Mấy Việt kiều đầu tiên

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Mấy Việt kiều đầu tiên

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Mấy Việt kiều đầu tiên





    Bạn bè gặp nhau tào lao đủ thứ chuyện. Hết chuyện ta bên Tây lại quay về chuyện Tây bên ta. Bất ngờ có người thắc mắc:
    - Ai là Việt kiều đầu tiên?
    Câu hỏi chính xác, nhưng Việt kiều là người thế nào?

    Từ điển tiếng Việt định nghĩa Kiều bào là người dân nước mình sinh sống ở nước ngoài. Theo nghĩa này thì Việt kiều là người Việt sống ở nước ngoài.

    Mời các bạn cùng đi tìm những Việt kiều, người Việt sống ở nước ngoài, có tên tuổi trong sử sách.
    - Việt kiều "tị nạn chính trị" đầu tiên:

    • Mà trong ngọc diệp kim chi
      Lũ Trần Ích Tắc sao đi đầu hàng?


    Trần Ích Tắc, em vua Trần Nhân Tôn, tự phụ là người thông minh mà không được thoả mãn nguyện vọng, thường đem thư riêng gửi khách buôn ở Vân Đồn xin nhà Nguyên đem quân sang nước Nam.

    Năm 1285, quân Nguyên sang xâm lấn, Tắc đầu hàng ngay, cốt mong cho mình được làm vua trong nước. Muốn cơ mi Ích Tắc, nhà Nguyên phong cho hắn tước An Nam quốc vương. Lúc ấy Văn Chiêu hầu là Văn Lộng, Văn Nghĩa hầu là Tú Hoãn và bọn Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long cũng đều đem cả gia quyến đầu hàng nhà Nguyên.

    Năm 1292, nhà vua sai Nguyễn Đại Phạp sang sứ nhà Nguyên

    Đại Phạp đến Ngạc Châu thấy Ích Tắc cũng ngồi đấy, Đại Phạp không chào hỏi. Ích Tắc hỏi rằng: "Có lẽ anh là thư nhi nhà Chiêu Đạo vương thì phải ?" Đại Phạp trả lời: "Cuộc đời thay đổi, Đại Phạp này, trước là thư nhi của Chiêu Đạo vương, nhưng nay là sứ thần một nước, cũng như bình chương trước là con vua một nước, mà bây giờ lại là người đi đầu hàng địch!". Ích Tắc nghe Đại Phạp nói, tỏ nét mặt hổ thẹn. Tự đấy hễ khi nào có sứ thần nước ta đến, Ích Tắc không ngồi ở sảnh đường nữa (1).

    Trần Ích Tắc là Việt kiều xin "tị nạn chính trị" đầu tiên tại Trung Quốc.

    - Việt kiều đi "đoàn tụ gia đình" đầu tiên:

    • Nước non ngàn dặm ra đi,
      Mối tình chi?
      Mượn màu son phấn, đền nợ Ô, Lý
      Đắng cay vì (...)


    Năm 1306, vua Trần Anh Tôn gả Công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Lý (Quảng Trị, Thừa Thiên).

    Hai năm sau vua Chiêm chết. Theo tục Chiêm thì Huyền Trân phải lên giàn lửa chết theo chồng. Vua Trần liền sai Trần Khắc Chung mượn tiếng sang Chiêm đi phúng điếu, tìm cách bắt Huyền Trân đưa về nước.
    Công chúa Huyền Trân đi làm dâu Chiêm Thành, sống hai năm ở nước ngoài. Bà là Việt kiều đầu tiên được đi "đoàn tụ gia đình".

    - Tháng 7 năm 1783,

    Vua (Nguyễn Phúc Ánh) nghe tin Bá Đa Lộc ở Chan Bôn (đất Xiêm), sai người đến mời. Bá Đa Lộc là người Phú Lãng Sa, thường qua lại khoảng Chân Lạp và Gia Định, nhân đến yết kiến vua và xin giúp sức. Vua lấy lễ khách mà đãi. Đến đây vua mời đến, dụ rằng:

    - Hiện nay giặc Tây Sơn chưa dẹp được, bốn mặt kinh đô còn nhiều đồn luỹ mà đảo Thổ Châu và đảo Phú Quốc không chỗ nào ở yên được, vận nước ta gặp bước gian truân, khanh đã rõ rồi. Khanh có thể vì ta đi sứ sang Đại Tây, nhờ đem quân sang giúp ta được không?

