Chuyện của Mimi-Nashi-Hoichi

Trả lời
Hình đại diện
lan huệ
Bài viết: 174
Ngày tham gia: Thứ năm 21/05/15 09:57

Chuyện của Mimi-Nashi-Hoichi

Bài viết bởi lan huệ »


Chuyện của Mimi-Nashi-Hoichi



The Story of Mimi-Nashi-Hoichi
Kwaidan, by Lafcadio Hearn
Lan Huệ dịch






Hơn bẩy trăm năm về trước, tại Dan-no-ura, ở eo biển Shimonoséki, đã xảy ra trận đánh cuối cùng của cuộc chiến tranh dai dẳng giữa gia tộc Heiké, hay Taira, và gia tộc Genji, hay Minamoto. Tại đó gia tộc Heiké đã diệt vong, cùng với đàn bà và trẻ con, cũng như tiểu hoàng đế của họ-- người mà ngày nay được biết đến dưới danh hiệu Antoku Tenno. Và biển với bờ ấy đã bị ma ám suốt bẩy trăm năm....Tôi đã viết ở đâu đó về những con cua lạ lùng tìm thấy tại nơi này, cua Heiké, lưng chúng vằn vện như mặt người, và tương truyền rằng, chúng là hiện thân của vong hồn các chiến sĩ Heiké. (1) Nhưng còn có rất nhiều chuyện kỳ lạ sẽ được thấy và nghe dọc theo vùng biển này. Vào những đêm đen, hàng ngàn đốm lửa bay lượn trên bãi biển hay chập chờn trên ngọn sóng,-- thứ ánh sáng xanh nhạt mà dân chài gọi là Oni-bi, hay ma trơi; và, mỗi khi gió nổi, tiếng hò hét lại vọng vào từ biển, như âm thanh ầm ĩ của chiến trường.


Trong những năm đầu gia tộc Heiké vọng động hơn bây giờ rất nhiều. Họ hiện lên gần các con tàu ngang qua trong đêm, tìm cách đánh đắm; và lúc nào họ cũng rình mò những tay bơi, để kéo chìm. Với mục đích xoa dịu người chết, một ngôi đại tự, Amidaji, đã được xây tại Akamagaséki. (2) Một nghĩa địa cũng được lập ra gần đó, cạnh bãi biển; và bên trong nghĩa địa các tượng đài ghi tên vị hoàng đế đã trầm mình cùng với tên các chư tướng của ngài được dựng lên; và những buổi tụng niệm theo nghi thức Phật giáo thường xuyên diễn ra, cho linh hồn của họ. Khi chùa đã xây, và bia đã lập, gia tộc Heiké ít quấy nhiễu hơn trước; nhưng thỉnh thoảng, họ cũng tiếp tục gây nên những chuyện quái dị,--chứng tỏ họ chưa tìm được sự bình an tuyệt đối.


1. Xin đọc quyển Kotto của tôi, để xem đoạn mô tả loài cua lạ lùng này.
2. Hay là, Shimonoséki. Thành phố này còn được biết dưới tên Bakkan.
:wlkdg:
Hình đại diện
lan huệ
Bài viết: 174
Ngày tham gia: Thứ năm 21/05/15 09:57

Chuyện của Mimi-Nashi-Hoichi

Bài viết bởi lan huệ »

Vài thế kỷ trước tại Akamagaséki có một chàng trai mù tên là Hoichi sinh sống, chàng nổi tiếng về tài kể chuyện và chơi đàn tỳ bà.(3) Từ nhỏ chàng đã được dạy cách ca ngâm và sử dụng đàn; và ngay khi hãy còn là một cậu bé, tài hoa của chàng đã vượt trội hơn thầy. Như một người hát rong chuyên nghiệp, chàng nổi danh chủ yếu nhờ vào những bài sử thi về gia tộc Heiké và gia tộc Genji; và nghe nói rằng khi chàng ngâm khúc Trận đánh Dan-no-ura "cả yêu tinh cũng không thể cầm được lệ."


