Huế --- Xuân Mậu Thân 1968

Trả lời
Ngoc Han
Bài viết: 1577
Ngày tham gia: Thứ tư 20/05/15 14:24

Huế --- Xuân Mậu Thân 1968

Bài viết bởi Ngoc Han »

  •           



    Tết Mậu Thân 1968 ở Huế nhìn từ một nhà văn cộng sản ở Hà Nội
    • Lê Duẩn
      nghe báo cáo về sự thật Tết Mậu Thân bịt tai bỏ chạy.
    • Tướng Giáp
      là người duy nhất trong Bộ Chính Trị lên tiếng không đồng tình với ý tưởng Tổng Công Kích, Tổng Khởi Nghĩa Xuân 1968
    Trích
    'Về Với Dân' của Phạm Đình Trọng
    viết cho Bauxite Việt Nam (10-2013)



    Part 3:
    Khắc Khoải Xuân Mậu Thân 1968

    ___________________________________________________________




    Sau năm 1975, học xong khóa I trường Viết Văn Nguyễn Du, tôi có hai năm làm việc ở Ban Ký Sự Lịch Sử Quân Sự thuộc Tổng Cục Chính Trị.

    Ban có nhiệm vụ hoàn thành bản thảo bộ ký sự lịch sử “ Trận Đánh Ba Mươi Năm ” gồm 5 tập. Từ 1945 đến 1975, ba mươi năm chiến tranh được chia ra làm năm giai đoạn, mỗi giai đoạn là một tập sách.

    Gần ba mươi nhà văn, nhà báo quân đội chia làm năm nhóm, mỗi nhóm hoàn thành một tập bản thảo. Tôi và nhà văn Đào Thắng được bổ xung về Ban ở giai đoạn cuối và làm tập năm do nhà văn, Thượng Tá Nam Hà làm trưởng nhóm. Gặp gỡ các tướng lĩnh, những người hoạch định các chiến dịch, những người chỉ huy những trận đánh. Đọc hồi ký của các tướng lĩnh quân đội miền Bắc, quân đội miền Nam, quân đội Mỹ. Sục vào các kho hồ sơ lưu trữ...

    Nguồn tư liệu gốc ngổn ngang đó cho chúng tôi hình dung đầy đủ và chính xác từng chiến dịch từ cơn cớ ban đầu, đến diễn biến ở bản doanh, diễn biến ở mặt trận và giá máu phải trả. Từ đó chúng tôi cũng nhận ra những góc khuất của chiến tranh, những góc khuất của lòng người. Người háo danh, háo quyền lực đã không tiếc máu xương của hàng triệu người lính và dân lành để thỏa mãn sự háo danh đó.....




    Đầu năm 1967, Bí Thư Trung Ương Cục miền Nam, Đại Tướng Nguyễn Chí Thanh mới từ mặt trận miền Nam trở ra Hà Nội đã cùng Bí Thư Thứ Nhất Ban chấp hành trung ương đảng Lao Động Việt Nam Lê Duẩn hình thành ý tưởng Xuân Mậu Thân 1968 Tổng Công Kích, Tổng Khởi Nghĩa, giành thắng lợi quyết định và chỉ đạo cục Tác Chiến Bộ Tổng Tham Mưu làm kế hoạch thực hiện.

    Trong mười một ủy viên Bộ Chính Trị, Tướng Giáp là người duy nhất lên tiếng không đồng tình với ý tưởng Tổng Công Kích, Tổng Khởi Nghĩa Xuân 1968. Theo ông sức mạnh chiến tranh của quân Mỹ, quân đồng minh ở Nam Việt Nam và quân đội Sài Gòn đang trên đỉnh cao với hơn nửa triệu quân Mỹ và quân đồng minh, gần một triệu quân Sài Gòn. Chưa đủ thời gian thấm đòn chiến tranh nhân dân của ta, hơn nửa triệu quân Mỹ với máy bay chuyển quân bay rợp trời, xe tăng dàn trận bò kín đất đang chủ động mở những cuộc hành quân lớn đánh vào vùng đất quân giải phóng kiểm soát. Lúc đối phương lực đang còn mạnh và thế đang lên mà dốc vốn vào tổng công kích trận cuối cùng chỉ cháy túi, kiệt vốn, tự sát. Căn cứ quân nước ngoài không đặt trong thành phố, thị xã. Đánh vào tất cả thành phố, thị xã, trung tâm hành chính đông dân là nhằm vào người dân. Đẩy mức độ ác liệt của chiến tranh lên cao ngay trong thành phố là mang chết chóc đến cho dân lành và dàn mỏng lực lượng ta ra phơi mình trên địa hình trống trải, lạc lõng trong đường phố bàn cờ nhằng nhịt sẽ bị tiêu diệt đến người lính cuối cùng, chỉ tự chuốc lấy thương vong lớn, không thể có chiến thắng quyết định.

    Thời điểm này chỉ nên mở cuộc tập kích chiến lược: Bất ngờ đồng loạt đánh vào tất cả các căn cứ quân Sài Gòn, quân Mỹ và đồng minh trên toàn miền Nam, cùng với tiêu hao sinh lực là đánh mạnh vào tinh thần chiến đấu của đối phương, thúc đẩy phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ đòi Chính Phủ đưa con em họ về nước, tạo ra bước ngoặt về cục diện chiến tranh. Khi yếu tố bất ngờ không còn, sức mạnh của đội quân khổng lồ, sức mạnh của vũ khí, sức mạnh của công sự phía đối phương được phát huy thì ta phải thu quân bảo toàn lực lượng cho những chiến dịch đánh lớn và quyết định tiếp theo.....

    Lý giải đúng đắn đó của Tướng Giáp chỉ là một ý kiến lẻ loi đã bị bỏ qua.
    Tháng 6 năm 1967, dưới sự chủ trì của Bí Thư Thứ Nhất Lê Duẩn, hội nghị trung ương 14, khóa ba quyết định Tổng Tấn Công và Tổng Khởi Nghĩa Tết Mậu Thân 1968.

    Chiều 5. 7. 1967, Bí Thư Trung Ương Cục miền Nam Nguyễn Chí Thanh được Chủ Tịch Hồ Chí Minh mời cơm trước hôm lên đường trở lại miền Nam triển khai chiến cuộc Xuân Mậu Thân 1968. Từ bữa cơm đạm bạc, thân tình ở ngôi nhà sàn trong phủ Chủ Tịch trở về nhà riêng ở phố Lý Nam Đế, Bí Thư Trung Ương Cục miền Nam rạo rực nghĩ đến chiến thắng trong tầm tay. Niềm tin chiến thắng Xuân Mậu Thân mạnh đến nỗi suốt đêm đó Bí Thư Trung Ương Cục miền Nam Nguyễn Chí Thanh âm thầm vui sướng đến mất ngủ. Quá phấn khích, rạng sáng ngày 6.7.1967, ông bị cơn nhồi máu cơ tim cướp đi mạng sống.

    Còn Bí Thư Thứ Nhất Lê Duẩn, đồng tác giả Tổng Công Kích Xuân Mậu Thân 1968, cũng có niềm tin vững chắc vào chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968 đến mức ông đã trù liệu cả việc giành độc quyền chiến thắng, không cho những đối thủ chính trị được ghé tên, chia phần chiến thắng của ông bằng cách không để Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp có mặt ở trong nước trong suốt thời gian chuẩn bị và quá trình diễn ra chiến cuộc Xuân Mậu Thân 1968. Không có mặt ở trong nước là không can dự gì vào chiến cuộc Xuân Mậu Thân 1968. Chiến cuộc Xuân Mậu Thân 1968 chỉ hoàn toàn từ Lê Duẩn, do Lê Duẩn, của Lê Duẩn.

    Từ 5.9.1967, Hồ Chí Minh cùng người thư kí riêng thân tín đã phải lẻ loi, âm thầm rời đất nước sang Bắc Kinh nghỉ ngơi theo “quyết định của Bộ Chính Trị và hội đồng bác sĩ”!

    Gần bốn tháng sau, mãi đến 23.12.1967 Hồ Chí Minh mới được điện mời về để tham dự cuộc họp Bộ Chính Trị ngày 28.12.1967 và để đọc lời chúc Tết Mậu Thân 1968 cho đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam ghi âm. Xong việc, ngày 2.1.1968 Hồ Chí Minh lại tất tả, lủi thủi lên máy bay sang Tàu.

    Là Chủ Tịch Đảng, Chủ Tịch nước, có quê hương đất nước, có mấy chục triệu thần dân sùng bái mà Tết Mậu Thân 1968 tuổi già Hồ Chí Minh phải đón Tết bằng bánh bao, cơm Tàu, trong cô đơn, trong trống vắng lạnh lẽo nơi đất khách quê người như một kẻ thất thế lưu vong, không người thân thích, không hoa đào mứt tết, không bánh chưng, dưa hành. Đối xử như vậy với đương nhiệm Chủ Tịch đảng, đương nhiệm Chủ Tịch nước lại đã ở tuổi 78, thật tệ bạc, tàn nhẫn và độc ác!

    Lại nữa, với âm mưu gì mà bố trí để một người già gần 80 tuổi đi chuyến bay vào đêm đông giá rét? Rồi khi máy bay hạ cánh trong đêm thì người lái lâu năm thuộc đường băng liền phát hiện ra đèn sân bay lệch mười lăm độ, máy bay phải lượn đến vòng thứ hai vẫn không dám hạ cánh. Báo cho sân bay nhưng đèn dẫn đường hạ cánh vẫn không thay đổi. Nếu là người lái chưa thuộc đường băng cứ hạ cánh theo đèn dẫn thì máy bay đã trượt khỏi đường băng và nổ tung rồi. Nhờ người lái lão luyện thuộc đường băng như thuộc đường ngõ xóm nhà mình nên cho máy bay hạ cánh theo trí nhớ, nhờ thế máy bay mới an toàn, người đi chuyến bay đó là Hồ Chí Minh mới còn mạng sống.

    Không biết trong toan tính giành độc quyền chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968, Bí Thư Thứ Nhất Lê Duẩn có tính đến sự cố chuyến bay chở Hồ Chí Minh hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm đêm 23.12.1967 không nhỉ? Một sự cố nghiêm trọng như vậy mà cho chìm xuồng lặng lẽ, không điều tra làm rõ cũng là điều rất không bình thường. Sự cố tày đình đó do sơ xuất của những người quản lí, khai thác sân bay gây ra, tất sẽ được tìm ra và truy cứu trách nhiệm đến nơi đến chốn. Không được điều tra làm rõ, chỉ có thể là sự cố được bí mật tạo dựng bởi quyền lực tối cao như từ trên trời rơi xuống, không ai dám đụng đến, không thể khui ra, thôi đành cho qua!

    Trong những ngày Hồ Chí Minh sống khắc khoải cô đơn bên Tàu thì Võ Nguyên Giáp cũng phải ngậm ngùi sống ở trời Tây Hungary hiu quạnh.

    Chiến cuộc Xuân Mậu Thân 1968 đã diễn ra đúng như những gì Võ Nguyện Giáp đã cảnh báo: Mang chết chóc đến dân lành và đội quân ở rừng đánh vào thành phố, ở lại giữ thành phố đã phải chịu tổn thất nặng nề nhất trong suốt cuộc chiến tranh ba mươi năm.

    Hai bên tham chiến đã thỏa thuận ngừng chiến dịp Tết Nguyên đán để người dân được bình yên ăn tết. Bội ước thỏa thuận, đúng giao thừa Tết Mậu Thân, đêm 31.1.1968 lịch tây, đội quân ở rừng do Hà Nội chỉ huy, thực sự là đội quân miền Bắc, nổ súng đánh vào tất cả các thành phố, thị xã, thị trấn trên toàn miền Nam. Bị bất ngờ, quân miền Nam và đồng minh không kịp phản ứng, đành để mất nhiều khu vực trong các thành phố, thị xã cho đội quân miền Bắc làm chủ. Tình thế này dẫn đến hai hậu quả.
    • Một.
      Vùng thành phố, thị xã do quân miền Bắc làm chủ trở thành nơi chiến sự ác liệt nhất, nơi tập trung bom đạn của cả hai phía, nơi tắm máu dân lành. Thành phố Huế là nơi quân miền Bắc ở lại lâu nhất, 28 ngày, cũng là nơi tang thương nhất. Hơn 116 000 ngôi nhà bị tàn phá, trong đó 9 776 ngôi nhà bị san bằng, 3 776 dân lành bị bom đạn giao tranh giết chết. Đội quân từ rừng về coi những người dân làm việc trong bộ máy hành chính của chính quyền Sài Gòn hoặc liên quan đến chính quyền Sài Gòn đều là kẻ thù, là ác ôn phải loại bỏ. Chiến dịch diệt ác trừ gian nhằm vào dân thường cũng diễn ra khốc liệt nhất ở khắp các thành phố, thị xã.
                
    • Hai.
      Đội quân miền Bắc đánh vào thành phố chỉ nhờ yếu tố bất ngờ mà giành được thắng lợi ban đầu. Yếu tố bất ngờ không còn, đội quân đánh vào thành phố từ chủ động thành bị động, phải lấy thế yếu, thế bị động, thế cô lập, bị bao vây, chia cắt, phơi mình ra trên địa hình đường phố trống trải và lạ lẫm đương đầu với thế mạnh áp đảo của đội quân miền Nam. Cố giữ các thành phố, thị xã, những trung tâm hành chính để hòng dựng lên một chính quyền cách mạng thay thế chính quyền Sài Gòn nhưng càng cố giữ thành phố, thị xã thì các thành phố, thị xã miền Nam càng trở thành vực thẳm không đáy chôn vùi quân miền Bắc.

      Đơn vị sau thế chỗ đơn vị trước đã bị xóa sổ nhưng đơn vị thế chỗ càng về sau quân số càng ít ỏi! Nhiều đơn vị, cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, cả du kích bị xóa sổ nhiều lần! Nhiều đảng bộ, chi bộ hy sinh trắng không còn một đảng viên!
              


    Tết Mậu Thân 1968 là thảm họa người Việt giết người Việt với quy mô lớn nhất, quyết liệt nhất, mê say nhất, tàn bạo nhất và số người bị giết lớn nhất, phải tính tới con số hàng trăm ngàn mà bên bị tổn thất về người nặng nề nhất chính là đội quân dồn dập đánh vào các thành phố, thị xã miền Nam dưới sự đôn đốc từ Hà Nội do sự háo danh của người nhiều tham vọng quyền lực.

    Lứa nhà văn quân đội chúng tôi hình thành trong cuộc chiến tranh Nam Bắc được Tổng Cục Chính Trị tập hợp về từ giữa năm 1976 đến mùa hè năm 1984 vẫn đang có mặt đông đủ ở Vân Hồ Ba, Hà Nội. Và Vân Hồ Ba Hà Nội trở thành địa chỉ thường xuyên lui tới của những người cầm bút đất kinh kỳ.

    Một buổi chiều muộn nhà văn Bùi Bình Thi phóng xe máy từ nhà sáng tác Quảng Bá, Hồ Tây đến Vân Hồ Ba hấp tấp kể với chúng tôi câu chuyện nhà văn vừa chứng kiến về người khởi xướng vụ tắm máu Tết Mậu Thân 1968 chạy trốn, chối bỏ trách nhiệm trước người dân, trước lịch sử.
    Sau một ngày đóng cửa hì hục viết, trước bữa cơm chiều, các nhà văn đang ở trại sáng tác Quảng Bá thường sang phòng nhà văn quân đội, Đại Tá Xuân Thiều tán chuyện đợi nhà bếp mở cửa. Chiều nay vừa đủ mặt thì bỗng Tổng Bí Thư Lê Duẩn cùng người bảo vệ xuất hiện ở cửa phòng.

    Từ đại hội lần thứ tư cuối năm 1976, đảng Lao động Việt Nam đã đổi tên thành đảng Cộng sản Việt Nam và chức Bí Thư Thứ Nhất đổi thành Tổng Bí Thư. Khu nhà nghỉ của cơ quan Trung Ương đảng Cộng sản bên Hồ Tây, cách nhà sáng tác của hội Nhà Văn dăm phút đi bộ. Tổng Bí Thư Lê Duẩn đang nghỉ ở đó. Buổi chiều ông đi dạo và ghé vào nhà sáng tác của các nhà văn.

