Người muôn năm cũ và những bài thơ hồi nhớ

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Người muôn năm cũ và những bài thơ hồi nhớ

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           



    Người muôn năm cũ và những bài thơ hồi nhớ



    Những người muôn năm cũ. Không hiểu tôi có quá lời hay không nhưng dường như họ sống mãi trong ký ức tôi. Có người nói, có hay gì trường văn trận bút, một môi truờng bề ngoài thì tốt đẹp mà bên trong thì đầy những đố kỵ tiêu cực. Tôi không có ý kiến về nhận định ấy. Nhưng đã chọn cho mình một thái độ. Chỉ trân trọng với những điều mình thấy hợp lý. Và, với những điều rác rưởi thì quên đi, coi như không có. Tôi thích những tác giả và tác phẩm, tôi viết và trân trọng đề cập đến. Còn không ưa, thì tôi chọn sự bỏ quên. Cũng tự nhiên, như tôi chọn những trang sách để đọc. Nếu thích đọc đến trang cuối cùng. Nếu không thì xếp lại, bỏ vào trong một góc khuất nào đó. Là người đọc, tôi có quyền tự do theo chủ quan mình. Là người viết, tôi cũng có quyền thành thật với những suy nghĩ và cảm nhận riêng cũng như chịu trách nhiệm về những điều mình diễn tả…



    ____________________________________________



    Người muôn năm cũ. Thi sĩ Nguyên Sa





    Tôi hồi nhớ về nhà thơ Nguyên Sa. Thật ra tôi đã “biết” ông từ lúc còn là cậu bé học sinh trung học, nắn nót viết những bài thơ “Cần Thiết”, “Áo Lụa Hà Đông” vào trang sách bìa cứng mà tôi gìn giữ và trân trọng suốt tuổi hoa niên. Còn tôi “quen” ông là lúc mà tôi định cư ở Hoa Kỳ những năm đầu thệp niên 1980 ở một nhà in của người bạn. Cảm giác đầu tiên của tôi là gặp một ông già vui vẻ và phóng khoáng. Bề ngoài ông không có vẻ gì là một thi sĩ. Áo bỏ ngoài quần lè phè với đôi dép kiểu sabot cao và luôn đội mũ trên đầu, tôi đã có một cảm giác lạ. Tôi giữ lễ, ăn nói cẩn trọng nhưng ông bảo cứ gọi bằng anh, đã cầm bút rồi thì coi như một nhà. Tôi không ngờ ông chấp nhận mình một cách nhanh chóng như vậy. Và sau này, khi đã có nhiều dịp tiếp xúc, nói chuyện và nhiều khi cộng tác với ông, tôi tìm dược nhiều chân dung trong ông, của một thi sĩ, của một nhà báo và cả của một người làm thương mại. Nhưng theo tôi mẫu người nổi bật vẫn là chân dung thi sĩ. Bao nhiêu lần ông nói với tôi về suy tưởng một ngôn ngữ mới cho thi ca tương tự như ngôn ngữ không bị giới hạn của hội họa và âm nhạc. Bao nhiêu lần ông nói với tôi về bố cục và nội dung của trường thiên tiểu thuyết Giấc Mơ. Và cũng bao nhiêu lần ông nói về một tờ báo Thời Nay mà ông ấp ủ ý định sẽ thực hiện. Lúc cuối đời, ông đã thực hiện những trang báo Thời Nay, tờ báo mà ông “phong” cho tôi làm chủ bút. Và tôi đã muôn vàn ân hận xin lỗi ông, tôi vì bận việc cũng như biết với tính khí của mình khó làm cho tờ báo thành công nhưng tôi cũng không dám từ chối thẳng vì sợ làm ông buồn vì đã phụ tấm lòng tốt của ông. Tôi càng ân hận hơn nữa, khi ông nằm trong bệnh viện, thập tử nhất sinh mà vẫn còn hỏi tập thơ Nguyên Sa tập bốn và tờ báo Thời Nay đến đâu rồi… quả thực, ở những giây phút cuối của trần thế, ông vẫn còn vương vấn với bút mực văn chương.