Lúc mới vào nghề, Hoichi rất nghèo; nhưng chàng có một người bạn tốt giúp đỡ chàng. Sư ông trụ trì chùa Amidaji vốn yêu thích thi ca và âm nhạc; ngài thường vời Hoichi đến chùa, để đàn và ngâm thơ. Về sau, vì thán phục tài năng tuyệt vời của chàng, ngài đề nghị Hoichi coi chùa như nhà ở của mình; và lời mời này được hoan hỉ chấp nhận; và, để đổi lấy thực phẩm và nơi cư ngụ, chàng chỉ cần làm nhà sư hài lòng với vài buổi tối đàn hát, những khi không vướng bận.



Một đêm hè, sư ông được mời đến nhà một tín chủ trong vùng vừa qua đời để cử hành những nghi thức tụng niệm; và ngài đi cùng các tăng sinh, chỉ một mình Hoichi ở lại chùa. Đó là một đêm nóng bức; và để cho mát người thanh niên mù lần mò ra hàng hiên trước phòng ngủ của mình. Hiên nhìn ra một khu vườn nhỏ phía sau chùa Amidaji. Tại đó Hoichi chờ sư ông trở về, và để giảm bớt cô liêu chàng dạo vài khúc tỳ bà. Đã hơn nửa đêm; và sư ông chưa về. Nhưng trời quá nóng để vào trong; và Hoichi vẫn ở lại bên ngoài. Rồi cuối cùng chàng nghe bước chân từ cổng sau tiến đến gần. Một người nào đó băng qua vườn, tới hiên chùa, và dừng ngay trước mặt chàng--nhưng đó không phải là sư ông. Một giọng u trầm gọi tên chàng trai mù--cộc lốc và không khách khí, kiểu một người võ sĩ đạo gọi kẻ dưới:--


"Hoichi!"


Hoichi quá đỗi sửng sốt, trong một thoáng, để trả lời; và người đó lại sẳng giọng, như hạ lệnh:--


"Hoichi!"


"Hai!" chàng trai mù đáp lại, hoảng sợ vì sự dọa nạt trong giọng nói, --"tôi mù!-- tôi không biết ai đang gọi tôi!"


"Không có gì phải sợ," người lạ đáp, dịu giọng lại. "Ta dừng chân ở gần chùa, và được phái tới đây để chuyển cho ngươi một thông điệp. Chủ tướng của ta, một người có địa vị vô cùng cao quý, đang ngự tại Akamagaséki, cùng với tùy tùng của ngài. Ngài muốn xem quang cảnh trận đánh Dan-no-ura; và ngài đã viếng nơi ấy. Từng nghe nói đến tài ca ngâm chiến sử của ngươi, ngài muốn nghe ngươi trình diễn: vậy hãy cầm lấy cây đàn tỳ bà và lập tức theo ta tới biệt phủ nơi phái đoàn tôn quý đang chờ."


Vào thời ấy, không dễ gì bất tuân mệnh lệnh của giới võ sĩ đạo. Hoichi mang dép vào, cầm cây đàn tỳ bà của mình, và đi theo người lạ, dẫn dắt chàng một cách khéo léo, nhưng bắt chàng phải đi rất nhanh. Bàn tay hướng dẫn chàng là ống tay sắt; và tiếng khua loảng xoảng theo bước chân của người chiến sĩ cho biết hắn mang đầy đủ chiến bào,--có lẽ hắn là một thị vệ đang trong phiên gác. Sự cảnh giác ban đầu của Hoichi không còn nữa: chàng khởi sự tưởng tượng mình đang gặp may;--vì, nhớ lời người vệ sĩ đoan chắc về một "nhân vật vô cùng cao quý," chàng nghĩ rằng vị chủ tướng muốn nghe chàng đọc thơ chí ít cũng phải là một lãnh chúa hàng thượng đẳng. Lúc ấy người võ sĩ dừng lại; và Hoichi ý thức rằng họ đang đứng trước một cổng vào to lớn;--và chàng thắc mắc, vì chàng không nhớ có một cổng vào to lớn nào ở vùng này trong thành phố, ngoại trừ cổng vào của đại tự Amidaji. "Khai môn!"(4) người võ sĩ đạo gọi to,--và có tiếng tháo mở thanh chắn; và hai người đi qua. Họ băng ngang một khu vườn, và một lần nữa ngừng trước một cửa vào nào đó; và người tùy tùng thét to, "Nội cung! tôi đã đưa Hoichi tới." Rồi tiếng chân vội vã, và tiếng cửa lùa kéo ra, và tiếng cửa chánh mở, và tiếng đàn bà trò chuyện. Dựa trên lời nói của những phụ nữ này, Hoochi biết họ là thị nữ của một gia đình quý tộc; nhưng chàng không thể hình dung nơi chàng đã được dẫn tới là chốn nào. Chàng không đủ thời giờ để phỏng đoán. Sau khi được giúp bước lên nhiều bậc thềm đá, bậc cuối cùng chàng được lệnh phải tháo dép để lại, một bàn tay phụ nữ dẫn chàng đi trên vô số ván sàn, và qua cơ man góc quanh các cột tròn không thể đếm, và qua bao nhiêu kỳ diệu số chiếu trải,--đến giữa một căn phòng rộng mênh mang. Nơi đó chàng nghĩ rằng có nhiều người cao sang tụ tập: tiếng lụa sột soạt như tiếng lá trong rừng. Chàng cũng nghe tiếng rì rầm,--đối đáp thật khẻ khàng; và ngôn ngữ là thứ ngôn ngữ của triều đình.