    Các nhà văn đều là đảng viên Cộng sản nhận ra Tổng Bí Thư của mình liền nồng nhiệt đón tiếp. Tổng Bí Thư vui vẻ hỏi tên từng nhà văn. Nghe nhà văn Xuân Thiều tự giới thiệu là Đại Tá, Tổng Bí Thư tươi cười hỏi:
    • Đại Tá hỉ? Nhà văn Đại Tá hỉ? Tốt hỉ?
    Nghe nhà văn Bùi Bình Thi xưng tên, ông bảo:
    • À, à, Thi lãnh đạo hội Nhà Văn hỉ?
    Nhà văn cao lớn Bùi Bình Thi có nước da ngăm ngăm đen, có khuôn mặt đầy đặn và hàng lông mày rậm giống nhà văn Nguyễn Đình Thi vội cải chính:
    • Dạ, thưa bác, cháu là Bùi Bình Thi, không phải Tổng Thư Ký hội Nhà Văn Việt Nam Nguyễn Đình Thi ạ!
    Trong không khí vui vẻ, nhà văn Xuân Thiều giãi bày:
    • Thưa bác, tôi là Xuân Thiều, Đại Tá, nhà văn quân đội. Tôi đang viết tiểu thuyết về Huế trong tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Tôi thấy Tết Mậu Thân sáu tám ở Huế chết chóc nhiều quá, mất mát đau thương lớn quá. Bộ đội chết không còn người để chôn nhau. Dân chết cũng nhiều...
    Mới nghe có thế, Tổng Bí Thư đã đứng bật dậy, đỏ mặt quát:
    • Ngu! Ngu! Đại Tá mà ngu!...
    rồi ông đùng đùng bước nhanh ra cửa như chạy trốn.




    Thực chất của Tết Mậu Thân 1968 là vậy. Đến người chủ mưu khởi xướng ra chiến cuộc Xuân Mậu Thân 1968 cũng co cẳng chạy trốn khi nghe nhắc đến Mậu Thân 1968 thì hằng năm có nên tưng bừng kỉ niệm chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968 không nhỉ?

    Chiến tranh đã qua lâu rồi. Cần thoát ra khỏi tuyên truyền tâm lí chiến, không thể coi chiến cuộc Xuân Mậu Thân 1968, người Việt giết người Việt với quy mô lớn nhất, người Việt bị giết chết nhiều nhất trong một chiến dịch, người Việt kề nòng súng vào tai người Việt bắn ngay trên đường phố là chiến thắng của bất kỳ phía nào, của bất kỳ ai.

    Trở về với bản thể con người, trở về với cội nguồn dân tộc để nhận ra rằng Xuân Mậu Thân 1968 là mùa xuân tang tóc của dân tộc Việt Nam, là trang đau buồn của lịch sử Việt Nam. .



              
    Phạm Đình Trọng
    Trích trong 'Về Với Dân'
    viết cho Bauxite Việt Nam (10-2013)
              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Khắc khoải Xuân Mậu Thân 1968

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    50 Năm cuộc thảm sát Mậu Thân (1968-2018)

    Cây cầu chính bắc qua Sông Hương, thành phố Huế bị Việt Cộng đánh sập hôm 6/2/1968

    Toàn thể dân Việt đang bước vào thời điểm tưởng niệm 50 năm biến cố Tết Mậu Thân (1968-2018). Đây là sự kiện thuộc hạng đáng ghi nhớ nhất trong Việt sử vì nhiều mối liên hệ: ý nghĩa thiêng liêng của ngày Tết dân tộc, cuộc tấn công của Cộng sản VN bất chấp tuyên bố hưu chiến, sự thất bại thảm hại của cuộc tổng tấn công về mặt quân sự và chính trị, tội ác đã gây ra cho chính Đồng bào Việt Nam, thái độ cố chấp của Cộng sản không nhìn nhận sai phạm của họ, dù đã nửa thế kỷ.

    1- Trước hết, xin nhắc lại những thời điểm then chốt: Ngày 19-10-1967, nhà cầm quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố: vào dịp Tết Mậu Thân, miền Bắc Việt Nam tự nguyện ngưng bắn từ 27-01 đến 03-02-1968 (tức 28 tháng Chạp đến 05 tháng Giêng Mậu Thân, 8 ngày). Ngày 17-11-1967, tới lượt Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam –tổ chức chính trị mà trên danh nghĩa điều hành và chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động “giải phóng miền Nam” nhưng thực chất chỉ là công cụ của Hà Nội– long trọng đưa ra tuyên bố tương tự.

    Chính quyền Việt Nam Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu dè dặt hơn nên mãi đến ngày 16-12-1967 mới tuyên bố cũng tự nguyện ngừng bắn từ 30-01 đến 01-02-1968 (3 ngày, mồng 1 đến mồng 3 Tết Mậu Thân). Sau tuyên bố vừa kể, đa phần quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng hòa được nghỉ phép ăn Tết, lệnh giới nghiêm trên toàn miền Nam được bãi bỏ…

    Thế nhưng đêm 29 rạng ngày 30-01-1968 –đúng thời điểm Giao thừa âm lịch– nhiều đơn vị quân đội và du kích Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lẫn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hoà đồng loạt nổ súng, mở đầu cái gọi là cuộc “Tổng công kích–Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968”; ở các chiến trường còn lại –do hiểu khác– đã khởi chiến đúng vào đêm 30 rạng ngày 31 tháng 1 năm 1968 (tức đêm 1 tết theo lịch miền Nam). Và chỉ trong vòng 2 ngày, chúng đã tiến vào 41 thành phố, thị xã, 72 quận lỵ, kể cả thủ đô Sài Gòn và cố đô Huế, nghĩa là đánh vào các khu dân cư. Cả miền Nam, từ chính quyền đến dân chúng đều choáng váng trước kiểu “tự nguyện ngừng bắn” này của Việt cộng.

    Choáng váng là phải, vì Dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa đến nay đều xem Tết có một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Bởi lẽ đó không những là thời điểm năm cũ chuyển sang năm mới theo định luật của trời đất, nhưng quan trọng hơn, trong văn hóa dân tộc, đó là thời gian dành cho đoàn tụ gia đình, yêu thương hòa giải, cầu mong an lành cho nhau và hy vọng tương lai tốt đẹp. Đó là lúc người ta đốt nén hương dâng lên tổ tiên và những người đã khuất trong niềm tưởng nhớ các kỷ niệm và lời giáo huấn; đó là lúc cha mẹ con cái sum vầy trong tinh thần xí xóa chuyện cũ, sống giây phút hiện tại cách đầm ấm, bên những thức ăn ngon lành và ý nghĩa hay qua những trò vui mang bản sắc văn hóa dân tộc; đó là lúc mọi người cầu chúc cho nhau và hứa hẹn với nhau những điều tốt đẹp trong 365 ngày sắp tới. Thế nhưng, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc và lịch sử bao cuộc chiến tranh trên đất nước, Việt cộng đã tung ra một cuộc tấn công những người cùng da vàng máu đỏ tại các khu vực cư dân đông đúc vào chính những giờ khắc linh thiêng nầy. Tiếng pháo đã chen lẫn tiếng súng! Rượu hồng đã hòa vào máu đỏ! Bánh tét đã trộn lẫn với thịt người !

    2- Nhằm kỷ niệm 50 năm biến cố ấy, đảng và nhà nước VC đã làm lễ ăn mừng sáng ngày 31 tháng 01 tại Hội trường Thống nhất, thành Hồ, với chủ đề “Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968”. Trước đó họ đã đồng loạt tổ chức “Hội thảo khoa học cấp quốc gia” với đề tài “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử”, và tung ra 2 bài viết ca tụng cái gọi là “chiến thắng” trong chiến dịch này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và của Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.

    Mục đích của Hội thảo được Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, xác định: “Góp phần tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội (CNXH), lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống đại đoàn kết trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Dĩ nhiên đó chỉ là tuyên truyền xuyên tạc và nhồi sọ!

    Tại cuộc Hội thảo do Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy HCM phối hợp tổ chức ngày 29-12-2017 tại Sài Gòn, nơi có các mục tiêu quan trọng bị tấn công như Dinh Độc Lập, Tòa Đại sứ Mỹ và Đài Phát thanh Sàì Gòn, các diễn giả đã tận lực khoe khoang cho cái gọi là “giá trị của cuộc tổng tiến công và nổi dậy ; khẳng định chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch HCM; tái hiện diễn biến và những nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc tổng tiến công, trình độ chỉ huy, khả năng cơ động và phối hợp chiến đấu giữa các lực lượng trên chiến trường miền Nam…”. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch thì huênh hoang nhận định: “Thắng lợi của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã khẳng định sự phát triển cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam; đặc biệt là nghệ thuật nắm bắt thời cơ chiến lược để chủ động tiến công địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh, nghệ thuật tiến công bằng các phương thức tác chiến mới giành thế bất ngờ…”. Không chỉ có thế, ông Lịch còn bịa thêm rằng: “Nhận thức rõ vai trò quan trọng của lực lượng vũ trang trong chiến tranh cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên coi trọng xây dựng LLVT ba thứ quân, nhất là xây dựng bộ đội chủ lực từng bước phát triển lớn mạnh. Theo đó, đến cuối năm 1967, lực lượng bộ đội chủ lực toàn miền Nam đã phát triển lên 278.000 người, được tổ chức thành 190 tiểu đoàn chiến đấu, bố trí bí mật trên khắp các chiến trường. Đây là một trong những nhân tố tạo sức mạnh trực tiếp, quyết định thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; đồng thời, thể hiện tầm nhìn và sự chỉ đạo chiến lược sắc sảo của Đảng ta về xây dựng LLVT nhân dân trong chiến tranh giải phóng dân tộc.”

    Làm gì có cái gọi là “Lực lượng bộ đội chủ lực toàn miền Nam” do chính người miền Nam lập ra để hình thành “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam”! Thật ra đa số trong đội ngũ này là của miền Bắc được đào tạo đưa vào Nam, phối hợp với 30 đến 40 ngàn bộ đội VC được giữ lại trong Nam mà không tập kết ra Bắc theo điều kiện của Hiệp định Geneve 1954, rồi nhập chung với du kích miền Nam để cùng đội mũ tai mèo, đi chân đất, mặc quần xà lỏn, bận áo bà ba đen và tới đâu cũng khoe là “quân giải phóng”. Chính đạo quân “nằm vùng” này là lực lượng nòng cốt để Hà Nội thành lập cái gọi là Quân đội Giải phóng và Mặt trận Giải phóng miền Nam tay sai ngày 10-12-1960. Ông Ngô Xuân Lịch cũng không ngần ngại cho rằng VC đã chiến thắng dòn dã ở Huế như sau: “Đặc biệt, với 25 ngày đêm làm chủ thành phố Huế đã khẳng định sức mạnh của LLVT ba thứ quân, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân miền Nam anh hùng”. Trong “Lễ kỷ niệm 50 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” do Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ phối hợp tổ chức với Sở Giáo dục hôm 15-11-2017, VC còn khoe khoang một cách trâng tráo lố bịch: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tại Cần Thơ chủ yếu tập trung tại vị trí lịch sử Lộ Vòng Cung, kéo dài trong 3 đợt, từ ngày 30-01 đến ngày 30-09-1968, loại khỏi vòng chiến 25.000 tên địch, phá hủy 228 máy bay, cùng nhiều đồn bốt, súng các loại ?!?

    3- Điều lạ là tất cả nội dung VC dành tung hô biến cố MT đã không có một chữ hay con số nào nói lên sự tổn thất lớn lao của bộ đội miền Bắc và quân du kích trong Nam. Nhưng người ta còn nhớ khi bộ phim tài liệu dài 12 tập “Mậu Thân 1968” (đầy dối trá vì phủ nhận việc thảm sát thường dân và các hố chôn người) được bắt đầu chiếu trên đài Truyền hình VN từ ngày 25-01-2013, nữ đạo diễn Lê Phong Lan đã cho biết lý do làm phim trễ: nhà cầm quyền VC coi vụ Mậu Thân là “vấn đề nhậy cảm” chẳng ai muốn nói đến. Đó là vì -Lê Phong Lan nói- “sự tổn thất của quân đội nhân dân Việt Nam ở sự kiện này quá nhiều. Tâm sự với tôi khi trả lời phỏng vấn, nhiều chỉ huy các sư đoàn dạn dày chiến trận còn khóc nức lên vì thương lính. Đó là lý do duy nhất”. Trên thực tế, cả quân miền Bắc lẫn du kích miền Nam đã thiệt hại rất nặng. Theo ước tính của các chuyên gia quân sự thì trong cuộc tấn công ấy, VC đã vận dụng từ 323,000 đến 595,000 quân chính quy và địa phương trong Nam để thực hiện kế hoạch chống lại khỏang 1 triệu 200 ngàn quân VNCH và Hoa Kỳ, với dự kiến chiếm đóng nhiều vùng lãnh thổ. Tuy nhiên kế hoạch lớn lao của Hà Nội đã bị quân và dân VNCH được sự yểm trợ của quân đội Hoa Kỳ đánh bại. Khỏang từ 85,000 đến 100,000 quân VC bị loại khỏi vòng chiến, so với thiệt hại của bên kia là trên 6,000 tử thương, ngót 30,000 bị thương và trên 1,000 quân bị mất tích. Theo báo chí của VC tiết lộ vào năm 1998, nhân kỷ niệm 30 năm Mậu Thân, đã có trên 100,000 lính VC mất tích hay vong mạng. Ngoài ra, suốt thời gian biến cố Mậu Thân và đặc biệt tại thành phố Huế bị chiếm đóng lâu nhất, không nơi nào có “nổi dậy” của nhân dân như VC tuyên truyền từ trước cho bộ đội, và cũng chẳng có nơi nào dân bỏ phía Quốc gia chạy sang phía Cộng sản. Hà Nội quả đã thất bại thê thảm về mặt quân sự lẫn chính trị. Chính một sĩ quan cao cấp VC, thiếu tướng Huỳnh Công Thân, “anh hùng các Lực lượng vũ trang nhân dân”, tỉnh đội trưởng Long An, tư lệnh Phân khu 3 khi diễn ra cuộc “Tổng công kích–Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân”, trong hồi ký “Ở chiến trường Long An” (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân 1994) đã cho thấy ai thắng ai thua trong kế hoạch vừa điên rồ, vừa phi nhân đó. Còn “độc đáo”, “oanh liệt” hay không thì chỉ cần đọc lại những lời tuyên bố của trung tướng VC Trần Văn Trà nhìn nhận Bộ chỉ huy Cộng sản đã tính tóan sai lầm trong vụ tấn công quân sự Mậu Thân. Nhà văn Phạm Đình Trọng, trong bài viết “Về Với Dân, phần 3: Khắc khoải xuân Mậu Thân 1968”, https://nhatbaovanhoa.com/a692/tet-mau- ... n-o-ha-noi có kể rằng khi nghe nhà văn quân đội CS, đại tá Xuân Thiều trình bày: “Tôi thấy Tết Mậu Thân 68 ở Huế chết chóc nhiều quá, mất mát đau thương lớn quá. Bộ đội chết không còn người để chôn nhau. Dân chết cũng nhiều..”. Mới nghe có thế, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đứng bật dậy, đỏ mặt quát: “Ngu! Ngu! Đại Tá mà ngu!...” rồi ông đùng đùng bước nhanh ra cửa như chạy trốn. Phần Chế Lan Viên, một thi nô của VC (nhưng sám hối cuối đời) với chỉ một câu thơ, đã nói lên nhiều ý nghĩa. Ông đã mở đầu bài thơ “Ai? Tôi?” viết năm 1987 như sau: “Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng. Chỉ một đêm, còn sống có 30. Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?”