    Ngày 18 tháng Tư là ngày giỗ của ông mỗi năm. Tôi mang hoa đến mộ ông buổi sáng sớm trước khi vào sở và trong ngaỳ cũng có lúc dứng trước kệ sách ngắm mấy cuốn sách của ông. Những cuốn sách hình như có tiếng nói thầm thì. Của câu thơ không bao giờ quên trong bộ nhớ của người yêu thi ca. Của khung trời Sài Gòn đầy kỷ niệm. Của một cuộc chiến còn âm vọng mãi đến ngàn sau qua những trang sách giở. Của thành phố Paris của một khí hậu văn chương mới mang về cho văn học Việt Nam.

    Tôi làm thơ tưởng niệm. Tưởng niệm nhà thơNguyên Sa với bước chân trở về một thời quen biết. Của một đứa học trò tinh nghịch ưa chọc phá thầy nhưng cũng biết nghe những lời thầy tâm sự, cũng biết đọc những câu thơ những bài viết với sự liên cảm sâu xa. Tháng Tư, bài thơ tưởng niệm:

    • Tháng Tư người đi hành trang là gió

      Hôm nay hình như có sợi mây hồng

      Thổi vào thiên thu nhịp tim sóng vỗ

      Dấu chân vết còn bảy sắc cầu vồng

      Câu hỏi quẩn quanh nửa khuya tỉnh thức

      Tháng tháng ngày ngày bèo bọt như sông

      Đời cõi tạm ai phân vân mộng thực

      Như “có cũng xong mà không cũng xong”

      Tháng Tư người đi hành trang là nắng

      Một thuở Paris câu hát bềnh bồng

      Đôi mắt hạt dẻ màu phai im vắng

      Mi liếc khép rồi cuối nỗi nhớ mong

      Tự hỏi thâm tâm có đành quên lãng

      Trời chợt mưa mau ai lạy trời mưa

      “Tháng giêng và Anh” thẫn thờ dĩ vãng

      phong tỏa đường về thoáng mấy âm xưa

      Tháng Tư người đi hành trang thao thiết

      Mặt nước sông Seine vẫn tạnh buồn tênh?

      Đứng giữa đỉnh trời vẫy tay vĩnh biệt

      Ai ngẩn ngơ quanh mấy đợt sóng ghềnh?

      Không gian có đủ nỗi sầu thế kỷ

      Sao vằng vặc trời cũng lúc về ngôi

      “Giấc mơ” mênh mang mấy thời nghiệp dĩ

      phải “tôi đưa người hay người đưa tôi”

      Tháng Tư người đi hành trang vô tận

      Chiếc lá còn bay “Tám phố Sài Gòn”

      Tiếng guốc quạnh không cuối hồn đứng ngẩn

      Màu lụa Hà Đông làm nhớ vết son

      Đất thẳm trời cao buồn như ga đợi

      Ngọn đèn vàng lu buồn nỗi xưa sau

      Nhủ thầm với lòng đừng nên bước vội

      Nhưng “chậm thế nào thì cũng phải xa nhau”!



    Người muôn năm cũ. Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền





    Nhà thơ mà khi còn trẻ, tôi đã đọc với sự say sưa về những chân trơì thi ca mà thi ca thời tiền chiến chưa có. Có thể nói, vào thời điểm ấy, một phong trào làm mới thi ca đã sôi nổi trong lớp người viết vàảnh hưởng sâu xa đến người đọc. Phải viết khác đi, những câu thơ vần đã trở thành cũ xưa. Phải có hình ảnh mới cho thi ca biểu hiện. Phải có không gian mới cho thi ca bay bổng. Và có tinh thần mới, tiên phong đi về phía trước tạo thành động lực để tao sinh khí văn chương. Thơ Thanh tâm Tuyền của thời sáng tạo đã thôi thúc những nhà thơ trẻ lên đường.

