiến viết:

    “…Lại công bình mà nói: miền Nam thời đó, không phải là không có thơ tuyên truyền, nhưng vì không mấy người ưa, không mấy ai nhớ, ban sưu tập không ghi lại, cũng là duy lý."

    Tuy nhiên, nếu nhất thiết phải tìm cho ra một lập trường chính trị cho thơ Miền Nam, thì nó là: khát vọng hòa bình, khát vọng này mang theo những hệ luận: tình yêu quê hương, gia đình, vợ chồng nam nữ bạn bè đồng đội. Dường như không có một ngoại lệ nào qua sưu tập. Một “lập trường” như thế dĩ nhiên là “nhân bản” và cao quý. Nhưng người yêu nền thơ nọ không phải vì cái nhân bản kia mà vì thơ hay, hoặc vì nhiều đặc điểm lý thú. Ngày nay, nếu các bạn nêu cao ngọn cờ “nhân bản tự do” thì ra chỗ “tránh vỏ dưa đạp phải vỏ dừa”. Cái bẫy bên trái hay bên phải vẫn là cái bẫy.”

    Có phải lập trường chính trị cho thơ Miền Nam chỉ là khát vọng hòa bình, mà các tình yêu quê hương, gia đình, chồng vợ, nam nữ, bạn bè đồng đội chỉ là hệ luận? Hay đó chỉ là lập trường chính trị riêng của một mình ông Ðặng Tiến mà thôi?

    Khát vọng hòa bình chỉ là một, còn nhiều khát vọng khác, nhiều mong ước khác cho dân tộc, cho dất nước. Cũng như những người lính có ý nghĩ khác với người không phải là lính. Họ có những suy tư ý nghĩ khác nhau, không phải như kiểu đồng phục một loạt của những nhà văn nhà thơ của hiện thực xã hội chủ nghĩa miền Bắc.

    Ôi những người thường, có người lính chiến đấu vì sợ bị Cộng sản thắng và bị hành hạ bởi những tấm gương tầy liếp mà có thể họ đã trải qua từ vụ đấu tố của cải cách ruộng đất. Hay có người lính chiến đấu vì tình đồng đội và mầu cờ sắc áo của đơn vị mình. Cũng có người chiến đấu để yên ổn cho địa phương mình như các chiến sĩ áo đen dân vệ giữ gìn xã ấp….

    Còn với người lính làm thơ, không phải chỉ với khát vọng hòa bình là độc nhất. Mà họ còn nhiều tâm tư khác nữa, phức tạp hơn. Và chính đó cũng là sắc thái đặc biệt của thi ca miền Nam. Họ làm thơ không vì một điều gì khác thúc đẩy ngoài việc họ muốn nói lên tâm tư tình cảm của thế hệ họ.

    Hãy đọc thơ Trần Hoài Thư, người thực hiện bộ sưu tập xem có bao nhiêu bài anh viết về khát vọng hòa bình?. Hãy đọc bài thơ anh ca tụng Qui nhơn, nơi anh đã đổ máu mình trong chiến trận tại đó:

    • “…Bởi vậy tôi về nằm ngay cửa phố
      Bên cây xăng ông Tề nhìn ra đầm
      Tôi nói rằng tôi yêu Qui Nhơn bao nhiêu
      Nên tôi điên rồ chạy đầu chạy trước
      Tôi biết rằng khi xa Qui Nhơn chắc khóc
      Nên tôi càng tha thiết với Qui nhơn
      Và khi máu mình đổ xuống mặt đường
      Tôi mang chiến thương tạ tình thành phố…”


    Trong chiến tranh, có rất nhiều người phản chiến. Có người ngụy hòa, để che giấu những mưu đồ riêng hay sự sai phái của phía bên kia mà sau ngày 30 tháng tư năm 1975 đã lộ mặt. Và, cái chiêu bài khát vọng hòa bình vẫn là chiêu bài được sử dụng. Ở thực tế, chiến tranh chấm dứt từ năm 1975 nhưng đất nước trong tay những người chiến thắng trở nên tan nát và đổ vỡ đến mức Việt Nam là một quốc gia đói nghèo và chậm tiến bậc nhất trên thế giới…

    Nhà văn Ðặng Tiến lại viết:

    “Lẽ thường trong chiến tranh là thắng hay bại. Ðiều lạ là trong tập thơ này là không có chiến thắng dù trong mơ ước hay ngông nghệnh.”