Hoichi được lệnh an vị, và lần tìm chiếc gối dành cho chàng. Sau khi chàng ngồi lên gối, và lên dây đàn, có tiếng của một người đàn bà--mà chàng đoán phải là Rojo, người đứng đầu các thị nữ--nói với chàng,--


"Thiên sử thi của gia tộc Heiké hãy được ngâm, cùng với tiếng đàn tỳ bà."


Để đọc trọn bộ sử thi cần một thời gian dài mấy đêm: do đó Hoichi đánh bạo hỏi:--


"Vi thiên sử thi rất dài không thể đọc xong ngay, xin tôn ý cho biết tiện nhân có thể ngâm đoạn nào?"


Giọng người đàn bà trả lời:--


"Ngâm câu chuyện trận chiến Dan-no-ura,--vì mối thương tâm mà nó gây ra sâu đậm nhất."(5)


Và Hoichi cất tiếng, và ngâm nga câu chuyện về trận chiến trên vùng biển đau thương--tiếng đàn của chàng sống động như tiếng mái chèo rào rạt đưa các chiến thuyền rẽ sóng tiến lên, tiếng những mũi tên xé gió bay xoèn xoẹt, tiếng người thét gào và dẫm đạp lên nhau, tiếng thép khô khốc đâm xuyên mũ sắt, tiếng thây người rơi tòm xuống nước. Và ở bên trái cũng như bên phải của chàng, mỗi khi tiếng đàn hát tạm ngừng, chàng có thể nghe những lời ca ngợi rầm rì: "Thật là một nghệ sĩ tuyệt vời!"--"Chưa bao giờ quê chúng ta lại có một buổi trình diễn như thế này!"--"Khắp cả vương quốc không một ai có thể sánh bằng Hoichi!" Rồi với sự can đảm mới có, chàng đàn và ngâm thơ hay hơn bao giờ hết; và chung quanh chàng sự im lặng vì nỗi diệu kỳ càng lúc càng sâu lắng. Nhưng khi chàng kể đến số phận của những người yếu đuối và bất lực,--cái chết thương tâm của đàn bà và trẻ con,--và việc nhảy xuống biển tự trầm của Nii-no-Ama, với tiểu hoàng đế trong tay,--toàn thể thính giả cùng lúc phát ra một tiếng than vãn rợn người; và sau đó họ khóc lóc và nỉ non thê thảm đến độ chàng trai mù phải kinh hoàng vì sự hung bạo của nỗi buồn mà chàng đã gây nên. Trong một lúc cơn than khóc kéo dài. Nhưng dần dà những âm thanh thương xót cũng tắt lịm; và rồi, trong sự im lặng bao la sau đó, Hoichi nghe giọng nói của người đàn bà mà chàng cho là chỉ huy của đoàn thị nữ.