    4- Nhưng phải nói trách nhiệm lớn lao nhất của Việt cộng trước Dân tộc, trước Lịch sử chính là cuộc thảm sát thường dân tại Huế trong 25/26 ngày họ chiếm được thành phố này. Ông Nguyễn Lý Tưởng, nhà sử học, cựu Dân biểu khu vực Thừa Thiên, người đã sống vào thời điểm xảy ra biến cố Tết Mậu Thân ở Huế và các nơi khác cũng như từng tiếp xúc với một số nhân chứng của cả hai bên (Quốc gia lẫn VC hồi chánh), đã kể lại trong “Cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam tổ chức tại Vietnam Center (Lubbock, Texas, Hoa Kỳ) từ 13 đến 15-03-2008 như sau: “Các nạn nhân bị thảm sát tại Huế và Thừa Thiên được tìm thấy tại trường tiểu học Gia Hội, chùa Theravada, Bãi Dâu, Cồn Hến, Tiểu Chủng viện, khu vực phía Tây Huế gần lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh, cầu An Ninh Thượng, cửa Đông Ba, trường An Ninh Hạ, trường Văn Chí, chợ Thông, Lang Xá Cồn, gần lăng Gia Long, gần chùa Tường Vân, Đông Gi (Di), Vinh Thái, Thủy Thanh, Lương Viện, Phù Lương, Phú Xuân (Phú Thứ), Thượng Hòa, Vinh Hưng, Khe Đá Mài... tất cả 23 địa điểm tổng cộng 2326 xác chết (sọ người). Còn khoảng trên 3,000 nạn nhân thuộc tỉnh Thừa Thiên và Huế đã được thân nhân xác nhận là chết hoặc bị bắt đi thủ tiêu, mất tích... không biết họ đã bị giết chết và chôn xác ở đâu?!

    Dã man nhất là tại Khe Đá Mài (thuộc vùng núi Đình Môn, Kim Ngọc, quận Nam Hòa, tỉnh Thừa Thiên). VC đã dùng súng trung liên, đại liên, lựu đạn và mìn giết tập thể các nạn nhân, vất xác xuống dưới khe, lâu ngày thịt thối rữa bị nước cuốn đi, chỉ còn 428 sọ người, xương người dồn lại một đống. Người ta đã dựa vào các dấu vết còn lại của nạn nhân như áo len, tượng ảnh, giấy căn cước bọc nhựa... để biết được thân nhân của mình đã chết ở trong đống sọ và xương lẫn lộn đó. Đa số những nạn nhân nầy là giáo dân bị bắt ở nhà thờ Phủ Cam vào đêm mùng 5 Tết (03-02-1968)”

    Về cuộc thảm sát tại Khe Đá Mài, người viết đã có may mắn gặp được chứng nhân duy nhất còn sống của biến cố đó, đã phỏng vấn đương sự và đã ghi lại tường thuật của đương sự trong bài viết dài 6 trang A4: “Biến cố Mậu Thân-Cuộc thảm sát tại Khe Đá Mài” phổ biến tháng 11-2007, nhân kỷ niệm 40 năm cuộc thảm nạn này. (http://www.duocviet.org/2017/02/05/bien ... he-da-mai/). Những giáo dân Phủ Cam bị thảm sát trong vụ này (công chức, thanh niên, học sinh hiền lành) là nạn nhân vô tội của việc Cộng sản trả thù những chiến binh (lính chính quy và nghĩa quân VNCH) đã cầm súng bảo vệ giáo xứ suốt mấy ngày nhưng sau đó phải rút về Phú Bài vì không được tiếp viện.

    Sự tàn ác vô nhân tính của VC trong cuộc thảm sát tại Huế đã được nhà văn Đinh Lâm Thanh, hiện sống ở Pháp, chứng nhân biến cố, mô tả như sau trong bài thuyết trình dịp tưởng niệm 40 năm biến cố tổ chức tại Paris ngày 02-03-2008: “Tại Huế, CS lùng bắt thành phần quân-cán-chính, tập trung dân để tổ chức đấu tố, bắn giết, chôn sống tại chỗ một số và dẫn những người còn lại theo làm tù dân - tôi nói tù dân, vì tù là những người dân vô tội - trước khi rút lui tháo chạy trước sức tấn công mãnh liệt của QLVNCH và Đồng minh… Mỗi hố chôn tập thể từ 5, 7 người đến trên 400 nạn nhân như ở Khe Đá Mài. Những nạn nhân nầy bị thảm sát một cách dã man như : Cột chùm lại với nhau và đốt cháy bằng xăng, bắt ngồi trên mìn rồi cho nổ tan xác, chặt đầu, bắn vào ót, đập chết bằng bá súng, đóng cọc từ dưới bàn tọa lên đến cổ, trói tay chân thành từng chùm rồi xô xuống hố chôn sống”.

    Ông Võ Văn Bằng, Trưởng ban Cải táng Nạn nhân CS Tết MT nói với đài Á Châu Tự Do (RFA) năm 2008 : “Các hố cách nhau. Mỗi hố vào khoảng 10 đến 20 người. Trong các hố, người thì đứng, người thì nằm, người thì ngồi, lộn xộn. Các thi hài khi đào lên, thịt xương đã rã ra. Trên thi hài còn thấy những dây lạt trói lại, cả dây điện thoại nữa, trói thành chùm với nhau. Có lẽ họ bị xô vào hố thành từng chùm. Một số người đầu bị vỡ hoặc bị lủng. Lủng là do bắn, vỡ là do cuốc xẻng…”

    Trong bài nói chuyện tại buổi Tưởng niệm 40 năm Tết Mậu Thân, Việt Báo Gallery ngày 29-3-2008, nhà văn Nhã Ca tác giả “Giải Khăn Sô Cho Huế” đã tố cáo: “Bốn mươi năm trước đây, đúng vào giờ trưa mùng Hai Tết, tại Cửa Đông Ba Huế, chỉ mấy tiếng đồng hồ sau khi đột nhập, CS khai diễn cuộc tàn sát. Toán nạn nhân đầu tiên gồm 5 thường dân -không hề có người lính Cộng hòa nào. Tất cả bị trói, bắt đứng quay lưng vào tường thành. Dân chúng đứng coi. Súng AK nổ. Từng người gục chết. Sau cuộc hành hình, thân nhân những người bị bắn nhào ra muốn ôm xác. Họ bị đánh, bị đá, bị đuổi. Xác người bị phơi ngày phơi đêm. Nắng. Máu. Giòi bọ… Và cuộc tàn sát tiếp tục. Không bằng súng đạn mà bằng cách chôn sống. Những nạn nhân bị cột trói bằng dây điện dính chùm xếp hàng bên hố. Một vài người bị đập đầu. Cả dây người đang sống bị đạp xuống hố đè lên nhau. Cái đầu nào ngóc lên bị đập bằng cuốc. Cứ thế mà chôn hàng ngàn người. Bạn tôi, chị Tâm Túy cũng đã bị chôn sống. Khi xác đào lên, thấy hai tay chị vói lên như đang cố cào bới đất. Móng tay, móng chân mọc dài hơn. Tóc mọc dài hơn… Bạn tôi bị chôn sống khi còn đầy sức sống... Huế Tết Mậu Thân. Hàng ngàn người đã bị chôn sống như thế” (Việt Báo ngày 31-3-2008).

    5- 50 năm đã trôi qua. Nhiều chứng nhân vẫn còn sống (trong đó có kẻ viết bài này), nhiều chứng tích vẫn tồn tại (chẳng hạn ngôi mộ tập thể chôn cất xương cốt của hơn 400 nạn nhân khe Đá Mài tại núi Ba Tầng [núi Bân], phía Nam thành phố Huế, nhưng trong tình trạng bị bỏ hoang phế với trụ bia và hai bàn thờ bị VC phá hủy ngay sau tháng 4-1975), vô số tài liệu đã được công bố rộng rãi trên mạng về cuộc thảm sát cách đây nửa thế kỷ. Thế nhưng đảng và nhà cầm quyền Việt Nam vẫn quyết tâm không thừa nhận sự thật, lãnh nhận trách nhiệm, công nhận tội ác tầy trời mà chính họ đã gây ra cho Dân tộc và Đồng bào trong những ngày xuân năm 1968, vẫn không giải oan cho các nạn nhân vô tội bị giết bằng cách chính thức tạ tội và để tự do cho bất cứ cá nhân hay tập thể nào tưởng nhớ các nạn nhân này, vẫn tiếp tục trình bày biến cố Mậu Thân như một chiến thắng lừng lẫy.

    Tâm địa tàn ác ngay cả với đồng bào và thói bất hối lỗi đó đã ăn sâu trong con người Cộng sản, nhất là giới lãnh đạo. Nó bắt nguồn từ Hồ Chí Minh, với bài viết “Địa chủ ác ghê” (1953), bản cáo trạng vu khống và tuyên án tử hình vô tiền khoáng hậu đối với ân nhân của đảng là bà Nguyễn Thị Năm, với việc để cho Trần Quốc Hoàn giết chết người tình đã có con với mình là Nguyễn Thị Xuân; rồi từ bộ Chính trị đảng thời đầu với cuộc Cải cách Ruộng đất giết trực tiếp lẫn gián tiếp nửa triệu nông dân miền Bắc, với cuộc xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa làm vong mạng gần 4 triệu đồng bào hai miền đất nước (chết vì đánh trận, chết vì ám sát thủ tiêu, chết vì mìn nổ trên đường, vì lựu đạn ném vào rạp hát, chợ búa, nhà hàng, vì đạn pháo kích vào trường học…). Tâm địa tàn ác và thói bất hối lỗi đó tiếp tục sau năm 1975 với việc tàn sát hơn 100 ngàn quân nhân cán chính VNCH trong các trại tập trung cải tạo, với việc đẩy hàng triệu Đồng bào ra biển khơi hay vào rừng thẳm để chạy trốn chế độ mà một nửa đã vong mạng, với việc gây ra nạn dân oan hàng chục triệu người nay sống dở chết dở, với việc giết oan hàng trăm công dân bị bắt vào đồn, với việc thản nhiên tuyên những bản án tử hình cho nhiều người vô tội như Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh và mới đây nhất là cho Đặng Văn Hiến, anh nông dân tự vệ giữ đất…. Chưa thấy Việt Cộng hối lỗi bao giờ trước các tội ác đó!

    Bài viết này là một nén hương lòng tưởng nhớ hàng vạn oan hồn biến cố Mậu Thân, trong đó có 5 thầy dạy, 5 bạn học và nhiều thân nhân của người viết, cũng như tưởng nhớ oan hồn của hàng triệu đồng bào nạn nhân từ khi đảng Cộng sản Việt Nam xuất hiện (1930). Ngoài ra, đây cũng là lời kêu gọi đảng và nhà cầm quyền CSVN hãy biết thành tâm nhận lỗi trước nhân dân, coi như một bước đầu cho việc hòa giải hòa hợp Dân tộc thực sự. Thêm nữa, đây cũng là lời cảm tạ Thiên Chúa đã giữ cho tôi được sống đến ngày hôm nay để làm chứng nhân cho cuộc thảm sát và cho nhiều chuyện khác trong xã hội VN cộng sản. Bởi lẽ như đầu bài đã nói, nếu không vì hiểu khác mà VC tấn công Huế đêm giao thừa Mậu Thân thì ắt hẳn sáng ngày mồng 1 Tết tôi đã phải chạy lên trú ngụ tại nhà thờ Phủ Cam (để sau đó bỏ thây tại Khe Đá Mài), thay vì về làng quê Dương Sơn (cách Huế khoảng 8km) ăn tết và đã khỏi chung số phận với hơn 400 thanh niên hiền lành của giáo xứ Phủ Cam, nơi tôi đã và đang sống.

    Huế ngày 04-02-2018

    Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi.

    Nguồn:https://www.rfa.org



              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Khắc khoải Xuân Mậu Thân 1968

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Tiếng kêu Tết Mậu Thân


    Nhân dịp tưởng niệm 50 năm biến cố Tết Mậu Thân, chúng tôi đăng lại bài nói chuyện của nhà văn Nhã Ca trong buổi họp mặt với giáo sư Olga Dror, dịch giả tác phẩm Giải Khăn Sô cho Huế – Mourning Headband for Hue – tại Đại học UC Berkeley ngày 25.2.2015. (Sáng Tạo)


    Nhà văn Nhã Ca trong buổi nói chuyện tại đại học
    UC Berkeley ngày 25.2.2015 (Ảnh: Nguyệt Cầm
    )


    Kính chào quí vị,

    Hôm nay, với người Việt chúng tôi, vẫn còn là ngày Tết. Mùng Bảy Tết. Xin chúc tết theo truyền thống Việt Nam: “Kính chúc tất cả quí vị một năm mới Ất Mùi an lành.”

    Và xin cám ơn UC Berkely. Cám ơn Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Nam Á; Cám ơn Giáo sư Peter Zinoman và quí vị trong ban tổ chức.

    Giáo sư Olga Dror, nhà nghiên cứu và giảng dạy về văn hoá lịch sử Việt Nam, đã trình bầy đầy đủ về biến cố Tết Mậu Thân và “Giải Khăn Sô cho Huế.” Cám ơn Olga.


    Thưa quí vị và các bạn,

    Là người viết văn thường viết khi một mình, tôi chỉ quen viết, không quen nói. Sẽ không bao giờ có thể là diễn giả. Bài nói chuyện này được viết trước. Tôi viết tiếng Việt và nói bằng “văn viết”.

    TIẾNG KÊU TẾT MẬU THÂN

    Hình như mỗi người đều có cuốn lịch riêng của mình, trong nhà hoặc trong đầu. Tôi biết mỗi tờ lịch có câu chuyện của nó, cả chuyện hôm qua, hôm nay, lẫn ngày mai. Câu chuyện của từng tờ lịch trong cuốn lịch chung được gọi là lịch sử.

    Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến dài nhất của lịch sử Hoa Kỳ trong thế kỷ 20.

    Cuộc chiến ấy có cái bóng dài hơn là chính nó. Đó là cái bóng của trận tổng tấn công Tết Mậu Thân tại Huế năm 1968, do phía cộng sản thực hiện. Với những hầm chôn người và hàng ngàn thường dân Huế bị tàn sát, cái bóng oan khiên ấy ngày càng được nối dài. Dài hơn một trận đánh. Dài hơn cả cuộc chiến. Chưa biết đến bao giờ mới ngừng.

    Là người sống sót từ trận chiến Tết Mậu Thân, tôi viết “Giải Khăn Sô cho Huế”. Đây không phải tiểu thuyết hư cấu. Cũng chẳng phải văn chương thơ phú. Chỉ là chuyện thật, chuyện chạy bom chạy đạn. Chuyện mình, chuyện người. Mắt thấy tai nghe. Có sao viết vậy. Chỉ là những mảnh vỡ của một thành phố tan tác trong cảnh hỗn mang giữa máu lửa, chết chóc. Giáo sư Olga Dror gọi chúng là những “hình ảnh tức thì” của cuộc sống bị hủy hoại và vỡ nát. Bà “nghe” thấy tiếng nói từ loại hình ảnh này.

    Là một trí thức Do Thái được sinh ra và lớn lên tại Nga từ thời Sô Viết, bà Olga đã rời khỏi đất nước này khi Liên Bang Sô Viết còn là một siêu cường. Hơn 10 năm sau khi chế độ Sô Viết đã sụp đổ, Giáo sư Olga Dror đã có dịp trở lại nước Nga. Năm 2012, trong một cuộc hội thảo về kinh nghiệm quan hệ giữa nước Nga và Việt Nam tổ chức tại Moscow, Olga thuyết trình về đề tài “Trận chiến Tết Mậu Thân tại Việt Nam và cuốn sách Giải Khăn Sô cho Huế.” Nhưng nước Nga hậu Sô Viết vẫn không hề khác 25 năm trước. Thái độ của cuộc hội thảo với đề tài này là chỉ có thể đề cập tới “tội lỗi của phía Mỹ” trong trận chiến. Mọi lý lẽ khác bị dập tắt. Olga kể là sau đó, ngay chính trên đất Nga chứ không phải đâu khác, bà thấy mình quyết tâm hơn bao giờ hết, trong việc phải bảo vệ thứ tiếng nói từng bị vùi dập trong chiến tranh. Olga còn cho biết nguồn sức mạnh khích lệ bà trong quyết tâm này là những chuyện mà ông bà nội của bà đã phải chịu đựng trong thời Đệ Nhị Thế Chiến tại Saint Peterbourg.