    Ðọc tới đó, tôi lại giở bài thơ của Lâm Hảo Dũng, trong bộ sưu tập. Bài “Ngày về Ben Hét”:

    • “Ta pháo gầm vang một góc rừng
      đồi tây giặc khiếp ngắm đồi đông
      những ai trong phút kinh hoàng ấy
      tay súng trang nghiêm mắt trợn trừng
      anh ở miền Nam lạc đến đây
      còn quân phương Bắc ngủ xuôi tay
      chiến tranh như thể trò tiêu khiển
      của lũ con buôn xác chết này.”


    Hay, bài thơ “Về Ashau” của Cao Hoành Nhân nói về chiến công của các chiến sĩ Nhảy dù, Lôi hổ:

    • “Một thung lũng Ashau
      mây trời vang âm hưởng
      Rừng U Minh, Tam Giác Sắt, Ðỗ Xá, Vũng Rô…
      Cây đá hoang mang lau lách dựng mồ
      Và – lịch sử. Ta làm thơ ca tụng
      Ta phấn khởi vì chiến công
      Ðứng lên cao vì miền Nam anh dũng
      Dưới nắng ấm Trường Sơn
      Ven Cửu Long phù sa nắng đẹp lúa thơm
      Và – kiêu hãnh thơ ta huy hoàng chiến tích…”

    Hồi ở trong trại tù, tôi đã nghe cái luận điệu là không có kẻ thắng người bại trong cuộc chiến này, mà người chiến thắng là tất cả dân tộc Việt Nam ở cả hai phía. Thành ra, nghe điều gì có âm hưởng như thế đâm ra chạnh lòng. Những cái gì đẹp quá, lý tưởng quá chỉ có thể có trong tuyên truyền trong dối trá. Tôi rất thành thực khi nghĩ như thế. Dù rằng, đọc thơ mà có thiên kiến thì mất vui.

    Cảm giác ấy chợt có như tôi đọc bài thơ “Em tôi và những người bọn mình không ưa” của Nguyễn Hồi Thủ. Tác giả này thú thực tôi ít đọc tới dù đôi khi được những người trong nước kể là một nhà thơ hải ngoại có “tăm tiếng” và rất “yêu nước”. Bài thơ hình như tả lại một hội nghị bàn luận về hòa bình, như hòa hội Ba Lê chẳng hạn (tôi độ chừng thế!):

    • “Em nói tiếng hòa bình
      đôi môi em rất xinh
      tôi nói tiếng hòa bình
      tim tôi đập rất nhanh
      người nói tiếng hòa bình
      người trợn đôi mắt xanh
      anh nói tiếng hòa bình
      vẫn còn giơ tay đấm
      em nghĩ đến quê hương
      đôi mắt em rất hiền
      tôi nghĩ đến quê hương
      lòng tôi như dòng sông
      người nghĩ đến quê hương
      ngực ưỡn về đằng trước
      anh nghĩ đến quê hương
      bậm môi và nhăn trán
      mà suy nghĩ liên miên
      em trước banø hội nghị
      tóc xõa như nàng tiên
      tay ngà ôm lấy trán
      người trước bàn hội nghị
      vung tay ra đằng trước
      vứt tiền ra đằng sau
      anh trước bàn hội nghị
      già mồm như gái đĩ
      cùi chỏ thúc ra sau
      xem mấy kẻ gật đầu.”


    Ðọc tới đây, đủ rồi… Tôi như thấy một người bận âu phục lịch sự tay giơ cao mồm lu loa và đội chiếc nón… cối. Không biết tôi có lầm không đây khi “đội mũ” cho một Việt Kiều yên nước!!!

    Còn những điều làm tôi tâm đắc. Tôi tìm thấy rất nhiều trong bộ sưu tập. Những cuộc đời, những tâm sự, dàn trải ra một thời đại khốn khó của dân tộc nhưng hùng tráng trong bi thảm biết bao. Nhất tướng công thành vạn cốt khô, nghĩa trang Biên Hòa rêu phong cỏ áy và nghĩa trang Trường Sơn bạt ngàn mộ chí không tên.