Bà nói:--


"Mặc dù chúng ta đã được đoan chắc ngươi là một nghệ sĩ tỳ bà tài hoa, và không ai có thể sánh bằng trong lãnh vực ca ngâm, chúng ta không biết rằng không một người nào lại có kỷ năng tuyệt vời như ngươi đã chứng tỏ đêm nay. Chủ tướng của ta hài lòng nói rằng ngài có ý định ban thưởng xứng đáng cho ngươi. Nhưng ngài muốn xem ngươi trình diễn mỗi đêm trong sáu đêm tới đây ---sau đó có lẽ ngài sẽ lên đường hồi cung. Đêm mai, vì thế, ngươi phải đến đây cũng vào giờ này. Tên vệ sĩ dẫn đường cho ngươi tối nay sẽ được phái đến đón ngươi... Còn một việc nữa mà ta được lệnh báo cho ngươi rõ. Trong thời gian chủ tướng chúng ta du ngoạn Akamagaséki, ngươi không được nói cho ai hay biết về những lần ngươi được vời tới đây. Vì chủ tướng du hành bí mật, (6) ngài hạ lệnh, không được nhắc nhở gì hết đến việc di chuyển của ngài...Bây giờ ngươi được tự do trở về chùa."





3. Biwa, một loại đàn lute bốn dây, phần lớn dùng trong các buổi ngâm thơ. Trước kia, những người hát rong chuyên nghiệp ngâm bài Heiké-monogatari và các bài sử thi bi tráng khác, được gọi là biwa-hoshi, hay "thầy tu-đàn lute." Danh từ này không có nguồn gốc rõ ràng; nhưng ta có thể thấy, những "thầy tu-đàn lute," cũng như những người tẩm quất mù, đều cạo trọc, tương tự các nhà sư. Biwa được khảy với miếng gảy, gọi là bachi, thường được làm bằng sừng.

4. kaimon, một danh từ trang trọng, chỉ sự mở cổng. Nó được giới võ sĩ đạo dùng để gọi lính gác cổng ở dinh thự các chủ tướng mở cửa cho vào.

5. Câu này cũng có thể được hiểu như "vì mối thương tâm của đoạn ấy là sâu đậm nhất. Trong bản nguyên thủy tiếng Nhật, từ awaré được dùng để chỉ mối thương tâm.

6. "Du hành cải trang" ít nhất đó là ý nghĩa của đoạn văn nguyên thủy,--"làm một cuộc xa giá cải trang" (shinobi no go-ryoho)
:wlkdg:
Hình đại diện
lan huệ
Bài viết: 174
Ngày tham gia: Thứ năm 21/05/15 09:57

Chuyện của Mimi-Nashi-Hoichi

Bài viết bởi lan huệ »

Sau khi Hoichi cảm tạ xong, thiếu phụ dẫn chàng ra cổng, nơi người vệ sĩ trước đây đưa chàng đến đang chờ sẳn. Hắn dắt chàng tới mái hiên sau chùa, rồi từ giã chàng.

Trời hầu như đã rạng đông khi Hoichi về tới; nhưng không ai để ý đến sự vắng mặt của chàng,-- vì sư ông, quay lại chùa lúc rất khuya, cho rằng chàng đã ngủ. Ngày hôm sau Hoichi được nghỉ ngơi; và chàng không nói gì tới cuộc phiêu lưu của mình. Đến nửa đêm người võ sĩ đạo một lần nữa lại tới tìm chàng, và đưa chàng tới chỗ tập hợp của đám quần thần, nơi ấy chàng lại ngâm thơ với sự thành công của kỳ trình diễn trước. Nhưng sự vắng mặt lần thứ hai của chàng tình cờ bị phát hiện; và sau khi trở lại chùa, vào buổi sáng chàng được vời lên gặp sư ông, người chỉ nhẹ nhàng trách chàng:--

"Hoichi, nhà chùa rất lo lắng cho hiền đệ. Ra khỏi chùa, mù lòa và một mình, vào lúc chiều tối là nguy hiểm. Vì sao hiền đệ đi mà không báo cho nhà chùa biết? Ta có thể cho một người nô bộc kèm theo. Mà hiền đệ đi đâu vậy?"

Hoichi trả lời, một cách mơ hồ,--

"Xin sư ông thứ lỗi! Tiểu đệ có chút việc riêng phải làm; và tiểu đệ không thể sắp xếp công việc vào thời điểm khác."