    Nhưng sau năm 1975, thơ của ông lại trở về những bài thơ giản dị cũ và chất phức tạp cũng như suy tưởng triết lý bớt đi.

    Trong tập sách “La Part d’Exil” có lời biện giải của tác giả “Thơ Ở Đâu Xa” về trường hợp làm thơ của mình:

    “…Đối diện với hiện trạng hỗn loạn sống mơ hồ không chủ đích của thời điểm sau 1975, tôi có cảm giác đã sống xong cả cuộc đời, phần còn lại của cuộc sống tôi chỉ là dư thừa và không đáng quan tâm tới nữa. Hoàn toàn là ảo vọng. Năm đó, chế độ mới bắt tôi vào trại tập trung cải tạo như các bạn bè tôi, những kẻ cùng chia sẻ và cam chịu sự lưu đày lên những vùng ma thiêng nước độc, bình thản, dửng dưng, không hy vọng nhiều nhưng cũng chẳng tuyệt vọng lắm. Tôi đã có ý nghĩ mình đã “biến mất” và chẳng có ngày trở về, như bọt bèo trôi trên sóng lịch sử. Tại sao không? Nhưng, quả là sự lầm lẫn. Người ta đưa tôi lên vùng thượng du Bắc Việt, cô lập với thế giới bên ngoài. Tôi sống trong thiên nhiên, “tự do hạn chế với chỉ tiêu gỗ mỗi ngày” với nhiều cơ hợi để trốn trại. Nhưng mỗi ngày lao động qua đi, tôi vẫn trở về trại giam theo con đường cũ. Tại sao lại có tình trạng ấy? Và tại sao tôi lại phản ứng như vậy? Có phải là trường hợp kẻ trắng tay hoặc nỗi niềm của người tuyệt vọng tận cùng khi bị bỏ rơi? Lúc đó, là niềm hy vọng không hiện hữu của môi trường chẳng thể thẩm thấu qua với tình trạng không liên hệ. Chẳng có điều gì rõ rệt với tôi. Nhưng, tôi nhủ thầm, mình sẽ hồi sinh, nghĩa là thi ca trở về và ngự trị. Tôi thật sung sướng trong hoàn cảnh ấy. Tôi nhút nhát e lệ như khi sáng tác những bài thơ đầu. Tôi giấu diếm mọi người, kể cả bạn tù, tôi không dám đưa họ đọc. Cuộc sống ngày lại ngày vô cùng dửng dưng, không lý tương lai, chẳng nề dĩ vãng, không phập phồng hiện tại, thì thử hỏi, còn lại chi cuộc đời? Điều hiện hữu hiển nhiên ở trong bạn, có sẵn không mong muốn. Để qua đi, tất cả những ngày đen tối, những đêm mưa gió, thời tiết lạnh căm, bão bùng của những mùa tiếp qua mùa…Tôi tìm niềm vui riêng từ những nỗi niềm hiện diện trong tôi. Và, tôi mang vác độc nhất sự thực luôn luôn có mặt và ẩn khuất trốn lánh trong thân thế tôi…”

    Có người cho rằng thơ bây giờ và thơ xưa cũ của Thanh Tâm Tuyền có vóc dáng khác biệt nhau. Một giản dị chân thật có khi còn cổ điển của “Thơ Ở Đâu Xa”. Một kiểu cách trí thức phức tạp nhiều suy tư nặng cách khai phá của “Liên, Đêm Mặt Trời Tìm Thấy” hay “Tôi Không Còn Cô Độc”.

    Riêng tôi, trong cảm nhận mình, tôi nghĩ vẫn chỉ là một, nhưng biểu hiện bằng hai phương cách. Nhiều chất suy tư, thi sĩ đã biểu hiện tình cảm mình theo từng trường hợp khác nhau. Thơ, rốt cuộc chỉ là biểu hiện của con người thực, lãng mạn, và cố vượt thoát những mê lú đờithường, những khó khăn trở ngại của con đường nhân gian đầy gai chông.

