Trang 1/1

Mậu Thân 1968 : Huế , quê hương mất

Đã gửi: Thứ tư 10/01/18 10:02
bởi Bạch Vân
  •           


    Mậu Thân 1968 : Huế , quê hương mất







    Tôi là người Huế, sinh ở Huế, nhưng không lớn lên từ đó, không có kỷ niệm, không nhung nhớ, không một mối tình. Giữa tôi và Huế là xa lạ, dửng dưng, không mong ước trở lại. Nhưng, tôi đã sinh ra ở đấy, đất đai đó là nơi trú ngụ đầu tiên. Và cũng chính trên mảnh đất này bạn bè tôi đã đánh những trận đầu tiên trong thành phố, những người bạn từ Sài Gòn, từ một tỉnh miền Nam, từ miền Bắc di cư vào, họ đã chết lạnh lùng, bất ngờ nằm xuống giữa đám gạch xanh rêu không sinh khí. Vậy nên tôi phải viết về Huế. Viết cho tuổi thơ đã qua, lần trở lại bi thảm, viết về một mất mát, nhưng tôi cũng viết cho những tìm thấy thật cảm động. Cảm động rưng rưng nước mắt, cảm động của buổi tái ngộ oái oăm. (…)

    Chúng tôi trở lại Huế bằng máy bay trực thăng trong ngày mùng bốn Tết Mậu Thân. Trời thật lạnh, mưa phùn, u ám thê lương bao phủ thành phố. Máy bay nghiêng nghiêng trên đà xuống, hạ thấp dần, khu doanh trại Bộ chỉ huy Sư Đoàn 1 Bộ Binh. Chúng tôi ùn ùn kéo ra khỏi phi cơ. Sau ba ngày đánh nhau ở Quảng Trị với số mất mát khá lớn mặc dù chúng tôi đã được cả một đống vũ khí chất đầy một GMC. Mới đây, Giao thừa chúng tôi còn gọi nhau trong máy truyền tin để chúc tụng những lời đầu xuân, rồi ngày mùng một, tôi nhớ rõ, bốn giờ sáng, từ đó là khởi đầu máu chảy… (…)

    Lần đầu tiên của đời lính, tôi đánh nhau trong thành phố và hủy diệt thành phố. Huế, Huế của tôi vừa tìm được, Huế của Việt Nam luôn cố duy trì để trường cửu đang sụp đổ, đang cháy đỏ tươi. Trước mắt tôi, tường vôi, mái ngói bị ném lên tung vỡ. Lửa cháy thành ngọn yêu ma kinh dị. Lửa củi, lửa than nghe ấm, nghe vỗ về. Lửa nhà cháy có tiếng kêu như than, như khóc, như tức tưởi, nhu hú lên vì sợ. Lửa nhà cháy ở thành phố là lửa tai ương, lửa bất hạnh, lửa có mùi… Mùi người chết, mùi của xương, của da, của thịt bị nung nóng thành than, thành một vật chất quái dị, khô đặc, nứt nẻ, đụng vào thấy ươn ướt nhầy nhầy…
    Huế trước mặt tôi sụp đổ từng miếng một, nghe đau xót như tình nhân bị cưỡng hiếp. Tôi đã từng chứng kiến nhiều đám cháy ở Kiến Hòa, Bồng Sơn… Tiêu điều, tan nát! Đúng như vậy, nhưng chưa đến độ thấm đau đến phải bật khóc. Ở Kiến Hòa thì thấy tiếc – phải – chỉ tiếc nuối một phần vật chất bị hủy hoại. Nhưng Huế cháy, gạch bát tràng, ngói âm-dương, tượng Di Lạc, tượng Thích Ca, Kim Cang, Thiện-Ác, lớp rêu trên viên đá, đầu trường thành cây kiểng trồng từ đời Gia Long, Khải Định…