Sư ông ngạc nhiên, hơn là đau lòng, bởi sự dè dặt của Hoichi: ngài cảm thấy việc này không hợp lý, và ngài nghi rằng có một điều gì đó không hay. Ngài sợ chàng thanh niên mù bị ma ám. Ngài không hỏi thêm câu nào; nhưng lẳng lặng ra lệnh cho người giúp việc trong chùa theo dõi hành động của Hoichi, và bám theo chàng, nếu như chàng lại ra khỏi chùa sau khi trời tối.

Ngay đêm sau, người ta thấy Hochi đi khỏi chùa; những người giúp việc lập tức thắp đền lồng, và bám theo chàng. Nhưng đêm ấy trời mưa, và tối mịt; trước khi người của chùa ra đến đường lộ, Hoichi đã biến mất. Rõ ràng chàng đã đi rất nhanh,--một điều kỳ dị, nếu tính đến sự mù lòa của chàng; bởi đường xá gập ghềnh trơn trợt. Đoàn người vội vàng chia ra, hỏi thăm từng ngôi nhà mà Hoichi đã ghé qua trước đây; nhưng không ai có thể cho biết tin tức gì của chàng. Cuối cùng, trên đường trở về chùa men theo bờ biển, đoàn người giật mình vì chuỗi âm thanh dồn dập của tiếng đàn tỳ bà, từ nghĩa trang của chùa Amidaji vọng lại. Ngoại trừ những đốm ma trơi--vẫn thường chập chờn trong đêm tối--tất cả chỉ là bóng đen dầy đặc từ phía ấy. Nhưng họ lập tức đi đến nghĩa trang, và nơi đó, nhờ những chiếc đèn lồng, họ tìm thấy Hoichi,--ngồi một mình dưới mưa trước mộ phần của Antoku Tenno, khẩy đàn tỳ bà và ngâm to bài sử thi mô tả trận đánh Dan-no-ura. Và sau lưng chàng, chung quanh chàng, và trên khắp các nấm mồ, những đóm lửa ma bập bùng, như lửa từ các ngọn nến. Chưa bao giờ người ta lại có thể nhìn thấy số lửa ma nhiều đến thế...

"Hoichi-san!--Hoichi-san!" những người giúp việc kêu to,--"ông đang bị ma ám!...Hoichi-san!"

Nhưng dường như chàng trai mù không nghe gì cả. Chàng cật lực khảy cây đàn tỳ bà của mình, tạo nên những âm thanh vật vã, khốc liệt; -- càng lúc chàng càng mê cuồng ngâm bài thơ trận chiến Dan-no-ura. Họ ôm chặt chàng;--họ hét vào tai chàng,--

"Hoichi-san!--Hoichi-san!--về chùa với chúng tôi ngay!"

Chàng mắng họ:--

"Cản trở tôi như thế này, trước triều thần uy nghi, sẽ không được dung thứ."

Do đó, mặc dù tình huống kỳ quái, những người giúp việc của nhà chùa không thể nào nhịn được cười. Tin chắn rằng chàng trai bị ma ám, họ ôm chặt chàng, lôi chàng dậy, và dùng võ lực kéo chàng về chùa--nơi chàng bị lột bỏ quần áo ướt, theo lệnh của sư ông, và thay áo mới, và bắt phải ăn uống. Sau đó sư ông yêu cầu người bạn trẻ giải thích tường tận hành vi gây kinh ngạc của mình.

Hoichi ngần ngừ không nói. Nhưng cuối cùng, nhận thấy cách cư xử của mình đã thực sự gây biết bao lo lắng và bực bội cho sư ông, chàng quyết định không giữ bí mật nữa; chàng thuật lại tất cả những gì đã xảy ra từ khi gặp người võ sĩ đạo.