    Năm 2012 là lúc người dịch và người viết “Giải Khăn Sô cho Huế” bắt đầu liên lạc làm việc với nhau. Nhưng khi sự việc trên đây xẩy ra, tôi không hề biết gì. Khi đó chúng tôi chưa quen nhau. Tôi không biết cuốn sách “Giải Khăn Sô cho Huế” đã cùng đi với Olga tới nước Nga ra sao. Chỉ biết Olga Dror là vị học giả uyên bác, người viết về Bà Chúa Liễu Hạnh của Việt Nam, một công trình nghiên cứu mà chúng tôi khâm phục. Ba năm liên lạc thư từ cùng làm việc, đã coi nhau là bạn, nhưng chỉ khi công việc đã xong, cầm cuốn sách anh ngữ trên tay, đọc bài của Olga, tôi mới biết chuyện này.

    Điều mà Giáo sư Olga tìm thấy trong cuốn sách Giải Khăn Sô cho Huế, là “tiếng nói của người dân trong chiến tranh.” Bà nói cuốn sách là cái nhìn cuộc chiến không qua cặp mắt của người lính hay chính trị gia, bình luận gia, mà qua cặp mắt của người dân không phe phái. Nó mô tả kinh nghiệm của những người dân bình thường.


    Sau khi liệt kê đầy đủ và đối chiếu với các loại quan điểm khác nhau về trận chiến đã được nói lên từ nhiều phía, nhiều nơi, nhiều nước, Olga nhấn mạnh “Mourning Headband for Huế” là quan điểm, là tiếng nói đích thực của người dân miền Nam Việt Nam. Với nhà cầm quyền Cộng sản tại Việt Nam, tiếng nói này hoàn toàn bị cấm kỵ. Tác giả từng bị bắt bỏ tù, cuốn sách từng bị đóng đinh và cho tới nay vẫn tiếp tục cấm đoán. Ngay tại Hoa Kỳ, tiếng nói của người dân miền Nam cũng chưa từng được lắng nghe. Sách viết về chiến tranh Việt Nam hầu hết đều phát xuất từ miền Bắc Cộng Sản.

    Olga cũng nói đọc Nhã Ca trong Giải Khăn Sô cho Huế, có khi người ta nghe tiếng la thất thanh, tiếng kêu gào tới mức không còn ra tiếng nữa. Tôi biết đó là tiếng kêu từ Huế Tết Mậu Thân. Tiếng kêu của người dân miền Nam trong cuộc chiến.

    Hôm nay, lần đầu tiên. tiếng kêu ấy được mang đến UC Bekerley.

    Nhờ buổi họp mặt này, hai chị em chúng tôi được gặp nhau lần đầu. Cuốn sách chúng ta có hôm nay không chỉ là bản dịch. Phần chính của sách là công trình nghiên cứu nghiêm túc của Giáo sư Olga về tiếng nói của người dân trong trận tấn công 1968. Giải Khăn Sô cho Huế và Nhã Ca, với hàng trăm chú giải chi tiết kèm theo bản Anh ngữ do Olga thực hiện, chỉ còn là đề tài của công trình nghiên cứu.

    Tha lỗi cho tôi, Olga. Tôi đã đẩy sang vai bạn phần lớn gánh nặng. Bạn đã lãnh dùm việc nhìn lại toàn bộ trận chiến Tết Mậu Thân tại Huế. Bạn cũng đã giới thiệu quá đầy đủ về cuốn sách, tác giả và tác phẩm.

    Phần tôi, chỉ xin góp thêm chuyện bên lề, lan man không thứ tự. Bắt đầu bằng… Ký ức một thời về chiến tranh, khủng bố.

    Tôi ra đời cùng lúc với cuộc Đại Chiến Thế Giới lần thứ hai. Huế thời đó còn là kinh đô của các ông vua triều Nguyễn, nhưng cả nước đã trở thành thuộc địa của Pháp.

    Năm 1937, quân Nhật tiến chiến nước Trung Hoa rồi tràn vào Việt Nam kéo theo bom đạn của thế chiến.

    Từ thủa còn bé thơ, hai ba tuổi, tôi đã biết nếm mùi chiến tranh, bom đạn, nhà cửa bị đốt cháy, cả nhà phải chạy loạn, đi tản cư trên những chiếc ghe, người lớn chèo trối chết, thuận hoặc ngược dòng sông để lánh nạn.

    Năm 5, 6 tuổi, có lần theo lũ trẻ chơi đùa trên sân đình làng quê, thấy một bãi máu nhuộm đỏ từ gốc cây sung, bọn trẻ chạy theo, lên thềm đình. Xác một người đàn ông bị cưa ra làm 3 khúc. Đầu treo trên cây, thân nằm giữa sân và tay chân sắp trên thềm đình. Người bị giết là một thợ rèn, hiền lành. Việt Minh giết.

    Năm tôi 9 tuổi. Tại Huế, Việt Minh cướp chính quyền, vua Bảo Đại thoái vị, con đường Nam Giao của Huế, nơi có nhiều vườn chùa êm ả bỗng dấy lên nhiều cảnh kinh hoàng. Lúc đó, tôi học ở một trường tiểu học tên là trường Nam Giao. Sáng sớm, mấy bạn trong xóm rủ nhau đi học, bọn con nít chúng tôi thường kinh hoàng la hét, khi thấy một cái đầu bị cắt đứt lìa từ cổ để trong một cái rổ tre với một miểng giấy ghi của Việt Minh lên án Việt gian. Có khi đầu lâu hay thân người, hay cánh tay, đùi chân đặt trên cái rá, cái thúng. Có người tứ chi bị cắt rời, thân bỏ vào bao bố, đầu để ra ngoài, hai con mắt mở trừng trừng, miệng còn dính máu đông, rất hãi hùng.

    Nhưng rồi… có một lần, bạn tôi không la, không hét, không xô đẩy. Mà cũng như thấy xung quanh không hề có ai. Cũng không nhấc tay, dợm chân. Bạn đứng sững. Tuy còn là một đứa nhỏ, nhưng tôi biết “đứng như trời trồng” là lúc bạn đứng đó. Hai cái đầu được bày trên hai cái nón lá chính là ba và mẹ của bạn. Bạn ra sao lúc đó? Bạn cứ đứng vậy. Hai mắt bạn cũng trắng dã, trợn trừng như bốn con mắt không thể nhắm của ba mẹ bạn.

    Tôi cũng đứng như vậy. Không nhấc nổi tay chân. Không mở miệng. Sau đó, người ta xua đuổi bọn con nít đi. Tôi lạc mất bạn.

    Và rồi, Tết Mậu Thân 1968, chuyện tàn sát tập thể bằng cách chôn sống đã dinễ ra tại Huế. Hàng ngàn dân Huế bị chôn ở Thành Nội, ở Gia Hội, ở Bãi Dâu, ở Phú Thứ, ở khe Đá Mài… Không chỉ trong núi trong rừng, nơi họ bị chôn còn là đất chùa, đất nhà thờ, đất trường học, và ngay tại vườn nhà.

    Trong số những người bị chôn có chị Tâm Tuý, cô bạn trường Đồng Khánh của tôi. Khi xác được đào lên, thấy tóc mọc dài hơn, móng tay mọc dài hơn. Bạn tôi bị chôn sống khi còn đầy sức sống, như nhiều nạn nhân khác.

    Trong cuộc hưu chiến đêm giao thừa mùng một tháng Giêng Tết Mậu Thân, nhằm ngày 29 tháng Giêng 1968, các đơn vị cộng quân – gồm cả quân chính qui Bắc Việt và dân quân địa phương – lặng lẽ tiến vào Huế, kiểm soát được khu Gia Hội trong 20 ngày. Chỉ trong thời gian ngắn ngủi này, có tới 473 người Huế bị chôn sống.

    Tiếng kêu Tết Mậu Thân từ “Giải Khăn Sô cho Huế” mới chỉ là những ghi nhận đầu tiên. Còn hàng ngàn tiếng kêu khác bao năm qua vẫn liên tục cất lên, ngay trên đất Hoa Kỳ. Xin kể một trường hợp mà chính tôi biết rõ: Ông Võ Trang, 56 tuổi, cư dân San Diego, một kỹ sư điện đang làm việc cho Bộ Hải Quân Hoa Kỳ tại đây, hồi tưởng việc bố của ông được mời đi “họp” chỉ 2 ngày trước khi quân đội quốc gia tái chiếm thành phố Huế. Ngày ấy, ông còn là một thiếu niên 15 tuổi. Sau đây là đoạn trích do ông Võ Trang viết:

    “Trong khi tôi đang ngồi cạo chiếc ghế xích đu cũ để sơn lại thì bỗng có người vỗ vai tôi và hỏi nhẹ “Em ơi! Có ba ở nhà không?” Tôi bàng hoàng quay lại. Hai người, một dân quân áo bà ba quần cụt, một chính quy với dép râu và quân phục, nón cối màu vàng. Tôi hỏi lại họ muốn kiếm ai thì họ nói tên ba tôi rõ ràng. Chị giúp việc mà gia đình tôi vừa thuê vài tháng trước đã mở cửa sau cho họ. Tôi vào kêu ba tôi trong hầm dã chiến. Hết đường chạy rồi! Phòng chỉ có một cửa ra vào thì họ đã đứng chận. Ba tôi mặt tái xanh và không nói gì nữa. Trong hầm còn có một người em trai của me tôi, là một cảnh sát viên, đã khuyên ba tôi nên đi ra để họ khỏi xông vào bắt thêm những người họ không dự định. Me tôi đưa thêm chiếc áo len cho cho ba tôi mặc vào. Người anh thứ hai của tôi chạy theo xin đi thế nhưng họ không cho. Hôm đó là ngày 19 âm lịch tháng Giêng năm Mậu-Thân…

    “Khoảng hơn một tuần sau, các hầm chôn người tập thể nằm phía sân sau của trường Tiểu Học Gia Hội được phát hiện. Xác người khi được khai quật, tuy chưa bị rữa nhưng đã sưng phồng lên và bốc mùi.

    “Cái thây người được kéo lên để nằm ngửa người trên một u đất, miệng há hốc, mặt đen xám và dính đầy đất, hình ảnh mà cả cuộc đời tôi không bao giờ quên. Đó là ba của tôi. Những chứng cớ không thể chối cãi. Chiếc áo có vẽ 4 cái đầu của ban nhạc “The Beatles” bên ngực trái, là chiếc áo độc nhất vô nhị của anh tôi mà ba tôi rất thích. Hai chiếc tất (vớ) thêu lủng lỗ mà anh em chúng tôi đều biết được chia đều vào 2 túi quần. Rõ ràng là dấu hiệu ba tôi để lại cho gia đình nhận diện. Tôi không biết ba tôi đã vật vã như thế nào vào giờ phút đó nhưng me tôi và các anh em tôi thì vẫn đau đớn cho đến bây giờ…”.

    Võ Trang cho biết trong số người bị chôn có cả cô gái 19 tuổi ở cách nhà ông 2 căn. Người anh là một cảnh sát viên vắng mặt nhưng có tên trong danh sách được mời, cô em thay thế anh “đi họp”!

    Và kể thêm: “Thảm sát tập thể như thế này cũng đã xảy ra ở Sịa, vùng quê gần Huế, vào năm 1947. Trước khi rút lui vì nghe tin quân Pháp sắp trở lại, cộng sản kêu gọi dân chúng đi đào hầm chống Pháp. Những hầm này thật ra chính là những hầm chôn tập thể chỉ trong vài ngày sau đó. Theo lời chú tôi kể lại họ đi bắt người cả ban ngày và ban đêm. Ông Cố Nội của tôi, đã 70 tuổi cũng đã bị bắt đi vào ngày 17 tháng 2 nhằm ngày 20 Tết Âm Lịch. Lúc đầu người ta phát giác xác anh TH., một nhân vật có võ được biết trong làng, chết bên vệ đường với nhiều vết chém, đứt cả bàn tay. Rồi lần theo vết máu người ta tìm đến những hầm chôn người tập thể trong đó có cả Ông Cố Nội của tôi và em của Ông. Những vết cắt cho thấy họ bị chặt đầu bằng mã tấu! (1).

    Và Đêm Huế 1970. Hai năm sau trận chiến Mậu Thân, họp mặt ra mắt sách “Giải Khăn Sô cho Huế” lần đầu tại Sàigòn, với sự hiện diện của Hoà thượng Thích Trí Thủ, vị đại sư huynh của các nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam. Sau đó toàn bộ số thu từ cuốn sách được mang về trao tặng trường trung học Đồng Khánh và Đại học Y Khoa Huế. Chuyến đi Huế lần này có sự tham dự của Linh mục Cao văn Luận, viện trưởng sáng lập Đại học Huế, nhà văn Doãn Quốc Sỹ, các nhạc sĩ Phạm Duy, Cung Tiến. . .

    Tại Huế vào thời điểm này, dân chúng ngày ngày đang lùng kiếm đào bới các hầm chôn người do cộng quân để lại, thành phố đổ nát đầy tang tóc. Đêm Huế 1970 cho tôi những hình ảnh nhớ đời.

    Một buổi chiều, với chiếc xe Volkswagen, chúng tôi sang Thành Nội. Đây là chiếc xe của ông bà bác sĩ Horst Gunther Krainick để lại trong chung cư y khoa sau khi bị cộng quân bắt đi. Ông bà cùng hai vị bác sĩ người Đức khác là Raimund Discher và Bác Sĩ Altekoester là bốn bác sĩ người Đức sang giúp trường Y khoa Huế từ 1960. Cả bốn vị đều đã bị cộng quân bắt đi xử bắn.

    Tại Thành Nội, chúng tôi có buổi ăn tối với các bạn ở trường Âm Nhạc Huế. Đây là nơi trú đóng của cộng quân trong cuộc giao chiến. Trong khu vườn nhà trường, có con mương dẫn nước chạy qua. Lúc đứng ở sân, người vợ của anh bạn giám đốc trường nhạc chỉ tay vào cái mương, nói là sau khi Việt Cộng đã rút chạy, anh chị trở lại đây, thấy xác binh sĩ Việt Cộng nằm chết xếp lớp dày đặc trong con mương.

    Người chết không còn oán thù, có một mâm cơm, một bát nhang bày ở đó.

    Trên đường lái xe về, trong đêm Huế thê lương đâu đâu cũng thấy bầy bàn thờ nhang khói, chúng tôi có ngừng lại thăm một ngôi nhà có người cha người anh đã bị cộng sản chôn sống tại Gia Hội. Con em trong nhà mang áo xô gai, thay nhau cầm bó đuốc chạy quanh gốc cây trước nhà. Theo niềm tin của dân gian, những hồn chết oan không biết đường về nhà. Phải đốt đuốc hướng dẫn cho linh hồn lưu lạc biết đường mà trở về.

    Có biết bao hồn oan trong trận chiến Huế Mậu Thân đang chờ ánh đuốc, cả hồn oan của những chiến binh miền Bắc bỏ xác trong mương nước thành nội.

    Năm Ất Dậu, 1885, Pháp đã đưa quân vào Huế uy hiếp triều đình. Đêm 23 tháng 5 âm lịch, 30,000 quân Nam tấn công căn cứ Pháp tại Mang Cá nhưng bị đánh bại. Kinh thành thất thủ, đại thần Tôn Thất Thuyết phải mang Vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị mở phòng trào Cần Vương. Trong trận chiến này, hơn 1500 quân dân Huế bị tàn sát. Ngay từ năm Mậu Tuất tiếp theo, Huế lập Đàn Tưởng Niệm, xây thêm miếu Âm Hồn trong Thành Nội, hàng năm, đúng ngày giỗ, cả thành phố đều đốt nhang, làm lễ. Thực dân Pháp không cấm việc dân Huế tưởng niệm người chết. Cộng sản thì khác.

    Huế Mậu Thân, số nạn nhân bị tàn sát nhiều gấp 5 lần, nhưng từ sau 1975, mọi đài tưởng niệm đều bị phá bỏ, dân chúng thì bị công an đến từng nhà truyền lệnh cấm tụ tập làm giỗ.

    Hình ảnh bập bùng của những ngọn đuốc đêm Huế ấy bao năm vẫn chập chờn trong đầu tôi.