    Đọc những trang thơ, thấyhiển hiện những sinh hoạt của trại tù. Dù bị trù dập, dù bị đè nén, nhưng vẫn là thái độ rõ ràng, thua trận nhưng không bại hoại tư cách. Và, ở tất cả, vẫn nhú lên những mầm nụ của yên lành, vô ngại vô ưu.

    • “Mặt trời hồng như trăng

      Thức lòng ta buổi sớm

      Gió núi thổi rộn ràng

      Gọi nghe biển dậy sóng

      Đứng vững không khuỵu chân

      Trên mảnh đất nghèo khổ

      Thở hít tận vô cùng

      Ngây say đóa hồng rợ.

      Vang vang trời vào xuân

      Ta bật kêu mừng rỡ

      Ơi bè bạn xa xăm

      Tim ta cũng cháy đỏ

      Rực thắm bóng trăng ngần”


    Một bài thơ khác, hơi cổ điển, thất ngôn bát cú, nhưng lai láng tình cảm của phút giây xúc động thực, của nỗi niềm trao gửi nhau Thơ không có hơi hướng Đường Tống xa xưa mà lại có nét sinh động của một hiện tại mà tâm sự với bạn bè cùng nhau thì miên man không dứt như biển cả. Bài “Thư gửi P. L. P. ở K5T1”

    • “Nhớ bạn như đang nhớ thuốc lào

      Đường gần nhưng cách trở xiết bao

      Mấy năm không gặp nhau rồi nhỉ?

      Râu tóc long đong hẳn bạc phau?

      “Đằng ấy” còn chăng nét “tiếu ngạo”

      “tớ đây” vẫn giữ vẻ “tiêu dao”

      Mong ngày hội ngộ nằm chung chiếu

      Tán gẫu qua đêm như độ nào.”




    Thanh Tâm Tuyền đã nói về trường hợp làm thơ của mình:

    “Và làm thơ trong trại cải tạo, đó cũng là trở về với thi ca bình dân. Chế độ lao động trong trại rất căng thẳng, một ngày tám tiếng, một tuần bảy ngày không nghỉkhông cuối tuần. Mỗi tù nhân có một mảnh chiếu tạo thành một thế giới riêng, sắp lớp hai hàng sáu chục người thành một phòng trên trăm tù. Viết là một xa xỉ từ chỗ ngồi và thời gian để viết. Với một đời sống có nhịp điệu như thế, hối hả chụp giựt cộng lẫn đói lạnh… làm sao có ai nghĩ đến chuyện sáng tạo? Ngay cả đến bực thiên tài cũng chẳng thể vượt qua được những “khó khăn” ghê gớm này. Tuy nhiên người Việt có câu “làm thơ” chứ không ai nói “viết thơ”. Ấy, người ta có thể làm thơ bất kỳ lúc nào, bất cứ ở đâu, đi, đứng nằm ngồi bất kể… Thơ gặp anh, không hò hẹn trước mà cũng chẳng định rõ ngày giờ. Người ta không thể kiếm nó vì chẳng biết đâu mà tìm. Bạn chỉ có độc một việc: đón nhận nó, trò chuyện cùng nó… Và, chỉ một yêu sách duy nhất: hãy giữ vẹn tiếng nói chân chất của bạn. Tiếng nói này, sau sẽ định rõ số phận riêng nó. Nó, chính là nàng thơ, luôn ẩn mật, có lúc vào bằng chính lộ nhưng đôi lúc vào bằng hẻm nhỏ. Hãy lắng nghe. Nàng thơ hay đeo mặt nạ, khuôn mặt khuất sau tấm voan che kín, nếu ký ức không tỉnh táo, sẽ chẳng thể nào nhận diện nàng. Trong khi lao động hụt hơi nàng tới. Đột nhiên, giữa đồng, giữa rừng, nàng ngưng. Nàng ra lệnh cho bạn ngưng tay. Bạn sẽ bắt đầu nhìn trời đất, quên trong một phút những việc làm theo phản xạ. Nàng kéo lôi bạn trong cơn ru êm ả. Trong hiện hữu tự nhiên, là nguồn vui. Bởi, khi nàng thơ rời bỏ, bạn trở lại cuộc sống và nhận diện để thấy đời như một nhịp thơ. Như vậy, khi làm việc bằng chân tay, đôi tai bạn sẽ đuổi theo nhịp điệu và tiết tấu bài thơ. Sự hài hòa này đem đến yếu tố kết hợp giữa công việc (vốn hạn định những động tác) –và ký ức(đang ghi nhận để chứa đựng)…”