    Bá Đa Lộc xin đi. Hỏi lấy gì làm tin. Vua nói:

    - Đời xưa các nước giao ước cùng nhau, lấy con làm tin. Ta lấy con là Cảnh làm tin. Cảnh 4 tuổi, mới lìa lòng mẹ, ta đem uỷ thác cho khanh, mong khanh khéo bảo hộ. Non sông cách trở, đường sá gian nan, nếu có biến cố thì khanh nên giữ Cảnh mà tránh.

    Bá Đa Lộc lạy xin vâng mệnh. Vua và phi cầm nước mắt đưa con. Sai bọn Phó vệ uý Phạm Văn Nhân và Cai cơ Nguyễn Văn Liêm cùng đi.

    Cảnh đi rồi, vua bỏ ra một thoi vàng (vàng 10 tuổi, 20 lạng) chặt đôi trao cho phi một nửa dặn rằng:

    - Con ta đi rồi, ta cũng đi đây. Phi ở lại phụng thờ quốc mẫu, chưa biết sau này gặp nhau ở nơi nào, ngày nào, hãy lấy vàng này làm tin (2).

    Mùa đông năm giáp thìn (1784), Bá Đa Lộc đem Hoàng tử Cảnh cùng với Phạm Văn Nhân, Nguyễn Văn Liêm xuống tàu sang Tây. Phái đoàn ghé vào thành Pondichéry (Ấn Độ) và ở lại đây gần 20 tháng.

    Đến mùa xuân năm đinh mùi (1787), tàu chở phái đoàn mới đến cửa biển Lorient ở phía tây nước Pháp.
    Bá Đa Lộc đưa Hoàng tử Cảnh (8 tuổi) vào yết kiến Pháp hoàng Louis XVI. Pháp hoàng lấy vương lễ tiếp đãi Hoàng tử, và giao cho thượng thư bộ Ngoại giao là bá tước De Montmorin thương nghị với Bá Đa Lộc việc sang giúp Nguyễn vương (...).

    Ngày mồng 8 tháng chạp tây, năm 1787, Bá Đa Lộc vào bái tạ Pháp hoàng Louis XVI, rồi đem Hoàng tử Cảnh xuống tàu Méduse trở về nước Nam (...).

    Tháng 6 năm kỷ dậu (1789), Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh (10 tuổi) về đến Gia Định. Các tàu buôn chở súng ống thuốc đạn cũng lục tục sang sau (3).

    Hoàng tử Cảnh đi làm con tin năm 4 tuổi, trở về nước năm 10 tuổi, nhưng trước sau chỉ ở Pháp chưa đầy một năm. Không lâu bằng thời gian ở Ấn Độ.

    Lớn lên, Hoàng tử Cảnh tham dự nhiều chiến trận chống quân Tây Sơn.

    Tháng 8 năm 1794, vua thấy Đông cung (Cảnh) ở lâu chốn biên thành, sai đem tướng sĩ dinh Tả quân về Gia Định trước.

    Năm 1797, Đông cung tiến quân lấy chợ Đông An ở Hội An. Chiếm Chiêm Dinh (tức là dinh Quảng Nam). Thắng trận La Qua. Đông cung đóng đồn tại Phú Chiêm.

    Tháng 2, ngày Quý sửu, năm Tân dậu (1801), Đông cung nguyên suý quận công Cảnh mất. Trước kia Đông cung từ Tây Dương về, từng theo đánh giặc, đến nay Lưu trấn Gia Định, bị bệnh đậu mùa mất, 22 tuổi.
    Vua nghe tin rất thương xót. Sai Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Tử Châu, hiệp cùng Lễ bộ lo việc tang (...) (4).
    Bộ sử Đại Nam thực lục của nhà Nguyễn chép chi tiết, rõ ràng. Nhưng không giật gân, hấp dẫn bằng sử Tửu đồ nhà quê của Duyên Anh:

    Theo Bá Đa Lộc sang Pháp làm con tin, hoàng tử Cảnh sống lâu ngày bên Pháp. Trong khi Bá Đa Lộc tình nguyện lính đánh thuê, bỏ tiền của giáo hội La mã, mua súng đạn, tàu bè giúp Nguyễn Ánh. Thắng Tây Sơn Quang Toản, Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, lên làm Gia Long. Sợ rằng, sau ta có hoàng tử Cảnh nối nghiệp vua, mà hoàng tử Cảnh, chắc chắn, bị văn minh nước Pháp quyến rũ, sẽ tạo ra một triều đình văn minh tây phương, Gia Long gọi hoàng tử Cảnh về, giam nhốt ở đảo Phú Quốc. Muốn giết con của mình êm thắm, Gia Long tung tin hoàng tử Cảnh bị bệnh đậu mùa, phải đưa ra Phú Quốc, và chết rồi. Gia Long lại giết Bá Đa Lộc, để tuyệt hết sự thật. (...).