    Tôi đọc những bài “Thơ Miền Nam trong thời chiến”. Thú thực tôi như bị dẫn di trong những cuộc trường hành. Của những đoạn đường chiến binh, qua những địa danh đất nước. Ở đó, có cảm xúc từ những bài thơ biên tái, của những nỗi niềm rất người đậm chất nhân bản. Không phải tất cả các thi sĩ đều khoác áo lính. Có khi họ là thầy giáo, công chức hay những nghề tự do khác. Nhưng họ đều có chung hơi thở của một thời đại chiến tranh. Họ chia sẻ với nhau những số phận thời chiến mà Trần Hoài Thư gọi là “tội tình”, thân phận của những con chốt thí trong trò chơi quyền lực.

    Có một điều, nếu có ai khoác cho thi ca của họ những ý thức này, những vận dụng kia thì đó chỉ là những cái áp đặt nhiều khi không thực tế. Nhiều người làm thơ, giản dị là muốn làm thơ, để cho mình hoặc bạn bè mình đọc và không nghĩ đến đăng chỗ này gửi chỗ kia. Họ viết trong cái tâm vô tư ấy nên có nhiều bài cảm khái rất hay mà không được phổ biến. Nếu gặp duyên khởi hay may mắn, họ sẽ thành những nhà thơ cự phách. Thành ra, trong bộ sưu tập này có nhiều tên tuổi lạ nhưng là tác giả của những bài thơ thật hay.

    Tôi nhớ lại một thời của cá nhân tôi, từ những bài thơ đọc để nhắc lại trong ký ức. Trước năm 1968, tôi còn trẻ lắm và đang học ở đại học. Tuổi ấy, cũng có những băn khoăn về thời cuộc, cũng có những thắc mắc triết học, như một thời thượng thuở đó. Khi là sinh viên cũng có lúc xuống đường, hay tham dự các sinh hoạt xã hội như các bạn đồng lứa tôi. Cho đến khi vào lính, giản dị là theo lệnh tổng động viên không muốn làm người sống ngoài vòng pháp luật. Hơn nữa, nhận thấy rằng sống và trưởng thành ở đất nước này thì phải thi hành nhiệm vụ quân sự là điều tất nhiên.

    Bây giờ đọc những bài thơ với nhiều tên tuổi thi sĩ quen thuộc lúc ấy. Tôi không thể nào quên những tối mưa mù mịt ở Pleiku, ra phố mua một tờ Văn hay Bách Khoa rồi luồn vào trong áo lạnh nhà binh để cho khỏi ướt. Và, tối về nằm đọc như thấy lại Sài Gòn, thấy lại một thời ngồi ghế nhà trường và hồi tưởng lại những hình ảnh đã qua của thơ mộng tóc xõa dài lưng vai áo trắng. Dù ở xa xôi nhưng trong phòng nhỏ ở cư xá độc thân tôi cũng có kệ sách nhỏ và các tạp chí văn chương là những món giải trí thiết yếu mỗi đầu tháng. Lúc ấy, tôi cũng tập tành làm vài ba câu thơ, khi thì để trang trải tâm sự khi thì biểu hiện những mơ ước lãng mạn bềnh bồng. Thi ca với tôi lúc ấy như bông hoa tươi đẹp biết bao. Những ngày biên trấn như nồng ấm thêm của nỗi niềm mênh mang đợi ngỏ.

    Mấy ngày nay ở nơi tôi ở trời đang mưa. Những giọt mưa gõ vào mái nhà như đang gõ vào trong tim tôi tiếng vọng thầm của bước chân nào trở lại những ngày tháng cũ. Tôi nhớ lại những đêm mưa Pleiku. Gió mưa ào ạt trong cái se lòng của đất trời. Ðọc những câu thơ sao mình tưởng tượng đến những cánh chim đang bay giỡn đùa cùng sương gió. Thấy mình háo hức trong cõi mộng thanh niên và cũng già đi những suy tư của những ngày tháng mặc quần áo trận. Cảm khái chập chùng, nên thi cảm chất chứa trong óc trong tim. Giở từng trang lại từng trang, một đời lính tôi chỉ vỏn vẹn từ 1968 đến 1975 sao dài quá, dài như cả một đời người. Lúc đó, thơ đã thành những mơ mộng lãng mạn để thấy mình như trong một cơn đồng thiếp chữ nghĩa nào.