    Tất cả chúng đều có linh hồn, không chỉ là đất đá, cây cỏ thuần túy… Chúng có kỷ niệm trong lòng, chúng là vết tích hoài hoài mà chúng ta luôn nhớ. Đó là cổng thành vua đã đi qua, đó là Phú Văn Lâu nơi xướng danh những người thi đỗ, này cung vua, lầu Hoàng hậu, con đường đi có mái để đưa hậu về cung son. Con người đã đi qua, nhưng dấu vết lịch sử còn đó. Tôi người mới lớn trên quê hương, thấy lạc loài, bây giờ vừa tìm được, mong tay bắt mặt mừng, thì Huế đã cháy, đã đổ. Tôi thấy đau, đau ngẩn ngơ, như thuở bé có món đồ chơi, rồi phải tự tay đập phá. Chiếc cổng thành xây bằng đá tảng đi qua mát lạnh mênh mông, bây giờ đổ xuống thiểu não như một thi thể già nua. Phi cơ xuống ầm ầm, tiếng nổ, đám khói mù mịt… Huế rên lên từng tiếng não nùng, tiếng kêu la gào thét của những mái cung điện, hàng cửa sổ trên lầu Ngọ Môn. Vong linh tiền nhân còn có nơi đây? Không còn ai! Chỉ còn bức tượng đá đăm chiêu nhìn ra một sân chầu bị trốc ngược. (…)

    Chết, chết ở đâu cũng có, vì đạn, vì mảnh, vì hơi ép, vì chôn sống. Một ngàn cách chết, đầu đường, góc phố, xác chết nằm cong queo, nằm thẳng cẳng, sấp ngửa, kinh hoàng, uất ức, trăn trối… Làm sao nói cho hết, làm sao nói cho cùng. Hỏi trời, hỏi đất, hỏi Thượng Đế… Tôi muốn hỏi, muốn kêu, muốn hét nhưng hình như mọi phản ứng đã thừa, đều thiếu hụt, không đủ nghĩa. Im lặng. Chỉ có tiếng than im lặng đó, chỉ có nó. Chỉ có nó vang lên, vang lên.

    Phi trường Phú Bài, đoàn quân sau mười lăm ngày lửa đỏ đi trong nghẹn ngào xơ xác, không tăng viện được, chúng tôi trả lại Huế cho đơn vị bạn. Đoàn quân im nín, trong mắt mọi người đều sáng lên ánh lửa – Xin cho tôi xa nơi này, nơi địa ngục. Riêng tôi, tôi hứa rằng sẽ trở lại. Trở lại nơi đây, nơi bạn bè tôi đã nằm xuống không quan tài, vùi xuống ở khoảng địa cô quạnh bên cạnh đồn Mang Cá. Tôi sẽ trở lại nơi đây vì tôi bỏ qua hình ảnh những gã trai hai mươi, mười chín, những cô gái muốn làm anh hùng ngã tắt, những trí thức làm dáng một lần vì mặc cảm rồi lao theo quỉ sứ. Những kẻ đó mới hôm qua còn tầm thường, còn đứng trong bóng tối, nay trở thành ủy viên, nay làm cách mạng, mang AK, đeo băng đỏ đi xe Honda, Suzuki, ném lựu đạn… Ôi cái ảo tưởng anh hùng sao mà vẫn còn hấp dẫn đến thế!

    Tôi quên những hình ảnh lố bịch và đáng phẫn nộ đó vì tôi biết rằng ở Phú Cam, người Huế đã chống cự bằng Garant, Carbin M.1 suốt mười mấy ngày dài. Họ đã chiến đấu trong dũng cảm nhất với ý thức rõ ràng về sự chọn lựa cho con người một vị thế. Đáng lẽ tôi phải viết thêm để nói về trận đánh bi tráng và tuyệt vọng của tiểu đoàn tôi, tiểu đoàn 2 và 7 Nhảy dù trong suốt mười lăm ngày, kể từ ngày mùng một và mùng hai Tết… Những trận đánh từ làng Đốc Sơ nơi cầu An Hòa vào đến sân bay Tây Lộc. Những đơn vị bạn đã chiến đấu trong đơn độc không yểm trợ để chiếm cho được cổng An Hòa. Tôi phải nói cho rõ, nói cho cùng cái can đảm thần thoại của Đại đội 92 với quân số trên bốn mươi người, chỉ hơn một trung đội Mỹ năm người, Thành “Râu”, đại đội trưởng bị thương phải chống gậy chỉ huy chiếm cửa Thượng Tứ, bị kẹt lại suốt hai ngày đói và khát.