    Ít có người như Thanh Tâm Tuyền, ông viết rất nhiều bài về thơ, và luôn đề cập tới trường hợp của mình như một ví dụ. Từ thời Sáng Tạo, ông đã viết: “Nỗi buồn trong thơ hôm nay” và sau này mấy chục năm sau ông viết “Kinh nghiệm làm thơ trong tù”, cũng là một cách chiêm nghiệm, suy tư về thơ. Thơ của ông hình như lúc nào cũng gần gũi với ý thức và với một tâm hồn nhạycảm tràn đầy những giấc mơ, những câu thơ nhiều khi chỉ là những âm động báo thức để thi sĩ rời khỏi giấc miên du và nhìn lại vào cuộc sống.

    Văn tiểu thuyết của một người thất bại thì thơ là của bóng đen, của những nỗi niềm của một thế kỷ xa lạ.

    • “Một người da đen một khúc hát đen

      bầu trời đen sâu không cùng

      những giòngnước mắt

      xé nát thân thể bằng tiếng kèn đồng

      bằng giọng của máu của tủy của hồn bắt đầu ngày tháng

      giữa rừng không lời rừng mãi trống không

      ném mình ném đám đông vào trần truồng tủi cực hờn xác thịt

      tan vỡ hôm qua hôm nay kể gì ngày mai

      tôi rằng không quên chẳng thể được quên

      vì Blues không xanh vì điệu Blues đen

      trên màu da nức nở…”


    Làm thơ hồi nhớ một chân dung thơ là một cách thế để nhớ lại một thời cảm nhận và suy tư về thi ca của mình. Trong bộ nhớ của tôi, thơ của ông có bóng dáng của một thời trân trọng với văn chương và thi ca là những tuyệt đỉnh của tâm tư lãng mạn của thời trẻ tuổi.

    Tưởng niệm Thanh Tâm Tuyền. Là những bước chân đi về một thời của lãnh địa mới định hình từ thôi thúc tiến lên tiên phong trên con đường sáng tạo. Chữ nghĩa, có lúc đã trở thành thiêng liêng của bùa chú. Văn chương có lúc là đích đến của một cuộc khởi hành vào xa vời. Lửa hồng của tuổi trẻ nhen lên thôi thúc lên đường. Một lãng mạn của những người đang trong cơn đồng thiếp của sáng tạo.

    • Tưởng niệm thi sĩ Thanh tâm Tuyền:

      Chàng thi sĩ đi vào lũng biếc

      Mây quàng vai lửa dãi trong đầu

      Con ngựa hồng xoãi vó biền biệt

      Bé thơ ơi, khăn đỏ cất đâu?



      Và bây giờ hạt mưa phơi phới

      Như thuở nào hiu quạnh rừng sâu

      Gắng điềm nhiên không chờ chẳng đợi

      Ngõ trở về mù mịt đã lâu



      Nhớ thuở co quắp trong lán chật

      Nhịp lạ lùng tâm thất bồi hồi

      Thấy đời ai nỗi còn chuyện mất

      Trăng khuyết rồi con nước đầy vơi



      Chàng thi sĩ giở trang lịch sử

      Thơ tinh khôi tia nắng rạng đông

      Liên, hỡi Liên, mấy lời ẩn dụ

      Đôi mắt ai thiên cổ mênh mông



      “Hãy khóc bằng đôi mắt em

      những cuộc tình duyên Budapest”

      trang giấy trắng vô tự còn nguyên

      những cuộc đời chẳng bao giờ chết.