    Ðọc thơ Lâm Hảo Dũng để nhớ về Bản Hét, gợi lại lúc ghé Dakto, hay nhìn lại buổi chiều Hàm Rồng. Ôi, Hàm Rồng cái tên đẹp đẽ của ngọn núi như thế lại có hình dáng rất là gợi cảm của bộ phận sinh dục người phụ nữ. Những chuyến không hành từ Sài Gòn hay Ban Mê Thuột trở về Pleiku khi nhìn thấy đỉnh núi gợi cảm ấy là biết rằng đã gần về sân đáp. Với thơ Lâm Hảo Dũng, cảnh với người hình như có gì ràng buộc với nhau và trong cuộc chiến, cái giây phút mơ mộng hiếm hoi đã làm tươi thắm hơn những rặng núi mù lam vây kín chân trời:

    • “Con đường ấy vẫn hoen mầu bụi đỏ
      Gió lơ thơ nghe nắng mới ngập ngừng
      Anh sống thở trong tâm hồn trai trẻ
      Nghe nỗi buồn đâu đó đến phân vân
      Hoa cúc dại thắm trên đường xa tắp
      Và quê hương tha thướt lá xanh trà
      Em có thả những chòm mây nhung nhớ
      Cho rừng hoang im lắng tiếng chim ca
      Ðời viễn khách mơ hồ không biết được
      Bước chân vang rộn rã buổi quay về
      Em mắt biếc hồn nhiên bên cánh cửa
      gửi hương nồng quay quắt bóng người đi.”


    Lâm Hảo Dũng có hai câu thơ đọc nghe nhức nhối, như luồng điện dí vào da thịt. “Chư Pao ai oán hờn trong gió. Mỗi một khăn tang một tấc đường.” Câu thơ của những ngày hè đỏ lửa 1972, khi chốt Chư Pao của Bắc quân cắt ngang đường tiếp tế cho Kontum đã biết bao nhiên chiến sĩ hai bên hy sinh và biết bao nhiêu tấn bom đạn đã đổ trên mỏm núi.

    Nhớ Pleiku, đọc thơ Kim Tuấn. Những Bản Hét, Pleime, Ðức Lập, Pleimerong, Ðức Cơ, những địa danh của một thời mịt mù lửa đạn. Ðọc một đoạn thơ, như thấy lại những đời lính thú. Những câu, những chữ có xót xa có nhung nhớ nhưng cũng có nét hùng tráng của những người lính trận xa nhà:

    • “Bản Hét những chiều không pháo kích
      trời im nghe gió thổi qua mau
      rừng im nghe tiếng chim xào xạc
      đồn im nghe súng bỗng dưng sầu
      Bản Hét hành quân vùng Tam Biên
      Núi cao như dựng với sông liền
      Rừng sâu màu lá xanh da mặt
      Cơm sấy ăn sao nhớ mẹ hiền
      Mẹ hiền phương đó con đầu núi
      Bưng biền chưa hết trọn đời trai
      Bưng biền đêm gối tay lên súng
      Bỗng thấy thương thân bỗng thở dài.”


    Ðọc thơ Nguyễn Bắc Sơn lại trong trang sách sưu tập, dù đã đọc nhiều lần. Thế mà vẫn thấy bừng bừng như có men say một thời nào vừa xa xôi vừa gần gũi lắm:

    • “Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát
      Nghe súng rừng xa nổ cắc cù
      Chợt thấy trong lòng mình bát ngát
      Nỗi buồn sương khói của mùa thu
      Mai ta đụng trận may còn sống
      Về ghé Sông Mao phá phách chơi
      Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
      Ðốt tiền mua vội một ngày vui
      Ngày vui đời lính vô cùng ngắn
      Mặt trời thoáng đã ở phương tây
      Nếu ta lỡ chết vì say rượu
      Linh hồn sẽ chắc thành mây bay
      Linh hồn ta sẽ thành đom đóm
      Vơ vẩn trong rừng động Thái An
      Miền Bắc sương mù giăng mấy quận
      Che mưa giùm mấy nắm xương tàn.”


    Ðọc thơ Chinh Yên, nhớ lại những ngày ứng chiến trong hầm đại liên nhìn ra tuyến, đọc thơ Thanh Tâm Tuyền, đọc sách Phạm Công Thiện để nhìn thấy qua lỗ châu mai thấy những sợi mây bay. Ðọc, để cảm khái:

    • “hiền sĩ đọc thơ bên lều cỏ
      tôi đọc thơ giữa chốn ba quân
      cách nhau mỗi ngày là mỗi lạ
      huống hồ trên dưới mấy trăm năm
      hiền sĩ có trăng treo ngoài ngõ
      để lâu lâu ngắm nghía đỡ buồn
      tôi có gì đâu ngoài súng nhỏ
      máng đầu giường chạm gió kêu khan
      hiền sĩ có cây già tựa gối
      có chim ngàn ở ẩn chia vui
      tôi có gì đâu ngoài nón trận
      tránh đạn bom nhờ chút hên xui.”