    Thưa quí vị,

    Năm Ất Mùi 2015, bốn mươi năm sau chiến tranh Việt Nam cũng là dịp kỷ niệm 20 năm bang giao Việt Mỹ.

    Lịch sử có ghi là hai năm trước khi Nội chiến Nam Bắc Mỹ kết thúc, tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln đã chỉ định “một ngày tủi nhục quốc gia” cho nước Mỹ. Trong ngày này ông đã kêu gọi cả nước nhận chung “tội lỗi của chúng ta” và cùng nhau xưng tội, cầu nguyện sự tha thứ.

    “Ngày tủi nhục quốc gia” được công bố tại Mỹ là ngày 30 tháng 3 năm 1863. Đã hơn 150 năm. Nội chiến Hoa Kỳ chấm dứt vào vào tháng Tư năm 1865. Liên Bang nước Mỹ, với sự tôn trọng dành cho phía miền Nam – lá cờ miền Nam vẫn được treo, binh sĩ miền Nam vẫn giữ súng cá nhân, liệt sĩ Nam Bắc chung nghĩa trang, cả nước không có một cuộc diễn binh hay lễ hội mừng chiến thắng. Từ đó mà có được nước Mỹ ngày nay.

    Sau Tết Ất Mùi, sang năm sẽ là Tết Bính Thân. Sắp thêm một năm Thân.

    Chiến tranh Việt Nam, anh em một nhà bị đầy tới chỗ giết nhau, thù hận nhau. Tháng Tư 1975 của Việt Nam – sau tháng Tư của nước Mỹ 110 – thêm cả triệu người miền Nam bị thủ tiêu, tù đày, chìm dưới đáy biển. Vậy mà cho tới nay, tại Việt Nam cũng như tại nhiều nơi, trong nhiều cái đầu, vẫn chưa thấy nghĩ lại.

    Trong bài “Tựa Nhỏ: Viết Để Chịu Tội” mở đầu sách Giải Khăn Sô Cho Huế, tôi có viết rằng chính thế hệ chúng ta, thế hệ của tôi phải chịu trách nhiệm về cuộc tàn sát Tết Mậu Thân cũng như cả cuộc nội chiến. Tầm nhìn thế hệ không phải phân biệt tả hữu, nam bắc. Sau đó là lời mời gọi cùng đứng trước bàn thờ ngày giỗ.

    Khi viết lời tựa nhỏ cho bản in lần đầu “Giải Khăn Sô Cho Huế” vào năm 1969, tôi viết với niềm tin vào tương lai của Huế, tương lai Việt Nam.

    Vào năm 2008, khi viết thêm ít dòng cho bản Việt ngữ của cuốn sách được tái bản ở Mỹ, tôi viết “Sẽ tới lúc phải có một bàn thờ chung, ngày giỗ chung tại quê hương, nơi từng biết thế nào là sự ăn ở tử tế, như từng biết thế nào là văn hóa, lịch sử.”

    Và hôm nay, tại đây, vẫn với nguyên vẹn niềm tin xưa, tôi tiếp tục chờ đợi.

    Những người Huế từng bị tàn sát Tết Mậu Thân xứng đáng được tưởng niệm.

    Các thế hệ tương lai tại Việt Nam xứng đáng được nghe, được nghĩ, được nói điều chân thật, được hưởng một đất nước lành lặn, sạch sẽ. Ngày ấy sẽ tới.

    Kính chào và cám ơn quí vị.

    Nhã Ca

    (1) Bài “Xuân Này Nhớ Xuân Xưa” của tác giả Võ Trang, sách “Viết Về Nước Mỹ” 2009.



    Giáo sư Peter Zinoman giới thiệu tác giả Nhã Ca và dịch giả Olga Dror.

    Nguồn:https://sangtao.org


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Khắc khoải Xuân Mậu Thân 1968

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Huế, tôi và Mậu Thân


    (Ảnh: Christian Simonpietry)



    Từ Cai Lậy về Sài Gòn, nhập ngay vào đánh giải toả trại Cổ Loa của Thiết Giáp và Xóm Mới, Gia Định xong xuôi, Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) “Quái Điểu” di chuyển về nằm dọc đường Ngô Tùng Châu. Mười hai giờ khuya, tiểu đoàn họp. Hai giờ sáng, tiểu đoàn có mặt tại phi trường Tân Sơn Nhất. Bốn giờ sáng lên máy bay đi. Đi đâu không biết. Đồ khô và tái trang bị không lãnh kịp. Cứ lên phi trường rồi hay.

    Đó đây những loạt pháo kích, những loạt đại liên rời rạc, những đốm hỏa châu lủng lẳng trên bầu trời. Tôi để lại đàng sau một Sài Gòn mang nặng bộ mặt chiến tranh. Những chiếc máy bay C-130 khổng lồ nuốt gọn 800 binh sĩ Quái Điểu và đưa chúng tôi lên cao trong đêm tối mịt mùng.

    – Đi đâu vậy bây?

    – “Nha Trang, tao nghe Nha Trang đang có đánh nặng.” Lượm, Đại Đội Trưởng Đại Đội 1 trả lời.

    Tôn, đại đội trưởng Đại Đội 2 cãi:

    – Đà Lạt!

    Phán “Phu Nhân” [1] nói:

    – Đi đâu cũng được, đổi vùng là khoái rồi.

    – Máy bay chi bay mãi ri bây?

    Thời tiết thật xấu, và rồi bánh xe phi cơ cũng chạm đất, những cặp mắt đổ dồn ra khung cửa sổ máy bay. Phú Bài! Cơn gió cắt da, bãi cát trắng trải dài, mưa nặng hột. Thiếu áo lạnh, tất cả đều cuốn Poncho đứng nhìn đoàn người gánh gồng xuôi ngược, hấp tấp và lo sợ, một số về Truồi, một số lên Gia Lê, An Cựu.

    Phú Bài đó, Tịnh Tâm đó, Cầu Kho đó. Mạ, dì, chị và em mình ở đó mà không liên lạc được. Tình hình không biết sao, ruột như lửa đốt. Trách nhiệm nặng nề. Tôi nằm trằn trọc suy nghĩ thật nhiều để chờ sáng mai. Kỷ niệm thời đi học về trong trí tôi, đẹp quá, nhẹ nhàng quá, vụng dại quá.

    Mười giờ sáng, đoàn xe GMC đưa chúng tôi về Huế. Qua Gia Lệ, đồng bào hỗn loạn, nét lo âu hiện rõ trên nét mặt. Tới An Cựu, dân chúng thưa thớt, nhà hai bên đường đóng kín cửa. Dọc Quốc Lộ 1 từ Huế về Phú Bài, các binh sĩ Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) từng toán dìu nhau âm thầm đếm bước. Những cái nhìn như nhắn gửi, như lo sợ giùm chúng tôi.

    Mạnh, Đại Úy Nhảy Dù cùng khoá cho tôi biết:

    – Huế tang thương và điêu tàn lắm Phán ơi. Thừa (bạn cùng khoá) chết. Phạm Như Đà Lạt thì bị thương.

    Mạnh khắp người băng bó đang được hai đệ tử dìu bộ về phi trường Phú Bài. Mạnh nói tiếp:

    – Phán, mày cẩn thận. Không có yểm trợ, không thực phẩm, không tiếp liệu, thời tiết quá xấu. Tụi nó chiếm hết thành phố, Đại Nội, Gia Hội. Tụi nó giữ chốt rất kỹ, chỉ còn cái lõm nhỏ ở Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 tại Mang Cá mà thôi.

    Đoàn xe dừng lại bên hông Trường Đại Học Văn Khoa, cách con đường là trường Kiểu Mẫu mới xây, đối diện là đài phát thanh Huế. Và trước mặt là cầu Trường Tiền, chiếc cầu tượng trưng cho xứ sở Huế, chiếc cầu đã hàng ngàn, hàng vạn lần qua lại, đầy ắp kỷ niệm.

    Nhìn qua chợ Đông Ba và phố Trần Hưng Đạo mà lòng quặn thắt. Một mái chợ đã sập. Những cột khói ngút trời cách khoảng. Từ đầu đường Trần Hưng Đạo đến cuối đường không một bóng người. Nhìn bên phải là cầu Gia Hội vắng tanh. Những cột khói khác vươn lên. Cả thành phố đã chết. Huế tôi tang thương đến thế sao. Một nhịp cầu đã sập, tôi nghĩ vành khăn trắng đã cuốn lấy Huế.

    Xuống tàu tại chân cầu Trường Tiền, xuôi giòng sông Hương xanh biếc qua Gia Hội, quẹo trái sông Hang Bè. Cầu Đông Ba đó, nơi có tiệm La Ngu mà ngày xưa chúng tôi thường mua dụng cụ học trò. Tiếp tục xuống ngang tiệm gạo Mụ Đội, ở nơi này có người con gái đẹp não nùng tên Xuân mà con trai Huế lứa tuổi tôi đều hơn một lần đi qua đó để nhìn người con gái trời cho đẹp. Qua trường Bình Minh, nơi tôi học năm đệ tam với nhiều kỷ niệm đẹp. Đến Bao Vinh, dân chúng nhớn nháo khi thấy một đơn vị lớn đang đổ bộ tại bến đò.

    Tôi hướng dẫn đơn vị vào Mang Cá Nhỏ để tới bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Việt Cộng chào đón bằng hàng loạt hỏa tiễn 107-ly và 122-ly. Tất cả nằm sát bờ tường để tránh pháo và tìm chỗ phòng thủ. Tôi ra lệnh cho Sự, Trung Úy Đại Đội Phó kiểm soát con cái và chuẩn bị cơm chiều. Trung Úy Sự là sĩ quan trẻ, có tài và đầy nhiệt huyết, xuất thân Khoá 19 Võ Bị Đà Lạt, lại là thủ môn hội tuyển Nha Trang. Đúng là đa năng đa hiệu.

    Tôi dự buổi họp tiểu đoàn khẩn cấp và quan trọng. Sĩ quan tiểu đoàn trưởng ra lệnh:

    – Phu Nhân rành địa thế, dẫn đầu. Tám giờ sáng mai xuất phát. Kế tiếp là Tôn với Đại Đội 1, Lượm với Đại Đội 2. Tiếp theo là Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn cùng Đại Đội Chỉ Huy. Sau cùng là Tòng với Đại Đội 4. Mục tiêu Phu Nhân phải chiếm là trường tiểu học Trần Cao Vân. Trước trường có thành Quân Cụ, vào khoảng một đại đội ta đóng tại đó, không biết còn hay mất.

    Phán hỏi:

    – Còn phi trường Thành Nội thì sao? Tình hình trong Đại Nội? Thiếu tá có nắm vững không?

    – Không rõ. Tụi Việt Cộng chiếm hết, đóng chốt rất kỹ. Tất cả các cửa Thành Nội tụi nó đều kiền và chốt rất chặt. Cửa Hữu, cửa Chánh Tây, cửa Sập, cửa An Hòa, cửa Đông Ba, Kỳ Đài Phú Văn Lâu tụi nó đều chiếm hết.

    Lúc ấy, trong óc tôi một bản đồ chi tiết hiện ra rất rõ cho một cuộc hành quân mà tình hình tôi nắm không được vững. Tôi cố tìm con đường ngắn và an toàn nhất cho đơn vị để tới mục tiêu. Có rất nhiều đường đưa tới trường Trần Cao Vân, nơi từ 9 đến 19 tuổi tôi đã bao nhiêu lần đi lại. Con đường nào cũng đầy hoa và mộng. Nay tôi đang tìm một con đường không có máu để cho anh em chúng tôi đi.

    Tám giờ sáng, tất cả gọn gàng, sẵn sàng di chuyển. Ba trăm thước đường từ Mang Cá đến nhà tôi sao quá dài. Bồn chồn, nóng ruột vì nơi đó có mạ tôi, dì tôi, chị tôi và em trai út của tôi đang trông ngóng. Không biết có bị gì không?

    Thiếu Úy Duật, Trung Đội Trưởng Trung Đội 2 dẫn đầu. Duật xuất thân Khóa 21 Đà Lạt, hăng say, gan, thích xóc dĩa và gái đẹp, uống rượu rất ít, chỉ phá mồi. Phán và Bộ Chỉ Huy kế tiếp. Thiếu Úy Nghênh, Trung Đội Trưởng Trung Đội 1 tiếp theo. Nghênh kinh nghiệm, gan lỳ, thích đánh phé nhưng đánh nhỏ, rượu rất ít và không thích gái. Kế đến là Thượng Sĩ Nhất Mã Khện, Trung Đội Trưởng Trung Đội 3, rất gan lỳ, ít nói, mê rượu, không mê gái. Và sau cùng là Thượng Sĩ Nhất Hải, Trung Đội Trưởng Trung Đội Súng Nặng. Hải người Nùng, lỳ lợm già dặn chiến trường, không rượu, không gái, không thuốc lá.

    Hai bên đường dân chúng đứng chen chúc, vẻ mặt hớn hở thật tội nghiệp cho họ. Lần lần những khuôn mặt quen thuộc hiện ra, những cánh tay vẫy chào. Nào mụ Đội Dậu, mụ Ba, ông Sung, ông Dung, anh Thiên chủ bàn Ping Pong. Những tiếng nói đó đây: “Anh Phán đó tề! Anh Phán…” Tiếng gọi lớn và lan dài suốt con đường tôi đi.

    Con hẻm sát hồ Tịnh Tâm là đường vào nhà tôi. Mạ tôi đó, dì, chị và em tôi đó. Xao xuyến quá! Tôi đi nhanh đến ôm Mạ tôi, dì và chị tôi khóc như mưa. Thằng em luống cuống chạy quanh, bị Mạ tôi nạt: “Mi chạy mau vô nhà lấy khúc cá kho khô và đòn bánh tét gói lại đem ra đây bới cho anh mi!” Mạ tôi dụi vào tay tôi chai dầu Nhị Thiên Đường: “Con xức cho khỏi gió.” Lính đi ngang hỏi nhau: “Mạ Đại Úy sao đầu trọc lóc vậy bâỷ” “Bà ấy đi tu để phước cho con, tụi mình cũng được hưởng ké đấy.” Phán và âm-thoại viên vẫn còn dừng lại.

    – Nhà mình có răng không Mạ? Bà con thân thuộc có ai bị chi không?

    – Nhà ông Quế chủ quán Chiêu bị trúng hai trái nhưng người thì không răng. Nhà mình bị ngói đổ một góc, cây đào bị gãy ngọn. Còn thằng Chỉ không biết đi mô.”

    Chỉ là bạn tôi xuất thân Khóa 17 Võ Bị Đà Lạt. Tôi xót xa đắng miệng:

    – Thôi con đi, Mạ và gia đình đừng lo cho con…

    Mạ tôi khóc òa, tôi thật não lòng. Những tiếng gọi anh Phán, anh Phán tiếp tục vang lên cho đến giữa hồ Tịnh Tâm. Tiếng gọi, giọt nước mắt và những cánh tay chào vẫy, phải chăng nhắc nhở trách nhiệm của tôi. Bây giờ là lúc đền đáp ơn sâu nghĩa nặng. Vinh dự này thật khổ. Máu nóng sôi trong người, tôi và hai âm-thoại viên vượt lên đi với trung đội đầu.

    Cuối hồ Tịnh Tâm là đường Tịnh Tâm, tôi cho lệnh quẹo tay mặt theo đường lên nhà ông Ngư Đạt. Như vậy bên hông mặt của con cái tôi lúc nào cũng có bức thành và cái hồ che chở. Cuối đường Tịnh Tâm quẹo trái là trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, nhưng tôi không đi con đường này. Tiếp tục thẳng qua một con hẻm nhỏ, con đường đã bao lần đi lại, nào ăn cắp me, nào trộm sấu, nào hái soài, nào đào sen, nào học thi, nào thăm người yêu. Con đường nào cũng nhắc tôi bao kỷ niệm yêu dấu khôn quên.

    Đến Canh Nông, chưa thấy phản ứng nào của Việt Cộng, gần sân bay Thành Nội dân chúng thưa thớt và kinh hãi. Tôi cho dừng quân bên này đường, một ông già mách:

    – Con đường ni bị bắn rất rát, từ trong cửa Hoà Bình ở Đại Nội bắn ra.

    – Còn sân bay Thành Nội ra sao ôn, có ai không?