Sư ông nói:--

"Hoichi! tội nghiệp quá, hiền đệ đang ở trong một tình thế nguy hiểm! Thật đáng tiếc hiền đệ đã không kể cho ta hay từ sớm! Tài năng âm nhạc của hiền đệ chính là thứ đã đưa hiền đệ đến tình thế khó khăn lạ lùng này. Hiền đệ nên biết, hiền đệ không hề thăm viếng một gia trang nào, mà đã qua đêm trong nghĩa địa, giữa mộ phần của dòng họ Heiké; --và chính ngay trước tượng đài của Antoku Tenno, những người giúp việc trong chùa đã tìm thấy hiền đệ, ngồi dưới mưa, tối nay. Tất cả những gì hiền đệ đã nhận biết chỉ là ảo tưởng--trừ tiếng gọi của người chết. Một khi tuân lệnh họ, hiền đệ đã tự đặt mình dưới uy lực của họ. Nếu hiền đệ nghe theo mệnh lệnh của họ một lần nữa, sau những gì đã xảy ra, họ sẽ xé hiền đệ ra từng mảnh. Nhưng dù sao, chẳng chóng thì chày, họ cũng sẽ hủy diệt hiền đệ, vào bất cứ lúc nào...Tối nay ta không thể ở cùng với hiền đệ: ta lại được gọi ra ngoài tụng niệm. Nhưng, trước khi đi vắng, để bảo vệ thân thể của hiền đệ, ta cần phải ghi chép kinh tự lên đó.

Trước khi trời sụp tối, sư ông và một tăng sinh cỡi bỏ y phục của Hoichi: rồi, với bút lông, họ viết lên ngực và lưng, đầu, mặt và cổ, tứ chi, bàn tay và bàn chân,--ngay cả lòng bàn chân, và trên tất cả những bộ phận của cơ thể chàng-- kinh văn của bài Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh.(7) Khi đã xong việc, sư ông dặn dò Hitoichi:


"Đêm nay, sau khi ta rời khỏi chùa, hiền đệ lập tức phải ra ngồi ở ngoài hiên, và chờ. Họ sẽ gọi tên hiền đệ. Nhưng, bất kể chuyện gì có xảy ra, hiền đệ không được đáp trả, và không được động đậy. Không được nói một lời nào, và phải ngồi im--như thể đang thiền. Nếu hiền đệ cựa quậy, hay phát ra tiếng động, hiền đệ sẽ bị xé tan từng mảnh. Đừng sợ hãi; và đừng nghĩ đến việc kêu cứu--bởi không một sự giúp đỡ nào có thể cứu mạng hiền đệ. Nếu hiền đệ làm đúng như những gì ta vừa nói, hiểm nghèo sẽ qua, và hiền đệ sẽ không còn phải lo sợ điều gì nữa."

Khi đêm xuống, sư ông và người tăng sinh rời khỏi chùa; và Hoichi ra ngoài hiên ngồi, theo lời chỉ dạy của sư ông. Chàng đặt cây đàn tỳ bà xuống sàn gỗ, bên cạnh mình, và, bắt đầu tư thế tọa thiền, giữ thật tĩnh lặng,--cố không ho hay thở mạnh. Chàng ngồi yên như thế suốt mấy giờ liền.

Rồi, từ ngoài đường, chàng nghe những bước chân lại gần. Chúng đi qua cổng, băng ngang khu vườn, đến gần hàng hiên, ngừng lại--ngay trước mặt chàng.




7. Hannya-Shin-Kyô là tên tiếng Nhật của kinh ngắn Pragfia-Paramita-Hridaya-Sutra. Cả hai bản kinh, lược bản và quảng bản--Pragfia-Paramita (Transcendent wisdom) đều đã được Giáo Sư Max Muller dịch sang Anh ngữ, có thể tìm thấy trong quyển thứ xlix của bộ Sacred Books of the East. Nhắc đến hiệu ứng thần thông của kinh, mô tả trong câu truyện này, tưởng cũng nên nói đến chủ đề của kinh, Giáo lý Sắc Không,--nghĩa là, tính chất không thực của tất cả các hiển tượng hay sự việc..."Sắc là không; và không là sắc. Không chẳng khác chi sắc; sắc chẳng khác chi không. Thứ gì là sắc-- ấy là không. Thứ gì là không--ấy là sắc...Thọ, tưởng, hành thức cũng đều là không...Không mắt, không tai, không mũi, không lưỡi, không thân, không ý... Nhờ thoát ly các niệm tưởng (Bồ Tát) không còn sợ hãi, vượt khỏi mọi ảo vọng, đạt tới niết-bàn."



Hình ảnh
hình từ tanakaharuo.blog.shinobi.jp
:wlkdg:
Hình đại diện
lan huệ
Bài viết: 174
Ngày tham gia: Thứ năm 21/05/15 09:57

Chuyện của Mimi-Nashi-Hoichi

Bài viết bởi lan huệ »

"Hoichi!" giọng trầm gọi. Nhưng chàng mù nín thở, và ngồi im thin thít.