    Có những bài hành đọc lên hụt hơi ngút ngàn hào khí. Những câu thơ dồn dập suy tưởng ào ào lối nghĩ. Những câu thơ dài theo nhịp trống quân hành, những câu thơ của từng phút giây mênh mang cảm giác. Tôi đọc “Biên Cương hành” thơ Phạm Ngọc Lư:

    • “Ðây biên cương, ghê thay biên cương
      tử khí bốc lên dày như sương
      đá chảy mồ hôi rừng ứa máu
      rừng núi ta ơi đến chia buồn
      buồn qúa gỉa làm con vượn hú
      nào ngờ ta con thú bị thương
      chiều hôm bắt tay làm loa gọi
      gọi ai nơi viễn xứ tha phương?
      Gọi ai giữa sơn cùng tận
      Ai người thiên cổ tiếc máu xương?
      Em đâu, quê nhà chong mắt đợi
      Hồn theo mây trắng ra biên cương
      Thôi em, yêu chi ta thêm tội
      Vô duyên xui rơi lược vỡ gương
      Ngày về không hẹn ngày hôn lễ
      Hoặc ngày ta mắt nhắm tay buông
      Thôi em, chớ liều thân cô phụ
      Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường
      Nơi nơi lạnh trăm dòng sông Dịch
      Kinh Kha đời nay cả vạn muôn
      Há một mình ta xuôi biên tái
      “nhất khứ bất phục phản” là thường.”


    Như gió mây hội ngộ, hành quân qua bến phà Mỹ Thuận gặp bạn đánh chén say mèm. Thơ Hà Thúc Sinh như tiếng cười ngạo nghễ tràn đầy cảm khái. Cười như cuộc sống là một trò đùa và trò chơi đánh trận như là một cuộc cút bắt với thiên thu:

    • “Hãy cạn ly chết bỏ
      tôm cua cá lươn sò
      lương ta còn nguyên vẹn
      còn cả cái Seiko
      Cửu Long giang ra biển
      Sẽ chẳng trở về đây
      Chiến tranh hề gặp gỡ
      Có chắc lần thứ hai
      Mai mỗi thằng mỗi ngả
      Thằng Cà Mau, Năm Căn
      Thằng Bình Dương, Bình Giả
      Thằng địa ngục thiên đàng
      Nhưng ta không sợ chết
      (hơi ngán què đôi chân)
      còn mày sao lại khóc
      cứ cười lên đi con
      ta anh hùng tứ xứ
      há thua những bông hồng
      nơi rừng U Minh Hạ
      còn dám nở dưới bom
      cứ cười như họng súng
      bắn cuộc đời vỡ toang
      ha ha ha ha ha
      như họng súng
      ha ha ha
      đời vỡ toang”.


    Ðọc thơ Cao Thoại Châu. Ðọc thơ Vũ Hữu Ðịnh. Ðọc thơ Hạc Thành Hoa. Ðọc thơ Hồ Minh Dũng. Ðọc thơ Trần Tuấn Kiệt. Ðọc thơ… Ðọc thơ… Những bài thơ tiếp nối nhau từ sông ra biển, từ nơi chốn này đến địa danh khác. Thơ, trong suốt đêm mưa hôm nay, đã thành một không gian của trăm chiều chuyển động, của xôn xao cảm giác, của nhớ và quên lẫn lộn, thấy mình và người quấn quít hình nhân. Tôi đọc thơ mê mải. Tôi như bơi theo dòng. Tôi như sống một thời gian không gian nào của những ngày đôi mươi của xênh xang áo trận của những lúc tưởng mình là người mang nặng mộng ước trên vai.

    Lúc ấy, mới thấy sâu xa cảm tình của những người chia sẻ với nhau nỗi niềm của chung mang thời thế. Ðể, có một lúc phải nhủ thầm trong lòng. Cám ơn những thi sĩ, những người đã góp công làm đẹp quê hương. Và, cũng phải tri ân những người thực hiện bộ sưu tập để những vần điệu thi ca của một thời kỳ được miên viễn từ cuộc hồi sinh chữ nghĩa…


    Nguyễn Mạnh Trinh


    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Nguyễn mạnh Trinh”