    – Đánh nhau mấy ngày ni dữ lắm, mà tui không biết răng, không biết mình hơn hay thua nữa.

    Tôi chỉ con đường và hướng dẫn Duật:

    – Băng qua khỏi con đường này, đến một xóm nhà, qua một cái cống thì bên trái là thành Quân Cụ. Nghênh và Mã Khện yểm trợ hông bên mặt cho Duật, và sau đó băng qua đường theo tôi.

    Con đường chỉ có 5 thước mà hơn một giờ mới vượt qua với sáu thằng em rớt rụng trên mặt đất. Lần mò theo mép đường tới sát ống cống, tôi cho dừng lại, phi trường vắng tanh. Tôi bảo Duật:

    – Mày cho một thằng con nhỏ qua trước làm đầu cầu bên kia ống cống, sau đó cho tất cả con cái mày qua rờ vào thành Quân Cụ, chờ tao lên.

    Thành Quân Cụ cao khỏi đầu người, không liên lạc được với bên trong. Tất cả con cái nằm sát thành để tôi và đám cận vệ bò tới cổng chính. Loáng thoáng thấy nón sắt, field jacket, giây ba chạc. Không phải tụi nó đâu, chắc chắn là bạn rồi. Thằng đệ tử tôi gọi lớn:

    – Ê, Thủy Quân Lục Chiến đây!

    Một loạt đạn bay qua khỏi đầu một cách rùng rợn. Bò lết vào tới trong đồn, ông trưởng đồn nói tiếng Huế đặc sệt, ông là Trung Úy Cát, thủ môn nổi tiếng của Huế:

    – Đại Úy ơi, bảy ngày không ra vào nổi, nó bao hết. Trường Trần Cao Vân, Đại Nội, xóm nhà bảo sanh sau lưng trường cách một cái hồ tụi nó cũng chiếm luôn. Dân chúng chạy hết rồi, không còn ai cả. Tụi nó pháo liên miên, không cho ngóc đầu được. Đủ loại pháo: 61, 82, hỏa tiễn 107, 122. Tôi ráng cố thủ đây được ngày mô hay ngày nấy, còn ngoài nớ tôi không liên lạc được nên không biết tình hình các nơi khác ra răng.

    Tôi trở ra báo cáo về tiểu đoàn. Lệnh của tiểu đoàn trưởng:

    – Phu nhân chiếm cho bằng được trường Trần Cao Vân, dọn sạch chung quanh. Tiểu đoàn trưởng và Bộ Chỉ Huy sẽ lên ở trại Quân Cụ.

    Quan sát địa thế thêm một lần nữa, trước mặt trường là cái am lên đồng, bên cạnh là quán hớt tóc lợp tranh chỉ có một ghế ngồi. Sát đó là ngã ba đường chạy lên cửa Sập, một chạy về trường Đào Duy Từ và một chạy đến trường Trần Cao Vân. Có bốn năm cái đầu lố nhố bên trong trường.

    Duật phải chiếm am trước, trong trường bắn ra mãnh liệt, Việt Cộng có cả B-40. Tôi ra lệnh Nghênh và Mã Khện cầm chân hỏa lực trong trường học. Sau đó, Duật chiếm xong am không một tổn thất. Tôi gọi Thượng Sĩ Hải đem hai súng đại liên và một khẩu đại bác 57-ly không-giật lên tăng cường cho Duật để Duật yểm trợ cho Mã Khện vào trường.

    Sau 45 phút dùng mưu kế cùng với hỏa lực, gan dạ, và kinh nghiệm, Mã Khện chiếm được một căn lớp trong trường. Nghênh tràn vào cùng với Mã Khện lục soát và làm sạch sẽ. Hỏa lực từ góc Thành Nội đổ dồn về phía trường học, không sao, đã có thành của các lớp học che chở. Tôi kêu Sự:

    – Pháo binh có chưa? Kêu về Ðại Bàng Thanh Hóa cứ bắn vào góc thành cho tao.

    Đến chiều vẫn không có một trái pháo bắn. Anh em tôi đã có 7 chết lót đường cho mục tiêu và 3 bị thương nặng. Tôi lên sát Duật và bảo đem cây 57 đến:

    – Nhắm ngay vào góc thành, tụi nó bắn rát quá. Cứ phơ cho tao. Trật trúng gì không cần, chỉ cần tiếng nổ.

    Qua một vạt đất trống, trong một ngôi nhà gạch có bóng người lấp ló. Duật quay 57 nhắm thẳng:

    – Nhột quá! Cho em bung cái nhà này đi.

    Bỗng thấy có bóng đàn bà ở trong nhà, tôi la lớn:

    – Khoan bắn! Nhà thày Tiềm!

    Rồi tôi băng qua đám đất trống đến nhà gặp cô và các cháu. Không thấy thày, tôi chào cô và giới thiệu tôi học Sử Địa với thầy ở trường Bồ Đề và khuyên cô về dưới phố. Tôi trở lại vị trí mà lòng nao nao buồn. Giờ này vẫn chưa có pháo, làm sao khóa góc Thành đó lại. Duật bảo con cái đào hầm hố thật kỹ. Tôi dặn:

    – Mày cố thủ tại đây cho tiểu đoàn lên.

    Rồi tôi cùng đám đệ tử lúp xúp chạy đến tiệm hớt tóc để quan sát ngã ba đường và góc Thành Nội. Tôi chợt nghe tiếng đàn bà rên la quằn quại, sau cùng chỉ còn tiếng rên nho nhỏ. Nơi góc quán tối tăm, một người đàn bà máu me khắp nửa phần thân thể, vừa bị thương nặng lại vừa sanh ra một bào thai lờ mờ tượng hình đứa bé, trông giống như con rắn mối. Xót xa, chịu không nổi, tôi ra lệnh đem chôn đứa bé đã chết ngay và chuyển người mẹ về đồn Quân Cụ cho bác sĩ Tựu giúp. Đến đây 13 người chết và 3 bị thương nặng để trải thảm cho đơn vị.

    Tối đó Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn đến trại Quân Cụ. Sáng hôm sau, tiểu đoàn trưởng cho Đại Đội 2 của Tôn và Đại Đội 1 của Lượm, dưới sự chỉ huy của đại ca Đã, tiểu đoàn phó, chiếm nhà bảo sanh. Đoạn đường có 30 thước, cách một hồ nhỏ mà phải trả bằng 50 đứa con thân yêu. Sau 8 tiếng đồng hồ mới chiếm được nhà bảo sanh. Tôn bị thương ngay từ phút đầu. Lộc, đại đội phó lên thay.

    Mười ngày tiếp theo, nhìn nhau qua một con đường rộng vừa đủ cho xe chạy mà hai bên đều khựng. Mưa vẫn rơi ray rứt lê thê, thỉnh thoảng cơn gió thật lạnh thổi qua. Có những trận tấn công chớp nhoáng của Việt Cộng vào đại đội của Lượm và Lộc đều bị đánh bật lui.

    Ngược lại, bên ta cũng nhiều lần cố tràn qua bên kia nhưng không chiếm được một tấc đất. Hai bên tải thương đều thấy nhau rất rõ. Lượm bị hao hụt nặng. Phu Nhân lên thay. Tôi và con cái bò lên từng toán một, Việt Cộng và ta đã sát nhau, ngóc đầu lên là đạn xuyên qua mũ sắt ngay. Hơn nửa ngày mới trám hết vị trí của Lượm. Lượm và Tòng về phòng thủ cho tiểu đoàn.

    Tối đến, pháo địch đủ loại nổ vang trời. Xác chết của anh em nằm trên mặt đường, sình lên mà không lấy được. Phía bên kia, bốn năm xác Việt Cộng vẫn để yên, họ không dám ra lấy về. Cố giữ đất, giữ vị trí và làm vài cuộc tấn công nhỏ vẫn không qua đường được.

    Từ căn nhà hai tầng cuối đường nhìn xéo từ nhà bảo sanh, một thượng liên và một trung liên nồi của tụi nó kiểm soát con đường rất kỹ, dưới sự chỉ huy của một đứa con gái mặc áo choàng màu xám, tóc xỏa dài nhưng không thấy rõ mặt. Tay đứa con gái chỉ tới đâu thì đạn nổ dồn về hướng đó. Tôi nhắm bắn hai phát M-16 nhưng hụt, nó trốn nhanh vào sau cửa và mất luôn. Hai mươi ngày nằm chịu pháo và bị bắn sẻ, tối nào hai bên cũng rà máy chửi nhau. Theo dõi máy, đột nhiên tôi bắt được một câu báo cáo: “Bồ câu hết thóc!” và nghĩ ngay địch quân đang thiếu đạn. Nếu cứ nằm thế này, một lúc nào đó địch quân chỉ cần ho thật to mình cũng mất vị trí ngay, chỉ vì áp lực quá nặng nề, tổn thất nhiều, tinh thần anh em quá mệt mỏi. Tôi đi đến kết luận riêng: nếu mình không đánh nó, chắc chắn nó sẽ tấn công mình. Tôi trình với tiểu đoàn trưởng trưởng:

    – Thiếu tá cho tôi luôn Đại Đội 2 để tôi tấn công tụi nó. Tôi thấy tinh thần anh em xuống quá và sức khoẻ ngày càng hao hụt.

    Tiểu đoàn trưởng không cho, và bắt ráng giữ vị trí. Tôi năn nỉ:

    – Nếu không thì cho tôi đột kích, tôi cùng vài toán nhỏ tràn qua đường đánh đột kích rồi về. Mình phải chứng minh cho đối phương thấy mình còn dư sức ăn thua đủ, thời địch không dám tấn công mình.

    Tiểu đoàn trưởng nói:

    – Làm kế hoạch xong cho tôi hay.

    Tại hầm của tôi anh em đang chờ, họ gồm: Lộc (Đại Đội 2), Sự (đại đội phó của tôi), Duật, Nghênh và Mã Khện. Tôi nói:

    – Nằm chờ lâu, tao chán quá, chỉ muốn qua đột kích tụi nó rồi rút về.

    Tất cả im lặng, tôi tiếp:

    – Bốn giờ sáng mai mình đột kích. Nếu giữ được vị trí tao cho tràn luôn. Bây giờ tao chọn bốn toán. Toán 1 với Phán, Điểu, Việt, Can, Dư và Phúc mang máy. Toán 2 với Duật cùng 3 người thật nhanh và gan dạ, Toán 3 với Nghênh và ba người. Toán 4 với Thượng sĩ nhất Hải và 3 ngườị Trang bị thật nhẹ: mỗi người 20 quả lựu đạn và 2 băng đạn cong ráp ngược cho súng M-16. Sự và Lộc dẫn con cái ra sát bờ đường, khi thấy khói xanh thì lùa tất cả tràn qua. Nhưng nếu thấy khói màu vàng thì yểm trợ tối đa cho tụi tao dọt về. Sự và Lộc hãy về lo cho con cái. Đúng 4 giờ sáng sẵn sàng tại vị trí.

    Duật, Nghênh và Hải ở lạị Tôi nhìn anh em thật lâu rồi cho biết:

    – Tao theo dõi tụi Việt Cộng báo cáo qua máy. Hình như tụi nó thiếu đạn. Do đó tao quyết định cuộc đột kích hôm nay. Hai ông Duật và Nghênh do tôi chỉ định phải đi với tôi. Riêng ông Hải, tôi cho ông suy nghĩ lần nữa. Lần này đi khó trở về. Ông con cái đông, muốn ở lại vị trí tôi cho phép và tôi hứa rằng tôi không nghĩ là ông thiếu can đảm.

    Suy nghĩ một lát, Thượng Sĩ Hải trả lời:

    – Đại Úy cho tôi ở lại vị trí.

    Tôi vui vẻ bằng lòng và gọi Mã Khện đến, Mã Khện đồng ý đi và xin đem theo Hạ Sĩ nhất Mười.

    Tôi tiếp:

    – Bây giờ các ông về chọn người xong lên gặp tôi.

    Tôi ngồi suy nghĩ miên man, liều, phải liều mới cứu được đơn vị. Chiều hôm đó, lúc 4 giờ, các toán trưởng lên gặp tôi, có thêm Trung Úy Sự. Tôi hỏi lần chót:

    – Có ai xin ở lại cho tôi hay.

    Không ai trả lời. Tôi căn dặn Sự nhắc Lộc khi thấy khói xanh thì sao và khói vàng thì sao, phải nhớ kỹ. Tôi đưa ba người toán trưởng bò đến hầm trú ẩn của nhóm tiền đồn ở sát ngã tư đường. Tôi chỉ từng căn nhà bên kia đường:

    – Cái thứ nhất gần ngã tư là mục tiêu của tao. Cái thứ hai kế tiếp có hàng rào là của Nghênh. Căn thứ 3 cũng có hàng rào và cây nhãn cao là của Mã Khện. Căn thứ 4 có mấy bụi chuối lớn là của Duật. Tất cả hãy quan sát cho kỹ và cố chọn một con đường tiến quân thích hợp. Không cần báo cáo miễn sao thích hợp thôi.

    Tôi tiếp tục quan sát mục tiêu của tôi. Căn nhà bằng gạch có nhà trên và nhà dưới. Kế đó là cầu tiêu xây bằng đá lợp tôn, sát đường là cái giếng xây bằng xi măng. Trước sân có hai cây vú sữa cao và sai trái. Tôi biết phải làm gì để chiếm căn nhà đó. Tôi quay lại nói:

    – Lần chót tôi hỏi các ông có ý kiến gì không? Đúng bốn giờ sáng mai tôi sẽ chiếm trước, sau đó tùy các ông bằng mọi cách phải hốt cho bằng được các mục tiêu tôi ấn định.”

    Trở lại vị trí, tôi dặn dò Điểu, Việt, Can Dư và Phúc mang máy:

    – Tối nay miễn gác, ba giờ sáng mai gặp tao ở đây. Sau đó tôi đi gặp tiểu đoàn trưởng để trình bày kế hoạch. Ông nói:

    – Nguy hiểm quá, không được, chết cả lũ!

    Tôi nói:

    – Nếu thiếu tá không làm bây giờ, một vài ngày nữa tụi nó chỉ cần ho là lính mình chạy hết!

    Cuối cùng ông chấp thuận:

    – Nhớ là có gì thì trở về liền, càng sớm càng tốt.

    Tôi dạ nhưng trong đầu tôi nghĩ khác. Trước mắt tôi bây giờ không có gì ngoài đoạn đường từ tiền đồn qua cái giếng, lên cầu tiêu, tới nhà dưới rồi chiếm nhà trên.

    Tôi nằm suy nghĩ triền miên cho đến 3 giờ sáng. Trước khi bò ra tuyến xuất phát, tôi nhắc Sự và Lộc một lần nữa cho chắc ăn. Bốn giờ kém 10 sáng, toán tôi có mặt ở tiền đồn. Trời vẫn mưa, mưa xứ Huế có dư âm cái lạnh của ngày Tết. Trời tối không thấy gì, tôi ngại bắn lầm nhau. Gắng chờ một chút nữa. Đến 5 giờ sáng mưa vẫn không tạnh, trời vẫn tối mù. Năm giờ rưỡi, cái giếng đã nhìn thấy được. Chuẩn bị!

    Tôi cảm thấy hồi hộp. Chỉ cần bốn cái nhảy vọt là qua bên kia đường nhưng khó như đi lên trời vì con đường này là con đường tử thần làm ranh giới bên ta và địch, là 20 ngày trời không nuốt nổi 5 thước đất. Rách bao nhiêu cũng không qua được. Bây giờ mình cắt băng khánh thành, phải làm để cứu đơn vị, phải hy sinh để cứu đồng đội.

    Vừa suy nghĩ xong, tôi phóng vụt qua ôm bờ giếng. Kế tiếp là Điểu, Việt, Can, Dư băng theo. Tất cả ngồi ôm thành giếng, mồ hôi ra như tắm mặc dù trời lạnh như cắt. Điểu và Can chiếm cầu tiêu. Bỗng một loạt đạn thật dòn và thật gần, tôi quay nhìn ra đường. Phúc và cái máy nát mình nằm trên mặt đường nhựa, dưới làn đạn mịt mùng của địch. Tôi hét lớn:

    – Dư, Việt chiếm nhà bếp!