    Hoàng tử Cảnh bị Gia Long đầy ra Phú Quốc, sống cô độc tới ngày chết, không được tiếp xúc với ai. Bệnh đậu mùa mà! Sợ lây tàn tán. (...).

    Gia Long bịp bợm quần thần, và bá tánh. Nhưng dân gian ở Phú Quốc thì Gia Long không bịp nổi. Hoàng tử Cảnh chết, Gia Long quăng xác xuống biển, chết không một nấm mồ (...).

    • Gió đưa cây cải về trời
      Rau răm ở lại chịu đời đắng cay

    (Theo Duyên Anh thì câu ca dao miền Nam này xuất phát từ đảo Phú Quốc)

    Gió là Gia Long. Cây cải là Minh Mạng. Về trời là lên ngôi thiên tử. Rau răm là hoàng tử Cảnh ở lại là ở đảo Phú Quốc, những người theo Gia Long tỵ nạn ở Phú Quốc, sau về Thừa Thiên hết, chỉ một hoàng tử Cảnh bị ở lại. Chịu đời đắng cay là bị vu cáo cho bệnh đậu mùa, bị giết, bị quăng xác xuống biển.

    - Chú phải hiểu xuất xứ của ca dao, mới hiểu được ý nghĩa của ca dao (...) (5).

    Duyên Anh không cho biết đã dựa vào tài liệu nào để dựng lên vở tuồng "Gia Long giết Hoàng tử Cảnh" với nhiều tình tiết bi đát như vậy?

    Trước Duyên Anh 80 năm, Bố chánh sứ tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Văn Mại cũng đã từng tìm cách giải thích câu ca dao "lá cải" kể trên:

    Cải, rau cải có thể làm dưa, tháng mùa đông bắt đầu gieo hột mà trồng. Trời, Thiên triều, triều nhà Thanh bên Tàu. Nước ta trải qua các đời đều chịu triều đình Trung Quốc phong cho, cho nên gọi nước Trung Quốc là Thiên triều. Răm, thứ rau có vị cay, mọc ở chỗ đất thấp (...).

    Đến khi vua Chiêu Thống sai người sang cầu cứu nhà Thanh thì trước hết bí mật khiến người hộ tống Thái hậu và Nguyên tử (con trai trưởng của vua) đi sang Tàu.

    Còn Cung phi Nguyễn Thị Kim đi theo không kịp, phải buồn hận trở về âm thầm ẩn tránh trong dân gian lo việc làm ruộng nuôi tằm và dệt vải để sống bằng sức lực của mình (...).

    Cải là thứ rau có vị đắng ví với Thái hậu. Rau răm cũng có vị đắng ví với Cung phi (6).

    Nguyễn Văn Mại biết "vui thú điền viên", nhâm nhi rau dưa. Nhưng giải thích của ông còn thiếu Đàn bà con mắt lá răm và Ai làm cho cải tôi ngồng...

    Trở lại chuyện Hoàng tử Cảnh.

    Hoàng tử và hai ông Phạm Văn Nhân, Nguyễn Văn Liêm là ba người Việt đầu tiên đặt chân lên đất Pháp. Nhưng ba ông không ở lại, không định cư tại Pháp. Nói theo ngôn ngữ ngày nay thì các ông chưa phải là Việt kiều tại Pháp.

    - Vậy Việt kiều đầu tiên tại Pháp là ai?
    - Là bà Magdeleine Sen.


    Bà Sen sinh năm 1791 tại Phường Đúc (Huế), trong môt gia đình theo đạo Thiên chúa. Cha bà tên là Dong (tên do người Pháp viết).

    Năm 1811, cô Magdeleine Sen lấy chồng là Philippe Vannier (1762-1842). Chồng bà là một trong ba người Pháp theo Bá Đa Lộc sang giúp Gia Long chống lại nhà Tây Sơn (Hai người kia là Jean Baptiste Chaigneau và de Forçant). Vannier được Gia Long ban tên Việt là Nguyễn Văn Chấn.