      Tay nâng niu nhành hoa của đá

      Quê hương đâu phơn phớt mây hồng

      Ơi cố đô phố phường chưa lạ

      Phục sinh đời trong nghĩa có, không



      Chàng thi sĩ một mình bến vắng

      Như thuở nào hiu hắt chiều đông

      Ngôn ngữ ẩn trong niềm thinh lặng.

      Ý với lời quanh quất chạy vòng.



      “tôi gào tên tôi thảm thiết

      thanh tâm tuyền”

      thế kỷ này đốt rồi quá khứ

      khói thuốc lào có đủ cơn mơ

      ở xứ người chó sói sao hú?

      bước chân ai đi tìm hư vô?



      và nỗi buồn chẳng có lệ giọt

      thôi giã từ Hà Nội Sài Gòn

      trong trái tim hơi thở còn sót

      chút nỗi niềm thời đại lưu vong…”




    Người muôn năm cũ. Thi sĩ Phạm Công Thiện




    Hình như ở chân dung của ông, bóng dáng thi sĩ bao trùm tất cả. Với ông thi ca đã thành một tôn giáo thiêng liêng.

    Phạm Công Thiện là một khuôn dáng văn chương rất có ảnh hưởng với những lớp sinh viên học sinh ở miền Nam của thập niên 70,80. Thời gian ấy, những cuốn sách như “Ý Thức Mới trong Văn Nghệ và Triết Học”, “Hố Thẳm của Tư Tưởng”, “Ngày Sanh của Rắ”,… là những cuốn sách cầm tay của giới trẻ. Từ tác phẩm của ông, mở ra nhiều những cánh cửa. Trước hết, ông là một người sáng tạo nhiều suy tư về cái Mới, về những ngã đường có thể khá lạ lùng đến khi kỳ dị nhưng hấp dẫn. Văn học sẽ phải có những thay đổi, nhất là trong hoàn cảnh một đất nước chiến tranh như Việt Nam. Ngay cả khi làm thơ, thi sĩ như người của hành tinh lạ lạc đến, với ngôn từ khá lạ lùng như đoạn VI của tập “Ngày Sanh của Rắn”

    • “tôi chấp chới

      đắng giọng

      giữa tháng ngày mơ mộng

      nốt ruồi của hương

      hay nốt ruồi của rigvéda

      tôi mửa máu đen

      trên nửa đêm paris

      tôi giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng

      tôi thủ dâm thượng đế sinh ra loài người

      cho quế hương nằm ở nhà thương điên của trí nhớ

      mặt trời có thai!

      Mặt trời có thai!

      Sinh cho tôi một đứa con trai mù mắt”

    Nếu bảo giải thích từng câu từng chữ thì có lẽ chính cả tác giả cũng lúng túng. Thơ là những hình ảnh rải rác, thoạt tưởng không liên quan với nhau nhưng trong trình tự cảm nhận lại có một ý nghĩ nào len vào bất chợt những liên tưởng. Có người cho rằng những từ ngữ như thủ dâm thương đế, giao cấu mặt trời, mặt trời có thai, tạo ra cảm giác tức thì với hình tượng có hơi dung tục ấy. Đó là một cảm nhận. Nhưng, ngay ở thời điểm bây giờ, đọc lại câu thơ, chúng ta vẫn có thể bắt gặp được nét khai phá một cách rõ ràng. Thơ là một cái gì, khác thường lắm, có lúc rất gần cận cuộc sống mà có lúc lại xa nghìn trùng…

    Không hiểu sao mỗi lần lái xe đi ngang qua những con sông cạn ở thành phố Westminster hay Santa Ana tôi lại thấy bồi hồi. Có một liên tưởng nào từ lòng sông tráng xi măng ở giữa chơ vơ một dòng nước chảy nhỏ nhoi cạn cợt. Cái cảm giác của thiên nhiên bị khuất phục ấy của một dòng nướcmùa nắngnhắc tôi tớinguồnnước ào ào sục sôi sau những cơn mưa. Một thi sĩ đã viết:

    • “Ừ, ta bây giờ như sông cạn

      Nước vũng làm sao thành biển khơi

      Chí lớn dưng không thành chuyện vãn

      Mỉm cười còn mất chuyện muôn đời…”


    Có hay không, cái tượng hình của Dịch Kinh, hà trung vô thủy? Sông mà không có nước, có phải là sông không? Hay chỉ là gợi ý tới những đi mà không đến. Một câu thơ của Seamus Heaney, thi sĩ giải Nobel văn chương năm 1995trong thi tập The Haw Lantern, chỉ có hai câu:

    • “The riverbed, dried up, half full of leaves.

      Us, listening to a river in the trees”.

      (Lòng sông, cạn khô, một nửa phủ đầy những chiếc lá

      Cho chúng ta, đang lắng nghe một dòng sông chảy trong cây)


    Thi sĩ Phạm Công Thiện đã viết như sau về hình ảnh sông cạn rất thơ mộng này mà chúng ta nhiều khi ít quan tâm khi ngang qua trong nhịp đời hối hả mỗi ngày:

    “… Tiếng nói của thơ là dòng nước tuôn chảy bất tận, dù lòng sông có cạn khô chăngnữathì hồn sông vẫn chảy mãi trên cao… Sông đang chảy trên cây và trong cây lá, và sự lắng nghe ở đây đã nhập lưu (sơ văn trung/nhập lưu vong sở), không phải chúng ta lắng nghe dòng sông mà chính dòng sông đã chảy vào trong thi nhân, lòng sông khô cạn ở dưới đã nhập vào con sông chảy trên cây; lòng sông khô cạn nửa đầy những chiếc lá thả hồn rào rạt với sông lá trên cao (Hồ Dzếnh: “có một nghìn cây rũ rượi buồn/ Một nghìn sông rét vạn hoàng hôn”. Vũ hoàng Chương “Đáy sông bừng dựng Lầu Thơ? Giấc mơ Hồ Điệp chẳng mơ cũng thành”)… Tại sao phải làm thơ? Tại sao phải lắng nghe một lần như chưa từng biết nghe trọn đời? Tại sao phải nhìn thấy được một lần duy nhất như chưa từng biếtthấy bao giờ? Thi nhân đã một lần nhìn thấy; còn chúng ta thì hãy lắng nghe một dòng sông chảy bất tận trong rặng cây rào rạt chiều hôm nay…”

    Tôi nhớ có lần nhà thơ Phạm Công Thiện nói chuyện với tôi về kinh nghiệm đọc thơ của ông. Lúc ấy, đêm đã khuya và ông có ngôn ngữ của một Lưu Linh đang trong cơn đồng thiếp. Ông đọc thơ Pháp, thơ Anh, thơ La tinh, thơ Việt Nam tiền chiến và hiện đại. Đọc xong rồi bình, hình như văn chương đã lôi ông vào một cơn mộng.

    Nói về kinh nghiệm để có thể tiếp cận với thơông đọcmột bài thơ thật nhiều lần và sau mỗi lần đọc như thế đều tìm ra những cảm nhận khác nhau. Cảm nhận ấy bắt nguồn từ giây phút rất thiêng liêng để con người bắt gặp được những sáng ngời lộng lẫy. Sự kiện ấyJ ames Joyce đã gọi là “a sudden spiritual manifestation” (biểu hiện tâm linh bất ngờ) hay “epiphany”(sự linh hiện). Tương tự, như Xuân Diệu: “phất phơ hồn của bông hường/trong hơi phiêu bạc còn vương máu hồng/ nghe chừng gió thoáng qua song…” đó, chính là hồn của thơ, của những giây phút linh hiện mà chỉ có những người tài tử cảm nhận được.