    Tôi theo sát lên cầu tiêu bên cạnh Điểu và Can. Súng và pháo nổ dồn dập, một quả B-40 nổ ngay trên đầu mái tôn cong, cả ba thày trò đều bị miểng nhỏ đâm đầy mặt, tóc râu và lông mày đều bị cháy. Cầu tiêu nhỏ quá nên tôi cùng Điểu và Can lên nhà bếp. Tôi ra lệnh:

    – Điểu và Dư chiếm nhà trên, lục soát thật kỹ.

    Để Việt ở lại, tôi và Can cũng lên nhà trên. Điểu và Can giữ cửa chính nhìn ra sân, tôi và Dư giữ cửa sổ nhìn ra vườn có nhiều luống khoai lang.

    Trời sáng hẳn, tôi lắng tai chẳng nghe nhà bên cạnh có gì cả bèn bò trở ra bờ giếng và thấy Duật, Nghênh, Mã Khện vẫn còn bên kia đường. Tôi toát mồ hôi. Tôi nhìn thẳng vào mấy ông rất nghiêm và lấy ngón tay ngoắc. Tôi không dám gọi lớn tiếng. Mấy ông kia gật đầu. Tôi bò trở lên nhà trên. Lựu đạn, súng nhỏ, súng lớn nổ khắp nơi và nhất là phía bên tay mặt tôi. Biết rằng con cái tôi đã băng được qua đường, tôi hỏi khẽ:

    – Thấy gì không Dư?

    Dư lắc đầu. Tôi nghe tiếng thì thào sát vách tường phía ngoài. Tôi đoán bảy tám người đang ở trong một cái hầm. Tôi dùng ngón tay đẩy nhẹ cửa sổ. Một loạt đạn từ phía nhà đối diện xuyên ào ào vào cửa sổ. Bỗng Dư chỉ tay về các luống khoai, tôi đếm đủ 11 người đang bò qua với y phục kaki Nam Định, mang súng AK và B-40 cách vách tường khoảng 20 thước.

    Tôi đưa súng lên định bóp cò thì Dư kéo lại và ra dấu đừng bắn dùng lựu đạn. Tôi dựng cây súng xuống thật nhẹ, hai tay rút hai trái lựu đạn miệng cắn chốt. Dư cũng thế, 4 quả lựu đạn ném ra cùng một lúc, tiếng nổ xé trời, rồi 4 trái tiếp theo. Bên ngoài tường, tiếng hét lớn rồi tiếng rên và sau đó im lặng. Những cán binh Việt Cộng còn lại bò sát vào chân tường. Nhìn ra cửa, 5 xác nằm vắt trên luống khoai. Một loạt đạn nổ và tôi nghe:

    – Chết em, Đại úy!

    Tôi sững sờ nhìn Dư, tay trái ôm ngón út của bàn tay mặt đầy máu, ruột của Dư đổ ra lòng thòng. Dư ngã vật ra chết tại chỗ, nơi Dư đứng có một lỗ hổng nhỏ ở vách tường. Vì mãi nhìn qua cửa sổ mà không để ý ở phía dưới. Nguyên một họng súng AK thọc qua lỗ tường để sát bụng Dư mà nhả đạn.

    Tôi bắn một loạt M-16 ra cửa sổ, và cứ thế hết quả này qua quả khác tôi ném tất cả lựu đạn của tôi ra ngoài bờ tường. Hai thằng em đã hy sinh, còn bốn thầy trò phải giữ vững vị trí. Phía bên tay phải của tôi súng vẫn nổ dữ dội.

    Đến 10 giờ 30 sáng tôi cho Điểu liên lạc với Nghênh, Duật và Mã Khện. Điểu băng người ra đi, bốn căn nhà cách nhau 10 phút đi bộ mà hơn một tiếng đồng hồ sau Điểu mới về báo cáo là tất cả đã chiếm được mục tiêu. Có đoạn đường nào xa và xấu hơn đoạn đường tôi đang đi! Toán Duật: một chết và một bị thương. Toán Mã Khện: hai chết. Toán Nghênh một chết một bị thương. Tất cả là 6 chết và hai bị thương. Chúng tôi còn 11 người tại tuyến.

    Điểu bò ra giếng cố đem qua cho tôi một cái máy. Cột máy vào một đầu dây và quăng đầu dây kia qua cho Điểu kéo. Can mở máy liên lạc với tiểu đoàn:

    – Trình đại bàng, tôi sẽ cho tràn ngập vị trí với thằng 2 (Đại Đội 2) của Lộc và thằng 3 của tôi.

    Đại bàng hỏi:

    – Tại sao từ sáng tới giờ không chịu liên lạc với tôi? Tôi ra lệnh rút về ngay.

    Phán nài nỉ:

    – Đây là dịp may, tinh thần anh em đang lên, tôi xin đại bàng cho làm luôn!

    Đại Bàng người Thanh Hoá nói bằng bạch văn, không ngụy trang:

    – Nếu anh không rút về, tôi sẽ đưa anh ra toà án quân sự.

    Khí giận bừng bừng, tôi tắt máy không trả lời, trên tay vẫn cầm trái khói xanh. Suy nghĩ thật kỹ! Suy nghĩ thật kỹ! Hơn mấy giờ để đánh mục tiêu, bốn căn nhà và một con đường ngập máu. Mưa vẫn lạnh như cắt da và mồ hôi vẫn ra như tắm. Cuối cùng tôi đành bảo Điểu chuyển lệnh cho các toán:

    – Rút về ngay, mạnh toán nào rút toán nấy, không chờ đợi. Mang thương binh theo, xác chết bỏ lại.

    Năm thước đường đi đã khó, về còn khó hơn. Mỗi bóng người nhúc nhích là đạn nổ hàng loạt, liên hồi, đạn bắn chéo bao phía, đạn lưới thật dầy trên mặt đường và khắp vị trí. Làm sao trở về đây! Con cái bên kia đường đưa mắt theo dõi. Toán tôi bò ra giếng, bỗng mấy bóng đen vụt qua đường như sao xẹt, nhào vào bờ lề và được anh em kéo ra sau. Đạn nổ dòn tan cày nát mặt đường. Đây là mấy đứa bị thương nặng, tưởng là di chuyển không nổi, nhưng khi nghe lệnh rút chúng thu hết tàn lực vùng chạy về, chớp mắt không kịp thấy.

    Hỏa lực từ ba phía nổ vùi vào vị trí chúng tôi. Các toán đột kích không còn liên lạc với nhau. Điểu và Can vẫn giữ căn nhà. Việt Cộng kiểm soát con đường bằng mấy cây thượng liên và trung liên, chúng bắn liên miên. Bên kia đường, Sự và Lộc đáp lễ bằng hoả lực cơ hữu của Khăn Tím và của Đại Đội 2.

    Tôi lấy chân đạp vào thành giếng phóng người băng qua đường, lăn mình, nhảy, chạy và té ào vô bờ lề. Anh em kéo vội tôi ra sau, tôi dừng lại bảo Lộc và Sự bắn từng loạt một để tụi nó dọt về. Nhìn thấy Việt ngồi thành giếng trố mắt ngó về mà tội nghiệp. Sống và chết cách nhau có một con đường. Tôi hồi hộp xót xa cho mấy thằng em.

    Tôi vừa quay mặt hét, “Bắn kềm mấy cây thượng liên!” thì những bóng người bay vọt qua đường. Tim tôi thắt lại, đạn nổ mịt mù. Lần lượt tôi ôm ghì từng đứa, tụi nó còn sống cả. Can và Việt nhào đến ôm tôi một cách dữ dội mà đậm đà trìu mến. Lính với tay sờ người, nắm nhẹ áo tôi: “Đại úy, tóc râu Đại úy cháy hết rồi, mặt bị dăm nhiều chỗ.” Cả đại đội bất chấp đạn địch, đứng dậy nhìn nhau hãnh diện và sung sướng. Tôi báo cáo tiểu đoàn: “Tất cả đã về vị trí.”

    Bỗng tôi thấy thiếu một cái gì, tôi nhìn Can và Việt hỏi:

    – Thằng Điểu đâu?

    Tụi nó nói:

    – Lần cuối cùng em thấy nó vừa khóc vừa chạy lung tung tìm xác Đại úy ở bên ấy.

    – Thôi chết tao rồi, tao phải cứu nó, hai thằng bay theo tao.

    Tôi, Can và Việt bò trở ra đường. Bỗng nhiên một bóng người nhảy qua khỏi hàng rào, nhảy qua khỏi miệng giếng, phóng nhanh qua đường, nhào lăn rào rào vào vị trí và la lớn:

    – Ê, tụi bay thấy anh hai đâu không?

    Điểu đứng dậy nước mắt đầm đìa, tôi lao đến ôm Điểu:

    – Tao định qua kiếm mầy đây!

    – Trời anh Hai, tụi nó nói anh Hai chết rồi. Em đi lục hết căn nhà mấy chục lần, chỉ không dám ra ngoài hè mà không thấy xác anh Hai đâu. Hôm trước Mạ có dặn nhỏ với em, phải sát cánh bên anh Hai, nếu có gì cũng phải nhớ đem anh Hai về cho Mạ…”

    Tóc tai mặt mày râu ria Điểu cháy nám, áo quần rách bươm, nó khóc mùi mẫn vì thấy tôi còn sống. Rồi nó lại bẽn lẽn cúi đầu hai hàng nước mắt lã chã giọt xuống đất. Trong một cuộc chiến bạc bẽo lại có chút tình nghĩa trao nhau qua mấy giọt nước mắt nóng hổi.

    Sáu giờ chiều, xuống trình diện tiểu đoàn trưởng, ông nói ngay:

    – Ông làm những chuyện nguy hiểm quá, lỡ kẹt bên đó thì nói làm sao với lữ đoàn?

    Tôi dạ dạ vâng vâng cho qua rồi đề nghị:

    Thưa thiếu tá, ngày mai cho tôi tấn công, tôi tin chắc sẽ tràn ngập vị trí tụi nó. Cho tôi thêm thằng 2 của Lộc, để thằng 1 của Lượm đi sau thu dọn chiến lợi phẩm. Chỉ xin thiếu tá cho tôi hai xe tăng kèm hai bên hông của tôi.

    Ông hỏi:

    – Có chắc ăn không, Phán?

    Tôi cương quyết:

    – Chắc, và nếu tràn được vị trí thì xin thiếu tá cho phép tôi đánh thẳng lên Kỳ Đài nếu kịp thời gian.

    Tôi theo tiểu đoàn trưởng lên trình ông già Hự (Đại Tá Yên). Ông già chấp thuận.

    Tôi trở về họp các trung đội trưởng:

    – Ngày mai 8 giờ sáng, Đại Đội 3 Khăn Tím bên trái, Đại Đội 2 của Lộc bên phải, dàn hàng ngang lấy con đường lên cửa Sập làm chuẩn tiến song song. Sau khi hai chiếc “tăng” yểm trợ bằng hoả lực xong, cả hai đại đội xung phong tràn ngập vượt qua mỗi chốt thật nhanh, không cần thâu lượm chiến lợi phẩm, để cho Đại Đội 1 đi sau làm chuyện đó. Tất cả ba lô và đồ ăn để lại, trang bị thật nhẹ. Khi tới xóm nhà sát cửa thành thì dừng lại chờ tôi.

    Đúng 8 giờ sáng ngày hôm sau, dàn quân. Hai chiến xa Ontos hạng nặng tiến lên. Mỗi chiếc trang bị 6 cây đại bác 106 ly. Tôi chỉ vị trí cho 2 trưởng xa người Mỹ rồi ra lệnh khai hỏa. Hy vọng 12 cây 106-ly này sẽ san bằng mục tiêu trước mặt cho con cái tôi được dễ dàng đôi chút. Nhưng mỗi chiếc Ontos chỉ bắn một phát đạn duy nhất rồi chạy lùi biến mất, không biết chạy về đâu.

    Tôi hết hồn, quân đã dàn xong, bắt buộc tôi phải ra lệnh xung phong. Tôi hét thật lớn, hét khản cả cổ: XUNG PHONG!

    Cả một đoàn quân dàn hàng ngang, không một ai nhúc nhích. Con đường trước mặt, con đường của 21 ngày máu và nước mắt, con đường tráng nhựa đẹp đẽ nhưng băng qua là đi vào cõi chết. Tôi tức giận chửi thề lung tung rồi chụp cây đại liên M-60 của người lính bên cạnh bắn một loạt dài rồi một mình tôi vừa bắn vừa băng qua đường cùng với toán cận vệ: Can, Việt, Điểu và 2 thằng mang máy. Qua khỏi đường xông tới trước, tiếng đại liên của tôi nổ dòn.

    Đúng lúc ấy cả đoàn quân đồng thanh hô xung phong và ào qua đường. Sau đó, đoàn người vượt nhanh qua mặt tôi và lướt tới trước. Súng nổ vang rền, đoàn quân tiến đều, M-16 bắn vãi vào chốt, lựu đạn ném vào chốt, đạp chốt, bang chốt, lướt qua, cố giữ đội hình. Tiếng nổ inh tai liên tục, đàn áp thật mãnh liệt và chạy tới trước. Đến 3 giờ chiều, chúng tôi đến xóm nhà sát cửa Sập.

    Tôi ra lệnh:

    – Lộc và Sự mỗi ông cho một toán 10 người băng thật nhanh đến áp sát mặt thành xong ngồi xuống. Toán kế tiếp chạy đến leo lên vai toán thứ nhất để toán này đổ dồn lên thành. Khi bám được mặt thành thì tác xạ tối đa và bằng mọi cách giữ vị trí để làm đầu cầu.

    Tiếng đạn lớn nhỏ nổ rền. Hai toán lên thành chiếm xong vị trí. Tôi cho tất cả con cái đem bàn ghế ra chất sát tường và leo lên ngay. Tiếng đạn và pháo địch bay ào ào trên nóc thành, phải khóa lại. Một chặng đường xương máu đã vượt qua, bây giờ mục tiêu chính, mục tiêu của niềm hãnh diện, mục tiêu của ơn sâu và nghĩa nặng: Kỳ Đài Huế.

    Đây là nơi tượng trưng cho linh thiêng của dân tộc nói chung và cho Huế nói riêng. Duật và 20 người tiến chiếm 6 cây súng thần công to lớn, từ đó Duật dùng hoả lực kềm địch ở cửa Ngọ Môn, yểm trợ cho Nghênh và Mã Khện chiếm Kỳ Đài

    Phản ứng của Việt Cộng bắt đầu yếu. Lúc 5 giờ 12 phút chiều, màu áo rằn ri Thủy Quân Lục Chiến đã làm chủ Kỳ Đài. Lá cờ xanh đỏ sao vàng đầy hận thù còn ở trên không. Một thằng lính rút đâu trong người ra một lá cờ vàng ba sọc đỏ thật lớn. Tôi gọi về tiểu đoàn:

    – Tất cả đã sạch sẽ, xin thiếu tá cho tôi treo cờ.

    Lúc ấy, tôi nhớ rõ lệnh của Trung Tướng Lê Nguyên Khang: “Một người lính Thủy Quân Lục Chiến duy nhất còn sống sót cũng phải dựng lại cho được ngọn cờ vàng tại Phú Văn Lâu.”

    Trong niềm vui sướng cùng tột, Hạ Sĩ Hạnh hét lớn:

    – Thủy Quân Lục Chiến!

    Xong lấy trái hỏa châu đập mạnh định bắn pháo bông lên trời ăn mừng. Trong cơn say chiến thắng, Hạnh xoay ngược đầu hỏa châu vào mình, hỏa châu nổ xuyên bụng. Hạnh cười tươi:

    – Em không sao đại úy!

    Phán nghĩ thằng em này tỉnh táo quá, chắc nó chết. Và nó chết thật.

    Tiểu đoàn trưởng bảo Phu Nhân giữ đầu máy chờ. Sau này tôi được nghe: Khi báo cáo về Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh (BB), Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng xin Thủy Quân Lục Chiến dành vinh dự treo cờ cho Sư Ðoàn 1. Sáng hôm sau ngày, 24 tháng 2 Phạm Văn Đính dẫn một đơn vị của Sư Đoàn 1 từ cửa Thượng Tứ lên làm lễ thượng kỳ.