    Năm 1825, sau 36 năm sống tại Việt Nam, Vannier đưa vợ và 4 người con về Pháp. Bà Magdeleine Sen-Dong (tên ghi trong giấy khai tử) mất ngày 6 tháng 4 năm 1878, thọ 87 tuổi. Mộ bà nằm trong nghĩa trang tỉnh Lorient (miền tây nước Pháp). Bà Magdeleine Sen sống 53 năm trên đất Pháp (7).

    Bà Magdeleine Sen là Việt kiều "đi định cư" đầu tiên tại Pháp.

    - Tháng 8 năm 1877, Việt Nam cử một phái đoàn đi sứ sang Pháp do Nguyễn Tăng Doãn làm trưởng đoàn. Chuyến đi còn có thêm một đoàn do Nguyễn Thành Ý dẫn đầu sang tham dự "hội chợ quốc tế".

    Xong công việc chính thức tại Pháp, đoàn đi sứ xin phép sang chào vua Tây Ban Nha.

    Ngày 15/5/1878, một người tên Hoá đến gặp phái đoàn tại khách sạn. Hoá là người Đà Nẵng, mồ côi cha mẹ. Khi xảy ra sự cố Pháp và Tây Ban Nha đánh Đà Nẵng (8/5/1859), Hoá mới được 8 tuổi, đang hầu việc cho một viên chức người Tây Ban Nha, được người này đưa về nước, cho rửa tội theo đạo Thiên chúa.

    Ngày 22/5/1878, một người Công giáo Việt Nam khác tên là Dưỡng, 25 tuổi, đến thăm phái đoàn. Dưỡng bị một người Tây Ban Nha bắt trong trận đánh Đà Nẵng, đưa sang Manille (Phi Luật Tân) trước khi đưa về Tây Ban Nha.

    Dưỡng lấy vợ người Tây Ban Nha, có 1 con trai, sinh sống bằng nghề thợ sơn, sửa đồng hồ (8).
    Hoá và Dưỡng là hai Việt kiều đầu tiên "đi lao động" tại Tây Ban Nha.

    - Sau khi chiếm được Huế, ngày 28/7/1885 tướng De Courcy ra lệnh bắt quan nguyên Phụ chính Nguyễn Văn Tường, quan Hộ bộ thượng thư Phạm Thận Duật và Tôn Thất Đính là thân sinh ra Tôn Thất Thuyết, đem đày ra Côn Lôn.

    Phạm Thận Duật đang đi tàu thì mất, phải ném xuống bể.

    Nguyễn Văn Tường thì sau lại phải đày ra hải đảo Tahiti ở Thái Bình Dương, được ít lâu cũng mất, cho đem xác về chôn ở quê nhà (9).

    Nguyễn Văn Tường là người Việt đầu tiên đến Tahiti, nhưng ông không sống lâu tại đây.

    - Nguyễn Văn Cẩm sinh năm 1875 tại tỉnh Thái Bình, thuở nhỏ thông minh, hay chữ được vua Tự Đức ban tên Kỳ Đồng (đứa bé kỳ diệu).

    Ông được Pháp cấp học bổng sang học tại Alger. Học mấy năm thi đỗ tú tài khoa học kiêm văn chương. Nước ta đỗ tú tài Pháp, có lẽ ông là người trước nhất.

    Kỳ Đồng ở Alger, qua Pháp mấy năm, rồi trở về nước mở đồn điền năm 1897.

    Khoảng đầu năm 1898, Pháp nghi ngờ, hạ lệnh bắt ông, đày sang quần đảo Marquises (Thái Bình Dương). Ông lấy vợ người bản xứ, sinh được 1 con trai, 1 con gái.

    Vì sinh kế, năm 1911 ông theo Bonhoure đến đảo Tahiti, vào làm chuyên viên thí nghiệm dược khoa tại bệnh viện của đảo.

    Ông mất năm 1929 tại Tahiti, thọ 55 tuổi (10).

    Kỳ Đồng là "nhà khoa học" Việt kiều đầu tiên sống tại Marquises và Tahiti.

    - Ngày 30/10/1888, vua Hàm Nghi bị Trương Quang Ngọc phản bội, bắt nộp cho Pháp. Pháp cho tàu La Comète chở nhà vua vào Sài Gòn rồi chuyển sang tàu Biên Hoà đày vua qua Algérie từ ngày 13/1/1889.

    Vua Hàm Nghi lấy vợ người Pháp, có 1 con trai, 2 con gái, sống 54 năm tại Alger và mất tại đây ngày 4/1/1943.

