Xe lôi

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Xe lôi

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Xe lôi



    Hiện nay xe lôi đạp hay gắn máy vẫn còn một số rất ít hoạt động “chui” ở một vài thị tứ tỉnh lẻ vì kế sinh nhai mặc dầu lệnh cấm lưu hành xe ba bánh thô sơ có hiệu lực tại các tỉnh miền Nam từ năm 2007. Nhiều bài viết cho rằng xe lôi xuất hiện từ cuối thập niên 30 sau khi xe xích lô được du nhập vào Sài Gòn mà dân miệt vườn gọi là xích lô Tây và sau đó xuất hiện xe lôi tại các tỉnh miền Nam. Như vậy xe lôi là một hình ảnh đặc trưng của miền Nam. Sài Gòn thời đó lại không có xe lôi.


    Xe lôi là phương tiện di chuyển công cộng đặc trưng ở miền Nam – Nguồn: Hinhanhvn


    Một điều đáng suy gẫm khi cha của người bạn tôi làm việc trong ngành giao thông Sài Gòn từ thời ông Diệm kể rằng việc xích lô xuất hiện tại Ðông Dương (Việt Nam, Campuchia và Lào), là do độc quyền khai thác loại xe thô sơ phục vụ giao thông công cộng hơn là thực hiện văn minh đô thị. Bởi lẽ thời điểm đó, xe xích lô hay xe lôi đã trở thành một kiểu dáng xe văn minh nhất thay thế xe kéo “người ngựa”, có thể chở đến hai người hoặc hàng hoá cồng kềnh. Kiểu xích lô gọi là Tricycle (xe ba bánh) chở người và hàng hoá ở phía trước đã có mặt tại Pháp trước khi xe kéo tay xuất hiện tại Ðông Dương. Hình ảnh chiếc xích lô có tính chất thuộc địa hơn.


    Các bà buôn bán miệt vườn rất thích sử dụng xe lôi đạp – Nguồn: Hinhanhvn


    Trong khi đó xe kéo tay cũng xuất hiện tại các nước Thái Lan, Singapore, Malaysia, Bangladesh, Ấn Ðộ lại thuộc các nước do người Anh cai quản. Xe Rickshaw (xe kéo) của người Anh biến thể thay thế người phu kéo xe bằng chiếc xe đạp. Tony Wheeler viết trong cuốn Chasing Rickshaws rằng xe lôi có mặt tại Singapore vào thập niên 1920. Xem ra xe lôi có mặt ở châu Á còn sớm hơn xích xô cả chục năm. Riêng tại thủ đô Dhaka của Bangladesh, xe lôi bùng nổ từ đầu thập niên 40 và hiện nay vẫn còn đến 400,000 chiếc hoạt động tại đô thị đông dân này.

    Xe lôi đạp có mặt khắp nơi tại các tỉnh thành miền Nam với số lượng còn nhiều hơn giữa thập niên 40. Ba người bạn tôi làm nghề chạy xe lôi tại vùng quanh khu vực chùa Bà kể, xe lôi đạp và xe lôi gắn máy là phương tiện kiếm sống của cả chục ngàn người ở Châu Ðốc, Cần Thơ, Long Xuyên… Hồi ông chừng 10 tuổi (1935) thì đã thấy xe lôi có mặt tại Châu Ðốc, xe kéo tay ở thị xã rất ít, chừng chục chiếc.


    Xe lôi có thùng như xích lô gọi là “xe vua” ở Cần Thơ đầu thập niên 70 – Nguồn: Hinhanhvn


    Tuy sống ở Châu Ðốc nhưng gia đình của người bạn đồng nghiệp của tôi lại không có đất ruộng, mặc dầu vậy nhà ba má người bạn lại có một căn nhà gỗ rất rộng, nằm sát mé sông. Bà mẹ bán mắm ở chợ, ông bố chạy xe lôi đạp rồi xe lôi gắn máy thời trước 75. Sau 1975 lại trở về xe lôi đạp. Gia đình người bạn kiếm sống vất vả nhưng không đến nỗi không lo được miếng ăn, lo cho con cái học hành đầy đủ. Ðiều quan trọng trong lời ông kể rằng vào năm 1965 ông về Mỹ Tho bên quê vợ chơi có thấy xích lô đạp quanh khu vườn hoa Lạc Hồng nhưng cũng chỉ loe hoe vài chiếc cùng với số nhiều là xe lôi.

    Xích lô lần đầu du nhập vào Sài Gòn khoảng cuối thập niên 30 do một nhà đầu tư công nghiệp người Pháp tên Pierre Coupeaud, người đầu tiên thành lập hãng Pedi-Cab ở Phnom-Penh, và khoảng cuối thập niên 40, ông thành lập hãng Pedi-Cab ở số 6 đường Marine Wharf (Bến Vân Đồn ngày nay). Ban đầu có vài trăm chiếc nhưng đến giữa thập niên 50, số xe có đăng bộ hoạt động nghề xích lô tại Sài Gòn gia tăng nhanh chóng, đã hơn 6,500 chiếc trong đó có nhiều nhà cho thuê xe.