    Nhìn lá cờ vàng phất phới trên nền trời màu xám của Huế, tôi hãnh diện thật sự vì một thằng con của Huế đã góp phần dựng lại ngọn cờ này. Trung Úy Sự trình tôi:

    – Thằng Hạnh chết, mình còn 67 người.

    Đại đội ra đi hơn 170 người, sau 24 ngày và sau bao nhiêu lần bổ sung quân số, chỉ có 3 mục tiêu: con đường, cửa Sập và Kỳ Đài mà bây giờ chỉ còn lại 67 người.

    Sáng hôm sau tôi về phối trí đóng quân lục soát ở khu vực cửa Đông Ba, Nhà Thương Nhỏ, chợ Xép, ngã tư Anh Danh. Bộ chỉ huy của tôi đóng tại một tiệm cầm đồ. Tiệm này có Tôn và Lưu cùng học một lớp với tôi hồi nhỏ. Trong nhà không còn ai cả. Chiều hôm đó tôi gặp lại rất nhiều bạn bè cũ. Tình hình chưa được an ninh hoàn toàn nhưng đóng ở đây chúng tôi nhẩn nha hơn trước nhiều. Tôi đi kiểm soát các vị trí và cho lệnh lục soát tàn quân địch.

    Lính canh bắt giải tới một người đàn ông lớn tuổi, gầy ốm ăn mặc lếch thếch, áo vét nhàu rách, tóc tai rối bù và dơ bẩn, miệng nói lí nhí.

    – Lệnh giới nghiêm, đã 11 giờ đêm sao ông này còn lang thang trên hè phố, em nghi quá. Người lính nói.

    Tôi sững sờ nhìn người đàn ông:

    – Thầy Cao Hữu Triêm! Trời ơi Thầy!

    Tôi gọi mấy tiếng lớn mà thầy cũng không nghe, thầy tiếp tục lẩm bẩm rất nhỏ. Tôi cầm tay mời thầy ngồi:

    – Con là học trò cũ của thầy đây.

    Một ánh mắt lạc lõng xa vời:

    – Ờ, ờ sao con khoẻ không? Thầy mấy ngày ni chưa ăn chi cả.

    Lính tôi kiếm cơm trắng và một dĩa gà luộc về mời thầy xơi. Tụi nó còn kiếm được một bình trà nóng mời thầy. Sau một hồi thầy tỉnh táo và cho biết cô và sấp nhỏ vào Đà Nẵng, thằng con lớn bị chết rồi, thầy không muốn về nhà nữa. Rồi thầy khóc, giọt nước mắt lăn dài trên đôi má nhăn nheo.

    Tôi nói:

    – Thôi thầy ở đây với con cho yên.

    Lính của tôi thay nhau hầu hạ thầy ân cần, đến ngày thứ tư thầy đòi đi, tôi thu xếp để thầy vô Đà Nẵng. Từ đó, tôi mất tin tức của thầy. Cầu mong thầy được bằng an.


    Nguyễn Văn Phán

    [1] Khi vào quân trường, Phán trình diện sơ lược như sau: “Tui chánh quán làng Phú Nhơn, ở gần Hồ Tịnh Tâm, quận Thành Nội, Huế.” Thế là sau đấy, giữa lửa đạn và thịt đổ xương rơi, và qua tiếng thét trong máy truyền tin, cái tên ngụy trang “Phu Nhân” ra đời.

    Nguồn:https://sangtao.org



              
Hình đại diện
Quy Nam
Bài viết: 824
Ngày tham gia: Thứ năm 21/05/15 18:52

Re: Khắc khoải Xuân Mậu Thân 1968

Bài viết bởi Quy Nam »

  •           





              
    Ba bài hát
    để tưởng niệm các oan hồn nửa thế kỷ

    ______________________________

    Tuấn Khanh - 15/02/2018

              




              
              



    Tưởng niệm, một trong các phương thức, chắc không có gì gần gũi bằng âm nhạc.

    Tôi chọn viết ra đây 3 bài hát với những chi tiết cần thiết, mồn một như lịch sử được ghi lại bằng âm nhạc, để ngàn đời sau còn được ngâm nga lên trong ký ức dân tộc này.

    Nếu những kẻ gây ra tội ác chấp nhận sự thật, các giai điệu này nhắc về quá khứ đau buồn và dân tộc cùng nhau gầy dựng lại, để nhắc nhau không đi vào vết xe đổ, để cùng nhau tìm về một tương lai.

    Còn nếu không, thì những lời hát này, sẽ thay cho hàng ngàn linh hồn oan khuất, mãi mãi vang theo từng bước chân của thế hệ Việt Nam, đòi một cuộc giải oan, đòi một tiếng công bằng từ thảm trạng.

    Xin dành đôi phút của cái tết Mậu Tuất, để nghe lại, và nhớ lại và nghĩ lại về đất nước này, như một người Việt Nam đúng nghĩa.




    1_ Chuyện Một Cây Cầu Ðã Gẫy

    “Chuyện Một Cây Cầu Ðã Gẫy” là ca khúc viết năm 1968, khi nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã 31 tuổi; cho nên, nó không phải là một trong những ca khúc đầu tay của ông như nhiều lời bàn.

    Trước biến cố kinh hoàng, được biết dưới tên đơn giản là “Tết Mậu Thân Huế, 1968,” một thành phố tựa mối tình đầu của ông, đồng thời cũng là nơi tiếp giáp quê hương Quảng Nam của mình; Trầm Tử Thiêng đã sáng tác ca khúc “Chuyện một chiếc cầu đã gẫy!”

    Một ca khúc ra đời từ hơn 40 chục năm trước, nay nghe lại người thưởng ngoạn vẫn còn cảm thấy bùi ngùi. Ngay cả khi người nghe không có một chút ấn tượng, hiểu biết gì về biến cố ghê rợn ấy.

    Có dễ vì âm điệu của ca khúc được xây trên nền của các câu hò, hoặc dân ca Huế, như Nam Bình, Nam Ai... thích hợp với nội dung, khí hậu của bản nhạc (?)

    Ðã thế, ông còn “vẽ” lại một cách lớp lang, thứ tự như một truyện ngắn cảm động bằng âm nhạc, nên dù ai nghe, cũng khó cầm lòng!

    Ca khúc mở đầu bằng sự nhớ lại những ngày đầu tiên, khi chiếc cầu được xây dựng:
    • “Một ngày vào thuở xa xưa trên đất Thần Kinh -
      Người bỏ công lao xây chiếc cầu xinh -
      Cầu đưa lối cho dân nối liền cuộc đời -
      Khắp cố đô dân lành vui ca thành điệu Nam Bình -
      Niềm vui bao lâu ước mơ
      giờ trên xứ thơ cầu nối liền bờ -
      Thỏa lòng người dân hằng chờ
      có ngày hẹn hò tình đẹp như mơ.”
    Rồi trải qua hàng trăm năm với mưa, nắng, buồn, vui, những cuộc đời thơ mộng, trưởng thành, qua đi, để bao thế hệ tiếp nối lại được mùa hẹn hò, được sống như thi ca trước sự chứng kiến của chiếc cầu nối liền hai đầu tử, sinh đó.

    Trong tác phẩm của Trầm Tử Thiêng, chiếc cầu không còn là một kiến trúc, một vật thể làm phương tiện nối liền đôi bờ một con sông mà, nó còn là chứng nhân tình cảm, trung tín nhất của những người ra đi, gầy dựng tương lai, nhưng vẫn không quên lời nguyện thầm, trở về:
    • “Từng đoàn người dệt tương lai đi nắng về trưa -
      Dập dìu trong tay chan chứa tình thương -
      Cầu êm bóng xa xa nắng tre rập đường -
      Áo trắng về trắng cầu quê hương -
      mỗi lần chiều tan trường -
      Cầu quen đưa bao chuyến xe -
      Nhiều khi vẫn nghe buồn vui tràn trề -
      Âm thầm người đi, người về,
      trót ghi lời thề ngoài miền sơn khê.”

      “Ngày nào cầu đã đưa anh qua phố tìm em -
      Cầu đã đưa ta sang chỗ hẹn nhau -
      Cầu tha thiết khuyên anh giữ trọn tình đầu -
      Nước dưới cầu trong veo -
      Như cuộc tình duyên nghèo...”
    Thế rồi, bất ngờ, thảm họa xẩy ra:
    • “Tình người về giữa đêm xuân chưa dứt cuộc vui -
      Giặc đã qua đây gây cảnh nổi trôi -
      Cầu thân ái đêm nay gẫy một nhịp rồi -
      Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai
      tiếc thương lời vắn dài...”
    Nhân nhắc tới ca khúc “Chuyện một chiếc cầu đã gẫy” của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, tôi nghĩ có dễ ít người biết cách đây nhiều chục năm, khi được nhạc sĩ Anh Bằng đồng ý cho hát thử trong băng nhạc Dạ Lan (tiền thân của trung tâm băng nhạc Asia). Nhựt Thanh khi ấy còn rất trẻ, đã chọn ca khúc đó để quyết định vận mệnh đời ca hát của mình...

    Kết quả, một sớm một chiều, tiếng hát Trường Thanh (tức Nhựt Thanh) được nhiều thính giả đón nhận.

    Thời gian đó, Trường Thanh không chỉ là một tiếng hát ăn khách, mà anh còn tạo lấy cho mình một trung tâm băng nhạc riêng: Trung Tâm băng nhạc Trường Thanh nữa.

    (Du Tử Lê - Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và Chuyện một Chiếc Cầu Đã Gãy)

    Nghe nhạc CHUYỆN MỘT CHIẾC CẦU ĐÃ GÃY
              
              




    2_ Cơn mê chiều

    Tưởng niệm 50 năm thảm sát năm Mậu Thân, Huế, qua một status của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, tôi tìm gặp và trò chuyện được với người nhà của tác giả Cơn mê chiều. Mới biết nhạc sĩ Nguyên Minh Khôi (Nguyên chứ không phải là Nguyễn như mọi người vẫn nhầm) vẫn còn sống tại Saigon như một ẩn sĩ. Tên thật của ông là Vĩnh Khôi, cháu của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.

    Năm 2018, có lẽ là một năm rất hit của ca khúc này, bởi bài hát Cơn mê chiều thoáng nghe qua, cứ tưởng như một chuyện tình buồn trên đất Thần kinh. Thế nhưng đó lại là một trong những ca khúc như lịch sử được ghi bằng âm nhạc, sang trọng và nhẹ nhàng, nói về thảm cảnh của người dân Huế trước thảm nạn Cộng sản năm 1968.

    Theo lời kể của gia đình nhạc sĩ Nguyên Minh Khôi, thì ông đã viết bài này ngay sau những ngày Tết Mậu Thân, khi ông vội chạy ra Huế để thăm người yêu, mà sau này là vợ của ông. Bài hát được tức cảm, viết ngay tại thành phố Huế, ngay trước khung cảnh tan hoang của quê nhà. Căn nhà của song thân nhạc sĩ Nguyên Minh Khôi lúc đó ở đường Phan Bội Châu (nay là Phan Đăng Lưu), bị trúng đạn. Khi ông tìm đến thì chỉ thấy ngôi nhà đổ nát nên bàng hoàng vì đã không có tin tức gì của người yêu, lại thêm nỗi đau có thể mất cả song thân. Trong cảm xúc đau buồn tột cùng đó, nhạc sĩ Nguyên Minh Khôi. đi lang thang khắp thành phố Huế để nhìn nơi sinh ra của mình, nhìn những cảnh hoang tàn, chết chóc bao phủ ... và rồi cảm xúc đó đã viết thành Cơn Mê Chiều. Lúc đó, nhạc sĩ Nguyên Minh Khôi chỉ vừa 27 tuổi.

    Từ 10 năm nay, nhạc sĩ Nguyên Minh Khôi ít giao tiếp với bên ngoài, cũng như có sáng tác mới, nhưng chỉ thu âm và chia sẻ với người quen biết. Một bài hát khác về Huế, với tâm trạng tương tự, là Huế Mù Sương, có thể tìm thấy ở https://www.youtube.com/watch?v=EBJAal-UTCc

    Nghe nhạc CƠN MÊ CHIỀU
                         





    3_ Bài Ca Viết Cho Những Xác Người

    Về cái Tết Mậu Thân kinh hoàng ở Huế, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có hai bài hát là “Bài Ca Viết Cho Những Xác Người” và “Hát Trên Những Xác Người” được sáng tác năm 1968, sau khi Trịnh Công Sơn từ Huế trở về Sài Gòn. Những ngày diễn ra biến cố tại Huế, Trịnh Công Sơn có mặt tại cố đô.

    Một người bạn thân của nhạc sĩ, là hoạ sĩ Trịnh Cung, hồi tưởng rằng Trịnh Công Sơn có kể với ông những tình tiết đã xảy ra cho người nhạc sĩ trong những ngày lưu lại Huế. Hoạ sĩ Trịnh Cung cho biết, tác giả bài ca Hát Trên Những Xác Người, suýt chút nữa, đã trở thành nạn nhân của Biến Cố Mậu Thân.
    • “Gia đình Sơn bị lùa vào tập hợp tại một điểm tập trung tại Huế. Em Sơn là Trịnh Quang Hà cũng bị lùa vào. May mắn cho Sơn, những người bộ đội là từ miền Bắc vào, họ không biết Sơn là ai. Chứ nếu Sơn bị những người địa phương bắt, thì chắc anh em Sơn cũng đã cùng chung một số phận tại mồ chôn tập thể ở Bãi Dâu.
    Trong một bài viết cách đây vài năm, nhà văn Phạm Xuân Đài, cũng là một người bạn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đã khẳng định, hai nhạc phẩm viết như là vai trò của một nhân chứng.

    Ông viết:
    • “Toàn là những xác người, gần giống như những thước phim tài liệu của Đức Quốc Xã ghi hình ảnh thi hài chồng chất của người Do Thái. Bài hát này của Sơn là một phóng sự bằng nghệ thuật cho người đời biết thế nào là sự chết chóc khi “anh em ta về” thành phố Huế dịp Mậu Thân. Chắc chắn, đó là dịp Sơn nhìn gần cái chết tập thể nhất, nhìn thấy sự man rợ, tuy vẫn thuộc phạm vi cuộc chiến nhưng không phải thuần tuý do động lực chiến tranh. Cả hai bài hát có cùng một đề tài trong hầu cùng một biến cố.”
    Những nhân chứng thời ấy nói rằng, các đám tang tập thể tại Huế vào các năm 1968, 1969 là hình ảnh không thể quên cho những ai từng một lần nhìn thấy. Trong bài viết “Mass Murder, Mass Burial” của nhà báo Tito V. Carballo, đăng trên Vietnam Bulletin vào năm 1969, có đoạn mô tả một đám tang tập thể như sau:
    • “Dưới ánh mặt trời chói chang, những dãy quan tài được xếp thành từng hàng ngay ngắn. Bên trong mỗi quan đóng vội này là những gì còn sót lại của các thi hài được tìm thấy. Khoảng 15,000 người, trong áo tang trắng, đứng chịu trận dưới trời nắng chang chang. Một ai đó âm thầm khóc, một ai khác khóc to vật vã. Thỉnh thoảng, họ lại nhìn nhau như thể đang tìm một lời an ủi rằng đây không phải là sự thật, đây chỉ là một giấc chiêm bao.”
    Mậu Thân 1968, những gì xảy ra cho người đã chết, sẽ còn mãi trong lòng người đang sống. Biến cố ấy sẽ không trôi qua trong quên lãng. Mậu Thân 1968, đã để lại dấu vết trong âm nhạc, trong văn chương, trong hồi ký, và trên báo chí.
    (Sưu tầm)

    Nghe nhạc
              
    [BBvideo=560,315]https://www.youtube.com/watch?v=k72Xcyb9Zek[/BBvideo]
    Bài Ca Dành Cho Những Xác Người


    [BBvideo=560,315]https://www.youtube.com/watch?v=AS-ZqbBbSfE[/BBvideo]
    Hát Trên Những Xác Người
              



    - Chiều 30 Tết, Sài Gòn -
              
                         

          
Trả lời

Quay về “Vào cuộc chiến”