    Vua Hàm Nghi là Việt kiều "đế vương" đầu tiên tại Algérie.

    - Năm 1916, Pháp đày hai cha con vua Thành Thái, Duy Tân sang đảo Réunion (Ấn Độ dương, gần châu Phi). Hai cha con đến Poutre de Galets ngày 20/11/1916.

    Vua Duy Tân có hai bà vợ người Pháp, sinh được 3 con trai và 2 con gái

    Tháng 6/1945 vua Duy Tân sang Pháp. Ngày 14/12/1945 gặp tướng De Gaulle. Ngày 25/12/1945, vua Duy Tân bị tai nạn máy bay, chết trên đường trở về đảo Réunion.

    Năm 1947, Pháp cho vua Thành Thái trở về Sài Gòn. Vua Thành Thái có nhiều vợ (người Pháp), mất ngày 20/3/1954 tại Sài Gòn (11).

    Vua Duy Tân và vua Thành Thái là Việt kiều đầu tiên tại đảo Réunion.

    ***


    Từ ngày Việt Nam mở cửa, người Việt được đi du lịch, đi du học, đi lao động, đi định cư. Tấp tểnh người đi tớ cũng đi. Đi cho biết đó biết đây.

    Người Việt bây giờ sinh sống tại rất nhiều nước.

    Năm ngoái, tại sân bay Tân Sơn Nhất, lúc ra phòng đợi, chúng tôi được một cô chạy theo, bắt chuyện.

    - Cô chú ơi, có phải cô chú đi Pháp không?
    - Phải. Có chuyện gì vậy?
    - Con xin lỗi làm phiền cô chú. Tới Pháp nhờ cô chú hướng dẫn con đổi máy bay để bay sang Anh. Con lo quá.
    - Khỏi lo. Đi với cô chú. Con đi du lịch hay đi thăm bà con?
    - Dạ, con... về nhà chồng. Hồi nãy con lo lỡ chuyến bay, muốn xỉu luôn.
    - Còn sớm mà...

    - Hồi nãy, cô công an lật qua lật lại hai ba lần hộ chiếu của con, rồi cô hỏi "Lần đầu ra khỏi nước phải không"? Con trả lời "Dạ phải". Cô hỏi tiếp "Sang Anh làm gì"? Con trả lời "Dạ, đi đoàn tụ gia đình".

    Cô nói phải nộp 30 bảng. Con xin trả bằng tiền Việt. Cô không chịu. Cô nói không có 30 bảng thì lỡ chuyến bay, ráng chịu nghen. Trời đất quỷ thần ơi, con sợ hết hồn, mau mau nộp 30 bảng. Cô cất tiền đâu vào đấy rồi mới trả hộ chiếu cho con.

    Không biết đến Pháp, đến Anh có phải nộp gì nữa không? Con lo lắm!

    - Giấy tờ hợp lệ, không mang đồ lậu thì khỏi lo. Không phải nộp cho ai cái gì cả. Các nước khác không có tục chăng giây.

    - Chăng giây là cái gì, chú?
    - Ngày xưa ở làng quê có tục: trẻ con chăng giây chặn đám rước dâu trước cổng nhà trai. Phải cho tiền chúng nó mới bỏ giây, cho đi.

    Thôi, dẹp mấy cái "phức tạp" đi. Sắp được Tung cánh chim tìm về tổ ấm rồi!



    Nguyễn Dư
    (Lyon, 12/2016)

    (1)- Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 1,
    Giáo Dục, 1998, tr. 546).

    (2),(4)- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Giáo Dục, 2002, tr. 218, tr. 433.

    (3), (9)- Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, tập 2, Miền Nam tái bản, tr. 150-152, tr. 327.

    (5)- Duyên Anh, Ca dao quyện lấy miếng ngon dân tộc, Vũ Trung Hiền, 1995, tr.144-145.

    (6)- Nguyễn Văn Mại, Việt Nam phong sử, Lao Động, 2004, tr. 210-211.

    (7)- BAVH, 4-6/1935, tr. 121,129.

    (8)- BAVH, 4/1920, tr. 365.

    (10)- Lãng Nhân, Giai thoại làng Nho, Nam Chi Tùng Thư, 1966, tr. 723-731.

    (11)- Nguyễn Đắc Xuân, Chín đời chúa mười ba đời vua Nguyễn,
    Thuận Hoá, 1998, tr.142-153.


    Nguồn: http://chimvie3.free.fr


              
Trả lời

Quay về “trang Lịch Sử”