    Tôi phải nói cho hết niềm kinh hoàng tột độ của thằng bạn thân – Lô – đại đội trưởng 74, người cao chỉ đến một thước sáu, lưng mang máy truyền tin, vừa chỉ huy vừa liên lạc, sử dụng luôn khẩu đại liên 60 chận địch cho quân sĩ rút lui trước, bị thương gãy chân kẹt giữa hai lằn đạn trong suốt một buổi chiều. Nhưng khốn nỗi tôi không tham dự trực tiếp trận đánh nên không thể viết trung thực được và điều giả dối ai nỡ đem vào trong văn chương. Nên nhân cảnh loạn ly tôi nói đến con người. Không nhớ có ai đã phán ra câu đại để: “Trong gian nguy mới nhìn rõ mặt người”. Điều này đúng quá, những ngày khói lửa ở Huế, tôi mới có dịp để nhìn thấy người Huế, người của quê hương từ lâu tôi không gặp (…)

    Những người bạn tôi đã trốn ra khu trong những năm trước, nay trở về với chức ủy viên này nọ. Tôi không hiểu có những gì đã biến đổi những người trẻ tuổi đó, những trí óc trẻ trung vị tha, trí thức ngày nào bây giờ trở nên những tâm hồn cứng rắn, trì trệ, hung tàn và hiếu sát. Có gì đã biến đổi họ để ủy ban nhân dân có đủ quyết định chôn sống từng loạt người sau trường tiểu học Gia Hội? Công chức, thuế vụ, công chánh, cảnh sát… Tội ở đâu? Hay vì đã từng bắt giữ một người đi xe đạp không đèn, người ấy bây giờ làm ở ủy ban nhân dân?! (...)

    Người Việt cộng vào thành phố, được đón tiếp bởi những kẻ nằm vùng, chính lớp người này mới thật khó chịu, hống hách, cuồng sát và thâm hiểm một cách đáng sợ. Hình như bao nhiêu mặc cảm yếu đuối, thừa thãi từ bao năm được bù trừ lại bằng vinh quang nhất thời, họ hối hả hưởng cho hết cái uy quyền què cụt trong giây lát. Họ tố người này, bắt người kia, tuyên án giết người thể như một trò đùa. Những tên trẻ tuổi tay mang băng đỏ, lưng đeo AK, lái xe Honda lượn khắp thành phố, kênh kiệu và tàn ác như một loài thú. Một cô gái trong ba ngày tố khổ và tuyên án gần hai mươi người. Nữ sinh viên mắt sáng, mũi cao, đẹp thật tươi, nhưng sao độc ác đến ngần ấy? Khi tiểu đoàn tôi bắt được, cô ả kháng cự lên tiếng thách thức, nhưng khi nòng súng của Sơn Bum dí vào người, cô gái mới tỏ vẻ sợ hãi. Tôi nghĩ rằng giây phút sợ hãi đó là cơn tỉnh giấc của một thời gian mộng du đẫm máu.

    Người Huế thuở xưa đã thực hiện một chiến công không thành nhưng biểu lộ cách can đảm hùng tâm, dùng sức người vây hãm, tấn công vào khu Morin của người Pháp trấn giữ đầy vũ khí. Mùa xuân năm nay cũng vậy, những con người bình thản như dòng sông kia đã chịu đựng nghiệt cảnh bi thảm không biên giới, và họ đã chiến đấu hết sức của một người. Khu Phú Cam, bằng Garant và Carbin M1, thanh niên và lính chuyên môn ở các trại quân cụ, công binh đã chống cự với Việt cộng cho đến ngày cuối cùng. Và tôi nghĩ rằng hình ảnh bi tráng nhất của chiến tranh này là trong buổi Huế điêu tàn, người Huế đã hát quốc ca khi lá cờ Vàng dần lên cột cờ loang lổ dấu đạn… Người Huế đã cất cao giọng hát trong gió lạnh, hòa mưa bay khi nước mắt lăn dài trên gò má. Huế ơi! Quê Hương! Tôi muốn khóc hôm ấy. Tôi muốn khóc biết bao nhiêu…


    Tháng 2-1968. Huế Mậu Thân

    Bút ký của Phan Nhật Nam

    Nguồn:https://www.tinhthantranvanba.com