    Trong khi đó, nghề xe lôi được thả nổi và phát triển mạnh tại các thành phố tỉnh lẻ ở miền Nam mà không cần phải đăng bộ. Chỉ đến khi bước vào thập niên 60, xe gắn máy xuất hiện, xe lôi đạp được cải tiến thành xe lôi gắn máy, thì sở giao thông mới bắt buộc người hành nghề phải đăng bộ xe để dễ quản lý và kiểm soát đóng thuế. Trong thời gian này, một số xích lô xuất hiện tại Tân An và Mỹ Tho


    Lính Mỹ đóng quân ở miền Nam trước 1975 và xe lôi – Nguồn: Hinhanhvn


    Vấn đề chính là không biết ai “phát minh” ra xe lôi hoặc người đầu tiên chế tạo thùng xe có cái càng gắn vào cốt yên xe đạp cũng như tại sao xích lô đạp không xuất hiện ở các tỉnh miền Nam đã gây nhiều tranh luận trên mạng xã hội.

    Ðó là lần đầu tiên tôi được ngồi lên băng ghế gỗ xe lôi khi theo ông anh bà con về thăm quê ngoại. Xe lôi đạp có thùng xe thấp, lòng thùng hẹp chở được chừng hai người. Dầu vậy thùng xe được chế thêm miếng ván dày đặt ngang phía đối diện để tiện chở hàng cho các bà buôn bán trái cây rau quả miệt vườn hoặc chở thêm người. Một số thùng xe không có mui kéo tấm vải bạt che mưa, số khác lại có tấm bạt che sau lưng cho người ngồi sau, người ngồi băng trước đối diện đành chịu hứng nắng mưa. Lần đầu tiên đi xe lôi trên đoạn đường dài bảy tám cây số ở Càn Long tôi thấy thú vị hơn đi xích lô ở Sài Gòn. Có lẽ đường phố Sài Gòn hẹp, không gian chật chội nhà cửa, xe cộ ngược xuôi trên đường làm tôi có cảm giác xích lô chạy nhanh hơn. Ở thôn quê, không gian thoáng đãng, đồng ruộng xanh tươi và lòng đứa bé 9 tuổi háo hức muốn nhìn cảnh vật khác lạ của miền quê so với thành phố nên cảm thấy xe lôi chạy chậm và hình ảnh người phu xe lôi đạp hiền lành chất phác hơn anh phu xe xích lô Sài Gòn tranh giành giật khách.



    Thùng xe lôi mỗi vùng mỗi khác, có khi thùng dài mái bằng. Nguồn: Terragalleria



    Xe lôi ở nhiều tỉnh có hình dạng thùng xe khá đa dạng. Có thùng nhỏ, có thùng to bề ngang, có thùng dài thùng ngắn. Chuyện thùng xe chế tạo rộng ra chỉ với mục đích chở thêm người dành cho xe lôi gắn máy. Từ thập niên 50 xuất hiện các loại xe gắn máy của Ðức, máy chạy mạnh như Goebel, Puch, người ta dùng gắn vào thùng xe lôi và cả xe ba gác đạp thành ba gác máy để vận chuyển hàng hóa nhiều hơn nhanh hơn. Sau này có thêm xe lôi gắn máy các loại xe Honda của Nhật.

    Xe lôi gắn máy ở Sóc Trăng và Cần Thơ có hình dạng thùng xe giống nhau. Thùng bầu giống thùng xe xích lô, có mui vải cong trùm che nắng mưa chuyên chở hành khách mà người ta gọi là “xe vua” chở hai người. Xe lôi thùng dài có mui bằng chở bảy tám người hoặc hàng hóa của dân buôn thường thấy ở vùng biên giới Tri Tôn, Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang. Xe lôi có mặt ở hầu hết tại các tỉnh miền Nam, riêng đặc biệt tại vùng sông rạch Cà Mau không có xe lôi vì phương tiện di chuyển chính vẫn là ghe thuyền, vỏ lãi.


    Xe lôi tại Châu Đốc -Nguồn: Hinhanhvn


    Có lẽ xe gắn máy ngày càng nhiều trong mỗi gia đình nên dùng xe lôi làm phương tiện cũng giảm bớt. Hơn nữa các phương tiện văn minh hơn như taxi cũng phổ biến, xe lôi càng bị thu hẹp lại chỉ là hình ảnh thân yêu trong ký ức.


    Trang Nguyên

    Nguồn: http://baotreonline.com

              
Trả lời

Quay về “ký ức thương yêu”