    Ở Phạm công Thiện, cái chất thơ đã thành nét đặc thù tinh tế cho văn chương ông. Viết khảo luận, ông mang cái kiến thức rộng lớn tích tụ từ sách vở cùng với hồn thơ để thành những bước đi lãng mạn vượt qua những khô khan câu thúc. Là một triết gia, cái nhận thức để thành những trang giấy cũng có chút thi ca bồng bềnh vào để thành một triết gia thi sĩ. Cái chất lãng tử trong văn chương là một nét thấy rõ. Phạm Công Thiện viết:

    “… tất cả đời sống văn xuôi tẻ nhạt, những công thức, những danh vọng, những khuôn mòn lối cũ, những địa vị xã hội, những mẫu mực khuôn xếp đã thụt lùi ra đằng sau, chỉ còn lại nước chảy của dòng sông và mây chiều của đại dương: mây ở trên cao trôi dưới dòng nướcrong rêu của khe biển nho. Thi nhân từ bỏ tất cả lại đằng sau lưng và bước tới trước băng qua cây cầu gỗ mong manh…”

    Viết về thơ SeamusHeaney, nhưng trong dòng chữ có cảm khái riêng của một người mà thi ca đã thành máu xươngda thịt cho đời sống. Viết những cuốn sách triết học giữa hồn thơ lai láng, cũng giống như viết những trang tùy bút màchữ nghĩa đã thành những trân trọng nâng niu nhất. Cầm cây bút trong trạng thái tuy phong trần từng trải nhưng vẫn còn sót nét ngây thơ của một người tin tưởng vào những điều nghĩ rằng cần phải tìm kiếm được bằng suy tưởng. Với đời thường, ông sống như lạc lõng bất kể. Nhưng với văn chương, ông là người tinh tế và có can đảm rủ bỏ tất cả để đi lại những bước khởi đầu.

    Người muôn năm cũ. Ở trong bộ nhớ người yêu thơ, giữa những trang giấy trắng có phải là lời vô tự là nhạc vô thanh? Đọc thiên kinh vạn quyển, soạn tự điển từ lúc còn trẻ tuổi, là những cuộc phiêu lưu mà ở đó, mất còn, thành bại, có không chỉ là những bước chân xê dịch qua sợi chỉ mịt mù chẳng còn phân biệt. Tu hành có phải là cuộc phiêu du qua sông chưa ướt áo mà tờ độ diệp đã trống trơn hai bàn tay. Vàgiữa những cơn mộng, giữa giọt nắng soi để tìm kiếm chân như, thì có phải “thiên kinh vạn quyển một đời, ôm con mà vẫn rong chơi lạ lùng, đất trời thiên dịa mông lung, vài trang sách thấy trùng trùng tâm tư”…

    Tưởng niệm Phạm Công Thiện. Là bài thơ cho một giấc mơ của trang giấy trắng còn nguyên tiền kiếp:

    • “Thiên kinh vạn quyển một đời?

      Trắng hoang trang giấy mù khơi tấc lòng

      Thiền sư tịnh khẩu chưa xong

      Thấy con hồng điệp xoay vòng dỡn chơi

      Thiên kinh vạn quyển một đời?

      Bụi vàng đỏ một chỗ ngồi phần thư

      Mất còn đâu biết chân như

      Lời thiêng gửi lại khởi từ nắng soi

      Thiên kinh vạn quyển một đời?

      Men nồng nhen lửa rã rời nỗi riêng

      Qua sông vạt áo còn nguyên

      Tờ độ diệp đã một miền rụng rơi

      Thiên kinh vạn quyển một đời?

      Trần gian chỉ mộng làm người chưa quên

      Kiết già đêm vẫn bình yên

      Thơgiăng cánh mộng mông mênh đỉnh trời

      Thiên kinh vạn quyển một đời?

      Ôm con mà vẫn rong chơi lạ lùng

      Đất trời thiên địa mông lung

      Vài trang sách thấy trùng trùng tâm tư…”



    Nguyễn Mạnh Trinh.



    Nguồn:http://vietluan.com.au




              
Trả lời

Quay về “Nguyễn mạnh Trinh”