"Hoichi!" giọng nói lại vang lên, hung hãn. Rồi lần thứ ba--một cách man rợ;--


"Hoichi!"


Hoichi vẫn lặng yên như một hòn đá,--và giọng nói gầm lên như sấm:


"Không trả lời à!--đâu dễ dàng thế!...Phải tìm xem hắn ở đâu."...


Có tiếng chân thình thịch trên thềm bước lên hiên. Tiếng chân chậm rãi đến gần,--ngừng lại sát bên chàng. Rồi, suốt mấy phút dài đăng đẳng,--Hoichi tưởng chừng thân thể của mình rung bây bẩy theo nhịp đập của trái tim,--là sự im lặng đầy chết chóc.


Cuối cùng giọng nói cộc cằn ấy càu nhàu cạnh chàng:--


"Cây đàn tỳ bà đây rồi; nhưng còn gã chơi đàn, ta chỉ thấy--vỏn vẹn hai vành tai của gã! Điều này cho biết vì sao gã đã không trả lời: gã không có mồm để nói--gã chẳng còn gì ngoại trừ đôi tai...Vậy ta sẽ đem đôi tai này trình lên Chủ tướng--đó là bằng chứng cho thấy mệnh lệnh đã được chấp hành, đến mức chu đáo nhất"...


Ngay khi ấy Hoichi cảm thấy đôi tai của mình bị những ngón tay sắt nắm chặt, rồi giật phăng! Cho dù đau đớn, chàng vẫn không thốt ra tiếng nào. Những bước chân nặng nề xa dần trên hiên,--xuống vườn,--ra đường,--tắt ngúm. Hai bên đầu, chàng trai mù cảm nhận một dòng chất lỏng âm ấm nhỏ giọt; nhưng chàng không dám dơ tay lên...


Trước lúc rạng đông, sư ông đã quay về. Ngài lập tức đi vội đến hàng hiên đàng sau chùa, bước lên và vấp phải một thứ gì nhơm nhớp, và kêu lên hãi hùng; --vì ngài thấy, dưới ánh đèn lồng, cái thứ nhớp dính đó là máu. Nhưng ngài nhận ra Hoichi vẫn ngồi đó, theo kiểu tọa thiền--máu còn ri rỉ từ vết thương.


"Tội nghiệp Hoichi!" sư ông hoảng hồn, la lớn,--"Cái gì đây?...Hiền đệ bị thương à?"...


Nghe tiếng của bạn mình, chàng trai mù cảm thấy an toàn. Chàng òa khóc, và nức nở kể lại cuộc phiêu lưu của chàng tối hôm qua.


"Tội nghiệp, tội nghiệp Hoichi!" sư ông nói,--"tất cả là lỗi của ta!--một lỗi lầm nghiêm trọng! "...Tâm Kinh đã được chép lên khắp cơ thể hiền đệ--chỉ còn sót lại hai vành tai! Ta đã tín cẩn giao phần việc ấy cho người tăng sinh; và ta đã phạm một lỗi lớn khi không kiểm tra lại việc làm của hắn...Bây giờ không thể nào làm gì hơn nữa;--chỉ còn cách điều trị vết thương của hiền đệ càng sớm càng tốt...Hãy vui lên, hiền đệ!--Nguy hiểm đã qua. Hiền đệ sẽ không bao giờ bị những người khách ấy quấy rầy nữa."


Với sự trợ giúp của một lương y, Hoichi sớm lành lặn. Câu chuyện phiêu lưu của chàng được lan truyền xa gần, và chẳng bao lâu chàng trở nên nổi tiếng. Nhiều nhà quý tộc tìm đến Akamagaséki để nghe chàng ngâm thơ; và chàng được ban thưởng rất nhiều tiền, do đó trở thành một người giàu có... Nhưng từ cuộc phiêu lưu của chàng trở về sau, người ta chỉ gọi chàng bằng cái tên "Mimi-Nashi-Hoichi: "Hoichi-không-tai" mà thôi.


Hết
:wlkdg:
Trả lời

Quay về “Góc Lan Huệ”